Header Ads

  • Breaking News

    Chuyện Việt Nam ngày Thứ ba 16 tháng 4 năm 2024

    Quê Hương tổng hợp

    Trại giam số 6 không cho TNLT Bùi Văn Thuận và người nhà giao tiếp bằng tiếng Mường

    RFA
    16/4/2024

    Trại giam số 6 không cho TNLT Bùi Văn Thuận và người nhà giao tiếp bằng tiếng Mường

    Nhà hoạt động Bùi Văn Thuận trước khi bị bắt 

    https://www.rfa.org/++plone++rfa-resources/img/icon-zoom.pngFb Thuan Van Bui 

    Cán bộ quản giáo của Trại giam số 6 không đồng ý cho tù nhân lương tâm (TNLT) Bùi Văn Thuận nói tiếng Mường với gia đình mình khi thăm gặp dù thông tư của Bộ Công an cho phép.

    Ông Thuận, 43 tuổi, người dân tộc Mường ở tỉnh Hoà Bình đang thi hành bản án tám năm tù giam tại trại giam ở huyện Thanh Chương, tỉnh Nghệ An về tội danh “tuyên truyền chống Nhà nước” theo Điều 117 của Bộ luật Hình sự.

    Vợ ông, bà Trịnh Thị Nhung, cho Đài Á Châu Tự Do (RFA) biết trong cuộc thăm gặp với bố mẹ hồi tháng 08/2023 và với em trai vào tháng 02/2024, cán bộ trại giam không cho sử dụng tiếng Mường để giao tiếp với nhau mà buộc họ phải sử dụng tiếng Việt.

    Bà nói với RFA qua điện thoại ngày 16/4:

    Bố mẹ anh ấy là người dân tộc sống ít tiếp xúc với người Kinh, gần cả cuộc đời chỉ ở trong xóm làng nên giao tiếp bằng tiếng Kinh rất khó khăn. Tuy nhiên, họ (trại giam- PV) vẫn bắt phải nói chuyện bằng tiếng Kinh (tiếng Việt-PV), không được nói bằng tiếng mẹ đẻ.”

    Ông Thuận phản đối việc này nhưng cuối cùng người thân cũng phải giao tiếp tiếng Việt với ông dù rất khó khăn, thỉnh thoảng họ chêm tiếng Mường vào và bị cán bộ dọa lập biên bản.

    Bà chất vấn:

    Nhà nước mình luôn tuyên truyền rằng 54 dân tộc đều bình đẳng với nhau đều có mọi quyền như nhau nhưng mà tại sao tiếng Mường lại không được phép sử dụng trong giao tiếp?!”

    Người Mường là dân tộc thiểu số trong 54 dân tộc được công nhận chính thức ở Việt Nam. Trong khi đó, Khoản 3, Điều 5 của Thông tư số 07/2018 của Bộ Công an có hiệu lực từ ngày 29/3/2018 quy định ngôn ngữ giao tiếp giữa tù nhân và người đến thăm là tiếng Việt.

    Trường hợp là người dân tộc thiểu số và người nước ngoài không biết tiếng Việt thì được sử dụng ngôn ngữ khác.

    Phóng viên không thể kết nối với số điện thoại được công bố trên Internet của Trại giam số 6 để kiểm chứng thông tin.

    Bị phân biệt đối xử vì hoạt động trực tuyến của vợ

    Trong cuộc thăm gặp với người thân ngày 13/4 vừa qua, ông Thuận cho biết bị chuyển từ Phân trại 2 sang Phân trại 1 và bị giam trong điều kiện hà khắc hơn. Bà Nhung nói: 

    Anh Thuận cùng một người nữa bị chuyển qua Phân trại 1 và hiện anh ấy đang ở cùng phòng với hai người và cái phòng anh Thuận ở rất chật chội, nóng bức và không có cửa sổ và anh ấy không có nơi để đi lại, anh ấy phải ở trong phòng cả ngày.”

    Việc buộc phải ở trong buồng giam chật chội trong khi các phòng khác có điều kiện tốt hơn, có cửa sổ thông thoáng, có nơi để đi lại tập thể dục khiến ông cảm thấy bản thân bị phân biệt đối xử và giống như bị "biệt giam."

    Ông Thuận không hiểu lý do vì sao lại bị chuyển đến một phòng giam “tệ hơn cả chuồng cọp và tệ hơn cả lúc bị tạm giam” dù không vi phạm nội quy. Tuy nhiên, ông thuật lại với vợ, trước khi bị chuyển phân trại, an ninh Thanh Hoá vào làm việc với ông về việc bà Nhung đăng tải bài viết trên mạng xã hội Facebook, với thái độ “không hài lòng.”

