Header Ads

  • Breaking News

    Chuyện Việt Nam ngày Thứ ba 09 tháng 4 năm 2024

    Quê Hương tổng hợp

    Lần đầu tiên, một ngoại trưởng Vatican đến thăm chính thức Việt Nam

    Minh Anh /RFI

    09/4/2024

    Theo lời mời của Hội đồng Giám mục Việt Nam, đức tổng giám mục Paul Richard Gallagher, bộ trưởng Ngoại Giao Toà Thánh Vatican công du Việt Nam từ 09 đến 14/04/2024. Đây là chuyến thăm chính thức Việt Nam chưa từng có. 

    Giáo hoàng Phanxicô nhận quà từ nguyên phó thủ tướng Trương Hòa Bình trong một chuyến thăm Vatican, ngày 20/10/2018.

    Giáo hoàng Phanxicô nhận quà từ nguyên phó thủ tướng Trương Hòa Bình trong một chuyến thăm Vatican, ngày 20/10/2018. AP - Gregorio Borgia 

    Từ Liège, Bỉ, linh mục Phạm Hoàng Dũng cho biết thêm thông tin :

    « Theo trang tin của Hội đồng Giám mục Việt Nam ngày 03/04/2024, chiều hôm nay, 09/04, đức tổng giám mục Paul Richard Gallagher họp với ngoại trưởng Bùi Thanh Sơn. Vào ngày mai, 10/04, Ngài sẽ gặp thủ tướng Phạm Minh Chính, bộ trưởng Công An và Ban Tôn giáo chính phủ. Tại Hà Nội, ngài sẽ thăm Bệnh viện Nhi Trung ương, nơi đã có chương trình hợp tác y khoa với Bệnh viện Bambino Gesù của Roma từ năm 2005.

    Theo phát biểu của đức tổng giám mục Nguyễn Chí Linh, trong buổi lễ trọng thể tại La Vang, hôm thứ Bảy 06/04/2024, đây là chuyến thăm chính thức theo lời mời của chính phủ Việt Nam, tiếp theo lời mời đức giáo hoàng của nguyên chủ tịch nước Võ Văn Thưởng và sự đón nhận tích cực lời mời này từ phía Tòa Thánh.

    Ngài cũng cho biết, đức tổng giám mục Paul Richard Gallagher sẽ thăm ba giáo tỉnh của Việt Nam là Hà Nội, Huế và Sài Gòn. Và tại thành phố Hồ Chí Minh, ngoại trưởng Tòa Thánh sẽ có cuộc gặp toàn thể các giám mục Việt Nam, đang họp thường niên kỳ I năm 2024 từ ngày 08-12/04 tại Vĩnh Long.

    Qua chuyến thăm của đức tổng giám mục Paul Richard Gallagher, cộng đồng công giáo Việt Nam hy vọng Đức Giáo Hoàng Phanxicô sẽ sớm đến thăm Việt Nam nhân chuyến đi đến Indonesia vào tháng Chín này. »

    LS Đặng Đình Mạnh - Nguyên nhân chính trường Việt Nam hỗn loạn

    09/4/2024

    VNTB – Nguyên nhân chính trường Việt Nam hỗn loạn 

    (VNTB) – Chưa từng một ai dám lên tiếng hoặc lưu hành tin đồn về ông Tô Lâm…

    Tính từ sau thời điểm ông Trần Đại Quang từ trần khi đang tại chức chủ tịch nước vào tháng 09/2018 cho đến nay (tháng 03/2024) là chưa đầy 6 năm. Lần lượt, đã có sự thay đổi nhân sự đến 7 lần đối với chức vụ chủ tịch nước, gồm:

    Ông Trần Đại Quang (giữ chức vụ từ tháng 04/2016 – tháng 09/2018);

    Bà Đặng Thị Ngọc Thịnh (tháng 09/2018 – tháng 10/2018);

    Ông Nguyễn Phú Trọng (tháng 10/2018 – tháng 04/2021);

    Ông Nguyễn Xuân Phúc (tháng 04/2021 – tháng 01/2023);

    Bà Võ Thị Ánh Xuân (tháng 01/2023 – tháng 03/2023);

    Ông Võ Văn Thưởng (tháng 03/2023 – tháng 03/2024);

    Bà Võ Thị Ánh Xuân (tháng 03/2024 – nay);

    Thay đổi nhân sự lần thứ 7 với bà Võ Thị Ánh Xuân giữ quyền chủ tịch nước chỉ mang tính chất tạm thời mà thôi. Không bao lâu nữa, chế độ sẽ sớm cử một nhân sự mới ngồi vào ghế chủ tịch nước ấy.

