Header Ads

  • Breaking News

    Thời sự đó đây ngày Thứ sáu 19 tháng 4 năm 2024

    Võ Thái Hà tổng hợp

    Hoa Kỳ đặt hệ thống MRC phóng hỏa tiễn tầm trung tại Philippines

    18/4/2024

    Hoa Kỳ đặt hệ thống MRC phóng hỏa tiễn tầm trung tại Philippines

    Một hệ thống phóng tên lửa tầm trung của Hoa Kỳ 

    https://www.rfa.org/++plone++rfa-resources/img/icon-zoom.pngDarrell Ames/DVIDS 

    Hoa Kỳ vừa cho đặt một hệ thống phóng tên lửa tầm trung tại Philippines với tầm bắn bao phủ Trung Quốc và Đài Loan. Bắc Kinh lên tiếng cảnh báo.

    Lục quân Hoa Kỳ đặc trách khu vực Thái Bình Dương vào ngày 15 tháng tư thông báo tin vừa nêu. Cụ thể, hệ thống MRC phóng hỏa tiễn tầm trung, cũng được gọi là Hệ thống Vũ khí Cuồng phong, đã được lắp đặt thành công tại đảo Luzon ở phía Bắc Philippines hôm 11 tháng tư.

    Đây là lần đầu tiên hệ thống đó được đặt tại khu vực Châu Á-Thái Bình Dương kể từ năm 1987, khi mà một thỏa ước giữa Hoa Kỳ và Liên bang Xô Viết cấm việc lắp đặt, sở hữu loại hỏa tiễn trên bộ có tầm bắn từ 500 km đến 5.500 km.

    Hệ thống được lắp đặt tại đảo Luzon của Philippines hôm 11 tháng tư được cho biết là một hệ thống trên bộ giúp tăng cường hoạt động đa năng của quân đội. Hệ thống có thể phóng Hỏa tiễn Tiêu chuẩn 6 (SM-6) và Hỏa tiễn Tấn công trên bộ Tomahawk (TLAM) với tầm bắn tương ứng là hơn 240 km và 2.500 km.

    Hệ thống được lắp đặt tại Philippines thuộc khuôn khổ Hoạt động Tập trận Salaknib. Đây là đợt tập trận thường niên Hoa Kỳ-Philippines với mục tiêu tăng cường khả năng bộ chiến và hành quân phối hợp chung.

    Bộ Ngoại giao Trung Quốc vào ngày 18 tháng tư lên tiếng phản đối mạnh mẽ việc lắp đặt hệ thống hỏa tiễn tầm trung MRC của Hoa Kỳ tại Philippines như vừa nêu. Bắc Kinh lặp lại kêu gọi Washington hãy tôn trọng quan ngại an ninh của những quốc gia khác; đồng thời cảnh báo Manila về những hậu quả nghiêm trọng vì phục vụ cho Hoa Kỳ.

    Với động thái của Hoa Kỳ vừa nêu và phản ứng mạnh mẽ của Trung Quốc, giới chuyên gia đưa ra nhận định, Bắc Kinh có thể quân sự hóa thêm nữa tại khu vực Biển Đông.

    Đây là nơi mà Bắc Kinh ngày càng quyết đoán và có thái độ hung hăng trong tranh chấp chủ quyền với các nước trong khu vực.

    Mỹ phủ quyết nghị quyết về Palestine gia nhập Liên Hiệp Quốc 

    19/4/2024 

    AP 

    Phó Đại sứ Mỹ Robert Wood tại LHQ.

    Phó Đại sứ Mỹ Robert Wood tại LHQ. 

    Hôm 18/4, Hoa Kỳ phủ quyết một nghị quyết của Liên Hiệp Quốc (LHQ) ủng hộ rộng rãi, mà nếu không chặn, nó sẽ mở đường cho nhà nước Palestine trở thành thành viên đầy đủ của LHQ, theo AP.

    Cuộc bỏ phiếu trong Hội đồng Bảo an gồm 15 thành viên có 12 phiếu thuận, Mỹ phản đối và 2 phiếu trắng.

    Nếu không bị ngăn lại, nghị quyết khuyến nghị Đại hội đồng LHQ gồm 193 thành viên, nơi không có quyền phủ quyết, chấp thuận Palestine trở thành thành viên thứ 194 của LHQ. Khoảng 140 quốc gia đã công nhận nhà nước Palestine, vì vậy việc kết nạp nhà nước này sẽ được chấp thuận.

