Header Ads

  • Breaking News

    Phạm Văn Luật - Trung Quốc và bãi Cỏ Mây

    Kỳ 3: Mập mờ cái gọi là 'lợi ích cốt lõi'

    Luật Khoa tạp chí

    April 05 2024 

    " Loại Mỹ ra khỏi cuộc chơi 

    Năm 2022, nhà nghiên cứu Gregory B. Poling xuất bản cuốn sách “On Dangerous Ground: America's Century in the South China Sea” (tạm dịch: “Trên miền chiến địa: Thế kỷ của Hoa Kỳ ở Biển Đông”) [7]. Tác giả phân tích quá trình Trung Quốc xây dựng hàng loạt căn cứ quân sự trên các đảo nhân tạo suốt một thập niên qua ở Trường Sa mà không gặp bất kỳ một phản kháng đáng kể nào từ Mỹ.

    Phản ứng duy nhất của Mỹ, theo Gregory Poling, là cho tàu chiến thực hành “quyền tự do hàng hải” trên Biển Đông. Hoạt động này của Mỹ về cơ bản không gây ra bất kỳ thiệt hại nào cho Trung Quốc, không khiến cho Trung Quốc phải chùn bước.

    Chúng ta có thể thấy gì từ việc Hoa Kỳ và phương Tây phản ứng một cách yếu ớt trong suốt những năm Trung Quốc cải tạo đảo và xây dựng các căn cứ quân sự ở Trường Sa? Nó minh hoạ chính xác những gì mà Stefan Halper mô tả trong một nghiên cứu của mình về “tam chủng chiến pháp” của Trung Quốc. [8]".

    Bằng một diễn ngôn lấp lửng, nước đôi, Trung Quốc loại trừ ảnh hưởng của Mỹ ở Biển Đông.

    Trung Quốc mập mờ gọi Biển Đông là "lợi ích cốt lõi". Đồ họa: Shiv/Luật Khoa 

    Ở hai bài viết trước, tác giả đã phân tích mưu đồ thật sự của Trung Quốc khi gây hấn với Philippines ở bãi Cỏ Mây và chiêu trò bóp méo sự thật bằng truyền thông bẩn. Ở bài này, người viết giới thiệu về “tam chủng chiến pháp” của Trung Quốc đối với một địa bàn cụ thể liên quan tới Việt Nam: Biển Đông.

    Năm 2022, ông Joshua Kurlantzick, chuyên gia cấp cao về Đông Nam Á của Hội đồng quan hệ đối ngoại Hoa Kỳ, xuất bản quyển sách tên “Beijing's Global Media Offensive: China's Uneven Campaign to Influence Asia and the World” (tạm dịch: “Cuộc tấn công truyền thông toàn cầu của chính quyền Bắc Kinh”). [1]

    Joshua Kurlantzick phân tích chiến lược chính trị tổng thể của chính quyền Bắc Kinh để thao túng truyền thông của nước ngoài, ở các địa bàn chính trị chủ chốt, bao gồm Mỹ, Nhật Bản, các nước khu vực Châu Âu, Đông Nam Á. Mục đích của cuộc chiến truyền thông này là thực hiện chiến lược “dư luận chiến”.

    Đây là một trong ba chiến lược chiến tranh mà Trung Quốc gọi là “tam chủng chiến pháp” (三种战法, ba loại hình chiến tranh), được chính thức công bố từ 2003 gồm chiến tranh tâm lý, chiến tranh dư luận và chiến tranh pháp lý. 

    Trong đó, chiến tranh tâm lý có mục đích phá vỡ tinh thần đối phương, từ đó triệt hạ năng lực chiến đấu của họ.

    Chiến tranh dư luận (dư luận chiến) có mục đích gây ảnh hưởng, định hình, đúc khuôn ý kiến, nhận thức của đám đông, công chúng, ở cả Trung Quốc và quốc tế, thu hút họ ủng hộ các hoạt động quân sự của Trung Quốc, hoặc ít nhất cũng không phản đối hoặc không dám hành động đi ngược lại lợi ích của Trung Quốc.

    Chiến tranh pháp lý nhắm đến việc khai thác, diễn giải, áp dụng luật pháp quốc tế và các nước khác theo hướng có lợi cho Trung Quốc. Ba loại hình chiến tranh này được phối hợp với nhau mật thiết vì đều tác động tới tinh thần (tâm lý, nhận thức) của đối phương.

    Trong đó, “dư luận chiến” đã được Trung Quốc nâng cấp lên thành “chiến tranh nhận thức” khi áp dụng AI. Quân đội Trung Quốc có chỉ huy tác chiến liên hợp trong thông tin tuyên truyền.

