Header Ads

  • Breaking News

    Thời sự đó đây ngày Thứ năm 18 tháng 4 năm 2024

    Võ Thái Hà tổng hợp

    Liên Hiệp Châu Âu hứa cung cấp cho Ukraina hệ thống phòng không

    Anh Vũ /RFI

    18/4/2024

    Lãnh đạo 27 nước thành viên Liên Hiệp Châu Âu (EU) đã họp tại Bruxelles ngày 17/04/2024, chủ yếu bàn về khủng hoảng ở Trung Cận Đông, trong lúc tổng thống Volodymyr Zelensky cảm thấy Ukraina như đang trở thành đồng minh thứ yếu của Hoa Kỳ, Anh và Pháp so với những gì Israel được hỗ trợ để chống trả đợt tấn công của Iran vừa qua. 

    Chủ tịch Hội Đồng Châu Âu Charles Michel tại trụ sở Liên Hiệp Châu Âu ở Bruxelles, Bỉ, ngày 17/04/2024.

    Chủ tịch Hội Đồng Châu Âu Charles Michel tại trụ sở Liên Hiệp Châu Âu ở Bruxelles, Bỉ, ngày 17/04/2024. AFP - LUDOVIC MARIN 

    Cùng với thông báo trừng phạt Iran, các nước châu Âu đã cam kết tăng tốc cung cấp vũ khí đạn dược, đặc biệt là các hệ thống phòng không, để giúp Kiev ngăn đà tiến của quân Nga trên chiến trường.

    Đặc phái viên RFI Julien Chavanne tại Bruxelles tường trình:

    Đó chính là những gì ông Volodymyr Zelensky muốn nghe thấy. Nỗ lực gây áp lực của ông đã có hiệu quả vì Liên Hiệp Châu Âu đã cam kết cung cấp nhanh nhất cho Kiev các vũ khí phòng không.

    Chủ tịch Hội Đồng Châu Âu Charles Michel nhấn mạnh : « Không còn thời gian cho những tuyên bố hùng hồn nữa. Chúng ta cần có thêm vũ khí. Chúng ta đã thảo luận rất kỹ và các nước thành viên, đặc biệt là những nước có năng lực sản xuất, đã nhận thức được rằng cung cấp thêm hệ thống phòng không và đạn được là rất quan trọng. »

    Tổng thống Ukraina có thể trông chờ vào sự ủng hộ của nhiều nước châu Âu như Hà Lan và Litva. Tổng thống Litva Gitanas Nauseda bày tỏ : « Tôi lo ngại chúng ta không còn quan tâm đến Ukraina. Hàng ngày, hàng đêm, các thành phố của Ukraina đang bị bắn phá ».

    Còn thủ tướng Đức Olaf Scholz thì kêu gọi các đồng nghiệp noi theo ông, giao hệ thống tên lửa phòng không Patriot cho Kiev. Ông tuyên bố : « Đó là việc làm có ích ngay cho Ukraina và chúng tôi muốn khuyến khích những nước khác làm việc đó. »

    Tổng thống Volodymyr Zelensky đã phải khó khăn mới có được những hứa hẹn mới từ các đồng minh châu Âu. Bây giờ phải làm sao cụ thể hóa những hứa hẹn đó càng nhanh càng tốt để đối phó với đà tiến của quân Nga.

    EU trừng phạt Iran

    Ngoài những cam kết mạnh mẽ với Kiev, trong phiên họp ngày 17/04, Liên Hiệp Châu Âu đã quyết định ban hành các trừng phạt mới nhắm vào các công ty chế tạo drone và tên lửa của Iran sau vụ Teheran tấn công ồ ạt vào Israel. Trong thông cáo sau cuộc họp thượng đỉnh, lãnh đạo các nước Liên Âu còn kêu gọi « tất cả các bên kiềm chế ở mức cao nhất và tránh mọi hành động có thể làm gia tăng căng thẳng trong vùng ».

