Header Ads

  • Breaking News

    Chuyện Việt Nam ngày Thứ năm 25 tháng 4 năm 2024

    Quê Hương tổng hợp

    Tòa Lâm Đồng tuyên phạt YouTuber Dương Tuấn Ngọc 7 năm tù 

    25/4/2024 

    VOA Tiếng Việt 

    Ông Dương Tuấn Ngọc tại phiên tòa ngày 24/4/2024 ở Lâm Đồng. Photo CAND.

    Ông Dương Tuấn Ngọc tại phiên tòa ngày 24/4/2024 ở Lâm Đồng. Photo CAND. 

    Hôm 24/4, một tòa án ở Lâm Đồng tuyên phạt ông Dương Tuấn Ngọc 7 năm tù và 3 năm quản chế về tội “tuyên truyền chống nhà nước”, do ông bị nhà chức trách quy là đã “nói xấu” chế độ và “xúc phạm” lãnh tụ.

    Các trang báo mạng nhà nước dẫn cáo trạng tường thuật rằng từ năm 2012 đến tháng 7/2023, ông Dương Tuấn Ngọc đã tạo ra 106 bài viết, 37 video clip “có nội dung sai sự thật, bóp méo tình hình thực tế, xuyên tạc, phỉ báng chính quyền nhân dân, nói xấu chế độ Xã hội chủ nghĩa” ở Việt Nam.

    Ngoài ra, Hội đồng xét xử còn cho rằng ông Ngọc “đả kích các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước trong các lĩnh vực chính trị, kinh tế, xã hội; xuyên tạc lịch sử; nói xấu, xúc phạm lãnh tụ Hồ Chí Minh hoặc bôi nhọ lãnh đạo cấp cao của đảng”.

    Nhà chức trách cho rằng những việc làm này của ông “có tính chất, mức độ rất nghiêm trọng và nguy hiểm cho xã hội, đã xâm phạm đến an ninh quốc gia, gây ảnh hưởng xấu tới tình hình an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội”.

    Trang Công an Nhân dân của Bộ Công an cho hay ông Ngọc, người bị bắt vào tháng 7/2023, đã “thừa nhận” trước tòa về mọi hành vi vi phạm pháp luật của mình, đồng thời “bày tỏ sự ăn năn, hối cải”.

    “Đây lại là một trường hợp nữa về việc chính phủ Việt Nam trừng phạt một người chỉ trích chính phủ mà ông ấy không hề làm gì hơn ngoài việc thực thi quyền tự do ngôn luận cơ bản của mình”, bà Patricia Gossman, Phó Giám đốc và Biên tập viên cao cấp, Ban Á châu của tổ chức Theo dõi Nhân quyền (HRW), nhận định với VOA về bản án của ông Ngọc.

    “Chính phủ Việt Nam nên trả tự do cho ông Dương Tuấn Ngọc và ngừng sử dụng Điều 117 Bộ luật hình sự để bắt bớ những người kêu gọi cải cách”, bà Gossman kêu gọi.

    VOA đã liên lạc với Bộ Ngoại giao Việt Nam và đề nghị họ bình luận về phát biểu trên của HRW, nhưng chưa được trả lời.

    Chính quyền Việt Nam vào các dịp khác nhau thường lên tiếng bác bỏ các cáo buộc vi phạm nhân quyền, khăng khăng rằng các quyền của công dân luôn được đảm bảo, và chỉ bắt giam, xét xử những ai “vi phạm pháp luật”.

    Vương Đình Huệ chính thức rút lui khỏi chính trường!

    Lê Văn Đoành

    25/4/2024

    Trận thư hùng nổi tiếng nhất trong lịch sử đảng Cộng sản Việt Nam, giữa Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ với Bộ trưởng Công an Tô Lâm mà mọi người chờ xem, rất tiếc đã không xảy ra, khi mà họ Vương sớm buông súng xin hàng.

    Nhanh hơn dự đoán của mọi người, Vương Đình Huệ, Uỷ viên Bộ Chính trị khóa 12 và 13, chủ tịch Quốc hội khóa 15, đã làm đơn xin thôi tất cả các chức vụ trong đảng và quốc hội, rút lui khỏi chính trường.

