Header Ads

  • Breaking News

    Thời sự đó đây ngày Thứ sáu 05 tháng 4 năm 2024

    Võ Thái Hà tổng hợp

    Lần đầu tiên, thủ đô Miến Điện bị phe đối lập tấn công bằng drone

    Minh Anh /RFI

    05/4/2024

    Tại Miến Điện, một cuộc tấn công bằng drone hiếm có nhằm vào thủ đô chính quyền quân sự Naypyidaw đã xảy ra ngày hôm qua, 04/04/2024. Chính phủ đối lập lưu vong đã lên tiếng nhận trách nhiệm. Lực lượng an ninh Miến Điện cho biết đã bắn hạ được 13 trong số khoảng 30 chiếc được phóng đi và thiệt hại gây ra là không đáng kể. 

    Duyệt binh nhân Ngày quân lực Miến Điện 27/03/2024 tại thủ đô Naypyidaw.

    Duyệt binh nhân Ngày quân lực Miến Điện 27/03/2024 tại thủ đô Naypyidaw. AP - Aung Shine Oo 

    Từ Bangkok, Carol Isoux, thông tín viên trong khu vực, cho biết thêm thông tin :

    Cuộc tấn công, được thực hiện bởi khoảng 30 drone trong đó có nhiều chiếc mang theo chất nổ, đã nhắm vào nhiều mục tiêu chiến lược ở Naypyidaw, thủ đô hành chính mới được giới quân sự kín đáo xây dựng trong những năm 2000.

    Khu nhà của lãnh đạo tập đoàn quân sự tướng Min Aung Hlang và nhiều tòa nhà khác của chính quyền nằm trong số các mục tiêu tấn công nhưng không bị hư hỏng nhiều, theo như tập đoàn quân sự khi tuyên bố rằng đã bắn hạ được khoảng một chục drone.

    Chính phủ Đoàn kết Quốc gia NUG lưu vong, chủ yếu bao gồm các chính khách dân cử trước khi có đảo chính quân sự ngày 01/02/2021, khẳng định rằng dù sao cuộc tấn công này vẫn là một thắng lợi bởi vì điều trước tiên là cần « làm cho giới giới quân sự hiểu rằng họ không an toàn ở bất kỳ nơi nào », kể cả trong cứ địa chính của họ.

    Điểm đáng chú ý, đây là lần đầu tiên chính phủ lưu vong công khai nhận trách nhiệm một cuộc tấn công quân sự có quy mô như thế, và do vậy, đây là một bước ngoặt trên phương diện hình ảnh và chiến lược. Các nhóm dân quân nổi dậy, mà Chính phủ Đoàn kết Quốc gia hậu thuẫn về tài chính và hậu cần tiếp tục giành thắng lợi trên thực địa gần như khắp nơi ở Miến Điện, nhất là ở các bang biên giới của Miến Điện.

    Đài Loan lên án Trung Quốc 'trơ trẽn' nhận sự quan tâm của thế giới về trận động đất 

    04/4/2024 

    Reuters 

    Các nhân viên cứu hộ của Sở Cứu hỏa Hoa Liên đang tìm kiếm người sống sót trong một tòa nhà bị đổ sập sau trận động đất ở miền Đông Đài Loan hôm 3/4.

    Các nhân viên cứu hộ của Sở Cứu hỏa Hoa Liên đang tìm kiếm người sống sót trong một tòa nhà bị đổ sập sau trận động đất ở miền Đông Đài Loan hôm 3/4. 

    Đài Loan hôm 4/4 lên án Trung Quốc là “trơ trẽn” khi phó đại sứ Bắc Kinh tại Liên Hợp Quốc cảm ơn thế giới đã quan tâm an ủi và cảm thông về trận động đất mạnh mới xảy ra trên quốc đảo này.

    Trung Quốc tuyên bố đảo quốc tự trị dân chủ Đài Loan là lãnh thổ của riêng mình và cũng tuyên bố có quyền lên tiếng cho Đài Loan trên trường quốc tế, trước sự giận dữ của Đài Bắc vì chính quyền cộng sản Bắc Kinh chưa bao giờ cai trị hòn đảo này và không có tiếng nói trong cách lựa chọn các nhà lãnh đạo của mình.

