Quê Hương tổng hợp
An Giang cấm Phật giáo Hoà Hảo Thuần tuý tưởng niệm ngày mất của Đức Huỳnh Giáo chủ
RFA
03/4/2024
Băng rôn ở nhà riêng của ông Hà Văn Duy Hồ (trái) và bài vị thờ Đức Huỳnh Giáo chủ
Fb Hà Văn Duy Hồ
An Giang cấm Phật giáo Hoà Hảo Thuần tuý tưởng niệm ngày mất của Đức Huỳnh Giáo chủ
Chính quyền huyện Chợ Mới (tỉnh An Giang) không cho các tín đồ Phật giáo Hoà Hảo thuần tuý (PGHHTT) tưởng niệm 77 năm ngày mất của Đức Giáo chủ Huỳnh Phú Sổ (25/2 âm lịch, tức ngày 03/4 năm nay), nói rằng ngày lễ này không có trong tôn giáo này.
Ông Hà Văn Duy Hồ, hội trưởng PGHHTT tỉnh An Giang cho biết công an đã phong toả khu vực có trụ sở tạm thời của Ban Trị sự Trung ương Giáo hội tại xã Long Giang, không cho các tín đồ dựng lễ đài và tổ chức lễ kỷ niệm tại đây.
Từ ngày ngày 01/4, chính quyền lập chốt chặn hai đầu không cho ai qua lại khu vực này. Bản thân ông Duy Hồ cũng bị giam lỏng tại gia từ ngày 18/3 tới nay. Ông nói qua điện thoại với Đài Á Châu Tự Do (RFA):
“Ngày 25/2 (âm lịch) là ngày lễ của tín đồ Phật giáo Hòa hảo chúng tôi làm lễ kỷ niệm Đức thầy vắng mặt.
Tất cả cán bộ lãnh đạo không cho chúng tôi tổ chức ngày lễ này, nói là trong Hiến chương của Ban trị sự Phật giáo Hòa Hảo quốc doanh không có ngày lễ này, và Nhà nước cũng không cho làm lễ ngày này.”
Đức Giáo chủ Huỳnh Phú Sổ, người sáng lập ra Phật giáo Hoà Hảo, bị cho là sát hại bởi Việt Minh vào ngày 25/2 âm lịch năm 1947, từ đó các tín đồ lấy đó là ngày tưởng niệm vị giáo chủ đi vắng.
Ngày này là một trong ba ngày lễ lớn của Phật Giáo Hòa Hảo, hai ngày còn lại là ngày Đại lễ Đản sanh (tức 25/11 âm lịch- ngày sinh của Đức Giáo chủ) và ngày Khai đạo (18/5 âm lịch- ngày khai sáng Đạo Phật giáo Hòa Hảo).
Ông Hà Văn Duy Hồ nói về hình thức tưởng niệm ngày mất của Đức Giáo chủ trong nhiều năm qua:
“Chúng tôi đặt hương án giữa nhà để cầu nguyện cho quốc thái dân an thiên hạ thái bình, cho Đức Thầy chúng tôi mau được trở về để dìu dắt chúng sanh như tín đồ Phật giáo Hòa Hảo đi vào con đường đạo đức vậy thôi chứ chúng tôi đâu có làm gì ngoài việc đó đâu, mình là người tu hành mà.”
Tuy nhiên, cũng như ngày Đản sanh năm trước, năm nay chính quyền huyện Chợ Mới triệt để cấm tín đồ của PGHHTT tổ chức tưởng niệm ngày Đức Giáo chủ Huỳnh Phú Sổ vắng mặt.
Ông Hà Văn Duy Hồ cho biết chính quyền huyện Chợ Mới không chỉ cấm dựng lễ đài và treo băng rôn với dòng chữ “Giáo hội PGHH Thuần tuý thành kính kỷ niệm đại lễ 25/2 Nhuần Đinh Hợi 1947 ngày Đức Huỳnh giáo chủ PGHH vắng mặt” ở văn phòng của giáo hội mà còn không cho nhiều cá nhân như ông treo băng rôn có nội dung trên ở nhà riêng.
Cách đây 10 ngày, những người lạ mặt lợi dụng đêm tối đã đến nhà ông giựt băng rôn xuống, và sáng ra khi ông treo lại thì công an huyện đến ra lệnh miệng cấm ông treo.
Ông giải thích:
“Mấy năm trước thì người ta cũng có cấm nhưng mà không gắt gao như năm nay. Năm nay ở An Giang là hoàn toàn tê liệt không được một người nào đi đến nhà người nào, ở mấy tỉnh khác anh em cũng có treo cờ và băng-rôn lên.
Nhà nước Việt Nam muốn triệt hai chữ ‘thuần tuý’ cho nó dứt khoát không còn nữa, thành ra năm nay mới đàn áp quá là mạnh mẽ.”
