Võ Thái Hà tổng hợp
Hai lãnh đạo Mỹ, Trung điện đàm: Xử lý ‘‘có trách nhiệm’’ các tranh chấp là trọng tâm
Trọng Thành /RFI
03/4/2024
Hôm qua, 02/04/2024, lần đầu tiên kể từ thượng đỉnh tháng 11/2023, tổng thống Hoa Kỳ Joe Biden và chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình điện đàm. Cuộc điện đàm kéo dài gần 2 giờ đồng hồ là dịp để hai bên điểm lại một số lĩnh vực hợp tác song phương hiếm hoi, và đặc biệt là tìm cách xử lý các cạnh tranh ‘‘một cách có trách nhiệm’’, tránh để xung đột bùng phát.
Tổng thống Mỹ Joe Biden (P) và chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình, trong cuộc gặp bên lề thượng đỉnh APEC, tại Woodside, California, Hoa Kỳ, ngày 15/11/2023. REUTERS - Kevin Lamarque
Hoa Kỳ kêu gọi ‘‘hòa bình và ổn định’’ tại eo biển Đài Loan, trong lúc Trung Quốc coi việc ủng hộ Đài Loan ‘‘độc lập’’ là điều không thể chấp nhận được, ‘‘lằn ranh đỏ quan trọng nhất’’ trong quan hệ Mỹ - Trung. Ngăn chặn tham vọng của Trung Quốc tiếp cận với các công nghệ tân tiến đe dọa an ninh quốc gia của Mỹ, các hoạt động Trung Quốc đe dọa ‘‘quyền tự do hàng hải ở Biển Đông’’ cũng như việc Bắc Kinh tăng cường hỗ trợ ‘‘cỗ máy chiến tranh Nga’’, là các hồ sơ nóng khác.
Thông tín viên Guillaume Naudin từ Washington cho biết thêm chi tiết:
“Đối thoại thẳng thắn và mang tính xây dựng” là cách mà các nhà ngoại giao dùng để mô tả về những cuộc họp mà ở đó các đồng thuận thừa nhận về những bất đồng. Cuộc điện đàm kéo dài gần hai tiếng đồng hồ giữa tổng thống Mỹ và lãnh đạo Trung Quốc đã diễn ra trên tinh thần đó.
Đây là cuộc điện đàm đầu tiên kể từ cuộc thượng đỉnh tháng 11 năm ngoái, gần San Francisco, với kết quả là hai bên cam kết duy trì liên lạc và quản lý một cách có trách nhiệm các cạnh tranh. Trước cuộc thượng đỉnh tháng 11 nói trên, đây không phải là điều luôn diễn ra, đặc biệt là các liên lạc giữa giới quân sự hai nước trước đó đã bị gián đoạn trong một thời gian dài.
Trong cuộc điện đàm hôm qua, hai ông Tập Cận Bình và Joe Biden đã điểm lại các lĩnh vực hợp tác song phương hiếm hoi trong cuộc chiến chống buôn bán ma túy, chống biến đổi khí hậu, những rủi ro liên quan đến trí tuệ nhân tạo và việc duy trì các đường dây liên lạc.
Bộ trưởng Tài chính Janet Yellen và ngoại trưởng Anthony Blinken sẽ sớm đến Trung Quốc. Họ sẽ có thể thảo luận với phía Trung Quốc về tất cả những gì mà Washington đang chỉ trích Bắc Kinh, như các hoạt động thương mại bị coi là ‘‘bất chính’’, áp lực của Bắc Kinh đối với Đài Loan, sự hiện diện quân sự của Trung Quốc ngày càng trở thành mối đe dọa đối với quyền tự do hàng hải ở Biển Đông, các nỗ lực can thiệp vào năm bầu cử Mỹ đang diễn ra, việc Trung Quốc hậu thuẫn cỗ máy chiến tranh của Nga ở Ukraina, và những nỗ lực nhằm chiếm lĩnh các công nghệ tiên tiến mà Hoa Kỳ đang làm mọi cách để ngăn chặn.
Bộ trưởng Tài Chính Mỹ Janet Yellen tới Trung Quốc ngày mai, 04/04, lần thứ hai kể từ 8 tháng nay. Theo AFP, trong chuyến công du kéo dài đến ngày 09/04, lãnh đạo bộ Tài Chính Mỹ dự kiến sẽ tập trung thảo luận với phía Trung Quốc về ‘‘các hậu quả đối với nền kinh tế toàn cầu của việc Trung Quốc sản xuất hàng hóa quá mức cần thiết’’, cũng như giá cả hàng hóa quá thấp trong các lĩnh vực như xe ô tô điện, bình điện lithium - ion, pin mặt trời, cản trở sự trỗi dậy của công nghiệp Mỹ về các mặt này.
Báo chí Nhà nước Trung Quốc tỏ thái độ thiện cảm với bộ trưởng Tài Chính Janet Yellen. Nhật báo China Daily, trong một bài viết hồi tuần trước, đặt hy vọng vào chuyến công du của bộ trưởng Tài Chính Mỹ, người vốn được tiếng là ‘‘có lập trường thực tiễn và cởi mở’’, và được nhiều đối tác Trung Quốc tin cậy. Tuy nhiên, theo chuyên gia Patricia Kim, viện Brookings Institution, ít tháng cuộc bầu cử tổng thống và Quốc Hội Mỹ, ‘‘cả hai bên đều không dự kiến khởi động các đàm phán và các sáng kiến song phương nào’’.
Động đất mạnh 7,2 độ richter làm rung chuyển Đài Loan; Nhật ra cảnh báo sóng thần
03/4/2024
Động đất ở Đài Loan sáng ngày 3/4/2024.
Một trận động đất ngoài khơi Đài Loan với cường độ 7,2 độ richter làm rung chuyển thủ đô Đài Bắc vào sáng ngày 3/4, gây mất điện ở một số khu vực của thành phố, theo Reuters. Trận động đất gần Đài Loan khiến Nhật Bản, Philippines phát cảnh báo sóng thần.