    Như tin đã đưa, trong thời gian trước và sau tết Nguyên đán vừa qua, bà Nhung nhiều lần bị công an thị xã Nghi Sơn, tỉnh Thanh Hóa mời lên đồn để tra khảo về việc bà ký tên trong thỉnh nguyện thư đòi tự do cho nhà hoạt động Nguyễn Thuý Hạnh, người đang phải điều trị cùng lúc hai căn bệnh trầm cảm và ung thư cổ tử cung khi đang bị tạm giam.

    Công an địa phương cũng ép buộc bà Nhung phải thừa nhận sử dụng một số danh khoản Facebook có tên bà và có hình ảnh đại diện là ảnh của gia đình.

    Ngoài ra, tình trạng người lạ mặt đến gần nhà để quấy rầy hai mẹ con hoặc bám sát khi bà đi ra ngoài vẫn tiếp diễn dù đã nhiều lần trình báo công an địa phương.

    Sự thụt lùi vĩ đại qua vụ sập hầm đường sắt

    Nguyễn Thông

    15/4/2024

    Vụ sập hầm đường xe lửa (đường sắt, hỏa xa) chui qua đèo Cả khiến mạch giao thông này bị tê liệt, ách tắc đã mấy hôm nay, và chưa biết sẽ còn tắc tới khi nào, nói lên điều gì?

    Một nước dài thoòng như nước ta, cả 3.000 cây số, thì đường sắt liên vận là quan trọng nhất, kinh tế nhất. Chính vì thế người Pháp đã bắt tay làm đường sắt ngay sau khi đã tạm ổn định cuộc chinh phục. Những đoạn đường, tuyến đường cuối cùng họ làm cũng đã có tuổi cả thế kỷ. Đường sắt là thứ công trình kỳ vĩ số 1 mà người Pháp đã xây dựng và để lại cho xứ An Nam. Nói chính xác, không có “thực dân Pháp” thì không có đường sắt Việt Nam.

    Vậy nhưng, sau khi đánh đuổi được đế quốc to Pháp, người cộng sản hầu như chỉ biết tiếp thu sử dụng sản phẩm có sẵn ấy, khai thác triệt để, chứ không làm thay đổi, phát triển được bao nhiêu. Nói ngay cái khổ/ cỡ đường, cho tới giờ, sau cả trăm năm, vẫn hẹp như cũ. Các toa tàu vẫn phần lớn kiểu cũ, vệ sinh xả thải ngay xuống nền đường ray. Tốc độ thậm chí còn chậm hơn tàu thời Pháp. Mua được cái vé xe lửa để xuyên Việt, để về quê dịp lễ tết còn khổ hơn bị trời hành, v.v…

    Công trình giao thông vĩ đại như thế, cái hầm qua đèo Cả vừa bị sụp chẳng hạn, rồi hầm Hải Vân, hầm đèo Ngang… cả thế kỷ bị khai thác tối đa mà không nghĩ tới bồi bổ gia cố nó, thì nó phải sụp thôi. Tất nhiên họ sẽ đổ cho trời, tại địa chất này nọ.

    Đường sắt lộ thiên bị sụp, bị ngập lụt, dù hư hỏng cách mấy cũng dễ khắc phục trong thời gian ngắn, nhưng ở hầm hẹp khó bề xoay trở thì đừng nghĩ cứ có quyết tâm và tinh thần cách mạng tiến công là được.

    Hầm Bãi Gió (đèo Cả) là ví dụ. Mấy ngày rồi, cũng chưa biết khi nào mới xong, xong rồi có dám chạy lại không. Mà khi nó đã rệu rã sau trăm năm bị lợi dụng mà không bồi bổ thì chẳng riêng đoạn sụp ấy đâu, nhiều đoạn khác đang chờ tới lượt. Rồi những hầm khác nữa cũng đang xếp hàng chờ an nghỉ sau trăm năm phục vụ. Bóc lột chúng mãi, tất nhiên tới lúc chúng phải đình công bằng cách… sụp.

    Tôi nói thật, với những cái hầm tuổi bách niên như thế, nói phỉ phui cái miệng, tàu đang chui vào giữa mà nó sụp cái ầm thì sau đó chỉ còn cách họp bàn rút kinh nghiệm. Hầm Bãi Gió chính là lời cảnh báo, là lời nhắc nhở của ông trời chứ không phải đùa.

    Sau hai phần ba thế kỷ tiếp thu sự cai trị đất nước này, với ngành đường sắt, người cộng sản đã để lại dấu ấn về sự thụt lùi vĩ đại, kể từ khi “nhà mày có khỉ già lắm”.

    Thử đi tìm đường cứu … nước!

    Nguyễn Huy Cường

    15/4/2024

    Tình hình vài năm nay và dăm bảy năm sau có những dự báo không mấy an tâm cho tình hình nước ngọt ở vùng Đồng bằng sông Cửu Long. Chỉ riêng tỉnh Kiên Giang, có khoảng 30.000 hộ dân thiếu nước sinh hoạt.

