Header Ads

  • Breaking News

    Chuyện Việt Nam ngày Thứ hai 01 tháng 4 năm 2024

    Quê Hương tổng hợp

    Trên 30 Hội thánh Tin lành tại Việt Nam lên tiếng về các ông Y Bum Bya và Y Krec Bya

    31/3/2024

    VNTB – Trên 30 Hội thánh Tin lành tại Việt Nam lên tiếng về các ông Y Bum Bya và Y Krec Bya

    Trên 30 Hội thánh Tin Lành tại Việt Nam đã có bản lên tiếng về việc ông Y Bum Bya qua đời không rõ lý do sau khi gặp và làm việc với công an địa phương cuối năm 2023 và vụ xử ông Y Krec Bya ngày 28/03/2024.

    Các hội thánh ký tên trong bản lên tiếng yêu cầu chính quyền Việt Nam phải công khai và minh bạch điều tra về cái chết của ông Y Bum Bya cũng như xử lý theo đúng pháp luật những người có liên can đến việc đánh đập và thủ tiêu ông Y Bum Bya.

    Các hội thánh tham gia ký tến phản đối bản án 13 năm tù giam và 5 năm quản chế đối với ông Y Krec Bya vì ông chỉ là một thầy truyền đạo, hoạt động tôn giáo và tranh đấu ôn hòa cho quyền tự do tín ngưỡng và ông  Y Krec Bya chưa từng kêu gọi lật đổ chính quyền như cáo buộc.

    Các hội thánh cũng kêu gọi chính quyền chính quyền Việt Nam trả tự do cho ông Y Krec Bya, đồng thời ngưng các biện pháp sách nhiễu để ngăn chận quyền tự do tôn giáo của người dân.

     

    *****

    BẢN LÊN TIẾNG CỦA CÁC HỘI THÁNH TIN LÀNH

    Chúng tôi gồm một số hội thánh Tin Lành tại Việt Nam xin công bố quan điểm của chúng tôi về hai sự kiện sau đây:

    1. Về việc ông Y Bum Bya bị sát hại vào ngày 8 tháng 3 năm 2024

    – Theo thông tin từ chính ông Y Bum Bya trước khi qua đời thì vào ngày 8 tháng 12 năm 2023, ông đã bị công an đánh đập dã man, tịch thu điện thoại và ép phải từ bỏ hội thánh mà ông đang tham gia. Sau đó trên mạng đã thấy phổ biến đoạn phim thu hình ông bị đem ra đối chất trước công chúng vào ngày 9 tháng 12 năm 2023 và bị ép phải công khai rời bỏ hội thánh của ông.

    – Theo thông tin từ gia đình và hàng xóm của ông Y Bum Bya, vào ngày 8 tháng 3 năm 2024 công an đã gọi ông và vợ về nhà để nhận lại điện thoại đã bị tịch thu từ tháng 12 năm 2023. Khi ông về tới nhà thì công an lại đòi hẹn gặp ông ở một địa điểm khác cách nhà khoảng 500 mét. Sau khi ông đi gặp họ thì không thấy quay trở về nhà, tới khoảng 8 giờ sáng cùng ngày thì bà con trong vùng tìm thấy xác ông bị treo cổ trên cây.

    – Vì công an có dính líu tới diễn tiến sự việc trước khi ông Y Bum Bya qua đời, chúng tôi yêu cầu chính quyền Việt Nam phải công khai và minh bạch điều tra sự việc. Những ai đã nhúng tay vào việc đánh đập và thủ tiêu ông Y Bum Bya phải bị trừng trị theo đúng luật pháp.

    2. Về việc ông Y Krec Bya bị kết án 13 năm tù và 5 năm quản chế vào ngày 28 tháng 3 năm 2024

    – Vào ngày 8 tháng 4 năm 2023, ông Y Krec Bya đã bị bắt giữ điều tra và sau đó bị truy tố “phá hoại chính sách đoàn kết” theo Điều 116 Bộ Luật Hình Sự. Vào ngày 28 tháng 3 năm 2024, trong phiên tòa chỉ vỏn vẹn 4 tiếng đồng hồ mà công chúng bị công an ngăn chận không cho tham dự, ông đã bị kết án 13 năm tù và 5 năm quản chế.

    – Đối với chúng tôi đây là một bản án cực kỳ phi lý vì ông Y Krec Bya chỉ là một thầy truyền đạo, hoạt động tôn giáo và tranh đấu ôn hòa cho quyền tự do tín ngưỡng. Các nhân chứng tại tòa cũng khẳng định rằng chưa thấy ông Y Krec Bya kêu gọi lật đổ chính quyền bao giờ như đã bị cáo buộc.

    – Vì vậy chúng tôi cực lực phản đối bản án bất công này vì ông Y Krec Bya chỉ hành xử quyền tự do của ông theo luật pháp và bản Tuyên Ngôn Quốc Tế Nhân Quyền. Chúng tôi kêu gọi chính quyền Việt Nam hãy trả tự do cho ông Y Krec Bya, đồng thời ngưng các biện pháp sách nhiễu để ngăn chận quyền tự do tôn giáo của người dân.

