A Perfect Mess. The Unlikely Ascendancy of American Higher Education
David F. Labaree
Nguyễn Xuân Xanh trình bày
20 Tháng Tư, 2024
Nhìn chung, đại học phương Tây là một tổ chức có khả năng thích ứng và bền bỉ đáng kể. Mặc dù luôn là tâm điểm của những lời chỉ trích và một số thất vọng, những định chế này vẫn tiếp tục được xã hội phương Tây đánh giá cao, đôi khi là niềm hy vọng tốt nhất cho sự thay đổi của xã hội, đôi khi là sự tái xác nhận các cam kết đạo đức truyền thống. Bất chấp nhiều cuộc cách mạng dường như đặc trưng cho cuộc sống đương đại – sự nổi lên của viễn thông, sự phát triển của cái gọi là nền chính trị của sự khác biệt; sự chuyển đổi của nhà nước dân tộc; sự tái phân phối con người, vốn, cơ sở sản xuất và sản phẩm trên toàn cầu; và sự suy giảm nhận thức về các tín điều đạo đức – khó có khả năng các sự kiện đang diễn ra sẽ dẫn đến sự sụp đổ của các đại học như chúng ta biết chúng.
Bất chấp nhiều thiếu sót, bất chấp sự thay đổi về nhân khẩu học, kỳ vọng cũng như các ưu tiên công và tư, bất chấp cơ sở hạ tầng vật chất có phần xuống cấp, và bất chấp niềm tin đôi khi bị lung lay (cả bên trong và bên ngoài) vào tiềm năng đóng góp công dân của họ, các định chế này, tôi tin, sẽ một lần nữa chứng tỏ khả năng thích ứng theo cách phản ánh đúng sự hiểu biết của họ về môi trường hiện tại. Có rất ít tổ chức có tiềm năng liên tục như các trường đại học để mang lại lợi tức xã hội mới cho xã hội; do đó có rất ít lý do để đưa chúng vào danh sách các loài có nguy cơ tuyệt chủng. Các trường đại học có thể phải làm ít việc hơn; họ chắc chắn sẽ phải tiến hành xem xét lại các chương trình của mình dưới ánh sáng của thực tế đương đại. Nhưng tôi tin rằng tiềm năng sự học độc đáo của họ, xoay quanh sức mạnh của sự gặp gỡ giữa người-với-người, khả năng đã được chứng minh cho phần lớn sự tương tác hòa bình giữa nhiều nền văn hóa khác nhau, và khả năng liên tục thách thức những điều quen thuộc của họ, sẽ khiến họ trở thành tài sản không thể thiếu cho tương lai đang mở ra.
Harold T. Shapiro
Phục vụ với tư cách Chủ tịch của Đại học Michigan và Princeton, trước khi trở thành giáo sư về kinh tế và public affairs ở Princeton. Trong nhiều chức vụ, ông là thành viên của Hội triết học Mỹ, và Hàn lâm viện châu Âu về Khoa học và Nghệ thuật.
Nhưng ở cuối con đường này có một mối nguy hiểm, đó là văn hóa đại học sẽ chỉ còn là tiếng vọng của văn hóa đại chúng. Đó sẽ là một thảm họa. Công việc của giới học thuật trong một xã hội tự do là phục vụ văn hóa đại chúng bằng cách đặt ra những câu hỏi mà công chúng không muốn hỏi, điều tra những chủ đề mà công chúng không thể hoặc sẽ không điều tra, đồng thời giúp đỡ những tiếng nói mà công chúng không thể hoặc từ chối đáp ứng. Các học giả cần nhìn ra thế giới để xem loại hình giảng dạy và nghiên cứu nào cần được thực hiện cũng như cách họ có thể đào tạo và tổ chức tốt hơn để thực hiện việc đó. Nhưng họ cần phải phớt lờ yêu cầu của thế giới rằng họ phải tái tạo hình ảnh bản thân.
Louis Menand
Giáo sư Anne T. và Robert M. Bass ngành Tiếng Anh ở Đại học Harvard. Là tác giả của The Metaphysical Club giải Pulitzer năm 2002.
