Chuyện "ăng-ten" trong trại cải tạo
Kỳ 9
21/4/2024
" - Cuối cùng, nếu đối tượng vẫn bền lòng chặt dạ với “sự nghiệp ăng-ten” thì anh em áp dụng biện pháp tối hậu không thơm tho chút nào. Giữa đêm, họ dùng một gáo đựng phân ướt giội lên nóc mùng đối tượng. Sáng ra, chàng mang hết mùng mền, gối ra giặt ở giếng nước trước con mắt rẻ rúng của mọi người.
Nhờ thái độ quyết liệt và dứt khoát đó mà về sau, hầu như không còn phải áp dụng bước 3 nữa và hiện tượng ăng-ten gần như không còn tồn tại trong thành phần các anh em tù từng là sĩ quan cấp úy ở trại Xuyên Mộc".
(…hồi ức này chỉ là sự nhắc nhở lại những kỷ niệm vui buồn của một phận người sau khi cuộc chiến kết thúc, nó không được sử dụng vào những mục tiêu chính trị và không nhằm nói lên những quan điểm cực đoan trước một quá khứ đã lùi sâu nửa thế kỷ. Tất nhiên, người viết cũng mong mỏi người đọc với một tâm thế như vậy, bình tâm và không cực đoan trong các bình luận của mình…)
KỲ 9) CHUYỆN “ĂNG-TEN” TRONG TRẠI CẢI TẠO
Vào giữa thập niên 1960, trong quân lực VNCH, ngành truyền tin thường sử dụng các máy ANPRC 5, ANPRC 10 để liên lạc trong phạm vi đại đội. Chiếc PRC10 hình khối chữ nhật, gọn gàng, khi hành quân, người lính truyền tin mang trên lưng, khi dừng quân liên lạc với tiền phương hay hậu cứ, họ nhẹ nhàng đặt máy xuống, kéo chiếc cần ăng-ten (antenne) mỏng như lá lúa lên cao rồi bắt đầu gọi đi.
Như vậy, trong thiết bị của ngành truyền tin, chiếc cần ăng-ten giữ một vai trò quan trọng, đẩy tín hiệu mạnh lên, giúp kết nối dễ dàng giữa các vị trí khác nhau trên trận địa.
Song trước và sau năm 1975, hai từ ăng-ten còn có một nghĩa khác, không chỉ áp dụng cho thiết bị, mà cho cả con người. Đặc biệt từ tháng 6.1975, khi các trại cải tạo mọc lên như nấm thì hai chữ ăng-ten đã có một chỗ đứng vững vàng trong kho ngôn ngữ đời thường lúc ấy. Nó dùng để chỉ những người tự nguyện hay bị ép buộc phải làm kẻ chỉ điểm cho cán bộ trại giam về mọi vấn đề mà họ cần biết.
Còn nhớ người Pháp có câu nói cho rằng nghề “bán hoa” là cái nghề xưa nhất trái đất (le métier le plus vieux du monde), tương tự như thế, cũng có thể nói nghề ăng-ten là một trong những nghề xưa nhất trong đời sống lao tù. Chả thế mà mới chưa đầy một tháng sau khi nhập trại Long Thành, các học viên đã được phổ biến một thông cáo nêu rõ tên những người được xe của trại chở về Sài Gòn để ... chữa răng.
Mọi việc diễn ra trót lọt và không ai nghi ngờ gì về mục đích của chuyến đi chữa răng đó.
Mãi đến hơn một năm sau, một người trong cuộc mới chịu tiết lộ với mấy người bạn thân là chuyến xe đi “chữa răng” đó đã chở các anh về hướng Sài Gòn, thả các anh xuống ở ngả tư Hàng Xanh để các anh về thăm gia đình, và buổi chiều, các anh có mặt ở Hàng Xanh trước 4 giờ để được đưa trở lại trại Long Thành.
Như vậy, ngay trong những ngày đầu tiên của trại Long Thành, đã có một thỏa hiệp ngầm giữa các cán bộ điều hành trại và những người tự nguyện làm ăng-ten. Đại khái họ sẽ làm tai mắt cho cán bộ, ghi nhận những sự kiện đáng lưu ý trong đời sống học viên, đổi lại, họ sẽ được hưởng một số ưu đãi, mà chuyện đi chữa răng là một ví dụ.
Suy nghĩ của những người tự nguyện làm ăng-ten trong môi trường HTCT còn đi xa hơn, họ hi vọng ở một ngày về sớm sủa do những đóng góp dưới hình thức “lập công chuộc tội” của họ. Kết quả của những niềm mơ ước đó như thế nào, xin chờ câu trả lời trong bài sau, về những cuộc chuyển trại có kèm theo ... bao bố.