    Sau cùng, chúng tôi xin kêu gọi Liên Hiệp Quốc và các tổ chức nhân quyền trên thế giới hãy quan tâm đến trường hợp của ông Y Bum Bya và ông Y Krec Bya, và hãy tiếp tay với chúng tôi đòi hỏi công lý cho hai ông và gia đình của họ.

    Ngày 30 tháng 3 năm 2024

    Mọi chi tiết xin liên lạc:

    Mục sư A Ga, Hội Thánh Tin Lành Đấng Christ Tây Nguyên
    (919) 637-4069, Tnlanhdangchrisíaynguyen@gmail.com

    Danh sách các hội thánh tham gia Bản Lên Tiếng:
    1. Hội thánh tư gia, buôn Êa Yông B, xã Êa Yông, huyện Krông Pac, tỉnh Đắk Lắk.

    2. Hội thánh tư gia buôn Jung, xã Êa Yông, huyện Krông Pac, tỉnh Đắk Lắk.

    3. Hội thánh Tin Lành Đấng Christ Tây Nguyên, buôn Kdŭn, xã Čư Êbur, thành phố Buôn Ma Thuột, tỉnh Đắk Lắk.

    4. Hội thánh buôn Tara Puôr, xã Hòa Đông, huyện Krông Pac, tỉnh Đắk Lắk.

    5. Hội thánh Truyền Giảng Phúc m buôn Trăp, huyện Krông Ana, tỉnh Đắk Lắk.

    6. Hội thánh tư gia buôn Čuê, xã Băng Adrênh, huyện Krông Ana, tỉnh Đắk Lắk

    7. Hội thánh Tin Lành Đấng Christ Việt Nam, buôn Jung, xã Êa Yông, huyện Krông Pac, tỉnh Đắk Lắk.

    8. Hội Thánh Tin Lành Đấng Christ Tây Nguyên, buôn Krang, xã Dur Kmăl, huyện Krông Ana, tỉnh Đắk Lắk.

    9. Hội thánh tư gia buôn Ju, xã Êa Tu, thành phố Buôn Ma Thuột, tỉnh Đắk Lắk.

    10. Hội thánh Truyền Giảng Phúc m, buôn Krông Buk, xã Krông Buk, huyện Krông Pac, tỉnh Đắk Lắk.

    11. Hội thánh Truyền Giảng Phúc m, buôn Kô, xã Êa Bông, huyện Krông Ana, tỉnh Đắk Lắk.

    12. Hội thánh Tin Lành Đấng Christ Tây Nguyên, buôn Puăn B, xã Êa Phê, huyện Krông Pac, tỉnh Đắk Lắk.
    13. Hội thánh tư gia buôn Đak, xã Cư Mta, huyện Mdrak, tỉnh Đắk Lắk.
    14. Hội thánh tư gia buôn Êa Khit, xã Êa Bhôk, huyện Cư Kuin, tỉnh Đắk Lắk.
    15. Hội thánh tư gia buôn Êa Yông A, xã Êa Yông, huyện Krông Pac, tỉnh Đắk Lắk. 16. Hội thánh Truyền Giảng Phúc m, buôn Mrưm, xã Êa Hô, huyện Krông Năng, tỉnh Đắk Lắk. 17. Hội thánh Truyền Giảng Phúc m, buôn Wik và buôn Đê, xã Êa Hồ, huyện Krông Năng, tỉnh Đắk Lắk.
    18. Hội thánh Tin Lành Việt Nam, buôn Trăp, xã Êa Tam, huyện Krông Năng, tỉnh Đắk Lắk. 19. Hội thánh độc lập, buôn Êmăp, thị trấn Êa Pôc, huyện Cư Mgar, tỉnh Đắk Lắk. 20. Hội thánh tư gia, làng ia Piơr, xã ia Piơr, huyện Chư Prông, tỉnh Gia Lai.
    21. Hội thánh Tin Lành tư gia làng Plei Sao-Đúp, huyện Đak Đoa, tỉnh Gia Lai.
    22. Hội thánh Tin Lành Đấng Christ Tây Nguyên, buôn Sut Hluor, xã Cư Suê, huyện Cư Mgar, tỉnh Đắk Lắk.
    23. Hội thánh Tin Lành Đấng Christ Tây Nguyên, buôn Cuor Knia, xã Êa Bar, huyện Buôn Đôn, tỉnh Đắk Lắk.
    24. Hội thánh Tin Lành Đấng Christ Tây Nguyên, buôn, Dra Ea Bong, thành phố Buôn Ma Thuột, tỉnh Đắk Lắk.
    25. Hội thánh Tin Lành Đấng Christ Tây Nguyên, buôn Êa Đung, xã Êa Nuôi huyện Buôn Đôn, tỉnh Đắk Lắk.
    26. Hội thánh Tin Lành Đấng Christ Tây Nguyên, thôn 4, liên gia 7, xã Êa Tu, thành phố Buôn Ma Thuột, tỉnh Đắk Lắk.
    27. Hội thánh Tin Lành Đấng Christ Tây Nguyên, buôn Pung B, xã Êa Lâm, Song Hinh, tỉnh Phú Yên. 28. Hội thánh Tin Lành Đấng Christ Tây Nguyên, buôn Sung, xã Êa Bia, Sonh Hinh, tỉnh Phú Yên. 29. Hội thánh Tin Lành Đấng Christ Tây Nguyên, thôn 13, xã Hòa Bắc, huyện Di Linh, tỉnh Lâm Đồng. 30. Hội thánh tư gia Buôn Dhiă, xã Cư Né, huyện Krông Buk, tỉnh Đắk Lắk.
    31. Hội thánh Truyền Giảng Phúc m, buôn Krang, xã Dur Kmăl, huyện Krông Ana, tỉnh Đắk Lắk.