Các đài truyền hình Đài Loan chiếu cảnh một số tòa nhà bị sập ở Hoa Liên, gần tâm chấn trận động đất, và truyền thông đưa tin một số người bị mắc kẹt.
Theo một nhân chứng của Reuters, trận động đất có thể được cảm nhận ở xa tới tận Thượng Hải.
Cơ quan thời tiết trung ương Đài Loan cho biết tâm chấn nằm ngay ngoài khơi hạt Hoa Liên ở miền đông của đảo Đài Loan.
Sau trận động đất ở Đài Loan, chính phủ Nhật Bản đưa ra khuyến cáo sơ tán đối với các khu vực ven biển của tỉnh Okinawa thuộc miền nam, vẫn theo Reuters.
Theo Cơ quan Khí tượng Nhật Bản (JMA), sóng thần cao tới 3 mét dự báo sẽ tràn tới các khu vực rộng lớn ở bờ biển phía Tây Nam Nhật Bản.
JMA cho hay một làn sóng cao 30 cm đã ập vào đảo Yonaguni lúc 9h18 sáng giờ địa phương.
Cơ quan Địa chấn Philippines cũng đưa ra cảnh báo với người dân ở khu vực ven biển của một số tỉnh, kêu gọi họ sơ tán đến vùng đất cao hơn.
Theo truyền thông nhà nước Trung Quốc, trận động đất được cảm nhận thấy ở Phúc Châu, Hạ Môn, Tuyền Châu và Ninh Đức thuộc tỉnh Phúc Kiến của Trung Quốc.
Chính quyền thành phố Đài Bắc chưa nhận được bất kỳ báo cáo nào về thiệt hại và hệ thống tàu điện ngầm của thành phố đã hoạt động trở lại ngay sau đó.
Hãng thông tấn trung ương chính thức của Đài Loan nói rằng trận động đất này là trận động đất lớn nhất xảy ra trên đảo kể từ năm 1999 khi trận động đất mạnh 7,6 độ richter khiến khoảng 2.400 người thiệt mạng.
Hoa Kỳ: Các nhà lập pháp Hạ viện kêu gọi thêm 7 công ty công nghệ sinh học Trung Quốc vào danh sách quân sự
Frank Fang
Thanh Nhã biên dịch
Thứ tư, 03/04/2024
Tài liệu quân sự và học thuật của Trung Quốc đã lập luận rằng ‘thành công trên chiến trường tương lai sẽ đòi hỏi phải đạt được sự thống trị trong ngành sinh học.’
Bộ trưởng Quốc phòng Hoa Kỳ Lloyd Austin nói chuyện với giới truyền thông tại buổi nhóm họp lần thứ bảy của Nhóm Liên lạc Quốc phòng Ukraine tại Căn cứ Không quân Ramstein ở Ramstein-Miesenbach, Đức, hôm 19/03/2024. (Ảnh: Thomas Niedermueller/Getty Images)
Một thành viên Đảng Cộng Hòa hàng đầu cùng với một thành viên Đảng Dân Chủ trong Ủy ban Đặc biệt của Hạ viện về Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) đang kêu gọi chính phủ Tổng thống (TT) Biden bổ sung bảy công ty công nghệ sinh học Trung Quốc vào một danh sách gồm “các công ty quân sự Trung Quốc.”
Trong một lá thư gửi cho Bộ trưởng Quốc phòng Lloyd Austin hôm 29/03, Dân biểu Mike Gallagher (Cộng Hòa-Wisconsin) và Dân biểu Raja Krishnamoorthi (Dân Chủ-Illinois) cho biết bảy công ty này có khả năng là các bên trợ lực cho Quân Giải phóng Nhân dân (PLA) theo chiến lược hợp nhất quân sự-dân sự (MCF) của Trung Quốc.
Bảy công ty công nghệ sinh học Trung Quốc kể trên là Tập đoàn MGI, Complete Genomics, Innomics, Stomics, Origincell, Yazyme Biotech, và Axbio.
Bằng cách sử dụng chiến lược này, mục đích của ĐCSTQ là có được các công nghệ tân tiến, bao gồm chất bán dẫn và trí tuệ nhân tạo. Theo Bộ Ngoại giao, Trung Quốc đang thực hiện chiến lược này thông qua “các phương tiện hợp pháp và bất hợp pháp,” như trộm cắp, để giành được ưu thế trong lĩnh vực quân sự. Bộ Quốc phòng Hoa Kỳ cũng cảnh báo rằng, các công ty tư nhân, viện nghiên cứu liên hợp, và giới học viện đang “bị lợi dụng” để giúp đỡ cho sự tiến bộ của quân đội ĐCSTQ, thường là “không dựa trên sự hiểu biết hoặc không có sự đồng ý của họ.”
Hai nhà lập pháp nói trên lưu ý rằng tư liệu quân sự và học thuật của ĐCSTQ đã lập luận rằng “thành công trên chiến trường trong tương lai sẽ đòi hỏi phải đạt được ‘sự thống trị trong ngành sinh học.’” Kết quả là, họ kêu gọi ông Austin thêm các công ty nói trên vào danh sách.
“Cần phải có hành động khẩn cấp để xác định các tổ chức công nghệ sinh học của CHND Trung Hoa đi đầu trong lĩnh vực này,” bức thư viết, đề cập đến tên chính thức của Trung Quốc, Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa.
Theo bức thư, Tập đoàn MGI và Complete Genomics là hai công ty con của công ty BGI liên kết với PLA, trong khi Innomics và Stomics là hai công ty con của BGI hoạt động tại Hoa Kỳ.
Hồi tháng 06/2020, Ngũ Giác Đài đã bắt đầu thêm các công ty Trung Quốc vào danh sách của mình. Hồi tháng Một, Ngũ Giác Đài đã thêm BGI, nhà sản xuất vi mạch bán dẫn bộ nhớ YMTC, công ty trí tuệ nhân tạo Megvii, tập đoàn sản xuất xe lửa Trung Quốc CRRC, China Telecom, nhà sản xuất drone DJI, và nhiều công ty Trung Quốc khác vào danh sách.