    Hôm 3/4, sau khi trận động đất 7,2 độ richter làm rung chuyển miền đông Đài Loan khiến 10 người thiệt mạng, Phó đại diện thường trực của Trung Quốc tại Liên hợp quốc, Cảnh Sảng, đã đề cập tại một cuộc họp về quyền trẻ em rằng một diễn giả khác đã nói đến trận động đất ở “Đài Loan của Trung Quốc”.

    Ông Cảnh cho biết Trung Quốc lo ngại về thiệt hại và đã gửi lời chia buồn tới Đài Loan cũng như đề nghị viện trợ, theo bản ghi lại bài phát biểu của ông được phái đoàn Trung Quốc đăng tải trên trang web của Liên hợp quốc.

    “Chúng tôi cảm ơn cộng đồng quốc tế vì đã thể hiện sự cảm thông và quan tâm,” ông Cảnh nói.

    Bộ Ngoại giao Đài Loan bày tỏ sự tức giận trước lời nói này.

    Bộ này nói họ "cực lực lên án việc Trung Quốc sử dụng trận động đất ở Đài Loan để tranh thủ nhận thức quốc tế", sử dụng thuật ngữ thông thường về Đài Loan cho những gì mà họ xem là chiến tranh tâm lý của Trung Quốc.

    Theo Bộ này, điều này cho thấy Trung Quốc không có thiện chí với Đài Loan.

    Chính phủ Đài Loan đã cảm ơn các chính phủ và lãnh đạo trên khắp thế giới vì những thông điệp quan tâm và đề nghị hỗ trợ, bao gồm cả từ Hoa Kỳ, đồng mình quốc tế quan trọng nhất đối với quốc đảo này mặc dù không có quan hệ ngoại giao chính thức.

    Cơ quan quản lý nói lưới điện Mỹ ngày càng dễ bị tấn công trên không gian mạng 

    05/4/2024 

    Reuters 

    Lưới điện ở Texas.

    Lưới điện ở Texas. 

    Lưới điện của Hoa Kỳ ngày càng dễ bị tấn công trên không gian mạng, với số lượng các điểm dễ bị tấn công trong mạng lưới điện tăng khoảng 60 điểm/ngày, Cơ quan Giám sát Độ tin cậy Điện lực Bắc Mỹ (NERC) cho biết trong một webcast hôm 4/4, theo Reuters.
    Các giám đốc điều hành của cơ quan quản lý năng lượng này cho hay các điểm yếu vô hình và cụ thể của lưới điện, nói cách khác là các điểm trong phần mềm hoặc phần cứng dễ bị tội phạm mạng tấn công, đã tăng lên ngưỡng từ 23.000 đến 24.000 vào năm ngoái, từ ngưỡng giữa 21.000 và 22.000 vào cuối năm 2022.
    Ông Manny Cancel, phó chủ tịch cấp cao của NERC nói: “Rất khó mà hành động kịp để giải quyết tất cả những lỗ hổng đó”.
    NERC cho rằng xung đột địa chính trị, bao gồm cả việc Nga xâm lược Ukraine và cuộc chiến ở Gaza, đã làm gia tăng đáng kể số lượng các mối đe dọa trên mạng đối với lưới điện Bắc Mỹ. Các mối đe dọa cũng thường đến từ Trung Quốc và các nhà quản lý dự báo rằng cuộc bầu cử tổng thống Mỹ sắp tới sẽ làm tăng khả năng xảy ra các cuộc tấn công vào lưới điện.
    “Chúng tôi sẽ hết sức cảnh giác trong chu kỳ bầu cử hiện tại này,” ông Cancel nói.
    NERC cho hay các cuộc tấn công về mặt vật chất vào lưới điện vẫn ở mức cao kể từ khi gia tăng vào năm 2022, với khoảng 2.800 báo cáo về các vụ nổ súng, phá hoại và các cuộc tấn công khác vào mạng lưới điện trong năm ngoái. Khoảng 3% các cuộc tấn công đó đã dẫn tới tình trạng ngừng hoạt động hoặc các vấn đề vận hành khác.

