Header Ads

  • Breaking News

    Chuyện Việt Nam ngày Thứ sáu 12 tháng 4 năm 2024

    Quê Hương tổng hợp

    Mười tổ chức XHDS kêu gọi Mỹ không bán vũ khí cho Bộ Công an Việt Nam

    RFA
    12/4/2024

    Mười tổ chức XHDS kêu gọi Mỹ không bán vũ khí cho Bộ Công an Việt Nam

    Xe bọc thép của cảnh sát cơ động tại triển lãm thiết bị của Bộ Công an tại Hà Nội tháng 7/2022 

    https://www.rfa.org/++plone++rfa-resources/img/icon-zoom.pngAFP 

    Một nhóm mười tổ chức xã hội dân sự Việt Nam ở trong nước và hải ngoại gửi thư chung cho Bộ Thương mại Hoa Kỳ với đề nghị xem xét việc xuất khẩu vũ khí và thiết bị an ninh cho Bộ Công an Việt Nam vì quan ngại lạm dụng trong việc đàn áp dân chúng.

    Thư chung do Mạng lưới Nhân quyền Việt Nam khởi xướng, được gửi cho Bộ trưởng Gina Raimondo vào ngày 11/4, gần một tháng sau khi một phái đoàn gồm đại diện nhiều công ty Hoa Kỳ dẫn đầu bởi Hội đồng Kinh doanh Hoa Kỳ-ASEAN (US ABC) tới Hà Nội và gặp gỡ với Bộ Công an Việt Nam.

    Dự thảo của bản ghi nhớ giữa hai bên xác định năm lĩnh vực quan tâm của phía Hoa Kỳ, đó là công nghệ phát hiện và phòng ngừa tội phạm, phân tích dữ liệu lớn, dịch vụ hàng không (trực thăng) và an ninh mạng.

    Trong thư chung, các tổ chức ký tên bày tỏ quan ngại:

    Việc bán vũ khí và thiết bị an ninh một cách vô trách nhiệm cho Công an Việt Nam, trong những trường hợp đó, chắc chắn sẽ củng cố mô hình đàn áp nhân quyền nhất quán của lực lượng này và mâu thuẫn với các cam kết của Chính quyền Biden là đặt nhân quyền làm trung tâm trong chính sách đối ngoại của Hoa Kỳ.

    Nói với Đài Á Châu Tự Do (RFA) qua điện thoại ngày 12/4, Tiến sỹ Nguyễn Bá Tùng, Trưởng ban điều hành của Mạng lưới Nhân quyền Việt Nam, khẳng định:

    Công an đối với cộng sản là khí cụ để bảo vệ chế độ. Từ xưa đến nay trong chế độ cộng sản, công an là lực lượng dùng để đàn áp người dân chứ không phải là để chống ngoại xâm, cho nên cung cấp vũ khí thiết bị an ninh cho công an tức là giúp cho công an đàn áp người dân.

    Những thiết bị an ninh tối tân nếu rơi vào tay an ninh thì sẽ rất là nguy hiểm. Những nhà bất đồng chính kiến và đồng bào của chúng ta ở quê nhà sẽ càng khốn đốn hơn vì sẽ bị đàn áp nặng nề hơn với những vũ khí tối tân hơn.”

    Thư chung trích dẫn báo cáo của Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ về Thực hành Nhân quyền ở Việt Nam trong đó nói “báo cáo đáng tin cậy cho thấy các thành viên của lực lượng an ninh đã có nhiều hành vi vi phạm” bao gồm “các vụ giết người trái pháp luật hoặc tùy tiện của chính phủ; tra tấn và đối xử tàn ác, vô nhân đạo hoặc hạ nhục của các cơ quan chính phủ.” 

    Tiến sỹ Nguyễn Bá Tùng cho rằng Bộ Thương mại Hoa Kỳ cần phải xét lại quyết định cung cấp giấy phép cho các nhà sản xuất những thiết bị an ninh và vũ khí cho công an Việt Nam.

    Ông cũng cho biết trong thời gian tới, các tổ chức XHDS Việt Nam sẽ vận động dân biểu và thượng nghị sỹ liên bang Hoa Kỳ về vấn đề này.

    Một nhà hoạt động ở Hà Nội không muốn công khai danh tính vì lý do an ninh, cho RFA biết trong khoảng hai thập niên gần đây, lực lượng an ninh thường xuyên sử dụng các thiết bị hiện đại để đối phó với sự phản đối ôn hoà của người dân, như phá rối biểu tình bằng máy phá sóng điện thoại để cắt đứt liên lạc giữa người biểu tình với nhau hay giữa người biểu tình với bên ngoài, sử dụng máy phát âm thanh có công suất lớn (LRAD) để giải tán biểu tình. 

    Tuy nhiên, ông cho rằng để trấn áp người dân và giới hoạt động, thì lực lượng công an Việt Nam không cần mua thêm các vũ khí, thiết bị hiện đại. Với những gì Việt Nam hiện có, tự sản xuất cũng thừa sức đối phó với người dân tay không tấc sắt.

    Trong cuộc trả lời phỏng vấn gần đây của RFA, Giáo sư Carl Thayer từ Đại học Quốc gia Úc (Canberra) cho rằng Hoa Kỳ nên cho phép các nhà thầu an ninh xuất khẩu thiết bị và công nghệ liên quan để trợ giúp Bộ Công an Việt Nam chống tội phạm xuyên quốc gia, cướp biển, rửa tiền, buôn người, buôn bán trái phép ma túy và tiền chất, tội phạm mạng, tội phạm công nghệ cao, và khủng bố và tài trợ khủng bố.

    Theo vị chuyên gia về chính trị Việt Nam, việc xuất khẩu chỉ nên giới hạn ở những thiết bị kiểm soát đám đông không gây sát thương để cung cấp cho các đơn vị cảnh sát cơ động mới thành lập có nhiệm vụ đối phó với tội phạm bạo lực, bạo loạn và khủng bố.

