Việt Nam Cộng Hòa – một công cuộc kiến quốc
Lược thuật sách “Rút gươm nơi xứ xa” của George J. Veith
Hiếu Chân
Bài 1
“Sáng sớm ngày 2 Tháng Mười Một 1963, Đại tá Nguyễn Văn Thiệu hoảng hốt nhảy xuống khỏi chiếc xe jeep, chạy vội về phía một chiếc thiết vận xa đậu bên ngoài đại bản doanh quân đội Nam Việt Nam trong phi trường Tân Sơn Nhất. Trong mười tám tiếng đồng hồ vừa qua, ông chỉ huy các lực lượng quân đội bên trong thành phố Sài Gòn lật đổ chính phủ của Tổng thống Ngô Đình Diệm. Bên trong chiếc xe bọc thép là thi thể bầm dập của ông Diệm và em trai tổng thống, ông Ngô Đình Nhu.
Ông Thiệu chỉ tham gia cuộc đảo chánh sau khi ông được bảo đảm rằng Tổng thống Diệm và gia đình sẽ không bị hãm hại. Giờ đây, ông cần kiểm chứng lại cái tin tức gây sốc, cần xác nhận cho chính ông rằng lời cam kết mà người ta đã hứa với ông và đồng đội cùng đảo chính với ông đã thật sự bị phá vỡ.
Đại tá Thiệu lệnh cho người lái xe mở cửa sau của chiếc thiết vận xa. Nhiều năm về sau, ông nhớ lại, khi nhìn thấy thi thể của hai anh em giữa vũng máu, ông đã suýt nôn mửa. Ông đưa tay chào họ, tháo chiếc mũ sắt ông đang đội và cúi đầu thật thấp về phía hai người đang nằm. Khoảnh khắc khủng khiếp đó, dù chỉ là một giọt nước nhỏ trong dòng sông rộng lớn của lịch sử Việt Nam hiện đại, đánh dấu một sự chuyển giao tượng trưng từ nền Đệ Nhất Cộng Hòa của ông Diệm sang nền Đệ Nhị Cộng Hòa với Tổng thống Nguyễn Văn Thiệu bốn năm sau đó. Vào phút giây đau đớn đó, lịch sử chính trị của miền Nam Việt Nam đã vĩnh viễn thay đổi.”
Trên đây là đoạn mở đầu cuốn sách “Rút gươm nơi xứ xa” (Drawn Swords in a Distant Land) của nhà sử học George J. Veith do Encounter Books xuất bản lần thứ nhất ở Hoa Kỳ năm 2021. Ông Veith cũng là tác giả của một cuốn sách nổi tiếng khác về lịch sử Việt Nam Cộng Hòa: “Tháng Tư Đen: Sự sụp đổ của miền Nam Việt Nam, 1973-75” (Black April: The Fall of South Vietnam, 1973-75).
Cuốn “Rút gươm…” mô tả một thời kỳ lịch sử dài hơn, bao quát cuộc chiến trường kỳ trong đó những người Việt Nam Không Cộng Sản, mà ông gọi là “người quốc gia” phấn đấu để xây dựng một quốc gia có chủ quyền gọi là Việt Nam Cộng Hòa (VNCH), còn gọi là Nam Việt Nam.
Cuộc phấn đấu đó, theo tác giả, có thể chia thành bốn giai đoạn: Quốc gia Việt Nam của cựu hoàng Bảo Đại; Đệ Nhất Cộng Hòa của Tổng thống Diệm; bốn năm đứt quãng sau đó và cuối cùng là Đệ Nhị Cộng Hòa của Tổng thống Thiệu. Giai đoạn Quốc gia Việt Nam và Đệ Nhất Cộng Hòa đã được các nhà sử học, nhà nghiên cứu dày công xem xét và trình bày chi tiết nên tác giả chỉ tập trung vào hai giai đoạn sau, kể từ vụ đảo chánh ông Diệm và nền Đệ Nhị Cộng Hòa ngắn ngủi sau đó, vốn chưa được nghiên cứu nhiều. SGN sẽ lần lượt giới thiệu những nội dung chính của cuốn sách xoay quanh những sự kiện của hai giai đoạn này để bạn đọc tham khảo về một giai đoạn lịch sử nhiều biến cố thương đau.