Bị câu lưu và phạt tiền vì đăng bài về PGHH có cờ VNCH
Ông Hà Văn Duy Hồ cho biết ngày 18/3, công an địa phương chặn ông trên đường và đưa về đồn làm việc đến đầu giờ chiều, nội dung làm việc là về bốn bài viết và video mà ông chia sẻ trên mạng xã hội Facebook, ba trong số đó là về Phật giáo Hoà Hảo. Ông kể lại:
“Trước khi bắt tôi vô đồn thì coi tôi như là một tội phạm, lục soát và thu giữ tất cả đồ đạc của tôi và chỉ trả lại khi cho tôi về nhà. Họ lấy điện thoại của tôi và xoá nhiều bài viết (trên Facebook- PV) của tôi.”
Trong buổi làm việc với công an huyện Chợ Mới và công an tỉnh, phía công an nói ông chia sẻ hai video clip trong đó tín đồ Phật giáo Hoà Hảo ở Hoa Kỳ tổ chức hành lễ và trong buổi hành lễ này có sự hiện diện của cờ vàng ba sọc đỏ- lá cờ của Việt Nam Cộng hoà, mà theo công an là “bất hợp pháp.”
Video thứ ba mà ông chia sẻ nói về việc công an tịch thu cây cảnh của một người bán hàng ven đường dịp tết Nguyên đán vừa qua, và công an nói ông phát tán nội dung không đúng sự thật vì công an chỉ dẹp lòng đường để bảo đảm an toàn giao thông.
Bài ông chia sẻ còn lại là bài viết về ngày mất của Đức Huỳnh giáo chủ mà ông thấy hay nên muốn các đồng đạo cùng đọc.
Cuối buổi làm việc, công an lập biên bản và phạt ông 7,5 triệu đồng vì vi phạm Luật An ninh mạng, nhưng có nói sẽ xem xét giảm nhẹ hình phạt nếu ông không tái phạm và không tổ chức lễ tưởng niệm ngày mất của Đức Huỳnh Giáo chủ.
Ông Hà Văn Duy Hồ cho rằng việc ông bị câu lưu và phạt tiền có liên quan đến các hoạt động của Giáo hội PGHHTT vì ông là người chịu trách nhiệm tổ chức các ngày lễ lớn của giáo hội trong nhiều năm qua tại trụ sở của Trung ương Giáo hội.
Phóng viên gọi điện cho công an huyện Chợ Mới và công an tỉnh An Giang để kiểm chứng thông tin ông Hà Văn Duy Hồ cung cấp nhưng không có ai nghe máy.
Giáo hội PGHHTT là một tổ chức tôn giáo độc lập không được nhà nước công nhận, tái phục hoạt năm 1999, đấu tranh đòi tự do tôn giáo,... yêu cầu không được cắt xén các bài giảng của Đức Giáo chủ Huỳnh Phú Sổ, và đòi Nhà nước trả lại tài sản của Giáo hội trong khi Giáo hội PGHH do Nhà nước lập ra năm 1999 và là thành viên của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam- cánh tay nối dài của đảng cầm quyền.
Trong dịp Đản Sanh cuối năm trước, công an Chợ Mới cũng cấm các tín đồ dựng lễ đài và tụ tập ở trụ sở tạm thời của Trung ương Giáo hội. Trong khi đó, giáo hội quốc doanh được phép tổ chức lễ này rất long trọng.
https://www.rfa.org/vietnamese/news/vietnamnews/authorities-in-an-giang-forbid-followers-of-hoa-hao-buddhist-remark-death-anniversary-of-its-founder-04032024054406.html
Tổng công ty Dầu Việt Nam bị tấn công mạng bằng mã độc
03/4/2024
Một trạm xăng của hệ thống PVOIL.
Hôm 2/4, Tổng công ty Dầu Việt Nam (PVOIL) loan báo rằng hệ thống công nghệ thông tin của họ bị tấn công có chủ đích theo hình thức mã hóa dữ liệu (ransomware) làm dừng hoạt động website, email, ứng dụng thanh toán và hóa đơn điện tử.
Vụ tấn công xảy ra vào lúc 0h ngày 2/4, “khiến hệ thống công nghệ thông tin của PVOIL bị ngưng trệ”, công ty cho biết trong một thông báo cùng ngày. “PVOIL đã phối hợp với Bộ Công an xử lý theo pháp luật và có văn bản báo cáo các cơ quan chức năng nhằm duy trì hoạt động sản xuất, kinh doanh cũng như khắc phục sự cố trên trong thời gian sớm nhất”.
Thông báo cho hay trong thời gian khắc phục sự cố, PVOIL và các đơn vị thành viên vẫn duy trì phục vụ bán hàng cho các khách hàng. Tuy nhiên, họ không thể phát hành được hóa đơn điện tử, phiếu xuất kho kiêm vận chuyển nội bộ.