    Diễn ngôn hai mặt

    Một trong những cách Trung Quốc thực hiện trò “dư luận chiến” là sử dụng khái niệm nào đó một cách thiếu nhất quán để đối phương lúng túng, không biết phản bác thế nào.

    Ví dụ điển hình là “lợi ích cốt lõi" (core interest) mà Trung Quốc dùng cho Biển Đông.

    Michael Swaine, nhà nghiên cứu của Quỹ Carnegie vì Hòa bình Quốc tế (Carnegie Endowment of International Peace), phân tích cách Trung Quốc sử dụng khái niệm “lợi ích cốt lõi” giai đoạn 2000 - 2011. [2]

    Ông phát hiện rằng những năm 2000, Trung Quốc dùng khái niệm này để ám chỉ Đài Loan, sau đó áp dụng cho Tây Tạng và Tân Cương. Rồi cuối cùng, Trung Quốc gọi Biển Đông là “lợi ích cốt lõi".

    Với Biển Đông, Trung Quốc từng bước tăng dần “nhận thức” của Mỹ và phương Tây rằng nơi đây là “lợi ích cốt lõi” của họ. Mỹ phải dần thích nghi với “thực tế” này, hơn là tập trung nhận thức về mức độ nghiêm trọng của vấn đề để rồi gây ra nhiều chuyện không thuận lợi cho Trung Quốc.

    Năm 2009, Tuyên bố chung Mỹ - Trung được công bố nhân chuyến thăm của cựu Tổng thống Barack Obama tới Bắc Kinh có câu: “Hai nước nhất trí rằng việc tôn trọng lợi ích cốt lõi của nhau là điều vô cùng quan trọng. Bởi nó sẽ đảm bảo cho sự tiến bộ ổn định trong quan hệ hai nước.” [3]

    Bản tuyên bố chung này không nói rõ Biển Đông có phải là một trong những “lợi ích cốt lõi” của Trung Quốc hay không. Nhưng cũng trong năm đó, một quan chức cấp cao Trung Quốc nói với Mỹ rằng họ coi Biển Đông là “lợi ích cốt lõi”. [4]

    Trung Quốc không tuyên bố rõ ràng trong một văn bản nào, thay vào đó, lại dùng một quan chức cấp cao để truyền đi thông điệp. Michael Swaine chỉ ra rằng cho đến năm 2011, Trung Quốc luôn né tránh khi được Hoa Kỳ hỏi “Biển Đông có phải là lợi ích cốt lõi của Trung Quốc hay không?”. Nhưng Trung Quốc sẽ chủ động nói ra điều đó trong chừng mực có thể kiểm soát tình thế.

    Năm 2010, tại sự kiện đối thoại chiến lược và kinh tế Mỹ - Trung, có một quan chức Trung Quốc đề cập với Ngoại trưởng Hoa Kỳ lúc đó là Hillary Clinton rằng “Biển Đông là lợi ích cốt lõi của Trung Quốc”. [5]

    Thế rồi, đến năm 2011, nhân chuyến thăm của Chủ tịch Hồ Cẩm Đào tới Mỹ, phía Trung Quốc lại không trả lời câu hỏi của phóng viên New York Times là Biển Đông có phải là “lợi ích cốt lõi” của họ hay không. [6]

    Bằng cách đó, Trung Quốc tạo ra tình huống mập mờ và nước đôi: vừa khẳng định Biển Đông là lợi ích cốt lõi của mình, vừa khiến cho Mỹ không thật sự coi đây là vấn đề quan trọng.

    Kết quả Trung Quốc muốn đạt được là Mỹ không thật sự coi Biển Đông là địa bàn trọng yếu để hành động. Không phải ngẫu nhiên khi từ thời Tổng thống Barack Obama đến thời Donald Trump cầm quyền, Trung Quốc ồ ạt cải tạo các đảo và xây dựng căn cứ quân sự ở Trường Sa như tại Subi, Gạc Ma, Tư Nghĩa, Ga Ven, Châu Viên, Chữ Thập… mà không gặp bất kỳ một trở ngại nào từ phía Mỹ. 

    Loại Mỹ ra khỏi cuộc chơi 

    Năm 2022, nhà nghiên cứu Gregory B. Poling xuất bản cuốn sách “On Dangerous Ground: America's Century in the South China Sea” (tạm dịch: “Trên miền chiến địa: Thế kỷ của Hoa Kỳ ở Biển Đông”) [7]. Tác giả phân tích quá trình Trung Quốc xây dựng hàng loạt căn cứ quân sự trên các đảo nhân tạo suốt một thập niên qua ở Trường Sa mà không gặp bất kỳ một phản kháng đáng kể nào từ Mỹ.