Vào năm 2020, hai trong số các công ty con của BGI, Con đường Tơ lụa Tân Cương BGI (Xinjiang Silk Road BGI) và BGI Bắc Kinh Lục Hợp (Beijing Liuhe BGI), đã được thêm vào Danh sách Tổ chức của Bộ Thương mại, vì có liên quan đến các vi phạm nhân quyền ở khu tự trị Tân Cương viễn tây Trung Quốc.
“MGI sử dụng công ty Complete Genomics ở thị trường Hoa Kỳ để cạnh tranh, thường ít người biết rằng Complete Genomics có liên hệ với MGI, BGI, và ĐCSTQ,” bức thư viết. “STOmics là một công ty con có nhiệm vụ tương tự, không đề cập đến mối quan hệ của chính công ty này với BGI trên trang web tiếng Anh của mình, nhưng trang web tiếng Quan Thoại của STOmics tự hào nhận mình là một công ty con của BGI.”
Theo bức thư này, Origincell có mối quan hệ với Ban Công tác Mặt trận Thống nhất (UFWD) của ĐCSTQ.
Bức thư viết, “Origincell là nhà cung cấp chính cho một dự án hợp nhất quân sự-dân sự để xây dựng ngân hàng lưu trữ mẫu sinh học, và công ty này đã cung cấp địa điểm hoạt động cho các quan chức từ Ban Công tác Mặt trận Thống nhất của ĐCSTQ ngay tại trụ sở công ty.”
Tại Trung Quốc, Ban Công tác Mặt trận Thống nhất của ĐCSTQ báo cáo trực tiếp cho Ủy ban Trung ương, đứng đầu là lãnh đạo ĐCSTQ Tập Cận Bình. UFWD điều phối hàng ngàn nhóm để thực hiện các hoạt động gây ảnh hưởng chính trị ở ngoại quốc, đàn áp tiếng nói và hoạt động của những người bất đồng chính kiến, thu thập thông tin tình báo, và tạo thuận tiện cho việc chuyển giao công nghệ sang Trung Quốc.
Hồi tháng Mười Hai năm ngoái, ông Gallagher đã phát hành một video giải thích phạm vi hoạt động rộng lớn của ĐCSTQ thông qua mạng lưới Mặt trận Thống nhất. Một ví dụ mà ông đưa ra là chương trình chiêu mộ nhân tài của Trung Quốc, Chương trình Ngàn Nhân tài.
“Người Mỹ cần hiểu rằng hoạt động của Mặt trận Thống nhất của ĐCSTQ không chỉ là mối đe dọa ở những nơi xa xôi đâu đó, mà đó là một mối đe dọa ngay tại mảnh đất quê hương này,” ông Gallagher nói trong video của mình.
Hai nhà lập pháp này cũng yêu cầu ông Austin tham dự một cuộc họp với các nhân viên của Ủy ban Đặc biệt trước ngày 01/05 về việc Ngũ Giác Đài sẽ thêm nhiều công ty công nghệ sinh học Trung Quốc “có vấn đề” hơn vào danh sách của mình theo Mục 1312 của Đạo luật Quốc Phòng cho Năm Tài khóa 2024.
Phúc đáp một câu hỏi từ Reuters, Ngũ Giác Đài cho biết họ không có bất kỳ bình luận nào.
“Bộ Quốc phòng cung cấp các câu trả lời trực tiếp cho các thành viên Quốc hội về những vấn đề kiểu này,” một phát ngôn viên của bộ cho biết trong một tuyên bố. “Chúng tôi không có thông tin bổ sung hay chi tiết gì thêm để công bố tại thời điểm này.”
Các bộ trưởng NATO cân nhắc viện trợ quân sự 100 tỷ euro cho Ukraine
03/4/2024
Tổng thư ký NATO Jens Stoltenberg.
Các ngoại trưởng NATO nhóm họp vào ngày 3/4 để thảo luận về cách trợ giúp quân sự cho Ukraine một cách lâu dài, bao gồm đề xuất về quỹ 5 năm trị giá 100 tỷ euro (khoảng 107 tỷ USD), theo Reuters.
Các nhà ngoại giao nói rằng đề xuất của Tổng thư ký NATO Jens Stoltenberg sẽ làm cho khối liên minh phương Tây có vai trò trực tiếp hơn trong việc điều phối hoạt động cung cấp vũ khí, đạn dược và thiết bị cho Ukraine khi nước này chống lại cuộc xâm lược của Nga.
Các kế hoạch này sẽ được thảo luận trong cuộc họp kéo dài hai ngày tại Brussels nhân kỷ niệm 75 năm ngày thành lập Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) và chuẩn bị cho hội nghị thượng đỉnh các nhà lãnh đạo liên minh tại Washington vào tháng 7.
Cuộc họp sẽ cung cấp cái nhìn sâu sắc về việc các đồng minh châu Âu của Ukraine sẵn sàng hỗ trợ nỗ lực chiến tranh của Kyiv đến mức nào giữa lúc gói viện trợ quân sự cho Ukraine trị giá khoảng 60 tỷ USD vẫn bị đình trệ tại Quốc hội Mỹ.
Theo kế hoạch này, NATO sẽ đảm nhận một số công việc điều phối từ liên minh đặc biệt do Mỹ dẫn đầu được gọi là nhóm Ramstein - một động thái được thiết kế một phần để đề phòng bất kỳ sự cắt giảm hỗ trợ nào của Mỹ nếu cựu Tổng thống Donald Trump trở lại Nhà Trắng, các nhà ngoại giao cho biết.
Cho đến nay, NATO với tư cách là một tổ chức đã tập trung vào viện trợ phi sát thương cho Ukraine vì lo ngại rằng vai trò trực tiếp hơn có thể gây ra căng thẳng leo thang với Nga. Các thành viên của tổ chức này đã cung cấp cho Ukraine hàng tỷ USD vũ khí trên cơ sở song phương.
