Năm 1960 rung chuyển chế độ Ngô Đình Diệm
Bài 5
Lược thuật sách “Rút gươm nơi xứ xa” của George J. Veith
Hiếu Chân
29 tháng 11, 2022
Tổng thống Ngô Đình Diệm ngày 12 tháng Mười Một 1960 – một ngày sau cuộc đảo chính bất thành của một số đơn vị quân đội muốn lật đổ ông. Ảnh Keystone/Getty Images
Sau khi tiêu diệt hoặc vô hiệu hóa được các thế lực thách thức ông, Tổng thống Ngô Đình Diệm tập trung chú ý vào hai việc: Xây dựng quốc gia và đập tan những cơ sở cộng sản còn lại ở Nam Việt Nam sau ngày chia đôi đất nước.
Chiến tranh đã bắt đầu như thế
Cuối năm 1959, các lực lượng của ông Diệm liên tục tảo thanh vùng nông thôn, giết chết hàng ngàn cán binh cộng sản được cài lại.
Giai đoạn cuối thập niên 1950 là một trong những thời khó khăn nhất của người Cộng sản và họ quyết định phải đánh trả. Tháng Giêng 1960 các lực lượng Cộng sản ở Nam Việt Nam tái khởi động cuộc đấu tranh vũ trang.
Cuốn sách của giáo sư Veith không đề cập tới nhưng những tài liệu lịch sử khác đều xác định, sau hiệp định Geneve chia đôi đất nước tháng Bảy 1954, phần lớn quân đội Việt Minh đã tập kết ra miền Bắc nhưng đảng Cộng sản vẫn cài cắm lại miền Nam nhiều chi bộ đảng, nhiều cán bộ chưa bị lộ mặt và chôn giấu vũ khí, chuẩn bị cho cuộc chiến tranh sau này.
Sau khi ông Lê Duẩn, chỉ huy cao nhất của đảng Cộng sản cài lại miền Nam vượt thoát ra Bắc và chiếm quyền lãnh đạo đảng thì Hà Nội đã sẵn sàng thực hiện kế hoạch tái chiếm miền Nam. Kế hoạch bắt đầu bằng việc thành lập lực lượng 559 – tháng Năm năm 1959 – để mở đường mòn Hồ Chí Minh trên dãy Trường Sơn và trên đất Lào để vận chuyển vũ khí và bộ đội vào Nam. Chính sách “diệt Cộng” của Tổng thống Diệm chỉ là một yếu tố thúc đẩy cuộc nổi dậy của cộng sản xảy ra sớm hơn chứ không hẳn là nguyên nhân khiến Cộng sản phải “đánh trả”. Chiến tranh xâm chiếm miền Nam là điều đã được đảng Cộng sản hoạch định trước ở Hà Nội, bất kể chính phủ Diệm làm gì.
Những nữ du kích đầu tiên của cộng sản nổi dậy chống chế độ Ngô Đình Diệm. Ảnh
History/Universal Images Group via Getty Images
Vụ nổi loạn đầu tiên diễn ra ở tỉnh Bến Tre mà chính phủ gọi là tỉnh Kiến Hòa, cộng sản chiếm được vài bót cảnh sát và giết chết vài quan chức chính quyền. Vụ nổi dậy ở Bến Tre thường được coi là mở màn chiến tranh ở Nam Việt Nam. Cuối tháng đó, lực lượng cộng sản tổ chức cuộc tấn công quy mô đầu tiên của họ, tấn công một căn cứ của trung đoàn 32 thuộc sư đoàn 21 bộ binh quân đội VNCH ở tỉnh Tây Ninh. Ngày 26 tháng Giêng 1960, lợi dụng thời gian binh lính VNCH nghỉ Tết cổ truyền cùng gia đình, Cộng sản tổ chức tấn công, giết chết bốn mươi lính và thu được sáu trăm vũ khí, một thắng lợi đáng kể.
Thất bại bất ngờ đó làm cho các sĩ quan cao cấp, như Thiếu tướng Trần Văn Đôn, đặt nghi vấn về chính sách của ông Diệm, đề bạt các đảng viên đảng Cần Lao, không có đủ phẩm chất cần thiết vào các vị trí chỉ huy quân đội. Các sĩ quan có thành tích chiến đấu thật sự phải bàn giao quyền chỉ huy đã nổi giận khi thấy sự thăng tiến nhanh chóng của những người thiếu kinh nghiệm nhưng là người cải đạo theo Công giáo và theo đảng Cần Lao. Theo ông Đỗ Mậu, sĩ quan tùy tùng của Tổng thống Diệm, “chính sách ‘Công giáo hóa’ quân đội gây bất mãn sâu sắc trong hàng ngũ sĩ quan và là một trong những lý do dẫn tới hàng loạt các vụ binh biến và âm mưu đảo chính thất bại giữa những năm 1960-1963”.
