Võ Thái Hà tổng hợp
Sập cầu ở Baltimore Hoa Kỳ : Mở được một lối lưu thông tạm thời trên sông
Minh Anh /RFI
02/4/2024
Một tuần sau vụ sập cầu ở Baltimore, một tuyến lưu thông tạm thời trên sông đã được mở ra để cho tàu bè có thể tiếp cận cảng biển Baltimore lớn nhất nước Mỹ.
Tàu kéo Crystal Coast đẩy một sà lan chở nhiên liệu phía bên dưới phần còn lại của cây cầu đã bị sập, Baltimore, Maryland, Hoa Kỳ, ngày 01/04/2024. REUTERS - Julia Nikhinson
Từ Washington, thông tín viên đài RFI, Guillaume Naudin tường thuật :
« Tuyến lưu thông tạm thời này chưa phải dành cho các tầu container hay các tầu chở hàng cỡ lớn, những loại tầu thường xuyên ghé cảng Baltimore. Chỉ có những loại tầu nhỏ, được xem là thiết yếu, có thể đi qua một lối hẹp được tạo ra giữa đống đổ nát sắt thép và bê-tông, còn những tàu hàng khổng lồ chưa thể đi qua sông Patapsco vào lúc này.
Trên thực tế, những con tầu thiết yếu này trước hết là những con tầu tham gia vào công việc dọn dẹp lối lưu thông được bắt đầu từ hôm Chủ Nhật. Một lối thứ hai thậm chí đang được dọn dẹp nhưng chính quyền không thể cam kết về ngày giờ mở cửa cho lưu thông. Mục tiêu là từng bước cho phép các loại tầu lớn hơn có thể đi qua.
Điều này thực sự là cần thiết cho việc khôi phục việc di chuyển các loại tầu thuyền và mang lại việc làm cho hàng ngàn lao động và nhất là giới công nhân cảng biển thành phố Baltimore. Đây là hàng đầu của Mỹ vận chuyển xe hơi và thiết bị nông nghiệp, những loại tầu chở hàng, đặc biệt là cho than đá chiếm giữ một phần lớn hoạt động của cảng.
Công việc này rõ ràng là phức tạp. Cần phải dọn dẹp cho lưu thông tuyến đường cao tốc dài hàng trăm mét và một phần của con đường này đang nằm đè lên chiếc tầu container khổng lồ bị hư hại và chở nhiều loại nguyên liệu nguy hiểm. Đây sẽ là một công việc dài hơi nhưng điều quan trọng cần nêu rõ là nỗ lực khơi thông đã được triển khai. »
Israel ném bom đại sứ quán Iran ở Syria, 7 người Iran thiệt mạng gồm 3 chỉ huy cấp cao
02/4/2024
Một tòa nhà đổ sập bên trong khu phức hợp Đại sứ quán Iran ở thủ đô Damascus của Syria, 1/4/2024.
Các máy bay chiến đấu bị nghi là của Israel đã ném bom đại sứ quán Iran ở Syria hôm thứ Hai 1/4, là sự leo thang rõ rệt trong cuộc chiến giữa Israel với các kẻ địch trong khu vực. Tehran nói rằng cuộc tấn công đã giết chết 7 cố vấn quân sự, trong đó có 3 viên chỉ huy cấp cao.
Ngoại trưởng Syria Faisal Mekdad nói: “Chúng tôi lên án mạnh mẽ vụ tấn công khủng bố tàn bạo nhắm vào tòa nhà lãnh sự của Iran ở Damascus và giết chết một số người vô tội”.
Israel lâu nay vẫn nhắm mục tiêu vào các cơ sở quân sự của Iran ở Syria và các cơ sở của những lực lượng tay chân, và đã đẩy mạnh các cuộc tấn công đó song song với chiến dịch nhằm vào nhóm Hamas của người Palestine được Iran hậu thuẫn ở Dải Gaza.
Kể từ khi cuộc chiến ở Gaza nổ ra do Hamas tấn công vào miền nam Israel hôm 7/10/2023, quân đội Israel đã tăng cường không kích ở Syria nhằm vào Lực lượng Vệ binh Cách mạng Hồi giáo của Iran và nhóm vũ trang Hezbollah của Lebanon do Iran hậu thuẫn, cả hai đều ủng hộ chính quyền của Tổng thống Syria Bashar al-Assad.
Cuộc tấn công hôm 1/4 là lần đầu tiên Israel tấn công vào chính khu đại sứ quán rộng lớn của Iran.