Các nhà ngoại giao cho hay ngày càng có quan điểm trong NATO rằng đã đến lúc đặt viện trợ quân sự cho Ukraine trên một nền tảng bền vững hơn và NATO là nơi tốt nhất để làm điều đó.
Một số người nói rằng lời đe dọa của Tổng thống Nga Vladimir Putin về việc coi các bước đi khác nhau của các đồng minh NATO là sự leo thang - chẳng hạn như cung cấp xe tăng và các hệ thống vũ khí tiên tiến khác - đã không dẫn tới sự trả đũa đối với họ.
Ngoại trưởng Hoa Kỳ Antony Blinken, người sẽ tham dự cuộc họp ở Brussels, nói tại Paris hôm 2/4 rằng NATO đang xem xét các biện pháp có thể đóng vai trò là “cầu nối cần thiết” để Ukraine trở thành thành viên của liên minh.
NATO tuyên bố rằng Ukraine không thể tham gia khi đang có chiến tranh với Nga nhưng sẽ trở thành thành viên vào một thời điểm nào đó.
Các nhà ngoại giao lưu ý rằng các cuộc thảo luận về đề xuất này vẫn đang ở giai đoạn đầu và chưa rõ liệu con số 100 tỷ euro có được chấp nhận hay nó sẽ được tài trợ như thế nào. Các quyết định của NATO đòi hỏi sự đồng thuận giữa 32 thành viên của liên minh.
Hoa Kỳ : Chủ tịch Hạ viện Johnson: Quốc hội Mỹ có thể sớm thông qua viện trợ cho Ukraine
Chủ tịch Hạ viện Mike Johnson. (Ảnh nguồn: AP Photo/David Becker)
Ông Mike Johnson cho biết Hạ viện Hoa Kỳ có thể sẽ bỏ phiếu về dự luật viện trợ Ukraine trị giá 61 tỷ USD, với một số “đổi mới” được bổ sung và dự luật được trở lại vào ngày 9 tháng 4.
Ông Johnson đã phải chịu áp lực rất lớn trong việc kêu gọi bỏ phiếu kể từ giữa tháng Hai, khi yêu cầu của Nhà Trắng được Thượng viện chấp thuận. Trò chuyện với Fox News vào tối Chủ nhật (31/3), ông Johnson cho biết ông ấy cũng có thể làm như vậy vào tuần tới.
Ông nói: “Khi chúng tôi xong đợt công việc này, chúng tôi sẽ làm việc với dự luật, nhưng tôi nghĩ nó sẽ có một số cải tiến quan trọng”.
Trong số các ý tưởng đang được xem xét như chuyển một phần khoản tài trợ thành một khoản vay đã được ông Donald Trump tán thành, hoặc sử dụng tài sản Nga bị tịch thu theo Đạo luật Tái thiết Thịnh vượng và Cơ hội Kinh tế (REPO) cho người Ukraine.
Ông Johnson nói: “Nếu chúng ta có thể sử dụng tài sản bị tịch thu của các nhà tài phiệt Nga để cho phép người Ukraine chiến đấu, thì cũng phù hợp … Ngay cả ông Trump cũng đã nói về khái niệm cho vay, chúng ta không chỉ cung cấp viện trợ nước ngoài mà còn có thể cung cấp trở lại cho Mỹ khi đến thời điểm thích hợp.”
Nhà Trắng ban đầu yêu cầu gói viện trợ Ukraine vào tháng 10/2023, như một phần của gói chi tiêu lớn hơn trị giá 100 tỷ USD bao gồm viện trợ quân sự cho Israel và Đài Loan. Ban đầu dự luật bị trì hoãn do Đảng Cộng hòa phế truất cựu Chủ tịch Hạ viện Kevin McCarthy và bầu cử cho ông Johnson.
Tuy nhiên, kể từ đó, nhiều thành viên Đảng Cộng hòa tại Hạ viện đã đột ngột từ chức, đe dọa thế đa số vốn đã mỏng manh của Đảng Cộng hoà.
Ông Johnson cũng cho rằng Đảng Cộng hoà khó có thể chấp nhận bất kỳ sự bất đồng quan điểm nào trong nội bộ.
Tuần trước, Hạ viện đã thông qua gói chi tiêu hạ tầng 1.200 tỉ USD để cứu vãn chương trình nghị sự của Tổng thống Joe Biden.
Trong khi một số thành viên Đảng Cộng hòa phản đối việc đổ thêm tiền vào Ukraine, nhưng họ đã yếu thế trước số người ủng hộ chính phủ Ukraine, và dự luật có cơ hội được thông qua với sự ủng hộ của Đảng Dân chủ.
Thanh Tâm, theo RT
Đại sứ Mỹ: Trung Quốc vừa muốn doanh nhân nước ngoài đầu tư, vừa muốn bắt giữ họ
Ông Rahm Emanuel, Đại sứ Hoa Kỳ tại Nhật Bản (Ảnh: White Cat Photo / Shutterstock)
Đại sứ Mỹ tại Nhật Bản Rahm Emanuel tiết lộ lý do khiến cuộc “tấn công quyến rũ” của Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) thất bại: Vừa tùy tiện bắt giữ các doanh nhân nước ngoài, vừa muốn họ đầu tư vào Trung Quốc thì tất nhiên là khó.
Đại sứ Mỹ tại Nhật Bản, ông Rahm Emanuel gần đây đã nhận một cuộc phỏng vấn với kênh truyền thông cá nhân China Talk để thảo luận về chủ đề lãnh đạo ĐCSTQ đàn áp doanh nghiệp.
Theo người dẫn chương trình Jordan Schneider của China Talk công bố trước đó trên kênh X vào thứ Hai (1/4), video đầy đủ của cuộc phỏng vấn sẽ được phát sóng vào thứ Ba.