    Việt Nam tăng cường nhiệt điện than, xả thải cao kỷ lục

    BBC News

    1 tháng 4 2024

    Người dân trên đồng ruộng khô cằn

    Nguồn hình ảnh, NHAC NGUYEN/AFP/Getty Images

    Chụp lại hình ảnh, 

    Miền Nam và miền Bắc Việt Nam đang bước vào đợt nắng nóng gay gắt trên diện rộng đầu tiên trong năm nay. Cảnh một người nông dân ở tỉnh Bến Tre đi trên cánh đồng khô cằn của mình vào ngày 19/3/2024.

    Vừa lo thiếu điện, vừa đảm bảo tăng trưởng xanh, Việt Nam có thể thực thi mục tiêu kép?

    Tháng 5 và 6 thường là cao điểm xả thải liên quan đến sản xuất điện ở Việt Nam, do nhu cầu máy điều hòa không khí tăng lên mức cao nhất. Năm nay, khí thải tăng cao đột biến vào đầu năm cho thấy những tháng tới sẽ còn tăng nữa và tổng mức cả năm sẽ phá vỡ các kỷ lục trước đây.

    Các nhà máy nhiệt than của Việt Nam đã thải ra 11 triệu tấn CO2, chỉ tính riêng trong tháng 1/2024, theo số liệu từ cơ quan năng lượng Ember.

    Hiện Việt Nam đang gia tăng sản xuất điện để tránh nguy cơ mất điện nghiêm trọng như vào thời gian cao điểm nắng nóng như năm ngoái, nhằm trấn an các tập đoàn nước ngoài.

    Việt Nam đã gia tăng gần gấp đôi lượng than nhập khẩu trong năm nay so với cùng kỳ năm 2023 vì mục tiêu không để thiếu điện vào mùa khô.

    Việt Nam là quốc gia tiêu thụ than đá lớn thứ 10 thế giới. Việc sản lượng nhập khẩu than đá gia tăng như vậy được cho sẽ làm tổn hại đến những nỗ lực chung của cộng đồng quốc tế trong việc cắt giảm việc sử dụng năng lượng hóa thạch và nỗ lực giảm ô nhiễm môi trường.

    Lượng CO2 phát thải trong tháng 1 đã vượt gần 70% lượng khí thải của cùng kỳ năm 2023 và tăng hơn 30% so với mức trung bình của tháng 1, tính trong 5 năm gần nhất. Điều này cho thấy sản xuất điện năng đang có xu hướng tăng rõ rệt so với năm trước.

    Trong tháng 1, lượng điện năng từ các nhà máy nhiệt điện than tạo ra đạt 12,75 terawatt-giờ (TWh), cao hơn 68% so với tháng 1/2023 và là mức tính theo tháng cao nhất kể từ tháng 7/2023.

    Nhiệt điện than chiếm 55% tổng sản lượng điện năng trong tháng 1/2024, tăng từ mức trung bình 46% của cả năm 2023.

    Tổng điện năng từ tất cả các nguồn đạt 23,35 terawatt-giờ (TWh), cao hơn 30% so với tháng 1/2023.

    Hồi năm ngoái, lượng CO2 thải ra từ các nhà máy nhiệt than của Việt Nam đạt kỷ lục là 110 triệu tấn, cao hơn nhiều so với mức 90 triệu tấn của năm 2022.

    Nếu tốc độ này được duy trì trong năm 2024, dự kiến lượng CO2 thải ra cả năm của Việt Nam sẽ vào khoảng hơn 130 triệu tấn.

    Trấn an nhà đầu tư nước ngoài

    Nhà máy nhiệt điện Phả Lại tại tỉnh Hải Dương

    Nguồn hình ảnh, STR/AFP/Getty Images

    Chụp lại hình ảnh, 

    CO2 phát thải ra trong tháng 1 đã vượt gần 70% so với cùng kỳ vào năm 2023 và tăng hơn 30% so với mức trung bình của tháng 1, tính trong 5 năm gần nhất. Ảnh: Nhà máy nhiệt điện Phả Lại tại tỉnh Hải Dương, ảnh chụp ngày 14/10/2022.

    Ngày 19/3, Thủ tướng Việt Nam Phạm Minh Chính đã trấn an các nhà đầu tư nước ngoài về nguồn cung năng lượng. 

    Báo Lao Động dẫn lời ông Chính: "Chúng tôi cam kết không để thiếu điện, tổng nguồn không thiếu, nhưng do điều hành không tốt nên thiếu. Các bạn yên tâm sẽ đủ điện, theo hướng tăng trưởng xanh."

    Hai quan chức nước ngoài tham dự buổi gặp với ông Phạm Minh Chính nói với Reuters rằng những cam kết của Thủ tướng Việt Nam mang tính trấn an, nhưng "không rõ ràng" biện pháp nào sẽ được sử dụng để đạt được mục tiêu đó.

    Văn phòng Chính phủ Việt Nam đã không phản hồi trước yêu cầu bình luận của Reuters.