    Bộ trưởng Tài chính Mỹ có các cuộc họp rất căng thẳng về nguy cơ do TQ sản xuất quá dư thừa 

    05/4/2024 

    Reuters 

    Bộ trưởng Tài chính Hoa Kỳ Janet Yellen đến Quảng Châu, Trung Quốc.

    Bộ trưởng Tài chính Hoa Kỳ Janet Yellen đến Quảng Châu, Trung Quốc. 

    Bộ trưởng Tài chính Hoa Kỳ Janet Yellen hôm 5/4 bắt đầu các cuộc hội đàm trong 4 ngày với các quan chức cấp cao của Trung Quốc, dự kiến sẽ tập trung nhiều vào tác động lan truyền từ năng lực sản xuất dư thừa của Trung Quốc và môi trường kinh doanh ngày càng thách thức đối với các công ty Hoa Kỳ, theo Reuters.
    Bà Yellen sẽ gặp Chủ tịch tỉnh Quảng Đông Vương Duy Trung (Wang Weizhong) và Phó Thủ tướng Hà Lập Phong (He Lifeng) bàn về việc tiếp tục quan hệ kinh tế Mỹ-Trung. Tuy nhiên, những cuộc hôi đàm lần này có thể sẽ căng thẳng hơn so với các cuộc đàm thoại trước đây do chủ đề khó hơn.
    Bà Yellen và các quan chức khác trong chính quyền Biden ngày càng lo ngại về việc Trung Quốc sản xuất quá nhiều xe điện, tấm pin mặt trời, chất bán dẫn và các hàng hóa khác đang tràn vào thị trường toàn cầu trong khi nhu cầu sụt giảm ngay trong Trung Quốc.
    Cho đến nay, bà Yellen tránh đưa ra lời đe dọa về các rào cản thương mại mới, nhưng trong hành trình tới Quảng Châu, bà nói rằng bà sẽ không loại trừ chuyện sẽ có nhiều hành động hơn để bảo vệ chuỗi cung ứng còn non trẻ của Mỹ trong lĩnh vực xe điện, pin, năng lượng mặt trời và các hàng hóa khác trước hàng nhập khẩu giá rẻ của Trung Quốc.
    Truyền thông nhà nước Trung Quốc bác bỏ những lo ngại của Mỹ về năng lực sản xuất của Trung Quốc, xem đó như một tiêu chuẩn kép “đánh vào Trung Quốc”.
    “Tuy rằng điều sơ đẳng về kinh tế là các sản phẩm dư thừa sẽ đương nhiên tìm kiếm thị trường ở nơi khác khi nhu cầu trong nước được đáp ứng, và các quốc gia phương Tây đã làm như thế trong nhiều thế kỷ, thế nhưng trong trường hợp của Trung Quốc, việc này lại trở thành một ‘vấn đề dư thừa’ đe dọa thế giới”, tờ Trung Quốc Nhật báo viết.
    Các cuộc họp của bà Yellen, sẽ còn tiếp tục từ ngày 6-8/4 ở Bắc Kinh, diễn ra ngay sau khi các quan chức của Bộ Thương mại Hoa Kỳ và Bộ Thương mại Trung Quốc gặp nhau ở Washington hôm 4/4 để thảo luận về các vấn đề thương mại và đầu tư.
    Vào ngày 5/4, bà Yellen cũng sẽ gặp gỡ các lãnh đạo doanh nghiệp quốc tế tại Quảng Châu và tham gia sự kiện của Phòng Thương mại Hoa Kỳ.

    Israel mở các ngã tư biên giới mới để tăng viện trợ cho Gaza sau lời kêu gọi của TT Biden 

    Caden Pearson 

    Thanh Nhã lược dịch

    Thứ sáu, 05/04/2024 

    Diễn biến này tiến triển sau khi Thủ tướng Benjamin Netanyahu được thông báo rằng chính sách của Hoa Kỳ đối với Gaza có thể thay đổi nếu Israel không hành động. 