Đại sứ Iran tại Syria Hossein Akbari, người không hề hấn gì, nói với truyền hình nhà nước Iran rằng 5 đến 7 người, bao gồm cả các nhà ngoại giao, đã thiệt mạng và Tehran sẽ phản ứng "quyết liệt".
Lực lượng Vệ binh Cách mạng Iran (IRGC) nói trong một tuyên bố rằng 7 cố vấn quân sự đã chết trong cuộc tấn công, bao gồm Mohammad Reza Zahedi, chỉ huy cấp cao trong Lực lượng Quds của IRGC, là cơ quan tình báo đối ngoại kiêm lực lượng bán quân sự tinh nhuệ.
Truyền thông nhà nước Iran đưa tin Tehran tin rằng Zahedi là mục tiêu của vụ tấn công. Cấp phó của ông và một viên chỉ huy cấp cao khác cũng thiệt mạng cùng 4 người nữa.
Tờ New York Times dẫn lời 4 quan chức Israel giấu tên công nhận Israel đã thực hiện vụ tấn công.
Đài truyền hình Al Alam của Iran tường thuật rằng Zahedi là cố vấn quân sự ở Syria và từng đứng đầu Lực lượng Quds ở Lebanon và Syria cho đến năm 2016.
Trích dẫn một nguồn tin quân sự, truyền thông nhà nước Syria nói rằng Israel đã tiến hành cuộc tấn công từ Cao nguyên Golan bị chiếm đóng vào đại sứ quán Iran và Syria đã bắn hạ một số tên lửa bằng hệ thống phòng không của nước này.
Đại sứ Iran cho hay cuộc tấn công nhằm vào tòa nhà lãnh sự trong khuôn viên đại sứ quán và nơi ở của ông nằm ở hai tầng trên cùng.
Nhà Trắng đã không trả lời ngay lập tức khi có đề nghị đưa ra bình luận. Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Mỹ Matthew Miller nói với các phóng viên tại một cuộc họp báo thường kỳ rằng Hoa Kỳ vẫn “lo ngại về bất kỳ điều gì có tính chất leo thang hoặc gây ra sự gia tăng xung đột trong khu vực”.
Miller nói rằng ông không dự báo là vụ tấn công sẽ ảnh hưởng đến các cuộc đàm phán về việc giải thoát các con tin Israel bị Hamas bắt giữ.
Những người phát ngôn của Hamas và nhóm Houthi đều lên án cuộc tấn công xảy ra ở Damascus. Iran hậu thuẫn cho cả Hamas lẫn Houthi. Nhóm Hoithi ở Yemen đã tấn công tàu thuyền trong Vịnh Aden kể từ giữa tháng 11/2023.
Teheran thề trả đũa vụ Israel oanh kích Damas, giết chết 8 Vệ binh Iran
Minh Anh /RFI
02/4/2024
Đêm ngày 01/04/2024, một cuộc không kích được cho là do Israel tiến hành nhằm vào tòa lãnh sự Iran ở Damas, thủ đô Syria, đã làm 11 người thiệt mạng, trong đó có 7 Vệ binh Cách mạng Hồi giáo Iran. Chính quyền Teheran cam kết sẽ trả đũa « tội ác hèn hạ ».
Nhiều người tập trung gần một địa điểm ở thủ đô Damas của Syria mà truyền thông Iran và Syria nói là bị hư hại do vụ không kích của Israel vào lãnh sự quán Iran, ngày 01/04/2024. REUTERS - Firas Makdesi
Theo ghi nhận của AFP, cuộc oanh kích của Israel đã phá trụi hoàn toàn khu tòa lãnh sự Iran. Bộ Ngoại Giao Iran cho biết, toàn bộ số người trong tòa nhà đã bị giết chết hoặc bị thương. Trong một thông cáo, Lực lượng Vệ binh Cách Mạng Iran xác nhận trong số 7 nạn nhân, có hai sĩ quan cao cấp của lực lượng Al – Quds, Mohammad Reza Zahedi et Mohammad Hadi Haji Rahimi.
Nhiều nhà quan sát nhận định đây là một « đòn đau » cho Iran. Mohammad Reza Zahedi chịu trách nhiệm cung cấp cho Hezbollah Liban mọi trợ giúp về hậu cần và quân sự cần thiết trong bối cảnh đối đầu chiến lược với Israel.
Hôm nay, chế độ Teheran đã có phản ứng mạnh mẽ, cáo buộc vai trò và trách nhiệm của Mỹ trong cuộc tấn công này. Tổng thống Ebrahim Raissi cam kết sẽ trả đũa.