    Năm 2023, nắng nóng và cúp điện không chỉ ảnh hưởng đến người dân ở ba miền đất nước mà còn tác động tới các "đại bàng" FDI.

    Hồi tháng 6-7/2023, việc cúp điện đột ngột ở miền Bắc như tại các tỉnh Bắc Ninh, Hải Dương, Hà Nam, Phú Thọ, Vĩnh Phúc đã gây thiệt hại cho các doanh nghiệp có vốn FDI như Samsung, Canon, Peony... hàng triệu đô la.

    Sự hiện diện của nhà máy và dây chuyền sản xuất của các tập đoàn đa quốc gia như Samsung, Foxconn, Canon... đang gia tăng áp lực cho Việt Nam trong việc đảm bảo nguồn cung ứng điện liên tục trong năm nay.

    Thậm chí đã có cảnh báo rằng việc mất điện có thể dẫn tới mất luôn "đại bàng" trong bối cảnh Việt Nam là quốc gia phụ thuộc đáng kể vào FDI.

    Năm 2023, đóng góp của khu vực đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) vào GDP Việt Nam chiếm khoảng 22%, theo số liệu từ Tổng cục Thống kê.

    Samsung hiện đang là nhà đầu tư FDI lớn nhất Việt Nam và mới đây tuyên bố muốn duy trì vị thế này trong vòng 30 đến 40 năm nữa.

    Theo báo Vietnamnet, ông Phạm Minh Chính đã yêu cầu dự án đường dây 500kV mạch 3 từ Quảng Bình đến Hưng Yên "phải được hoàn thành, đóng điện" vào tháng 6 tới. Đường dây này đi qua các tỉnh chịu cúp điện đột ngột vào năm ngoái và hiện tượng thời tiết El Niño đang làm gia tăng rủi ro trong năm nay.

    Tại Diễn đàn Doanh nghiệp Việt Nam (VBF) hôm 19/3, đại diện Hiệp hội Thương mại và Công nghiệp Hàn Quốc tại Việt Nam (KOCHAM) nói rằng "hiện tượng thiếu điện của Việt Nam là một trong những yếu tố lớn khiến [các doanh nghiệp Hàn Quốc] chần chừ trong việc đưa ra quyết định đầu tư".

    Hiệp hội Doanh nghiệp Nhật Bản (JCCI) cũng cho rằng "tình trạng thiếu điện nghiêm trọng xảy ra ở khu vực phía Bắc khiến các doanh nghiệp khó khăn trong việc lập kế hoạch sản xuất và dự báo ngày giao hàng".

    Hiệp hội Thương mại Hoa Kỳ tại Việt Nam (Amcham) trong khuôn khổ VBF đã "khuyến nghị Chính phủ (Việt Nam) xem xét điều chỉnh các Thỏa thuận mua bán điện (PPA) theo tiêu chuẩn quốc tế để tạo điều kiện cho các tổ chức đa phương và tổ chức Tài chính Phát triển cho vay các dự án lớn về Chuyển đổi Năng lượng và lĩnh vực năng lượng tái tạo," theo tường thuật của báo Nhân Dân.

    Số người có thể chết vì ô nhiễm khí thải điện than

    Nhiệt điện than vẫn chiếm gần 50% sản lượng điện của Việt Nam, phải "gánh" cả thủy điện (xếp thứ nhì với khoảng 30%) do tình hình khô hạn khiến các đập thủy điện thiếu nước, theo số liệu thống kê hồi năm 2023.

    Hồi tháng 1, thủy điện chỉ chiếm khoảng 20,5% tổng lượng điện năng vì hạn hán khiến hồ thủy điện bị thiếu nước nghiêm trọng.

    Nếu trong những tháng tới, lượng mưa tăng thì lượng điện năng từ thủy điện có thể tăng đáng kể và giúp giảm lượng điện từ nhiệt điện than.

    Trong khi đó, lượng điện mặt trời và điện gió chỉ chiếm 13,6% tổng lượng điện năng của Việt Nam trong năm 2023. Các nguồn điện này có thể đối mặt với những khó khăn liên quan đến những quan ngại về mức độ sinh lời do đó khó tăng tỷ trọng trong ngắn hạn.

    Điều này đồng nghĩa, trong một tương lai gần, Việt Nam vẫn phải phụ thuộc rất nhiều về nhiệt điện than và có thể khiến mức khí thải CO2 tăng lên những nấc cao hơn trong vài năm tiếp theo.

    Tháng 5/2023, Việt Nam đã thông qua Quy hoạch phát triển điện lực quốc gia thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050.

    Việt Nam đã khẳng định sẽ không xây dựng các nhà máy nhiệt điện than mới nào sau năm 2030 để đảm bảo giảm phát thải carbon và đạt mục tiêu cam kết tại COP 26 về trung hòa carbon, theo Công ước khung của Liên Hợp Quốc về biến đổi khí hậu hồi tháng 11/2021 mà Việt Nam cùng gần 150 nước đã ký kết.

    Đàn áp giới hoạt động môi trường

    Cuối năm 2022, Việt Nam ký thỏa thuận Đối tác chuyển đổi năng lượng công bằng (JETP) với một nhóm các nước giàu và các ngân hàng phát triển, trị giá 15,5 tỷ USD, để đạt mục tiêu phát thải ròng bằng 0 (net-zero emission) vào 2050.

