Quê Hương tổng hợp
Các hãng pin mặt trời ở Mỹ đòi chính quyền điều tra, áp thuế lên hàng TQ nhập khẩu từ Việt Nam và 3 nước
29/4/2024
Pin mặt trời được lắp đặt tại một nông trại ở bang Indiana, Hoa Kỳ. Một số nhà sản xuất Mỹ hôm 24/4/2024 yêu cầu chính phủ điều tra và áp mức thuế cao lên các sản phẩm pin mặt trời nhập khẩu từ Việt Nam, Malaysia, Campuchia và Thái Lan.
Một số nhà sản xuất thiết bị năng lượng mặt trời lớn nhất thế giới hôm 24/4 cùng lên tiếng yêu cầu chính quyền Tổng thống Joe Biden điều tra và áp mức thuế cao lên các sản phẩm pin mặt trời nhập khẩu từ bốn quốc gia Đông Nam Á, bao gồm Việt Nam, với cáo buộc rằng những sản phẩm rẻ mạt do Trung Quốc sản xuất đến từ các quốc gia này đang tràn ngập thị trường Hoa Kỳ và đe dọa ngành công nghiệp nội địa của Mỹ.
Khiếu nại của 7 công ty, bao gồm Hanwha Qcells của Hàn Quốc, Meyer Burger của Thụy Sĩ, REC Silicon của Na Uy và 4 công ty Mỹ First Solar, Convalt Energy, Mission Solar và Swift Solar, đã được Công ty luật Wiley Rein gửi lên Bộ Thương mại Hoa Kỳ (DOC) và Ủy ban Thương mại Quốc tế (ITC).
Nhóm khiếu nại, có tên là Ủy ban Thương mại Sản xuất Năng lượng Mặt trời của Liên minh Hoa Kỳ, cáo buộc các công ty Trung Quốc đã chuyển hoạt động sản xuất các sản phẩm pin năng lượng mặt trời sang các quốc gia láng giềng để tránh thuế quan hiện hành của Mỹ.
Đơn kiện yêu cầu Bộ Thương mại Hoa Kỳ điều tra các hoạt động thương mại của Việt Nam, Campuchia, Thái Lan, Malaysia, và các mục tiêu mà ITC và Bộ Thương mại Mỹ sẽ tiến hành điều tra sắp tới chủ yếu có trụ sở chính tại Trung Quốc.
Các nhà sản xuất Mỹ cáo buộc rằng chính phủ Trung Quốc đang cung cấp trợ cấp thông qua Sáng kiến Vành đai và Con đường của Bắc Kinh cho các nhà sản xuất ở 4 quốc gia Đông Nam Á.
Tim Brightbill, luật sư thương mại đại diện cho các công ty, nói trong thông cáo báo chí hôm 24/4 rằng ngành năng lượng mặt trời của Hoa Kỳ đang ở vị thế “rất bấp bênh” và các khoản đầu tư được thực hiện thông qua Đạo luật Giảm lạm phát năm 2022 nhằm hỗ trợ cho các doanh nghiệp về năng lượng mặt trời của Mỹ đang bị đe dọa.
“Trung Quốc và các công ty do Trung Quốc sở hữu đang thao túng thị trường nội địa của chúng ta nhằm mang lại lợi ích cho nền kinh tế và lợi ích an ninh quốc gia của họ”, Luật sư Brightbill nói. “Hoa Kỳ quá phụ thuộc vào một đối thủ đã trang bị vũ khí cho chuỗi cung ứng trong quá khứ để có được nguồn năng lượng thiết yếu”.
Khiếu nại yêu cầu Bộ Thương mại Hoa Kỳ áp đặt thuế quan đối với pin mặt trời nhập khẩu từ bốn quốc gia Đông Nam Á như một biện pháp khắc phục.
Cổ phiếu của công ty First Solar đã tăng hơn 1% sau thông tin này, theo CNBC.