    Đêm 13 rạng sáng 14/04 vừa qua, Iran đã tấn công bằng tên lửa đạn đạo và drone trực tiếp vào lãnh thổ Israel, để trả đũa vụ oanh kích lãnh sự quán của Iran tại Damas hôm 01/04, được quy cho Israel. Hầu như toàn bộ các tên lửa và drone của Iran đều đã bị bắn chặn từ ngoài lãnh thổ Israel.

    Lãnh đạo NASA: Trung Quốc che giấu các chương trình quân sự trong không gian

    Thùy Dương /RFI

    18/4/2024

    Bill Nelson, lãnh đạo Cơ quan Hàng không và Vũ trụ Hoa Kỳ ( NASA ), hôm 17/04/2024 khẳng định Trung Quốc đang tiếp tục tăng cường năng lực quân sự trong không gian và tố cáo Bắc Kinh dùng vỏ bọc chương trình dân sự để che giấu một chương trình quân sự trong không gian. 

    Lãnh đạo NASA Bill Nelson tại Điện Capitol, Washington, Hoa Kỳ, ngày 27/04/2023.

    Lãnh đạo NASA Bill Nelson tại Điện Capitol, Washington, Hoa Kỳ, ngày 27/04/2023. AP - Jose Luis Magana 

    Ra điều trần trước Ủy ban Phân bổ Ngân sách của Hạ Viện Mỹ để yêu cầu ngân sách thường niên cho Cơ quan Hàng không và Vũ trụ Mỹ, lãnh đạo NASA lưu ý : « Trung Quốc đã đạt được những bước tiến vô cùng lớn, nhất là từ 10 năm trở lại đây, nhưng đó là những tiến bộ được giữ rất bí mật ».

    Theo ông Bill Nelson, cơ quan NASA tin rằng phần lớn những gì Trung Quốc gọi là chương trình không gian dân sự thực ra là chương trình quân sự. Lãnh đạo NASA nhắc lại là các chương trình không gian dân sự được tiến hành vì mục đích hòa bình, nhưng ông không thấy Bắc Kinh chứng tỏ được điều đó khi tiến hành các chương trình thám hiểm không gian.

    Cũng theo ông, Washington hiện đang lao vào một « cuộc chạy đua » trong không gian với Bắc Kinh và Mỹ phải thành công trong việc đổ bộ lên Mặt trăng trước Trung Quốc. Lãnh đạo NASA lo ngại về nguy cơ Trung Quốc « sẽ đến đó trước tiên và rồi bỗng dưng nói rằng đó là lãnh thổ của chúng tôi ». Khi được Ủy ban Phân bổ ngân sách của Hạ Viện Mỹ hỏi về hậu quả của việc Mỹ có thể để mất vị thế hàng đầu trong không gian vào tay Trung Quốc, lãnh đạo NASA khẳng định không nên để điều đó xảy ra. Ông đồng thời cảnh báo là Mỹ phải tỏ ra « thực tế », « thực sự không được mất cảnh giác », bởi Trung Quốc đang « đầu tư rất nhiều tiền » vào các chương trình thám hiểm không gian.

    AFP nhắc lại Hoa Kỳ có kế hoạch đưa phi hành gia lên Mặt trăng vào năm 2026 với chương trình Artemis 3. Trung Quốc cũng có kế hoạch đưa con người lên Mặt trăng vào năm 2030.

    Tổng thống Biden mạnh tay đánh thuế nhôm, thép Trung Quốc

    Thanh Hà /RFI

    18/4/2024

    Tố cáo Bắc Kinh « gian trá » trên thị trường nhôm và thép, tổng thống Joe Biden dọa « tăng gấp ba » thuế nhập khẩu đối với hai mặt hàng này của Trung Quốc bán sang Hoa Kỳ. Ngay lập tức, Bắc Kinh lên án thái độ « giả dối » của nguyên thủ quốc gia Mỹ. 