Tối ngày 2/4, Tổng cục Thuế ra thông báo rằng hệ thống PVOIL bị tấn công và đã gây ra sự cố ngừng hoạt động toàn hệ thống PVOIL, trong đó có hệ thống hóa đơn điện tử, theo trang VietnamNet. Tổng cục Thuế nói rằng họ “đã tạm thời đóng cổng kết nối trực tiếp” với PVOIL và “sẽ mở lại khi hệ thống PVOIL đã được khắc phục”.
PVOIL, một trong 34 doanh nghiệp đầu mối xăng dầu độc quyền nhập khẩu xăng dầu tại Việt Nam, chiếm 17% thị phần cả nước, theo trang VNExpress.
Gần đây, một số hệ thống thông tin của cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp tại Việt Nam bị sự cố tấn công mạng gây gián đoạn hoạt động và thiệt hại về vật chất cũng như hình ảnh của họ, khiến Cục An toàn thông tin (ATTT) của đất nước ra cảnh báo về công tác rà soát và triển khai bảo đảm an toàn thông tin mạng cho các hệ thống thông tin.
Truyền thông Việt Nam cho biết tính từ đầu năm 2023 đến nay, đã có hơn 13.750 cuộc tấn công mạng vào các hệ thống thông tin tại Việt Nam. Trong đó, tính riêng 3 tháng đầu năm nay, số sự cố tấn công mạng vào các hệ thống thông tin tại Việt Nam là 2.323 vụ.
Hôm 24/3, công ty chứng khoán VNDirect cũng đã bị tấn công theo hình thức mã hóa dữ liệu. Sự cố khiến Sở giao dịch chứng khoán Tp. Hồ Chí Minh (HOSE) và Sở giao dịch chứng khoán Hà Nội (HNX) phải ngắt kết nối giao dịch từ xa và giao dịch trực tuyến trên một số các thị trường giao dịch chứng khoán.
Mãi đến hôm 1/4, VNDirect mới kết nối lại với các sở giao dịch để khách hàng mua bán cổ phiếu nhưng vẫn thiếu nhiều tính năng và hoạt động kém ổn định, theo truyền thông trong nước.
Mã độc mã hóa dữ liệu (ramsomware) là một hình thức tấn công mạng được thiết kế để lây nhiễm vào máy tính của các tổ chức và cá nhân, mã hóa dữ liệu bên trong và chặn truy cập vào máy tính, theo định nghĩa của trang CISA, cơ quan an ninh mạng thuộc Bộ An ninh Nội địa Hoa Kỳ. Những kẻ tấn công sau đó thường sẽ yêu cầu một khoản phí từ nạn nhân để đổi lấy việc kích hoạt trở lại cho hệ thống.
Vướng tin đồn rửa tiền cho gia tộc họ Chu trong vụ án Vạn Thịnh Phát, cổ phiếu STB lao dốc
Quang Nhật
Ngân hàng Sacombank. (Ảnh: Dangnamdieu/ CC BY-SA 4.0)
Tin đồn lãnh đạo Ngân hàng Thương mại cổ phần Sacombank (mã cổ phiếu STB) là ông Dương Công Minh đang bị điều tra vì dính líu tới vụ án Vạn Thịnh Phát đã làm giá cổ phiếu giảm tới gần 4% trong phiên giao dịch hôm nay (2/4/2024). Lãnh đạo STB lập tức đính chính bằng văn bản gửi cơ quan ban ngành nhưng chưa thể vãn hồi được tâm lý thị trường.
Vào tháng 10/2022 khi Ngân hàng Thương mại Cổ phần Sài Gòn (SCB) đang phải chống đỡ với việc người dân ồ ạt rút tiền thì Ngân hàng Thương mại cổ phần Sacombank cũng bị liên luỵ do thương hiệu của ngân hàng trùng với tên viết tắt của SCB. Khi đó, Sacombank vội vã ra thông báo rằng mã cổ phiếu của họ là STB và Sacombank không liên quan gì tới cái tên viết tắt SCB của vụ án Vạn Thịnh Phát; vụ án lũng đoạn tài chính, hối lộ lớn nhất Việt Nam cho tới nay.
Hôm nay, cổ phiếu của STB bất ngờ lao dốc, hiện tại (15h00 ngày 2/4/2024) đang giao dịch ở mức giá 30.150 đồng/cổ phiếu; giảm 1.250 đồng mỗi cổ phiếu, tương đương với mất giá 3,98%. Tính chung cả tháng, giá trị cổ phiếu STB mất giá khoảng hơn 5%. Tuy nhiên, so với cùng kỳ 2023, cổ phiếu của ngân hàng này vẫn tăng 13,35% theo đà tăng giá cổ phiếu của ngành ngân hàng nói chung.
Cổ phiếu mã STB mất 3,98% trong ngày giao dịch 02/4/2024 do tin đồn NHTM này đang bị điều tra vì liên quan tới vụ án Vạn Thịnh Phát (Nguồn: Ảnh chụp màn hình từ trang Trading View)
Giá cổ phiếu của STB lao dốc được cho là do có tin đồn ông Dương Công Minh bị điều tra vì liên quan tới việc hỗ trợ bà Trương Mỹ Lan, người phụ nữ đứng sau Ngân hàng TMCP Sài Gòn, rút hơn 1 triệu tỷ từ ngân hàng này và chuyển về Trung Quốc cho gia tộc của chồng. Chồng bà Trương Mỹ Lan là Chu Lập Cơ.