Trong năm qua, Hoa Kỳ đã nhập khẩu các sản phẩm năng lượng mặt trời trị giá 12,5 tỷ USD từ các quốc gia này khi giá các sản phẩm năng lượng mặt trời đã giảm xuống khoảng 50%, thấp hơn cả giá thành sản xuất của các công ty ở Mỹ.
CNBC dẫn báo cáo vào tháng 1 của Cơ quan Nguyên tử năng quốc tế cho biết sở dĩ giá tấm pin mặt trời đã giảm mạnh gần 50% trên toàn cầu vào năm 2023 so với năm trước là do công suất sản xuất đã tăng gấp ba lần kể từ năm 2021. Báo cáo nói thị phần của Trung Quốc trong chuỗi cung ứng toàn cầu là từ 80% đến 95%.
Khiếu nại của liên minh các công ty Mỹ được đưa ra trong bối cảnh chính quyền Biden ngày càng gia tăng phàn nàn về năng lực công nghiệp dư thừa của Trung Quốc, đồng thời cảnh báo rằng việc xuất khẩu công nghệ năng lượng xanh và các loại sản phẩm giá rẻ khác của Trung Quốc có nguy cơ làm biến dạng chuỗi cung ứng toàn cầu.
Tuần trước, Tổng thống Biden kêu gọi đại diện thương mại của mình tăng hơn gấp ba lần mức thuế đối với các sản phẩm thép và nhôm từ Trung Quốc, như một phần trong một loạt động thái nhằm giúp các nhà sản xuất Mỹ giảm bớt tình trạng gia tăng hàng nhập khẩu giá rẻ, New York Times cho hay.
Vào tháng 8/2023, Bộ Thương mại Hoa Kỳ xác định rằng các nhà sản xuất Trung Quốc đang vận chuyển các sản phẩm năng lượng mặt trời của họ vào Hoa Kỳ qua ngả Campuchia, Malaysia, Thái Lan và Việt Nam để tránh thuế, nhưng chính quyền Tổng thống Joe Biden đã miễn áp thuế đối với các sản phẩm này để cho các nhà sản xuất năng lượng mặt trời thuộc sở hữu của Trung Quốc ở các quốc gia trên có thời gian để chuyển đổi chuỗi cung ứng của họ.
Tuy nhiên, thông cáo của Công ty luật Wiley Rein nói rằng các công ty bị phát hiện đang lách thuế dự kiến sẽ không phải trả thuế khi lệnh tạm hoãn kết thúc vào tháng 6/2024, bởi vì chuỗi cung ứng có trụ sở tại Đông Nam Á của họ có nghĩa là về mặt kỹ thuật, họ không còn vi phạm quy định như đã nêu trong quyết định về lách thuế.
Các công ty Mỹ cho rằng vụ kiện thương mại mới này là hành động cần thiết để giải quyết các hành vi thương mại không công bằng của các nhà sản xuất năng lượng mặt trời này ở Campuchia, Malaysia, Thái Lan và Việt Nam.
VOA đã gửi yêu cầu bình luận đến đại diện của liên minh các công ty Mỹ và Cục Phòng vệ Thương mại của Bộ Công thương Việt Nam nhưng chưa nhận được phản hồi.
Trên trang thông tin chính thức, Bộ Công thương Việt Nam hôm 26/4 đưa thông tin về việc Bộ Thương mại Hoa Kỳ nhận hồ sơ đề nghị điều tra đối với sản phảm pin năng lượng mặt trời nhập khẩu từ Thái Lan, Malaysia, Campuchia và Việt Nam, đồng thời cho biết thêm trong vụ việc này rằng mặt hàng nói trên từ cả 4 nước đều bị đề nghị điều tra cả về chống bán phá giá và chống trợ cấp.
Bộ này cho biết biên độ chống bán phá giá bị cáo buộc với hàng hóa xuất khẩu từ Việt Nam là 271,45%, cao nhất trong 04 nước bị cáo buộc.