    Sau khi Ủy ban Kiểm tra Trung ương công bố quyết định “Tuyệt Mật” số 163-QĐ/UBKTTW ngày 19-4-2024, nội dung “Kiểm tra khi có dấu hiệu vi phạm đối với đồng chí Vương Đình Huệ”, thì năm ngày sau, tức ngày 24-4-2024, ông Huệ đã viết đơn gởi tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng, Bộ Chính trị và Ban Bí thư để xin dừng cuộc chơi.

    https://baotiengdan.com/wp-content/uploads/2024/04/1-51-190x300.png

    https://baotiengdan.com/wp-content/uploads/2024/04/1-95-300x247.jpg

    Ảnh: Quyết định Kiểm tra của UBKT Trung ương. Nguồn: Tiếng Dân 

    Mặc dù Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng đã cố gắng hết sức để “giải cứu” Vương Đình Huệ, nhưng ông cũng đành “bó tay”. Mọi tài liệu, chứng cứ “án tại hồ sơ”, nằm trên bàn làm việc của Tổng bí thư, Uỷ ban Kiểm tra Trung ương, Ban Nội chính và Bộ Công an, đều chống lại nỗ lực của Chủ tịch Quốc hội và cả người đỡ đầu cho ngài Chủ tịch.

    Bản thân Vương Đình Huệ phải chịu trách nhiệm của người đứng đầu, theo quy định của Đảng và pháp luật của Nhà nước, khi để cấp dưới lộng hành, núp bóng ông để can thiệp, lấy dự án cho các tập đoàn và nhận hối lộ với số tiền lên đến cả ngàn tỷ đồng.

    Ông Huệ bị cho là đã vi phạm quy định về những điều đảng viên không được làm, trách nhiệm nêu gương của cán bộ, đảng viên. Ngoài ra, những người hạ bệ ông Huệ còn có chứng cứ về việc ngài Chủ tịch có nhiều quan hệ phức tạp, không trong sáng, vi phạm “đạo đức và lối sống”.

    Những người “xử” Huệ cho rằng, các sai phạm của ông rất nghiêm trọng, ảnh hưởng đến uy tín của đảng, gây bức xúc trong các tầng lớp đảng viên và cả dư luận xã hội hiện nay.

    Hôm nay, Bộ Chính trị khoá 13 nhóm họp khẩn cấp tại Hà Nội để xem xét đơn và đồng ý cho ông Vương Đình Huệ được thôi các chức vụ, theo “nguyện vọng” ông Huệ trình bày trong đơn.

    Bộ Chính trị sẽ triệu tập Hội nghị Trung ương bất thường vào chiều thứ Sáu, ngày 26-4-2024, để Ban Chấp hành Trung ương Đảng khoá 13, xem xét theo nguyện vọng, ban hành nghị quyết, cho ông Vương Đình Huệ thôi giữ các chức vụ Uỷ viên Bộ Chính trị, Uỷ viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng khoá XIII, thôi chức Chủ tịch Quốc hội nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, thôi làm đại biểu quốc hội nhiệm kỳ 2021 – 2026, để “về vườn làm người tử tế”.

    Như vậy, “bộ ngũ”, tức năm nhân vật chủ chốt lãnh đạo đảng và nhà nước từ đầu khoá 13 đến nay, chỉ còn hai người: Nguyễn Phú Trọng và Phạm Minh Chính.

    https://baotiengdan.com/wp-content/uploads/2024/04/1-52-300x200.png

    Ảnh: “Bộ ngũ” triều đình, ba nhân vật đánh dấu đã bị knock out, hiện chỉ còn hai người. Nguồn: MTTQ/ Tiếng Dân edited 

    Dự kiến tại Hội nghị Trung ương bất thường lần này, Ban Chấp hành Trung ương sẽ giới thiệu nhân sự để Quốc hội bầu Chủ tịch Quốc hội thay thế Vương Đình Huệ và Chủ tịch nước thay ông Võ Văn Thưởng, là người đã bị truất phế hồi tháng trước.

    Có thông tin, bà Nguyễn Thị Vân Chi, phu nhân của ông Vương Đình Huệ, hiện không có mặt ở Việt Nam. Bà Chi là đại biểu quốc hội khoá 14 và 15, đơn vị Nghệ An. Bà giữ chức Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính, Ngân sách của Quốc hội; Phó Chủ tịch Nhóm Nghị sĩ hữu nghị Việt Nam-Séc.

    Nếu không có gì thay đổi, thì trung tuần tháng 5-2024 Hội nghị Trung ương 9 khoá 13 sẽ diễn ra. Dự kiến hội nghị này sẽ bầu bổ sung 3 ủy viên Bộ Chính trị, để thay thế số ủy viên Bộ Chính trị bị khuyết và để dễ phân công công tác lãnh đạo chủ chốt của đảng.