    Đây là nỗ lực thứ hai của phía Palestine nhằm trở thành thành viên đầy đủ của LHQ, và điều này diễn ra khi cuộc chiến ở Gaza, hiện đã bước sang tháng thứ 7, đã đưa cuộc xung đột kéo dài hơn 75 năm giữa Israel và Palestine đến đỉnh điểm.

    Trước cuộc bỏ phiếu, Phó Phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ Vedant Patel cho biết Hoa Kỳ “đã nói rất rõ ràng rằng những hành động vội vàng ở New York - ngay cả với những ý định tốt nhất - sẽ không giúp người dân Palestine trở thành một nhà nước”.

    Phó Đại sứ Mỹ Robert Wood cho rằng tư cách thành viên của Palestine “cần phải là kết quả của cuộc đàm phán giữa Israel và người Palestine”.

    Ông Wood nói với các phóng viên rằng bất cứ điều gì cản trở đều “làm cho việc đàm phán trở nên khó khăn hơn” và không giúp tiến tới giải pháp hai nhà nước, nơi Israel và Palestine cùng chung sống hòa bình, điều mà “tất cả chúng ta đều mong muốn”.

    Tổng thống Palestine Mahmoud Abbas lần đầu tiên chuyển đơn đăng ký gia nhập LHQ của Chính quyền Palestine cho Tổng Thư ký lúc đó là ông Ban Ki-moon vào năm 2011. Nỗ lực ban đầu đó đã thất bại vì phía Palestine không nhận được sự ủng hộ tối thiểu cần thiết của 9 trong số 15 thành viên Hội đồng Bảo an.

    Sau đó, phía Palestine đi đến Đại hội đồng và nhận được hơn 2/3 số phiếu ủng hộ, thành công trong việc nâng vị thế của họ từ quan sát viên LHQ lên quốc gia quan sát viên phi thành viên vào tháng 11/2012. Điều đó đã mở ra cơ hội cho các vùng lãnh thổ của Palestine gia nhập LHQ và các tổ chức quốc tế khác, trong đó có Tòa án Hình sự Quốc tế.

    Phía Palestine khôi phục lại nỗ lực gia nhập LHQ vào đầu tháng 4, với sự ủng hộ của 140 quốc gia đã công nhận Palestine là một quốc gia độc lập.

    Ông Ziad Abu Amr, đại diện đặc biệt của Tổng thống Palestine, nóiviệc thông qua nghị quyết này sẽ mang lại cho người dân Palestine hy vọng “có một cuộc sống tử tế trong một quốc gia độc lập”.

    Ông nói rằng “hy vọng như vậy đã tan biến trong những năm qua vì sự không khoan nhượng của chính phủ Israel đã bác bỏ giải pháp này một cách công khai và trắng trợn, đặc biệt là sau cuộc chiến tàn khốc đánh vào Dải Gaza”.

    Các cuộc đàm phán giữa Israel và Palestine bị đình trệ trong nhiều năm và chính phủ cánh hữu của Israel bị chi phối bởi những người có đường lối cứng rắn phản đối nhà nước Palestine.

    Đại sứ Israel tại LHQ Gilad Erdan gọi nghị quyết này là “sự tách rời ra khỏi thực tế” và cảnh báo rằng nó “sẽ chỉ gây ra sự tàn phá trong nhiều năm tới và gây tổn hại đến bất kỳ cơ hội đối thoại nào trong tương lai”.

    Sáu tháng sau cuộc tấn công ngày 7/10/2023 vào miền nam Israel của Hamas, lực lượng kiểm soát Gaza, và hành động giết hại 1.200 người trong “vụ thảm sát tàn bạo nhất đối với người Do Thái kể từ Holocaust”, ông cáo buộc Hội đồng Bảo an đang tìm cách “thưởng cho những kẻ phạm tội đã có những hành động tàn bạo bằng cách trao cho chúng tư cách nhà nước”.

    FBI cáo buộc hacker Trung Quốc chuẩn bị tấn công cơ sở hạ tầng Mỹ 

    19/4/2024 

    Reuters 

    Một nhà máy điện ở Michigan.

    Một nhà máy điện ở Michigan. 