Nỗi bất mãn của quân đội
Nỗi bất mãn của quân đội với ông Diệm bùng phát lần đầu tiên ở Sài Gòn lúc 3 giờ sáng ngày 11 tháng Mười Một 1960. Một vài đơn vị quân đội đứng lên chống lại ông, trong một vụ binh biến được tính toán kém hơn là một cuộc đảo chính quân sự. Tham gia binh biến có lữ đoàn Dù, một phần tiểu đoàn Thủy quân Lục chiến số 3 và một đơn vị mới thành lập là tiểu đoàn kỵ binh cơ động. Sự kiện một số đơn vị tinh túy nhất của quân đội VNCH dẫn đầu cuộc nổi loạn là dấu hiệu nghiêm trọng về nỗi thất vọng của quân đội. Có bao nhiêu binh sĩ tham gia, các sĩ quan cấp dưới có hiểu biết về hành động binh biến hay không, có ủng hộ đảo chính hay không là những câu hỏi mà chỉ có những chỉ huy của các đơn vị này trả lời được.
Phần lớn các bản tường trình đều cho rằng Đại tá Nguyễn Chánh Thi, chỉ huy lữ đoàn Dù, dẫn đầu cuộc binh biến nhưng thông tin đó không chính xác. Người chủ mưu là Trung tá Vương Văn Đông, khi đó là một sĩ quan chỉ huy của trường Bộ binh Thủ Đức. Một người khác là Thiếu tá Phạm Văn Liễu, bạn của ông Thi.
Trung tá Vương Văn Đông, 28 tuổi, một trong hai sĩ quan cầm đầu cuộc đảo chính 11/11/1960 tại buổi họp báo. Ảnh hinhanhlichsu.org
Sáng hôm đó, lữ đoàn Dù tấn công Dinh Tổng thống nhưng lực lượng phòng vệ đẩy lùi được đợt tấn công thứ nhất. Giao tranh ác liệt diễn ra nhưng rồi cả hai bên tìm cách thương lượng. Không chiếm được Dinh Tổng thống, Đông và Liệu thuyết phục Thi tham gia binh biến cùng với lữ đoàn của ông. Thi lúc đầu rất gần gũi với Tổng thống Diện, nhưng ông ghê tởm ông Nhu và ghét đảng Cần Lao can thiệp vào quân đội. Sinh trưởng trong gia đình nghèo, theo đạo Phật, ông có rất ít điểm chung với anh em họ Ngô theo Công giáo cứng nhắc. Là người lính Dù, ông Thi có tiếng là dũng cảm và cứng rắn nhưng thường hành động theo cảm xúc và ngây thơ về chính trị. Lúc ông đồng ý đứng về phía đảo chính thì đã muộn.
Chiến thuật câu giờ của anh em họ Ngô đã giúp họ điều động được các đơn vị trung thành về cứu chế độ. Khi ấy Thiếu tướng Nguyễn Khánh đang có mặt ở Sài Gòn sau khi bàn giao quyền tư lệnh Quân khu Cửu Long cho Đại tá Trần Thiện Khiêm. Khánh là dân Vĩnh Bình, tham gia Việt Minh hồi cuối Thế Chiến thứ Hai nhưng sau khoảng một năm thì từ bỏ hàng ngũ, gia nhập quân đội Pháp, cùng tốt nghiệp khóa sĩ quan Pháp ở Đà Lạt tháng Bảy 1947 cùng với Đại tá Khiêm. Ông Khánh cũng theo học một khóa nghiệp vụ chỉ huy với ông Thiệu ở Hà Nội năm 1952.
Tổng thống Diệm thích tính cách Nam Bộ của tướng Khánh, nhất là sau khi Khánh gia nhập đảng Cần Lao năm 1955; ông phong Khánh cấp đại tá và giao nhiệm vụ tư lệnh sư đoàn 1. Tháng Ba 1960, Khánh là tư lệnh Quân khu Cửu Long và được thăng thiếu tướng vào tháng Năm.
Vào buổi sáng ngày đảo chính 11 tháng Mười Một, Khánh trèo qua hàng rào vào dinh Độc lập gặp anh em ông Diệm. Tại đó, ông liên lạc điện thoại với các tư lệnh, kể cả Đại tá Khiêm, gọi họ đem quân về Sài Gòn “thiết lập Binh đoàn Giải phóng Thủ đô để dẹp âm mưu đảo chính và giải vây cho Dinh Độc Lập.” Nắm chắc thất bại, các ông Thi, Đông và Liễu cùng một chục sĩ quan khác lấy một chiếc phi cơ C-47 bay sang Phnom Penh, thủ đô Cambodia. Khánh và Khiêm được hoan hô như anh hùng quốc gia.
Hậu quả của vụ binh biến 1960
Vụ binh biến 1960 thất bại nhưng để lại những vết chém sâu cho cả ông Diệm lẫn quân đội VNCH. Vợ con của các sĩ quan tham gia binh biến và đã chạy thoát sang Cambodia bị ông Diệm bắt giam và dọa hành quyết họ nếu các ông chồng không trở về chịu tội. Những phụ nữ này bị giam trong điều kiện rất khắc nghiệt và một vài người, kể cả phu nhân của Đại tá Thi, đã phải tuyên bố ly dị chồng để khỏi bị trừng phạt.