    Từ nay đến ngày khai mạc đại hội 14, nhiệm kỳ 2026-2031, (dự kiến khai mạc vào tháng 1-2026) sẽ còn nhiều diễn biến khó lường, bởi vì nhân sự trong Bộ Chính trị hiện nay, ngoài Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng, tất cả đều có “tì vết” trong quá khứ. Chỉ cần một phe nào đó “khai hỏa” thì những tì vết dù không lớn, cũng sẽ biến thành “quả bom” gây rúng động chính trường hoặc nổ tung cung đình!

    Việt Nam: Đợt Kiểm định UN cần kêu gọi cải cách khẩn cấp

    25/4/2024

    VNTB

    HRW – Việt Nam: Đợt Kiểm định UN cần kêu gọi cải cách khẩn cấp

    Các nước thành viên cần nêu bật tình trạng thiếu tự do ngôn luận, tự do tôn giáo và xét xử công bằng

    (Geneva) –Tổ chức Nhân quyền đề cập trong một tờ trình gửi UN rằng các quốc gia thành viên Liên Hiệp Quốc nên vận dụng đợt kiểm định sắp tới về nhân quyền của Việt Nam tại Hội đồng Nhân quyền Liên Hiệp Quốc để gây sức ép với chính quyền Việt Nam nhằm chấm dứt việc đàn áp bất đồng chính kiến và đè nén các quyền cơ bản khác. Đợt Kiểm điểm Định kỳ Phổ quát (UPR) đối với Việt Nam sẽ diễn ra vào ngày mồng 7 tháng Năm năm 2004 tại Geneva.

    Hồ sơ nhân quyền của chính quyền Việt Nam đã xấu đi rõ rệt kể từ đợt kiểm định định kỳ trước, vào tháng Giêng năm 2019. Tháng Hai vừa qua, chính phủ Việt Nam, từng phê phán quy chế UPR là “không khách quan,” đã đệ trình bản tự kiểm về nhân quyền lên Hội đồng Nhân quyền.

    “Chính phủ các quốc gia thành viên của Hội đồng Nhân quyền Liên Hiệp Quốc đừng để chính quyền Việt Nam gây nhiễu bằng nỗ lực tẩy trắng hồ sơ nhân quyền tồi tệ của họ,” bà Elaine Pearson, Giám đốc Ban Á châu của Tổ chức Nhân quyền nói. “Các quốc gia thành viên Liên Hiệp Quốc nên nhân dịp đợt kiểm định để lên tiếng về chính sách đè nén một cách có hệ thống các quyền dân sự và chính trị của chính quyền Việt Nam và đòi hỏi cải cách thực sự.”

    Tổ chức Theo dõi Nhân quyền nói rằng tờ trình của chính phủ Việt Nam cho Liên Hiệp Quốc đầy rẫy thông tin sai lạc về quyền tự do ngôn luận và tự do báo chí ở Việt Nam. Hiện có hơn 160 người đang bị giam giữ ở Việt Nam vì phê phán chính quyền, hành vi bị hình sự hóa trong bộ luật hình sự. Tất cả báo chí trong nước đều dưới sự kiểm soát của Đảng Cộng sản Việt Nam, và Việt Nam đứng thứ ba thế giới về số lượng nhà báo bị giam giữ. Nhà cầm quyền giám sát ngặt nghèo mạng internet, và hành vi đăng tải hoặc chia sẻ nội dung phê phán chính quyền trên mạng có thể dẫn tới án tù dài hạn.

    Tính từ tháng Giêng năm 2019 đến tháng Tám năm 2023, nhà cầm quyền Việt Nam đã truy tố và kết tội ít nhất là 139 người vì phê phán chính quyền hoặc tham gia các tổ chức ủng hộ dân chủ, tất cả đều bị xử án tù nhiều năm. Trong số đó có blogger nổi tiếng Phạm Đoan Trang, người sẽ được nhận Giải thưởng Tự do Cho Người Cầm bút PEN/Barbey của năm 2024 vào ngày 16 tháng Năm tới.

    Tính từ tháng Tám năm 2023, chính quyền đã kết án tù thêm 23 người chỉ vì ôn hòa thực hành các quyền dân sự và chính trị của mình, và xét xử họ từ 9 tháng đến 13 năm tù giam. Trong bốn tháng đầu năm 2024, công an đã bắt ít nhất 11 người với các cáo buộc mang động cơ chính trị, trong đó có các nhà hoạt động nhân quyền nổi tiếng Nguyễn Chí Tuyến và Nguyễn Vũ Bình, và các nhà vận động tự do tôn giáo Thạch Chanh Đa Ra và Kim Khiêm.