    Hôm 18/4, Giám đốc FBI Christopher Wray cho biết các tay tin tặc có liên quan đến chính phủ Trung Quốc đã xâm nhập vào cơ sở hạ tầng quan trọng của Hoa Kỳ và đang chờ đợi “thời điểm thích hợp để giáng một đòn tàn khốc”, Reuters đưa tin.

    Ông Wray phát biểu tại Đại học Vanderbilt rằng một chiến dịch tấn công tin tặc (hack) đang diễn ra của Trung Quốc có tên Volt Typhoon đã thành công trong việc chiếm quyền truy cập vào nhiều công ty Mỹ trong lĩnh vực viễn thông, năng lượng, nước và các lĩnh vực quan trọng khác, nhắm mục tiêu vào 23 nhà vận hành đường ống.

    Trung Quốc đang phát triển “khả năng tàn phá cơ sở hạ tầng quan trọng của chúng ta vào thời điểm họ chọn”, ông Wray nói tại Hội nghị thượng đỉnh Vanderbilt năm 2024 về xung đột hiện đại và các mối đe dọa mới nổi. “Kế hoạch của họ là tấn công kiểu chơi xấu vào cơ sở hạ tầng dân sự nhằm cố gây hoảng loạn”.

    Ông Wray cho hay rất khó để xác định mục đích của việc ém chờ này trên không gian mạng, nhưng nó phù hợp với ý đích lớn hơn của Trung Quốc là nhằm ngăn chặn Mỹ bảo vệ Đài Loan.

    Đầu tuần này, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc nói rằng Volt Typhoon trên thực tế không liên quan đến chính phủ Trung Quốc mà là một phần của nhóm tội phạm tấn công mạng bằng mã độc khóa dữ liệu nhằm tống tiền.

    Trong một tuyên bố, Đại sứ quán Trung Quốc tại Washington đã nhắc lại phát biểu của người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc. “Một số người ở Mỹ đã sử dụng việc truy tìm nguồn gốc của các cuộc tấn công mạng như một công cụ để tấn công và quy trách nhiệm cho Trung Quốc, tuyên bố Mỹ là nạn nhân, trong khi thực tế hoàn toàn ngược lại và chính trị hóa các vấn đề an ninh mạng”.

    Ông Wray nói rằng tin tặc Trung Quốc đã vận hành một loạt botnet - tập hợp các máy tính cá nhân và máy chủ bị xâm nhập trên toàn cầu - để che giấu các hoạt động mạng độc hại của chúng. Các công ty công nghệ và an ninh mạng thuộc khu vực tư nhân Mỹ trước đây cho rằng nhóm Volt Typhoon là của Trung Quốc, bao gồm cả các báo cáo của các nhà nghiên cứu bảo mật của Microsoft và Google.

    ABC News: Tên lửa Israel tấn công địa điểm ở Iran 

    19/4/2024 

    Reuters 

    Quốc kỳ Israel và Iran.

    Quốc kỳ Israel và Iran. 

    Vào tối ngày 18/4, hãng tin ABC News dẫn lời một quan chức Mỹ đưa tin rằng tên lửa của Israel tấn công một địa điểm ở Iran, trong khi truyền thông nhà nước Iran đưa tin về một vụ nổ ở trung tâm nước này, vài ngày sau khi Iran tiến hành cuộc tấn công trả đũa bằng máy bay không người lái vào Israel, theo Reuters.

    Reuters không thể kiểm chứng ngay lập tức các tin tức trên.

    Hãng thông tấn Fars của Iran cho hay người ta đã nghe thấy một vụ nổ tại một sân bay ở thành phố miền trung Isfahan nhưng hiện chưa rõ nguyên nhân. Iran đình chỉ các chuyến bay qua các thành phố Isfahan, Shiraz và Tehran, truyền thông nhà nước đưa tin.

    Một số địa điểm hạt nhân của Iran nằm ở tỉnh Isfahan, trong đó có Natanz, trung tâm của chương trình làm giàu uranium của Iran.

    Sân bay Quốc tế Imam Khomeini của Tehran đã đóng cửa tất cả các chuyến bay cho đến 07h00, giờ chuẩn quốc tế GMT, theo thông báo gửi tới các phi công được đăng trên cơ sở dữ liệu của Cục Hàng không Liên bang Hoa Kỳ.