***
Lời nói đầu. Quyển sách “(Một) Hỗn độn Hoàn hảo” về lịch sử giáo dục cao, hay giáo dục đại học Hoa Kỳ, của GS David F. Labaree, là một tác phẩm rất đặc sắc. Tôi định xuất bản nó có lẽ bảy năm trước, rồi nó lại trôi nổi giống như quyển Mười nhà giáo dục lớn của Nhật Bản hiện đại. Nhưng cuối cùng nó vẫn chờ đợi tôi. Tác phẩm rất súc tích, có những lý giải rất hay mà tôi muốn giới thiệu với bạn đọc Việt Nam. Sự tiến hóa của hệ thống đại học Mỹ quả thật giống như “thần kỳ”. Nó không được ai điều khiển cả, ngoài một loại bàn tay vô hình kết tinh từ nhiều yếu tố thị trường, giống như bàn tay vô hình của Adam Smith. Các college tư, được tư nhân đầu tư và phục vụ lợi ích công, không hư hỏng, thoái hóa, mà luôn luôn phát triển học thuật gương mẫu như đầu tàu tinh thần của đại học Mỹ. Họ có đầy đủ tự do, và bình đẳng làm không gian cho mọi sự sáng tạo phát triển, và luôn luôn có định hướng cao.
Đại học tư nhân, cũng như doanh nghiệp tư nhân, thật sự được công nhận chính thức ở Mỹ từ năm 1819 trở đi qua một vụ kiện lịch sử có tên Trustees of Dartmouth College v. Woodward, (Các ủy viên của Dartmouth college kiện Woodward). Woodward là hiệu trưởng của Dartmouth university, đối tượng đang giành quyền lãnh đạo của Dartmouth college. Cho đến lúc đó, các hoạt động của college hay doanh nghiệp tư đều phải được cấp charter (điều lệ) từ nhà nước, và qua đó bị xem đương nhiên thuộc phạm vi công! Nhờ tài hùng biện của Daniel Webster, cựu sinh viên của Dartmouth, khóa 1801, từng là một trong những luật sư đại diện cho các ủy viên của trường mà Dartmouth đã giành được thắng lợi lớn, tác động lên cả nước Mỹ. Ông đã có một bài phát biểu dài, hùng biện và đầy nhiệt huyết, khiến tòa án tối cao liên bang cuối cùng ra phán quyết có tính lịch sử thay đổi cả tình hình.
Vụ kiện đã đem lại phán quyết của tòa án công nhận tính cách tư nhân của college, cũng như của tất cả những doanh nghiệp tư nhân, và quyền tự chủ của họ. Nhà nước không có quyền can thiệp vào việc quản trị của đại học hay doanh nghiệp tư. Phán quyết trường hợp Dartmouth được xem là cột mốc trong lịch sử của tự do học thuật, academic freedom, bởi vì nó làm cho các định chế giáo dục tư được an toàn khỏi bị sự can thiệp của nhà nước. Quyết định trên sau đó lan tỏa khắp nước Mỹ. Điều đó diễn ra chỉ 43 năm sau Tuyên ngôn Độc lập của nước Mỹ (1776). Vào lúc cuối của cuộc tranh luận trước tòa án, Daniel Webster được cho đã phát biểu thay mặt cho những người được ủy thác của Trường câu nói trở thành nổi tiếng sau đây: “Đó là, thưa ngài, như tôi đã nói, một trường college nhỏ, nhưng lại có những người yêu thích nó!” (“It is, sir, as I have said, a small college, and yet there are those who love it!”)
Daniel Webster (1782 – 1852), một luật sư, một chính khách, một orator, nhà diễn thuyết hùng biện của nước Mỹ, tranh luận trước Tòa án tối cao Mỹ, làm cuộc giải phóng cho học thuật, giáo dục và kinh tế tư nhân. Photo courtesy of Rauner Special Collections Library
Có thể nói, Hỗn độn Hoàn hảo của tác giả David Laberee là quyển sách sau quyển Đại học (2019) tìm hiểu lịch sử giáo dục cao của Hoa Kỳ không thể thiếu cho người quan tâm hay nghiên cứu.
