Nguồn: “Ukraine Aid in the Light of History,” New York Times, 23/04/2024
Biên dịch: Nguyễn Thị Kim Phụng
25/4/2024
Thứ Bảy vừa qua, Hạ viện Mỹ cuối cùng đã vượt qua sự phản đối của phong trào MAGA (Làm cho nước Mỹ vĩ đại trở lại) và thông qua gói viện trợ mới cho Ukraine. Chính quyền Biden có lẽ đã chuẩn bị sẵn vật tư, chỉ còn chờ sự cho phép của Quốc hội, vậy nên chúng ta sẽ sớm thấy được tác động của bước đột phá về mặt lập pháp này.
Giống như nhiều nhà quan sát khác, tôi đồng thời cảm thấy nhẹ nhõm, xấu hổ, tức giận, và lo lắng trước những gì đã xảy ra. Tôi cảm thấy nhẹ nhõm khi một quốc gia bị bao vây có thể nhận được viện trợ kịp thời để tồn tại, chí ít là thêm một thời gian, điều đã ngày càng trở nên xa vời do ưu thế áp đảo của pháo binh Nga. Tôi xấu hổ vì mọi chuyện đã đi đến mức này – rằng nước Mỹ đã suýt phản bội một nền dân chủ đang gặp nguy hiểm. Tôi tức giận với phe chính trị đã chặn khoản viện trợ suốt nhiều tháng qua, như tôi sẽ giải thích dưới đây, không phải vì những lo ngại chính đáng về chi phí, mà có lẽ vì họ muốn Vladimir Putin giành chiến thắng. Và tôi lo lắng vì phe đó vẫn rất mạnh – đa số đảng viên Cộng hòa tại Hạ viện đã bỏ phiếu chống lại viện trợ cho Ukraine – và họ vẫn có thể tiêu diệt Ukraine trong những năm tới.
Nhưng hãy tạm đặt cảm xúc sang một bên và cố gắng phân tích vấn đề. Cụ thể, hãy để tôi nói về một số lầm tưởng về viện trợ cho Ukraine. Chi tiêu cho Ukraine không phải là gánh nặng lớn đối với Mỹ, nó không gây ảnh hưởng đến các ưu tiên trong nước. Mỹ cũng không phải gánh chịu tổn thất này một mình mà không có sự giúp đỡ từ các đồng minh châu Âu. Và viện trợ của Mỹ rất quan trọng, một phần vì châu Âu có thể viện trợ bằng tiền nhưng vẫn chưa đủ khả năng cung cấp đủ khí tài quân sự.
Để hiểu rõ những điểm này, sẽ hữu ích nếu nhìn lại sự tương đồng lịch sử rõ ràng giữa khoản viện trợ hiện tại cho Ukraine với chương trình Cho vay-Cho thuê của Franklin Roosevelt, vốn đã bắt đầu viện trợ cho Anh và Trung Quốc từ năm 1941, trước cả khi Trân Châu Cảng buộc Mỹ chính thức tham gia Thế chiến II.
Người ta thường quên rằng Cho vay-Cho thuê đã gây tranh cãi đến mức nào ở thời điểm đó. Nhiều người có lẽ cũng biết rằng từng có một phong trào “Nước Mỹ trên hết” phản đối bất kỳ khoản viện trợ nào dành cho nước Anh đang bị bao vây, một phần vì một số nhà lãnh đạo nổi bật của phong trào này, đặc biệt là Charles Lindbergh, là người phân biệt chủng tộc và đã công khai bày tỏ thiện cảm với Đức Quốc Xã.
Hiếm có ai biết rằng, ngay cả trong Quốc hội Mỹ, Cho vay-Cho thuê cũng là một vấn đề mang tính đảng phái sâu sắc. Dự luật đầu tiên, được ban hành vào đầu năm 1941, đã được Hạ viện thông qua với rất ít sự ủng hộ của Đảng Cộng hòa. Đáng chú ý hơn, sự ủng hộ cho Cho vay-Cho thuê (các hình tam giác hướng lên trên trong biểu đồ bên dưới) có mối tương quan chặt chẽ với ý thức hệ kinh tế (Trục 1). Gần như tất cả những người theo chủ nghĩa tự do đều ủng hộ việc hỗ trợ Anh trong thời điểm đen tối nhất của nước này, nhưng nhiều người bảo thủ lại không nghĩ vậy.
Tỷ lệ phiếu bầu phê duyệt Đạo luật Cho vay-Cho thuê ở Hạ viện Mỹ, tháng 02/1941. © Voteview.com
Sau cùng, Cho vay-Cho thuê vẫn được thông qua và Quốc hội đã chi 13 tỷ USD trước cuộc tấn công Trân Châu Cảng. Đây là một số tiền khổng lồ vào thời điểm đó – tương đương 10% tổng sản phẩm quốc nội hàng năm của Mỹ. Nhưng điều đáng ngạc nhiên là không có nhiều vũ khí trong số viện trợ đó. Như Hiệp hội Lịch sử Mỹ đã lưu ý: “Ngành công nghiệp đạn dược của chúng ta khi đó phần lớn vẫn đang ở trạng thái sơ khai. Và ban đầu, dòng vũ khí thành phẩm rất nhỏ giọt.”