Còn về trợ cấp, “Nguyên đơn cáo buộc các doanh nghiệp sản xuất/xuất khẩu pin mặt trời Việt Nam đã nhận được 31 chương trình trợ cấp từ Chính phủ, gây thiệt hại đáng kể hoặc đe dọa gây thiệt hại đáng kể cho ngành sản xuất nội địa Hoa Kỳ”, Bộ này cho biết thêm.
Dẫn quy định điều tra của Hoa Kỳ, Bộ Công thương Việt Nam cho biết sản phẩm bị điều tra chỉ bị áp thuế chống bán phá giá và chống trợ cấp nếu cả 2 cơ quan chịu trách nhiệm điều tra (DOC và ITC) đều ban hành kết luận khẳng định. Trong điều tra chống bán phá giá, chỉ có doanh nghiệp xuất khẩu là đối tượng bị điều tra, còn với việc chống trợ cấp, chính phủ sẽ là đối tượng bị điều tra.
Truyền thông Mỹ dẫn thông tin từ Luật sư Brightbill cho biết các cuộc điều tra của ITC và Bộ Thương mại Mỹ sẽ mất khoảng 12 tháng mới có kết luận. Ông nói thời gian sớm nhất mà thuế quan có thể được áp dụng là sau khi Bộ Thương mại đưa ra quyết định sơ bộ. Quá trình này sẽ mất khoảng 4 - 6 tháng.
Convalt Energy, First Solar, Meyer Burger, Mission Solar, Qcells, REC Silicon và Swift Solar là những công ty hàng đầu trong ngành sản xuất năng lượng mặt trời với 34.000 công nhân, với kế hoạch tạo thêm hàng chục nghìn việc làm dài hạn và được trả lương cao cho kinh tế Mỹ trong những năm tới. Những khoản đầu tư tập thể này rất quan trọng để đạt được các mục tiêu về khí hậu của Hoa Kỳ, theo thông cáo của Công ty luật Wiley Rein.
https://www.voatiengviet.com/a/7588931.html
Thêm người bị bắt theo Điều 331 “xâm phạm lợi ích Nhà nước”
RFA
28/4/2024
Ông Dương Minh Cường
Công an TP Hà Nội
Ông Dương Minh Cường (28 tuổi, ngụ tại số 5, ngách 35, ngõ 164 Hồng Mai, Quỳnh Lôi, Hai Bà Trưng, Hà Nội) bị bắt theo cáo buộc “Lợi dụng các quyền tự do dân chủ xâm phạm lợi ích của Nhà nước, quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân” quy định tại Điều 331 Bộ luật Hình sự.
Công an thành phố Hà Nội vào ngày 28 tháng tư cho truyền thông Nhà nước biết biện pháp vừa nêu đối với ông Dương Minh Cường. Trước khi bắt ông này, lực lượng chức năng tiến hành khám xét nơi ở của ông.
Viện Kiểm Sát Nhân Dân TP Hà Nội cũng phê chuẩn các biện pháp của phía Công an.
Tin không nêu rõ những hoạt động, hành vi nào của ông Dương Minh Cường đã thực hiện khiến ông bị bắt theo cáo buộc của Công an TP Hà Nội.
Điều 331 Bộ Luật Hình sự Việt Nam lâu nay bị các tổ chức theo dõi nhân quyền cho là “mơ hồ” mà Chính phủ Hà Nội sử dụng nhằm “bịt miệng” những công dân bày tỏ ý kiến cá nhân của họ.
Gần nhất vào ngày 26 tháng tư, Cơ quan Cảnh sát Điều tra thuộc Công an tỉnh Kiên Giang tiến hành khởi tố bị can và bắt tạm giam Facebooker Dương Hồng Hiếu, 46 tuổi, cũng theo cáo buộc “lợi dụng quyền tự do dân chủ” theo Khoản 2, Điều 331 của Bộ luật Hình sự vì chỉ trích một chức sắc cao cấp của Giáo hội Phật giáo Việt Nam.