    Tổng thống Mỹ Joe Biden trong khuôn viên Nhà Trắng, Washington, Hoa Kỳ, sau khi trở về từ bang Pennsylvania, ngày 17/04/2024.

    Tổng thống Mỹ Joe Biden trong khuôn viên Nhà Trắng, Washington, Hoa Kỳ, sau khi trở về từ bang Pennsylvania, ngày 17/04/2024. AP - Susan Walsh 

    Trong cuộc vận động tranh cử hôm qua, 17/04/2024, tại thành phố Pittsburgh, bang Pennsylvania, cái nôi của ngành công nghiệp luyện kim Mỹ, tổng thống Joe Biden loan báo ý định mạnh tay đánh thuế nhôm và thép của Trung Quốc. Để thu hút lá phiếu của tầng lớp công nhân, Joe Biden tố cáo Bắc Kinh « gian trá » trợ giá nhôm thép, gây nhiều thiệt hại các nhà máy và công nhân Hoa Kỳ. Phát biểu từ trụ sở của nghiệp đoàn ngành luyện kim USW, tổng thống Mỹ nhấn mạnh « các công ty Trung Quốc không lo làm ăn thua lỗ, vì dù thế nào đi chăng nữa họ cũng được nhà nước trợ cấp rộng rãi ». Đây không chỉ là một sự cạnh tranh, mà còn là một « trò lừa đảo gây rất nhiều thiệt hại cho Hoa Kỳ ». Tuy nhiên, tổng thống Biden cũng nói thêm ông không muốn đẩy nước Mỹ  vào một cuộc chiến thương mại với Trung Quốc, mà chỉ muốn bảo đảm đây  là « một sự cạnh tranh lành mạnh và bình đẳng ».

    Người tiền nhiệm của Joe Biden là tổng thống Donald Trump từng ban hành các biện pháp đánh thuế nhôm, thép không chỉ của Trung Quốc, mà từ cả Liên Âu.

    Vào tháng trước, nghiệp đoàn ngành luyện kim Hoa Kỳ từng tuyên bố ủng hộ Joe Biden trong cuộc bầu cử tổng thống Mỹ sắp tới, do Donald Trump đang « xóa bỏ dần những quyền lợi của người lao động ».

    Hãng tin Pháp AFP nhắc lại, từ đầu thập niên 1990, hơn 40% việc làm trong các nhà máy ở bang Pennsylvania đã bị xóa bỏ. Pennsylvania được coi là một trong 6 bang có tính chất« quyết định » cho cuộc bầu cử vào tháng 11/2024.

    Philippines: Quyết định tăng cường quan hệ với Nhật, Mỹ là 'lựa chọn tối thượng' 

    18/4/2024 

    Reuters 

    Lãnh đạo Mỹ, Nhật và Philippines họp thượng đỉnh mới đây ở Mỹ.

    Lãnh đạo Mỹ, Nhật và Philippines họp thượng đỉnh mới đây ở Mỹ. 

    Bộ Ngoại giao Philippines nói hôm thứ Năm 18/4 rằng quyết định của nước này tăng cường quan hệ với Nhật Bản và Hoa Kỳ là "sự lựa chọn tối thượng", đồng thời kêu gọi Trung Quốc hãy "suy ngẫm về hành động của chính họ" ở Biển Đông.

    Bộ ngoại giao nói trong một tuyên bố: “Nguồn gốc căng thẳng trong khu vực của chúng ta đều được mọi người biết rõ”.

    “Chính các tuyên bố chủ quyền trên biển quá đáng và hành vi hung hăng của Trung Quốc, bao gồm cả việc quân sự hóa các thực thể được bồi đắp, đang làm suy yếu hòa bình, ổn định trong khu vực và làm gia tăng căng thẳng”, bộ này nói thêm.

    Tuyên bố được đưa ra để đáp trả những lời chỉ trích của Trung Quốc về cuộc họp thượng đỉnh ba bên gần đây giữa Tổng thống Mỹ Joe Biden, Thủ tướng Nhật Bản Fumio Kishida và Tổng thống Philippines Ferdinand Marcos (con).

