Header Ads

  • Breaking News

    Nhật Bản và Hoa Kỳ tăng cường mối quan hệ chặt chẽ hơn ...

     Nhật Bản và Hoa Kỳ tăng cường mối quan hệ chặt chẽ hơn để chống lại ảnh hưởng của Trung Quốc 

    Jon Sun 

    Sean Tseng 

    Thanh Nguyên và Khánh Ngọc biên dịch

    12/4/2024

    " Các cuộc thảo luận giữa quân đội Hoa Kỳ và Nhật Bản tập trung vào sự hợp tác giữa Lực lượng Phòng vệ Nhật Bản và lực lượng Hoa Kỳ đóng quân tại Nhật Bản, đặc biệt là làm thế nào để đạt được một cấu trúc chỉ huy hợp nhất và hợp lý hơn. 

    Đại sứ lưu ý rằng, “Cấu trúc hiện tại không phù hợp với những thách thức mà chúng ta đang phải đối mặt,” thể hiện một tư thế sẵn sàng cải tiến các phương pháp tác chiến của liên minh để đáp ứng những thách thức an ninh hiện nay.

    Ông Emanuel bày tỏ sự lạc quan về sự hợp tác chặt chẽ hơn giữa Nhật Bản, Hoa Kỳ, và Philippines nhằm tăng cường năng lực chung để chống lại tham vọng bá chủ hàng hải của ĐCSTQ. Sự tham gia ba bên này nhấn mạnh nỗ lực chiến lược nhằm bảo đảm sự ổn định và duy trì tự do hàng hải ở khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương, củng cố mặt trận hợp lực chống lại những nỗ lực đơn phương nhằm thay đổi hiện trạng bằng vũ lực".

    BÀI VIẾT CHUYÊN SÂU: Nhật Bản và Hoa Kỳ tăng cường mối quan hệ chặt chẽ hơn để chống lại ảnh hưởng của Trung Quốc

    Các nhà lãnh đạo cho biết, chuyến thăm Hoa Thịnh Đốn của Thủ tướng Nhật Bản Fumio Kishida trong tuần này báo hiệu một ‘kỷ nguyên mới’ trong mối quan hệ hợp tác Nhật Bản–Hoa Kỳ. 

    Tổng thống Joe Biden và Đệ nhất Phu nhân Jill Biden chào đón Thủ tướng Nhật Bản Kishida và Đệ nhất Phu nhân Yuko Kishida tới Tòa Bạch Ốc trong chuyến thăm cấp quốc gia, tại Hoa Thịnh Đốn, hôm 10/04/2024. (Ảnh: Allison Bailey/Middle East Images qua AFP qua Getty Images) 

    Theo tuyên bố chung của ông Kishida và Tổng thống Joe Biden, chuyến thăm Hoa Kỳ của Thủ tướng Nhật Bản Fumio Kishida trong tuần này báo trước một “kỷ nguyên mới của hợp tác chiến lược Hoa Kỳ-Nhật Bản.” Chuyến thăm dự kiến sẽ tăng cường hợp tác song phương trên nhiều phương diện, bao gồm ngoại giao, quốc phòng, và công nghệ. Theo một quan chức cấp cao của Tòa Bạch Ốc, các cuộc đàm phán giữa hai nhà lãnh đạo tập trung cụ thể vào việc chống lại ảnh hưởng ngày càng mở rộng của Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ). 

    Theo tuyên bố chung, sự hợp tác này có mục đích tăng cường đáng kể liên minh chiến lược giữa hai quốc gia. 

    Trong nghị trình cho chuyến thăm của ông Kishida là một loạt các cuộc gặp cấp cao, trong đó có một bài diễn văn trước Quốc hội vào buổi sáng ngày 11/04, sau đó là các cuộc hội đàm ba bên với Philippines vào buổi chiều. 

    Trọng tâm của các cuộc thảo luận này là mục tiêu chung nhằm kiềm chế thái độ ngày càng quyết đoán của ĐCSTQ — như được minh họa bằng điều mà các nhà lãnh đạo gọi là “hành vi nguy hiểm và leo thang.” 

