Header Ads

  • Breaking News

    Hội thảo tại Thượng đỉnh Dân Chủ ...

      Alliance for Vietnam’s Democracy

    Hội thảo tại Thượng đỉnh Dân Chủ về việc thành lập quy chế báo cáo viên đặc biệt Liên Hiệp Quốc về Dân Chủ

    03/4/2024

    website

    video

    KHAI MẠC

    Thưa quý vị, quý quan khách, tôi là điều phối viên của Liên Minh Vì Dân Chủ Cho Việt Nam. Tôi xin chào mừng các bạn đến với sự kiện xã hội dân sự này trong Hội Nghị Thượng Đỉnh Dân Chủ lần thứ ba để bàn về sáng kiến thành lập Báo Cáo Viên Đặc Biệt của Liên Hiệp Quốc về Dân Chủ. Sự kiện này được tổ chức bởi tổ chức Dân Chủ Không Biên Giới và họ đã đề nghị tôi làm người điều hành.

    Freedom House và Viện V-Dem gần đây đã công bố báo cáo của họ về tình trạng tự do và dân chủ trên thế giới. Báo Cáo Tự Do Trên Thế Giới 2024 có thể được tóm tắt trong một câu: “Tự do toàn cầu suy giảm trong 18 năm liên tiếp vào năm 2023”. Báo Cáo Dân Chủ của V-Dem nêu rõ rằng chỉ số dân chủ đã suy giảm ở 42 quốc gia vào năm 2023. Hơn 70 quốc gia sẽ tổ chức bầu cử vào năm 2024. Trong một năm quan trọng như năm nay, nhu cầu tái khẳng định cam kết của chúng ta đối với dân chủ và các giá trị căn bản của nó là vô cùng cấp bách.

    Trong bối cảnh nền dân chủ đang bị đe dọa và bị tấn công cũng như chủ nghĩa độc tài đang gia tăng, hôm nay chúng ta có mặt ở đây để thảo luận về một đề xuất mà nhiều người tin rằng có thể giúp bảo vệ và củng cố nền dân chủ, cụ thể là đề xuất thành lập quy chế Báo Cáo Viên Đặc Biệt của Liên Hiệp Quốc về Dân Chủ. Đề xuất này đã nhận được nhiều sự ủng hộ của xã hội dân sự quốc tế. Một tuyên bố quốc tế được công bố vào tháng 11 năm ngoái cho đến nay đã được hơn 150 tổ chức, mạng lưới, và viện nghiên cứu cũng như hơn 400 cá nhân từ khắp nơi trên thế giới đồng ký. Tuyên bố được đưa ra nhân dịp kỷ niệm 75 năm Tuyên Ngôn Quốc Tế Nhân Quyền vào ngày 10 tháng 12 năm 2023.

    Sự kiện của chúng ta hôm nay là một cơ hội để thảo luận về việc thúc đẩy dân chủ của Liên Hiệp Quốc, vai trò của một Báo Cáo Viên Đặc Biệt của Liên Hiệp Quốc về Dân Chủ, cũng như cách thực hiện, trên phương diện kỹ thuật và chính trị.

    Để làm nền tảng cho sự thảo luận, các Báo Cáo Viên Đặc Biệt của Liên Hiệp Quốc hoặc các Chuyên Gia Độc Lập là một phần của cái gọi là Thủ tục Đặc biệt của Hội Đồng Nhân Quyền Liên Hiệp Quốc tại Geneva. Họ được bổ nhiệm để điều tra, giám sát và báo cáo về các vấn đề nhân quyền cụ thể hoặc tình hình quốc gia. Báo Cáo Viên Đặc Biệt đóng vai trò quan trọng trong việc thúc đẩy và bảo vệ nhân quyền trên toàn cầu bằng cách thực hiện các chuyến thăm quốc gia, làm việc với các chính phủ và các bên liên quan, đồng thời gửi báo cáo kèm theo các khuyến nghị cho Hội Đồng Nhân Quyền.