Trong thông báo trước, Emanuel cho biết: “Trung Quốc có văn hóa khởi nghiệp mạnh mẽ, còn ông ấy (ám chỉ Tập Cận Bình) đã bóp nát tinh thần khởi nghiệp đó. Trong quá trình đè bẹp tinh thần khởi nghiệp và thực hiện các chiến lược của Tập Cận Bình, ông ấy đã phá nát niềm tin của cộng đồng quốc tế vào Trung Quốc”.
Vào ngày 27/3, 15 lãnh đạo doanh nghiệp Mỹ đã họp kín với lãnh đạo ĐCSTQ. Các nguồn tin cho thấy không những họ không thể giảm bớt lo ngại mà còn gia tăng cách nhìn tiêu cực đối với nền kinh tế Trung Quốc.
Ông Emanuel nói: “Tất nhiên là rất khó khi đã muốn mọi người quay lại và đầu tư, đồng thời lại muốn bắt giữ họ”.
Ông cho hay, các công ty nước ngoài 10 năm trước không có trở ngại gì khi họ muốn gửi nhân viên đến Bắc Kinh hoặc Thượng Hải, hoặc chuyển văn phòng đến Trung Quốc. Nhưng bây giờ mọi thứ đã khác.
Ông nói: “Muốn gia đình của một ai đó chuyển đến sống tại một thành phố mà họ có thể bị bắt hoặc hứng chịu phong tỏa bất cứ lúc nào, điều đó là không thể; vì vậy họ (ĐCSTQ) đã đánh mất niềm tin của cộng đồng quốc tế”.
Tương tự, cộng tác viên Michelle Caruso-Cabrera của đài truyền hình tài chính Mỹ CNBC hôm 27/3 tiết lộ trên mạng xã hội X rằng bà vừa phỏng vấn một giám đốc điều hành của Mỹ vừa tham gia “Diễn đàn Phát triển Trung Quốc” (CDF). Vị giám đốc điều hành giấu tên nói rằng sau cuộc họp kéo dài một tiếng rưỡi thì các doanh nhân càng thấy lo lắng hơn về việc đầu tư vào Trung Quốc.
Giám đốc điều hành này cho biết “môi trường để đầu tư kinh doanh [vào Trung Quốc] vẫn còn khủng khiếp”, niềm tin vào nền kinh tế Trung Quốc rất thấp.
Trong cuộc phỏng vấn ngày 28/3 với chương trình Squawk Box của CNBC, Caruso Cabrera cho biết lãnh đạo ĐCSTQ đã nói rõ tại cuộc họp rằng Bắc Kinh sẽ không từ bỏ cơ chế tập trung kinh tế, mặc dù trong cuộc họp nhiều lần nhắc đến doanh nghiệp tư nhân, nhưng ông Tập luôn vòng vo vấn đề trọng tâm hỗ trợ cho các doanh nghiệp nhà nước lớn đang là trụ cột nền kinh tế Trung Quốc.
Bà cho biết các công ty Mỹ tham gia cuộc họp là những công ty đã bắt đầu đầu tư mạnh vào Trung Quốc từ 20 – 30 năm trước, nhưng môi trường kinh doanh hiện tại hoàn toàn khác so với khi các công ty này mới bước chân vào. Theo quan sát của bà, cộng đồng doanh nghiệp Mỹ không còn tăng cường đầu tư vào Trung Quốc, mà ngược lại việc phân bổ tài sản của họ trở về trong nước Mỹ đã tăng mạnh.
Theo Lâm Yên, Epoch Times
8 thi thể người Trung Quốc ở Mexico, nghi lật thuyền khi vượt biên vào Mỹ
Thi thể của 8 người nhập cư châu Á được tìm thấy trên một bãi biển ở bờ biển Nam Thái Bình Dương ở bang Oaxaca, Mexico hôm thứ Sáu (29/3). Giới chức địa phương hôm thứ Bảy xác nhận đây đều là công dân Trung Quốc bị lật thuyền.
Hình ảnh ngày 16/7/2023, một số người nhập cư bất hợp pháp đã đi dọc theo hàng loạt phao trên sông Rio Grande ở biên giới Texas và Mexico. (Ảnh: Suzanne Coedeiro/AFP qua Getty Images)
Theo hãng tin AFP, bờ biển nơi thi thể được tìm thấy ở Oaxaca, nằm trên tuyến đường thường được người nhập cư bất hợp pháp sử dụng để đến Mỹ.
Văn phòng công tố bang Oaxaca cho biết thêm, 7 phụ nữ và 1 người đàn ông đã rời Tapachula ở bang Chiapas, giáp biên giới với Guatemala hôm thứ Năm trên một chiếc thuyền do người Mexico điều hành. Chiếc thuyền bị lật trên đường đi và 8 người này đã tử vong, 1 người khác sống sót sau vụ lật thuyền. Hiện vẫn chưa có thông tin gì về người đàn ông Mexico lái tàu.
Các công tố viên cho biết trong một tuyên bố trước đó: “Nạn nhân được cho là đang đi du lịch bằng thuyền gần bờ biển Oaxaca khi vụ tai nạn xảy ra”. Theo thông tin sơ bộ, những người này có thể là người đang tìm kiếm di cư (vượt biên bất hợp pháp).
Hàng ngàn người nhập cư không có giấy tờ hợp lệ đi qua Mexico mỗi năm với nỗ lực vượt biên sang Mỹ. Những người di cư thường chạy trốn bạo lực và nghèo đói ở quê hương, và nhiều người đến từ Trung Mỹ. Theo số liệu chính thức, những người di cư bị bắt khi vượt qua Mexico vào năm ngoái bao gồm các công dân của Trung Quốc, Ấn Độ và Uzbekistan, cùng các quốc gia khác như châu Mỹ.
Trong đó, người nhập cư Trung Quốc vào Mỹ từ Mexico là nhóm tăng trưởng nhanh nhất. Năm 2023 Cơ quan Hải quan và Bảo vệ Biên giới Mỹ báo cáo, 37.000 công dân Trung Quốc đã bị bắt vì vượt biên trái phép, gấp 50 lần con số 2 năm trước. Nhiều người nhập cư Trung Quốc nói rằng họ đang chạy trốn khỏi môi trường chính trị ngày càng ngột ngạt và nền kinh tế trì trệ ở quê nhà.