    Các nước tài trợ nằm trong nhóm International Partners Group, bao gồm các quốc gia thuộc khối G7, EU, Na Uy và Đan Mạch.

    Thỏa thuận này nhằm giúp Việt Nam đạt đỉnh phát thải vào năm 2030 - sớm hơn 5 năm so với kế hoạch ban đầu - cho phép Việt Nam sản xuất gần một nửa sản lượng điện từ nguồn năng lượng tái tạo.

    Trong các bản kế hoạch trên giấy tờ, Việt Nam được đánh giá là đang đi đúng hướng trên lộ trình loại bỏ hoàn toàn điện than vào năm 2050.

    Tuy nhiên, vẫn còn nhiều câu hỏi đặt ra về tính khả thi và minh bạch của quá trình này, nhất là khi Việt Nam cho bỏ tù các nhà hoạt động môi trường hàng đầu - những người lẽ ra đóng vai trò giám sát độc lập việc thực hiện cam kết đầy tham vọng này.

    Ngoài bà Ngụy Thị Khanh mới được trả tự do sau 16 tháng tù, hiện một số nhà hoạt động môi trường khác vẫn đang ngồi tù, như ông Đặng Đình Bách, bà Hoàng Minh Hồng và bà Ngô Thị Tố Nhiên. 

    Bà Ngô Thị Tố Nhiên, Giám đốc Doanh nghiệp xã hội Sáng kiến về Chuyển dịch Năng lượng Việt Nam (VIETSE), là người mới nhất bị bắt giữ, chỉ vài ngày sau khi Tổng thống Mỹ Joe Biden rời khỏi Việt Nam sau khi hai nước tuyên bố nâng cấp mối quan hệ lên mức cao nhất.

    Trong một phân tích được đăng trên trang của Quỹ Heinrich-Böll-Stiftung từ Đức hôm 10/3, Tiến sĩ Jörg Wischermann từ Viện GIGA Institute for Asian Studies (Viện GIGA nghiên cứu về châu Á) chỉ ra rằng, trong "Kế hoạch huy động nguồn lực thực hiện JETP" dài hơn 200 trang mà Việt Nam công bố hồi tháng 12/2023 thì "NGO" (Tổ chức phi chính phủ) chỉ xuất hiện có một lần.

    Ông nhận định, trên thực tế, các NGO đã không còn có thể lên tiếng trong lĩnh vực chuyển đổi năng lượng. 

    Các vụ bắt bớ và truy tố, theo ông, cho thấy "sự tương phản sâu sắc" với những cam kết trong thỏa thuận JETP với phía Việt Nam về cơ chế ''tham vấn". Theo đó, các NGO và những tổ chức dân sự đã được định rõ sẽ được tham khảo ý kiến trong quá trình chuyển đổi năng lượng.

    Theo ghi chép không công khai của quan chức Anh mà trang Politico tiếp cận được hồi tháng 12/2023, các nhà ngoại giao Anh đánh giá rằng Bộ Tài nguyên và Môi trường của Việt Nam "yếu về mặt chính trị". Các bộ khác thì thường xuyên “chây ì”, “trì trệ”, “cản trở và quan liêu” trong quá trình thực hiện chuyển đổi năng lượng.

    Thực tế Kinh tế Việt Nam xếp hạng 35 thế giới

    Châu Nam Việt/VNTB

    01/4/224

    VNTB – Thực tế Kinh tế Việt Nam xếp hạng 35 thế giới 

    (VNTB) – Xếp hạng nền kinh tế của một quốc gia không chỉ dựa vào GDP không thôi.

    Trong một hội nghị tổng kết giao ước thi đua năm 2023 và ký kết giao ước thi đua năm 2024 mới đây, quyền chủ tịch nước – bà Võ Thị Ánh Xuân đã thông báo rằng Việt Nam xếp thứ 35 trong top 40 quốc gia có nền kinh tế hàng đầu thế giới với GDP là 435 tỉ USD.

    Mặc dù thông tin này được chia sẻ một cách tích cực, tuy nhiên nếu chỉ nhìn vào con số top 40, thông tin này không thể hiện đầy đủ bức tranh về tình hình kinh tế của đất nước.


    Thực tế lớn –  nhưng không phải là phát triển.

    Nếu xét về tiềm năng quốc gia trên bảng xếp hạng, Việt Nam không chỉ có vị trí địa lý đắc địa mà còn có diện tích đứng thứ 16 trên thế giới, cũng như dân số thuộc top 15. Với thực tế đó, vị trí xếp hạng thứ 40 nếu tính toán một cách trung thực và sòng phẳng với các yếu tố tổng hợp đó có thể là một ví trí “chấp nhận được”, hoặc có khả năng tự hào.

    Thực tế, việc xếp hạng nền kinh tế của một quốc gia không chỉ dựa vào GDP toàn cầu mà còn phải xem xét đến thu nhập bình quân đầu người, chỉ số phát triển con người và nhiều yếu tố khác. Dù theo thống kê GDP, Việt Nam được xem xét là một trong những quốc gia có tổng sản phẩm quốc nội thuộc loại “lớn”, với con số 435 tỉ usd, nhưng khi xét về GDP theo đầu người, thì chỉ đứng thứ 120 trên thế giới với 4.355USD/người.