    Có nghĩa là chưa đầy 6 năm, có đến 8 lần thay đổi nhân sự đối với chức vụ chủ tịch nước. Tại sao và như thế nào lại có sự bất ổn chính trị lớn đến như vậy đối với một nền chính trị vốn vẫn thường xuyên hãnh diện về sự ổn định của mình? Thậm chí, đã cho rằng sự ổn định chính trị ấy là một ưu điểm khi kêu gọi quốc tế đầu tư. Bài viết này sẽ nêu một trong các nguyên nhân khả dĩ…

    Những đảng viên kỳ cựu, tiền nhiệm của ông Nguyễn Phú Trọng đã đặt ra sự hạn chế nhiệm kỳ đối với chức vụ tổng bí thư trong bản điều lệ đảng để tránh sự chuyên quyền độc đoán quyền lực trong đảng. Theo đó, mỗi đảng viên chỉ có thể giữ chức vụ tổng bí thư không quá hai nhiệm kỳ. Vẫn theo điều lệ đảng, sự hạn chế nhiệm kỳ không đặt ra bất kỳ ngoại lệ nào cả.

    Tuy vậy, đến thời điểm ông Nguyễn Phú Trọng làm tổng bí thư, ông ấy ngang nhiên cho sửa đổi điều lệ, phá vỡ sự hạn chế nhiệm kỳ. Ông Nguyễn Phú Trọng tự tiện đặt ra ngoại lệ “Trường hợp đặc biệt” để tiếp tục giữ chức vụ tổng bí thư với nhiệm kỳ thứ ba.

    Kể từ đó, bên cạnh các khủng hoảng chính trị mang tính truyền thống chưa thể giải quyết, thì ông Nguyễn Phú Trọng đã làm phát sinh thêm sự khủng khoảng chính trị mới. Lần này là tính chính danh và hợp pháp đối với quyền lực của chính ông, khi sự tấn phong chức vụ tổng bí thư nhiệm kỳ ba không đến từ bản điều lệ mà các đảng viên trong đảng đang tôn trọng, mà lại đến từ sự vi phạm điều lệ.

    Điều này đã gây nên hậu quả rất nghiêm trọng về sự khủng hoảng điều lệ đảng Cộng Sản đối với các đảng viên cao cấp đầy tham vọng trước cơ hội thay đổi nhân sự cho một nhiệm kỳ mới sắp diễn ra. Noi gương ông Nguyễn Phú Trọng, các ứng viên chức vụ tổng bí thư không ngồi yên, điềm nhiêm chờ đợi một sự phân công, sắp xếp nhân sự theo điều lệ đảng nữa, mà họ đã sớm ra tay triệt hạ các đối thủ tiềm tàng bằng mọi thủ đoạn trước kỳ đại hội. Như thế, cuộc bầu cử trong kỳ đại hội đảng sắp tới chẳng còn mấy ý nghĩa, có chăng, chỉ nhằm mục đích hợp thực hóa kết quả cho kẻ thắng trong cuộc tranh giành đó.

    Lúc này, công chúng choáng váng về hàng loạt tin đồn thật giả đầy hỗn loạn về các đảng viên cao cấp, như việc bạch hóa hồ sơ đảng viên cao cấp trót nhúng chàm vào tham ô, tham nhũng, hoặc tin đồn úp mở về việc hủ hóa, hối mại quyền thế để tư lợi… chính là đang chứng kiến các thủ đoạn triệt hạ nhau giữa các đối thủ chính trị.

    Ông Võ Văn Thưởng là nạn nhân mở màn cho cuộc tranh giành quyền lực đó bằng sự bóc mẽ hành vi nhận hối lộ từ một vụ án cách nay hơn cả thập kỷ. Các nạn nhân kế tiếp gồm những người có khả năng tranh chấp chiếc ghế tổng bí thư đầy quyền lực, như ông Vương Đình Huệ, chủ tịch quốc hội, ông Phạm Minh Chính, thủ tướng, bà Trương Thị Mai, thường vụ ban bí thư. Lần lượt từng người một đều bị tung tin đồn bê bối các loại, hoặc là hủ hóa với phụ nữ như ông Vương Đình Huệ, ông Phạm Minh Chính, hoặc hối mại quyền thế để được cấp dưới xây dựng nhà bằng ngân sách nhà nước như bà Trương Thị Mai.