Có một chi tiết lịch sử thú vị: Một chính khách phục vụ trong Thượng viện Mỹ có tên Henry Cabot Lodge (1893 – 1924) đã để công viết một quyển sách về Daniel Webster rất nổi tiếng. Ông Lodge có 3 người con, trong đó có George Cabot Lodge, trở thành một nhà thơ. George Cabot Lodge sau đó có một người con trai tên Henry Cabot Lodge Jr., một chính trị gia, nhà ngoại giao thuộc Đảng Cộng Hòa phục vụ dưới nhiều đời tổng thống Mỹ. Ông được Tổng thống Kennedy bổ nhiệm là đại sứ tại Việt Nam Cộng Hòa từ 1963-64. Lodge đã đến thăm Việt Nam với tư cách là một nhà báo vào những năm 1930, và mặc dù ông không nói được tiếng Việt nhưng ông thông thạo tiếng Pháp, một ngôn ngữ được giới thượng lưu miền Nam Việt Nam sử dụng rộng rãi.
MỘT SÔ LỜI KHEN CHO QUYỂN SÁCH
“Hỗn độn hoàn hảo” là một cuốn lược sử súc tích với một quan điểm rõ ràng. Labaree lập luận rằng có một cách thức trong sự điên rồ của nền giáo dục bậc cao Hoa Kỳ, và chúng ta được khuyên cần tiếp tục đi theo lộ trình này, cho dù cho lộ trình có thể điên rồ đến mức nào đi nữa. Viết thật hay, thật uyên bác, sâu sắc và hấp dẫn.”
WILLIAN TIERNEY, nguyên chủ tịch Hiệp hội Nghiên cứu Giáo dục Hoa Kỳ và Hiệp hội Nghiên cứu Giáo dục Bậc cao
“Gần năm triệu sinh viên quốc tế theo học tại các đại học Hoa Kỳ, nhiều hơn ở bất kỳ quốc gia nào khác, tuy nhiên cuốn sách về lịch sử giáo dục bậc cao Hoa Kỳ của Labaree lại có tựa đề Hỗn Độn Hoàn Hảo. Sự mâu thuẫn này là một trong nhiều nghịch lý được Labaree đem ra mổ xẻ bằng ngôn ngữ rõ ràng, sắc sảo. Các đại học Hoa Kỳ vừa dân túy vừa tinh hoa, mở rộng cơ hội nhưng vẫn bảo vệ đặc quyền, và vừa là phúc lợi công nhưng cũng là phúc lợi tư dành cho thanh niên Mỹ. Sự phân tích của Labaree về những nghịch lý mang tính lịch sử này trở thành tín hiệu cảnh báo cho bất kỳ ai có kế hoạch chuyển đổi các đại học Hoa Kỳ. Hiểu được cách các đại học Hoa Kỳ, sự ghen tị của thế giới, trở thành một Hỗn Độn Hoàn Hảo sẽ khiến những nhà hoạch định chính sách và chính trị gia có tư tưởng cải cách, những người thiếu thông tin về quá khứ, muốn cải tổ cảnh quan và cơ chế giáo dục đại học Hoa Kỳ, phải dừng tay lại và suy nghĩ.”
LARRY CUBAN, tác giả cuốn Teaching History Then and Now (Dạy lịch sử Ngày ấy và Bây giờ)
“Cuốn sách này sẽ thu hút sự quan tâm của bất kỳ ai ưu tư về tình trạng giáo dục bậc cao ở Hoa Kỳ – đặc biệt những người cởi mở với việc nhìn thấy những quan điểm thông thường bị thách thức mạnh mẽ. Bằng thể văn xuôi lưu loát, Labaree trình bày những hiểu biết mới và hấp dẫn về những động lực đằng sau sự thành công của hệ thống – hoặc phi hệ thống – giáo dục bậc cao Hoa Kỳ, một vài điều trong số đó chắc chắn sẽ khiến nhiều người phải ngạc nhiên và dẫn tới tranh luận.”
PAUL REITTER, đồng biên tập cuốn The Rise of the Research University (Sự Nổi lên của Đại học Nghiên cứu)
“Giáo dục bậc cao Hoa Kỳ đã phát triển dưới áp lực (và cơ hội) từ nhiều nguồn chứ không phải dưới ảnh hưởng của một quyền lực duy nhất. Labaree mang lại một đánh giá chi tiết về lịch sử này, cho thấy nó đã tạo ra động lực to lớn và mang tính mở rộng ra sao. Áp dụng quan điểm này vào tình hình hiện tại, ông cho thấy sự mất trật tự rõ ràng của giáo dục bậc cao hiện nay có thể được coi là cơ hội để tạo điều kiện cho sự thích ứng được tiếp tục, thay vì sụp đổ. Những ý tưởng của ông sẽ được tất cả những người ưu tư về sự phát triển của giáo dục bậc cao ở đất nước này quan tâm”.