    Ba nhà lãnh đạo đã cùng bày tỏ quan ngại sâu sắc về “hành vi nguy hiểm và hung hăng ở Biển Đông” của Trung Quốc.

    Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Mao Ninh phát biểu trong một cuộc họp báo hồi tuần trước rằng Bắc Kinh phản đối việc "hình thành các bè cánh khép kín trong khu vực".

    Bộ Ngoại giao Philippines cho rằng hành động của Trung Quốc đang phá hoại hòa bình, ổn định trong khu vực và làm gia tăng căng thẳng trên tuyến đường thủy có những tranh chấp.

    Trung Quốc tuyên bố chủ quyền đối với gần như toàn bộ Biển Đông, nơi có lượng vận tải hàng hải trị giá hơn 3 nghìn tỷ đô la đi qua hàng năm. Các yêu sách lãnh thổ của nước này chồng lấn lên các vùng biển mà Philippines, Việt Nam, Indonesia, Malaysia và Brunei cũng tuyên bố chủ quyền.

    Năm 2016, Tòa án Trọng tài Thường trực ở La Hay tuyên rằng yêu sách của Trung Quốc không có cơ sở pháp lý, Bắc Kinh bác bỏ phán quyết này.

    Chủ tịch Hạ viện Mike Johnson công bố dự luật viện trợ ngoại quốc trị giá 95 tỷ USD 

    Các dự luật này tập trung vào Israel, Ukraine, và Đài Loan. 

    Joseph Lord 

    Bản tin có sự đóng góp của Emel Akan

    Minh Ngọc lược dịch

    Thứ năm, 18/4/2024 

    Chủ tịch Hạ viện Mike Johnson công bố dự luật viện trợ ngoại quốc trị giá 95 tỷ USD

    Chủ tịch Hạ viện Mike Johnson (Cộng Hòa-Louisiana) nói chuyện trong một cuộc họp báo ở National Statuary Hall tại Tòa nhà Quốc hội Hoa Kỳ ở Hoa Thịnh Đốn hôm 17/04/2024. (Ảnh: Kent Nishimura/Getty Images) 

    Chủ tịch Hạ viện Mike Johnson (Cộng Hòa-Louisiana) đã công bố một loạt dự luật viện trợ cho ngoại quốc với tổng trị giá 95 tỷ USD, trong bối cảnh ông phải đối mặt với những thách thức và thất vọng nữa từ hội nghị của đảng mình. 

    Gói được công bố hôm 17/04 bao gồm các dự luật tài trợ cho Ukraine, Israel, Đài Loan, và các đối tác Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương khác. 

    Mức 95 tỷ USD khiến gói này gần như ngang bằng với gói viện trợ cho ngoại quốc và an ninh quốc gia đã được Thượng viện thông qua trước đó mà ông Johnson đã từ chối tiếp nhận tại Hạ viện. 

    Trong số 95 tỷ USD đó, khoảng ⅔ số tiền — 61 tỷ USD — sẽ đến Ukraine. Hơn 26 tỷ USD sẽ được chuyển đến Israel, và 16.5 tỷ USD được dành cho tài trợ quân sự, bao gồm cả việc bổ sung nguồn dự trữ đã cạn kiệt của hệ thống phòng thủ phi đạn Vòm Sắt (Iron Dome) của Israel. 

    Gần 10 tỷ USD tài trợ bổ sung dự kiến ​​sẽ được dùng để cứu trợ nhân đạo cho “các nhóm dân cư và cộng đồng dễ bị tổn thương” ở Dải Gaza. 

    Cuối cùng, dự luật bao gồm khoảng 8 tỷ USD dành cho các đối tác Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương của Hoa Kỳ — cụ thể là Đài Loan — trong bối cảnh sự hiếu chiến ngày càng gia tăng của Trung Quốc trong khu vực. Một dự luật thứ tư dự kiến đưa ra ​​​​đã không được công bố cùng ba gói này. 