Theo một số nguồn tin không chính thống, ông Chu Lập Cơ thuộc gia tộc của Chu Vĩnh Khang, một con hổ lớn nhất bị “ngã ngựa” trong chiến dịch “đả hổ – diệt ruồi – săn cáo” ngay sau khi ông Tập Cận Bình tại vị không lâu. Tuy nhiên, NTDVN chưa xác thực được nguồn tin này.
Để ngăn chặn tin đồn, CEO của STB lập tức soạn thảo công văn gửi tới Ban Tuyên giáo Trung ương, Bộ Công an, Bộ Thông tin & Truyền thông, Các Cơ quan BÁo trí & Truyền thông với nội dung “Hỗ trợ xử lý tin đồn sai lêch trên mạng”. Theo đó, STB đính chính rằng không có sự việc là Chủ tịch HĐQT của STB là ông Dương Công Minh liên quan tới vụ án Vạn Thinh Phát và ông Minh cũng không bị cấm xuất cảnh để điều tra. STB thậm chí nhờ các cơ quan chức năng và báo chí hỗ trợ xử lý thông tin sai lệch trên mạng, được cho là xuất phát từ tài khoản có tên “Thang Dang”.
Công văn ký bởi CEO Ngân hàng Sacombank gửi tới các cơ quan ban ngành yêu cầu hỗ trợ xử lý thông tin sai lệch trên mạng liên quan tới Chủ tịch HĐQT là ông Dương Công Minh (Nguồn: Sacombank)
Chưa rõ liệu đính chính từ STB có hỗ trợ ngân hàng này phục hồi niềm tin của nhà đầu tư vào phiên giao dịch ngà mai hay không. Cho tới nay, phản ứng của thị trường trước tin đồn này vẫn khá thận trọng.
Tuy nhiên, sự việc làm dấy lên nghi án về việc tồn tại một dường dây trong hệ thống tài chính thao túng thị trường tài chính Việt Nam nhằm rửa tiền và kiếm tiền cho một gia tộc họ Chu; một gia tộc có liên quan mật thiết tới Chu Vĩnh Khang.
Chu Vĩnh Khang (sinh năm 1942) là một lãnh đạo cao cấp về hưu của Trung Quốc, nguyên Bộ trưởng Bộ Công an, từng giữ chức trong Ban thường vụ Bộ Chính trị lần thứ 17 và chủ nhiệm Ủy ban Chính trị – Pháp luật trung ương từ năm 2007 đến năm 2012.
Trong thời gian còn đương chức, Chu Vĩnh Khang được cho là đã dính líu đến nhiều vụ tham nhũng, lạm dụng quyền hành và bị cáo buộc là một trong những thủ phạm chính, đứng đầu trong việc tổ chức hệ thống mổ cướp tạng được “bảo kê” bởi hệ thống an ninh nhà nước ở Trung Quốc trong cuộc đàn áp môn khí công Pháp Luân Công. Ông Chu Vĩnh Khang là đồng minh thân cận của Bạc Hy Lai, một quan chức cao cấp của Trung Quốc bị cắt chức vì các bê bối chính trị và tham nhũng thời Chủ tịch Tập Cận Bình.
Chu Vĩnh Khang là người đứng đầu Phòng 610, một tổ chức được thành lập vi hiến của ĐCSTQ. Tổ chức này có nhiệm vụ điều phối và giám sát cuộc đàn áp Pháp Luân Công, trong khi vai trò lãnh đạo của Bạc Hy Lai ở Đông Bắc Trung Quốc cho thấy ông ta và vợ có quan hệ mật thiết với các hoạt động đáng nghi vấn như một nhà máy nhựa hoá ở Đại Liên đã xử lý xác người do cảnh sát cung cấp để trưng bày trong các cuộc triển lãm “Thế giới cơ thể”. Các thi thể, trong đó có thi thể của một phụ nữ mang thai sắp sinh, không rõ nguồn gốc nhưng bị nghi ngờ là từ các học viên Pháp Luân Công bị sát hại.
Nhà báo điều tra Ethan Gutmann, tác giả của cuốn sách năm 2014: ‘Đại thảm sát’: Giết người Hàng loạt, Thu hoạch Nội tạng và Giải pháp mật của Trung Quốc với Vấn đề Bất đồng Chính kiến, đã gợi ý rằng hàng chục nghìn học viên Pháp Luân Công, những người theo đạo Thiên chúa ngầm và gần đây là những người Hồi giáo Duy Ngô Nhĩ có thể là nạn nhân của nạn mổ cướp nội tạng hàng năm.