    Theo đường bay hiển thị trên trang web theo dõi bay Flightradar24, một số chuyến bay của hãng Emirates và Flydubai bay qua Iran vào sáng sớm ngày 19/4 đã đột ngột chuyển ra khỏi không phận.

    Israel từng nói họ sẽ trả đũa cuộc tấn công hồi cuối tuần trước của Iran, bao gồm hàng trăm máy bay không người lái và tên lửa để đáp trả cuộc bắn phá bị nghi ngờ là của Israel vào khu phức hợp đại sứ quán của Iran ở Syria. Hầu hết máy bay không người lái và tên lửa của Iran đều bị bắn hạ trước khi tới lãnh thổ Israel.

    Các nhà phân tích và quan sát đang dấy lên lo ngại về nguy cơ cuộc chiến Israel-Gaza lan sang phần còn lại của khu vực.

    Iran nói với Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc hôm 18/4 rằng Israel “phải buộc phải ngăn chặn bất kỳ hành động phiêu lưu quân sự nào chống lại lợi ích của chúng tôi” khi tổng thư ký LHQ cảnh báo rằng Trung Đông đang ở trong “thời điểm nguy hiểm nhất”.

    Cuộc tấn công của Israel vào Gaza bắt đầu sau khi nhóm Hồi giáo Palestine Hamas tấn công Israel vào ngày 7/10, giết chết 1.200 người, theo thống kê của Israel. Theo Bộ Y tế địa phương, cuộc tấn công quân sự của Israel đã giết chết hơn 33.000 người Palestine ở Gaza.
    Các nhóm được Iran hậu thuẫn đã tuyên bố hỗ trợ người Palestine, tiến hành các cuộc tấn công từ Lebanon, Yemen và Iraq.

    Iran xuất khẩu dầu mạnh nhất trong 6 năm, hầu hết sang Trung Quốc

    Iran xuất khẩu dầu mạnh nhất trong 6 năm, hầu hết sang Trung Quốc

    Tờ báo của Iran đưa tin về thỏa thuận khôi phục quan hệ giữa Iran và Ả Rập Xê Út do Trung Quốc làm trung gian vào ngày 11/3/2023. (Atta Kenare/AFP Getty Images) 

    Tạp chí Financial Times, trích nguồn từ Vortexa, cho biết xuất khẩu dầu thô của Iran tăng cao nhất trong vòng 6 năm qua, hầu hết là bán cho Trung Quốc trong bối cảnh phương Tây đang muốn tăng cường trừng phạt kinh tế lên quốc gia này.

    Theo công ty dữ liệu Vortexa, Iran đã xuất khẩu trung bình 1,56 triệu thùng dầu mỗi ngày trong 3 tháng đầu năm 2024. Hầu hết dầu thô của Iran được xuất sang cho Trung Quốc. Đây là mức xuất khẩu cao nhất kể từ quý 3/2018. Với sản lượng xuất khẩu như vậy, Iran thu về 35 tỷ USD mỗi năm. Điều này có thể khiến các đòn trừng phạt kinh tế tăng cường nhắm vào Iran mà Mỹ và phương Tây đang thảo luận sẽ không còn hữu hiệu; giống như trường hợp của Nga.

    Việc Iran tấn công vào lãnh thổ Israel bằng tên lửa và máy bay không người lái làm dấy lên thảo luận phải tăng cường trừng phạt kinh tế Iran từ phương Tây. Chuyên gia phân tích địa chính trị Trung Đông, ông Fernando Ferrieira, thuộc Tập đàn Năng lượng Rapidan ở Mỹ, cho biết “Iran đã thành thạo trong việc lách các đòn trừng phạt kinh tế từ phương Tây”. Chuyên gia này cho rằng nếu chính quyền của Tổng thống Joe Biden thực sự muốn trừng phạt Iran thì nên chuyển trọng tâm sang Trung Quốc. Một khi còn Trung Quốc tự do, các đòn trừng phạt với Iran hay Nga đều vô nghĩa.

    Phương Tây, gồm Mỹ và EU, muốn trừng phạt kinh tế Iran như một biện pháp hoà bình xoa dịu Israel sau đòn tấn công của Iran; tất cả nhằm ngăn chặn một cuộc tấn công trả đũa từ phía Israel vào Iran khiến xung đột địa chính trị tiếp tục leo thang (theo cả chiều rộng và chiều sâu) ở khu vực này.