    Dự luật đó dự kiến ​​​​sẽ bao gồm một lệnh cấm TikTok sửa đổi — đã được Hạ viện thông qua nhưng bị đình trệ ở Thượng viện — và Đạo luật REPO, cho phép Hoa Kỳ tài trợ cho một số khoản viện trợ cho ngoại quốc trong gói này bằng cách tịch thu tài sản của các nhà tài phiệt Nga. 

    Việc giới thiệu gói dự luật này có thể gây căng thẳng trong hội nghị đang bị chia rẽ sâu sắc của Đảng Cộng Hòa tại Hạ viện, làm tăng nguy cơ ông Johnson sẽ phải đối mặt với kiến ​​nghị truất phế giống như Chủ tịch tiền nhiệm Kevin McCarthy (Cộng Hòa-California). 

    Kể từ tối ngày 15/04, khi ông Johnson công bố kế hoạch viện trợ cho ngoại quốc mới, ông đã phải đối mặt với áp lực từ hai thành viên trong hội nghị của mình, khi Dân biểu Marjorie Taylor Greene (Cộng Hòa-Georgia) và Dân biểu Thomas Massie (Cộng Hòa-Kentucky) kêu gọi ông từ chức. 

    Đó là một lời kêu gọi mà ông Johnson cho biết ông không có ý định thực hiện. 

    Tuy nhiên, với việc thế đa số với cách biệt hai phiếu mỏng manh của Đảng Cộng Hòa sẽ sớm giảm xuống còn đa số với cách biệt một phiếu khi Dân biểu Mike Gallagher (Cộng Hòa-Wisconsin) rời đi vào cuối tuần này, mối đe dọa do bà Greene và ông Massie đặt ra là không thể xem nhẹ. 

    Bà Greene cho biết bà “kiên quyết phản đối kế hoạch này,” nhưng vẫn chưa thể hiện bất kỳ dấu hiệu nào cho thấy bà sẽ kích hoạt kiến nghị truất phế để đáp lại kế hoạch đó. Bà đã lặp lại nhiều lần rằng bà chưa “đề ra ranh giới đỏ” về điều gì sẽ khiến bà kích hoạt kiến ​​nghị này. 

    Nếu bà Greene kích hoạt kiến ​​nghị bãi nhiệm ông Johnson, điều đó sẽ bảo đảm rằng ông sẽ cần sự ủng hộ của Đảng Dân Chủ để giữ được công việc của mình. 

    Mặc dù các thành viên Đảng Dân Chủ vẫn chưa cam kết ủng hộ ông Johnson để ông có thể trụ vững trước một kiến nghị như vậy, nhưng Lãnh đạo Thiểu số Hạ viện Hakeem Jeffries (Dân Chủ-New York) đã bày tỏ rằng điều đó không phải là không thể. 

    “Nếu Chủ tịch làm điều đúng đắn và cho phép Hạ viện biểu quyết trực tiếp về dự luật an ninh quốc gia này, thì tôi tin rằng có một số lượng hợp lý thành viên Đảng Dân Chủ sẽ không muốn chứng kiến Chủ tịch bị bãi nhiệm,” ông Jeffries cho biết trong cuộc họp báo vào tuần trước. 

    Một số thành viên Đảng Dân Chủ, kể cả cựu Chủ tịch Hạ viện Jim Clyburn (Dân Chủ-South Carolina), đã cho biết họ sẽ bảo vệ ông Johnson nếu được ông Jeffries yêu cầu. 

    Các thành viên Đảng Dân Chủ tại Hạ viện cũng đã phát đi tín hiệu ban đầu rằng họ sẽ ủng hộ kế hoạch này. 

    “Điều quan trọng là nội dung của gói dự luật. Thực chất mới là quan trọng,” Dân biểu Pete Aguilar (Dân Chủ-California), Chủ tịch Đảng Dân Chủ, nói với các phóng viên vào ngày 16/04. 