Vào năm 2015, người đứng đầu lĩnh vực cấy ghép của Trung Quốc, ông Huang Jiefu, đã xác nhận chính quyền đã cung cấp nội tạng được hiến tặng từ các tử tù.
Ông nói: “Chúng tôi biết ơn sâu sắc nhiều cán bộ trong hệ thống tư pháp, bởi vì nếu không có sự hợp tác của họ, không có nội tạng được hiến tặng từ tử tù, hệ thống cấy ghép của Trung Quốc sẽ không phát triển về mặt công nghệ và hiện đại như hiện nay”.
Mặc dù ông Huang tuyên bố rằng các tù nhân đã bị hành quyết bởi các cơ quan tư pháp và các bác sĩ chỉ mổ lấy nội tạng của họ, hai ông Robertson và Lavee nói rằng “nghiên cứu của họ không cho kết quả như vậy”.
Trong báo cáo viết: “Nếu các báo cáo mà chúng tôi điều tra được là chính xác, thì việc phẫu thuật viên mua tim và phổi là nguyên nhân chính dẫn đến cái chết của tù nhân, do đó liên quan trực tiếp đến việc bác sĩ phẫu thuật phải hành quyết”.
Truyền thông dòng chính ở Trung Quốc làm nổi bật các bê bối của ông Chu Vĩnh Khang liên quan tới các vụ án mua bán dâm và quan hệ tình dục bất chính với hàng trăm phụ nữ. Tờ China Times dẫn lời các điều tra viên cho rằng ông Chu có ít nhất 6 căn nhà riêng để “vui vẻ với phụ nữ” ở thủ đô Bắc Kinh. Vào ngày 11 tháng 6 năm 2015, ông Chu bị kết án hối lộ, lạm dụng quyền lực và cố ý tiết lộ bí mật nhà nước bởi Tòa án Trung cấp ở Thiên Tân. Ông Chu và các thành viên trong gia đình ông bị buộc tội hối lộ 129 triệu nhân dân tệ (hơn 20 triệu đô la). Ông bị kết án tù chung thân.
VNCS: Đài Truyền Hình Quốc Gia VTV tiếp tay lừa đảo
Cảnh Chân
03/4/2024
(VNTB) – Tiếng là đài Truyền hình Quốc gia, nhưng VTV lại khiến người dân bị mắc bẫy lừa đảo của doanh nghiệp.
Từ năm 2019, VTV đã bị Phó Thủ tướng yêu cầu phải siết chặt việc quản lý nội dung quảng cáo trên truyền hình theo đúng quy định của pháp luật, có giải pháp hạn chế dần và tiến tới loại bỏ các quảng cáo không đúng sự thật, có nội dung phản cảm về thực phẩm chức năng, thuốc trong các khung giờ vàng tại các chương trình của Đài truyền hình Việt Nam. (1)
Tuy không nói cụ thể là chương trình nào nhưng việc yêu cầu “loại bỏ quảng cáo không đúng sự thật” chứng tỏ VTV đã có nhiều quảng cáo cho các thương hiệu kém chất lượng, gây ảnh hưởng tới sức khoẻ của người dân, thậm chí tiếp tay quảng bá cho những doanh nghiệp không có uy tín, lừa đảo người dân.
Mới đây nhất là vụ án ông Nguyễn Ngọc Thủy bị công an bắt giam để điều tra về tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản của Công ty CP đầu tư và phân phối Egame. Nguyễn Ngọc Thuỷ nổi tiếng với tên “Shark Thuỷ” sau khi tham gia chương trình truyền hình “Thương vụ bạc tỷ – Shark Tank” của VTV.
Thương vụ bạc tỷ (Shark Tank Vietnam) là chương trình truyền hình thực tế do Đài Truyền hình Việt Nam sản xuất và phát sóng trên VTV từ năm 2017. Ông Nguyễn Ngọc Thuỷ tham gia chương trình này với vai trò nhà đầu tư vào các dự án tiềm năng. Nhờ tham gia chương trình này suốt 2 mùa (2018 và 2019), mà ông Thuỷ càng ngày càng được nhiều người biết tới và tin tưởng do có sự bảo đảm thương hiệu từ phía VTV.
Sau hai năm đó, sự nghiệp và mạng lưới kinh doanh giáo dục của Shark Thuỷ bay lên như diều gặp gió. Hệ thống các công ty giáo dục của vị “cá mập” này phát triển lên tới hơn 120 trung tâm ở hơn 30 tỉnh thành, có khoảng hơn 120.000 học viên theo học. Tới khi bị bắt, nhà chức trách cáo buộc ông Thuỷ đã lừa đảo số tiền hàng trăm tỷ của nhiều phụ huynh.
Đáng chú ý là ông này vẫn chưa tốt nghiệp đại học, nhưng vẫn làm giáo dục, mở trường cho hàng trăm ngàn học sinh. Khi tham gia chương trình Shark Tank, VTV không hề nhắc tới trình độ học vấn của ông này. Shark Thuỷ chỉ là một điển hình để thấy rằng, các chương trình truyền hình thu hút hàng triệu lượt xem như “Shark Tank” đã gây hậu quả nghiêm trọng như thế nào nếu không kiểm chứng rõ ràng.
