27/4/2024
Ở xa thì tưởng Thúy Kiều
Đến gần mới biết người yêu Chí Phèo
Mới nghe qua thì tưởng chỉ đơn thuần là mấy lời bông phèng với chuyện gái trai thế nhưng, thực sự, câu ca dao hiện đại hậu tháng Tư 1975 này là lời gan ruột của những thành phần tinh hoa ở miền Nam, giới khoa bảng thiên tả và ngụy hòa, sau bao nhiêu năm mơ về miền Bắc với niềm hy vọng “chờ nhìn quê hương sáng chói”, đã cay đắng nhận ra rằng nàng Thúy Kiều mình ngày đêm mơ tưởng chỉ là một thứ Thị Nở, cái kẻ không chỉ “xấu ma chê quỷ hờn” mà còn khiến đất nước ngày càng tăm tối hơn.
Nêu tên ra như là cái cớ để nhắc đến người yêu xấu thì quả là bất công cho anh Chí quá, thôi thì thử cho anh làm Chúa, trèo lên cây bưởi, dẫu cách ví von này có phần khiên cưỡng:
Trèo lên cây bưởi hái hoa
Bước xuống vườn cà hái nụ tầm xuân.
Nụ tầm xuân nở ra xanh biếc
Em có chồng anh tiếc lắm thay
– Ba đồng một mớ trầu cay
Sao anh chẳng hỏi những ngày còn không?
Bây giờ em đã có chồng
Như chim vào lồng như cá cắn câu.
Cá cắn câu biết đâu mà gỡ
Chim vào lồng biết thuở nào ra?
Có những tài liệu khẳng định bài ca dao này là của Đào Duy Từ (1572–1634), đặt ra để chế nhạo Trịnh Tráng (1577 –1657), người nắm giữ quyền bính trên đất Bắc, nơi coi trọng lý lịch, kỳ thị con nhà hát xướng, không cho đi thi khiến họ Đào tìm cách đào thoát vào Nam và được Chúa Nguyễn trọng dụng. Chi ly, tích tuồng hơn, có tài liệu còn nêu rõ bốn câu đầu là của Trịnh Tráng, có mục đích kêu gọi Đào Duy Từ… chiêu hồi, mấy câu còn lại là của Đào đặt ra, để chế nhạo Chúa Trịnh.
“Thì nói thế nhưng vẫn không thấy một sở cứ vững vàng nào. Mà, liên quan đến Đào Duy Từ, thì dẫu có sở cứ rõ ràng từ trong chính sử như Đại Nam Thực Lục Tiền Biên, vẫn khó mà tin như câu chuyện thông điệp “Dư bất thụ sắc” (Không nhận sắc phong) trong mâm đồng hai đáy mà cả đất Bắc chỉ có Phùng Khắc Khoan mới giải được, bất chấp thực tế là lúc đó, năm 1630, con cháu ông Trạng Bùng này (1528-1613) đã quỳ lạy làm đám giỗ đến mòn gối rồi.”
Chuyện xưa không có tài liệu, chỉ truyền miệng, đã bán tín, bán nghi. Đến cả chuyện ghi vào chính sử cũng vô lý đến độ không thể chấp nhận được nên thôi, tạm thời chấp nhận để có chuyện mà bàn, xem đó là tâm sự của một Trịnh Tráng đang tiếc nuối, ân hận vì để một nhân tài như Đào Duy Từ — giỏi giang từ việc chính trị, quân sự đến văn chương, chữ nghĩa – trao thân cho đối thủ của mình!
Thì vậy, ngày xưa trên đất Bắc, có một Trịnh Tráng mang tâm sự tiếc nuối của anh chàng trèo bưởi thì, hơn ba thế kỷ sau đó, ở phương Nam, lại có những đồng loại Chí Phèo cũng đau đàu cùng một nỗi u hoài!
Gọi là đồng loại là do cái nghề… ăn vạ. Chí Phèo, của Nam Cao, ai cũng biết, là kẻ cố cùng liều thân, mang cái thế không còn gì để mất của mình ra để rạch mặt ăn vạ, rồi được tên cường hào Bá Kiến lợi dụng, khai thác như một bàn tay bẩn. Giới khoa bảng thiên tả thì, dĩ nhiên, không phải hạng cố cùng liều thân mà, ngược lại, còn có quá nhiều thứ để mất nhưng họ cực kỳ giỏi giang trong nghề ăn vạ bởi có thừa trình độ để bám víu vào kẻ hở của nền dân chủ non trẻ ở miền Nam, cũng có chút tiếng tăm để làm giá với dư luận thế giới. Họ lạm dụng tính dân chủ để la lối đấu tranh, để giãy đành đạch lên ăn vạ nhằm tỏ tình, nhằm dọn đường rước nàng Kiều “lộng lẫy” trên đất Bắc vào để rồi, sau tháng Tư năm ấy, mới tỉnh ngộ ra rằng đã mắc mưu tên cường hào trí trá, cơ mưu.