    Ông Nicholas Szechenyi, phó giám đốc khu vực châu Á tại Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế, nói với Scripps News rằng chuyến thăm này “gửi một tín hiệu thực sự mạnh mẽ tới Trung Quốc, rằng mạng lưới liên minh ở châu Á do Hoa Kỳ dẫn đầu sẽ chỉ mạnh mẽ hơn nếu Trung Quốc duy trì thái độ quyết đoán này trong khu vực.” 

    “Mục đích của chúng tôi với tư cách đối tác là duy trì và củng cố trật tự quốc tế tự do và cởi mở dựa trên pháp quyền,” tuyên bố chung cho biết, nhấn mạnh “mối quan hệ đối tác toàn cầu” giữa Nhật Bản và Hoa Kỳ. 

    Nói với tờ báo Nhật Bản Sankei Shimbun trước chuyến thăm cấp quốc gia đến Hoa Kỳ, Thủ tướng Kishida nhấn mạnh tầm quan trọng ngày càng tăng của một liên minh vững chắc giữa Nhật Bản và Hoa Kỳ. Ông nhấn mạnh rằng các cuộc thảo luận sắp tới với Tổng thống Biden sẽ xoay quanh việc tăng cường hợp tác trong các lĩnh vực như phát triển thiết bị quốc phòng, thám hiểm không gian, chất bán dẫn, trí tuệ nhân tạo (AI), công nghệ lượng tử, và viễn thông 5G. 

    Tăng cường hợp tác quốc phòng Nhật Bản–Hoa Kỳ

    Trong một cuộc phỏng vấn với ấn phẩm Yomiuri Shimbun của Nhật Bản, ông Kishida cho biết ông sẽ ưu tiên tăng cường an ninh mạng, nhấn mạnh rằng “một không gian mạng tự do, cởi mở, và ổn định là điều cần thiết cho sự thịnh vượng của Nhật Bản và Hoa Kỳ.” Để đạt được mục tiêu này, Nhật Bản cam kết tăng cường đáng kể các năng lực phản ứng trên mạng của mình, phối hợp chặt chẽ với Hoa Kỳ và các đồng minh của Hoa Kỳ. 

    Hội nghị thượng đỉnh diễn ra vào thời điểm mà Hoa Kỳ phải đối mặt với tình trạng kho vũ khí phòng thủ vơi đi, một phần do viện trợ cho Ukraine. Để giải quyết tình trạng này, Nhật Bản và các nhà lãnh đạo Hoa Kỳ dự kiến sẽ đồng ý củng cố hoạt động sản xuất chung các thiết bị quốc phòng của họ. Ông Kishida khẳng định rằng sự hợp tác này sẽ “tăng cường khả năng răn đe và ứng phó của liên minh Nhật Bản-Hoa Kỳ, đồng thời góp phần cải thiện an ninh ở khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương.” 

    Một trong những lĩnh vực then chốt trong sự hợp tác tăng cường này liên quan đến việc cùng phát triển và sản xuất các thiết bị phòng thủ, bao gồm cả lực lượng chiến đấu cơ thế hệ tiếp theo sẵn sàng tham chiến. Theo tuyên bố, điều này bao gồm hợp tác về bảo dưỡng, sửa chữa các chiến hạm cũng như “khả năng tiến hành bảo trì và sửa chữa động cơ trên các phi cơ của Lực lượng Không quân Hoa Kỳ đóng tại Nhật Bản, bao gồm cả chiến đấu cơ thế hệ thứ tư.” 

    Chuyến thăm Hoa Thịnh Đốn của ông Kishida được dự đoán là sẽ đạt được một kết quả quan trọng: Sự đồng thuận về một số sáng kiến hợp tác, bao gồm cả việc các lực lượng Hoa Kỳ cùng sử dụng các căn cứ của Lực lượng Phòng vệ Nhật Bản, đơn giản hóa các thủ tục phức tạp trước đây. Thỏa thuận này sẽ tạo thuận tiện cho việc huấn luyện chung và tăng cường khả năng sẵn sàng ứng phó với thảm họa và các xung đột tiềm ẩn. 

    Chi tiết cụ thể của những thỏa thuận này dự kiến sẽ được thảo luận tại cuộc họp tập trung vào các vấn đề đối ngoại và quốc phòng của Ủy ban Tư vấn An ninh Nhật Bản-Hoa Kỳ sắp tới, dự kiến diễn ra vào cuối tháng Năm. 