Báo mạng Kiên Giang nêu rằng từ năm 2020 đến nay, ông Hiếu, đã sử dụng các danh khoản mạng xã hội “Dương Hồng Hiếu,” “Dương Hiếu” và “Phù Dung” để “tự kêu oan, đăng tải nhiều nội dung không đúng sự thật, bịa đặt, vu khống, xuyên tạc, xúc phạm danh dự, nhân phẩm, làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến Ban Trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam tỉnh Kiên Giang và nhiều cá nhân tu sĩ, chức sắc trong Ban trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam tỉnh Kiên Giang”.
Trên trang Facebook “Dương Hồng Hiếu” với hình ảnh của ông Hiếu trong quân phục sỹ quan quân đội và quần áo dân sự, có nhiều bài viết chỉ trích các bài giảng của Thượng toạ Thích Chân Quang, trụ trì chùa Phật Quang ở xã Tân Hải, thị xã Phú Mỹ, tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu.
Bên cạnh việc chỉ trích các bài giảng của thượng toạ Thích Chân Quang, ông Hiếu còn lên tiếng về việc phá huỷ di tích lịch sử chùa Phù Dung và di sản văn hoá núi rừng Bình San ở xã Bình San, thành phố Hà Tiên, tỉnh Kiên Giang.
Xe VinFast ở Mỹ bốc cháy làm chết 4 người, báo Việt Nam đăng rồi gỡ
RFA
29/4/2024
Chiếc xe điện VinFast VF8 ra mắt tại nhà máy ở Hải Phòng năm 2022
Reuters
Một chiếc xe điện của hãng VinFast ở Mỹ đâm vào gốc cây ven đường rồi bốc cháy, cả bốn người trong một gia đình đều thiệt mạng nhưng báo đài Nhà nước im lặng trước thông tin này.
Đài NBC ở Vùng Vịnh (NBC Bay Area) hôm 28/4 cho hay, gia đình bốn người ở thành phố Pleasanton, miền bắc tiểu bang California đi trên một chiếc xe điện hướng về đường Foothill gần Stoneridge Drive vào khoảng 9 giờ tối 24/4/2024 thì gặp nạn.
Cảnh sát cho biết tài xế dường như đã mất lái và va chạm với một cây sồi lớn, sau đó chiếc xe bốc cháy.
Cảnh sát xác định chiếc xe là xe điện VinFast nhưng không cho biết ngay đó là mẫu xe nào. Cảnh sát cho biết tốc độ có thể là một yếu tố gây ra vụ tai nạn này, nhưng cuộc điều tra của họ vẫn đang tiếp tục.
Cơ quan điều tra hạt Alameda vẫn chưa tiết lộ danh tính của những người thiệt mạng trong vụ tai nạn vì họ vẫn đang cố gắng thông báo cho người thân.
Tuy nhiên, những người có mặt tại lễ tưởng niệm những người đã mất hôm Chủ nhật xác định các nạn nhân là Tarun và Rincy George, hai đứa con của họ, Rowan George, học lớp 8 tại trường trung học cơ sở Hart, và Aaron George, học sinh lớp hai tại trường tiểu học Donlon.
Trong khi đó, tạp chí điện tử Người Đưa Tin có cơ quan chủ quản là Hội Luật gia Việt Nam hôm 27/4 đưa tin tức về vụ việc với tiêu đề "Kết quả điều tra ban đầu vụ xe ô tô chở 4 người gặp tai nạn ở Mỹ".
Ngày 29/4, phóng viên truy cập vào đường dẫn trên thì bài viết đã không còn, thay vào đó tờ báo này dẫn người đọc tới một bài viết khác về Ukraine.
Tờ báo Người Đưa tin đưa tin tức về vụ việc nhưng sau đó đã gỡ bỏ không nêu lý do. Ảnh chụp màn hình
Đài KRON4, có trụ sở ở San Franscisco đưa tin tức về vụ tai nạn trên trang web của mình nhưng không nêu tên hãng xe, thay vào đó, bản tin thời sự bằng video do cô Sara Stinson - một nữ phóng viên dẫn và phát trong ngày 26/4 khẳng định “Gia đình này lúc đó đang lái một chiếc VinFast. Đó là một chiếc xe hơi đến từ một hãng Việt Nam, nó được sản xuất ở Việt Nam. Hãng này mới chỉ hoạt động vài năm”.