Số lượng người di cư ngày càng tăng, khiến Chính phủ Mexico đang phải đối mặt với áp lực từ Mỹ trong việc trấn áp dòng người di cư, khi nhập cư bất hợp pháp trở thành vấn đề trọng tâm trong chiến dịch tranh cử tổng thống Mỹ.
TikTok dạy người Trung Quốc vượt biên giới vào Mỹ
Một lượng lớn người nhập cư bất hợp pháp đang đổ về biên giới các bang miền nam nước Mỹ mỗi ngày, trong đó có nhiều người đã làm theo video hướng dẫn trên TikTok.
Chương trình “60 Minutes” của CBS từng phát sóng cho thấy người Trung Quốc nhập cảnh trái phép vào Mỹ dựa trên các video TikTok. Họ được hướng dẫn từng bước về cách đi từ Trung Quốc hoặc Hồng Kông đến Ecuador và Panama, rồi tìm người giúp vượt biên, thậm chí hướng dẫn làm thế nào có thể tìm được khoảng trống trên bức tường biên giới Mỹ.
Một phiên dịch viên, cho một nữ nhập cư Trung Quốc 37 tuổi, cho biết khi hỏi đương sự làm sao biết về khoảng cách biên giới phía Nam gần California, đã nhận được câu trả lời rằng: “TikTok, TikTok.”
Năm ngoái số người vượt biên vào Mỹ đã tăng gấp 20 lần
Theo báo cáo của CNN, khi ngày càng nhiều người Trung Quốc rời bỏ quê hương vì khó khăn sinh tồn và dấn thân vào hành trình nguy hiểm đến Nam Mỹ rồi đến Mỹ, Ecuador hiện cũng đã xuất hiện ngành công nghiệp ngầm đưa đón tại sân bay, chỗ ở và lập kế hoạch chuyến đi.
Vào một ngày mùa đông gần đây, hàng chục người Trung Quốc đang chờ đợi trong một trại tạm bợ ở ngoại ô San Diego, California, cách biên giới Mexico không xa về phía bắc. Đây là những người Trung Quốc vừa mới đến Mỹ và họ đang thể hiện một xu hướng mới đáng kinh ngạc. Theo dữ liệu của Cơ quan Hải quan và Bảo vệ Biên giới Mỹ, từ tháng 1 – 11/2023, hơn 31.000 công dân Trung Quốc đã bị các cơ quan thực thi pháp luật Mỹ bắt giữ khi nhập cảnh trái phép vào Mỹ từ Mexico. Trong 10 năm qua, trung bình mỗi năm có khoảng 1.500 người người ta đã bị bắt.
Số lượng lớn người Trung Quốc vượt biên cho thấy nhiều người vẫn nóng lòng rời bỏ quê hương ngay cả trong bối cảnh tuyên truyền luận điệu “trẻ hóa quốc gia” do Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình thúc đẩy.
Theo phân tích của CNN dựa trên dữ liệu mới nhất từ các cơ quan thực thi pháp luật, người Trung Quốc hiện đang trở thành nhóm người vượt biên sang Mỹ tăng trưởng nhanh nhất.
Vào tháng 3/2023, theo báo cáo của Fox News, số lượng người Trung Quốc nhập cư bất hợp pháp tại “Khu vực Thung lũng Grand”, một trong những khu vực sầm uất nhất ở biên giới phía nam Hoa Kỳ, đã tăng 900%. Thống kê cho thấy có 450 người Trung Quốc xâm nhập biên giới trong năm tài chính 2021, nhưng có 1.176 trong năm tài chính 2022 và 4.366 trong năm tài chính này kể từ tháng 10/2023.
Trí Đạt (t/h)
Thủ tướng Thổ Nhĩ Kỳ Erdogan thừa nhận đảng cầm quyền thất bại bầu cử địa phương
Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan đã thừa nhận sự thất bại bầu cử của Đảng Công lý và Phát triển (AKP) của ông sau khi đảng này được dự đoán sẽ thua trước đảng đối lập trong các bầu cử thành phố hôm Chủ nhật (31/3).
Các chức vụ cao nhất ở các thành phố lớn nhất của Thổ Nhĩ Kỳ nằm trong số các vị trí được tranh cử tại thùng phiếu. Đảng Nhân dân Cộng hòa (CHP), đối thủ chính của đảng cầm quyền, đã cố gắng giữ được các chức thị trưởng ở thành phố Istanbul, trung tâm kinh tế của đất nước, và ở thủ đô Ankara. Tổng thống Erdogan đã tìm cách giành lại các thành phố quan trọng mà đảng của ông đã thất bại 5 năm trước.
Trích dẫn kết quả kiểm phiếu sơ bộ, hãng thông tấn nhà nước Anadolu của Thổ Nhĩ Kỳ cho biết, Đảng CHP đã chiếm ưu thế ở 36 tỉnh trong số 81 tỉnh của Thổ Nhĩ Kỳ, bao gồm một số thành trì truyền thống của Đảng AKP. Đảng CHP đã giành được 37% số phiếu trên toàn quốc, so với mức 36% của AKP. Kết quả này là thành tích bầu cử mạnh mẽ nhất của lực lượng chính trị theo chủ nghĩa dân tộc thế tục trong hai thập kỷ qua. Kết quả này đã lật ngược thế cờ đối với Tổng thống Erdogan, người đã đánh bại liên minh gồm 6 đảng đối lập do CHP lãnh đạo trong cuộc bầu cử tổng thống năm ngoái.
Sau khi các dự đoán được đưa ra, Tổng thống Erdogan tuyên bố: “Chúng tôi không thể đạt được kết quả như mong muốn trong cuộc kiểm tra bầu cử địa phương,” và gọi đây là một “bước ngoặt” đối với Đảng AKP. Ông cam kết: “Chúng tôi sẽ sửa chữa những sai lầm và khắc phục những thiếu sót của mình.”