    Trên ý nghĩa này, việc thành lập một Báo Cáo Viên Đặc Biệt của Liên Hiệp Quốc về Dân Chủ mang lại cơ hội duy nhất để thúc đẩy cuộc đối thoại toàn cầu về quản trị dân chủ và nhân quyền. Hoạt động tương tự như các nhiệm vụ khác, nó sẽ cung cấp phân tích về thể chế và cấu trúc về tình trạng của các quyền dân chủ, đưa ra các đề xuất cải tiến và xác định các phương pháp hay nhất với sự trợ giúp của ban cố vấn, phối hợp chặt chẽ với các báo cáo viên khác và dựa trên ý kiến đóng góp khoáng đại từ người dân, các nhóm xã hội dân sự và các bên liên quan.

    Bắt tay vào cuộc thảo luận quan trọng ngày hôm nay, chúng ta hãy khám phá những lợi ích và thách thức tiềm tàng của việc thành lập một Báo Cáo Viên Đặc Biệt của Liên Hiệp Quốc về Dân Chủ, đồng thời tái khẳng định cam kết chung của chúng ta trong việc bảo vệ và thúc đẩy các giá trị và nguyên tắc dân chủ trên toàn thế giới, bao gồm cả thông qua Liên Hiệp Quốc.

     

    DIỄN GIẢ

    Hong, Yoo-Jung, Điều Phối Viên, Phòng Quan Hệ Quốc Tế, Quỹ Tưởng Niệm 18 Tháng 5, Nam Hàn.

    Thomas Garrett, Tổng Thư Ký, Community of Democracies.

    Ra đời như một sáng kiến chung của cựu Ngoại trưởng Hoa Kỳ Madeleine Albright và Ngoại trưởng Ba Lan Bronisław Geremek, Community of Democracies được thành lập tại Hội Nghị Bộ Trưởng tổ chức tại Warsaw, Ba Lan, nơi các phái đoàn cao cấp từ 106 quốc gia đã thông qua Tuyên Bố Warsaw Hướng tới một cộng đồng của các nền dân chủ. Tuyên bố Warsaw nêu ra 19 nguyên tắc để thiết lập và vận hành hiệu quả một nền dân chủ. Community of Democracies gồm có 30 Quốc Gia Thành Viên trong Hội Đồng Quản Trị.

    Annika Silva-Leander, Đại diện Liên Hiệp Quốc tại New York, International IDEA

    IDEA Quốc tế là một tổ chức liên chính phủ, được thành lập vào năm 1995 với nhiệm vụ hỗ trợ nền dân chủ bền vững trên toàn thế giới. Hoạt động tại hơn 60 quốc gia, IDEA Quốc tế có 35 Quốc Gia Thành Viên trong Hội Đồng Điều Hành.

    Ichal Supriadi, Tổng Thư Ký, Asia Democracy Network

    Asia Democracy Network bao gồm các mạng lưới đa dạng trong khu vực Á Châu và các tổ chức quốc gia chuyên về các chủ đề và vấn đề khác nhau ở Á Châu, tất cả đều nhằm mục đích thúc đẩy và bảo vệ nền dân chủ trong khu vực.

    Kourtney Pompi, Giám Đốc Cao Cấp, Lĩnh Vực Thực Hành Quản Trị, Counterpart International

     

    BẾ MẠC

    Điều 21 của Tuyên Ngôn Quốc Tế Nhân Quyền tuyên bố ủng hộ dân chủ:

    1. Mọi người đều có quyền tham chính tại nước sở tại, trực tiếp hoặc thông qua các đại diện được tự do lựa chọn.

    2. Mọi người đều có quyền tiếp cận bình đẳng với những dịch vụ công cộng ở nước sở tại.

    3. Ý chí của nhân dân là cơ sở quyền lực của quốc gia; ý chí này chỉ được thể hiện qua các cuộc bầu cử định kỳ và trung thực, dựa trên nguyên tắc phổ thông đầu phiếu và bình đẳng và được tổ chức bằng bỏ phiếu kín hoặc bằng các thủ tục bỏ phiếu tự do tương đương.