    Những người bị bắt với cáo buộc mang động cơ chính trị phải đối mặt với thời gian tạm giam nhiều tháng trời mà không được gặp gỡ luật sư. Chính quyền có khi còn không cho người nhà tham dự phiên tòa. Các phiên xử nhà hoạt động nhân quyền chỉ kéo dài trong vài giờ, không đủ thời gian tranh biện thực sự, hay kiểm tra chéo các vật chứng đúng nghĩa. Việt Nam không có nguyên tắc suy đoán vô tội hay quyền được xét xử công bằng.

    Dù chính phủ công khai phủ nhận, nhà cầm quyền Việt Nam thường xuyên tổ chức các “phiên xử lưu động” ở các không gian công cộng để làm nhục bị các bị cáo và gia đình họ trước cả khi có phán quyết. Từ năm 2019 đến năm 2023, Việt Nam đã tổ chức các phiên tòa lưu động tại ít nhất là 55 trong số 58 tỉnh và các thành phố lớn như Hà Nội, Hải Phòng, Cần Thơ, Thành phố Hồ Chí Minh và Đà Nẵng. Tính riêng trong bốn tháng đầu năm 2024, các phiên tòa lưu động đã diễn ra ở ít nhất là 39 tỉnh và cả năm thành phố nêu trên.

    Ngày 16 tháng Giêng, một tòa án ở Đắk Lắk mở phiên tòa lưu động xét xử 100 bị cáolà những người bị cáo buộc tội khủng bố vì tấn công vào các trụ sở chính quyền khiến chín người bị chết vào tháng Sáu năm 2023. Ngày 20 tháng Giêng, tòa án đó đã kết luận có tội và xử tất cả 100 người án tù từ chín tháng đến chung thân, với thời gian tranh tụng cho mỗi bị cáo kéo dài không tới 24 phút.

    Theo Tổ chức Theo dõi Nhân quyền, quyền tự do tôn giáo ở Việt Nam cũng bị kiểm soát ngặt nghèo. Tất cả các tổ chức tôn giáo được phép hoạt động phải được chính quyền công nhận chính thức và đặt dưới sự quản lý của ban trị sự do nhà nước chuẩn thuận. Các nhóm tôn giáo không được chính quyền thừa nhận sẽ bị dán nhãn “tà đạo.”

    Các nhóm tôn giáo độc lập không được công nhận phải đối mặt với nguy cơ bị theo dõi, sách nhiễu và đe dọa liên tục, các tín đồ có thể bị đấu tố đông người, buộc từ bỏ đạo, tùy tiện câu lưu, thẩm vấn thô bạo, tra tấn, và bỏ tù.

    Tháng Mười hai năm 2023, Y Bum Bya, 49 tuổi, ở tỉnh Đắk Lắk cho biết ông đã bị công an câu lưu, thẩm vấn và đánh đập vì liên quan tới Hội thánh Tin lành Đấng Christ Tây Nguyên, một nhóm tôn giáo bị chính quyền dán nhãn “phản động.” Ông cũng bị đấu tố đông người và buộc tuyên bố từ bỏ đạo trên truyền hình. Ngày mồng 8 tháng Ba, có tin ông nhận được một cuộc gọi của công an và rời nhà. Một tiếng sau, ông được phát hiện đã tử vong vì treo cổ trong một nghĩa trang ở địa phương. Trong chừng mực mà Tổ chức Theo dõi Nhân quyền có thể biết, giới chức hiện không tiến hành điều tra về cái chết của ông.

    “Hết vụ vi phạm này đến vụ vi phạm khác – đó chính là lý do các quốc gia hữu quan cần lên tiếng về hồ sơ nhân quyền tồi tệ của Hà Nội,” bà Pearson nói. “Các quốc gia thành viên Liên Hiệp Quốc không những cần gây sức ép với Việt Nam trong kỳ kiểm định để yêu cầu những thay đổi thực sự, mà còn cần tiếp tục theo sát để đảm bảo rằng các cải cách được thực hiện trên thực tế.”

    Sài Gòn – Chặt hàng trăm cây làm Metro 2, chặt cứ chặt!