Cuộc binh biến thất bại và diễn biến sau đó đã “làm cho ông Diệm càng bị cô lập với các quan chức dân sự và sĩ quan quân đội cao cấp của Việt Nam vốn là những người từng ủng hộ ông ấy,” như nhận định của Rufus Phillips, giám đốc các vấn đề nông thôn của Đại sứ quán Hoa Kỳ tại Việt Nam. Sau đảo chính, ông Diệm đặt lòng trung thành lên làm phẩm chất tối thượng, khen thưởng và trừng phạt các sĩ quan, thậm chí bắt giam một số người, dựa trên đánh giá của ông về lòng trung thành của họ.
Xe thiết giáp của quân đảo chính trước cổng Dinh Độc Lập ngày 11-11-1960. Nguồn ảnh: hinhanhlichsu.org
Một trường hợp tính sai của ông Diệm là Thiếu tướng Lê Văn Kim. Lúc đảo chính xảy ra ông Kim đang là giám đốc Học viện Võ Bị ở Đà Lạt nhưng nhóm Vương Văn Đông nêu tên ông là thủ tướng mới nếu họ lật được ông Diệm. Tướng Kim không tham gia đảo chính nhưng Tổng thống Diệm đã cử tướng Tôn Thất Đính lên Đà Lạt để bắt giữ tướng Kim. Xin phép về nhà lấy ít đồ dùng cá nhân, ông Kim đã gọi điện thoại cho Ngô Đình Nhu, năn nỉ ông Nhu cho ông về Sài Gòn để giải thích. Là bạn bè thân, ông Nhu đã mủi lòng thương hại, cử một phi cơ lên Đà Lạt để đón ông Kim. Sau đó, mặc dù không bị xử phạt gì mà chỉ bố trí làm phụ tá đặc biệt cho Trung tướng Dương Văn Minh, cách đối xử của ông Diệm đã nuôi lớn trong lòng tướng Kim một nỗi hận, củng cố lập trường chống Diệm của ông và mở đầu cho hàng loạt biến cố sẽ dẫn tới kết cục bi thảm của anh em ông Diệm ba năm sau đó.
Có những mối quan hệ gia đình đáng chú ý ở đây. Tướng Lê Văn Kim lấy em gái tướng Trần Văn Đôn. Cha mẹ tướng Đôn giao du với gia đình ông Trần Văn Chương, phụ thân của bà Trần Lệ Xuân mà ông Ngô Đình Nhu cưới làm vợ năm 1943. Mẫu thân của bà Nhu là anh em với Cựu hoàng Bảo Đại. Gia đình tướng Đôn có ngôi biệt thự ở Đà Lạt, gần Dinh Bảo Đại và mùa xuân năm 1947, vợ chồng ông Nhu chuyển vào Đà Lạt đã ở trong ngôi biệt thự đó với vợ chồng ông Kim và thân thiết với nhau. Quan hệ giữa bà Nhu với Quốc trưởng Bảo Đại cũng là một trong những yếu tố giúp ông Diệm được Bảo Đại chọn làm thủ tướng của Quốc gia Việt Nam năm 1954.
Khi tướng Kim trở về Sài Gòn và được bố trí làm phụ tá cho tướng Minh Lớn thì hai người trở nên thân thiết; cả hai thường đến thăm anh vợ của tướng Kim là tướng Trần Văn Đôn, đặc biệt là sau khi tướng Đôn từ giã chức tư lệnh Quân đoàn 1 trở về Sài Gòn thì cả ba người hợp thành một bộ sậu ăn ý trong hàng ngũ tướng lĩnh của quân đội VNCH – bộ sậu sẽ dẫn dắt cuộc đảo chính quân sự lật đổ và giết chết anh em ông Diệm sau này.
Hồ Chí Minh, chủ tịch đảng CSVN, đứng giữa Lê Duẩn và Trường Chinh, tại đại hội lần thứ ba đảng CSVN tháng 9-1960 – đại hội quyết định thúc đẩy nhanh việc chuẩn bị chiến tranh chống Nam Việt Nam. Ảnh tài liệu của Roger Viollet Collection/Getty Images
Vụ đảo chính tháng Mười Một 1960 ảnh hưởng trực tiếp tới kế hoạch của Hà Nội. Đảng Cộng sản Việt Nam đã tổ chức đại hội toàn quốc lần thứ Ba vào tháng Chín 1960. Tại đại hội đó, Bộ Chính trị của đảng quyết định cho thành lập một tổ chức gọi là Mặt trận Giải phóng miền Nam Việt Nam (NLF), quy tụ tất cả các lực lượng chống chế độ Ngô Đình Diệm. Mặt trận NLF này là bức bình phong che giấu bàn tay của Hà Nội trong cuộc nội chiến. Vụ đảo chính 1960 ở Sài Gòn đã thuyết phục Cộng sản Hà Nội phải đẩy nhanh hơn nữa việc thành lập Mặt trận NLF như điện tín số 20-NB của Bộ Chính trị gửi vào Nam ngày 12 tháng Mười Một 1960, một ngày sau vụ đảo chính thất bại.
https://saigonnhonews.com/nhin-lai-lich-su/nhung-giac-mo-tan-vo-cua-vnch-5/
Không có nhận xét nào