    Công Ước Quốc Tế về Các Quyền Dân Sự và Chính Trị bao gồm ngôn ngữ tương tự như vậy trong Điều Khoản 25. Bất chấp các thể chế cạnh tranh khác, dân chủ vẫn là sự bảo đảm tốt nhất cho nhân quyền và tự do cá nhân. Chúng tôi hy vọng rằng sự kiện này đã nâng cao nhận thức về sự cần thiết của quy chế Báo Cáo Viên Đặc Biệt của Liên Hiệp Quốc về Dân Chủ (UNRoD) và thúc đẩy mạng lưới hợp tác giữa những xã hội dân sự, những viên chức chính phủ và các bên liên quan để hỗ trợ sáng kiến này.

    Hy vọng rằng sự vận động cho UNRoD đã được tạo động lực và hỗ trợ và chúng ta có thể có các chính phủ và xã hội dân sự đứng đằng sau chiến dịch này. Có thể sự kiện này sẽ cung cấp cho các đối tác của chiến dịch những khuyến nghị chiến lược và các bước cụ thể tiếp theo để thúc đẩy chiến dịch UNRoD.

    Tôi muốn cảm ơn các tham luận viên qua cuộc thảo luận thông thái và hiệu quả này. Thay mặt cho tất cả các đối tác cùng thực hiện chiến dịch này và những người ký tên ủng hộ chiến dịch này, tôi xin cảm ơn quan khách tham dự và xin yêu cầu sự giúp đỡ của quý vị để tiến hành chiến dịch này. 

     

    KÊU GỌI

    Alliance for Vietnam’s Democracy đã tán thành và đồng ký lời kêu gọi này, với bản dịch tiếng Việt dưới đây. Chúng tôi xin thay mặt các tổ chức bạn trong Liên Minh Dân Chủ Toàn Cầu để chia sẻ lời kêu gọi này và mong quý vị và quý tổ chức có thể tham khảo và đồng ký ở đây: https://www.democracywithoutborders.org/unrod-call/

    Các báo cáo toàn cầu về tình trạng dân chủ và nhân quyền cho thấy nền dân chủ đang bị đe dọa và chủ nghĩa độc tài đang gia tăng. Không gian dân sự và các quyền tự do càng bị hạn chế gay gắt hơn ở nhiều quốc gia. Bên cạnh đó, sự thụt lùi của nền dân chủ hay sự suy giảm chất lượng dân chủ đang xảy ra ở các nền dân chủ mới cũng như lâu đời ở khắp các khu vực.

    Trước tình hình này, Liên Hiệp Quốc cần phải nổ lực hơn nữa để tăng cường nhân quyền và dân chủ. Do đó, các tổ chức và cá nhân ký tên dưới đây kêu gọi Hội Đồng Nhân Quyền của Liên Hiệp Quốc thành lập một chức vụ mới: một Báo Cáo Viên Đặc Biệt của Liên Hiệp Quốc về Dân Chủ (UNRoD).

    Bảo vệ nhân quyền là một trụ cột căn bản của Liên Hiệp Quốc và dân chủ là một trong những giá trị cốt lõi của tổ chức này. Lời mở đầu của Hiến chương Liên Hiệp Quốc, “Chúng tôi những người dân,” hàm ý ủng hộ dân chủ. Nó nhấn mạnh cái nguyên tắc dân chủ then chốt là quyền lực công phải xuất phát từ ý chí của người dân.

    Một xã hội dân chủ mang lại những điều kiện tối ưu để bảo đảm nhân quyền cho tất cả mọi người, đặc biệt cho là các nhóm thiểu số và các nhóm bị bỏ rơi. Đồng thời, thực hiện đầy đủ quyền con người là nền tảng của một xã hội dân chủ. Liên Hiệp Quốc cần thừa nhận mối liên hệ giữa dân chủ và nhân quyền và giúp tăng cường hơn nữa nền dân chủ. Một Báo Cáo Viên Đặc Biệt của Liên Hiệp Quốc về Dân Chủ sẽ đóng vai trò này.