Từ Teheran, thông tín viên đài RFI, Siavosh Ghazi cho biết thêm :
« Iran đã yêu cầu một cuộc họp khẩn cấp ở Hội Đồng Bảo An Liên Hiệp Quốc để lên án cuộc tấn công nhắm vào tòa lãnh sự của Iran làm thiệt mạng 7 người, trong đó có nhân vật số 1 và số 2 của lực lượng Al – Quds, Vệ Binh Cách Mạng, chuyên trách các chiến dịch quân sự tại Syria và ở Liban.
Theo đại sứ Iran ở Damas, đây là lần đầu tiên Israel nhắm trực tiếp một cơ quan đại diện ngoại giao Iran ở Syria. Cuộc tấn công này là một sự leo thang quan trọng trong cuộc chiến tranh ngầm giữa Iran và Israel. Vụ việc xảy ra ngay hôm sau một cuộc tấn công bằng drone được tiến hành bởi các nhóm dân quân vũ trang Irak được Iran hậu thuẫn, nhằm vào thành phố Ehlat của Israel.
Một nhà ngoại giao Thụy Sĩ, đại diện cho các lợi ích của Mỹ tại Iran đã bị triệu mời đến bộ Ngoại Giao lúc nửa đêm. Một thông điệp quan trọng đã được gởi đến chính phủ Mỹ, bên hậu thuẫn cho Israel. Lãnh đạo ngành Ngoại Giao Iran khẳng định Mỹ phải trả lời về cuộc tấn công này.
Hiện tại, thật khó mà biết được Iran sẽ có đáp trả trực tiếp hay hành động thông qua các đồng minh trong khu vực, nhất là phe Hezbollah ở Liban, cũng như phe Huthis ở Yemen hay như các lực lượng dân quân hệ phái Shia ở Irak, vốn dĩ không ngừng tấn công Israel từ đầu cuộc chiến ở Gaza. »
Mỹ, Anh công bố chính thức lập đối tác về an toàn trí tuệ nhân tạo
02/4/2024
Bộ trưởng Thương mại Mỹ Gina Raimondo trong một chuyến thăm Philippines, 12/3/2024 (REUTERS/Eloisa Lopez).
Hôm thứ Hai 1/4, Hoa Kỳ và Vương quốc Anh công bố thiết lập quan hệ đối tác mới tập trung vào ngành khoa học về sự an toàn của trí tuệ nhân tạo, giữa lúc có những mối lo ngại ngày càng lớn về các phiên bản thế hệ tiếp theo sắp ra đời.
Bộ trưởng Thương mại Mỹ Gina Raimondo và Bộ trưởng Công nghệ Anh Michelle Donelan đã ký biên bản ghi nhớ ở Washington để cùng hợp tác phát triển thử nghiệm mô hình AI (trí tuệ nhân tạo) tiên tiến, sau các cam kết được công bố tại Hội nghị Thượng đỉnh An toàn AI ở Bletchley Park vào tháng 11/2023.
Bà Raimondo nói: “Tất cả chúng ta đều biết AI là công nghệ định hình thế hệ của chúng ta. Sự hợp tác này sẽ đẩy nhanh hoạt động của cả hai bộ ở hai nước chúng ta trong mọi vấn đề nhằm giải quyết các rủi ro liên quan đến an ninh quốc gia và các mối quan tâm của xã hội trên bình diện rộng lớn hơn của chúng ta”.
Với quan hệ đối tác chính thức này, Anh và Mỹ có kế hoạch tiến hành ít nhất một cuộc thực nghiệm chung theo mô hình có thể tiếp cận công khai và đang thăm dò, cân nhắc về việc trao đổi nhân sự giữa hai bộ. Cả hai bộ cũng đều đang nỗ lực phát triển các quan hệ đối tác tương tự với các quốc gia khác để thúc đẩy sự an toàn của AI.
Về phần mình, bà Donelan nói: “Đây là thỏa thuận đầu tiên kiểu như thế này trên thế giới. AI đã là một thế lực phi thường vì lợi ích của xã hội chúng ta và có tiềm năng to lớn có thể giải quyết một số thách thức lớn nhất của thế giới, nhưng chỉ với điều kiện là chúng ta có thể kiểm soát được những rủi ro”.