Không chỉ vậy, đối với doanh nhân, doanh nghiệp bất minh thì VTV tiếp tay quảng bá, còn đối với cá nhân, người dân thấp cổ bé họng thì VTV lại tìm cách bôi nhọ, hạ nhục. Còn nhớ năm 2021, khi bà Nguyễn Phương Hằng nổi lên với câu chuyện “sao kê” thì đài Truyền hình Việt Nam cũng “bắt trend” bằng việc công kích các nghệ sĩ làm từ thiện. Thời điểm đó, VTV đã lấy những bình luận trên mạng xã hội để công kích ca sĩ Thuỷ Tiên khi chưa tìm hiểu thực hư.
Ngoài ra, đài VTV còn thay mặt toà án, công an để buộc tội và bôi nhọ công dân trên sóng truyền hình quốc gia. Điển hình là vụ việc năm 2020, khi VTV lấy hình ảnh của Phùng Thanh Độ (Độ Mixi, một nhà sáng tạo nội dung và thường livestream trên Youtube) để làm ví dụ cho việc các streamer văng tục, từ ngữ thiếu chuẩn mực. Những vụ việc này này khiến các trang mạng xã hội của đài Truyền hình Việt Nam bị người dân liên tục đánh giá 1 sao cùng với rất nhiều lời nhận xét tiêu cực.
Với vai trò là Đài Truyền hình Quốc gia, vận hành bằng tiền thuế của người dân thì VTV phải có trách nhiệm kiểm chứng thông tin, xác minh các dự án, lý lịch doanh nhân, doanh nghiệp để đưa thông tin chính xác, bảo vệ người dân. Còn đằng này, tay phải dùng tiền thuế của dân; tay trái tiếp tay cho doanh nghiệp gài bẫy người dân; miệng thì bôi nhọ, vu khống, tấn công người dân. Điều này cho thấy VTV không xứng đáng để vận hành bằng tiền thuế của dân, mà cần phải tư nhân hóa để tự tạo ra tài chính và tự chịu trách nhiệm với các chương trình của mình.
Cũng cần nói thêm, vị trí Tổng giám đốc của VTV bắt buộc phải là Uỷ viên Trung ương Đảng và do Thủ tướng bổ nhiệm. Các lãnh đạo của VTV đều là đảng viên, chính vì vậy đảng cộng sản cũng phải chịu trách nhiệm cho sự tắc trách của đài Truyền hình Việt Nam. Nếu đảng cộng sản không muốn gánh trách nhiệm cho VTV thì càng cần phải tư nhân hoá đài truyền hình này!
________________
Tham khảo:
(1)https://vnmedia.vn/dan-sinh/201912/pho-thu-tuong-yeu-cau-loai-bo-quang-cao-thuc-pham-chuc-nangthuoc-khong-dung-su-that-93e2be5/
Ai dám lừa 171 triệu của bà chủ tịch huyện Nhơn Trạch?
Hà Nguyên/VNTB
03/4/2024
(VNTB) – Ủy ban Kiểm tra Trung ương đang quan tâm đến vụ bà chủ tịch huyện Nhơn Trạch, tỉnh Đồng Nai được cho là ‘bị lừa đảo’ với số tiền lên đến trên 171 tỷ đồng.
Sau khi xảy ra vụ bị lừa đảo hơn 171 tỷ đồng, chủ tịch UBND huyện Nhơn Trạch Nguyễn Thị Hương Giang đã làm đơn xin nghỉ phép theo sự động viên của cơ quan chủ quản.
Bước đầu các cơ quan chức năng báo cáo nhóm lừa đảo dùng công nghệ cao và xưng danh cơ quan bảo vệ pháp luật nói bà chủ tịch huyện Nhơn Trạch Nguyễn Thị Giang Hương, dính dáng đến pháp luật. Sau đó, nhóm lừa đảo yêu cầu bà chủ tịch huyện Nhơn Trạch mở tài khoản để chuyển tiền, rồi xâm nhập vào tài khoản để lấy tiền của bà Giang Hương.
Tuy nhiên theo ghi nhận bước đầu thì bà Hương cho biết: “Đây là vụ hacker tấn công vào tài khoản. Tiền trong tài khoản chứ tôi không chuyển tiền”.
Giả dụ như thông tin trên là có căn cứ thì về lý thuyết đây là trường hợp khách hàng bật app làm gì đó mà để lộ thông tin như OTP… thì có nguy cơ bị hack tài khoản và rút tiền.