    Chính con số GDP trên đầu người mới phản ánh độ giàu nghèo của một quốc gia. Singapore đứng trên Việt Nam 2 hạng, Tổng GDP 497.35 tỷ đô la nhưng GDP tính trên đầu người cao hơn Việt Nam gần gấp 20 lần ( 82.169 USD/người)

    Con số này cho thấy mức sống trung bình của người dân Việt Nam vẫn còn rất thấp so với nhiều quốc gia khác. Con số GDP theo đầu người mới phản ánh chính xác mức sống của người dân trong quốc gia đó và trên thực tế, mức sống thấp hơn nhiều so với báo cáo.

    Dữ liệu mới nhất cho thấy có đến 1 triệu 580 ngàn hộ được xếp vào diện nghèo và cận nghèo, chiếm tỷ lệ  5,71%. Những vùng có người nghèo và cận nghèo nhiều nhất là vùng trung du miền núi phía bắc và vùng tây nguyên. Những người dân thuộc các hộ được xếp vào loại nghèo chỉ có thu nhập mỗi tháng từ 1,5 triệu tới 2 triệu đồng/ người. 

    Nếu so sánh với thực tế con số GDP trên đầu người vào khoảng 100 triệu/người/năm của báo cáo, thì đó là một con số mơ ước với rất nhiều trong tầng đáy của xã hội. Những người trong các hộ nghèo nêu trên phải mất gần 10 năm mới có được con số thu nhập mơ ước này.

    Để thu nhập bằng Singapore, một gia đình công nhân Việt Nam đi làm công nhân nhà may gia công may mặc với thu nhập 12 triệu/tháng kể cả tăng ca phải làm việc cật lực trong gần 20 năm, còn người nghèo phải mất 200 năm mới theo kịp người Singapore. Người Việt nói chung vẫn phải làm nhiều mà kiếm không được bao nhiêu.

    Lãnh đạo báo cáo “đu dây”

    Lãnh đạo Việt Nam dường như có thói quen sử dụng những báo cáo được tính toán không chính xác, hay những thông tin mập mờ theo kiểu “một nửa ổ bánh mì” như sử dụng con số GDP để báo cáo xếp hạng mà cố tình làm lơ đi thực tế thấp kém của thu nhập bình quân đầu người, chỉ số phát triển con người và điều kiện sống của người dân.

    Có thể hiểu rằng việc báo cáo nửa vời, lập lờ như vậy là để lừa dối, dẫn dắt người dân và những người ít tìm hiểu thông tin để lấp liếm về sự kém cỏi trong điều hành đất nước. Thế nhưng cũng có thể hiểu rằng họ lại có thể dùng chính những con số đó ở một khía cạnh khác để đi xin viện trợ, vay tiền…, nhằm mục đích có tiền tiêu xài vào những dự án giúp vinh thân phì gia.

    Bắt bao nhiêu, trong bao lâu thì hết cán bộ ‘thoái hóa, biến chất’? 

    01/4/2024 

    Thiên Hạ Luận 

    "Công tác nhân sự các khoá 11, 12, 13 đều đã để lọt những người không đạt tiêu chuẩn và không phải họ mới mắc khuyết điểm mà là bây giờ mới phát hiện ra." Hình minh hoạ.

    "Công tác nhân sự các khoá 11, 12, 13 đều đã để lọt những người không đạt tiêu chuẩn và không phải họ mới mắc khuyết điểm mà là bây giờ mới phát hiện ra." Hình minh hoạ. 

    Cần cải tổ con đường rèn luyện thực tiễn bằng cách thuyên chuyển cán bộ để tránh hình thức và lãng phí, tạo ra tình trạng không biết việc, ngồi không nóng chỗ, không hành động để tránh va chạm, cuối cùng là không hiệu quả. 

    Trân Văn

    Tuần này lại có thêm hàng loạt cán bộ “thoái hóa, biến chất” bị bắt. Trường hợp được nhiều người chú ý, hả hê là ông Lê Viết Chữ, cựu Bí thư Quảng Ngãi [1]. Ông Chữ không phải là nhân vật xa lạ với người sử dụng mạng xã hội. Nhân sự kiện ông Chữ bị bắt, Tiếng Dân News đăng lại một bài viết của một thân hữu tên là Thu Hà mà trang này đã từng giới thiệu cách nay bốn năm.

    Theo đó, ông Chữ là người “điếu đóm” cho nhiều nhân vật “tai to, mặt lớn” như ông Hồ Nghĩa Dũng (cựu Bí thư Quảng Ngãi, sau đó là Bộ trưởng GTVT), Nguyễn Hòa Bình (cựu Bí thư Quảng Ngãi, sau đó là Viện trưởng Kiềm sát Tối cao, Chánh án Tòa án Tối cao), Võ Văn Thưởng (cựu Bí thư Quảng Ngãi, Ủy viên Bộ Chính trị, Thường trực Ban Bí thư, Trưởng Ban Tuyên giáo của BCH TƯ đảng).