    Cù Mai Công

    Saigon Nhỏ 

    24 tháng 4, 2024

    https://saigonnhonews.com/wp-content/uploads/2024/04/CMC-Sai-Gon-1280x887.jpg

    Một góc Sài Gòn trơ trụi. (Hình: CMC) 

    Hè 2024, giữa cơn nắng hạn tơi tả suốt cả tháng chưa thấy chấm dứt, người Sài Gòn bần thần, bàng hoàng nghe tin hơn 450 cây xanh dọc tuyến Metro 2 sẽ bị chặt bỏ, một số ít trong đó người ta gọi là bứng dưỡng và… trồng nơi khác (!).

    Số cây sẽ bị chặt để làm Metro 2 nhiều gần gấp ba số cây cổ thụ huyền thoại đẹp mê hồn bị chặt bỏ trên đường Tôn Đức Thắng. Hàng cây ấy “về sau và nhiều năm sau nữa,” nhiều thế hệ người Sài Gòn sẽ vẫn còn đau thắt ruột khi nhắc tới. Còn hiện nay con đường này trơ trọi, nắng chang chang; không có việc, không ai muốn qua lại.

    Số cây sẽ bị chặt dư để lấp đầy khu công viên 30-4 rộng 3.5 hecta trước Dinh Độc Lập hoặc công viên Lê Văn Tám gần 6 hecta mà chúng ta vẫn gọi là những “lá phổi xanh” giữa thành phố. Thế nhưng, với đủ lý do và lý do nào cũng có vẻ hợp lý, bất chấp một câu nói quen thuộc: “Không đánh đổi môi trường lấy tăng trưởng kinh tế.”

    Chúng ta tiếp tục nghe những lời hứa “tái tạo mảng xanh” không biết bao giờ thực hiện khi công trình này may mắn xong trong 10 năm. Nên nhớ tuyến Metro 1 tới nay đã 16 năm vẫn chưa xong.

    Cho tới giờ, dọc tuyến này, cả một vùng trời khô khốc, oi nhiệt bê tông. Nếu may mắn người ta thực hiên lời hứa thì phải thêm chục năm nữa mới có kết quả. Tuy nhiên, ở công trình Metro 2, mảng xanh chỉ được tái tạo ở các nhà ga. Nghĩa là Sài Gòn sẽ mất vĩnh viễn nhữngg hàng cây xanh dọc tuyến này?

    Chúng ta đã chứng kiến ba đại lộ đầy cây xanh, sầm uất nhất Sài Gòn đã bị “sa mạc hóa” ra sao: Tôn Đức Thắng, Nguyễn Huệ và Lê Lợi. Và ai cũng biết ba đại lộ giữa trung tâm Sài Gòn ấy từng đẹp đẽ ra sao; nhiều cây cối mát mẻ ra sao; buôn bán sầm uất, khách qua lại tấp nập ngày đêm ra sao.

    Đại lộ Tôn Đức Thắng trước 1975 là cung đường Cường Để tạo nên “khung trời đại học” thơ mộng, lãng mạn thứ hai của Sài Gòn; cuối thập niên 1990 từng là một trong những cung đường được xếp hạng đẹp nhất Việt Nam.

    Hai đại lộ Nguyễn Huệ, Lê Lợi – hai dòng kinh/đường nước đầu thời Pháp thuộc bị lấp thì sau đó cả trăm năm, luôn là cung đường “ngựa xe như nước, áo quần như nêm” tạo nên bộ mặt đô thị bậc nhất của một Sài Gòn phát triển, thay đổi từng ngày.

    Dù có thay đổi thế nào thì những hàng cây trên ba đại lộ ấy vẫn đứng đó, tầng tầng lớp lớp cành lá chống nắng, chắn mưa từ trên cao 10-15-20m cho các con đường. Các mái hiên nhà ở tầng trệt nhô ra một, hai thước tạo lớp chống nắng, chắn mưa thứ hai. Những rèm che ở tầng một, tầng hai rủ xuống tạo lớp chống nắng, chắn mưa thứ ba.

    Du khách ngoài đường, cư dân trong nhà sống với thiên nhiên, thời tiết vốn ngún ngoảy của đô thị lớn nhất nước như vậy. Nên cả ba, từ xưa không ai có thể phủ nhận một điều: đều là những cung đường đẹp nhất góp phần tạo nên hình ảnh một “Hòn Ngọc Viễn Đông.”

    Không chỉ đẹp mà còn giàu, sầm uất, tấp nập cả ngày lẫn đêm; mang về cho cư dân sống trên đó và cho ngân sách những khoản thu khổng lồ.