Phóng viên Sara dẫn lời một người bạn của gia đình nói trong điều kiện không thu hình, cho hay họ muốn cảnh sát điều tra xem liệu chiếc xe này có gặp trục trặc gì không.
Đài CBS News cũng thông tin về vụ việc, cho biết trung úy cảnh sát Erik Silacci của thành phố Pleasanton cũng xác nhận chiếc xe là xe điện do công ty VinFast của Việt Nam sản xuất.
Hãng tin VinFast đến nay chưa đưa ra bất kỳ thông tin gì về vụ việc.
Hàn Quốc tái điều tra chống bán phá giá đối với ván ép Việt Nam
RFA
28/4/2024
Ảnh minh họa: Bên trong một xưởng ván ép tại Việt Nam
Công Thương
Hàn Quốc tái điều tra việc chống bán phá giá đối với sản phẩm ván ép xuất xứ từ Việt Nam giai đoạn 2020-2023.
Truyền thông trong nước ngày 24 tháng tư dẫn nguồn từ Chi hội Gỗ dán Việt Nam như vừa nêu với cảnh báo khi phía Hàn Quốc ra các phán quyết cuối cùng về thuế chống bán phá giá, nhiều doanh nghiệp xuất khẩu sản phẩm này sang Xứ Kim Chi sẽ đối mặt với nguy cơ đóng cửa.
Biên độ mức thuế chống bán phá giá dao động từ 4,2% đến 13,04%.
Phó Chi hội trưởng Chi hội Gỗ dán Việt Nam, ông Trịnh Xuân Dương, được truyền thông Nhà nước dẫn để nghị đưa ra đối với Cục Phòng vệ Thương mại Việt Nam là đề xuất cùng cơ quan quản lý Hàn Quốc giữ nguyên mức thuế chống bán phá giá như lần điều tra trước là 10,45%. Điều này sẽ tạo điều kiện cho các doanh nghiệp Việt Nam duy trì được thị trường và ổn định sản xuất trong tình hình mà kinh tế toàn cầu nói chung đang bị suy giảm.
Thống kê được đưa ra hiện có hơn 150 doanh nghiệp dự kiến phải chịu mức thuế cao hơn 4%.
Cảnh báo từ phía Chi hội Gỗ dán Việt Nam là khi không cạnh tranh nổi, các doanh nghiệp trong ngành phải đóng cửa, công nhân mất việc do hàng trăm nhà máy phải đóng cửa, các nhà cung cấp vật liệu cũng phải dừng hoạt động, rừng không được trồng mới do không có đầu ra…
Dân nuôi cá tra tại Đồng Tháp lỗ mỗi ha trên 200 triệu đồng do giá thấp
RFA
27/4/2024
Ảnh minh họa: Cá da trơn được bày bán ở một ngôi chợ ở Hà Nội vào năm 2003
AFP
Mỗi hecta nuôi cá tra tại tỉnh Đồng Tháp đang phải chịu lỗ trên 200 triệu đồng.
Truyền thông Nhà nước loan tin ngày 24 tháng tư dẫn các lý do lỗ mà Sở Nông nghiệp- Phát triển Nông thông tỉnh này đưa ra gồm vì giá nguyên liệu, vật tư đầu vào tăng, giá cá tra giống tăng,. Cụ thể chi phí trung bình để sản xuất một kg cá tra khoảng 28.256 đồng/kg; trong khi đó giá bán cá tra nguyên liệu tháng tư chỉ ở mức 27.400 đồng/kg.
Người nuôi cá tại tỉnh Đồng Tháp cho biết một ao diện tích mặt nước 1 ha, nuôi cá tra đến sáu tháng tuổi phải tốn 180 bao thức ăn công nghiệp mỗi ngày để có thể đạt năng suất từ 180-280 tấn.