    Cuối cùng phải kể đến ông Tô Lâm, bộ trưởng bộ công an. Với ông Tô lâm, đối thủ chính trị của ông ấy không cần đến tin đồn, hoặc tìm tòi đâu xa xôi. Vì hàng loạt sai phạm, vi phạm pháp luật tày đình của ông đã lồ lộ ngay trước mắt bàn dân thiên hạ, như: Tổ chức bắt cóc người từ Đức quốc sang đến Thái Lan bất chấp luật pháp quốc tế, luật pháp quốc gia sở tại và chính luật pháp Việt Nam; Tùy tiện tổ chức in mẫu hộ chiếu mới bỏ thông tin về nguyên quán, khiến sau đó phải bổ sung bằng phụ chú; Liên tục thay đổi mẫu chứng minh nhân dân/căn cước và cùng với việc thay đổi hộ chiếu gây phiền hà cho nhân dân, gây lây nhiễm dịch bệnh Covid-19 năm 2021, gây hao tổn ngân sách nhà nước; Có lối sống xa hoa, ăn bò dát vàng gây hình ảnh xấu trong nhân dân;

    Thế nhưng, chưa từng một ai dám lên tiếng hoặc lưu hành tin đồn về ông Tô Lâm. Điều này cho thấy vị thế thượng phong của ông ấy trước các đối thủ chính trị.

    Tất cả đều đều vẽ nên bức tranh toàn cảnh như câu chuyện “Lục súc tranh công”, nhưng ở phiên bản tệ hơn là tranh chức vị.

    Chính trường hỗn loạn, sự thoán đạt quyền lực bằng những thủ đoạn dưới thắt lưng giữa các đảng viên cao cấp trong đảng Cộng Sản vào giai đoạn hiện nay, nhìn rộng ra, chỉ đang lập lại phiên bản thoán đạt quyền lực quốc gia cùng tác giả đã từng có đối với xứ sở này vào năm 1945, dưới danh nghĩa “Cướp chính quyền”, thời điểm đánh dấu sự chuyển giao quyền lực quốc gia theo cách đầy “hoang dã” trong một thế giới đang chuyển mình mạnh mẽ về phía văn minh. Phía mà bầu cử tự do mới là cách để nắm giữ quyền lực quốc gia một cách chính danh.

    DC, ngày 04/04/2024

    https://vietnamthoibao.org/vntb-nguyen-nhan-chinh-truong-viet-nam-hon-loan/

    Việt Nam muốn tăng cường hợp tác với Nga trong lĩnh vực dầu khí 

    09/4/2024 

    VOA Tiếng Việt 

    Thủ tướng Phạm Minh Chính tiếp ông Sergey Kudryashov, Giám đốc điều hành tập đoàn Zarubezhneft, ngày 8/4/2024. Photo: VGP

    Thủ tướng Phạm Minh Chính tiếp ông Sergey Kudryashov, Giám đốc điều hành tập đoàn Zarubezhneft, ngày 8/4/2024. Photo: VGP 

    Thủ tướng Việt Nam Phạm Minh Chính cho biết tại cuộc gặp với lãnh đạo tập đoàn dầu khí Nga Zarubezhneft rằng việc hợp tác trong lĩnh vực nhiên liệu và năng lượng sẽ góp phần quan trọng vào quan hệ giữa Việt Nam và Nga, truyền thông hai nước đưa tin.

    Tại buổi tiếp ông Sergey Kudryashov, Giám đốc điều hành tập đoàn Zarubezhneft, Thủ tướng Chính khẳng định Việt Nam luôn ủng hộ, tạo điều kiện thúc đẩy hợp tác giữa hai nước trong lĩnh vực dầu khí, dựa trên cơ sở “lợi ích hài hòa, rủi ro chia sẻ” theo Thông tấn Nga TASS hôm 8/4.

    Ông Phạm Minh Chính bày tỏ ủng hộ mạnh mẽ việc đẩy nhanh giải quyết các khó khăn, vướng mắc trong khuôn khổ quan hệ song phương hiện có giữa tập đoàn Zarubezhneft và Tập đoàn Dầu khí Việt Nam, cổng thông tin Chính phủ Việt Nam loan tin. Tuy nhiên, cơ quan này không cho biết các khó khăn, vướng mắc đó là gì.