AI sáng tạo - có thể tạo văn bản, ảnh và video theo những đề nghị có tính mở - trong những tháng gần đây đã gây ra sự phấn khích cũng như lo ngại rằng nó có thể khiến một số công việc trở nên lỗi thời, đảo ngược các cuộc bầu cử và có khả năng chế ngự con người cũng như gây ra những hậu quả thảm khốc.
Cả hai nước Anh và Mỹ đều có kế hoạch chia sẻ thông tin quan trọng về khả năng và rủi ro liên quan đến các mô hình và hệ thống AI cũng như nghiên cứu kỹ thuật về an toàn và bảo mật AI.
Hồi tháng 10/2023, Tổng thống Mỹ Biden đã ký một sắc lệnh nhằm giảm thiểu rủi ro của AI. Vào tháng 1, Bộ Thương mại Mỹ cho hay họ đề xuất việc đặt ra yêu cầu đối với các công ty điện toàn đám mây của Hoa Kỳ phải xác định xem liệu các pháp nhân nước ngoài có truy cập vào các trung tâm dữ liệu của Hoa Kỳ để đào tạo các mô hình AI hay không.
Vào tháng 2, Anh cho biết sẽ chi hơn 100 triệu bảng Anh (125,5 triệu USD) để thành lập 9 trung tâm mới về nghiên cứu và đào tạo nhà quản lý trong lĩnh vực công nghệ này.
Nguồn tin Reuters: Chính quyền Biden cân nhắc giao vũ khí trị giá 18 tỷ USD cho Israel
02/4/2024
Các máy bay F-15
Chính quyền của Tổng thống Mỹ Joe Biden đang cân nhắc có chuyển giao vũ khí trị giá 18 tỷ đô la cho Israel hay không, gói này bao gồm hàng chục máy bay F-15, 5 nguồn tin nắm vấn đề này cho Reuters biết hôm thứ Hai 1/4.
Một nguồn tin nói rằng việc bán 25 chiếc F-15 của hãng Boeing cho Israel đã được xem xét kể từ khi Hoa Kỳ nhận được yêu cầu chính thức vào tháng 1/2023, rất lâu trước khi có chiến dịch quân sự kéo dài 6 tháng của Israel ở Dải Gaza. Với đợt bán mới, tổng số máy bay mà Israel sẽ tiếp nhận được nâng lên thành 50 chiếc F-15.
Nguồn tin thứ hai nói rằng cần phải đẩy nhanh việc bàn giao máy bay là một trong những đề nghị hàng đầu của Bộ trưởng Quốc phòng Israel Yoav Gallant, người đã đến thăm Washington vào tuần trước và hội đàm với các quan chức Mỹ, bao gồm Cố vấn An ninh Quốc gia Jake Sullivan và Bộ trưởng Quốc phòng Lloyd Austin.
Một quan chức Mỹ cho biết thời gian sớm nhất mà máy bay sẽ được giao là năm 2029, nếu như có thông báo chính thức được gửi tới Quốc hội Mỹ vào ngày 2/4 và các thủ tục được hoàn tất ngay lập tức.
Một phụ tá thuộc Ủy ban Đối ngoại Hạ viện nói rằng Chủ tịch Ủy ban là Michael McCaul đã bật đèn xanh cho việc bán F-15 vào ngày 30/1, khi các văn phòng liên quan trong quốc hội chịu trách nhiệm phê duyệt các cuộc chuyển giao vũ khí lớn đã nhận được thông báo.
“Đã có các cuộc thảo luận giữa Chính quyền và Quốc hội về trường hợp các máy bay F-15”, nguồn tin thứ hai nắm vấn đề này cho biết, nhưng người này nói thêm rằng trong số 4 văn phòng nắm quyền phê duyệt các hoạt động chuyển giao vũ khí, vẫn có một vài văn phòng chưa duyệt.
Luật pháp Hoa Kỳ yêu cầu Quốc hội phải được thông báo về các thỏa thuận bán hàng quân sự lớn cho nước ngoài và trao quyền cho Quốc hội ngăn chặn việc mua bán đó bằng cách thông qua nghị quyết không chấp thuận với lý do như có vi phạm nhân quyền hoặc các mối lo ngại khác, mặc dù chưa từng có nghị quyết nào như vậy được thông qua và không bị tổng thống phủ quyết.
Một quy trình xem xét không chính thức cho phép các nhà lãnh đạo ủy ban đối ngoại của đảng Dân chủ và đảng Cộng hòa xem xét các thỏa thuận như vậy trước khi thông báo chính thức tới Quốc hội.