Sở NN-PTNT tỉnh Đồng Tháp đề ra hướng giúp người nuôi cá tra tránh tình trạng lỗ, lãi thất thường bằng cách nâng cao chất lượng sản phẩm, tạo giá trị sản phẩm qua sản xuất bền vững.
Mục tiêu đề ra là tỉnh phấn đấu có 70% cơ sở nuôi cá được số hóa mã nhận diện theo quy định; 90% cơ sở nuôi cá tra thương phẩm được cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện sản xuất hoặc ký cam kết sản xuất thực phẩm an toàn theo quy định; 30% diện tích nuôi cá tra thương phẩm áp dụng và được chứng nhận thực hành nông nghiệp tốt (GAP, và 70- 80% diện tích hộ cá thể nuôi cá tra tham gia liên kết sản xuất-tiêu thụ.
Từ đầu năm 2024 đến nay, Đồng Tháp có gần 1.720 ha diện tích nuôi cá tra; trong số này hơn 364 ha được thu hoạch cho sản lượng hơn 143.000 tấn.
Một linh mục bị triệu tập vì ‘tội’ không thích cờ đỏ
Văn Nam/ Saigon Nhỏ
28 tháng 4, 2024
Linh Mục Nguyễn Duy Tân trước buổi gặp công an, ngày 25 Tháng Tư. (Hình chụp qua YouTube).
Ngày 25 Tháng Tư 2024, Linh Mục Nguyễn Duy Tân phải lên làm việc với công an Đồng Nai, mà theo linh mục chia sẻ là có liên quan đến chuyện treo cờ đỏ trước nhà thờ Bắc Hòa, Đồng Nai.
Câu chuyện có những tình tiết khiến những người nghe qua, đều phải bật cười và xót xa.
Chuyện Linh Mục Nguyễn Duy Tân bị công an triệu tập khiến nhiều người nhớ lại sự kiện của năm 2023, vào lễ Giáng Sinh. Hôm ấy, đột nhiên nhà thờ giáo xứ Bắc Hòa, thuộc giáo phận Xuân Lộc (Ấp Bắc Hòa, xã Bắc Sơn, Trảng Bom, Ðồng Nai) cho treo cờ đỏ.
Treo cờ đỏ để mừng Chúa Giáng Sinh là điều khiến nhiều giáo dân ngỡ ngàng. Nhiều người tức giận, có người đi hỏi thẳng linh mục quản xứ Ngô Duy Hòa, là tại sao lại đồng ý cho làm điều kỳ lạ như vậy? Theo lời Linh Mục Nguyễn Duy Tân kể lại, có ba giáo dân đó là cô Thủy, cô Hạnh và anh Tuấn Anh là những người đã đi gặp các linh mục có trách nhiệm của nhà thờ Bắc Hòa để chất vấn chuyện này.
Không có lời đáp, nhưng sau đó cả ba đều bị công an triệu tập làm việc. Nhiều người ở giáo xứ Bắc Hòa tự hỏi, việc trao đổi gần như là ý kiến riêng tư của giáo dân với linh mục, sao lại trở thành tin báo tố giác với công an?
Nhà thờ Bắc Hòa (trái) và LM Ngô Duy Hòa. (Hình: GX Bắc Hòa)
Linh Mục Nguyễn Duy Tân bị kéo vào cuộc này, vì công an cho rằng ông là người “giật dây” vụ phản đối treo cờ đỏ vào ngày lễ trọng của Công giáo. Theo lời linh mục mô tả, cuộc gặp ngày 25 Tháng Tư, chỉ là cuộc gặp mới nhất trong chuỗi điều tra dài ngày để ghép tội ông.