    Những ngày cũ, quá khứ của ba đại lộ ấy đã làm được điều này – đơn giản không chỉ là những khối kiến trúc chống nắng che mưa mà còn không thể thiếu những hàng cây điều hòa nhiệt độ, sinh thái môi trường. Các nhà khoa học đã khẳng định: dưới những tàng cây, nhiệt độ giảm 10-14 độ.

    https://saigonnhonews.com/wp-content/uploads/2024/04/CMC-Sai-Gon-khong-bong-cay-scaled.jpg

    Nỗi khổ của những người nghèo dưới nắng cháy, thèm khát bóng cây. (Hình: CMC) 

    Để làm Metro 1, một hàng cây cổ thụ hai bên đường Lê Lợi đã bị “đào tận gốc, trốc tận rễ.”

    Ngay sau đó và cho tới nay, nắng Sài Gòn đã phủ chang chang trên những cung đường ấy, khô khốc. Nóng bức, không đẹp đã đành, việc kinh doanh ở đó đã không còn như cũ khi khách qua lại chỉ đi vội cho nhanh. Người ta vừa trồng lại hàng cây mới, phải nhiều năm sau mới có bóng mát như xưa.

    Giờ một ít cây cổ thụ còn lại trên đường Lê Lợi cũng sẽ bị đốn sạch cho tuyến Metro 2.

    Những cây me non cũng đã được trồng lại trên đường Tôn Đức Thắng và hình như nó trồng gần sát nơi những hàng cổ thụ cũ. Thậm chí từ ngã tư Lê Duẩn đến gần cầu, đi qua đây, tôi vẫn tự hỏi: tại sao không giữ lại những hàng cây ấy khi nó không ảnh hưởng đến cầu. Ngược lại, những hàng cây dẫn lên cầu, phủ bóng thành cầu rõ ràng đẹp và mát biết bao nhiêu.

    Những hàng cây non đã được trồng lại trên đường Nguyễn Huệ. Phải gần chục năm nữa, bóng mát của chúng có thể sẽ che mát hai bên, nếu không bị chặt, di dời. Còn bây giờ, “phố đi bộ” Nguyễn Huệ chỉ có người đi bộ lúc sáng sớm và đêm về. Khi nắng đã lên, cả cung đường trơ trọi trong nắng Sài Gòn ai cũng biết nó như thế nào.

    Không ít vị nói kiên quyết lắm: “Không đánh đổi môi trường lấy tăng trưởng kinh tế.” Hay quá, hồng phúc thay cho dân Sài Gòn! Mong quý vị làm, đừng “đánh trống bỏ dùi” kiểu quen thuộc lâu nay.

    Nếu được như vậy, tôi tin đa số người dân Sài Gòn và cả khách nước ngoài sẽ biết ơn và trăm năm sau sẽ vẫn nhắc quý vị. Như tới giờ người ta vẫn nhắc những con đường Sài Gòn rợp bóng cây trăm năm trước.

    Tổng giám đốc Tổng Công ty Khánh Việt tự tử vì sợ tù tội?

    Nguyễn Nam/VNTB

    25/4/2024

    VNTB –  Tổng giám đốc Tổng Công ty Khánh Việt tự tử vì sợ tù tội?

     (VNTB) – Lá thư được lan truyền trên mạng xã hội sau tin tức Bí thư đảng uỷ, Tổng Giám đốc Tổng công ty Khánh Việt được cho thương vong vì tai nạn… té lầu.

    Ngày 20-4-2024, trang web của Tổng Công ty Khánh Việt (Khatoco) đăng bản tin cáo phó về lễ tang của ông Phan Quang Huy. Trong bản cáo phó, Đảng ủy, Hội đồng thành viên, Ban Tổng giám đốc công ty Khánh Việt cho hay ông Huy chết vì “tai nạn”. 

    Lá thư tuyệt mệnh viết gì?

    Ngay sau tin tức trên, mạng xã hội bất ngờ xuất hiện bức thư cho là thư tuyệt mệnh của ông Phan Quang Huy gửi lại vợ con trước lúc ra đi được đánh máy, và thêm những dòng chữ viết tay. 