    Trẻ em Palestine chờ nhận thức ăn do một bếp từ thiện nấu trong bối cảnh thiếu nguồn cung cấp thực phẩm, khi cuộc chiến đang diễn ra giữa Israel và Hamas vẫn tiếp diễn, tại Rafah, phía nam Dải Gaza, hôm 05/03/2024. (Ảnh: Mohammed Salem/Reuters) 

    https://www.epochtimesviet.com/wp-content/uploads/2024/04/id5585152-Joe-BidenKO-1080x720-1-446x295.jpg

    TT Biden nói với Thủ tướng Netanyahu: Chính sách Gaza của Hoa Kỳ có thể thay đổi nếu Israel không giải quyết vấn đề nhân đạo 

    Tối thứ Năm (04/04), nội các an ninh của Israel đã cho phép tăng cường viện trợ cho Gaza sau khi Tổng thống (TT) Joe Biden cảnh báo Thủ tướng Benjamin Netanyahu rằng chính sách của Hoa Kỳ đối với cuộc chiến này có thể thay đổi nếu cơ hội tiếp nhận nhân đạo dành cho người Palestine không được cải thiện. 

    Trong một tuyên bố được đưa ra cho truyền thông Israel vào tối thứ Năm, chính phủ cho biết họ sẽ thực hiện “các bước ngay lập tức để tăng cường viện trợ nhân đạo cho thường dân ở Dải Gaza.” 

    Để tạo thuận tiện cho việc chuyển viện trợ đến Gaza, Israel sẽ tạm thời mở cửa biên giới Erez ở phía bắc Gaza và cho phép viện trợ đến Cảng Ashdod gần đó, nơi đã bị đóng cửa sau cuộc nổi loạn ngày 07/10/2023 của những kẻ khủng bố Hamas ở miền nam Israel. 

    Viện trợ của Jordan cũng sẽ được phép đi qua Ngã ba Kerem Shalom, nơi Gaza giáp miền nam Israel và Ai Cập. 

    Tuyên bố nêu rõ, “Việc tăng viện trợ này sẽ ngăn chặn một cuộc khủng hoảng nhân đạo và là cần thiết để bảo đảm cuộc chiến tiếp tục diễn ra và đạt được các mục tiêu của cuộc chiến.” 

    Điều này xảy ra sau khi Tổng thống Hoa Kỳ Joe Biden nói với ông Netanyahu rằng chính sách của Hoa Kỳ đối với Gaza có thể thay đổi nếu Israel không hành động. Theo thông tin từ Tòa Bạch Ốc, Tổng thống Biden đã nói với Thủ tướng Israel trong cuộc điện đàm rằng tình hình nhân đạo ở Gaza là “không thể chấp nhận được.” 

    Tòa Bạch Ốc đã đưa ra tuyên bố vào tối thứ Năm, hoan nghênh quyết định của Israel và kêu gọi chính phủ nước này thực hiện “đầy đủ và nhanh chóng” kế hoạch này. 

    “Những biện pháp này, bao gồm cam kết mở cảng Ashdod để chuyển hàng viện trợ trực tiếp tới Gaza, mở ngã tư Erez cho một tuyến đường mới để hàng viện trợ đến được phía bắc Gaza, và tăng đáng kể việc vận chuyển hàng hóa từ Jordan trực tiếp đến Gaza, giờ đây phải được thực hiện đầy đủ và nhanh chóng,” phát ngôn viên Hội đồng An ninh Quốc gia Adrienne Watson cho biết. 

    “Như tổng thống đã nói hôm nay trong cuộc điện đàm, chính sách của Hoa Kỳ đối với Gaza sẽ được xác định bằng đánh giá của chúng tôi về hành động ngay lập tức của Israel đối với những hành động này và các hành động khác, bao gồm các bước bảo vệ thường dân vô tội và sự an toàn của nhân viên viện trợ.” 

    “Chúng tôi sẵn sàng phối hợp đầy đủ với Chính phủ Israel, Chính phủ Jordan, và Chính phủ Ai Cập, Liên Hiệp Quốc, cùng các tổ chức nhân đạo để bảo đảm rằng các bước quan trọng này được thực hiện và mang lại sự gia tăng đáng kể để hàng viện trợ nhân đạo đến tay người dân có nhu cầu cấp thiết trên khắp Gaza trong những ngày và tuần tới,” tuyên bố này nói thêm.