    Bộ trưởng Tài chính Hoa Kỳ Janet Yellen thừa nhận trong tuần này rằng Iran “rõ ràng” tiếp tục xuất khẩu dầu của mình và “còn nhiều việc phải làm” để hạn chế thương mại.

    Tuy nhiên, theo phân tích của Financial Times, chính quyền ông Biden cũng không thực sự muốn trừng phạt Iran, thắt chặt nguồn cung dầu từ khu vực Trung Đông hơn nữa. Lý do là Mỹ cần một giá dầu ôn hoà để kiềm chế lạm phát trong nước đang nóng trở lại. Trước kỳ bầu cử tổng thống vào tháng 11/2024 tới đây, việc thành công trong hạn chế lạm phát, mở rộng việc làm và thúc đẩy tăng trưởng là những điểm cộng quan trọng giúp ông Biden có thể bước tiếp vào nhiệm kỳ thứ hai.

    Tại Tehran, hãng thông tấn nhà nước Tasnim hôm thứ 4 (17/04/2024) cho biết ngành công nghiệp dầu mỏ của nước này đã tìm ra cách để vượt qua các lệnh trừng phạt. Iran không ngần ngại nhấn mạnh rằng với khách hàng lớn là đồng minh Trung Quốc, Iran bảo vệ nền kinh tế của họ “gần như hoàn toàn” khỏi áp lực trừng phạt từ phương Tây.

    Ông Armen Azizian, nhà phân tích cấp cao tại Vortexa, cho biết Mỹ gần đây đã bắt đầu nhắm mục tiêu vào các tàu chở dầu cá nhân bị nghi ngờ chở dầu thô của Iran, áp đặt lệnh trừng phạt đối với hai tàu vào tháng 2/2024 và 13 tàu khác vào tháng 4/2024. Tuy nhiên, ông nói, các động thái này tác động rất nhỏ đến hoạt động xuất khẩu dầu thô của Iran.

    Ông nói: “Người Iran rất giỏi tìm ra sơ hở. Ông nói thêm: “Bây giờ họ giả mạo AIS [hệ thống theo dõi tàu], giả vờ ở một địa điểm trong khi họ đang ở một địa điểm khác và điều đó khiến việc theo dõi những gì họ đang làm trở nên khó khăn”, theo Financial Times.

    Vị chuyên gia này nói thêm rằng biết quy mô đội tàu được Iran sử dụng để vận chuyển dầu đã tăng 20% trong năm 2023, lên tới 253 tàu và số lượng siêu tàu chở dầu (công suất lên tới 2 triệu thùng dầu) đã tăng gấp đôi kể từ năm 2021.

    Ấn Độ bắt đầu bầu cử quốc hội

    Cuộc bầu cử lớn nhất thế giới sẽ bắt đầu ở Ấn Độ vào thứ Sáu. Gần một tỷ cử tri sẽ bắt đầu bỏ phiếu qua bảy giai đoạn của cuộc tổng tuyển cử quốc hội kéo dài sáu tuần. Thủ tướng Narendra Modi được kỳ vọng sẽ dẫn dắt Đảng Bharatiya Janata giành chiến thắng thứ ba liên tiếp. Câu hỏi chính xung quanh cuộc bỏ phiếu là liệu đảng theo chủ nghĩa dân tộc Hindu giáo của ông có thể nâng tổng số 296 ghế trong hạ viện gồm 543 thành viên của quốc hội lên mục tiêu 370 hay không. Kết quả sẽ có ​​vào ngày 4 tháng 6.

    Các nhà lãnh đạo đối lập coi ông Modi là mối đe dọa đối với nền dân chủ Ấn Độ, với lý do ông hạn chế truyền thông, tư pháp, và xã hội dân sự. Họ cũng cáo buộc ông khuyến khích phân biệt đối xử người Hồi giáo ở Ấn Độ và sử dụng các cơ quan điều tra cũng như thuế để nhắm vào các chính trị gia đối lập, trong đó có hai lãnh đạo đảng đối lập bị bắt từ tháng 1. Song cho đến nay, điều đó dường như không làm ảnh hưởng hình ảnh của ông Modi, đặc biệt là với đa số người theo đạo Hindu.