    Trong thư, ông Huy thừa nhận phải chịu rất nhiều áp lực trong công việc do cơ chế hiện nay.  Ông cho biết “gần đây lại có tin về việc rà soát khu nghỉ dưỡng cao cấp Bảo Đại” bên cạnh những côn trình như “cao ốc Khách sạn – Thương mại Khatoco tại số 7-9 đường Biệt thự. Dự án khu phức hợp Thương mại-Khách sạn-Căn hộ Tropicana cũng thuộc diện phải rà soát“. Việc các dự án Tổng công ty đã liên doanh, liên kết với các đối tác để triển khai thực hiện cách đây mười mấy năm bị diều tra là chuyện không trước thì sau cũng sẽ diễn ra. 

    Ông Huy cam kết với con cái rằng ông không tham nhũng nhưng cũng “không thể tránh khỏi các sai sót trong quá trình định giá tài sản, góp vốn đầu tư bởi tư duy, quy trình của mười mấy năm trước khác hẳn với những qui định hiện hành của thời bây giờ.

    Ông Huy đã tìm cách giải thoát cho bản thân thoát khỏi ám ảnh tù tội do “vi phạm quy định của Nhà nước gây hậu quả nghiêm trọng, thiếu tinh thần trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng” sau nhiều đêm thao thức, những suy nghĩ liên miên và cả sợ đến bủn rủn chân tay. 

    Từ kinh nghiệm của bản thân, ông Huy khuyên hai con của mình: “trong bối cảnh như hiện nay, hai con tốt nhất không làm trong lĩnh vực kinh tế, không làm trong các cơ quan Nhà nước, không làm trong các doanh nghiệp Nhà nước, không làm quản lý vì tiềm ẩn rất nhiều rủi ro pháp lý không bao giờ có thể lường trước hết được, vì mỗi ngày đều phải xử lý rất nhiều việc nên chắc chắn rằng trong suốt cuộc đời sẽ không tránh khỏi rất nhiều lần đưa ra những quyết định sai.

    Hai Con nên tìm kiếm những công việc nào mà sau 8 giờ làm việc không phải bận tâm suy nghĩ nữa là tốt nhất. Chỉ cần đủ ăn, sống vui vẻ, không phải lo lắng gì là hạnh phúc nhất rồi.

    Với vợ ông dặn dò “Mẹ thương Ba thì tuyệt đối không được cứu chữa mà hãy để cho Ba ra đi càng sớm càng tốt, vì hiện nay Ba sống không bằng chết, Ba chịu đựng hết nỗi rồi”.

    Chia sẻ của cộng đồng: thể chế nó là vậy!

    Với nội dung trên, ý kiến chung là chia sẻ đồng cảm của cộng đồng. Bên cạnh cũng có nhận xét lý tính, là không nhận tiền không có nghĩa là không nhận những lợi ích khác, chẳng hạn như sự đỡ đầu, thăng tiến, chức vụ.

    Bởi thông thường lãnh đạo doanh nghiệp nhà nước nghe cấp trên chỉ đạo dù biết sai vẫn phải làm, vì cấp trên là người đưa mình lên, không làm theo hay phật ý sếp sẽ bị trù đuổi ngay. Đó là sự đánh đổi, tư duy là có ô dù bảo kê…

    Thực tế gần đây cho thấy những thông tin chính thức và thông tin đồn đại xung quanh những vụ án như “giải cứu”, Việt Á… những vụ hối lộ như vụ Vạn Thịnh Phát, Phúc Sơn, Thuận An… thì chúng ta sẽ thấy, để điều hành một doanh nghiệp ở đất nước này, bất kể đó là doanh nghiệp nhà nước hay tư nhân, mỗi loại hình sẽ gặp khó khăn tương tự nhau. Doanh nghiệp nhỏ thì khó khăn nhỏ, doanh nghiệp lớn thì khó khăn lớn.

    “Muốn “sống” được, doanh nghiệp phải biết “cuốn theo chiều gió”. Nhưng có “cuốn” thì cũng phải biết “cuốn” làm sao cho an toàn. Khi gió đổi chiều thì phải biết “gió chiều nào xoay chiều ấy”. Chứ còn “cuốn” đến mức trở thành sân sau của “ai đó”, thì khi “ai đó khác” muốn diệt “ai đó”, sẽ không có cơ hội để xoay chiều, và sẽ bị tiêu diệt” – bác sĩ Võ Xuân Sơn chia sẻ trên tài khoản cá nhân facebook.

    Theo ông Sơn, thì, “chỉ khi leo lên được tột đỉnh, thì mới không cần phải “cuốn theo chiều gió”, không cần “gió chiều nào xoay chiều ấy”. Nhưng khi đó, lại phải biết ủ mưu, phải đủ tàn nhẫn để duy trì vị trí. Tất nhiên, những người như vậy thì cả đời phải luôn tìm cách lên chức, giữ chức… Cả đời ủ mưu, cả đời tàn nhẫn”.