    Cả vùng này có khoảng nửa triệu hộ dân thiếu nước sinh hoạt trong năm tháng cao điểm mùa khô. Lý do chính là, do biến động bởi dòng chảy sông Mê Kông đã có nhiều thay đổi, chưa tính đến con kênh Phù Nam bên Cambodia sắp “trích huyết” sông Mê Kông ngang chừng, cho chảy sang Vịnh Thái Lan.

    Loại khó khăn này sẽ là thường trực, kéo dài. Nhiều vùng tình trạng này đã lặp đi lặp lại năm năm nay. Hiện nhà nước và các tỉnh đang tính đến nhiều phương án tạo nguồn nước ngọt để phục vụ sản xuất và sinh hoạt cho vùng này. Nhiều biện pháp nóng như chở nước bằng xe ô tô về bán với giá hơn ba trăm ngàn một khối cho người tiêu dùng. Đã có cả một phương án bất khả thi là đem nước từ sông Đồng Nai về… Bến Tre.

    Có nơi nguồn nước ngọt được chở về để bán cho người dân với giá tại bến là 100.000 đồng mỗi khối. Sau đó, tiền công thuê xe để chở mỗi khối nước đến nhà các hộ dân nằm trong khu vực nội ô TP Bến Tre là 100.000 đồng. Như vậy, người dân tại trung tâm của TP Bến Tre phải mất 200.000 đồng mới có được một khối nước ngọt sử dụng. Mỗi tháng một gia đình 5 người dùng hết hơn triệu bạc tiền nước!

    Căng lắm…

    Tôi suy nghĩ nhiều về việc này và lóe lên một vài suy nghĩ (chưa thấu đáo) đem trình ra đây để anh chị em và các nhà chuyên môn cùng thảo luận.

    Thứ nhất: Lấy nắng làm mưa. Đầu tư nhà máy sản xuất nước ngọt từ nước mặn. Đã có những nhà máy kiểu này này bên Bắc Phi, Israel. Về nguyên lý thì nước biển được bơm qua màng lọc R.O dưới áp lực cao tạo thành dòng nước ngọt tinh khiết và dòng nước muối đậm đặc.

    Giai đoạn sau xử lý, nước sau khi được tách muối thì được ổn định pH, sau đó được khử trùng và đưa vào sử dụng. Phương pháp thẩm thấu ngược tiêu tốn nhiều năng lượng: Khoảng 4kWh/được một mét khối nước. (Tôi chỉ sưu tầm, không có điều kiện thẩm định). Với 4 kw điện giá đắt nhất cũng chỉ tới 20.000 đồng đã cho một mét khối nước, rẻ hơn giá nước bà con ta phải mua mấy ngày nay nhiều.

    Một đặc điểm nữa, mùa khô là mùa thiếu nước ở Nam Bộ nhưng lại là mùa thừa nắng ở đây. Nếu phát triển điện mặt trời rồi lấy điện sản xuất nước thì còn rẻ hơn nhiều. Nếu giá thành dưới 10.000 đ một mét khối cho sinh hoạt là giá có thể chấp nhận được.

    Ở Việt Nam cũng đã có những công trình nghiên cứu thành công nhưng nó vẫn nằm trong thư viện của trường đại học:

    Hai là, lấy … tượng đài, khẩu hiệu, cổng chào làm nước. Ai đã đến Singapore đều biết đến “Cây năng lượng”. Singapore là đất nước thiếu nước ngọt quanh năm. Cách đây ba bốn mươi năm, giá một lít nước ngọt đắt không kém một lít bia. Từ đó họ có thái độ rõ ràng đến việc tích trữ nước. Họ xây dựng nhiều hầm chứa nước mưa khắp nơi. Đó là những công trình bể chứa ngầm, có cái chỉ chứa được 900 mét khối, có cái chứa 25.000 mét khối.

    Những con mương dẫn nước mưa từ khắp nơi về hầm đều sạch sẽ, thoáng, không ách tắc. Sau mỗi cơn mưa, 43% nước mưa là hàng triệu mét khối nước được giữ lại để xử lý và cung cấp cho cộng đồng. Điều này cũng giải quyết luôn khâu ngập úng.

    Những cái “Cây năng lượng” là một kiến trúc hình phểu, miệng rộng chừng 20 mét hứng nước chảy về hầm chứa. Cây này vừa tạo cảnh quan đẹp, vừa cảnh báo con người về thái độ với nước, vừa thu gom nước mưa.

    Một câu hỏi sẽ đặt ra: Tiền đâu để làm những cái này? Tôi nghĩ là có. Nếu bây giờ lấy những khoản tiền này để hướng vào hai kiểu tích nước trên đây, tôi chắc rằng muôn dân sẽ nhất trí:

    Thứ nhất là tiền có cái tên rất … vô nghĩa là lấy 70% tiền BẢO HIỂM DÂN SỰ BẮT BUỘC với người đi xe gắn máy. Thứ hai là trích 70% từ “thuế môi trường” trong giá xăng dầu. Thứ ba là tiền xây tượng đài, cổng chào quá lố, quá lớn.