    Phóng viên gửi email cho Bộ Thương mại Hoa Kỳ và Bộ Ngoại giao Việt Nam với đề nghị bình luận về thư ngỏ của mười tổ chức XHDS Việt Nam nhưng chưa nhận được phản hồi.

    Văn Bút Mỹ trao giải tự do sáng tác Barbey cho nhà báo ​​Phạm Đoan Trang 

    12/4/2024 

    VOA Tiếng Việt 

    Nhà báo Phạm Đoan Trang.

    Nhà báo Phạm Đoan Trang. 

    Tổ chức Văn Bút Mỹ sẽ trao giải thưởng Tự do Sáng tác Barbey năm nay cho tác giả-blogger-nhà báo tự do Phạm Đoan Trang, ghi nhận những đóng góp quý báu của bà trong lĩnh vực sáng tác và tự do biểu đạt. Bà Trang đang thụ án 9 năm tù ở Việt Nam.
    Giải thưởng về tự do viết sách báo này được trao hàng năm cho một nhà văn có tâm bị bỏ tù. Năm nay, Văn Bút Mỹ (PEN America) trao giải thưởng này cho nữ tù nhân người Việt đang bị chính quyền cộng sản Việt Nam giam cầm.
    “Bà Phạm Đoan Trang đã truyền cảm hứng cho người dân Việt Nam thông qua các bài viết về dân chủ, nhân quyền, suy thoái môi trường và trao quyền cho phụ nữ”, bà Suzanne Nossel, Giám đốc điều hành Văn Bút Mỹ, cho biết trong một thông báo hôm 11/4.
    “Chính phủ Việt Nam đã đàn áp và bỏ tù bà Trang nhằm mục đích bóp nghẹt tiếng nói của bà. Bà đã hy sinh sức khỏe và sự tự do của mình để theo đuổi công lý. Bất chấp sự đàn áp của chính phủ đối với những người bất đồng chính kiến và hoạt động tích cực, những lời nói mạnh mẽ của bà vẫn tiếp tục truyền cảm hứng cho người dân trên khắp Việt Nam và trên toàn thế giới”, bà Nossel nhấn mạnh.

    VOA đã liên lạc Bộ Ngoại giao Việt Nam và đề nghị họ cho ý kiến về thông báo trao giải thưởng này, nhưng chưa được trả lời.
    Là một tác giả sung mãn, một nhà hoạt động dũng cảm, bà Trang bị bắt vào tháng 10/2020 sau nhiều năm bị chính quyền Việt Nam sách nhiễu, và hiện đang thụ án tù 9 năm với tội danh “Tuyên truyền chống nhà nước”, Văn Bút Mỹ viết trên trang X.
    Bà Trang, 45 tuổi, đã viết nhiều cuốn sách, trong đó có “Chính trị của một Nhà nước Công an” và “Chính trị bình dân”.
    Ông Đặng Đình Mạnh, luật sư bào chữa của bà Trang, và bà Trần Quỳnh Vi, bạn của bà, cũng là người đồng sáng lập và giám đốc điều hành Sáng kiến Pháp lý cho Việt Nam (LIV), sẽ thay mặt bà nhận giải trong buổi dạ tiệc thường niên của PEN vào ngày 16/5, theo hãng tin AP.
    Giải thưởng Tự do Sáng tác PEN/Barbey là một công cụ mạnh mẽ trong nỗ lực của Văn Bút Mỹ nhằm chấm dứt đàn áp các nhà văn và nhà bảo vệ quyền tự do ngôn luận. Tính đến hết năm 2022, hơn 311 nhà văn trên toàn thế giới đã bị cầm tù và 800 người khác bị chính quyền áp bức ở 80 quốc gia đàn áp, theo Chỉ số Tự do Viết sách báo năm 2023 của Văn Bút Mỹ.
    Giải thưởng này được xem là bệ phóng cho sự vận động của Văn Bút Mỹ đối với các tác giả mà tổ chức này vinh danh. Trong số 53 nhà văn bị bỏ tù đã nhận được giải thưởng kể từ năm 1987, có 46 người đã được trả tự do một phần do nhận thức và áp lực mà giải thưởng tạo ra.
    Năm ngoái, Văn Bút Mỹ trao giải này cho bà Narges Mohammadi, một nhà hoạt động nhân quyền người Iran đang bị cầm tù, khởi động một chiến dịch toàn cầu mà đỉnh cao là việc bà Mohammadi được trao Giải Nobel Hòa bình năm 2023 vào tháng 12 vừa qua.
    Giải thưởng của Văn Bút Mỹ ra đời vào năm 2016, đặt theo tên của ông Peter Barbey, giám đốc điều hành của nhà xuất bản Reading Eagle, có trụ sở ở bang Pennsylvania, Mỹ. Giải thưởng này được thiết kế để vinh danh một nhà văn bị bỏ tù vì các tác phẩm của mình.

    https://www.voatiengviet.com/a/van-but-my-trao-giai-tu-do-sang-tac-barbey-cho-nha-bao-pham-doan-trang/7566565.html

    Bs. Võ Xuân Sơn - Nước ơi là nước

    11/4/2024

    https://baotiengdan.com/wp-content/uploads/2024/04/1-22-300x225.png

    Ảnh: Người dân Tiền Giang thức đêm hứng từng can nước. Nguồn: VTC 

    Cả triệu con người nhốn nháo vì không có nước. Cả một vùng rộng lớn của đồng bằng sông Cửu Long vốn dĩ rất trù phú, bây giờ phải chờ từng ca nước ngọt, để nấu ăn.

    Chúng ta có thể dự đoán trước được điều này không? Có đấy chứ. Hơn 10 năm trước, tôi đã nghe một số người cảnh báo về ngày này. Đó là khi những lời cảnh báo đã lan tỏa lên mạng xã hội. Chứ còn trước đó, tôi tin là đã có những cảnh báo được gởi đến cho các cấp lãnh đạo.