    Nhờ sự hậu thuẫn của những cá nhân đó, ông Chữ trở thành Chủ tịch Quảng Ngãi, bước vào BCH TƯ đảng, trở thành Bí thư Quảng Ngãi. Cho dù nổi tiếng giàu có vì “ăn không chừa thứ gì” và thâu tóm, chia chác quyền lực, bảo trợ cho gia đình vợ cướp đất của dân lành ép họ đến chỗ phải tự thiêu, thậm chí dám thu hồi đất dùng để xây dựng đồn biên phòng để giao cho tập đoàn FLC... nhưng ông Chữ vẫn “bình an, vô sự” [2].

    Giờ (2024), ông Chữ mới bị sờ gáy vì dính líu đến một scandal khác, scandal khiến ông Võ Văn Thưởng (Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch Nhà nước) đột tử về mặt chính trị. Giống như Tiếng Dân News, nhân sự kiện ông Lê Viết Chữ bị sờ gáy, ông Nguyễn Thông kể một chuyện xảy ra cũng cách nay bốn năm. Hồi đó, nhân dịp ghé Đà Nẵng, ông được một người bà con đưa đi chiêm ngưỡng tư dinh của ông Lê Viết Chữ ở quận Cẩm Lệ. Tư duy mà theo nhận định của Nguyễn Thông là “bề thế hơn cả phủ của lãnh chúa Trung phần”. Bên cạnh tấm ảnh chụp tư dinh của ông Chữ - chỉ xây dựng cho có rồi để đó, giao cho người khác trông coi chứ không dùng đến - Nguyễn Thông dẫn lại thắc mắc lâu nay của đa số dân chúng: Nếu không tham nhũng thì cán bộ lấy đâu ra tiền để xây nhà trăm tỉ? Ai cũng thấy. Dân chúng oán thán. Chỉ đảng có mắt như mù nên không thấy. Công an cũng không thấy bởi nếu thấy thì tại sao không làm gì? Kê khai tài sản chỉ là trò vớ vẩn. Đó cũng là lý do Nguyễn Thông nêu thắc mắc: Liệu biệt phủ của quan tham Quảng Ngãi trên đất vàng Đà Nẵng có trong hồ sơ đen? Không phải tự nhiên mà Nguyễn Thông có cùng nhận xét như rất nhiều người: Xứ An Nam ta, bây giờ ngày nào không bắt cán bộ tự dưng dân cảm thấy hẫng hụt, buồn buồn, kém vui [3].

    Tương tự, Bị Cạo Râu cho rằng: Cứ mỗi ngày bắt một em gộc thế này, từ Lạng Sơn đến Cà Mau thì dân vui lắm nha nha. Đời khổ quá, không có gì sướng bằng nghe tin cán bộ bự bị bắt. Những anh chị chờ thế chỗ lại càng vui! Phu Lao – một thân hữu của Bị Cạo Râu – góp thêm: Nhà nước nên đưa kế hoạch bắt cán bộ từ to tới nhỏ của 63 tỉnh thành thì GDP chắc sẽ đứng đầu Đông Nam Á [4].

    ***

    Từ chuyện Ủy ban Kiểm tra của BCH TƯ đảng liên tục đề xuất và Bộ Chính trị kỷ luật hàng loạt cán bộ cao cấp trong thời gian vừa qua, ông Nguyễn Ngọc Chu bảo rằng: Tuy nhân dân hoan nghênh và mong muốn đẩy mạnh công cuộc chống tham nhũng hơn nữa nhưng phải cần các biện pháp khác để tiêu diệt quốc nạn tham nhũng đến tận gốc rễ. Sau khi nêu ra hàng loạt dẫn chứng, chứng minh công tác nhân sự tuy được “làm rất kỹ” nhưng vài nhiệm kỳ vừa qua, nhiệm kỳ nào cũng phải xử lý hàng loạt cán bộ cao cấp, ông Chu nhận định: Công tác nhân sự các khoá 11, 12, 13 đều đã để lọt những người không đạt tiêu chuẩn không phải họ mới mắc khuyết điểm mà là bây giờ mới phát hiện ra. Do vậy, câu hỏi hiển nhiên là ai chưa bi phát hiện? Bởi giới lãnh đạo đảng đang chuẩn bị nhân sự cho khóa 14 và vì... tham nhũng có muôn hình vạn trạng, dễ thấy nhất là tham nhũng quyền lực, tham nhũng tiền bạc, tham nhũng tình ái, với một hàng dài danh sách các Ủy viên BCH TƯ bị phát hiện mắc tội tham nhũng liệu còn bao nhiêu người tham nhũng nhưng chưa bị phát hiện (?), theo ông Chu: Thay vì nêu câu hỏi AI CHƯA BỊ PHÁT HIỆN? AI THAM NHŨNG? Nên hỏi AI KHÔNG THAM NHŨNG sẽ dễ tìm ra câu trả lời hơn.