Vị tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ lưu ý: “Bất kể kết quả thế nào, người chiến thắng trong cuộc bầu cử này chủ yếu là nền dân chủ của chúng ta, nguyện vọng của quốc gia.”
Lãnh đạo Đảng CHP, ông Ozgur Ozel, cũng đưa ra thông điệp tương tự trong bài phát biểu ăn mừng của mình. Ông nhấn mạnh: “Không có người thua cuộc trong chiến thắng này. Thành công của chúng tôi không phải là thất bại đối với bất kỳ ai.” Ông cũng lập luận rằng các cử tri đã “quyết định thay đổi bức tranh 22 năm tuổi ở Thổ Nhĩ Kỳ và mở ra cánh cửa cho bầu không khí chính trị mới ở đất nước chúng ta.”
Các chuyên gia chính trị nhận định, thất bại của Đảng AKP phần lớn là do những khó khăn kinh tế mà Thổ Nhĩ Kỳ đã trải qua trong nhiều năm qua, đặc biệt là sau sự tàn phá của trận động đất năm ngoái khiến hơn 53.000 người thiệt mạng. Một lực lượng chính trị mới có tên gọi Đảng Phúc lợi Mới (YRP), có cùng quan điểm tôn giáo – bảo thủ với Đảng AKP, dường như đã thu hút được những người ủng hộ không hài lòng với cách xử lý nền kinh tế của chính phủ do Tổng thống Erdogan lãnh đạo.
Gia Huy (Theo RT)
TQ: Giông bão ở Giang Tây, nhiều người bị cuốn rơi khỏi chung cư
Ngày 31/3/2024, xuất hiện giông bão tại thành phố Nam Xương, tỉnh Giang Tây. (Ảnh ghép chụp màn hình video)
Sáng sớm ngày 31/3, giông bão xuất hiện ở Nam Xương, Giang Tây, Trung Quốc. Người dân tiết lộ nhiều người đã bị cuốn bay khỏi chung cư.
Sáng sớm ngày 31/3, gió mạnh, sấm sét và mưa lớn đã xảy ra tại thành phố Nam Xương, tỉnh Giang Tây, Trung Quốc. CCTV cho biết, thời tiết đối lưu mạnh đã khiến 4 người thiệt mạng và hơn 10 người bị thương.
Đảng cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) luôn che đậy sự thật, nên ngoại giới nghi ngờ rằng con số thương vong thực tế có thể còn cao hơn.
Video đăng lên mạng cho thấy gió mạnh và mưa lớn tại khu vực này khiến đèn đường đung đưa trước gió. Cửa sổ kính trong nhà dân bị nứt vỡ. Một số máy điều hòa bên ngoài các tòa nhà dân cư bị thổi cong biến dạng hoặc bay đi mất. Cây lớn trên đường bị bật gốc hoặc đổ gục, có xe va phải gió mạnh.
“Red Star News” đưa tin, sáng sớm ngày 31/3, có 3 người không may rơi từ một tòa nhà thuộc khu dân cư trên đường hồ Bát Nguyệt, huyện Nam Xương. Nhân viên tòa nhà cho biết, cửa sổ của một số căn hộ đã bị thổi bay vào thời điểm xảy ra vụ việc.
Nhiều chủ đầu tư khu dân cư cho biết, 3 người không may rơi xuống đất tử vong sống ở tầng 20 và tầng 11 của một tòa nhà nào đó trong khu dân cư, trong đó có 2 người là ông nội và cháu trai. Họ được tìm thấy gần bãi đỗ xe điện ở tầng một.
Một chủ nhà cũng nói rằng khi biết tin xảy ra vụ tai nạn ở tầng 20, một bà ngoại 60 tuổi và cháu trai 11 tuổi đang ngủ trong phòng cũng bị gió mạnh thổi bay cùng với cửa sổ và nệm. Một người đàn ông 60 tuổi ở tầng 11 cũng thiệt mạng.
Một chủ đầu tư khu dân cư khác kể lại, khi xảy ra vụ việc, ông tỉnh dậy và thấy toàn bộ tòa nhà đang rung chuyển, bên ngoài có gió lớn. Kính cửa sổ trong nhà vỡ tan thành từng mảnh, không một ai có thể đứng vững trong phòng khách.
Tờ Beijing News đưa tin, anh Từ, người nhà của nạn nhân, cho biết vào thời điểm xảy ra vụ việc, vợ chồng anh đang ngủ cùng con gái nhỏ trong phòng ngủ chính. Mẹ anh đang ngủ với con trai lớn. Khi tiếng động bất thường đánh thức anh dậy, anh phát hiện hai bà cháu đã không còn ở trong phòng.
Anh kể lại: “Cánh cửa và cửa sổ căn phòng nơi mẹ và con trai tôi ngủ đã biến mất. Tất cả những gì còn lại trên giường chỉ là cái giát giường, chiếc nệm Simmons trên đó cũng không còn”.
“Lúc đó, mẹ tôi nằm ở đây, cư dân tầng 11 đang nằm cạnh thùng rác, còn con trai tôi thì ở trong bãi đỗ xe điện”.
Người dân đặt câu hỏi về chất lượng của tòa nhà liên quan.
Cư dân mạng đã để lại bình luận rằng: “Có rất nhiều tòa nhà cao tầng ở các thành phố của ‘đất nước bức tường’ (Trung Quốc) được bọn cướp ĐCSTQ coi là biểu tượng của sự hiện đại hóa. Trên thực tế, việc sống trong những tòa nhà cao tầng có chất lượng đáng lo ngại này là đang đặt cược tính mạng của bản thân.”
“Xing Video” đưa tin, rất nhiều cây cối đổ rạp hai bên đường trong khu đô thị và vành đai xanh ở quận Hồng Cốc Than, thành phố Nam Xương. Khoảng 1.100 cây và hơn 500 cây cảnh mới trồng trong Công viên Cám Giang trong quận đã bị bật gốc.