    Các cấp lãnh đạo tôn kính của chúng ta đã làm gì? Chúng ta không được phép biết. Ở ta, các cấp lãnh đạo làm gì là bí mật quốc gia. Khi nào họ thấy cái gì cần cho dân biết thì họ xì ra. Chẳng hạn như họ cần cho dân biết, rằng ông Chủ tịch nước có sai phạm, thì họ đăng rùm lên. Nhưng ông ấy sai phạm gì, thì họ không nói, kể cả khi ông ấy phải từ chức vì sai phạm. Có lẽ họ cho rằng dân không cần biết.

    Vì vậy, chúng ta không biết các lãnh đạo đã làm gì để người dân không rơi vô thảm cảnh như bây giờ, không có miếng nước ngọt để nấu ăn, để uống… Và bây giờ, khi cả một vùng rộng lớn với hàng triệu dân của đồng bằng sông Cửu Long trù phú ngày nào đang nhốn nháo vì không có nước ngọt, chúng ta cũng không biết họ sẽ bị như vậy đến bao giờ?

    Để xảy ra thảm cảnh này, chắc chắn là lỗi của người dân. Đồng bằng sông Cửu Long thì thiếu gì lu khạp. Nhiều đến mức mà có người đòi mang số lu khạp ấy lên chống ngập cho Sài Gòn. Tại sao người dân không chịu tích trữ nước vô lu, khạp, tạo thành quỹ bình ổn nước ngọt, giống như quỹ bình ổn xăng dầu của nhà nước? Hay là có tích trữ nhưng mang dùng vô việc khác, tới lúc giá xăng dầu lên thì quỹ chẳng còn gì, ý lộn, tới lúc không có nước ngọt thì quỹ cũng sạch bách.

    Ước gì bây giờ, mỗi thôn, mỗi xóm ở vùng đang thiếu nước, đều có một cái tượng đài. Tượng ông nào cũng được, râu dài, râu ngắn, hay không râu cũng được, có tóc hay trọc đầu cũng OK, miễn là nó có khả năng phun ra nước ngọt, để người dân có nước ngọt xài. Nhưng chỉ thấy toàn là mấy cái tượng đài trơ mắt ra nhìn cảnh người dân nhốn nháo.

    Mà thôi, đã ước thì ước cho sang. Ước gì dân ta được bầu ra những người có đủ tâm và tầm, biết vì nước, vì dân bằng hành động, không phải lúc nào cũng vì nước vì dân bằng cái lỗ miệng.

    Bộ Chính trị CSVN tranh nhau như một lũ cướp

    Hoàng Anh

    Saigon Nhỏ 

    11 tháng 4, 2024

    https://saigonnhonews.com/wp-content/uploads/2024/04/1212.jpg

    Đang yên đang ổn chờ đến hết nhiệm kỳ, chờ ông Tổng giới thiệu Vương Đình Huệ vào ghế Tổng Bí Thư ở nhiệm kỳ sau, thì bỗng nhiên, Tô Lâm tạo phản, làm đảo lộn tất cả. Ông Võ Văn Thưởng viết đơn từ chức đã hơn 20 ngày, mà Bộ Chính Trị vẫn chưa chọn được ai lên thay.

    Nói là “chọn” cho đúng quy trình, chứ thực chất, Bộ Chính Trị hiện nay như là võ đài, mạnh được yếu thua, chẳng có trọng tài, chẳng có luật lệ. Nhưng đấu hoài mà không ngã ngũ, vẫn chưa có người thắng kẻ thua rõ ràng, nên ghế chủ tịch nước vẫn còn để trống.

    Mà một khi, những trận đấu không theo luật lệ, không có trọng tài, nên Bộ Chính Trị hiện nay chẳng khác gì “nồi cám lợn,” hỗn độn không ra thể thống gì. Cho nên, Đảng phải đóng cửa cho các đối thủ đánh nhau, mà không để lộ cho dân nhìn thấy.

    Cho tới bây giờ, Bộ Chính Trị đã rụng hết bốn trên tổng số 18 người ban đầu. Chưa có nhiệm kỳ nào mà Bộ Chính Trị bị rơi rụng nhiều như vậy, và rất có thể, đó chưa phải là con số cuối cùng. Điều đó cho thấy, Bộ Chính Trị nhiệm kỳ này ô hợp, tạp nham, so với các nhiệm kỳ trước đó.

    Trong 18 thành viên của Bộ Chính Trị khóa 13, chỉ có năm người còn đủ điều kiện dưới 65 tuổi vào năm 2026. Đó là Võ Văn Thưởng sinh năm 1970, Trần Tuấn Anh sinh năm 1964, Trần Thanh Mẫn sinh năm 1962, Đinh Tiến Dũng và Trần Cẩm Tú cùng sinh năm 1961. Đến nay, Võ Văn Thưởng và Trần Tuấn Anh đã rụng.

    Như vậy, nếu chiếu theo Điều lệ Đảng, thì trong nhiệm kỳ tới, chỉ có ba người ngoài tứ trụ được ở lại Bộ Chính Trị. Đó là Trần Thanh Mẫn, Đinh Tiến Dũng và Trần Cẩm Tú. Cộng thêm bốn người tứ trụ, nếu tất cả đều được hưởng suất đặc biệt, thì đến đại hội 14 chỉ còn tối đa bảy người của khóa 13 được ở lại Bộ Chính Trị. Vậy thì, Bộ Chính Trị khoá 14 sẽ phải bầu mới khoảng 11 người. Đây sẽ là tiền lệ chưa từng có.

    Có thể, khóa 14 sẽ phải phá luật giới hạn 65 tuổi, để những nhân vật quá tuổi được tiếp tục ngồi lại Bộ Chính Trị. Tuy nhiên, hiện nay Bộ Chính Trị đang đánh nhau loạn xạ để tranh giành ghế. Họ vừa đánh, vừa chặn bổ sung người mới vào, bởi không phe nào chịu phe nào. Phe này giới thiệu người thì phe khác sẽ phá.

    Lẽ ra, ông Trần Lưu Quang – Phó Thủ Tướng, và ông Nguyễn Trọng Nghĩa – trưởng ban Tuyên Giáo Trung Ương, cần được bầu bổ sung vào Bộ Chính Trị, bởi những vị trí mà họ đang nắm giữ, thuộc vai trò của uỷ viên Bộ Chính Trị.

