Header Ads

  • Breaking News

    Chuyện Việt Nam ngày Thư năm 11 tháng 4 năm 2024

    Quê Hương tổng hợp

    Hãng hàng không Quốc gia VN ký kết thỏa thuận hợp tác với các công ty Trung Quốc

    RFA

    10/4/2024

    Hãng hàng không Quốc gia VN ký kết thỏa thuận hợp tác với các công ty Trung Quốc

    Lễ ký các văn kiện hợp tác giữa doanh nghiệp Việt Nam và Trung Quốc trong lĩnh vực hàng không và du lịch. 

    https://www.rfa.org/++plone++rfa-resources/img/icon-zoom.pngCổng thông tin điện tử Quốc hội 

    Hãng hàng không Quốc gia Việt Nam (Vietnam Airlines) vào ngày 10/4 ra thông báo về việc ký kết các văn kiện hợp tác với nhiều doanh nghiệp Hoa Lục. Những văn kiện này được ký kết trong khuôn khổ chuyến thăm Trung Quốc của Chủ tịch Quốc hội Việt Nam, ông Vương Đình Huệ.

    Theo thông báo của Vietnam Airlines những thỏa thuận hợp tác giữa hãng này với các doanh nghiệp Trung Quốc liên quan đến lĩnh vực hàng không, du lịch, vận tải hàng hóa, hậu cần…Tất cả được ký kết từ ngày 9 đến 11/4; và tổng giá trị của các hợp đồng trị giá gần 450 triệu USD.

    Mạng báo AviationWeek Network chuyên về lĩnh vực hàng không, không gian vào ngày 9/4 loan tin Vietnam Airlines và hãng China Southern dự định tăng cường mối quan hệ qua kế hoạch thành lập một liên doanh. Hai hãng lâu nay là đối tác chuyến bay liên danh (codeshare) và vào tháng 9/2022 đã ký thỏa thuận tăng cường hợp tác.

    Ngoài thỏa thuận vừa nêu, Vietnam Airlines cùng Saigon Tourist ký kết Biên bản Ghi nhớ (MOU) trong hợp tác hàng không- du lịch với hai đối tác Trung Quốc là Công ty Trách nhiệm Hữu hạn (TNHH) Công nghệ Hàng không Thượng Hải Boxi và Công ty Beijing Cosmos Travel International.

    Vietnam Airlines ký MOU với Công ty TNHH Dịch vụ Hàng không Vạn Quân Thượng Hải trong lĩnh vực vận tải hàng hóa.

    Vào ngày 12/4, Vietnam Airlines sẽ trao đổi MOU với Công ty Dịch vụ Hàng không Quảng Châu Vietnam Holidays về hợp tác thuê chuyến đến Việt Nam.

    Việt Nam ‘ưu tiên’ khởi công đường sắt cao tốc tới Trung Quốc trước năm 2030 

    10/4/2024 

    VOA Tiếng Việt 

    Tàu vận chuyển hàng hoá từ Việt Nam sang châu Âu xuất phát từ ga Đồng Đăng sang hướng đường sắt Trung Quốc. Ảnh: VNR.

    Tàu vận chuyển hàng hoá từ Việt Nam sang châu Âu xuất phát từ ga Đồng Đăng sang hướng đường sắt Trung Quốc. Ảnh: VNR. 

    Việt Nam đặt mục tiêu khởi công xây dựng hai tuyến đường sắt cao tốc nối thủ đô Hà Nội với Trung Quốc trước năm 2030, theo thông báo của Văn phòng Chính phủ Việt Nam được truyền thông trong nước đăng tải hôm 10/4 cho biết.

    Đây được xem là một dấu hiệu khác cho thấy mối quan hệ nồng ấm lên gần đây giữa hai quốc gia láng giềng do Cộng sản cai trị, theo nhận định của Reuters.

    Trung Quốc là đối tác thương mại lớn nhất của Việt Nam và là nguồn nhập khẩu quan trọng cho lĩnh vực sản xuất của Việt Nam. Hai nước hiện đã được kết nối thông qua hệ thống đường cao tốc và hai tuyến đường sắt cũ, mà phía Việt Nam cần phải nâng cấp.