Các nguồn tin cho hay gói vũ khí dành cho Israel bao gồm 50 máy bay F-15 và các dịch vụ hỗ trợ, đào tạo, bảo trì, bảo dưỡng và nhiều năm hỗ trợ của phía nhà thầu trong suốt vòng đời của máy bay phản lực, thường có thể kéo dài tới hai thập kỷ.
Một nguồn tin nói rằng chính quyền Biden đã bày tỏ ủng hộ với yêu cầu của Israel về F-15.
Thương vụ này tách biệt với khoản viện trợ 14 tỷ đô la cho Israel mà ông Biden đã yêu cầu Quốc hội phê duyệt trong khuôn khổ gói chi tiêu bổ sung cho an ninh quốc gia trị giá 95 tỷ đô la, bao gồm cả viện trợ cho Ukraine và Đài Loan.
Washington cung cấp viện trợ quân sự trị giá 3,8 tỷ đô la hàng năm cho đồng minh lâu năm là Israel.
Ấn Độ ủng hộ Philippines bảo vệ chủ quyền hàng hải trong bối cảnh căng thẳng với Trung Quốc
Theo The Epoch Times
Huyền Anh biên dịch
Ngoại trưởng Ấn Độ Subrahmanyam Jaishankar trả lời câu hỏi của phóng viên trong cuộc họp báo ở Bangkok, Thái Lan, vào ngày 17/8/2022. (Ảnh: The Canadian Press/AP-Sakchai Lalit)
Trong bối cảnh Trung Quốc đang có những hành động gây hấn tại Biển Đông đang có tranh chấp, Ấn Độ đã bày tỏ sự ủng hộ đối với chủ quyền quốc gia của Philippines và kêu gọi “tuân thủ nghiêm ngặt” trật tự dựa trên luật lệ.
“Chúng tôi kiên định ủng hộ vai trò trung tâm, sự gắn kết và thống nhất của ASEAN”, Bộ trưởng Ngoại giao Subrahmanyam Jaishankar tuyên bố trong cuộc họp báo chung với người đồng cấp Philippines Enrique Manalo tại Manila vào ngày 26/3.
Ông Jaishankar kêu gọi tất cả các bên liên quan đến tranh chấp lãnh thổ trên biển tuân thủ luật pháp quốc tế, đặc biệt là Công ước của Liên Hiệp Quốc về Luật Biển năm 1982 (UNCLOS).
“Tất cả các bên phải tuân thủ toàn bộ công ước này, cả về văn bản lẫn tinh thần”, ông nói. “Tôi nhân cơ hội này để tái khẳng định một cách kiên định sự ủng hộ của Ấn Độ đối với Philippines trong việc bảo vệ chủ quyền quốc gia”.
Ấn Độ đã nỗ lực thúc đẩy quan hệ với Philippines trong các lĩnh vực khác nhau. Theo Bộ Ngoại giao Philippines, hai nước đã nhất trí đẩy nhanh hợp tác về nhận thức lĩnh vực hàng hải, vận tải biển, tìm kiếm cứu nạn, cũng như thực thi pháp luật.
Cả hai bên đều nhấn mạnh sự cần thiết của “giải quyết hòa bình các tranh chấp” và tuân thủ Phán quyết Trọng tài năm 2016 về Biển Đông, phán quyết này ủng hộ các tuyên bố lãnh thổ của Philippines.
Ông Manalo nhấn mạnh rằng hai quốc gia đang tìm kiếm những cách thức “mà chúng tôi có thể đóng góp vào an ninh của cả hai quốc gia cũng như đảm bảo khu vực Ấn Độ – Thái Bình Dương duy trì sự cởi mở và hòa bình”.
Trong chuyến thăm Manila, Ngoại trưởng Jaishankar cũng đã gặp Tổng thống Philippines Ferdinand Marcos Jr. và khẳng định lập trường “dứt khoát” của nước mình trong việc tuân thủ phán quyết trọng tài năm 2016 về Biển Đông.
Theo Văn phòng Tổng thống Marcos, ông Jaishankar tuyên bố: “Vì vậy, nếu quý vị muốn tìm một quốc gia tuyên bố (sẵn sàng) chấp nhận phán quyết ngay cả khi phán quyết này không có lợi cho chúng tôi, thì Ấn Độ thực sự là một ứng cử viên tự nhiên. Chúng tôi có thể đồng hành cùng các bạn trên con tàu này”.
Trung Quốc cảnh báo Ấn Độ không can thiệp
Đáp lại, phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc, ông Lâm Kiếm (Lin Jian), tuyên bố Ấn Độ không có quyền can thiệp vào tranh chấp Biển Đông và hối thúc Ấn Độ tôn trọng các quyền và lợi ích trên biển của Trung Quốc.