    Ở khoá 11, Trung Ương Đảng cũng bầu bổ sung bà Nguyễn Thị Kim Ngân và ông Nguyễn Thiện Nhân vào Bộ Chính Trị giữa nhiệm kỳ, dù nhiệm kỳ này không bị rụng một ai. Vậy mà, Trung Ương Đảng khóa 13 đã rụng đến bốn người, mà vẫn chưa bầu được ai để bổ sung, chỉ mải mê đánh nhau, không bên nào chịu nhường bên nào.

    Khi bị rụng nhiều, nhóm Nghệ An – Hà Tĩnh có lợi nhiều nhất, bởi nhóm này có đến bốn uỷ viên Bộ Chính Trị. Trước đây, tỷ lệ là 4/18; nay là 4/14; như vậy, Bộ Chính Trị càng ít người, tiếng nói của nhóm Nghệ Tĩnh càng có trọng lượng.

    Sức khỏe của ông Nguyễn Phú Trọng ngày càng yếu. Đã vậy, bộ máy dưới tay ông vốn hoạt động trơn tru bao lâu nay, giờ lại có kẻ tạo phản. Bản thân ông Trọng không còn đủ quyền lực, đủ uy tín, để giữ ổn định trong nội bộ Đảng. Sức khỏe của ông càng yếu thì Bộ Chính Trị càng loạn, bởi tất cả các phe phái hiện nay chăm chăm chực chờ đến khi ông nhắm mắt, để mạnh ai nấy tranh phần, như một lũ cướp.

    Lúc đó, người dân sẽ có phim hay để mà xem.

    Không nơi nào trên thế giới người dân nhốn nháo vì vàng như ở Việt Nam

    Nguyên Hương 

    https://vietluan.com.au/wp-content/uploads/2024/04/hfgr6.jpg

    Người Hà Nội xếp hàng trước cửa hàng vàng. Nguồn ảnh Cafef.vn 

    Giá vàng liên tục cao khiến khu chợ vàng truyền thống Dubai ê ẩm, nhưng lại kích thích người Việt đổ xô tới các cửa hàng vàng mua bán náo nhiệt hơn. Qua nhiều năm, số vàng người Việt tích trữ đã vượt xa NHTW nhiều quốc gia.

    Người Việt tích vàng nhiều hơn cả NHTW các nước

    Ở Việt Nam có bao nhiêu vàng là con số không ai thống kê được. Vì vàng được tích trữ từ xa xưa, qua nhiều thế hệ. Gần đây, Việt Nam tăng tích trữ thêm bao nhiêu vàng cũng khó có con số chính xác. Tuy nhiên biến động vàng trong dân cũng có thể khái quát qua một số số liệu.

    Theo Hội Mỹ nghệ kim hoàn đá quý TP.HCM từ năm 1991-2012, Việt Nam nhập khẩu 1000 tấn vàng, tương đương khoảng 50 tấn vàng/năm. Con số này tổng hợp từ Hội đồng Vàng thế giới tại Việt Nam và các doanh nghiệp có hàng xuất nhập khẩu.

    Từ tháng 5-2012, NHNN Việt Nam không còn cấp phép nhập khẩu vàng nữa nên số liệu vàng 9999 nhập khẩu về không được ghi nhận. Hiện nay chỉ ghi nhận số liệu vàng trang sức, mỗi năm Việt Nam sản xuất, tiêu thụ khoảng 50 tấn vàng trang sức, trong đó TP.HCM chiếm 80%.

    Số vàng nhập lậu về Việt Nam hàng năm tất nhiên không có số liệu chính thức. Nhưng với một vụ buôn lậu vàng được phát giác hồi đầu năm cũng cho thấy quy mô vàng nhập lậu cũng không phải là nhỏ. Mới đây, một vụ buôn lậu vàng điển hình được phát giác có khối lượng hơn 6 tấn vàng vận chuyển từ Campuchia về Tây Ninh trên xe chở nước đá, có liên quan tới 3 cửa hàng vàng và một số cửa hàng nhỏ lẻ. Số vàng nhập lậu vào Việt Nam ước tính cao hơn nhiều dự trữ của nhiều NHTW.

    Những con số trên cũng có thể khắc họa được bức tranh thị trường vàng Việt Nam rất sôi động, linh hoạt và đầy trắc ẩn.

    NHTW các nước tích trữ bao nhiêu vàng?

    Theo báo cáo của Hội đồng Vàng thế giới (WGC), trong tháng 1, các ngân hàng trung ương trên toàn cầu đã tăng dự trữ vàng chính thức thêm 39 tấn. Con số này đã cao gấp đôi số lượng mua ròng tháng 12/2023 là 17 tấn.

    Ba NHTW mua vàng mạnh nhất trong tháng 1 là: NHTW Thổ Nhĩ Kỳ mua ròng 12 tấn, kế tiếp NHTW Trung Quốc mua 10 tấn, NHTW Ấn độ mua 9 tấn.

    Động thái liên tục mua vào của các NHTW được cho là một tác nhân kích ứng giá vàng thế giới tăng dựng đứng trong thời gian qua.

    Mặc dù vậy thì số lượng vàng các NHTW các nước tăng dữ trữ cũng không đáng kể so với số vàng giao dịch tại thị trường Việt Nam trong thời sốt giá.

    Chẳng nơi nào dân tình nhốn nháo lên vì vàng như ở Việt Nam

    Vàng thế giới tăng giá được báo chí truyền thông rầm rộ như vậy nhưng cũng chỉ tác động tới nghiệp vụ của dân đầu tư, tài chính. Đối với đời sống dân sinh không mấy tác động.

    Ngay tại thủ phủ vàng Dubai, nơi lúc nào cũng có sẵn 10 tấn vàng giao dịch thì giá vàng tăng cao thậm chí còn làm các giao dịch chậm lại. Tờ Bloomberg News đã thực hiện một cuộc khảo sát tại khu chợ vàng Dubai Gold Souk hồi đầu tháng 3, thời điểm mà giá vàng thế giới chạm mốc 2200 USD/ounce.