    Phản ứng duy nhất của Mỹ, theo Gregory Poling, là cho tàu chiến thực hành “quyền tự do hàng hải” trên Biển Đông. Hoạt động này của Mỹ về cơ bản không gây ra bất kỳ thiệt hại nào cho Trung Quốc, không khiến cho Trung Quốc phải chùn bước.

    Chúng ta có thể thấy gì từ việc Hoa Kỳ và phương Tây phản ứng một cách yếu ớt trong suốt những năm Trung Quốc cải tạo đảo và xây dựng các căn cứ quân sự ở Trường Sa? Nó minh hoạ chính xác những gì mà Stefan Halper mô tả trong một nghiên cứu của mình về “tam chủng chiến pháp” của Trung Quốc. [8]

    Stefan Halper nói mục tiêu của “tam chủng chiến pháp” là phá vỡ khả năng ra quyết định của đối phương. Nó nuôi dưỡng sự hoài nghi, sự mơ hồ trong nhận thức của đối phương, suy giảm ý chí ra quyết định của họ.

    Ngay từ 2013, khi Trung Quốc mới đang khởi động việc chiến dịch xây dựng đảo nhân tạo và căn cứ quân sự trong nhiều năm, Stefan Halper đã chỉ ra “tam chủng chiến pháp” được áp dụng thế nào ở Biển Đông. 

    Bằng cách tung ra những phát ngôn trái ngược nhau hoặc lấp lửng về việc liệu Biển Đông có phải là “lợi ích cốt lõi” hay không, Bắc Kinh “thao túng nhận thức và tâm lý” của Hoa Kỳ để họ thuận lợi hành động. [9]

    Năm 2016, Giáo sư chính trị học tại MIT Taylor Fravel đã tổng kết lại chính sách của chính quyền Obama với Biển Đông [10]. Theo Taylor Fravel, chính sách của Mỹ đối với Biển Đông đã nhất quán từ những năm 2000, cụ thể gồm ba điểm chính:

    Nhất quán trung lập trước các tuyên bố chủ quyền.

    Nhấn mạnh rằng nên theo đuổi những quy trình và nguyên tắc mà các khiếu nại (của bên bị cưỡng bách) hơn là kết quả cuối cùng của hoạt động khiếu nại đó. Mỹ cũng không chú ý tới cách giải quyết các tranh chấp cơ bản.

    Cho Trung Quốc thấy cái giá phải trả nếu theo đuổi các yêu sách không phù hợp với luật pháp quốc tế.

    Cả ba phương hướng hành động này của Mỹ đối với Biển Đông cho thấy rằng Bắc Kinh đã thành công trong việc làm cho Mỹ đứng ngoài cuộc trong vấn đề Biển Đông. Điều đó cũng tạo ra hoài nghi của các nước Đông Nam Á đối với cam kết của Mỹ tại khu vực này. 

    Tất nhiên không dễ có ngay câu trả lời cho câu hỏi “phải làm gì?”. Nhưng để giải quyết vấn đề thì trước hết phải thừa nhận rằng có vấn đề đang tồn tại. Việt Nam nói riêng và các nước nói chung sẽ có hành động gì khi nhận ra những chiêu gây hấn, thao túng dư luận này của Trung Quốc, nói cách khác, sẽ đối phó “dư luận chiến” như thế nào?

    1] Joshua Kurlantzick, Beijing's Global Media Offensive: China's Uneven Campaign to Influence Asia and the World, Oxford UP, 2022

    [2] Swaine M, China’s Assertive Behavior Part One: On “Core Interests”. Xem thêm tại đây

    [3] Montopoli B, In Full: U.S.-China Joint Statement (Cbsnews.com). Xem thêm tại đây

    [4] Financial Times. Xem thêm tại đây

    [5] China Actions Meant as Test: Clinton (Theaustralian.com.au). Xem thêm tại đây

    [6] China Hedges over Whether South China Sea Is a “Core Interest” Worth War (Published 2011), The New York Times (2024). Xem thêm tại đây

    [7] Gregory B. Poling, On Dangerous Ground: America's Century in the South China Sea, Oxford University Press, 2022

    [8] [9] Washington D, China: The three warfares for andy marshall director, office of net assessment office of the secretary of defense, 2013. Xem thêm tại đây

    https://www.luatkhoa.com/2024/04/trung-quoc-va-bai-co-may-ky-3-map-mo-cai-goi-la-loi-ich-cot-loi/


    Không có nhận xét nào