“Các tranh chấp trên biển là vấn đề giữa các quốc gia liên quan. Các bên thứ ba hoàn toàn không có quyền can thiệp”, phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc cho biết tại một cuộc họp báo.
Tòa Trọng tài Thường trực La Haye đã ra phán quyết có lợi cho hành động pháp lý của Philippines vào năm 2016. Tuy nhiên, phán quyết này không khiến Trung Quốc thay đổi hành vi của mình. Bắc Kinh vẫn liên tục xâm nhập vào vùng đặc quyền kinh tế của Philippines.
Vào ngày 23/3/2024, tàu Tuần duyên Trung Quốc đã thực hiện hành động khiêu khích nghiêm trọng khi sử dụng vòi rồng tấn công tàu cung cấp Unaizah May 4 của Philippines đang neo đậu tại bãi cạn Đá Ba Đầu (Second Thomas Shoal) thuộc vùng đặc quyền kinh tế (EEZ) của Philippines. Vụ tấn công này đã gây thương tích cho một số thành viên thủy thủ đoàn và làm hư hại nặng cho tàu.
Đây là lần thứ hai trong tháng mà tàu Unaizah May 4 bị tàu Tuần duyên Trung Quốc tấn công bằng vòi rồng. Vào ngày 5/3, một vụ đụng độ tương tự cũng đã xảy ra, khiến các thành viên thủy thủ đoàn bị thương.
Philippines triển khai “Gói biện pháp phản Kháng” chống Trung Quốc
Sau các sự cố nêu trên, Tổng thống Philippines cam kết triển khai “gói biện pháp ứng phó và phản kháng” đối với các tàu Trung Quốc xâm phạm vùng biển lãnh thổ của nước này.
Tổng thống Marcos cho biết ông đã đệ trình “các yêu cầu liên quan” lên các đồng minh quốc tế đã bày tỏ sự ủng hộ đối với Chính phủ Philippines trước hành động của Trung Quốc.
Tổng thống tuyên bố: “Trong những tuần tới, các cơ quan và tổ chức chính phủ quốc gia có liên quan sẽ thực hiện một gói biện pháp ứng phó và phản kháng tương xứng, thận trọng và hợp lý trước những hành vi công khai, dai dẳng, bất hợp pháp, cưỡng ép, hung hăng và nguy hiểm của lực lượng Tuần duyên Trung Quốc và Dân quân Biển Trung Quốc”.
Tổng thống Marcos nhấn mạnh các biện pháp này nhằm bảo vệ quyền chủ quyền của đất nước và khẳng định Philippines không có ý định gây ra xung đột với bất kỳ quốc gia nào.
Hôm thứ Năm (28/3), Tổng thống Philippines Ferdinand Marcos Jr. tuyên bố rằng Philippines sẽ thực hiện các biện pháp đối phó tương xứng và phù hợp đối với “những hành vi tấn công bất hợp pháp, cưỡng ép, hung hăng và nguy hiểm” của lực lượng bảo vệ bờ biển và dân quân biển Trung Quốc trên Biển Đông.
Nhà lãnh đạo Philippines tuyên bố: “Chúng tôi không tìm kiếm xung đột với bất kỳ quốc gia nào, đặc biệt là các quốc gia tự xưng là bạn bè của chúng tôi. Tuy nhiên, chúng tôi sẽ không sợ hãi đến im lặng, khuất phục hay phục tùng”, ông Marcos nhấn mạnh trong bài đăng trên Facebook.
Công ước của Liên Hiệp Quốc về Luật Biển năm 1982, mà Trung Quốc là thành viên ký kết, quy định vùng đặc quyền kinh tế của một quốc gia bao gồm các vùng biển nằm trong phạm vi 200 hải lý (khoảng 230 dặm) tính từ đường bờ biển.
Thềm Maharaja (Second Thomas Shoal), được Philippines gọi là Bãi cạn Ayungin và Trung Quốc gọi là Renai Reef, nằm cách tỉnh Palawan của Philippines khoảng 105 hải lý (185,2 km). Do đó, theo UNCLOS, Thềm Maharaja thuộc thẩm quyền của Philippines.
Ngoài Philippines, các quốc gia khác trong khu vực Biển Đông như Việt Nam, Malaysia, Đài Loan và Brunei cũng có những tranh chấp với Trung Quốc về các yêu sách phi lý của họ trên Biển Đông.