    Theo nhân viên bán hàng tại nhiều cửa hàng, lượng mua vàng giao dịch đã giảm mạnh, ước tính 40%. Hầu hết người dân địa phương đến chợ chỉ để xem qua hàng hóa, còn khách du lịch mới là nguồn mua chính. Các cửa hàng vàng thỏi bị ảnh hưởng nặng nề nhất, khi doanh số bán giảm 50%. Chính những nhà giao dịch lâu năm ở những khu chợ vàng lâu đời nhất UAE cũng bất ngờ về đà tăng giá của vàng.

    https://vietluan.com.au/wp-content/uploads/2024/04/fgdfrt56.jpg

    Chợ vàng Gold Souk. Ảnh Getty Images 

    Cùng thời điểm, không khí hoàn toàn ngược lại ở Việt Nam. Vàng càng tăng giá, người dân càng đổ xô đến các tiệm vàng. Nhiều cửa hàng vàng phải hạn mức giao dịch với từng khách hàng để đảm bảo đủ lượng vàng bán ra.

    Nguồn cung khan hiếm, lượng cầu lớn đã đẩy giá vàng trong nước tăng phi mã, ngày càng vượt xa giá vàng thế giới (cả vàng SJC cũng như vàng nhẫn 9999)

    Tại thời điểm 14h45 ngày 11/4, hệ thống cửa hàng Bảo tín Minh Châu báo giá vàng SJC ở mức 82,45 – 84,3 triệu đồng/lượng (mua vào – bán ra), giá vàng nhẫn ở mức 74,88-76,88 triệu đồng/lượng (mua vào – bán ra). Trong khi đó, giá vàng thế giới quy đổi theo tỷ giá ngân hàng (đã bao gồm thuế phí) là 71,88 triệu đồng/lượng, thấp hơn vàng SJC 13 triệu đồng/lượng, vàng nhẫn là 5 triệu đồng/lượng.

    Có thể, tâm lý đám đông, mong muốn kiếm lợi cộng thêm nỗi sợ hãi bị hao hụt tài sản của người dân đã khiến thị trường vàng Việt Nam trở nên hỗn loạn, đẩy giá, đầu cơ chưa từng có.

    Tiếp tục họp bàn về quản lý thị trường vàng

    Phương Nguyên/VNTB

    12/4/2024

     VNTB – Tiếp tục họp bàn về quản lý thị trường vàng

     (VNTB) – Hôm 10-4-2024, theo kế hoạch thì Thủ tướng Phạm Minh Chính cùng Phó Thủ tướng Lê Minh Khái lại họp bàn về vấn đề quản lý thị trường vàng.

    Chốt phiên giao dịch chiều 9-4, giá vàng SJC được Tập đoàn DOJI niêm yết ở ngưỡng 82,5 – 84,7 triệu đồng/lượng (mua vào – bán ra). Chênh lệch giá mua – bán vàng SJC tại DOJI niêm yết ở ngưỡng 2,2 triệu đồng/lượng. So với chốt phiên giao trước giá vàng SJC được DOJI điều chỉnh tăng 3 triệu đồng/lượng chiều mua vào, và tăng 2,6 triệu đồng/lượng chiều bán ra.

    Ghi nhận trên thị trường cho thấy mức chênh lệch mua vào – bán ra vàng SJC đang bị một số đơn vị kinh doanh trong nước đẩy lên tới 2,2 triệu đồng/lượng. Điều này khiến nhà đầu tư đối diện nguy cơ thua lỗ khi mua vàng.

    Vàng bạc đá quý Sài Gòn niêm yết ở mức 74,3 – 75,7 triệu đồng/lượng chiều mua vào – bán ra. So với chốt phiên giao dịch hôm qua, giá vàng nhẫn được Vàng bạc đá quý Sài Gòn điều chỉnh tăng 1,4 triệu đồng/lượng cả hai chiều mua vào và bán ra. Giá vàng trong nước tăng được nhận định một phần do chịu tác động từ giá vàng thế giới. Chỉ trong vòng một tháng qua, giá vàng thế giới đã tăng đến hơn 168 USD/ounce. Tính đến 17g30 ngày 9-4, giá vàng thế giới niêm yết trên Kitco ở ngưỡng 2.356,9 USD/ounce.

    Hiện giá vàng thế giới quy đổi theo tỷ giá niêm yết khoảng 71,4 triệu đồng/lượng, thấp hơn vàng nhẫn trơn tới 5,6 triệu đồng/lượng và thấp hơn vàng miếng SJC khoảng 13,3 triệu đồng/lượng. Biến động tăng nhanh hơn thế giới lại khiến khoảng cách chênh lệch giá vàng trong nước và quốc tế giãn rộng.

    Một cuộc họp tầm Chính phủ về quản lý thị trường vàng sẽ diễn ra trong ngày 10-4-2024 dưới sự chủ trì của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính và Phó thủ tướng Lê Minh Khái.

    Danh sách khách mời rất rộng: Thống đốc Ngân hàng Nhà nước; lãnh đạo các bộ, cơ quan ngang Bộ Công an, Bộ Công thương, Tài chính, Thông tin và Truyền thông, Tư pháp, Khoa học và Công nghệ, Kế hoạch và Đầu tư, Thanh tra Chính phủ, Ngân hàng Nhà nước; lãnh đạo Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Việt Nam, Ngân hàng TMCP Ngoại thương Việt Nam, Ngân hàng TMCP Công thương Việt Nam, Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam; lãnh đạo Hiệp hội Kinh doanh vàng, cùng các cơ quan ban ngành.

    Trước đó, từ cuối năm ngoái, ngày 27-12-2023, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã ký Công điện 1426/CĐ-TTg về các giải pháp quản lý thị trường vàng trong đó, yêu cầu Thống đốc Ngân hàng Nhà nước, “tổng kết thực hiện Nghị định số 24/2012/NĐ-CP ngày 03 tháng 4 năm 2012 của Chính phủ về quản lý hoạt động kinh doanh vàng để kịp thời đề xuất cấp thẩm quyền xem xét sửa đổi, bổ sung các quy định, bảo đảm nâng cao hiệu lực, hiệu quả công cụ quản lý nhà nước đối với thị trường vàng, phát triển thị trường minh bạch, lành mạnh, hiệu quả và bền vững, hoàn thành trong tháng 01 năm 2024”.