    Ông Chính yêu cầu các bộ, cơ quan xem xét tiến độ thực hiện các thỏa thuận hợp tác đã ký giữa lãnh đạo hai nước, trong đó có ngành dầu khí, đồng thời đưa vấn đề này vào chương trình nghị sự phiên họp sắp tới của Ủy ban liên chính phủ về kinh tế - thương mại và nghiên cứu và hợp tác khoa học.

    Về phần mình, Giám đốc điều hành Zarubezhneft khẳng định phía Nga mong muốn tiếp tục phát triển quan hệ đối tác với Việt Nam trên nhiều lĩnh vực, đặc biệt là kinh tế, thương mại và đầu tư, trong đó có lĩnh vực nhiên liệu và năng lượng.

    Vị lãnh đạo Zarubezhneft cũng có ý định mở rộng hợp tác với Việt Nam trong lĩnh vực mới, bao gồm cả việc phát triển phân khúc năng lượng điện gió.

    Từ hơn 40 năm qua, Zarubezhneft hợp tác cùng Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PetroVietnam) với liên doanh Vietsovpetro tại Việt Nam và liên doanh Rusvietpetro tại Nga trong lĩnh vực thăm dò địa chất và khai thác dầu, khí.

    Thái Lan thúc đẩy thị thực chung với Việt Nam và 4 nước ĐNÁ khác 

    09/4/2024 

    VOA Tiếng Việt 

    Du khách đến Thái Lan.

    Du khách đến Thái Lan. 

    Thái Lan vừa đề xuất cấp thị thực chung như Schengen của châu Âu để áp dụng cho nước này và cho cả 5 quốc gia Đông Nam Á khác là Việt Nam, Campuchia, Lào, Malaysia, Myanmar để thúc đẩy du lịch trong khu vực.

    Trong những tháng gần đây, Thủ tướng Thái Lan Srettha Thavisin đã thảo luận đề xuất này với những người đồng cấp ở những quốc gia trên một phần trong nỗ lực thu hút du khách, thúc đẩy du lịch, trang Bangkok Post và Bloomberg đưa tin hôm 7/4.
    Với một thị thực chung duy nhất, khách du lịch sẽ khám phá tất cả sáu quốc gia Đông Nam Á, trang Bangkok Post cho biết. Chính sách này được ví như “visa Schengen kiểu châu Á”.
    Thị thực Schengen của châu Âu hiện cho phép khách du lịch nhập cảnh vào 27 quốc gia thành viên trong thời gian tối đa 90 ngày.

    Chính phủ Thái Lan muốn tận dụng chính sách thị thực chung này để mang đi đàm phán với các nước trong liên minh châu Âu, tiến tới đạt thỏa thuận miễn visa giữa Schengen và nhóm các nước ASEAN này.

    Nếu sáng kiến thành công, khách du lịch chỉ cần xin visa một trong 6 nước Thái Lan, Việt Nam, Myanmar, Lào, Campuchia, Malayisa là có thể thoải mái di chuyển, tham quan các nước còn lại.

    Theo dữ liệu chính thức, năm ngoái 6 quốc gia Đông Nam Á này đã đón tổng cộng 70 triệu khách du lịch nước ngoài, trong đó Thái Lan và Malaysia chiếm hơn một nửa tổng doanh thu, đạt 48 tỷ USD.
    Trong những nước này, Malaysia và Thái Lan đã miễn thị thực cho khách du lịch Trung Quốc và Ấn Độ.

    Hãng tin Blomberg dẫn lời ông Thitinan Pongsudhirak, giáo sư tại Đại học Chulalongkorn, Thái Lan, thỏa thuận thị thực chung này sẽ gặp các “khó khăn và thách thức” vì các nước phải đạt được tiêu chuẩn chung trong chính sách nhập cảnh và việc phê duyệt phải được phối hợp giữa các quốc gia. Ông nhận thấy các nước Đông Nam Á hiện chưa có tiêu chí chung về nhập cảnh, điều này khác với các tiêu chí của Liên minh châu Âu.

    Truyền thông Việt Nam có loan tin về đề xuất của Bangkok, nhưng chính quyền Việt Nam chưa đưa ra phản ứng công khai về ý tưởng này của Thái Lan.