    Một chủ đề quan trọng khác của hội nghị thượng đỉnh là đề nghị tăng cường chức năng của bộ chỉ huy quân sự Hoa Kỳ tại Nhật Bản, nhằm phối hợp chặt chẽ hơn với “Bộ chỉ huy Tác chiến Chung” sắp tới của Nhật Bản để nâng cao khả năng chỉ huy thống nhất. Dự kiến sẽ đi vào hoạt động vào cuối năm nay, cấu trúc chỉ huy mới sẽ chỉ huy tập trung các lực lượng phòng vệ trên đất liền, trên biển, và trên không của Nhật Bản. 

    Trong một bước đi có thể tiết kiệm đáng kể chi phí bảo trì và giảm thời gian ngừng hoạt động, các xưởng đóng tàu tư nhân Nhật Bản sẽ có cơ hội tiến hành bảo trì các tàu lớn của Hạm đội 7 của Hải quân Hoa Kỳ, đóng tại thành phố Yokosuka, tỉnh Kanagawa. 

    Hội nghị thượng đỉnh khẳng định rằng Điều 5 của Hiệp ước An ninh Nhật Bản-Hoa Kỳ bao gồm Quần đảo Senkaku, giải quyết các mối đe dọa quân sự của ĐCSTQ đối với Đài Loan, và nhấn mạnh tầm quan trọng cốt yếu của việc duy trì hòa bình và ổn định ở Eo biển Đài Loan đối với hai nước. 

    Ngoài ra, tuyên bố chung còn nhấn mạnh hai điểm chính: Trong các tình huống liên quan đến các sự kiện bất ngờ ở Đài Loan hoặc Bán đảo Triều Tiên, lực lượng Hoa Kỳ tại Nhật Bản sẽ có được quyền chỉ huy đáng kể, tương tự như Bộ Tư lệnh Lực lượng Liên hợp Hoa Kỳ-Nam Hàn, với một tướng bốn sao đóng tại Nhật Bản có thể giám sát các hoạt động. Hơn nữa, Nhật Bản và Hoa Kỳ sẽ cam kết hợp tác trong các dự án thám hiểm mặt trăng, đánh dấu một tầm cao mới trong quan hệ đối tác song phương. 

    Tổng thống Hoa Kỳ Joe Biden gặp Thủ tướng Nhật Bản Fumio Kishida tại Oval Office của Tòa Bạch Ốc ở Thủ đô Hoa Thịnh Đốn, hôm 10/04/2024. (Ảnh: Andrew Caballero-Reynolds/AFP qua Getty Images)

    Tổng thống Hoa Kỳ Joe Biden gặp Thủ tướng Nhật Bản Fumio Kishida tại Oval Office của Tòa Bạch Ốc ở Thủ đô Hoa Thịnh Đốn, hôm 10/04/2024. (Ảnh: Andrew Caballero-Reynolds/AFP qua Getty Images) 

    Khởi động một quy chế ‘đối thoại chính sách’ để mở rộng hợp tác

    Thủ tướng Kishida đã diễn thuyết trước Quốc hội Hoa Kỳ hôm thứ Năm (11/04), gần một thập niên sau bài diễn văn lịch sử của Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe trước Quốc hội Hoa Kỳ hồi tháng 04/2015. 

    Trong bài diễn văn của mình, ông Kishida đã nêu rõ tầm nhìn của mình về quỹ đạo tương lai của “Quan hệ đối tác Toàn cầu” Hoa Kỳ-Nhật Bản. Ông ủng hộ việc tăng cường hợp tác chiến lược trên rất nhiều lĩnh vực, nhấn mạnh tầm quan trọng lâu dài của liên minh, cho dù ứng cử viên nào giành chiến thắng trong cuộc bầu cử tổng thống Hoa Kỳ vào tháng Mười Một. 

    Ông Kishida sẵn sàng nhấn mạnh sự ủng hộ của lưỡng đảng cho liên minh Nhật Bản-Hoa Kỳ bên trong Hoa Kỳ, nêu bật sự công nhận giữa các đảng phái như một khía cạnh then chốt trong chính sách đối ngoại của cả hai quốc gia. Chuyến thăm của ông có mục tiêu chính là nhấn mạnh tầm quan trọng đặc biệt của liên minh này và các sáng kiến chiến lược của Nhật Bản nhằm tăng cường các khả năng phòng thủ của liên minh. 