    Hạ viện Mỹ có thể thông qua dự luật viện trợ đồng minh trong tuần này

    Trong tuần này Mike Johnson, chủ tịch Hạ viện Hoa Kỳ, đã đưa ra một đề xuất gửi hỗ trợ tới Israel, Đài Loan, và Ukraine – phớt lờ những người cực hữu và do đó gây nguy hiểm cho vị thế của chính ông. Vào thứ Sáu, các nhà lập pháp sẽ xem xét kỹ lưỡng các đề xuất của ông Johnson trước cuộc bỏ phiếu, dự kiến ​​vào thứ Bảy.

    Kế hoạch là chia viện trợ cho các đồng minh của Mỹ thành ba dự luật. Dự luật thứ tư có thể sẽ buộc chủ sở hữu phải bán TikTok, ban hành các biện pháp trừng phạt mới đối với các nước như Iran, và tịch thu tài sản của Nga. Một số viện trợ sẽ đến dưới hình thức cho vay chứ không phải trợ cấp.

    Bob Good, người đứng đầu nhóm cực hữu trong Hạ viện, đã kêu gọi “tất cả những người bảo thủ thực sự” ngăn chặn nỗ lực của ông Johnson. Ít nhất hai hạ nghị sĩ Cộng hòa tại Quốc hội đã đe dọa phế truất ông Johnson. Không rõ liệu họ có đủ phiếu để loại ông khỏi vị trí đứng đầu – hoặc liệu các gói viện trợ có được thông qua – hay không.

    Liệu Nhật Bản có tiếp tục nâng lãi suất?

    Nhật Bản công bố dữ liệu lạm phát mới nhất vào thứ Sáu. Mục tiêu lạm phát của Ngân hàng Nhật Bản (BoJ) là 2%. Chỉ số giá tiêu dùng trong tháng 3 dự kiến sẽ cho thấy giá cả tăng theo năm cao hơn mức đó, đánh dấu tháng thứ 24 liên tiếp lạm phát bằng hoặc cao hơn mục tiêu. Xu hướng này, cùng với đà tăng lương mạnh mẽ nhờ các cuộc đàm phán thường niên trong năm nay giữa công đoàn và các công ty lớn, đã giúp BoJ tự tin nâng lãi suất vào tháng trước, lần đầu tiên kể từ năm 2007, từ khoảng -0,1%-0% lên 0-0,1%.

    Diễn biến lạm phát trong tương lai sẽ quyết định các bước đi tiếp theo của BoJ. Các quan chức đã nói rõ rằng việc chấm dứt chính sách lãi suất âm không có nghĩa là ngân hàng đang bắt tay vào một chu kỳ thắt chặt nhanh chóng. Tuy vậy, thị trường vẫn mong đợi ít nhất một đợt tăng lãi suất nữa trong năm nay – dù có lẽ sẽ không xảy ra tại cuộc họp chính sách vào tuần tới.

    Nga nghỉ lễ mừng ngày sáp nhập Crimea 

    Vào thứ Sáu, Nga sẽ kỷ niệm việc sáp nhập Crimea (và Kuban và Taman, hai khu vực phía nam nước Nga) vào đế quốc Nga hồi cuối thế kỷ 18. Kỳ nghỉ lễ được ký thành luật vào năm 2018, bốn năm sau khi Nga sáp nhập bất hợp pháp bán đảo này từ Ukraine trong một cuộc chiếm đất thời hiện đại.

    Mười năm qua, Điện Kremlin đã tìm cách hợp pháp hóa sự chiếm đóng của họ bằng tuyên truyền đại chúng, cũng như trợ cấp nhà nước và đầu tư cơ sở hạ tầng ở Crimea. Họ cũng đẩy mạnh đàn áp, đặc biệt là đối với dân số người Ukraine đang suy giảm và người Tatars ở Crimea, một nhóm thiểu số Hồi giáo phản đối Nga chiếm đất. Cuộc xâm lược Ukraine từ năm 2022 chỉ làm tăng cường độ đàn áp tại đây.

    Cuộc phản công thất bại của Ukraine vào năm ngoái đã làm giảm hy vọng chiếm lại Crimea. Nhưng Ukraine vẫn tìm cách thách thức tuyên bố của Vladimir Putin đối với bán đảo này. Các quan chức Ukraine gần đây cho biết họ đang lên kế hoạch tấn công lần thứ ba vào cầu Kerch nối Crimea với Nga. Đây là dự án yêu thích của tổng thống Nga sau khi sáp nhập.


    Không có nhận xét nào