    Và kết luận của ông Sơn là: “Ở xứ sở này, trong thể chế này, người ngay thẳng, lương thiện không thể thành đạt. Ở xứ sở này, trong thể chế này, nếu có ước mơ, hoài bão… và muốn thành công, thì vừa phải biết “cuốn theo chiều gió”, vừa phải biết “gió chiều nào xoay chiều ấy” đúng lúc, kịp thời”.

    Vietnam Airlines lỗ hơn 5.000 tỷ đồng trong năm 2023

    24/4/2024

    Vietnam Airlines lỗ hơn 5.000 tỷ đồng trong năm 2023

    Một máy bay Airbus A350 của Vietnam Airlines sắp hạ cánh ở sân bay Heathrow ở London hôm 10/5/2020 (minh họa) 

    https://www.rfa.org/++plone++rfa-resources/img/icon-zoom.pngAFP 

    Hãng hàng không Quốc gia Việt Nam (Vietnam Airlines) trong năm 2023 lỗ trước thuế hợp nhất 5.363 tỷ đồng và lỗ sau thuế hợp nhất 5.623 tỷ đồng.

    Báo cáo tài chính của Vietnam Airlines cho thấy các số liệu vừa nêu và truyền thông Nhà nước loan đi ngày 23/4/2024.

    Tổng tài sản của hãng này giảm hơn 4.230 tỷ đồng so với cùng kỳ năm 2022, xuống mức 49.932 tỷ đồng. Tài sản dài hạn giảm 5.316 tỷ đồng, tài sản ngắn hạn chỉ tăng 1.078 tỷ đồng.

    Vốn chủ sở hữu giảm gần 4.800 tỷ đồng, xuống mức âm 8.378 tỷ đồng.

    Nợ phải trả của Vietnam Airlines tăng 1,0% so với cùng kỳ năm 2022, lên mức 58.310 tỷ đồng. Nợ  phải trả ngắn hạn tăng 17,5%, lên mức 45.296 tỷ đồng. Cơ cấu nợ phải trả cuối năm 2023 gồm nợ phải trả dài hạn chiếm 22,3%; nợ phải trả ngắn hạn chiếm 77,7%.

    Năm 2023 là một năm tiếp tục đầy khó khăn cho Vietnam Airlines. Lý do được nêu ra là thị trường hàng không quốc tế chưa hoàn toàn hồi phục.

    Hơn bảy triệu mét khối nước từ Hồ Dầu Tiếng được xả về Sông Vàm Cỏ Đông để đẩy mặn

    24/4/2024

    Hơn bảy triệu mét khối nước từ Hồ Dầu Tiếng được xả về Sông Vàm Cỏ Đông để đẩy mặn

    Đập ở hồ Dầu Tiếng 

    https://www.rfa.org/++plone++rfa-resources/img/icon-zoom.pngBáo Tây Ninh 

    Công ty Trách nhiệm Hữu hạn (TNHH) Một thành viên (MTV) Khai thác Thủy lợi miền Nam tăng cường xả hơn bảy triệu mét khối nước từ Hồ Dầu Tiếng về Sông Vàm Cỏ Đông, tỉnh Long An, để đẩy mặn.

    Sở Nông nghiệp & Phát triển Nông thôn (NN-PTNT) tỉnh Long An ngày 23/4 thông báo như vừa nêu. Cụ thể, tổng lượng nước xả từ ngày 23 đến 28 tháng tư sẽ là 7,13 triệu m3. Nước được xả về Sông Vàm Cỏ Đông qua K1+500 kênh tiêu Phước Hồ Bến Đinh với lưu lượng 15m3/giây.

    Sở NN-PTNN tỉnh Long An cho biết do nắng nóng gay gắt và xâm nhập mặn tăng cao kéo dài tại tỉnh này. Mực nước trên các kênh, rạch xuống thấp.

    Xâm nhập mặn trên Sông Vàm Cỏ Đông và Vàm Cỏ Tây sâu vào nội địa hơn 100 kilomet tính từ cửa Sông Soài Rạp.

    Vào ngày 17/4 vừa qua, Ủy ban Nhân dân tỉnh Long An đã công bố tình huống thiên tai xâm nhập mặn tại địa bàn tỉnh này thuộc rủi ro thiên tai cấp độ bốn.


    Không có nhận xét nào