    Một trong những tuyến đường cao tốc sẽ chạy từ các thành phố cảng Hải Phòng và Quảng Ninh của Việt Nam qua Hà Nội đến tỉnh Lào Cai, giáp ranh với tỉnh Vân Nam của Trung Quốc, theo Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho biết trong một thông báo đưa ra vào cuối ngày 9/4 được Reuters trích dẫn.

    Theo kế hoạch, tuyến còn lại sẽ chạy từ Hà Nội đến tỉnh Lạng Sơn, giáp khu vực Quảng Tây của Trung Quốc, đi qua khu vực đông dân cư với các cơ sở sản xuất toàn cầu, trong đó có một số thuộc sở hữu của các nhà đầu tư Trung Quốc.

    "Ưu tiên chuẩn bị và khởi công trước năm 2030 tuyến đường sắt tốc độ cao Lào Cai - Hà Nội - Hải Phòng - Quảng Ninh và tuyến đường sắt tốc độ cao Lạng Sơn - Hà Nội kết nối với Trung Quốc", VnEpxress dẫn thông báo kết luận của thường trực Chính phủ về quy hoạch vùng đồng bằng sông Hồng thời kỳ 2021-2030 với tầm nhìn đến năm 2050, nói.

    Thông báo không cung cấp thêm thông tin chi tiết về các dự án.

    Vẫn theo VnExpress, Thường trực Chính phủ cho biết mục tiêu của việc nghiên cứu mở rộng, phát triển, tổ chức giao thông là nhằm giải quyết tắc nghẽn trong khu vực, và các cơ quan được yêu cầu rà soát tuyến đường hành lang công nghiệp để bảo đảm kết nối giao thông, giảm thiểu chi phí logistic cho việc phát triển công nghiệp.

    Đầu tháng này, Việt Nam nói đang tìm cách học hỏi Trung Quốc để phát triển mạng lưới đường sắt cao tốc đầu tiên và đã cử quan chức đến làm việc với các công ty đường sắt Trung Quốc.

    Một tuyến đường sắt cao tốc khổng lồ nối thủ đô Hà Nội với trung tâm thương mại Thành phố Hồ Chí Minh cũng đang được lên kế hoạch.

    Chủ tịch Quốc hội Việt Nam Vương Đình Huệ đã gặp lãnh đạo các công ty đường sắt Trung Quốc hôm 8/4 trong chuyến thăm Bắc Kinh, nơi ông được Chủ tịch Tập Cận Bình đón tiếp.

    Thông báo mới nhất được đưa ra sau khi Việt Nam và Trung Quốc ký hàng chục thỏa thuận hợp tác, bao gồm cả về đường sắt, trong chuyến thăm Hà Nội của Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình vào tháng 12.

    Theo dữ liệu của chính phủ Việt Nam được Reuters trích dẫn, thương mại giữa Việt Nam và Trung Quốc trong quý đầu năm nay đã tăng 22% so với một năm trước đó, lên 43,6 tỷ USD.

    Là đối tác thương mại lớn nhất của Việt Nam, nhưng Trung Quốc có những tranh chấp hàng hải kéo dài ở Biển Đông với nước láng giềng phía Nam.

    Mặc dù vậy, những diễn biến gần đây cho thấy căng thẳng đã giảm bớt, khi Bắc Kinh nồng nhiệt đón tiếp một số nhà lãnh đạo từ Việt Nam trong tuần này, giữa bối cảnh nước này chuyển sang tăng cường hợp tác với các nước trong khu vực nhằm giữ khoảng cách với Mỹ.

    Thủ tướng CSVN Phạm Minh Chính nói với Ngoại trưởng Vatican: Việt Nam tôn trọng tự do tôn giáo  

    11/4/2024 

    VOA Tiếng Việt 

    Thủ tướng Việt Nam Phạm Minh Chính tiếp Tổng Giám mục Paul Gallagher, Bộ trưởng Ngoại giao Tòa thánh Vatican, ngày 10/4/2024. Photo VGP.

    Thủ tướng Việt Nam Phạm Minh Chính tiếp Tổng Giám mục Paul Gallagher, Bộ trưởng Ngoại giao Tòa thánh Vatican, ngày 10/4/2024. Photo VGP. 