    Sau khi gói dự luật này được công bố, Tòa Bạch Ốc đã tuyên bố ủng hộ gói này.

    Tổng thống Joe Biden cho biết: “Tôi sẽ ký thành luật ngay lập tức để gửi thông điệp tới thế giới: Chúng tôi sát cánh cùng các bằng hữu của mình và chúng tôi sẽ không để Iran hay Nga thành công.”

    Israel vs Iran – Khi hai thế lực Trung Đông ‘động dao động thớt’

    Trúc Phương

    Saigon Nhỏ 

    17 tháng 4, 2024

    https://saigonnhonews.com/wp-content/uploads/2024/04/GettyImages-2147828978.jpg

    Một người lính treo cờ Israel trên xe bọc thép chở quân di chuyển gần biên giới với Dải Gaza vào ngày 15 Tháng Tư năm 2024 ở miền Nam Israel, Israel. (Hình: Amir Levy/Getty Images) 

    Lần đầu tiên trong lịch sử, Iran đã dám vuốt râu hùm khi tấn công vào lãnh thổ Israel. Giữa đêm Thứ Bảy 13 Tháng Tư 2024, báo động không kích vang lên khắp Israel.

    Trong vòng chưa đầy 24 giờ, Tehran phóng tổng cộng hơn 300 máy bay không người lái và hỏa tiễn vào các cơ sở quân sự Israel. Ít nhất chín quốc gia liên can việc leo thang quân sự, khi hỏa tiễn được bắn từ Iran, Iraq, Syria và Yemen; và bị Israel, Mỹ, Anh và Jordan bắn hạ.

    Lửa cháy rực bầu trời Trung Đông. Toàn bộ khu vực nhốn nháo. Mùi thuốc súng khét lẹt bay đến tận Tòa Bạch Ốc.

    Trong nhiều năm, Cộng Hòa Hồi giáo Iran luôn tìm cách chống lại Israel bằng cách tạo ra cái mà các chiến lược gia Israel gọi là “vòng lửa” (ring of fire). Họ thực hiện điều này bằng cách cung cấp vũ khí và tài trợ cho “trục kháng chiến,” gồm Hezbollah, Hamas, Thánh Chiến Hồi Giáo Palestine, và các chiến binh Bờ Tây.

    Trong “ring of fire,” có cả Syria, lực lượng Houthi của Yemen và các tổ chức bán quân sự ở Iraq. Để đáp trả liên minh đa mặt trận này, Israel có “chiêu” riêng của họ: Thực hiện các hoạt động bí mật trên đất Iran, nhắm vào các cơ sở hạt nhân và ám sát khoa học gia hạt nhân Iran; đồng thời tìm cách chặn đứng việc chuyển giao vũ khí của Iran, đặc biệt những vũ khí được điều động tới Lebanon và Syria.

    Tuy nhiên, hai bên luôn thận trọng không để việc ăn miếng trả miếng biến thành chiến dịch quân sự mở rộng vượt quá tầm kiểm soát. Nhưng sự cân bằng mong manh đó bắt đầu thay đổi sau ngày 7 Tháng Mười 2023, khi Hamas tấn công Israel. Teheran bắt đầu huy động lực lượng “ring of fire” tăng cường tấn công các cơ sở của Israel lẫn Mỹ.

    Đáp lại, Israel dập các nhóm được Iran hậu thuẫn ở Lebanon và Syria, sau đó chĩa súng hẳn vào lính Iran.

    Từ đầu Tháng Mười Hai 2023 đến cuối Tháng Ba 2024, Israel khử gần chục chỉ huy và cố vấn trong Lực Lượng Vệ Binh Cách Mạng Hồi giáo Iran (IRGC) và lực lượng Quds. Đỉnh điểm là cuộc không kích vào lãnh sự quán Iran ở Damascus vào ngày 1 Tháng Tư 2024, giết chết Tướng Mohammad Reza Zahedi, người chịu trách nhiệm điều phối các hoạt động của lực lượng Quds, cùng cấp phó của ông và một số thành viên IRGC.