Theo ông Vũ Ngọc Sơn, Giám đốc Kỹ thuật của Công ty Công nghệ an ninh mạng Việt Nam – NCS, thì việc bị mất tiền trong tài khoản ngân hàng gia tăng do các hình thức lấy tiền ngày càng trở nên tinh vi. Ông Sơn cho biết, hiện hacker không cần mã OTP mà có thể chiếm quyền điều khiển điện thoại, bật app ngân hàng và thực hiện chuyển tiền. Cụ thể, thông qua dịch vụ trợ năng (Accessibility Service), một thiết kế của Google trong Android nhằm giúp cho những người khiếm thị hoặc mất khả năng vận động có thể dùng được smartphone, đã bị hacker lợi dụng. Hacker sử dụng Accessibility Service để lập trình mã độc đọc được nội dung và tương tác được trên các ứng dụng khác.
Với cách này, hacker lừa để người dùng cấp quyền Accessibility cho ứng dụng giả mạo. Sau khi được cấp quyền, ứng dụng giả mạo có thể thu thập thông tin, thậm chí điều khiển các ứng dụng ngân hàng, nhập tài khoản, mật khẩu, sau đó là mã OTP để chuyển tiền ngân hàng.
Ngoài ra, ở đây còn có chuyện một số nhà băng đã lập chứng từ giả để chiếm đoạt – một kiểu tạm gọi là hack nội bộ. Đơn cử vụ số tiền 245 tỷ đồng của bà Chu Thị Bình gửi tại Eximbank bị… ‘bốc hơi’. Số là do số tiền gửi rất lớn nên bà Bình được ngân hàng này chăm sóc theo chế độ khách hàng VIP. Ông Lê Nguyễn Hưng, Phó giám đốc Eximbank TP.HCM, đã lợi dụng sự tin tưởng của bà Bình, cũng như ‘kẽ hở’ của ngân hàng để chỉ đạo nhân viên lập chứng từ giả, rút tiền từ tài khoản của bà Bình với tổng số tiền 245 tỷ đồng. Năm 2018, vụ án được đưa ra xét xử và Eximbank đã phải trả lại bà Bình toàn bộ số tiền cùng lãi 92 tỷ đồng.
Đây là trường hợp chính nhân viên ngân hàng chủ động làm trật quy trình nội bộ, thông đồng để giả mạo/ hoặc dùng chữ ký thật mà khách hàng đã ‘ký khống’ vì tin tưởng nhau để nhà băng tất toán số tài khoản, hay rút tiền.
Đó chỉ là một vụ tiền của khách hàng bị lừa đảo bởi chính nhân viên ngân hàng. Còn những cú hack được thực hiện từ bên ngoài thì ngày càng gia tăng cả về số lượng và thủ đoạn. Mới đây, vụ bà Nguyễn Thị Giang Hương ở Nhơn Trạch (Đồng Nai), thông tin đã bị một nhóm lừa đảo trên mạng lừa đảo và lấy hơn 170 tỷ đồng trong tài khoản là một đơn cử.
Có thể do nhất thời vì ‘của đau, con xót’ nên bà Giang Hương đã trình báo công an việc bị lừa đảo này, song ở chiều ngược lại về lý do làm sao để có được số tiền bạc trăm tỷ này để mà bị lừa đảo, thì có thể sau cơn ‘uất nghẹn’ vì bị lừa đó, bà Giang Hương mới hình dung được sự phức tạp của giải trình về nguồn gốc số tiền; cả về chuyện thu nhập cá nhân mà bà đã thực hiện khi bạc trăm tỷ này được cho là hợp pháp.
Liệu với thông tin Ủy ban kiểm tra trung ương đã vào cuộc ở vụ lừa đảo nêu trên, phải chăng cái sảy đã đe dọa nảy cái ung? Ngoài ra các nguồn tin cho hay hiện công an vẫn đang điều tra các dòng tiền trong tài khoản cũng như việc kiểm soát nguồn tiền ở các ngân hàng mà bà Hương đứng tên.
Gác qua thuyết âm mưu từ chuyện ‘củi – lò’, thì ở đây mỗi vụ mất tiền từ ‘bị móc ruột’ bên trong bởi nhân viên nhà băng, hay từ bên ngoài thì câu hỏi lớn nhất đặt ra là trách nhiệm bồi thường thiệt hại?
Giới luật sự cho rằng, trường hợp khách hàng thực hiện đầy đủ quy định tiền gửi thì ngân hàng có thể chia sẻ hơn về thiệt hại đối với khách hàng, nhất là trong trường hợp khách hàng bị mất quyền kiểm soát điện thoại, kẻ gian vào hack toàn bộ tiền trong tài khoản. Trong bối cảnh tội phạm công nghệ ngày càng tinh vi, ngân hàng cần tăng cường các lớp bảo mật tài khoản, tạo thêm các lớp bảo mật trong thanh toán, chuyển tiền. Bởi ở đây khi khách hàng đến ngân hàng giao dịch, gửi tiền là khách hàng đã tin tưởng ngân hàng, nên khi có sự việc mất tiền xảy ra thì ngân hàng cũng có liên quan.