    Vào tháng 3/2024, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Việt Nam kiến nghị Chính phủ nên mở rộng miễn thị thực đơn phương cho công dân các nước có trình độ phát triển cao hơn Việt Nam, chi tiêu du lịch lớn và thời gian lưu trú dài hạn.

    Ngoài ra bộ này cũng kiến nghị thí điểm miễn thị thực trong thời gian ngắn hạn cho khách du lịch từ một số thị trường tiềm năng, quy mô lớn như Trung Quốc, Ấn Độ… nhằm kích cầu du lịch, phát triển mạnh các thị trường lớn này.

    Tập Cận Bình kêu gọi Việt Nam dùng “sự khôn ngoan chính trị” trong quan hệ đối ngoại

    Vân Anh tổng hợp/VNTB

    09/4/2024

    VNTB – Tập Cận Bình kêu gọi Việt Nam dùng “sự khôn ngoan chính trị” trong quan hệ đối ngoại 

    (VNTB) – Tập Cận Bình kêu gọi Hà Nội sử dụng “sự khôn ngoan chính trị” trong mối quan hệ với Bắc Kinh

    Thông điệp từ việc Tập Cận Bình kêu gọi Hà Nội sử dụng “sự khôn ngoan chính trị cao” trong quan hệ ngoại giao không thể rõ hơn nữa khi mối quan hệ của Việt Nam với Mỹ, Nhật, Australia và các đồng minh của Mỹ sau được nâng cấp hoặc trở nên ấm hơn.

    Trong cuộc gặp ở Bắc Kinh hôm thứ Hai với Vương Đình Huệ, Chủ tịch Quốc hội Việt Nam Tập Cận Bình kêu gọi Việt Nam cùng nỗ lực để đạt được những kết quả thực tế hơn trong việc xây dựng vận mệnh chung.

    Theo Tân Hoa Xã, Tập ca ngợi mối quan hệ “ vừa là đồng chí vừa là anh em” của Bắc Kinh với Hà Nội và cho biết một thỏa thuận xây dựng một “cộng đồng có vận mệnh chung đã mở ra một chương mới” trong quan hệ song phương. Cam kết “vận mệnh chung” đã được đưa ra trong chuyến thăm cấp nhà nước của Tập Cận Bình tới Việt Nam vào tháng 12 năm 2023. 

    Bắc Kinh có vẻ rất quan tâm đến việc xây dựng “vận mệnh chung” với Việt Nam khi Tập Cận Bình nhắc đi nhắc lại cam kết này trong bối cảnh căng thẳng trong khu vực gia tăng. Ngay khi chuyến đi của Vương Đình Huệ bắt đầu, căng thẳng giữa Bắc Kinh và Manila lại bùng lên với việc Philippines tham gia tập trận với Mỹ, Nhật Bản và Australia. 

    Trước “những thay đổi sâu sắc và phức tạp” đối với trật tự thế giới hiện tại, Tập Cận Bình cảnh báo Vượng Đình Huệ rằng “lợi ích chung của Trung Quốc và Việt Nam là bảo vệ hệ thống xã hội chủ nghĩa và duy trì sự ổn định và phát triển quốc gia.”

    Tập Cận Bình nói: “Cả hai bên cần hình thành ý thức mạnh mẽ về một cộng đồng có tương lai chung, có mức độ tin cậy lẫn nhau cao, củng cố nền tảng [của mình]… bằng sự hợp tác chất lượng cao, và thúc đẩy việc xây dựng sự khôn ngoan chính trị với mức độ cao. ” 

    Tập Cận Bình cũng yêu cầu hai nước nên chia sẻ kinh nghiệm quản lý đảng và nhà nước, thúc đẩy Sáng kiến Vành đai và Con đường của Trung Quốc và thúc đẩy giao lưu giữa giới trẻ và các thành phố kết nghĩa.

    Bên cạnh đó Tập Cận Bình nhấn mạnh sự cần thiết phải tăng cường trao đổi và hợp tác song phương giữa các cơ quan lập pháp ở các cấp khác nhau để tăng cường học hỏi lẫn nhau trong quá trình xây dựng luật và giám sát.

    Đáp lại, Vương Đình Huệ cam kết coi Trung Quốc là lựa chọn chiến lược ưu tiên hàng đầu trong quan hệ đối ngoại của Việt Nam.

    Vương Đình Huệ ca ngợi nỗ lực của Bắc Kinh trong việc phát triển lực lượng sản xuất mới có chất lượng như một động thái đổi mới của chủ nghĩa xã hội mang lại những tài liệu tham khảo có giá trị cho Hà Nội.