Như một Trương Như Tảng đau đớn sau tháng Tư năm 1975. Tốt nghiệp cao học chính trị và cử nhân luật tại Pháp năm 1951, năm 1954 Tảng về nước hoạt động cho cộng sản nên năm 1966 bị bắt, đến năm 1969 được trao đổi tù binh với một sĩ quan Mỹ, trở thành Bộ trưởng Tư Pháp trong Chính phủ Cách mạng Lâm thời Cộng hòa Miền Nam Việt Nam, là chức vụ làm kiểng, tối ngày chỉ ngồi uống trà, đánh cờ, đuổi muỗi, “chính sự” lắm thì chỉ là những cuộc họp “giao ban” chỉ để nghe và tán thành, không có quyền phản biện. Đến năm 1978, ba năm sau ngày đại thắng, Tảng vượt biển và xin định cư tại Pháp để rồi, bao nhiêu nỗi niềm cay đắng, uất ức, được Tảng bộc ra trong Hồi ký của một Việt cộng.
Trong chương sáu của cuốn Bên Thắng Cuộc, mang tên “Vượt Biên”, nhà báo Huy Đức đã ghi lại rất nhiều đồng nghiệp ăn vạ của Chí như thế.
Đó là Phạm Văn Hai, kỹ sư, giám đốc nhà máy dệt Phong Phú, là người đưa kỹ nghệ nhuộm vào miền Nam. Hai sùng bái “Thúy Kiều ở xa” đến độ có hai đứa con trai, đều đặt tên theo… Vương ông, một là Phạm Chí Minh, một là Phạm Ái Quốc. Rồi thì chuyên gia này vỡ mộng với bộ mặt thật của Thị Nở và năm 1977 Hai dắt Ái Quốc và Chí Minh vượt biên nhưng bị bắt. Được Võ Văn Kiệt bảo lãnh, ba cha con Văn Hai – Ái Quốc – Chí Minh cũng vượt biển tiếp rồi lại bị bắt. Tác giả không nói rõ là sau đó họ có đi nữa và đi lọt hay không.
Ông bố của Ái Quốc và Chí Minh đã không may mắn như Châu Tâm Luân. Luân tốt nghiệp tiến sĩ kinh tế nông nghiệp ở Đại học Illinois (Mỹ), về dạy tại đại học Minh Đức và Vạn Hạnh nhưng vì hoạt động có lợi cho cộng sản nên đầu năm 1975 bị chính quyền VNCH bắt giam, sau tháng Tư thì được xếp vào diện “phe ta”, trở thành đại biểu Hội đồng Nhân dân Thành phố HCM khóa 1 và là ủy viên Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam. Nhưng rồi thì Luân cũng nhận ra bộ mặt Thị Nở nên vượt biển. Đến trại tỵ nạn Thái Lan bị các thuyền nhân nhận diện, nện một trận thừa sống thiếu chết thế nhưng Luân vẫn không hối hận: trong thơ gởi cho Huỳnh Kim Báu, Chủ tịch Hội trí thức yêu nước TPHCM, Luân khẳng định chọn lựa ra đi của mình là đúng đắn.
Và cái tổ chức trên, “Hội trí thức yêu nước”, nơi quy tập những kẻ như thế sau tháng Tư năm 1975. Đó là một tổ chức bất chính danh mà, đầu tiên, bất chính ngay ở danh xưng “trí thức”. Có thể đó là nơi quy tập những nhà khoa bảng uyên bác, những chuyên môn cực giỏi nhưng chưa hẳn là trí thức. Đã để những tên bần cố nông học chưa qua hết bậc tiểu học xỏ mũi mình bao nhiêu năm, có khi đến nửa đời người, những kẻ chữ nghĩa và kiến thức đầy người này đã cho thấy họ đã thiếu cả phần “trí” lẫn phần “thức”.
Sinh thời, trong một cuộc phỏng vấn, nhà văn Nguyễn Mộng Giác – cùng thời với Hoàng Phủ Ngọc Tường – cho biết thời sinh viên ông không bao giờ tham gia các cuộc biểu tình vì hiểu rõ bản chất của phía bên kia. Thời nhỏ, còn học tiểu học tại vùng kháng chiến ở Bình Định, Nguyễn Mộng Giác đã chứng kiến cảnh một bạn học của mình, mới học lớp 5 thôi nhưng do gia đình bị phân loại phú nông, đã bị buộc đứng trước lớp vừa khóc vừa tự đấu tố mình theo lời mồi chài, “thú nhận” là đã từng có ý định hãm hiếp cô tá điền giúp việc!