    Thủ tướng Phạm Minh Chính nói với Tổng Giám mục Paul Gallagher, Ngoại trưởng Vatican, rằng nhà nước Việt Nam theo đuổi chính sách nhất quán “tôn trọng và bảo đảm quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo của người dân”, viện dẫn hệ thống chính sách, pháp luật liên quan được hoàn thiện.
    Khi tiếp nhà ngoại giao hàng đầu của Tòa thánh Vatican hôm 10/4, ông Chính bày tỏ hy vọng người Công giáo Việt Nam phát huy tinh thần “kính Chúa, yêu nước”, “giáo dân tốt là công dân tốt”, “sống tốt đời đẹp đạo, tích cực tham gia xây dựng và chấp hành chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, tiếp tục góp phần củng cố khối đại đoàn kết dân tộc, đoàn kết tôn giáo”, theo Cổng thông tin chính phủ.

    Nhấn mạnh những tiến triển trong quan hệ giữa Việt Nam và Tòa thánh, Thủ tướng Chính nói rằng hai bên duy trì liên lạc cấp cao cũng như hoạt động của Nhóm công tác hỗn hợp Việt Nam-Vatican.
    Ông Chính gọi việc nâng cấp mối quan hệ lên cấp Đại diện Giáo hoàng thường trú là một cột mốc quan trọng và là kết quả của một quá trình trao đổi tích cực trên tinh thần tôn trọng, hợp tác và hiểu biết lẫn nhau.
    Sự hợp tác này “thể hiện Nhà nước Việt Nam luôn tạo điều kiện thuận lợi cho hoạt động của các tôn giáo, trong đó có Công giáo”, ông Chính nói.
    Tổng Giám mục nói ông tin rằng với sự hiểu biết lẫn nhau và “đối thoại chân thành”, mối quan hệ sẽ đạt được tiến bộ mới.
    Hai ông chia sẻ quan điểm về sự cần thiết phải thúc đẩy các cuộc tiếp xúc cấp cao, trong đó có chuyến thăm Việt Nam của Đức Giáo hoàng Phanxicô trong thời gian tới.

    Cũng hôm 10/4, khi tiếp ông Gallagher, Bộ trưởng Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà nói chính quyền Việt Nam “đồng hành” với Hội đồng Giám mục Việt Nam “để phát huy những đóng góp của Công giáo trong lĩnh vực giáo dục, y tế, bác ái-xã hội”.

    Trang la Croix International hôm 10/4 dẫn lời các nhà quan sát cho rằng chuyến thăm Việt Nam 5 ngày của Tổng Giám mục Gallagher tuần này đánh dấu một bước nữa hướng tới việc chính thức khôi phục mối quan hệ giữa Tòa thánh và Việt Nam, vốn đã bị cắt đứt vào năm 1975 khi chính quyền cộng sản thống nhất đất nước và trục xuất Sứ thần Giáo hoàng.

    Mãi đến năm 1990, Tòa thánh mới có thể có những động thái ngoại giao đầu tiên với chính quyền Hà Nội, nhưng tiến độ diễn ra rất chậm và trong khoảng thập kỷ tiếp theo, hai bên hầu như không có tiến triển nhiều ngoài việc các phái đoàn Vatican thực hiện các chuyến thăm hàng năm để họp với các cơ quan chính phủ và thăm các giáo phận Công giáo.
    Một bước đột phá lớn xảy ra vào năm 2007 khi Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng gặp Giáo hoàng Benedict XVI tại Vatican trong chuyến thăm chính thức đầu tiên tới Vatican của một người đứng đầu chính phủ Việt Nam sau hơn 30 năm.
    Vào tháng 2/2009, cuộc họp đầu tiên của Nhóm làm việc chung Việt Nam-Tòa thánh đã diễn ra tại Hà Nội, và vào tháng 12 năm đó, Giáo hoàng Benedict đã hội đàm với Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết, được ca ngợi là “một giai đoạn quan trọng trong tiến trình quan hệ song phương với Việt Nam”.

    Vào năm ngoái, Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng thăm Vatican và chính thức mời Giáo hoàng Phanxicô thăm Việt Nam.