Quả thật, châu Âu đã bắt đầu tái vũ trang từ nhiều năm trước khi Thế chiến II bắt đầu, trong khi nước Mỹ theo chủ nghĩa biệt lập còn chưa phát triển ngành công nghiệp quốc phòng. Xin lấy một ví dụ nổi tiếng, xe tăng Sherman mãi đến năm 1942 mới được đưa vào sản xuất. Vì thế, viện trợ ban đầu của Mỹ được gửi đi dưới hình thức thực phẩm – chúng ta đã không phải là kho vũ khí, mà là kho bánh mì của nền dân chủ.
Vậy thì viện trợ cho Ukraine có thể so sánh với trải nghiệm đó như thế nào?
Trước tiên, viện trợ cho Ukraine nhỏ hơn rất nhiều so với quy mô nền kinh tế của chúng ta. Gói viện trợ vừa được thông qua lớn gần gấp đôi số viện trợ tích lũy mà chúng ta đã cung cấp cho Ukraine, nhưng cũng chỉ ở mức khoảng 60 tỷ USD, chưa đến 0,25% GDP hiện tại – và chỉ bằng 1/40 quy mô của chương trình Cho vay-Cho thuê ban đầu. Bất cứ ai cho rằng khoản chi này sẽ phá vỡ ngân sách, hoặc sẽ ảnh hưởng nghiêm trọng đến các ưu tiên khác, thì họ hoặc là không biết tính toán, hoặc là không thành thật, hoặc cả hai.
Thế còn những tuyên bố cho rằng Mỹ đang gánh quá nhiều gánh nặng? Tuần trước, Donald Trump đã cáo buộc châu Âu không chịu đóng góp phần của mình: “Tại sao Mỹ phải chi cho Chiến tranh Ukraine nhiều hơn châu Âu tận 100 tỷ USD, trong khi giữa chúng ta có cả một Đại dương ngăn cách? Tại sao Châu Âu không thể chi ra một khoản tương đương với số tiền mà Hợp chủng quốc Hoa Kỳ đã viện trợ để giúp đỡ một Quốc gia đang gặp khó khăn tuyệt vọng?”
Câu trả lời cho câu hỏi của Trump là khẳng định của ông đã sai. Theo báo cáo từ Viện Kiel, “Dữ liệu cho thấy tổng viện trợ của châu Âu từ lâu đã vượt qua viện trợ của Mỹ – không chỉ về mặt cam kết, mà còn về phân bổ viện trợ cụ thể gửi đến Ukraine.” Đáng chú ý là nhiều quốc gia, mặc dù không phải tất cả, đang chi một phần trăm GDP cao hơn chúng ta đáng kể để hỗ trợ Ukraine.
Tổng viện trợ song phương [cho Ukraine]: Cam kết của chính phủ tính bằng % GDP. © Viện Kinh tế Thế giới Kiel
Nhưng cũng đúng là Mỹ đã cung cấp nhiều viện trợ quân sự hơn châu Âu:
Hỗ trợ của Chính phủ cho Ukraine: Viện trợ quân sự, tính bằng tỷ euro. Cam kết từ ngày 24/01/2022 đến ngày 15/01/2024. © Viện Kinh tế Thế giới Kiel
Tại sao lại vậy? Hãy nhớ rằng trong năm đầu tiên thực hiện Cho vay-Cho thuê, Mỹ đã không thể cung cấp nhiều vũ khí, bất chấp quy mô kinh tế khổng lồ của chúng ta, bởi vì nhiều năm chi tiêu quân sự thấp đã khiến chúng ta có một nền tảng công nghiệp-quốc phòng kém phát triển. Phải mất vài năm để biến sức mạnh công nghiệp tổng thể của Mỹ thành sức mạnh quân sự tương đương. Châu Âu hiện đang ở trong tình trạng tương tự: Họ có tiền để giúp Ukraine, và phần lớn sẵn sàng làm điều đó, nhưng lại không có năng lực sản xuất để đáp ứng nhu cầu quân sự của Ukraine.
Liệu điều này sẽ thay đổi? Châu Âu đang tiến tới tăng cường năng lực quân sự, nhưng chậm hơn mức cần thiết, nên viện trợ của Mỹ vẫn rất quan trọng.
Vì vậy, như tôi đã nói, tôi cảm thấy nhẹ nhõm vì cuối cùng Mỹ đã thông qua khoản viện trợ thiết yếu, nhưng vẫn rất lo lắng về tương lai. Chí ít thì trong lúc này, sự hỗ trợ của Mỹ vẫn rất quan trọng đối với sự sống còn của Ukraine.
https://nghiencuuquocte.org/2024/04/25/vien-tro-ukraine-nhin-tu-goc-do-lich-su/#more-55995
Không có nhận xét nào