    Thế nhưng từ đó đến nay không rõ vì sao mà mọi chuyện vẫn dậm chân tại chỗ, và thị trường vàng ở Việt Nam tiếp tục tăng vọt ở giá cao.

    “Tháng trước tôi đã mua vào, đến thời điểm xuất hiện tin đề xuất bỏ độc quyền vàng miếng tôi định bán nhưng vẫn giữ. Đến nay giá vàng lên rất cao, tôi vẫn tiếp tục mua. Nếu vàng có dấu hiệu quay đầu tôi sẽ bán ra” – một khách hàng nhận định.

    Đáng nói, giá vàng liên tục tăng cao khiến nhiều người bất ngờ. “Sắp tới, tôi có việc cần dùng đến vàng nên tham khảo giá từ hôm qua. Hôm nay đi mua đã là giá khác. Không ngờ giá vàng lại cao như vậy” – một khách hàng khác ý kiến.

    Xem ra bất chấp kêu gọi của Chính phủ cũng như cảnh báo của giới phân tích cho rằng giá vàng có thể điều chỉnh do đang ở vùng quá mua và tăng quá nóng trong thời gian ngắn, kim loại quý vẫn tăng dựng đứng qua từng phiên, và Ngân hàng Nhà nước vẫn tiếp tục giữ thế độc quyền thị trường này.

    Bà Trương Mỹ Lan bị tuyên tử hình

    Phạm Toàn

    12/4/2024

    https://vietluan.com.au/wp-content/uploads/2024/04/truong-my-lan-700x480.jpg

    Bà Trương Mỹ Lan. (Ảnh: vov.vn) 

    Sau hơn một tháng xét xử và nghị án kéo dài, ngày 11/4, TAND TP.HCM đã tuyên án đối với bị cáo Trương Mỹ Lan và đồng phạm.

    Theo đó, HĐXX TAND TP.HCM đã tuyên phạt bà Trương Mỹ Lan 20 năm tù về tội Vi phạm quy định về cho vay, tử hình về tội Tham ô tài sản, 20 năm tù tội Đưa hối lộ. Tổng hợp mức án là tử hình.

    Hội đồng xét xử nhận định quá trình điều tra, diễn biến phiên tòa, lời khai của các bị cáo phù hợp với các tài liệu chứng cứ có trong hồ sơ vụ án, có đủ cơ sở xác định bà Trương Mỹ Lan là chủ của Tập đoàn Vạn Thịnh Phát.

    Ngoài bị cáo Trương Mỹ Lan, hội đồng xét xử còn tuyên các mức án: Trương Huệ Vân (TGĐ Công ty Tập đoàn quản lý Bất động sản Windsor) – cháu gái bà Trương Mỹ Lan – mức án 17 năm.

    Chu Lập Cơ (Chủ tịch HĐQT Công ty CP Đầu tư Times Square) – chồng bà Trương Mỹ Lan – mức án 9 năm.

    Nguyễn Văn Hưng (Nguyên Phó Chánh Thanh tra phụ trách Cơ quan Thanh tra, giám sát ngân hàng, Ngân hàng Nhà nước) mức án 11 năm.

    Theo cáo buộc, sau khi hợp nhất 3 ngân hàng thành Ngân hàng thương mại cổ phần Sài Gòn (Ngân hàng SCB), bị cáo Trương Mỹ Lan nắm giữ 91,5% cổ phần.

    Nắm trong tay SCB, bị cáo Trương Mỹ Lan đã thao túng toàn bộ hoạt động của ngân hàng này, sử dụng SCB như một công cụ tài chính, huy động tiền gửi và vốn từ các nguồn khác, sau đó chỉ đạo rút tiền bằng cách tạo lập các khoản vay khống, phục vụ cho mục đích cá nhân.

    Trong vòng 10 năm, từ 2012 đến 7/10/2022, bị cáo Trương Mỹ Lan gây thiệt hại cho SCB 498.000 tỷ đồng.

    Để thực hiện việc thao túng SCB, bị cáo Lan đã sắp xếp, bố trí những người thân tín vào các vị trí chủ chốt của ngân hàng này như Chủ tịch HĐQT, Tổng giám đốc, Phó Tổng giám đốc…

    Tại phiên tòa, các bị cáo nguyên là cán bộ, nhân viên của Ngân hàng SCB, Tập đoàn Vạn Thịnh Phát; bị cáo Chu Lập Cơ và cháu gái Trương Huệ Vân, đều thừa nhận hành vi phạm tội và khai làm theo chỉ đạo của bị cáo Trương Mỹ Lan, trong khi bà Lan vẫn một mực phủ nhận tội danh bị cáo buộc.

    Bị cáo khai, bản thân chỉ nắm giữ 4,9% cổ phần SCB, 2 người con gái mỗi người 5% và 30% là của cổ đông nước ngoài; các bạn bè ở Việt Nam nắm 30%.

    Về cáo buộc đưa người thân tín vào SCB nắm giữ các chức vụ quan trọng, bà Lan khẳng định, những người ở SCB không phải thân tín của mình.

    Trong phần luận tội, đại diện VKS cho rằng, bị cáo Trương Mỹ Lan có vai trò chủ mưu, cầm đầu nhưng không thừa nhận hành vi phạm tội của mình, ngoan cố, đổ lỗi cho nhân viên cấp dưới, không ăn năn hối cải… nên cần loại ra khỏi đời sống xã hội vĩnh viễn.