Hoa Kỳ - Wisconsin tổ chức bầu cử sơ bộ
Cuộc bầu cử tổng thống Mỹ có thể sẽ rất sát sao. Một trong những bang đặc biệt quan trọng là Wisconsin, nơi sẽ tổ chức các cuộc bầu cử sơ bộ của cả hai đảng vào thứ Ba. Các chiến lược gia của đảng sẽ chú ý nhiều hơn đến các cuộc đua thứ cấp, thay vì cuộc đua tổng thống – vì Donald Trump và Joe Biden đã chắc chắn là ứng viên của hai đảng.
Wisconsin đang bỏ phiếu dựa trên các ranh giới đơn vị bầu cử mới, được thống đốc ký thành luật vào tháng trước. Hồi tháng 12, Tòa Tối cao của bang đã bác bỏ các bản đồ lập pháp vì cho rằng nó vi hiến. Trước đây, nhiều khu vực bầu cử đã được vẽ theo cách có lợi hơn cho đảng Cộng hòa; nhưng bản đồ mới sẽ khiến các cuộc đua trở nên gay cấn hơn. Người đứng đầu đảng Dân chủ ở Wisconsin hy vọng những cuộc bầu cử địa phương cạnh tranh này sẽ truyền cảm hứng cho những người theo chủ nghĩa tự do đi bỏ phiếu. Bằng cách này, số phiếu bầu cho ông Biden cũng sẽ tăng lên. Song lãnh đạo phe Cộng hòa tại nghị viện bang Wisconsin tỏ ra hoài nghi về lý thuyết đi từ dưới lên này. Ông lập luận, cũng như bất kỳ nơi nào khác, cơ sở của đảng Dân chủ chỉ đơn thuần là “được thúc đẩy bởi sự căm ghét Donald Trump.”
Toà Hà Lan nghe tranh luận về kháng cáo của Shell
Vào tháng 5 năm 2021, tòa án quận The Hague đưa ra một phán quyết mang tính bước ngoặt. Toà tuyên bố tập đoàn Shell đã không làm đủ để ngăn chặn biến đổi khí hậu và do đó gây nguy hiểm đến tính mạng của công dân Hà Lan. Họ yêu cầu hãng dầu mỏ giảm lượng khí thải – bao gồm cả lượng khí thải do người tiêu dùng sử dụng sản phẩm của họ tạo ra – xuống 45% vào năm 2030, so với mức của năm 2019. Shell đã kháng cáo.
Vào thứ ba, toà sẽ bắt đầu xem xét kháng cáo. Trong bốn ngày, công ty sẽ đối đầu với nhóm đưa ra vụ kiện đầu tiên, Milieudefensie — chi nhánh Hà Lan của Friends of the Earth, một tổ chức môi trường. Một phầnl ập luận của Shell cho rằng Milieudefensie đã nhắm vào Shell một cách không công bằng – họ không phải nhà sản xuất nhiên liệu hóa thạch lớn duy nhất. Shell cũng cho rằng dù sao thì họ cũng có ý định giảm lượng khí thải xuống mức 0 (vào năm 2050). Họ nói mốc thời gian của tòa án là không khả thi. Trong khi đó, Milieudefesie tự tin vào chiến thắng. Họ nói Shell đã đi ngược lại các cam kết về khí hậu được đưa ra kể từ phán quyết ban đầu.
Tình hình lạm phát ở Đức
Vào thứ Ba, Destatis, văn phòng thống kê của Đức, sẽ công bố tỷ lệ lạm phát trong tháng 3. Đà giảm hiện tại có thể sẽ tiếp tục: lạm phát hàng năm giảm từ 3,7% trong tháng 12 xuống 2,9% trong tháng 1 do giá năng lượng giảm và lạm phát lương thực chậm lại.
Đó là một tin kinh tế tốt hiếm hoi đối với Đức. Năm ngoái nền kinh tế nước này giảm 0,3%; và dự báo sẽ tăng rất ít trong năm nay. Triển vọng ảm đạm như vậy chủ yếu là do đầu tư công và tư đều yếu – hậu quả của chính sách tiền tệ thắt chặt – cũng như tình trạng thiếu lao động lành nghề trầm trọng. Cuộc chiến ở Ukraine đang khiến doanh nghiệp lo lắng và giá năng lượng vẫn ở mức cao so với Mỹ. Nhưng xa hơn về phía trước, triển vọng có tươi sáng hơn một chút: tăng trưởng cho năm 2025, năm diễn ra cuộc bầu cử liên bang tiếp theo, được dự báo là khoảng 1,2%. Tuy nhiên, bấy nhiêu khó có thể đủ để giữ cho liên minh cầm quyền tiếp tục tại vị.