Ở trại cải tạo, còn có một thành phần không phải là ăng-ten chuyên nghiệp, song cương vị của họ buộc họ phải có ít nhiều việc làm dành cho giới ăng-ten. Đó là các nhà trưởng, đội trưởng, tổ trưởng. Họ phải thường xuyên tiếp xúc với cán bộ điều hành, và tất nhiên là phải báo cáo toàn bộ những gì liên quan đến đơn vị mà họ phụ trách, ví dụ như: anh em có nhiệt tình lao động không, có anh nào nói xấu cách mạng không, có anh nào dự tính trốn trại không .. vv & vv...
Về thực chất việc làm của giới tổ trưởng, đội trưởng và nhà trưởng, khó đánh giá một cách chính xác, song cũng không phải là không đánh giá được. Cứ nhìn thái độ, cách hành xử của cán bộ điều hành đối với tập thể hay một số cá nhân là có thể đoán ra sự việc. Người có tâm sẽ tìm cách luồn lách, che chở cho các bạn đồng cảnh ngộ, báo cáo cách nào đó để không bị quy là báo cáo láo, nhưng vẫn không để cho bạn tù bị trù dập. Trái lại, kẻ mưu cầu lợi ích riêng tư thì lại tìm cách mua lòng cán bộ bằng việc vẽ vời chuyện nọ, chuyện kia, ít xít ra nhiều. Đó là chưa kể chuyện họ có thể dùng cương vị của mình để giải quyết những mâu thuẫn cá nhân nữa.
Trường hợp của nhà văn Duyên Anh (Vũ Mộng Long) là một vấn đề đáng suy nghĩ. Khi tôi và hơn 150 bạn tù còn lại ở trại Long Thành được đưa hết lên trại Xuyên Mộc vào những tháng cuối năm 1979 thì Duyên Anh đang là đội trưởng đội rau xanh số 17 kiêm nhà trưởng nhà 2, sát cạnh nhà 1 là nơi chúng tôi vào ở.
Còn nhớ, cứ vào mỗi buổi chiều, khi tiếng kẻng trại vang lên, báo hiệu cho mọi người ra ngồi hết ngoài sân cạnh nhà để cán bộ tới điểm số rồi lùa hết vào buồng, khóa cửa lại, nhà trưởng Duyên Anh là người rất năng nổ, anh chạy ra chạy vào thét lác anh em nhanh chóng tập họp, nhiều người chỉ trích anh về cách hành xử nóng nảy, cốt để lấy lòng cán bộ.
Không sống chung nhà với Duyên Anh, mình chỉ thấy có thế. Song, khi mình vừa đặt chân lên Xuyên Mộc, thì cũng vừa có tin một người trong đội của Duyên Anh là nhà văn Nguyễn Mạnh Côn đã bị biệt giam cách đó mấy ngày. Anh em ở nhà 2 kể lại rằng khi vừa hết hạn cải tạo 3 năm, ông Côn đứng lên đề nghị trại cư xử với ông như một công dân, vì ông đã hết hạn tù. Yêu cầu này được nhiều anh em tù hiện hành (tù bị bắt do chống phá chính quyền sau tháng 4.1975) hoan hô rầm rộ, và thế là ông Côn bị khép tội vào xách động, bị biệt giam, bị tước bỏ cả quyền được thăm nuôi.
Mấy ngày sau, người nhà ông Côn lên thăm nuôi bị đuổi về, điều kiện khắc nghiệt của phòng biệt giam, kèm với sức khỏe sa sút khiến chỉ qua một thời gian ngắn sau khi được trả về phòng, ông Côn qua đời. Và người ta kết nối việc ông Côn bị biệt giam, cái chết của ông, với trách nhiệm đội trưởng, nhà trưởng của Duyên Anh!
Mình cho rằng những gì Duyên Anh đã làm với tư cách đội trưởng, nhà trưởng ở trại Xuyên Mộc, và cái chết của nhà văn Nguyễn Mạnh Côn, đã góp phần không nhỏ vào những gì xảy đến cho anh tại Pháp và Mỹ, sau khi anh được trả tự do và đi ra nước ngoài.
Một câu hỏi được đặt ra là thái độ của anh em bạn tù đối với người làm ăng-ten như thế nào?