    Thách thức của nhà sản xuất xe điện Việt Nam VinFast đang làm gia tăng rủi ro cho công ty mẹ Vingroup

    12/04/2024 

    Reuters

    Cù Tuấn, biên dịch

    12-4-2024

    HÀ NỘI, ngày 12 tháng 4 (Reuters) – Với tư cách là tập đoàn lớn nhất Việt Nam, Vingroup mở rộng hoạt động kinh doanh xe điện với các kế hoạch mở rộng toàn cầu đầy tham vọng, tập đoàn này phải đối mặt với rủi ro tài chính ngày càng tăng do VinFast đang thua lỗ.

    Theo phân tích của Reuters về hồ sơ chứng khoán gần đây và thông tin do công ty cung cấp, sự tăng trưởng nhanh chóng của VinFast phụ thuộc vào doanh số bán hàng cho các công ty liên kết và dự kiến sẽ tiếp tục như vậy trong năm nay.

    Những phát hiện này cũng nhấn mạnh những rủi ro đối với công ty mẹ Vingroup, khi VinFast lỗ tổng cộng 5,7 tỷ USD trong ba năm qua. Giá cổ phiếu của Vingroup đã giảm 38% kể từ khi VinFast niêm yết tại Mỹ vào tháng 8 năm ngoái và chi phí đi vay của tập đoàn này cũng đã tăng lên.

    Theo hồ sơ của Ủy ban Chứng khoán và Giao dịch Hoa Kỳ vào cuối tháng 3, VinFast đã nhận được 11,4 tỷ USD vốn đầu tư từ Tập đoàn Vingroup, các công ty liên kết và tỷ phú sáng lập tập đoàn Phạm Nhật Vượng từ khi thành lập vào năm 2017 đến ngày 31 tháng 12 năm 2023.

    Tháng trước, Vingroup đã công bố bán cổ phần và tài sản trị giá 1,6 tỷ USD của đơn vị bán lẻ Vincom Retail, một trong những công ty con tạo ra lợi nhuận chính, cùng với công ty con bất động sản Vinhomes. Vinhomes vẫn có lãi nhưng đang phải đối mặt với thị trường bất động sản đầy thách thức. Vingroup nói với Reuters rằng một phần số tiền thu được sẽ được chuyển cho VinFast, vì VinFast có tiềm năng tăng trưởng cao hơn.

    Nhưng VinFast hiện tại đang gặp khó khăn trong việc thâm nhập ngay cả thị trường quê nhà, với bằng chứng 82% doanh thu bán xe năm ngoái trị giá 1,1 tỷ USD đã đến từ các công ty thuộc Tập đoàn Vingroup hoặc thuộc sở hữu của ông Phạm Nhật Vượng, người đồng thời là Giám đốc điều hành của VinFast và kiểm soát gần 98% cổ phiếu niêm yết trên Nasdaq của công ty.

    Reuters cho biết, gần như toàn bộ doanh số bán lẻ của VinFast tại Việt Nam cũng được hỗ trợ bởi các chương trình giảm giá mạnh được đưa ra thông qua chiến dịch tiếp thị chung với Vinhomes.

    Mức độ phụ thuộc của VinFast vào các công ty Vingroup về bán hàng và tài chính vẫn chưa được báo cáo. Cho đến nay, VinFast cho biết khoảng 70% lượng xe bán được trong năm ngoái thuộc về Green SM (GSM), công ty điều hành taxi và nhà cung cấp dịch vụ cho thuê, với sở hữu 95% thuộc về ông Vượng.

    Ngoài doanh số bán xe ô tô điện và xe máy điện trị giá 839 triệu USD cho GSM, VinFast còn có hợp đồng bán xe điện trị giá 57 triệu USD với Vinhomes, hợp đồng bán xe điện trị giá 1 triệu USD với Vingroup và doanh số bán xe buýt điện trị giá 7 triệu USD cho VinBus vào năm ngoái.

    VinFast cũng đã tặng voucher trị giá lên tới 350 triệu đồng (14.000 USD) mỗi chiếc cho người mua nhà mới của Vinhomes vào năm ngoái. Hồ sơ cho thấy doanh số bán xe điện từ chương trình giảm giá này đã tạo ra khoảng 14% doanh thu xe điện, có thể chiếm gần như toàn bộ doanh số bán lẻ của hãng tại Việt Nam.

    Việc giảm giá mạnh này cho thấy rõ áp lực bán hàng mà VinFast đang phải đối mặt khi các dòng sản phẩm từ xe thể thao đa dụng VF8 đến crossover VF5 vẫn chưa thu hút được sự quan tâm đáng kể từ người mua lẻ, khiến tỷ lệ sản xuất đang ở mức không có lãi.

    35.000 chiếc xe ô tô điện của VinFast đã được bán ra vào năm ngoái, thấp hơn mục tiêu đặt ra là 50.000 chiếc. Con số này chỉ chiếm một phần rất nhỏ trong tổng công suất sản xuất 300.000 xe/năm tại nhà máy ở Hải Phòng. Năm nay VinFast đặt mục tiêu đạt doanh số 100.000 xe khi mở rộng trên toàn cầu.

    “KHÔNG BỀN VỮNG”

    GSM, công ty đã thúc đẩy tăng trưởng doanh số bán hàng của VinFast kể từ khi thành lập năm ngoái, đã ký một thỏa thuận trị giá 419 triệu USD chưa được báo cáo trước đó với VinFast vào cuối năm ngoái để nhận thêm 14.600 xe điện, theo các tài liệu cho thấy. Vingroup, công ty xử lý thông tin truyền thông cho VinFast và GSM, nói với Reuters rằng hãng taxi này đặt mục tiêu tăng gấp đôi số lượng tài xế lên tới 50.000 trong năm nay.

    Không giống như các đối thủ Đông Nam Á Grab và Gojek của GoTo, GSM sở hữu xe taxi và tài xế được trả lương, một chiến lược giúp hãng tăng trưởng nhanh chóng nhưng cũng làm tăng chi phí. Dữ liệu ngành taxi cho thấy GSM chiếm 18% thị trường dịch vụ gọi xe tại Việt Nam trong quý 4, chỉ xếp sau Grab.