    Thủ tướng nói với tờ Yomiuri Shimbun rằng Nhật Bản và Hoa Kỳ có kế hoạch thiết lập một quy chế “đối thoại chính sách” ở cấp bộ trưởng, với mục đích giám sát và tăng cường hợp tác trên nhiều lĩnh vực khác nhau. 

    Một lĩnh vực hợp tác quan trọng có liên quan đến việc thúc đẩy sản xuất điện gió nổi ngoài khơi, trong đó Nhật Bản được xem là đối tác hàng đầu của Hoa Kỳ trong lĩnh vực này. Tuyên bố chung sau hội nghị thượng đỉnh đã đề ra sáng kiến này, tượng trưng cho một mặt trận thống nhất trong việc theo đuổi các sáng kiến năng lượng xanh. 

    Nỗ lực này cũng là một hành động chiến lược nhằm giảm vị thế thống trị của các tấm pin quang năng do Trung Quốc sản xuất trên thị trường toàn cầu, vốn đã đặt ra thách thức cho các ngành công nghiệp liên quan của Nhật Bản. Bằng cách thiết lập một chuỗi cung ứng độc lập với Trung Quốc, đặc biệt là trong lĩnh vực phát thải phi carbon, cả hai quốc gia sẽ củng cố ngành năng lượng của mình để không phải lệ thuộc vào bên ngoài. 

    Hội nghị thượng đỉnh ba bên

    Ngoài ra, trong hội nghị thượng đỉnh Nhật Bản-Hoa Kỳ-Philippines khai mạc hôm thứ Năm (11/04), Thủ tướng Kishida sẽ cùng với Tổng thống Biden và Tổng thống Philippines Ferdinand “Bongbong” Marcos, Jr. đưa ra một tuyên bố chung nhằm chống lại ảnh hưởng của Trung Quốc. 

    Cả ba vị nguyên thủ dự kiến sẽ công bố những nỗ lực hợp tác trong nhiều lĩnh vực khác nhau, bao gồm củng cố chuỗi cung ứng các khoáng sản trọng yếu như nickel và tăng cường cơ sở hạ tầng năng lượng và kỹ thuật số. Sự hợp tác ba bên này đại diện cho một liên kết chiến lược giữa ba quốc gia, củng cố một cách tiếp cận thống nhất cho sự ổn định khu vực và năng lực phục hồi kinh tế. 

    Tổng thống Philippines Ferdinand Marcos Jr. nói chuyện trước giới truyền thông sau cuộc hội đàm với Thủ tướng Đức Olaf Scholz tại Phủ Thủ tướng ở Berlin, Đức, hôm 12/03/2024. (Ảnh: Sean Gallup/Getty Images)


    Tổng thống Philippines Ferdinand Marcos Jr. nói chuyện trước giới truyền thông sau cuộc hội đàm với Thủ tướng Đức Olaf Scholz tại Phủ Thủ tướng ở Berlin, Đức, hôm 12/03/2024. (Ảnh: Sean Gallup/Getty Images) 

    Tổ chức tư vấn của Hoa Kỳ dự đoán Nhật Bản sẽ giữ vai trò lãnh đạo

    Giữa những dự đoán về một thỏa thuận quan trọng sẽ nâng tầm hơn nữa liên minh Nhật Bản-Hoa Kỳ, Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế (CSIS), một tổ chức tư vấn nổi tiếng của Hoa Kỳ, đã công bố một báo cáo đầy thuyết phục. Báo cáo này, đã phát hành đến phiên bản thứ sáu, ủng hộ tăng cường hợp tác giữa Nhật Bản và Hoa Kỳ ở một cấp độ cao hơn và đề ra viễn cảnh Nhật Bản đảm nhận một vai trò then chốt hơn trong các vấn đề toàn cầu. 

    Được công bố hôm 04/04, báo cáo cung cấp cái nhìn sâu sắc từ nhiều nhân vật đáng chú ý, trong đó có cựu Thứ trưởng Ngoại giao Hoa Kỳ Richard Lee Armitage, cùng các chuyên gia khác am hiểu về các vấn đề Nhật Bản. Báo cáo xem xét những thách thức an ninh quốc tế đương đại mà cả Nhật Bản và Hoa Kỳ đang phải đối mặt, khuyến nghị một “liên minh hợp nhất hơn nữa” giữa Nhật Bản và Hoa Kỳ. 