Nếu đó chỉ là kinh nghiệm riêng của một nhà văn mà ít ai có được thì, như là những bậc trí thức, họ không dễ bị lừa như thế về mặt trí tuệ. Để là trí thức thì, ít nhất, họ cũng phải qua bậc đại học. Mà, theo đúng tinh thần giáo dục thì bất cứ ai đã thực sự bước qua bậc này đều phải trang bị cho mình năng lực tự học, tự nghiên cứu và tinh thần phê phán mà người Anh gọi là critical thinking. Sống ở Paris mà lẽ nào một người như Trương Như Tảng không hề biết gì về André Gide (1869 -1951), tên tuổi đã gây chấn động dư luận giới trí thức Pháp về vấn đề theo hay không theo cộng sản? Gide là nhà văn mà độc giả Việt Nam trước 1975 đã làm quen qua bản dịch Khung cửa hẹp của Bùi Giáng và Bọn làm bạc giả của Bửu Ý, đã đoạt giải Nobel Văn chương 1947, qua đời năm 1951, cái năm ông Tảng tốt nghiệp cao học chính trị tại Pháp.
Từ đầu thập niên 1930 Gide đã tin theo chủ nghĩa cộng sản và năm 1936 được Liên Xô mời sang dự đám tang Maxim Gorky, được tổ chức “tham quan” vòng quanh đất nước. Nhưng chuyến đi đã thực sự mở mắt, cho Gide cơ hội khám phá rằng nàng Thúy Kiều tưởng vọng từ xa thực chất chỉ là Thị Nở. Sau chuyến đi Gide trở về Pháp và lập tức xuất bản hồi ký Trở về từ Liên Xô (Retour de L’U.R.S.S) làm rúng động giới thiên tả Pháp khi nhận xét rằng cuộc sống tại đây còn ngột ngạt hơn cả ở nước Đức của Hitler.
Đã có bao nhiêu tác phẩm viết về sự thật phía sau bức màn sắt ở Nga như thế? Và đã có bao nhiêu tài liệu về sự thật sau bức màn bịt bùng ở Hà Nội như thế? Không có kinh nghiệm cá nhân như Nguyễn Mộng Giác thì, chắn chắn, một người “trí thức” đủ năng lực nghiên cứu và phê phán không thể nào dễ dàng để những tên bần cố nông đứng trong bức màn đó bịt mắt rồi giật dây, xỏ mũi!
Và “yêu nước”. Một nông dân ít học có thể yêu nước vì cảm tính nên, do đó, dễ bị bọn mỵ dân xỏ mũi nhưng một bậc trí thức thì không thể “yêu nước” bằng cảm tính, và hoàn toàn không thể dễ dàng tiếp tay cho việc mang dân tộc mình ra làm con chuột bạch cho một thí nghiệm ý thức hệ.
Chấp nhận bài ca dao trên là của Đào Duy Tư hay, ít ra, liên quan đến Đào Duy Từ thì, ngày xưa, trên đất Bắc, Trịnh Tráng bị xem là “trèo bưởi” bởi đã lỡ làng, để mất một nhân tài như Đào Duy Từ và đã làm đủ mọi cách để chiêu hồi nhưng thất bại. Còn giới khoa bảng thiên tả ấy thì đã làm đủ trò ăn vạ để cái nền dân chủ non trẻ từng trọng dụng mình thất bại để rồi, sau cái ngày mơ ước tháng Tư đó, lại bộc lộ sự tiếc nuối khi nhận ra thân phận cá chậu chim lồng “biết thuở nào ra” của mình.
Nhưng nếu Đào Duy Từ có ví von như thế thì, bất chấp những hứa hẹn và mời mọc của Trịnh Tráng, đã đem hết tài năng ra phụng sự cho vị Chúa biết trọng dụng mình. Còn những khoa bảng ngụy hòa và thiên tả trên đất nước chúng ta thì, qua những thí dụ kể trên, dẫu đã dốc lòng để mang cái thể chế ấy về, vẫn bị thể chế ấy xem là một thứ giẻ rách bởi đã hết hiệu lực lợi dụng.
Nguyễn Hoàng Văn
https://diendantheky.net/nguyen-hoang-van-thang-tu-chi-pheo-treo-len-cay-buoi/
Không có nhận xét nào