    Kengo Kurokawa, người đứng đầu công ty nghiên cứu Asia Plus, cho biết ông không nghĩ mô hình kinh doanh gọi xe của GSM là bền vững do cơ cấu chi phí cao và khả năng sinh lời thấp của thị trường. Ông nói: “Phần lớn nó chỉ có ý nghĩa khi được coi là một công cụ quảng cáo cho VinFast.”

    Vingroup cho biết khả năng sinh lời của GSM sẽ không phải ngay lập tức mà sẽ xảy ra “trước năm 2030” và các tài xế cũng có thể trở thành đối tác thay vì nhân viên nếu sở hữu xe VinFast. Họ từ chối đưa ra dự báo về doanh số bán xe dự kiến của VinFast cho GSM trong năm nay nhưng cho biết nhà điều hành taxi này đang đàm phán với VinFast “để tăng thêm quy mô đội xe của mình”.

    NHÀ ĐẦU TƯ ĐANG LO NGẠI

    Mục tiêu tăng gần gấp ba doanh số bán xe trong năm nay của VinFast giờ đây có vẻ khó khăn hơn do nhu cầu xe điện toàn cầu suy yếu mạnh, có thể buộc hãng này phải tìm kiếm thêm hỗ trợ tài chính từ Vingroup khi phải vật lộn để làm an lòng các nhà đầu tư chiến lược mà hãng cho biết đã lập danh sách khi đưa cổ phiếu ra công chúng vào năm ngoái.

    Cổ phiếu của nhà sản xuất xe điện này đã giảm 97% kể từ mức đỉnh ngay sau khi ra mắt khi vốn hóa thị trường của hãng này vượt qua hãng sản xuất ô tô truyền thống Ford của Mỹ. VinFast hiện có giá trị 9,2 tỷ USD.

    Khi VinFast thua lỗ, tỷ suất lợi nhuận ròng của Vingroup giảm gần một nửa trong năm ngoái xuống còn 1,2%.

    “Chúng tôi hy vọng rằng mối lo ngại của các nhà đầu tư sẽ dần giảm bớt”, Vingroup cho biết và cho biết thêm họ “sẽ thực hiện các cam kết còn lại với VinFast”, từ đó sẽ chuyển sang “mức độc lập tài chính lớn hơn”.

    Theo hồ sơ, VinFast có kế hoạch chi tiêu vốn lên tới 1,5 tỷ USD trong năm nay và người sáng lập công ty đã cam kết chi ra 400 triệu USD để xây dựng các trạm sạc tại Việt Nam.

    Vingroup cho biết ông Vượng đã cam kết đầu tư nhiều hơn vào VinFast nếu cần thiết, một chiến lược mà chính ông Vượng đã thừa nhận vào năm ngoái rằng nó không có nhiều ý nghĩa về mặt kinh tế.

    “Nếu chỉ vì kinh doanh và kiếm tiền, ban lãnh đạo Vingroup sẽ không ngu ngốc mà lao vào lĩnh vực khó khăn như sản xuất ô tô”, ông Vượng nói tại Đại hội cổ đông hồi tháng 5.

    “Vingroup quyết định tạo ra VinFast xuất phát từ trách nhiệm xã hội và lòng yêu nước.”

    (1 USD = 24.950 VND)

    Triều cường gây ngập TPHCM và các tỉnh từ Bà Rịa Vũng Tàu đến Cà Mau

    RFA
    12/4/2024

    Triều cường gây ngập TPHCM và các tỉnh từ Bà Rịa Vũng Tàu đến Cà Mau

    Đỉnh triều đợt này xuất hiện vào ngày 10-11/4 

    https://www.rfa.org/++plone++rfa-resources/img/icon-zoom.pngTPO/Nh.L 

    Tại thành phố Hồ Chí Minh, mặc dù trời không mưa nhưng toàn bộ tuyến đường Trần Xuân Soạn, quận 7 và một số tuyến trũng, thấp đã ngập nước do ảnh hưởng của triều cường.

    Truyền thông trong nước vào ngày 11/4 cho biết triều cường năm nay đến sớm hơn và cao hơn với cùng kỳ năm trước từ sáu đến tám centimet.

    Cùng ngày, tại Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL), nước thượng nguồn về ít khiến các đợt triều cường đẩy nước biển vào sâu trong các nhánh sông gây nên tình trạng mặn xâm nhập. Trên sông Sài Gòn, ranh mặn 4‰ (độ mặn gây hại cho nhiều loại cây trồng) đã xâm nhập sâu nhất đến 76 km, mức độ rủi ro cấp độ ba.

    Tờ Thanh Niên loan, tính đến ngày 10/4, có đến 25/28 trạm đo ở ĐBSCL độ mặn cao nhất đã cao hơn với cùng kỳ năm trước. Đặc biệt, trên sông Hàm Luông (Bến Tre) độ mặn đo được lớn hơn cùng kỳ năm 2023 đến 7,6 g/l, nhiều trạm cao hơn cùng kỳ năm trước phổ biến mặn hơn từ 3 - 5 g/l.

    Các chuyên gia nhận định, triều cường đợt đầu tháng ba âm lịch sẽ kéo dài đến ngày 13/4. Đến cuối tháng 4 từ ngày 22 đến 28/4, Nam bộ sẽ tiếp tục đón đợt triều cường cao thứ hai, đẩy ranh mặn 4‰ tiếp tục xâm nhập sâu vào các nhánh sông chính ở ĐBSCL thêm khoảng năm km.

    Theo Đài Khí tượng thủy văn khu vực Nam bộ, riêng đối với TPHCM, độ mặn lớn nhất tại hầu hết các trạm đo xuất hiện vào đợt triều cường hiện tại, cao hơn cùng kỳ năm 2023 và trung bình nhiều năm.

    Thông tin từ Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn Quốc gia cho biết, từ chiều tối 10 đến ngày 11/4, ven biển các tỉnh, thành phố từ Vũng Tàu đến Cà Mau có mực nước cao nhất là 4 - 4,1m. Do đó, người dân đề phòng nguy cơ ngập do triều cường ở các khu vực trũng thấp và vùng ngoài đê bao các tỉnh, thành phố từ Vũng Tàu trở vào đến Cà Mau.


    Không có nhận xét nào