    Trạm kiểm soát Erez sẽ là điểm tiếp cận thứ ba cho việc vận chuyển hàng viện trợ ở Gaza, sau ngã ba Kerem Shalom ở miền nam Israel và một điểm khác ở biên giới với Ai Cập ở thành phố Rafah, nơi có hơn một triệu người Palestine hiện đang trú ẩn khỏi cuộc chiến đang diễn ra.

    Khi thảm họa xảy đến, lãnh đạo Đài Loan tham gia ứng phó, lãnh đạo Trung Quốc thì biến mất

    Liên Thành 

    https://www.dkn.tv/wp-content/uploads/2024/04/tong-thong-thai-anh-van.jpg

    Sau trận động đất mạnh 7,2 độ richter xảy ra ở Đài Loan vào ngày 3/4, Tổng thống Thái Anh Văn đã phụ trách Trung tâm Ứng phó Thiên tai. )(Ảnh chụp màn hình Twitter). 

    Sau khi trận động đất mạnh 7,2 độ richter xảy ra ở Hoa Liên, Đài Loan, Tổng thống Thái Anh Văn trực tiếp ở trong Trung tâm Ứng phó Thảm họa, còn Phó Tổng thống Lại Thanh Đức đã đến Tòa nhà Sao Thiên Vương ở Hoa Liên để điều tra thiệt hại sau trận động đất. Một số cư dân mạng chỉ ra rằng khi thảm họa xảy ra ở đại lục, các nhà lãnh đạo và quan chức địa phương cùng nhau biến mất, việc cứu trợ thiên tai diễn ra hỗn loạn. Do đó, họ khá xúc động khi so sánh tình hình tại hai bờ eo biển Đài Loan.

    Một cư dân mạng có tên là “Shan” đăng rằng: “Ở đại lục, cơ bản là thiếu sự lãnh đạo. Lãnh đạo không ai quan tâm người dân chút nào, người dân đành phải tự lo cho mình! Điều nực cười hơn nữa là vào ngày lũ lụt, ông Tập Cận Bình đã đến Tây Tạng để thưởng thức phong cảnh cao nguyên!”. 

    Vào tháng 7/2021, lũ lụt nghiêm trọng xảy ra ở tỉnh Hà Nam, miền Trung Trung Quốc. Người dân lên mạng cầu cứu, nhưng ông Tập Cận Bình không đến vùng thảm họa mà đến Lhasa, Tây Tạng.

    Từ cuối tháng 7/2023, nhiều nơi ở Trung Quốc hứng chịu lũ lụt. Mưa lớn và lũ lụt tấn công miền Bắc Trung Quốc vào đầu tháng 8/2023, sau đó tấn công mạnh vào vùng Đông Bắc, Trung Quốc. Tại Trác Châu, Hà Bắc, một khu vực rộng lớn bị ngập do xả lũ, khiến các nạn nhân không có tiền và không có nhà cửa. Bất chấp lũ lụt khủng khiếp, không có ai trong số 7 ủy viên Ban thường vụ Bộ Chính trị Trung Quốc có mặt tại khu vực thảm họa. 

    Có lẽ do áp lực của dư luận, truyền thông nhà nước Tân Hoa Xã của nhà nước TQ đã đăng bài trong 2 ngày liên tiếp là 5 và 6/8/2023 nói rằng ông Tập Cận Bình “đích thân chỉ huy” chống lũ lụt và cứu trợ thiên tai từ xa.

    Một tháng sau khi mưa lớn đổ bộ vào vùng Đông Bắc Trung Quốc, vào ngày 8/9/2023, ông Tập Cận Bình xuất hiện tại khu vực bị thiên tai là Hắc Long Giang sau khi nước rút. Ông nói rằng ông “lo ngại về những khu vực bị thiên tai”.

    Có rất nhiều cuộc thảo luận trên mạng về việc tại sao ông Tập Cận Bình không tới vùng thảm họa trong đợt lũ lụt bùng phát. Hồ Bình (胡平), một học giả sống ở Mỹ, cho biết trên mạng xã hội X rằng, chủ yếu là vì lý do an toàn, việc duy trì an ninh ở trong khu vực xảy ra thảm họa là khó khăn, nên ông Tập Cận Bình lo lắng.