***
“Cuốn sách này xem xét những nỗ lực đau đớn và thất bại của Nam Việt Nam trong công cuộc xây dựng một nhà nước độc lập. Nhà nước đó tập trung vào cuộc chiến đấu để bảo đảm an ninh vùng nông thôn, vượt qua những mưu đồ và trắc trở của tiến trình chính trị, những cố gắng định hình sự thống nhất quốc gia và cuộc tiến hóa của các mối quan hệ phức tạp về xã hội, sắc tộc, tôn giáo ở Nam Việt Nam.” Giáo sư Veith gọi đây là “Những giấc mơ tan vỡ của Nam Việt Nam” như nhan đề phụ của cuốn sách.
Ngay từ thời chiến tranh, dư luận trong giới nghiên cứu và chính trị đã quan niệm một cách đơn giản rằng Hà Nội mặc nhiên đại diện cho chủ nghĩa dân tộc của người Việt “chống đế quốc Mỹ”, là chính nghĩa và Sài Gòn, là bù nhìn, không có tính chính danh nên tất yếu phải sụp đổ. Đây là một biến tướng của luận điệu tuyên truyền của cộng sản Bắc Việt, nhằm che giấu bản chất xâm lược miền Nam. Sự kiện tháng Tư 1975 góp phần chứng minh cho quan niệm đơn giản mà độc hại đó.
Tuy nhiên, thực tế không hẳn như vậy. Theo Veith, Nam Việt Nam có câu chuyện riêng của mình, mà người ở nước ngoài thường không để ý tới. Một người bạn Việt Nam nói với tác giả: “Chúng tôi có nhiều giấc mơ: Giấc mơ tự do; giấc mơ độc lập, giấc mơ đưa dân tộc ra khỏi nghèo đói. Người Cộng sản chỉ có một giấc mơ duy nhất: Thắng cuộc chiến tranh với bất cứ giá nào”.
Những giấc mơ của VNCH chính là những phương diện của một tiến trình lập quốc sau khi thoát khỏi ách thống trị của thực dân Pháp. Để biến giấc mơ thành sự thực, Tổng thống Thiệu và chính phủ của ông đã có nhiều nỗ lực quan trọng để xây dựng một nhà nước dân chủ hiện đại và xóa bỏ sự nghèo đói kinh niên của người dân – một cố gắng mà họ chưa bao giờ được ghi nhận tương xứng.
Tổng thống VNCH Nguyễn Văn Thiệu (giữa) đặt viên đá xây dựng tượng đài kỷ niệm quân đội Hoa Kỳ trong chiến tranh Đông Dương. Bên trái ông là Đại sứ Ellsworth Bunker và bên phải là Tướng Frederick Weyand, tư lệnh quân đội Mỹ tại Nam Việt Nam. Ảnh Bettmann, Getty Images.
Nhiệm vụ thì rất to lớn nhưng VNCH phải vượt qua những tàn dư bệnh hoạn của thời kỳ thực dân, cùng với những vấn đề cố hữu của công cuộc lập quốc như thiếu sự đoàn kết quốc gia, xung đột quân sự-dân sự; các định chế chính trị chưa phát triển và nhiều thứ khác. Hơn thế nữa, họ phải vượt qua các chướng ngại này trong lúc một kẻ thù hung hãn luôn kề dao tận cổ.
Và cũng như ở nhiều quốc gia non trẻ khác, người Quốc gia phải đối mặt với một vấn đề sinh tử: Làm thế nào để một nền dân chủ mới manh nha và một xã hội mở có thể đánh bại một kẻ thù chuyên chế toàn trị, một kẻ thù rất giỏi xâm nhập hàng ngũ đối phương, lũng đoạn tâm lý và chính trị? Nói cách khác, Nam Việt Nam có thể tự mình chống lại mối đe dọa Cộng sản hay không?
Ngay trong nội bộ những người quốc gia, vẫn tồn tại dai dẳng sự xung khắc giữa những đường lối kiến quốc khác nhau, giữa những người muốn cai trị thông qua một mô hình quản trị tập trung quyền lực ở trung ương với những người muốn tìm một hình thức dân chủ kiểu Việt Nam trao nhiều quyền kiểm soát hơn cho các địa phương.