Vào những năm chúng tôi còn ở Long Thành (1975-1979), trại đặt ra lệ bình bầu cuối mỗi tháng, theo đó, mỗi đội họp, bầu ra 3 thành phần trại viên:
1) Người lao động xuất sắc
2) Người lao động trung bình
3) Người lao động yếu kém
Thành phần 1 và 3 chỉ lèo tèo vài ba người cho có tụ, thành phần 2 chiếm đại đa số. Bầu vào thành phần xuất sắc khá dễ, anh nào cuốc đất đạt năng suất cao dễ nhận ra, dễ bầu bán. Khó nhất là bầu thành phần 3, dễ gây tranh cãi, dẫn đến oán hận ngấm ngầm. Cách ổn hơn cả để bầu vào thành phần này là mấy anh ... ăng-ten! Họ bị nhận diện bởi hầu hết anh em trong đội, không có gì oan sai hết. Và họ cũng nhận chịu mà không oán thán gì.
Chuyện bình bầu không chỉ có danh hiệu suông. Với tiêu chuẩn mỗi người tù 13 ký lương thực/tháng (bo bo, sắn lát hay bắp khô, riêng cơm thì mỗi tuần 1 chén), kẻ được bầu xuất sắc được hưởng 15 kg/tháng, bù vào đó, kẻ yếu kém bị giảm xuống còn 11 kg/tháng.
Ở thành phần tù hình sự và hiện hành, chuyện 15 hay 11 kg lương thực mang đến nhiều hậu quả khôn lường. Họ tranh nhau, dùng mọi thủ đoạn để hạ nhau hòng kiếm thêm chút lương thực mỗi ngày. Nguyên nhân là do đa số họ thuộc thành phần “mồ côi”, không được thăm nuôi, cuộc sống hàng ngày trông cậy vào từng chén sắn lát, bắp ngô.
Thành phần tù chính trị thoải mái hơn, nhân văn hơn, dù gì nát giỏ vẫn còn tre. Đến buổi chia lương thực, người xuất sắc có khẩu phần 15 kg lãnh xong thì mang lại anh 11 kg, sớt chia lại cho cân bằng.
Năm 1979, khi các tù chính trị dân sự (công chức, dân biểu, nghị sĩ, thẩm phán) được đưa hết từ trại Long Thành lên trại Xuyên Mộc, chúng tôi sống chung trại với thành phần tù quân sự cấp úy (thiếu úy - đại úy), những người trình diện HTCT “mang theo tiền và vật dụng đủ dùng trong 10 ngày”. Xét về mặt tuổi tác thì đa số họ trẻ hơn chúng tôi, song họ đã gián tiếp “dạy” chúng tôi về cách đối phó với thành phần ăng-ten trong trại một cách không khoan nhượng, dứt khoát và theo một “quy trình” rõ rệt.
Kế hoạch đối phó với ăng-ten của các bạn tù sĩ quan cấp úy có 3 bước như sau:
- Bước 1 là bước cảnh cáo, khá nhẹ nhàng: ban đêm, khi đèn trong buồng tắt tối om, mọi người ngủ cả, họ lén lấy đôi dép của “đối tượng” bỏ vào hồ nước trong buồng toa-lét ở cuối dãy nhà.
- Nếu bước1 không có hiệu quả, họ tiến hành bước 2 là ... trấn nước. Cuối buổi lao động, hàng mấy trăm người chen chúc tắm ở một khúc sông Ray, năm bảy anh em kéo đối tượng ra giữa dòng, ấn đầu xuống cho ngộp nước. Tù đông nghịt, từ trên nổng cao xa mấy mươi mét, cán bộ bảo vệ có nhìn thấy cũng chỉ nghĩ là bạn tù đùa giỡn với nhau thôi.
- Cuối cùng, nếu đối tượng vẫn bền lòng chặt dạ với “sự nghiệp ăng-ten” thì anh em áp dụng biện pháp tối hậu không thơm tho chút nào. Giữa đêm, họ dùng một gáo đựng phân ướt giội lên nóc mùng đối tượng. Sáng ra, chàng mang hết mùng mền, gối ra giặt ở giếng nước trước con mắt rẻ rúng của mọi người.
Nhờ thái độ quyết liệt và dứt khoát đó mà về sau, hầu như không còn phải áp dụng bước 3 nữa và hiện tượng ăng-ten gần như không còn tồn tại trong thành phần các anh em tù từng là sĩ quan cấp úy ở trại Xuyên Mộc.
Lê Nguyễn
21.4.2024
https://www.facebook.com/lenguyenpd
Không có nhận xét nào