    Nếu với nước để sản xuất tôi không dám bàn, nhưng với nước sinh hoạt cho vùng này, bảo đảm sẽ giải quyết khá ổn bằng 2 sáng kiến này.

    Mỗi người một sáng kiến, dù là sơ giản, cho vùng Nam Bộ hết khát.

    Chuyên gia: xuất khẩu lao động không có lợi cho Việt Nam về lâu dài

    15/4/2024

    Chuyên gia: xuất khẩu lao động không có lợi  cho Việt Nam về lâu dài

    Lực lượng lao động xuất khẩu Việt Nam 

    https://www.rfa.org/++plone++rfa-resources/img/icon-zoom.pngVnEconomy 

    Xuất khẩu lao động (XKLĐ) không còn phù hợp và không có lợi về lâu dài đối với kinh tế - xã hội Việt Nam - Một chuyên gia về lao động nhận định như vậy về tình trạng XKLĐ ở Việt Nam hiện nay.

    VN tiếp tục thúc đẩy XKLĐ 

    Trong thời buổi kinh tế khó khăn, hàng loạt các ngành kinh tế mũi nhọn của Việt Nam như dệt may, da giày, chế biến gỗ, sản xuất, lắp ráp linh kiện điện tử… đều đối mặt với tình trạng thiếu đơn hàng.

    Theo Bộ Lao động- Thương binh và Xã hội (LĐTB&XH), trong 6 tháng đầu năm 2023, đã có hơn 500.000 lao động bị ảnh hưởng việc làm. Trong đó, số lao động mất việc lên tới 279.409 người, chiếm 54,79% lao động bị ảnh hưởng.

    Trong bối cảnh đó, xuất khẩu lao động được coi là một cái phao cứu nguy cho nền kinh tế cũng như mang lại cơ hội việc làm cho người lao động Việt Nam.

    Năm 2023, lượng kiều hối đổ về Việt Nam cao kỷ lục với 16 tỷ USD, chiếm khoảng 4% GDP và tương dương 2/3 tổng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài được giải ngân của Việt Nam.

    Trong một bài viết được đăng tải trên trang web Fulcrum hôm 4/3, có tựa đề “Vietnam’s Labour Export: Economic Boon or Developmental Bane?” (tạm dịch là “Xuất khẩu lao động của Việt Nam: Lợi ích kinh tế hay tai họa cho sự phát triển?”, tiến sỹ Nguyễn Khắc Giang nhận định Chính phủ Việt Nam coi xuất khẩu lao động là giải pháp then chốt để phát triển nguồn nhân lực, giải quyết vấn đề thất nghiệp, tạo kiều hối và nâng cao kỹ năng cho người lao động. Vì vậy, kể từ năm 2010, hơn 1,4 triệu người Việt Nam đã ra nước ngoài làm việc theo hợp đồng ngắn hạn.

    Do đó, Bộ LĐTB&XH tiếp tục đặt mục tiêu đưa 125.000 lao động đi làm việc ở nước ngoài trong năm 2024, tập trung vào các thị trường có thu nhập cao như Nhật Bản, Đài Loan, Hàn Quốc, Đức…

    Thạc sỹ Luật học Trịnh Khánh Ly, người từng làm việc cho Tổ chức Lao động quốc tế (ILO) tại Hà Nội, đánh giá việc lao động từ một nước có nền kinh tế kém phát triển hơn sang làm việc tại một nước có nền kinh tế phát triển hơn là một thực trạng không mới. Nếu như lực lượng lao động có chuyên môn kỹ thuật, lao động có trình độ cao sau một thời gian công tác tại những nước có nền kinh tế phát triển, tiếp thu thêm được những kiến thức, kỹ năng chuyên môn và trở về phục vụ đất nước thì đây là một lợi thế cho đất nước họ: 

    “Tuy nhiên, nếu người lao động sau đó không trở về thì những nước đó không chỉ chịu tổn thất về đầu tư giáo dục cho những lao động này mà còn mất đi một lực lượng lao động cho đất nước. Cho đến nay số lượng những lao động Việt Nam có trình độ sau một thời gian làm việc ở nước ngoài quay trở về Việt Nam là rất ít.”

    Hệ luỵ khi phụ thuộc XKLĐ

    Dù lượng kiều hối tăng cao mang lại lợi ích cho kinh tế, tuy nhiên, cũng theo tiến sỹ Khánh Ly, chính sách khuyến khích XKLĐ của Việt Nam là không còn phù hợp và không có lợi về lâu dài đối với kinh tế - xã hội Việt Nam.