    Khuyến nghị này bao gồm việc tăng cường hợp tác giữa quân đội Hoa Kỳ và Lực lượng Phòng vệ Nhật Bản, đồng thời tăng cường trụ cột kết nối giữa khả năng phục hồi kinh tế và các cam kết an ninh. Báo cáo gợi ý tiến hành một cuộc đánh giá lại cấu trúc chỉ huy chung giữa quân đội Hoa Kỳ và Lực lượng Phòng vệ Nhật Bản, đồng thời kêu gọi Nhật Bản tăng cường năng lực thu thập thông tin tình báo của mình. 

    Nhấn mạnh những thay đổi địa chính trị toàn cầu, báo cáo cho rằng cuộc xâm lược của Nga vào Ukraine là một yếu tố quan trọng phá vỡ trật tự quốc tế, cũng như nguy cơ xung đột leo thang ở Trung Đông xuất phát từ các hành động của Hamas chống lại Israel, và các chiến lược quân sự và kinh tế của ĐCSTQ nhằm thiết lập sự thống trị ở khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương và xa hơn nữa. 

    Báo cáo khẳng định mạnh mẽ rằng Nhật Bản và Hoa Kỳ đang “đối đầu với một môi trường quốc tế bị phân mảnh và chia rẽ hơn bất cứ lúc nào kể từ khi Đệ nhị Thế chiến kết thúc,” và thừa nhận rằng Nhật Bản được kỳ vọng sẽ mở rộng vai trò lãnh đạo của mình cả trong khu vực và trên trường toàn cầu. 

    Để chống lại tham vọng bá chủ khu vực của ĐCSTQ, báo cáo nêu ra một số đề nghị chiến lược nhằm củng cố sự hợp tác giữa Nhật Bản và Hoa Kỳ. Báo cáo hoan nghênh việc Nhật Bản thành lập một Bộ chỉ huy Tác chiến Chung vào cuối năm nay như một bước đệm để hiện đại hóa cấu trúc chỉ huy của liên minh này và bảo đảm sự hợp tác hiệu quả trong thời chiến với quân đội Hoa Kỳ. 

    Hơn nữa, báo cáo nhấn mạnh sự cần thiết của việc Nhật Bản tăng cường sự tham gia của mình, đặc biệt là trong bối cảnh ĐCSTQ tăng cường khai triển quân sự đến Đài Loan, đồng thời đề nghị khởi động các cuộc đối thoại ba bên giữa Nhật Bản, Hoa Kỳ, và Đài Loan. Ngoài ra, báo cáo còn đề xướng mở ra một cuộc đối thoại Nhật Bản-Hoa Kỳ về an ninh kinh tế để đồng bộ hóa các biện pháp kiểm soát xuất cảng và chiến lược công nghiệp, đồng thời khuyến nghị các cam kết đa phương rộng hơn với các đồng minh như Úc và Nam Hàn. 

    Xác định năng lực tình báo là một lĩnh vực quan trọng cần cải thiện, báo cáo khuyên Nhật Bản nên củng cố năng lực đối phó về mặt tổ chức và mạng của mình. 

    Được viết bởi cựu Thứ trưởng Ngoại giao Richard Armitage và cựu trợ lý Bộ trưởng Quốc phòng Joseph Nye cùng những người khác, ấn bản đầu tiên của báo cáo đầy thuyết phục này được phát hành vào năm 2000. Trước đây, báo cáo này đã cung cấp những quan điểm từng giúp định hướng đáng kể cho đường hướng chính sách quốc phòng giữa Nhật Bản và Hoa Kỳ, kể cả việc khuyến nghị Lực lượng Phòng vệ Nhật Bản thực hiện quyền tự vệ của mình. Việc phát hành ấn bản thứ sáu này tiếp nối thông lệ trước của báo cáo, góp phần vào cuộc đối thoại chiến lược và xây dựng chính sách giữa hai nước. 