    Nhiều cư dân mạng ca ngợi sự lãnh đạo của các quan chức Đài Loan về việc cứu trợ thiên tai, đồng thời châm biếm ĐCSTQ:

    Một tài khoản có tên Thi Cốt Ngô Bì viết: “Họ không khoe khoang khi đối phó với thảm họa. Kiểu đưa tin đơn giản và rõ ràng, camera quay từ góc thấp. Người dân không phải cúi đầu cầu xin sự cứu trợ, vì đó là công việc của các nhà lãnh đạo. Vì các nhà lãnh đạo đã được dân bầu cử và đã tuyên bố trung thành với người dân nên họ phải giữ lời và làm điều đó. Nói một cách đơn giản: đây là Đài Loan dân chủ!

    Một tài khoản có tên Lý Thế Bình viết: “Tại sao chúng ta không thể thống nhất? Chẳng phải là sẽ tốt hơn nếu giao toàn bộ lục địa Trung Quốc cho Trung Hoa Dân Quốc sao?”.

    Tài khoản mạng có tên Mao Lợi Vũ Ninh viết : “Đảng Cộng sản Trung Quốc chưa bao giờ đối xử với công dân của mình như con người”.

    Ngoài ra, một cư dân mạng còn đăng tải một đoạn video quay cảnh các công chức Đài Loan ở vùng bị thiên tai với chức danh và tên in trên áo vest, trực tiếp làm việc tại chỗ ở khu vực bị thiên tai. 

    台湾灾区台湾公务员马甲上印有职务、姓名,灾区现场办公。 pic.twitter.com/55DY5uRCgc— 小明 (@yulin18494807) April 4, 2024

    Năm ngoái, khi lũ lụt hoành hành ở Trác Châu, Hà Bắc trong hơn một tuần, hai quan chức đứng đầu khu vực là Thành ủy Trác Châu Thái Vĩ Hoá 蔡炜华 và Thị trưởng Lý Hiến Phong 李献峰 đã biến mất. Hai người này không có mặt để đối phó với thảm họa hoặc trực tiếp cứu trợ thiên tai, khiến dư luận phẫn nộ.

    Brazil đưa ra lời xin lỗi đầu tiên về việc trục xuất, giam giữ, và tra tấn người dân bản địa sau cuộc đảo chính 60 năm trước, cũng như về cách đối xử tàn bạo với họ trong hàng trăm năm dưới chế độ thuộc địa. Chủ tịch ủy ban chính phủ điều tra chế độ hậu đảo chính đã quỳ xuống trước lãnh đạo người dân Krenak và nói: “Nhân danh nhà nước Brazil, tôi muốn nói lời xin lỗi”.

    Liệu thị trường lao động Mỹ đã hạ nhiệt?

    Trong năm qua, nền kinh tế Mỹ vẫn rất mạnh mẽ. Dữ liệu hàng tháng mới nhất về việc làm, được công bố vào thứ Sáu, sẽ cho thấy liệu nó có chậm lại hay không. Hầu hết các nhà kinh tế cho rằng Mỹ đã tạo thêm 200.000 việc làm vào tháng trước, giảm so với mức 275.000 của tháng 2. Đây vẫn là con số ấn tượng so với thập niên 2010, nhưng Cục Dự trữ Liên bang sẽ hoan nghênh đà giảm.

    Tiền lương đang tăng với tốc độ hàng năm khoảng 5%, khiến lạm phát ở mức cao. Có thể thị trường việc làm sẽ suy yếu để tăng trưởng tiền lương chậm lại và lạm phát giảm xuống mục tiêu 2% của Fed từ mức khoảng 3% hiện nay. Kịch bản tốt nhất là nền kinh tế suy yếu một chút, khi Mỹ tiếp tục tạo thêm việc làm nhưng với tốc độ chậm hơn. Điều đó sẽ giúp củng cố niềm tin của Fed rằng họ có thể sớm bắt đầu cắt giảm lãi suất.

    Armenia nhìn về phương Tây

    Xu hướng xoay trục sang phương Tây của Armenia ngày càng trở nên rõ rệt. Trong những tháng gần đây, nước này đã gửi viện trợ cho Ukraine và đình chỉ việc tham gia vào Tổ chức Hiệp ước An ninh Tập thể, một khối do Nga lãnh đạo. Hồi tháng 2, họ gia nhập Tòa án Hình sự Quốc tế, nơi đã ban hành lệnh bắt giữ Vladimir Putin. Tháng trước, ngoại trưởng Armenia gợi ý nước này có thể tìm cách gia nhập EU.