    Nguyên do, theo bà Khánh Ly là vì những lao động không có trình độ đi XKLĐ đều nằm trong độ tuổi rất trẻ, phần lớn không nói được tiếng sở tại, khó tiếp cận được các kiến thức, kỹ năng chuyên môn của các nước có nền kinh tế phát triển. Sau một thời gian ở nước ngoài, dù có trở về Việt Nam thì họ cũng trở thành lao động lớn tuổi, sức khỏe suy giảm và việc không có kiến thức, kỹ năng chuyên môn sẽ làm họ khó khăn hơn trong việc tái hòa nhập cuộc sống tại Việt Nam.

    Bộ LĐTB&XH, vào tháng 8/2022, cho biết  lao động Việt Nam có mặt tại 40 quốc gia trong hơn 30 lĩnh vực, ngành nghề. Tuy nhiên, có đến 90% số này là lao động tay nghề thấp, trình độ học vấn không cao.

    Bà Khánh Ly nhận định, nhóm lao động không có trình độ chuyên môn, kỹ thuật ở nước ngoài đã và đang gặp rất nhiều rủi ro tại nước sở tại như phí môi giới quá cao mà tiền lương trong một số trường hợp không đủ để trang trải cuộc sống nước sở tại, khiến nhiều người lào động bỏ trốn làm việc bất hợp pháp.

    Tại Châu Âu, nhiều lao động Việt Nam làm việc ở một số nước Đông Âu như Rumania, Séc, Ba Lan… mặc dù phải lao động vất vả nhưng tiền lương eo hẹp nên sau một thời gian bằng nhiều cách khác nhau họ lại tìm cách sang các nước Tây Âu như Đức, Pháp, Hà Lan, Bỉ… và nhiều người vượt biên sang Anh một cách bất hợp pháp. Vụ 39 người Việt bỏ mạng trong một chiếc xe thùng trên đường nhập cư lậu vào nước Anh hồi năm 2019 là một hậu quả thảm khốc cho sự lựa chọn này.

    Ngoài ra, Việt Nam vẫn chưa thiết lập được một hệ thống quản lý và hỗ trợ lao động Việt Nam tại các nước sở tại vì vậy khó có thể hỗ trợ, bảo vệ quyền lợi một cách hiệu quả cho họ khi cần. 

    Theo ông Nguyễn Khắc Giang, xuất khẩu lao động cũng kèm theo nhiều thách thức, hệ luỵ cho xã hội. Ví dụ, các tỉnh thành có số người làm việc ở nước ngoài đông đang phải đối mặt với nguy cơ tan rã cấu trúc gia đình truyền thống.

    Một số lãnh đạo ở huyện Nghi Xuân, Hà Tĩnh cho biết năm 2022, tỷ lệ ly hôn ở huyện này khá cao, nguyên nhân phần lớn có liên quan đến xuất khẩu lao động.

    Chị T, hiện đang ở Bắc Giang, chia sẻ với RFA rằng do công việc kinh doanh của hai vợ chồng chị không ổn định, đi làm công nhân gần nhà thì lương không đủ nuôi hai con ăn học và trang trải cuộc sống. Do đó, chồng chị T phải sang Đài Loan làm việc từ bốn năm qua. Cũng từ đó, ngoài những cuộc nói chuyện qua điện thoại, các con của chị chưa được gặp lại bố. Chị nói:

    “Nhiều nhà có một người đi, một người ở nhà thì dễ nảy sinh vấn đề lắm. Nhưng mà giờ ở quê mình kinh doanh thất bại thì phải đi thôi. Một mình vừa đi làm, vừa chăm con nhỏ cũng khó khăn nhưng mà phải chịu chứ biết làm sao.”

    Từ những hệ luỵ vừa nêu, tiến sỹ Nguyễn Khắc Giang cho rằng XKLĐ nên được tiếp cận như một đòn bẩy tạm thời chứ không phải là động lực tăng trưởng vĩnh viễn. Việt Nam phải xây dựng một chiến lược dài hạn nhằm giảm dần sự phụ thuộc vào XKLĐ. Thay vào đó tập trung vào phát triển thị trường lao động trong nước cạnh tranh, nâng cao kỹ năng của lực lượng lao động.

    Theo bà Khánh Ly, Việt Nam nên tận dụng thời cơ khi hiện đang được coi là điểm đến đầu tư sáng giá của các doanh nghiệp FDI: 

    “Thay vì là một nền kinh tế dựa vào XKLĐ, Việt Nam nên chú trọng hơn vào việc đào tạo lao động để phục vụ cho các ngành sản xuất đang ngày càng đóng vai trò quan trọng cho nền kinh tế. Nếu không kịp thời thay đổi chính sách thì Việt Nam sẽ mất nhiều cơ hội khi mà chỉ hơn 10 năm nữa sẽ qua giai đoạn dân số vàng và bước vào giai đoạn dân số già.”