Công an nói đã tìm thấy chứng cứ sự liên hệ giữa Linh Mục Tân và những người phản đối treo cờ đỏ ở nhà thờ Bắc Hòa, là qua những tin nhắn trong messenger. Khi công an thu giữ điện thoại của cô Thủy, họ tìm thấy những tin nhắn mà cô Thủy hỏi ý kiến Linh Mục Tân về chuyện nhà thờ Bắc Hòa treo cờ đỏ, ông nhắn trả lời nguyên văn rằng “Giáo dân có quyền đến gặp cha chánh xứ để có ý kiến về việc không nên treo cờ đỏ trước cổng nhà thờ.” Công an chụp ngay tin nhắn này, và nói rằng Linh Mục Tân là người giật dây cho một hành động phủ nhận cờ đỏ sao vàng.
Khi công an chất vấn linh mục Tân, vì sao nói là không nên, ông trả lời rằng “Những giáo dân miền Bắc năm 1954, khi nhìn thấy lá cờ này nó sẽ gợi nhớ việc họ đã phải bỏ quê hương để chạy vào Nam. Và nhìn thấy lá cờ này, họ lại nhớ chuyện 30 Tháng Tư 1975, nhiều gia đình bị cướp nhà, cướp đất phải lao đầu ra biển. Lá cờ này chỉ gợi nhớ đến những biến cố đau thương của dân tộc mà thôi.”
“Trong khi nhà nước mình kêu gọi hòa hợp hòa giải dân tộc, thì không nên treo lá cờ này nữa để gợi nhớ những đau thương,” Linh Mục Tân nói.
Việc đối diện với công an và phải trả lời những câu hỏi hóc búa, có vẻ như là chuyện đã rất bình thường đối với Linh Mục Tân, cũng như những người tranh đấu khác ở trong nước. Ông nói “Nếu các đồng chí công an có hỏi tôi có công nhận lá cờ này hay không? Thì tôi sẽ trả lời rằng tôi không có lựa chọn. Còn nếu cho tôi quyền lựa chọn thì tôi sẽ lựa lá cờ vàng vì đó là lá cờ của dân tộc Việt Nam.”
“Tôi nhìn nhận là phải coi cờ đỏ như là quốc kỳ chính thức, nhưng đó là chuyện cưỡng ép. Và đặc biệt là vào ngày 30 tháng Tư, khi tôi nhìn thấy màu cờ đỏ, tôi chỉ tìm thấy sự đau thương của dân tộc,” Linh Mục Tân khẳng định.
Được biết câu chuyện đã kéo dài vài tháng, linh mục cũng như các giáo dân sau khi đi góp ý với cha chánh xứ Ngô Duy Hòa đều bị công an thẩm tra, đe dọa nhiều lần cho đến tận hôm nay, dường như lại là chuẩn bị cho việc treo cờ đỏ trong nhà thờ, vốn lâu nay đã là chủ trương của chính quyền địa phương ở mọi nơi, phối hợp với các linh mục thỏa hiệp.
Được biết nhà thờ Bắc Hòa nằm trong khối xóm đạo của người miền Bắc di cư từ năm 1954, chọn không sống với cộng sản. Giáo dân ở đây, phẩn lớn thuộc vùng Mỏ Thổ – Bắc Ninh, cùng đi theo Linh Mục Giuse Nguyễn Văn Ngự đến lập nghiệp tại cây số 16, 17 dọc quốc lộ 1A và làm nên họ đạo Bắc Hòa (Bắc Ninh – Biên Hòa).
Linh Mục Ngự và giáo dân nơi đây xây dựng nhà thờ khang trang, rộng rãi để làm nơi thờ phượng Thiên Chúa. Năm 1965, khi Giáo Phận Xuân Lộc được thành lập, giáo xứ Bắc Hòa thuộc Hạt Hố Nai II – Giáo phận Xuân Lộc.
Thay máu, và phân hóa các giáo xứ, linh mục, giáo dân ở khu vực này là chiến lược quan trọng của Ban Tôn Giáo CSVN từ nhiều thập niên, nhằm triệt tiêu tất cả những ý nghĩa lịch sử và quá khứ, để đồng hóa mọi thứ với ý nghĩa “tốt đời, đẹp đạo” của nhà nước cộng sản quy định.
Không có nhận xét nào