    Tuy nhiên thực tế cho thấy rất khó tìm ra người không tham nhũng vì: Từ cán bộ cơ sở đi qua các cấp huyện, tỉnh, tới trung ương, hay từ cấp phòng, vụ tới bộ, đã bị “nhúng” trong môi trường làm việc mà tham nhũng mang tính phổ quát thì khó hoàn toàn trong sạch. Ngay cả đưa một người trong sạch, chưa có chức vụ gì vào tham gia bộ máy ở cấp trung ương thì khi nằm trong bộ máy cũng sẽ chịu sự chi phối của môi trường, từ không tham nhũng lại có thể sẽ dính vào tham nhũng... Do vậy ông Chu nghĩ rằng: Muốn loại trừ tận gốc phần lớn nạn tham nhũng thì quan trọng bậc nhất là cải cách thể chế, cải cách phương thức quản lý nhà nước. Thay đổi phương thức tuyển chọn nhân sự. Cách tuyển chọn nhân sự hiện tại. Thực tiễn bốn kỳ đại hội 10, 11, 12, 13 cho thấy đã để lọt vào BCH TƯ rất nhiều Ủy viên BCH TƯ và Ủy viên Bộ Chính trị không đủ tài, kém phẩm chất, làm ảnh hưởng đến uy tín của đảng, làm mất lòng tin của nhân dân, và gây thiệt hại to lớn cho nhà nước. Ông Chu khuyến cáo: Cần phải xem lại cách làm nhân sự trước nay vì cách làm nhân sự này không chỉ dẫn đến tình trạng lãnh đạo thế hệ sau không bằng lãnh đạo thế hệ trước, mà nguy hiểm hơn là việc bảo vệ và duy trì quyền lực dẫn đến nguy cơ làm gia tăng tham nhũng quyền lực.

    Ông Chu cũng cho rằng: Cần cải tổ con đường rèn luyện thực tiễn bằng cách thuyên chuyển cán bộ để tránh hình thức và lãng phí, tạo ra tình trạng không biết việc, ngồi không nóng chỗ, không hành động để tránh va chạm, cuối cùng là không hiệu quả. Công tác Đoàn TNCS và các đoàn thể khác (Công đoàn, Phụ nữ, Mặt trận Tổ quốc…) tuy quan trọng nhưng cán bộ đoàn thể không đối mặt với các tình huống khó khăn “ngàn cân treo sợi tóc” hay “một mất một còn”, nên không thể hiện được tài năng của lãnh đạo. Tuyển chọn nhân sự qua con đường đoàn thể cần xem xét lại vì thực tiễn cho thấy các cán bộ cấp cao thăng tiến từ con đường đoàn thể chẳng những không có năng lực mà còn vi phạm khuyết điểm với tỷ lệ không nhỏ. Mở rộng dân chủ trong đảng để cho số đông lựa chọn nhân sự là phương thức tốt nhất trong công tác nhân sự, được thực tiễn kiểm nghiệm. Đó là con đường duy nhất đúng để tìm ra lãnh đạo có tài, có đức. Hơn thế nữa, mở rộng dân chủ để số đông lựa chọn lãnh đạo còn là biện pháp hữu hiệu nhất chống lại tham nhũng quyền lực – nguy hiểm nhất trong các hình thức tham nhũng. Tự nguyện từ bỏ quyền lực là điều vô cùng khó khăn, con đường mở rộng dân chủ đầy gian truân và nói đến mở rộng dân chủ trong đảng cũng là nói đến mở rộng dân chủ trong dân [5].

    Có thể xếp ý kiến của ông Nguyễn Ngọc Chu vào loại... “gan ruột” nhưng bao nhiêu người tin giới lãnh đạo chính quyền Việt Nam chịu nghe, chịu ngẫm nghĩ?

    https://www.voatiengviet.com/a/bat-bao-nhieu-trong-bao-lau-thi-het-can-bo-thoai-hoa-bien-chat-/7551428.html

    Pháp hồi hương hài cốt binh sĩ chết tại Điện Biên Phủ

    RFA
    30/3/2024

    Pháp hồi hương hài cốt binh sĩ chết tại Điện Biên Phủ

    Ảnh minh họa: Việt Nam cho tái hiện cảnh binh sĩ Pháp đầu hàng tại Điện Biên Phủ nhân kỷ niện 50 năm cuộc chiến này hồi năm 2004. 

    https://www.rfa.org/++plone++rfa-resources/img/icon-zoom.pngAFP 

    Pháp sẽ đưa về nước sáu bộ hài cốt binh sĩ chết tại chiến trường Điện Biên Phủ trước đây.

    AFP loan ngày 29/3 dẫn thông báo của Bộ Quốc phòng Pháp cho biết công tác hồi hương như vừa nêu sẽ diễn ra trong những ngày tới. Cũng theo cơ quan này thì sáu bộ hài cốt được tìm thấy tại ba địa điểm khác nhau và được báo cho Đại sứ quán Pháp vào những năm 2012, 2021 và 2022.

    Chính phủ Việt Nam vào ngày 25/3 đã đồng ý để Pháp hồi hương sáu bộ hài cốt binh sĩ chết tại chiến trường Điện Biên Phủ như vừa nêu.

    Trong sáu bộ hài cốt, có một bộ khi chôn được kèm theo tên, còn năm bộ còn lại sau khi về đến Pháp sẽ được các chuyên gia giám định để xác định tên tuổi. Tiếp đến gia đình sẽ được phép nhận hài cốt người thân; hoặc có thể chọn cách để chôn tại nghĩa trang quốc gia.

    Đối với trường hợp không xác định được, hài cốt sẽ chôn tại nghĩa trang chiến sĩ bỏ mình ở cuộc chiến Đông Dương 1946-1954.

    Điện Biên Phủ ở miền Bắc Việt Nam là trận địa chấm dứt sự hiện diện của Pháp tại Đông Dương.


    Không có nhận xét nào