    Người Việt vượt biển trái phép vào Anh ‘nhiều nhất’

    BBC News

    15/4/2024

    Một thuyền cao su chở người di cư trái phép vượt eo biển Manche vào Anh hôm 6/3/2024

    Nguồn hình ảnh, Getty Images

    Chụp lại hình ảnh, Một thuyền cao su chở người di cư trái phép vượt eo biển Manche vào Anh hôm 6/3/2024

     “Số lượng người di cư Việt Nam vượt biển vào Anh ngày càng tăng”, người phát ngôn của Thủ tướng Anh cho biết hôm 14/4, theo Telegraph.

    Ông nói đây là lý do tại sao Dự luật Rwanda của chính phủ cần được quốc hội thông qua càng sớm càng tốt “để cứu mạng sống của những người bị những băng đảng buôn người bóc lột”.

    Số người Việt Nam vượt eo biển Manche đã tăng gấp đôi năm ngoái, từ 505 năm 2022 lên 1.323 năm 2023.

    Theo thống kê, trong số người vượt biển trái phép vào Anh, người Việt đứng đầu về số lượng trong năm 2024.

    The Telegraph đưa tin rằng làn sóng này được cho là nguyên nhân chính khiến con số người di cư trái phép vào Anh tăng kỷ lục vào năm nay. 

    Chỉ riêng hôm Chủ nhật (14/4), 534 người đã vượt biển vào Anh – mức cao nhất tính trong một ngày trong năm nay – nâng con số người vượt biển vào Anh lên 6.265 trong năm 2024, cao hơn 28% cùng thời điểm năm ngoái vào cao hơn 7% so với năm 2022.

    Cũng trong ngày 14/4, các nghị sĩ Anh đã phủ quyết bảy thay đổi đối với Dự luật Rwanda do Hạ viện đề xuất.

    Việc này khiến dự luật được gửi trở lại Hạ viện nơi Công đảng và các thành viên độc lập của Hạ viện sẽ tiếp tục một nỗ lực mới để Quốc hội thông qua và gửi dự luật tới Thượng viện.

    Thảm kịch 39 người không ngăn nổi làn sóng di cư từ Việt Nam

    39 người Việt tử nạn ở thảm kịch Essex

    Chụp lại hình ảnh, 39 người Việt tử nạn trong thảm kịch Essex

    Năm 2019, 39 người Việt đi lậu vào Anh đã chết trong một thùng xe tải đông lạnh ở Essex, trong đó có 31 nam và 8 nữ.

    Tuy nhiên, thảm kịch này không làm làn sóng di cư trái phép giảm xuống. 

    Ngày càng có nhiều người di cư Việt Nam mạo hiểm vượt eo biển Manche bằng những chiếc thuyền chở tối đa 20 người, thay vì đến Vương quốc Anh bằng đường bộ.

    Người di cư Việt Nam thường bị các băng đảng chuyển lậu sang Anh để làm việc bất hợp pháp trong các tiệm nail và nhà hàng. Họ cũng bị phát hiện làm việc trong các đường dây tình dục và trại trồng cần sa. 

    Đây là lý do tại sao các tay chủ thường thích nhận người di cư đi bằng xe tải hơn so với đường biển – nơi họ có nhiều khả năng bị Tuần duyên Anh bắt giữ.

    Một số người vào châu Âu qua cửa ngõ Serbia hoặc Romania thông qua hộ chiếu lao động, chủ yếu làm những việc lương thấp, trong điều kiện tồi tệ.

    Nhiều người ở Việt Nam đã phải trả từ 15.000 đến 20.000 bảng (từ 470 đến 630 triệu đồng) cho các băng đảng buôn người.

    Bộ trưởng Tô Lâm nói gì?

    Ông Tô Lâm tái khẳng định việc "không có nạn nhân mua bán người trực tiếp từ Việt Nam sang Anh, công dân Việt Nam là người bị hại trong hoạt động tội phạm có tổ chức tại châu Âu".

    Nguồn hình ảnh, VGP

    Chụp lại hình ảnh, Ông Tô Lâm tái khẳng định việc "không có nạn nhân mua bán người trực tiếp từ Việt Nam sang Anh, công dân Việt Nam là người bị hại trong hoạt động tội phạm có tổ chức tại châu Âu".

    Hôm 15/4, ông James Cleverly, Ngoại trưởng Anh, đã điện đàm với Đại tướng Tô Lâm, Bộ trưởng Công an Việt Nam, về vấn đề người di cư Việt Nam tăng vọt.

    Báo Công an Nhân dân đưa tin về buổi điện đàm, cho biết hai bên "thường xuyên trao đổi thông tin" và "triển khai có hiệu quả" “Bản ghi nhớ về các vấn đề di cư giữa Chính phủ Việt Nam và Chính phủ Anh”; “Bản ghi nhớ về về hợp tác phòng, chống tội phạm mua bán người”…

    Ông Tô Lâm tái khẳng định việc "không có nạn nhân mua bán người trực tiếp từ Việt Nam sang Anh, công dân Việt Nam là người bị hại trong hoạt động tội phạm có tổ chức tại châu Âu".