Trang của chính phủ Việt Nam CS chỉ trích nam Facebooker ngoại quốc về hành vi phỉ báng
03/4/2024
Trang Thông tin Chính phủ của Việt Nam chỉ trích một Facebooker người nước ngoài về hành vi phỉ báng, 2/4/2024.
Trang Facebook chính thức của chính phủ Việt Nam đăng bài hôm 2/4 tỏ ý chỉ trích một người ngoại quốc, dường như là người Mỹ, về hành vi đăng video lên mạng kèm theo “phụ đề sai” về cảnh sát và người dân Việt Nam.
Bài đăng trên trang Thông tin Chính phủ có nội dung vắn tắt: “Hành động của du khách này làm xấu đi không chỉ hình ảnh của người Việt mà còn của người Mỹ”, và kèm theo một bức ảnh dường như chụp lại màn hình trên ứng dụng mạng xã hội TikTok thể hiện hình hai nhân viên cảnh sát Việt Nam được làm mờ và ảnh đại điện của chủ tài khoản là một người đàn ông nước ngoài.
Trong ảnh cũng có thể thấy tên chủ tài khoản là Small Brained American và tên của đoạn video là “Vietnamese Police Wanted a Bribe!”, nghĩa là “Cảnh sát Việt Nam muốn một khoản hối lộ”.
Theo tìm hiểu của VOA, đoạn video này không còn xuất hiện trên Tik Tok sau khi vấp phải nhiều phản ứng bất bình từ nhiều người xem, nhưng nó vẫn còn tồn tại vào ngày 2/4 trên một trang Facebook cũng mang tên Small Brained American.
Đoạn video dài xấp xỉ 1 phút cho thấy vài người nước ngoài đi xe máy bị một tổ cảnh sát Việt Nam dừng xe để kiểm tra giấy tờ, nhưng không rõ ngày giờ và địa điểm diễn ra sự việc.
Một nữ cảnh sát Việt Nam nói tiếng Anh trôi chảy với nhóm người nước ngoài, đề nghị họ trình ra bằng lái xe quốc tế và bằng lái của nước họ. Một người đàn ông trong nhóm đưa ra bằng lái xe quốc tế và nói là do Mỹ cấp.
Dường như phần nội dung gây tranh cãi trong đoạn video, theo quan sát của VOA, là những dòng chữ phụ đề không ăn khớp với cuộc hội thoại giữa phía cảnh sát và người đàn ông nước ngoài.
Đầu tiên là một câu hỏi tạm dịch là “Những du khách này và logic của họ, họ không biết cộng sản vận hành thế nào phải không?”
Tiếp đến là các câu được ghép vào hình của các viên cảnh sát tạm dịch là “Sếp biết là ta nên làm gì không?” – “Tôi nghe đây” – “Ta nên nhốt thằng này lại vì nó là con lợn tư bản thối tha”.
Cuối đoạn video, nữ cảnh sát nói bằng tiếng Anh rằng người đàn ông ngoại quốc có thể đi và người này nắm hai bàn tay trước ngực đồng thời đáp lại “Cảm ơn nhiều”.
Ảnh chụp màn hình TikTok cho thấy đoạn video thu hút hơn 283.000 phản ứng cảm xúc và hơn 4.200 lời bình luận. Trên trang Facebook mang tên Small Brained American, đoạn video nhận được ít phản ứng cảm xúc và bình luận hơn nhiều song chủ yếu đều là những lời chỉ trích, phê phán, cho rằng một số đoạn phụ đề không đúng sự thật, dối trá, phỉ báng, xuyên tạc.
Nhiều lời chỉ trích, lên án tương tự cũng xuất hiện dưới bài đăng của trang Thông tin Chính phủ. Trang này cho biết trong phần bình luận dưới bài đăng về chủ tài khoản mạng xã hội Small Brained American rằng người này “cũng đã để phụ đề sai” trong một video khác ghi lại việc anh này hỏi một người dân địa phương về chỗ đổ xăng.
Đoạn video đó, vẫn còn trên Facebook hôm 2/4, cho thấy một người dân địa phương vừa nói tiếng Việt vừa dùng ngôn ngữ hình thể để chỉ cho anh ta là cách đó 2km có cây xăng, rồi xua tay bảo anh ta đi đi. Nhưng nam du khách này lại dịch phụ đề rằng bà ấy gọi anh là “ngu đần” và “cút đi cho khuất mắt tôi”, Thông tin Chính phủ viết.
Nhiều người viết trên Thông tin Chính phủ rằng cần phải lên án mạnh mẽ hành vi gán ghép những lời sai sự thật vào video, đồng thời phải phạt nặng, thậm chí trục xuất người chủ các trang mang tên Small Brained American để người này “không coi thường Việt Nam” cũng như “không phá hoại” quan hệ giữa Việt Nam và các nước phương Tây.
VOA cố gắng liên lạc với chủ trang Facebook Small Brained American để tìm hiểu thêm về sự việc và liệu người này có phản hồi gì trước những phê phán từ phía Việt Nam, nhưng chưa nhận được hồi đáp.
Không có nhận xét nào