Hội nghị thường niên của Ủy ban Chứng khoán và Giao dịch và các quy tắc mới về rủi ro khí hậu
Các cơ quan quản lý và luật sư Phố Wall sẽ tề tựu về Washington vào thứ Ba để tham dự hội nghị thường niên của Ủy ban Chứng khoán và Giao dịch (SEC). Trong hai ngày tới, các quan chức từ cơ quan quản lý tài chính chính của Mỹ sẽ đưa ra các ưu tiên chính sách của họ.
Nổi bật trong chương trình nghị sự sẽ là kế hoạch của SEC nhằm yêu cầu các công ty lớn công bố các rủi ro liên quan đến khí hậu và phát thải khí nhà kính bắt đầu từ năm 2026. Các quy tắc, được bật đèn xanh vào tháng trước, đã được rút gọn phần nào so với phiên bản ban đầu. Đề xuất trước đó, được đưa ra vào năm 2022, đã thu hút sự phẫn nộ từ đảng Cộng hòa và các nhóm vận động hành lang. SEC đã bỏ yêu cầu các công ty tiết lộ “lượng khí thải ở phạm vi 3” (bao gồm lượng khí thải do nhà cung cấp và người dùng cuối của công ty tạo ra).
Song những quy định mới vẫn bị chỉ trích gay gắt. Các công ty cho rằng việc tiết lộ thông tin sẽ khiến các nhà đầu tư sợ hãi, khuyến khích họ di chuyển tài sản đến nơi nào đó với các quy định môi trường lỏng lẻo hơn. Một liên minh gồm mười bang đã đưa ra một thách thức pháp lý. Tranh luận sẽ kéo dài, mặc dù kế hoạch hiện đã được phê duyệt.
Lo ngại về an ninh, Pháp loại 800 người khỏi lực lượng phục vụ Olympic Paris
Phan Anh
Cảnh sát Pháp tăng cường tuần tra ở nhiều điểm công cộng. (Ảnh: Chụp màn hình)
Bộ trưởng Nội vụ Pháp Gerald Darmanin ngày 31/3 thông báo rằng có khoảng 800 người đã bị loại khỏi lực lượng phục vụ Olympic Paris 2024 liên quan những lo ngại về an ninh. Trong danh sách này có 15 đối tượng được coi là mối đe dọa nghiêm trọng nhất đối với an ninh quốc gia.
Phát biểu trên đài truyền hình LCI, ông Darmanin cho hay rằng cơ quan chức năng kiểm tra tất cả những người liên quan việc tổ chức Olympic – bao gồm các tình nguyện viên, người cầm đuốc, theo đó, chính quyền sẽ cần kiểm tra 1 triệu người. Đến nay cơ quan chức năng đã kiểm tra 180.000 người và đã loại 800 người, trong đó có 15 người có tên trong ‘Fiches S’ (hồ sơ về những mối đe dọa nghiêm trọng nhất). Ông Darmanin nhấn mạnh rằng điều này đồng nghĩa có những người muốn đăng ký rước đuốc, làm tình nguyện viên tại Olympic rõ ràng không có ý định tốt đẹp.
Theo Bộ trưởng Darmanin, trong số những đối tượng bị loại có “những phần tử Hồi giáo cực đoan” và “những thành phần cấp tiến muốn biểu tình”.
Bộ Nội vụ Pháp cho biết trong số những trường hợp được sàng lọc hồ sơ trước thềm Olympic có cả các vận động viên và những người sống gần cơ sở hạ tầng quan trọng tổ chức sự kiện này.
Trước khi Olympic Paris 2024 khai mạc vào ngày 26/7 tới, toàn bộ 10.500 vận động viên tham gia tranh tài Olympic và 4.400 vận động viên tham gia Paralympic sẽ được kiểm tra lý lịch. Các huấn luyện viên và nhân viên y tế của các đoàn thể thao, cũng như 26.000 nhà báo được cấp thẻ tác nghiệp tại Olympic Paris 2024 cũng sẽ trải qua quá trình sàng lọc này.
Olympic Paris 2024 diễn ra từ ngày 26/7 đến ngày 11/8 tới, sau đó là Paralympic từ ngày 28/8 đến ngày 8/9 tới đây.
Không có nhận xét nào