    Báo Telegraph của Anh viết rằng phía Anh đã đạt được một thỏa thuận mới với Việt Nam trong nỗ lực hạn chế dòng người di cư bất hợp pháp từ Việt Nam sang Anh.

    Bộ Nội vụ Anh tháng trước đã tung ra một chiến dịch truyền thông mới trên mạng xã hội nêu bật những rủi ro của việc thực hiện hành trình bất hợp pháp như vậy.

    Đối thoại Di cư Anh-Việt lần thứ hai sẽ được tổ chức ngày 17/4 tại London.

    BBC

    Chương trình Rwanda có gì?

    Thi thể của 39 người Việt được tìm thấy trong chiếc xe tải chở đồ đông lại hôm 23/10/2019

    Nguồn hình ảnh, PA media

    Chụp lại hình ảnh, Thi thể của 39 người Việt được tìm thấy trong chiếc xe tải chở đồ đông lạnh vào ngày 23/10/2019

    Quốc vụ khanh Bộ Nội vụ Anh Matthew Rycroft nói với các nghị sĩ rằng chương trình Rwanda, với kinh phí 370 triệu bảng Anh, chỉ được coi là hiệu quả nếu giảm được 1/3 số người nhập cư lậu. Tức là phải ít hơn 10.000 người so với 29.437 vào năm ngoái.

    Giới chức Anh cho hay hiện có 40.000 người di cư trái phép đang trong tình trạng "treo". Họ đã bị từ chối đơn xin tỵ nạn. Những người này lẽ ra "đã phải được đưa đến Rwanda".

    Nghị sĩ Đảng Bảo thủ Tim Loughton cảnh báo rằng sẽ không có lựa chọn nào ngoài việc cho phép những người này ở lại vì chỉ có các chuyến bay hạn chế tới Rwanda.

    Dự luật Rwanda cho phép chính phủ Anh đưa người vào Anh trái phép tới Rwanda.

    Chính phủ Anh đang cố gắng để dự luật này được thông qua, sau khi Tòa án Tối cao cho rằng kế hoạch này là trái luật.

    Rwanda là một nước ở Trung Phi, có biên giới giáp Uganda, Tazania, Burundi và Congo với tổng diện tích hơn 26.000 km2, mật độ khoảng 445 người/km2.

    Hồi năm 2022, chính phủ Anh cho biết họ sẽ trả cho chính phủ Rwanda một khoản ban đầu là 120 triệu bảng Anh cho chương trình thử nghiệm tiếp nhận di dân, sau đó sẽ trả thêm các khoản khác.

    CEO Tim Cook của Apple thăm Hà Nội, công bố tăng cường đầu tư vào Việt Nam 

    15/4/2024 

    VOA Tiếng Việt 

    Giám đốc điều hành của Apple, Tim Cook (trái), uống cà phê với ca sĩ Mỹ Linh (phải) và Mỹ Anh tại Hà Nội vào ngày 15/4/2024.

    Giám đốc điều hành của Apple, Tim Cook (trái), uống cà phê với ca sĩ Mỹ Linh (phải) và Mỹ Anh tại Hà Nội vào ngày 15/4/2024. 

    Giám đốc điều hành của Apple, Tim Cook, vừa đến Hà Nội vào thứ Hai (15/4), công bố kế hoạch tăng cường chi tiêu tại Việt Nam, giữa lúc gã khổng lồ công nghệ Hoa Kỳ đang tìm cách tăng doanh số bán hàng tại các thị trường mới.

    Công ty công nghệ có trụ sở tại California cho biết trong một tuyên bố hôm thứ Hai rằng họ sẽ tăng cường chi tiêu cho các nhà cung cấp trong nước nhưng không nêu chi tiết về số tiền sẽ chi tiêu hoặc khoản tiền này sẽ tập trung vào đâu, theo Bloomberg và AFP.

    Ông Tim Cook dự kiến sẽ gặp gỡ các lập trình viên, người sáng tạo nội dung và sinh viên trong chuyến thăm kéo dài 2 ngày của mình tại Việt Nam.

    Những hình ảnh trên trang tin VnExpress và truyền thông Việt Nam cho thấy ông Cook đang đi dạo bên hồ Hoàn Kiếm ở trung tâm Hà Nội.

    “Xin chào Việt Nam. Tôi rất vui mừng được có mặt ở đây ngày hôm nay. Tôi nóng lòng được gặp tất cả các nhà phát triển và người sáng tạo trong cộng đồng”, ông chủ Apple nói trong một video đăng trên trang tin của Việt Nam.

    Tuyên bố của Apple cho biết công ty đã chi gần 400 nghìn tỷ đồng (16 tỷ USD) kể từ năm 2019 thông qua chuỗi cung ứng địa phương và đã tăng hơn gấp đôi chi tiêu hàng năm cho Việt Nam trong cùng thời kỳ.