    Nhiệm vụ mới sẽ dựa trên và được hướng dẫn bởi các nguyên tắc mà Liên Hiệp Quốc đã quy định trong các nghị quyết và văn kiện trước đây và hiện tại, bao gồm Tuyên ngôn Quốc tế về Nhân quyền năm 1948, Công ước Quốc tế về các Quyền Dân sự và Chính trị năm 1966 và Tuyên bố Vienna của Hội nghị Thế giới về Nhân quyền năm 1993. 

    Báo Cáo Viên sẽ được giao nhiệm vụ điều tra tình trạng dân chủ trên toàn thế giới từ góc độ rộng hơn, đi xa hơn, bổ sung và liên kết các phân tích và dữ liệu về các vấn đề cụ thể đang được điều tra bởi các báo cáo viên hiện có do Hội Đồng Nhân Quyền thiết lập để giải quyết các quyền dân chủ như như quyền tự do quan điểm và biểu đạt; quyền hội họp và hiệp hội hòa bình; tính độc lập của thẩm phán và luật sư; tự do tôn giáo hay tín ngưỡng; vấn đề thiểu số; cũng như của những người bảo vệ nhân quyền.

    UNRoD sẽ xem xét những thách thức và cơ hội liên quan đến việc thực hiện dân chủ. Điều này bao gồm nhưng không giới hạn ở các thỏa thuận về hiến pháp và thể chế như kiểm tra và cân bằng; hiệu quả của nghị viện; môi trường bầu cử và sự bầu cử tự do, công bằng và có cạnh tranh; sự tham gia chính trị bao gồm cho cả người thiểu số và phụ nữ; những cơ chế trực tiếp và có chủ ý; cũng như không gian dân sự và các quyền tự do.

    Báo Cáo Viên, được hỗ trợ bởi một ban cố vấn độc lập, sẽ thu thập, quản lý và đánh giá thông tin, dữ liệu và bằng chứng cũng như tiến hành và đánh giá các nghiên cứu. Người được ủy quyền sẽ tham gia, nếu phù hợp, với các Quốc gia Thành viên, các Báo Cáo Viên khác, các bên liên quan và công chúng. Đặc biệt, Báo Cáo Viên sẽ ghi nhận ý kiến đóng góp từ người dân và các nhóm xã hội dân sự, thừa nhận vai trò quan trọng của xã hội dân sự trong việc củng cố và bảo vệ nền dân chủ. Báo Cáo Viên sẽ chia sẻ những quan sát về những thiếu sót cũng như những thực tiễn tốt nhất và đưa ra các khuyến nghị để cải thiện, từ đó phục vụ chức năng quan trọng là giám sát, cùng nhiều chức năng khác.

    Nhân kỷ niệm 75 năm Tuyên ngôn Quốc tế Nhân quyền và kỷ niệm 30 năm Tuyên bố Vienna, chúng tôi kêu gọi tất cả các chính phủ dân chủ ủng hộ việc thành lập nhiệm vụ mới này dưới sự bảo trợ của Hội đồng Nhân quyền. Chúng tôi kêu gọi các tổ chức, nhà hoạch định chính sách và cá nhân có cùng chí hướng tham gia vào hoạt động của chúng tôi và tán thành lời kêu gọi này.

    https://youtu.be/xBMLej4QAP0?si=tbZC9EngKxQvSJw_

    Preview YouTube video Strengthening Democracy With a UN Special Rapporteur on Democracy

    https://i.ytimg.com/vi/xBMLej4QAP0/mqdefault.jpg

    https://ssl.gstatic.com/docs/doclist/images/mediatype/icon_2_youtube_x16.png





    Không có nhận xét nào