Ngoài thành phố Nam Xương, chiều 1/4, thời tiết đối lưu mạnh như mưa đá, gió mạnh đã xuất hiện tại một số khu vực thuộc quận Nam Khang và quận Sùng Nghĩa, thành phố Cám Châu, tỉnh Giang Tây.
CCTV cho biết, mưa đá đã đổ xuống thôn Văn Anh, các thị trấn Quan Điền, Quảng, Diên Quảng, Trường Long và những nơi khác thuộc quận Sùng Nghĩa, với đường kính mưa đá lớn nhất đạt khoảng 2 cm. Lượng mưa lớn, đối lưu mạnh và mưa đá khiến nước trong các dòng sông tại khu vực nông thôn dâng cao.
10h ngày 1/4 (giờ địa phương), Đài quan sát khí tượng trung ương Đại Lục đã đưa ra cảnh báo, từ 2h chiều ngày 1/4 đến 2h chiều ngày 2/4, dự kiến sẽ có mưa lớn ở các khu vực Giang Hoài, Giang Hán, miền trung và miền bắc Giang Nam và miền đông Trùng Khánh.
Trong đó, những vùng phía tây nam An Huy, phía đông Nam Hồ Bắc, phía bắc Hồ Nam và phía bắc Giang Tây có mưa lớn cục bộ từ 100 mm – 120 mm. Một số khu vực có mưa lớn trong thời gian ngắn và thời tiết đối lưu mạnh cục bộ như giông bão, gió mạnh, hoặc mưa đá.
Theo Tiêu Luật Sinh / Epoch Times
Toà án xem xét dự luật nhập cư vào Texas của Thượng viện Mỹ
Vào thứ Tư, Tòa Khu vực 5, tòa phúc thẩm liên bang bảo thủ nhất nước Mỹ, sẽ nghe các tranh luận bằng miệng về luật nhập cư mới của Texas. Dự luật Thượng viện 4 (SB4) quy định việc đi vào Texas từ Mexico ngoại trừ qua các cửa khẩu nhập cảnh hợp pháp là tội phạm cấp bang. Nó trao cho cảnh sát quyền bắt giữ những người mà họ nghi ngờ đã đến Texas bất hợp pháp và ủy quyền cho các thẩm phán bang ra lệnh trục xuất, những quyền lực thường dành cho chính quyền liên bang. Hôm 19 tháng 3, Tòa Tối cao tuyên bố Texas có thể tạm thời thi hành dự luật trong khi tòa án cấp dưới cân nhắc về số phận của nó. Nhưng Tòa Khu vực 5 đã hoãn nó vào đêm đó.
Cuộc tranh luận là một phần của xung đột giữa chính quyền Biden và Greg Abbott, thống đốc bang Texas, về cách giải quyết dòng người di cư. Chính phủ liên bang cho rằng họ có quyền thiết lập chính sách nhập cư, trong khi Texas cho rằng họ phải có khả năng tự bảo vệ mình. Bằng cách này hay cách khác, vụ việc có thể sẽ quay trở lại Tòa án Tối cao.
Sáng kiến cung cấp pháo cho Ukraine của Séc
Ngoại trưởng Séc Jan Lipavsky xứng đáng được những người đồng cấp NATO tán dương tại cuộc họp của họ vào thứ Tư. Ông Lipavsky đã dẫn đầu sáng kiến của chính phủ ông về cung cấp đạn pháo cho Ukraine. Trong vài tháng qua, pháo của Nga áp đảo Ukraine với tỷ lệ ít nhất là 5 ăn 1.
Mặc dù đợt đầu tiên gồm 800.000 quả đạn pháo có thể không đến được Ukraine cho đến tháng 6, nhưng chỉ cần biết rằng chúng sẽ đến đã làm giảm bớt áp lực lên các chỉ huy Ukraine về việc phân bổ đạn dược. Người Séc cho rằng họ có thể cung cấp tổng cộng tới 1,5 triệu quả đạn pháo. Các thành viên NATO khác, bao gồm Na Uy, Đức và Canada, đã ủng hộ dự luật.
Song sáng kiến này không thể thay thế được gói hỗ trợ quân sự 61 tỷ USD của chính quyền Biden, vẫn đang bị đình trệ tại Quốc hội. Ngoài đạn pháo, Ukraine cần thêm hệ thống đánh chặn phòng không trong bối cảnh Nga liên tiếp tấn công tên lửa và bom lượn. Chỉ có sự hỗ trợ của Mỹ mới giúp mua được chúng.
ECB được dự đoán sẽ bắt đầu giảm lãi suất
Thứ Năm tới, Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) có thể sẽ bắt đầu giảm lãi suất. Số liệu của khu vực đồng Euro trong tháng 3, được công bố vào thứ Tư, sẽ cho thấy lạm phát đang tiến gần đến mục tiêu 2% của ngân hàng. Dữ liệu nhìn chung cho rằng ECB nên bắt đầu cắt giảm lãi suất từ sớm trước khi lạm phát đạt được mục tiêu đó.
Đức, Pháp, Ý và Tây Ban Nha đã báo cáo tỷ lệ lạm phát trong nước của tháng 3. Các con số của họ — lần lượt là 2,3%, 2,4%, 1,3% và 3,2% — cho thấy 2% là rất có thể. Có hai lý do để ECB phải vội vàng. Chính sách tài khóa chỉ có thể thắt chặt hơn, khi Pháp tìm cách cắt giảm thâm hụt ngân sách khủng khiếp, còn Đức dự kiến hạn chế chi tiêu ở mức hiến pháp cho phép. Điều đó sẽ làm nền kinh tế suy yếu hơn nữa. Thứ hai, khoảng cách giữa lãi suất hiện tại của ECB (4%) và tỷ lệ mục tiêu có thể (2%) là lớn. Để xoá khoảng cách đó, ECB sẽ phải cắt giảm 0,25 điểm phần trăm thường xuyên hơn cả số lần họp còn lại trong năm nay.
Không có nhận xét nào