    Bối cảnh mới này đã dẫn đến việc Iran thay đổi cách tiếp cận của họ đối với Israel và Mỹ. Chính sách “kiên nhẫn chiến lược,” một cách tiếp cận dài hạn đòi hỏi củng cố các nhóm ủy nhiệm mà không cần dùng đến các biện pháp trả đũa, coi như phá sản.

    Teheran giờ đây phản ứng theo cách “muốn rắn đến đâu thì chơi đến đó!”

    “Kỷ nguyên của sự kiên nhẫn chiến lược đã kết thúc,” một quan chức cấp cao Iran viết trên X (Twitter) ngày 14 Tháng Tư.

    “Phương trình đã thay đổi. Chúng tôi đã quyết định tạo ra một phương trình mới. Nếu từ bây giờ chế độ Do Thái tấn công lợi ích, tài sản, nhân cách và công dân của chúng tôi ở bất cứ đâu và vào bất kỳ thời điểm nào, chúng tôi sẽ trả đũa,” Tư lệnh IRGC Hossein Salami nói trên Đài truyền hình nhà nước Iran.

    Vấn đề là Cộng Hòa Hồi Giáo Iran sẵn sàng chơi lỳ đến mức độ nào và họ đang cân nhắc điều gì. Mỹ là thế lực đáng sợ nhất.

    Về lý thuyết, Washington gần như chắc chắn bảo vệ Israel và có thể trực tiếp tham gia cuộc chiến. Tehran phải cân nhắc giữa rủi ro và lợi ích, giữa được và mất, khi không chỉ vuốt râu cọp Iran mà còn đụng đến móng diều hâu Mỹ.

    Tuy nhiên, các đồng minh phương Tây của Israel đang kêu gọi Nhà Nước Do Thái kiềm chế, giảm leo thang. Trong cuộc nói chuyện điện thoại với Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu, Tổng Thống Joe Biden dọa rằng Mỹ sẽ không dính vào bất kỳ hoạt động quân sự nào nhằm vào Iran.

    Biden thậm chí vuốt ve Netanyahu, nói rằng ông thủ tướng Israel nên coi màn tấn công của Iran là một thất bại đáng xấu hổ, vì phần lớn chiến dịch tấn công không thành công, rằng Israel đã chứng tỏ “khả năng vượt trội trong phòng thủ và đánh bại cuộc tấn công chưa từng có”.

    Lần này, liệu Israel có ngoan ngoãn nghe lời Mỹ? Thời điểm hiện tại, Israel vẫn tỏ ra cứng đầu như vẫn từng.

    Ngày 15 Tháng Tư 2024, Trung tướng Herzi Halevi, Tham mưu trưởng Lực lượng Phòng vệ Israel (IDF), nói rằng cuộc tấn công của Iran “sẽ bị đáp trả,” trong khi phát ngôn viên IDF, Daniel Hagari, cho biết IDF sẽ làm “tất cả những gì cần thiết” để bảo vệ Israel và “sẽ làm điều đó vào thời điểm chúng tôi chọn.”

    Trong nội bộ chính phủ Israel, những người theo đường lối cứng rắn cũng nói rằng đây là lúc phải mạnh tay. Bộ Trưởng Tài Chính Bezalel Smotrich kêu gọi một phản ứng “gây tiếng vang khắp Trung Đông” và Bộ Trưởng An Ninh Quốc Gia Itamar Ben Gvir nói rằng Israel cần phải thể hiện sự “phát điên” bằng súng đạn cụ thể.

    Những lời dọa dẫm ở khu vực đang vang đến Washington. Với lịch sử dây mơ rễ má với Israel, Mỹ không thể ngồi yên tọa sơn quan hổ đấu. Tờ The Washington Post ngày 16 Tháng Tư 2024 cho biết, nhóm cố vấn Biden đang muốn trừng phạt kinh tế Teheran nhưng một số người cho rằng động thái này vô hình trung chọc giận Trung Quốc và còn khiến giá dầu tăng vọt.