    Trang la Croix International viết rằng chính quyền cộng sản Việt Nam hiện nay vẫn có quyền hạn chế số lượng và quy mô của các giáo xứ địa phương, cũng tổ chức các cuộc tham vấn trước khi bổ nhiệm các giám mục. Tuy nhiên, Vatican không cần sự chấp thuận của Hà Nội trước khi bổ nhiệm giám mục như ở Trung Quốc.
    “Một số vấn đề vẫn còn gây tranh cãi, chẳng hạn như yêu cầu bồi thường tài chính của các giám mục đối với những vùng đất cũ bị chính phủ tịch thu, hoặc quyền tự do mở các trường tiểu học và trung học công giáo trong nước - Giáo hội hiện chỉ có thể điều hành các trường mẫu giáo”, ông Michel Chambon, một nhà thần học và nhân chủng học, một chuyên gia về Công giáo ở Châu Á, nói với trang la Croix. “Rome và các giám mục có thể có những ưu tiên khác nhau trong vấn đề này”.

    Chủ tịch QH CSVN  Vương Đình Huệ mời Huawei ‘tìm hiểu cơ hội đầu tư’ tại Việt Nam 

    11/4/2024 

    VOA Tiếng Việt 

    Chủ tịch Quốc hội Việt Nam Vương Đình Huệ và Chủ tịch Tập đoàn Huawei Lương Hoa, ngày 8/4/2024. Photo TTXVN.

    Chủ tịch Quốc hội Việt Nam Vương Đình Huệ và Chủ tịch Tập đoàn Huawei Lương Hoa, ngày 8/4/2024. Photo TTXVN. 

    Chủ tịch Quốc hội VNCS Việt Nam Vương Đình Huệ mời tập đoàn Huawei của Trung Quốc “nghiên cứu cơ hội đầu tư” tại Việt Nam.
    “Huawei có thể tìm hiểu cơ hội đầu tư tại Việt Nam trong các ngành công nghiệp, trong đó nghiên cứu phát triển các sản phẩm công nghệ cao”, truyền thông Việt Nam dẫn lời ông Huệ nói với Chủ tịch Tập đoàn Huawei Lương Hoa khi phái đoàn của nhà lãnh đạo Việt Nam thăm Trung tâm Nghiên cứu và Phát triển (R&D) của tập đoàn viễn thông hàng đầu của Trung Quốc hôm 8/4.

    Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ bày tỏ ấn tượng khi tham quan triển lãm về quá trình hình thành và phát triển của Tập đoàn Huewei. Ông nói rằng Việt Nam đang thu hút các tập đoàn lớn, trong đó có Huawei, tham gia đóng góp vào quá trình chuyển đổi số tại Việt Nam, Đài Tiếng nói Việt Nam (VOV) tường thuật.
    Ông Huệ khen ngợi Huawei đạt doanh thu gần 100 tỷ USD, trở thành một trong các tập đoàn công nghệ lớn nhất toàn cầu, với nhiều phát minh và bằng sáng chế vượt trội, đi tiên phong trong lĩnh vực công nghệ mới, công nghệ cao.
    Các trang báo của Việt Nam dẫn lời ông Lương Hoa nói rằng Huawei “sẵn sàng cống hiến nhiều hơn nữa cho các lĩnh vực hợp tác với Việt Nam như xây dựng mạng 5G, phát triển nguồn nhân lực công nghệ thông tin”.

    Hồi tháng trước, tại Hà Nội, ông Lâm Bách Phong, Phó Chủ tịch cao cấp Tập đoàn Huawei, Chủ tịch Huawei khu vực châu Á-Thái Bình Dương có cuộc gặp với Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông (TT-TT) Việt Nam Nguyễn Mạnh Hùng và bày tỏ mong muốn hỗ trợ Việt Nam thương mại hóa mạng 5G.
    Ngoài ra, ông Phong còn đề xuất xây dựng Trung tâm Đổi mới sáng tạo 5G tại Việt Nam để giới thiệu tiêu chuẩn kiểm thử 5G và phòng lab, hỗ trợ đào tạo nhân lực số.
    Tập đoàn Huawei của Trung Quốc và giới chức Việt Nam trao đổi về các cơ hội hợp tác này giữa lúc Hoa Kỳ và một số quốc gia phương Tây cấm các công ty của họ mua bán hoặc trao đổi thiết bị viễn thông với Huawei, cho rằng Huawei đe dọa an ninh quốc gia, điều mà Huawei phủ nhận.
    “Lúc đầu nhiều nước thương tây chọn Huawei vì giá rẻ hơn hẳn so với các nhà cung cấp dịch vụ khác, nhưng chung cuộc họ cuối cùng cảnh giác với Huawei và loại Huawei vì lý do an ninh”, ông Nguyễn Hoàng Hải, một chuyên gia trong lĩnh vực công nghệ ở Brussels, Bỉ, nêu ý kiến cá nhân với VOA.
    Ông Hải nhận định thêm rằng việc chính phủ Việt Nam mời gọi Huawei vào đầu tư “nhìn vậy nhưng chưa chắc đã là như vậy, có thể chỉ là để xoa dịu Trung Quốc”, vì ông cho rằng “chưa chắc Huawei đã được đấu thầu các dự án mạng quan trọng tại Việt Nam”, đề cập đến mạng 5G đang được Tập đoàn Viễn thông Quân đội Viettel thực hiện.
    Huawei được xem là một trong những thương hiệu công nghệ toàn cầu đầu tiên của Trung Quốc và là đại diện cho “giấc mơ công nghệ” của nền kinh tế lớn thứ hai thế giới.
    Hoạt động tại Việt Nam hơn 25 năm, Huawei đã có những đóng góp trong việc thúc đẩy chuyển đổi kỹ thuật số ở nước này và bắt đầu tham gia đào tạo nguồn nhân lực trong lĩnh vực công nghệ cao, theo truyền thông trong nước.