    Đại sứ Hoa Kỳ ca ngợi kỷ nguyên mới cho liên minh Nhật Bản-Hoa Kỳ

    Trong cuộc phỏng vấn với truyền thông Nhật Bản NHK hôm 04/04, Đại sứ Hoa Kỳ tại Nhật Bản Rahm Emanuel đã nêu bật chuyến công du của Thủ tướng Kishida, nhấn mạnh rằng chuyến đi này đánh dấu một kỷ nguyên mới cho liên minh Nhật Bản-Hoa Kỳ. Ông nói rằng khi mối bang giao giữa hai nước tiếp tục được củng cố và phát triển, cuộc gặp thượng đỉnh giữa ông Kishida và Tổng thống Biden sẽ đánh dấu sự thay đổi trong động lực của mối quan hệ đối tác lâu dài này. 

    Ông Emanuel nhấn mạnh những bước tiến đáng kể mà Nhật Bản đã đạt được, đặc biệt là sau khi chính phủ Nhật Bản công bố ba tài liệu an ninh quan trọng hồi tháng 12/2022. Các tài liệu này không chỉ xác định lại thế trận phòng thủ của Nhật Bản bằng cách kết hợp “các năng lực phản công” mà còn khẳng định chắc chắn Nhật Bản đã “hoàn toàn là một đối tác” với Hoa Kỳ, cả về mặt ngoại giao và quốc phòng. 

    Đại sứ Hoa Kỳ tại Nhật Bản Rahm Emanuel (trái) trình bày khi kiến trúc sư Nhật Bản Riken Yamamoto (phải) lắng nghe vào lúc bắt đầu cuộc họp báo tại dinh thự đại sứ Hoa Kỳ ở Tokyo, hôm 07/03/2024, sau khi ông được trao Giải thưởng Kiến trúc Pritzker hôm 05/03/2024. (Ảnh: Richard A. Brooks/AFP qua Getty Images)


    Đại sứ Hoa Kỳ tại Nhật Bản Rahm Emanuel (trái) trình bày khi kiến trúc sư Nhật Bản Riken Yamamoto (phải) lắng nghe vào lúc bắt đầu cuộc họp báo tại dinh thự đại sứ Hoa Kỳ ở Tokyo, hôm 07/03/2024, sau khi ông được trao Giải thưởng Kiến trúc Pritzker hôm 05/03/2024. (Ảnh: Richard A. Brooks/AFP qua Getty Images) 

    Ông Emanuel nêu rằng trong hai năm qua, Nhật Bản đã trải qua những thay đổi đáng kể nhất trong thời kỳ hậu chiến, chuyển từ vị thế phòng thủ là chủ yếu sang một vai trò quyết đoán hơn bao gồm việc mở rộng sự hiện diện của liên minh này trên toàn khu vực. 

    Các cuộc thảo luận giữa quân đội Hoa Kỳ và Nhật Bản tập trung vào sự hợp tác giữa Lực lượng Phòng vệ Nhật Bản và lực lượng Hoa Kỳ đóng quân tại Nhật Bản, đặc biệt là làm thế nào để đạt được một cấu trúc chỉ huy hợp nhất và hợp lý hơn. 

    Đại sứ lưu ý rằng, “Cấu trúc hiện tại không phù hợp với những thách thức mà chúng ta đang phải đối mặt,” thể hiện một tư thế sẵn sàng cải tiến các phương pháp tác chiến của liên minh để đáp ứng những thách thức an ninh hiện nay.

    Ông Emanuel bày tỏ sự lạc quan về sự hợp tác chặt chẽ hơn giữa Nhật Bản, Hoa Kỳ, và Philippines nhằm tăng cường năng lực chung để chống lại tham vọng bá chủ hàng hải của ĐCSTQ. Sự tham gia ba bên này nhấn mạnh nỗ lực chiến lược nhằm bảo đảm sự ổn định và duy trì tự do hàng hải ở khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương, củng cố mặt trận hợp lực chống lại những nỗ lực đơn phương nhằm thay đổi hiện trạng bằng vũ lực.

    https://www.epochtimesviet.com/bai-viet-chuyen-sau-nhat-ban-va-hoa-ky-tang-cuong-moi-quan-he-chat-che-hon-de-chong-lai-anh-huong-cua-trung-quoc_458792.html


    Không có nhận xét nào