    Cần biết, nhiều năm nay, các công ty Trung Quốc đã mua số lượng lớn dầu thô xuất khẩu của Iran, giúp mang lại huyết mạch tài chính khi nước này vẫn bị phương Tây cắt đứt và cô lập. Trong năm qua, Mỹ áp đặt một số lệnh trừng phạt nhằm vào một số liên kết thương mại trong hoạt động buôn bán dầu mỏ giữa Trung Quốc và Iran. Một số ý kiến cho rằng chính sách này có thể tiến xa hơn bằng cách áp đặt các hạn chế lên những nhà máy lọc dầu và ngân hàng Trung Quốc.

    Nếu trừng phạt các ngân hàng Trung Quốc (liên quan việc mua dầu Iran), thị trường toàn cầu có thể mất đến 1.5 triệu thùng dầu mỗi ngày, khiến giá dầu tăng vọt, có khả năng dẫn đến việc giá xăng ở Mỹ tăng cao trước thềm cuộc bầu cử tổng thống. Bob McNally, chủ tịch hãng tư vấn Rapidan Energy Group, nhận định rằng điều đó sẽ đẩy giá dầu lên trên $100/thùng; và đây sẽ là cơn ác mộng chính trị đối với chính quyền Biden.

    Từ sau Đệ Nhị Thế Chiến đến nay, chưa bao giờ Trung Đông loạn cào cào mà Washington yên ổn. Khổ thân ông Biden, chính xác hơn là cho bất kỳ tổng thống Mỹ nào. Lần này, Biden đang đối mặt áp lực từ Capitol Hill về việc phải hành động gì đó “cho đáng mặt đàn anh.”

    Họ thậm chí gửi một thông điệp cụ thể cho Biden. Ngày 15 Tháng Tư, Hạ viện đã thông qua luật ngăn chặn việc Iran bán dầu cho Trung Quốc!

    Hạ viện Mỹ đề xuất hỗ trợ Ukraina dưới dạng khoản vay, nhưng trao cho tổng thống quyền xoá nợ

    Liên Thành 

    https://www.dkn.tv/wp-content/uploads/2024/04/no.jpg

    Hạ viện Mỹ đề xuất hỗ trợ Ukraina dưới dạng khoản vay, nhưng trao cho tổng thống quyền xoá nợ (Ảnh: KARINA LEVYTSKA, MILAN LELICH). 

    Ngày 18/04, Chủ tịch Hạ viện Hoa Kỳ Mike Johnson đã công bố văn bản dự luật về sáng kiến ​​tài trợ viện trợ trị giá 61 tỷ USD cho Ukraina. Ông Johnson lưu ý rằng dự luật mới loại bỏ hoàn toàn các khoản trợ cấp vũ khí và thay vào đó kết hợp cơ cấu dựa trên khoản vay. Tuy nhiên, có một điều khoản trong dự thảo luật cho phép Tổng thống Mỹ xóa bỏ khoản nợ vay cho Ukraina.

    Cụ thể, sau ngày 15/11/2024, tổng thống Mỹ sẽ có thể xóa một nửa khoản nợ vay sau khi đệ trình lý do thích hợp lên Quốc hội. Và từ ngày 1/1/2026, tổng thống sẽ có quyền xóa toàn bộ khoản nợ cho Ukraina.

    Tuy nhiên, vào tháng 11/ 2024, cuộc bầu cử tổng thống sẽ được tổ chức tại Hoa Kỳ. Vì vậy, hiện tại vẫn chưa rõ liệu vị tổng thống được bầu vào cuối năm nay có sẵn sàng xoá nợ cho Ukraina hay không

    Dự luật mà ông Johnson đưa ra có thể được bỏ phiếu vào thứ Bảy tuần này (ngày 20/4).


    Không có nhận xét nào