    Chủ tịch Quốc Hội cho biết Việt Nam kiên quyết tuân thủ nguyên tắc một Trung Quốc, coi Đài Loan là một phần không thể tách rời của lãnh thổ Trung Quốc và kiên quyết phản đối mọi hình thức hoạt động ly khai “Đài Loan độc lập”.

    Vương Đình Huệ tái khẳng định cam kết của Việt Nam trong việc tăng cường sự tin cậy chính trị cấp cao với Trung Quốc và tích cực thúc đẩy sự liên kết giữa chiến lược kinh tế với BRI.

    Các chuyến viếng thăm cấp cao gần đây đến Trung Quốc của các phái đoàn Việt Nam cho thấy cả Bắc Kinh và Hà Nội trong cùng coi trọng mối quan hệ song phương, đặc biệt là trong bối cảnh căng thẳng khu vực leo thang. 

    Sau những chỉ trích có phần gay gắt của Bộ Ngoại giao Việt Nam về những căng thẳng trên Biển Đông nhu vụ đụng độ giữa Trung Quốc và Philippines ở gần Bãi Cỏ Mây hồi tháng 3 vừa rồi, chuyến đi của Vương Đình Huệ lần này thể hiện chính sách ngoại giao cây tre của Việt Nam trong việc cố tạo ra sự cân bằng trong quan hệ với Trung Quốc và phương Tây.

    https://vietnamthoibao.org/vntb-tap-can-binh-keu-goi-viet-nam-dung-su-khon-ngoan-chinh-tri-trong-quan-he-doi-ngoai/

    Thị trường vàng Việt Nam: độc quyền, giá leo thang, buôn lậu vượt kiểm soát

    Giáng vàng Việt Nam đang cao hơn giá thế giới rất nhiều

    Nguồn hình ảnh, Getty Images

    Chụp lại hình ảnh, 

    Giáng vàng Việt Nam đang cao hơn giá thế giới rất nhiều

    Thị trường vàng miếng Việt Nam đang chứng kiến tốc độ tăng giá kỷ lục.

    Chỉ trong sáng 9/4, vàng miếng SJC đã tăng lên hơn nửa triệu đồng mỗi lượng, lập kỷ lục mới ở mức 83 triệu đồng VN. Đây được coi là mức giá cao nhất của vàng miếng SJC từ trước tới nay.

    Cũng trong sáng cùng ngày, Công ty vàng bạc đá quý Sài Gòn SJC đã liên tục tăng giá vàng miếng tới bốn lần, tổng cộng tăng 600.000 đồng.

    Các công ty khác như Phú Quý SJC, Doji, Bảo Tín Minh Châu đều cho tăng giá vàng miếng trong sáng 9/4.

    Không chỉ vàng miếng, vàng nhẫn cũng lập kỷ lục mới khi lên 75,6 triệu đồng/lượng.

    Giá cao hơn quốc tế và nạn buôn lậu vàng

    Giá vàng miếng SJC Việt Nam cao hơn giá quốc tế 12 triệu đồng, giá vàng nhẫn Việt Nam cao hơn giá quốc tế từ 3,7-4,6 triệu đồng/lượng.

    Giá vàng tại Việt Nam là 3.263,26 USD/lượng tính đến chiều thứ Sáu (5/4), tương đương khoảng 2.719 USD/ounce.

    Giá vàng Việt Nam leo thang có thể là nguyên nhân khiến buôn lậu vàng vào nước này được cho là đang diễn ra mất kiểm soát. 

    Điển hình của tình trạng này là vụ án buôn lậu 6.150kg vàng 999 trị giá hơn 8.400 tỷ đồng từ Campuchia về Việt Nam của một đường dây do hai phụ nữ Việt Nam là Nguyễn Thị Minh Phụng và Nguyễn Thị Kim Phượng cầm đầu.

    Cơ quan chức năng Việt Nam nhận định rằng đây là vụ án nghiêm trọng, ảnh hưởng đến trật tự quản lý kinh tế của nhà nước trong lĩnh vực kinh doanh vàng.

    Ổn định thị trường vàng là một vấn đề cấp bách đối với chính phủ Việt Nam khi những kẻ buôn lậu lợi dụng giá trong nước cao hơn để nhập lậu vàng vào Việt Nam, dẫn đến biến động tỷ giá và làm suy yếu tiền đồng, gây tổn hại cho nền kinh tế, theo SCMP.