Một vấn đề khác của phe Quốc gia là làm thế nào bãi bỏ những lề lối cũ, những thiết chế đã thất bại và thay thế chúng bằng những ý tưởng mới, những thiết chế hiện đại để phát triển một bản sắc cộng hòa có tính dung nạp ở một đất nước đa dạng về sắc tộc và tôn giáo.
Để trả lời những câu hỏi này cần tìm hiểu cặn kẽ những nỗ lực của người quốc gia trong việc tạo dựng một nhà nước có thể tồn tại độc lập. Sự kiện Nam Việt Nam bại trận ngày 30 tháng Tư năm 1975 không có nghĩa là họ không có tính chính danh về chính trị nếu xem xét cuộc chiến trong những phương diện thiết yếu như hoàn cảnh xã hội, văn hóa, chính trị và kinh tế của cuộc chiến. Thất bại của Nam Việt Nam cũng tương tự như ở một số nước khác, nhất là những nước trải qua chiến tranh dai dẳng và chết chóc: Suy cho cùng, người ta không thể cùng một lúc vừa xây dựng vừa chiến đấu tự vệ.
Dân chủ luôn là một công trình luôn đang trong tình trạng xây dựng, nhất là ở các nước mới thoát ra khỏi thân phận thuộc địa và đang tìm chỗ đứng trong một cuộc chiến tranh ác liệt.
Một nhân vật thể hiện đầy đủ công trình dân chủ hóa miền Nam Việt Nam là Tổng thống Nguyễn Văn Thiệu. Sự nghiệp chính trị của Tổng thống Thiệu là chủ đề thống trị cuốn sách của giáo sư George Veith. Ông Veith cho rằng, “Bởi vì sự nghiệp của ông [Thiệu] tương ứng chính xác với quãng đời của quốc gia ông, ông [Thiệu] cung cấp một phương tiện hoàn hảo để nghiên cứu sự nổi lên và sụp đổ của Nam Việt Nam”. Cuốn sách của ông Veith không phải là cuốn tiểu sử Tổng thống Thiệu nhưng công nhận rằng ông Thiệu giữ vai trò trung tâm của nền Đệ Nhị Cộng Hòa, là người chỉ huy thực hiện những giấc mơ tan vỡ của miền Nam Việt Nam mà cho đến nay, ông Thiệu là đồng minh quan trọng nhất của nước Mỹ ít được phân tích nhất.
Ngày 26 tháng 10-1966 tại Sài Gòn, Trung tướng Nguyễn Văn Thiệu, Chủ tịch Hội đồng Lãnh đạo quốc gia (thứ ba từ trái) và Thủ tướng Nguyễn Cao Kỳ (bìa phải) cùng Tổng thống Mỹ Lyndon B. Johnson (bìa trái) và Tướng William Westmoreland dự một sự kiện quân sự. Ảnh Pictures From History/Universal Images Group via Getty Images.
Nói ngắn gọn, công trình nghiên cứu công phu của giáo sư George Veith tái hiện lại lịch sử đấu tranh để xây dựng quốc gia dân chủ tự do VNCH thông qua nhân vật trung tâm Nguyễn Văn Thiệu. Cuốn sách sẽ “đính chính” lại những quan điểm lệch lạc của nhiều học giả Mỹ về VNCH, trong đó ông Thiệu hiện ra hoặc như một tay chơi trong ván bài chiến tranh lớn của Hoa Kỳ, hoặc như một nhà độc tài quân phiệt mà các chính sách đàn áp nhân dân miền Nam đã trực tiếp dẫn tới sự sụp đổ của chế độ. Sự lãng quên hoặc đánh giá thấp những giấc mơ của VNCH, vai trò của Tổng thống Thiệu đã để những lỗ hổng to lớn trong nhận thức lịch sử về cuộc chiến tranh.
https://saigonnhonews.com/nhin-lai-lich-su/nhung-giac-mo-tan-vo-cua-viet-nam-cong-hoa-1/
Không có nhận xét nào