    Thủ tướng CS Việt Nam yêu cầu tập đoàn quân đội Viettel phát triển ngành bán dẫn 

    10/4/2024 

    VOA Tiếng Việt 

    Thủ tướng Việt Nam Phạm Minh Chính làm việc với Tập đoàn Công nghiệp - Viễn thông Quân đội (Viettel) vào ngày 9/4/2024.

    Thủ tướng Việt Nam Phạm Minh Chính làm việc với Tập đoàn Công nghiệp - Viễn thông Quân đội (Viettel) vào ngày 9/4/2024. 

    Thủ tướng Việt Nam Phạm Minh Chính vừa yêu cầu Tập đoàn Công nghiệp-Viễn thông Quân đội (Viettel) phát triển ngành công nghiệp chip bán dẫn một cách “hiệu quả và phong phú hơn”, trang tin chính phủ dẫn lời ông Chính cho biết vào cuối ngày 9/4.

    Yêu cầu của ông Chính được đưa ra trong buổi làm việc với Viettel về chương trình T-09 và hoạt động nghiên cứu sản xuất công nghiệp quốc phòng công nghệ cao của Viettel hôm 9/4.

    “Năng lực sản xuất chip bán dẫn hiện còn hạn chế ở rất ít khu vực trên thế giới và Việt Nam quyết tâm theo đuổi và phát triển ngành bán dẫn, xây dựng hệ sinh thái cho ngành này”, Chính phủ dẫn lời ông Chính cho biết trong tuyên bố, theo Reuters.

    “Những sản phẩm do Viettel tự nghiên cứu và phát triển, đặc biệt là các sản phẩm chiến lược đã, đang và sẽ góp phần tạo nền móng để xây dựng nền công nghiệp quốc phòng Việt Nam chủ động, tự lực, tự cường, lưỡng dụng, hiện đại”, ông Chính nói thêm.

    Chính phủ Việt Nam cho biết họ sẽ triển khai một loạt ưu đãi thuế và thành lập quỹ đầu tư trong năm nay để thúc đẩy ngành công nghiệp bán dẫn như một phần trong kế hoạch tăng cường hỗ trợ cho ngành này, theo Reuters.

    Hãng tin Anh đưa tin vào năm ngoái rằng Việt Nam có thể hỗ trợ các công ty trong nước như Viettel xây dựng nhà máy bằng thiết bị nhập khẩu.

    Theo Cổng thông tin điện tử Chính phủ, ông Chính cho biết khi làm việc với lãnh đạo Vittel hôm 9/4 rằng tập đoàn viễn thông này đã “làm chủ các công nghệ lõi của sản phẩm quốc phòng công nghệ cao” cũng như đã “sản xuất thành công và bàn giao một số sản phẩm chiến lược nhằm trang bị trong quân đội.”

    Một số công ty điện tử và bán dẫn toàn cầu bao gồm Intel, Samsung, Amkor, Qualcomm và Marvell đều có cơ sở tại Việt Nam. Vẫn theo Reuters, những công ty này cho biết họ muốn thành lập nhà máy đầu tiên vào cuối thập kỷ này.


    Không có nhận xét nào