    Vào thứ Sáu, thủ tướng Nikol Pashinyan sẽ gặp Ursula von der Leyen, chủ tịch Ủy ban châu Âu, và Antony Blinken, ngoại trưởng Mỹ, tại Brussels. Ba nhà lãnh đạo sẽ thảo luận về viện trợ cho khoảng 100.000 người tị nạn chạy sang Armenia từ lãnh thổ Nagorno-Karabakh, nơi bị Azerbaijan chiếm từ năm ngoái. Họ cũng sẽ thảo luận về việc xây dựng mối quan hệ thương mại lâu dài hơn.

    Ông Pashinyan có thể đề cập đến chủ đề gia nhập EU. Nhưng làm vậy chẳng khác nào chọc tức nước bảo trợ trước đây của Armenia. Nga nói tư cách thành viên EU sẽ biến nước này thành “người thực thi mệnh lệnh từ Brussels và Washington.”

    Căng thẳng leo thang giữa Iran và Israel

    Ayatollah Ali Khamenei không phải là người sẽ nói giảm nói tránh. Vào thứ Sáu, nhà lãnh đạo tối cao của Iran dự kiến sẽ có bài phát biểu đánh dấu Ngày Al Quds, một sự kiện quốc tế thường niên nhằm ủng hộ chính nghĩa của người Palestine và phản đối Israel. Tại các sự kiện Al Quds trước đó, ông Khamenei đã gọi Israel là “trại khủng bố” và yêu cầu những người theo ông chiến đấu chống lại nó.

    Ông sẽ có nhiều điều để nói trong năm nay. Israel đang chiến đấu với một loạt lực lượng dân quân được Iran hậu thuẫn ở các quốc gia lân cận kể từ ngày 7 tháng 10. Hôm thứ Hai, một đòn không kích được cho là từ Israel đã san phẳng một tòa nhà tại khu đại sứ quán Iran ở Damascus. Vụ nổ giết chết 7 người, trong đó có tướng Mohammad Reza Zahedi, một chỉ huy Lực lượng Quds tinh nhuệ của Iran.

    Iran vẫn chưa trả đũa. Nhưng ông Khamenei đã gợi ý rằng lần này họ có thể trả đũa trực tiếp (thay vì thông qua lực lượng uỷ nhiệm). “Chế độ tà ác sẽ bị trừng phạt,” ông nói hôm thứ Ba. Israel đã tăng cường phòng không ngay sau đó.

    Ấn Độ nhiều khả năng sẽ giữ nguyên lãi suất

    Vào thứ Sáu, các lãnh đạo ngân hàng trung ương của Ấn Độ dự kiến sẽ giữ lãi suất ổn định như họ đã làm trong hơn một năm qua. Ngân hàng Dự trữ Ấn Độ có lý do chính đáng để duy trì hiện trạng. Trong quý cuối của năm 2023, tốc độ tăng trưởng GDP hàng năm đã tăng lên mức 8,4%. Và lạm phát dường như cũng đang dịu đi. Giá tiêu dùng trong tháng 2 đã tăng 5,1% so với cùng kỳ năm ngoái, thấp hơn nhiều so với ngưỡng 6% của RBI.

    Nhưng không phải tất cả đều màu hồng. Tăng trưởng kinh tế không tạo ra việc làm – đặc biệt cho giới trẻ đất nước. Tỷ lệ thất nghiệp trong độ tuổi từ 20 đến 24 đang dao động khoảng 44%. Tuần trước, Tổ chức Lao động Quốc tế cho biết, kể từ năm 2019, việc làm trong lĩnh vực nông nghiệp ở Ấn Độ đã tăng lên, đi ngược với con đường phát triển truyền thống trên toàn thế giới. Họ nói rằng Ấn Độ phải “chuyển đổi cơ cấu” trong đó sản xuất phải có “vai trò quan trọng.” Nhưng chỉ ngân hàng trung ương thì không thể làm được điều này.


    Không có nhận xét nào