    “Từ việc hợp tác với các nhà cung cấp địa phương, đến hỗ trợ các dự án nước sạch và các cơ hội giáo dục, chúng tôi cam kết tiếp tục tăng cường kết nối tại Việt Nam”, AFP dẫn lời ông Cook nói trong tuyên bố.

    Việt Nam trong những năm gần đây nổi lên như một trung tâm sản xuất quan trọng nhất của Apple bên ngoài Trung Quốc, khi các nhà cung cấp như Luxshare, Foxconn, Compal và GoerTek đang vận hành các nhà máy sử dụng hơn 150.000 lao động tại Việt Nam.

    Sau khi đến Hà Nội hôm thứ Hai, ông Cook đã đăng một số ảnh lên trang mạng xã hội X cho thấy ông đang uống cà phê trứng cùng với ca sĩ Mỹ Linh và con gái cô, ca sĩ Mỹ Anh, và chụp ảnh selfie cùng với một người đàn ông ở hồ Hoàn Kiếm.

    Chuyến đi của ông Cook diễn ra trong bối cảnh chính quyền Tổng thống Mỹ Joe Biden đang tìm cách nâng cao vị thế của Việt Nam trong chuỗi cung ứng công nghệ toàn cầu như một phần trong nỗ lực giảm bớt sự phụ thuộc của Mỹ vào Trung Quốc.

    Hồi tháng 9, Tổng thống Biden tuyên bố nâng cấp quan hệ Hoa Kỳ-Việt Nam lên “đối tác chiến lược toàn diện” trong chuyến thăm Việt Nam nhằm thúc đẩy thương mại và hợp tác trong các ngành công nghiệp quan trọng như chất bán dẫn.

    Thời điểm chuyến thăm diễn ra cũng rơi vào giai đoạn “thử thách” đối với gã khổng lồ công nghệ Hoa Kỳ khi số liệu do Tập đoàn Dữ liệu Quốc tế (IDC) công bố hôm thứ Hai cho thấy những lô hàng iPhone trên toàn cầu đã giảm xuống 10% so với cùng kỳ trong quý đầu tiên của năm 2024, theo CNBC.

    Apple đang phải đối mặt với sự cạnh tranh gay gắt trên các thị trường điện thoại thông minh cao cấp mà hãng này hoạt động, đặc biệt là tại các thị trường trọng điểm như Trung Quốc.

    Theo IDC, Apple đã âm thầm phát triển thành nhà cung cấp điện thoại thông minh lớn thứ ba của Việt Nam về số lượng xuất xưởng, sau nhà sản xuất điện tử Trung Quốc Oppo và Samsung của Hàn Quốc. Việt Nam cũng đã trở thành một địa điểm sản xuất quan trọng khi Apple tìm cách đa dạng hóa hoạt động lắp ráp sản phẩm của mình ra khỏi Trung Quốc.

    Sự phụ thuộc của Apple vào Trung Quốc đối với các sản phẩm của họ đã bị giám sát chặt chẽ vào năm 2022 khi các biện pháp ngăn chặn Covid-19 nghiêm ngặt của nước này và tình trạng bất ổn của công nhân tại nhà máy sản xuất iPhone hàng đầu Foxconn đã làm gián đoạn hoạt động sản xuất. Foxconn là nhà lắp ráp chính iPhone của Apple.

    Vào tháng 12, tờ Nikkei đưa tin Apple đang chuyển một số nguồn lực kỹ thuật quan trọng của iPad sang Việt Nam. Quốc gia Đông Nam Á hiện được cho là đang tham gia vào việc phát triển và sản xuất MacBook, iPad và Apple Watch.

    “Việt Nam quan trọng đối với Apple không chỉ vì lượng người hâm mộ ngày càng tăng ở đó mà còn vì ngành công nghiệp này đang phòng ngừa rủi ro bằng cách đa dạng hóa hoạt động sản xuất ngoài Trung Quốc. Điều này bao gồm các địa điểm quan trọng như Việt Nam, nơi Samsung đã hiện diện từ lâu ở phía bắc đất nước”, Bryan Ma, phó chủ tịch nghiên cứu thiết bị khách hàng tại IDC, nói với CNBC.

    Việt Nam chứng kiến số công ty lắp ráp sản phẩm Apple tăng gấp 4 lần trong thập kỷ qua.

    Ngoài Việt Nam, Ấn Độ cũng nổi lên như một trung tâm sản xuất iPhone quan trọng trong khu vực.

    Chuyến thăm Việt Nam của ông Cook diễn ra sau khi 61 nhóm môi trường và nhân quyền kêu gọi Apple phản đối việc nước này giam giữ các nhà hoạt động về khí hậu. Các tổ chức hoạt động kêu gọi hãng công nghệ Mỹ cân nhắc trước nguy cơ vi phạm các chính sách về môi trường và nhân quyền của chính mình.


    Không có nhận xét nào