    Vào giữa tháng 3, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã có công điện chỉ đạo "đánh giá toàn diện, phân tích kỹ lưỡng và có các giải pháp hiệu quả, kịp thời, đúng quy định, theo nguyên tắc thị trường để xử lý ngay tình trạng chênh lệch giữa giá vàng miếng trong nước và vàng quốc tế ở mức cao trong thời gian qua; không để tình trạng 'vàng hóa' nền kinh tế, không để tác động tiêu cực đến tỷ giá, lãi suất, thị trường tiền tệ, ngoại hối…"

    Năm ngoái, Việt Nam nhập khẩu khoảng 55,5 tấn vàng, trong khi năm 2020 chỉ 39,8 tấn, theo số liệu của Hội đồng Vàng Thế giới.

    Việc gia tăng buôn lậu vàng có nguyên nhân từ việc thiếu vàng từ các kênh chính thống trong nước và nhu cầu có một nguồn đầu tư/tích trữ an toàn trong bối cảnh nền kinh tế đang gặp khó khăn. 

    Tình trạng này gây áp lực lên tiền đồng do những kẻ buôn lậu cần mua USD tại chợ đen để mua vàng, gây khó khăn cho ngân hàng trung ương trong việc kiềm chế lạm phát và ảnh hưởng tiêu cực đến nền kinh tế, theo Tiến sĩ Nguyễn Trí Hiếu.

    Độc quyền vàng miếng

    Chính sách độc quyền vàng miếng đã dẫn tới nhiều hệ lụy cho thị trường vàng và cho nền kinh tế

    Nguồn hình ảnh, Getty Images

    Chụp lại hình ảnh, 

    Chính sách độc quyền vàng miếng đã dẫn tới nhiều hệ lụy cho thị trường vàng và cho nền kinh tế

    Theo ông Huỳnh Trung Khánh, Phó Chủ tịch Hiệp hội Kinh doanh vàng Việt Nam, mức chênh lệch trong nước so với tỷ giá quốc tế đã lên tới 15 triệu đồng (600 USD) mỗi lượng trong những tháng gần đây, so với mức 2 đến 3 triệu đồng khoảng một thập kỷ trước sau khi thực hiện độc quyền, báo South China Morning Post trích lời ông.

    Hội đồng Tư vấn Chính sách Tài chính và Tiền tệ Quốc gia tháng trước đã đề xuất chấm dứt sự độc quyền của nhà nước trong nhập khẩu vàng và sản xuất vàng thỏi. 

    Hội đồng cho biết quy định 12 năm tuổi này “đã đạt được thành công và hoàn thành sứ mệnh của mình”.

    Ông Khánh nói: “Nếu tình trạng độc quyền không được chấm dứt, giá vàng nội địa chắc chắn sẽ tiếp tục tăng và nó sẽ có tác động rất tiêu cực đến tiền đồng và nền kinh tế.”

    Ông Khánh dự báo khoảng cách có thể nới rộng lên 25 đến 30 triệu đồng vào cuối năm nay nếu duy trì thế độc quyền.

    Hồi năm 2022, trả lời câu hỏi của BBC Tiếng Việt về thực trạng độc quyền kinh doanh vàng tại Việt Nam, chuyên gia tài chính Bùi Kiến Thành nói:

    "Tất cả mọi thứ khi có độc quyền là sẽ dẫn đến tham nhũng, anh có quyền cho người ta độc quyền nhập vàng về bán thì người ta sẽ nâng giá vàng lên kiếm lời để ăn chênh lệch. Rồi người ta có lời rồi thì người ta nộp lại cho anh."

    "Khi nào có power (quyền lực) thì khi đó có vấn đề tha hóa quyền lực. Cái độc quyền này nó dẫn tới tới thực trạng tham nhũng, không chỉ có vàng mà còn rất nhiều thứ khác nữa, như đất đai chẳng hạn. Điều này tôi đã nói với với BBC gần đây," ông Thành nói từ Hội An qua điện thoại.

    Quan điểm này cũng được chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan chia sẻ.

    Bà Lan mô tả rằng "đương nhiên khi đã được trao sự độc quyền thì người ta không dại gì mà không giành lấy lợi ích rất lớn cho mình".

    https://www.bbc.com/vietnamese/articles/cjq529lyjq7o


    Không có nhận xét nào