JOHN W. MEYER, Đại học Stanford
***
DẪN NHẬP
Giáo dục đại học định hình nền văn minh thế giới kể từ lúc xuất hiện thời Trung cổ trung kỳ, thế kỷ XI, XII trở đi. Nó là một innovation vĩ đại, như Peter Drucker nhận xét. Nó không những là nơi để giáo dục và khám phá, mà còn có nhiệm vụ đào tạo giới tinh hoa của xã hội, giáo dục giới cầm quyền, tôn giáo hay chính trị, họ phải là tầng lớp có giáo dục. Phương pháp tư duy của đại học là logic, lý luận, tranh luận, phản biện, cạnh tranh, chấp nhận những tư tưởng trái chiều như thách thức để kích thích sự phát triển, lấy toán học để đo lường, và thực tế làm tiêu chuẩn phán quyết theo tinh thần của Francis Bacon. Phương pháp tư duy đó làm thành quá trình thúc đẩy và sàn lọc để làm nên khoa học hiện đại. Nó cũng chính là yếu tố làm nên sự khác biệt về khoa học giữa châu Âu và Trung Hoa, Islam.
Thế kỷ XIX, đại học được nâng cấp một bước hết sức quyết định với sự ra đời của mô hình đại học nghiên cứu Đức mà Wilhelm von Humboldt là người “cha đỡ đầu” của nó khi ông đưa ra chương trình cải cách giáo dục toàn diện cho Phổ đồng thời chính thức thành lập đại học Berlin theo một tinh thần hoàn toàn mới. Ba nguyên lý chính của đại học này là Tự do giảng dạy (Lehrfreiheit) và Tự do học (Lernfreiheit), và lấy Khoa học và Học thuật (Wissenschaft) làm nội dung nòng cốt trong đời sống tinh thần của nó. Đại học nghiên cứu đánh thức tinh thần khoa học, sự đam mê khám phá cái mới và tư duy độc lập của cá nhân.[1]
Tại Hoa Kỳ, định chế giáo dục cao lâu đời nhất của Mỹ, Harvard college, được thành lập năm 1636, chủ yếu nhằm mục đích cung cấp cho các khu định cư (colony) nhân sự lãnh đạo tôn giáo được giáo dục đàng hoàng. Cho đến gần giữa thế kỷ XIX, năm 1839, Harvard vẫn “ở trong tình trạng kém phát triển và có phần hỗn loạn. Trường college đích thực, bộ phận lâu đời nhất và quan trọng nhất của định chế, về mọi đặc điểm thiết yếu, là một trường trung học thuộc loại Gymnasium Đức.”[2] Henry James, tiểu thuyết gia nổi tiếng nửa sau thế kỷ 19, đã viết, “điều tốt nhất có thể nói… dường như là đại học ấy (Harvard) đang dẫn đầu một khối người tụt hậu.”[3] Biết như thế để thấy cuộc vươn lên thần kỳ của giáo dục đại học Mỹ một trăm năm tới.
Vào những thập niên sau của cuộc Nội chiến ở Mỹ, một mặt Hoa Kỳ bước vào giai đoạn công nghiệp hóa với các đại học mới xuất hiện của chính sách cấp đất (land-grant) để hỗ trợ quá trình công nghiệp hóa đang diễn ra, trong khi mô hình đại học mới của Đức thâm nhập vào giáo dục bậc cao của Hoa Kỳ rất mạnh mẽ, biến đổi các colleges khai phóng thành những đại học nghiên cứu hiện đại đích thực. Đó là đợt ảnh hưởng đầu tiên từ châu Âu. Người Mỹ xem tinh thần tự do trong đại học, cho giảng dạy, nghiên cứu, làm cho tư duy trở nên độc lập và sáng tạo, là “phúc lành” để tạo ra phúc lợi cho xã hội. Họ vô cùng hăng say tiếp thu và phát triển khoa học, nghiên cứu. Năm 1890, Harvard xây dựng một Graduate School, Trường nghiên cứu sau cử nhân, về Nghệ thuật và Khoa học đầu tiên. “Đại học là nơi đi tìm chân lý mới”, Eliot nói, vị chủ tịch “huyền thoại” lãnh đạo Harvard bốn mươi năm liền, và “Các đại học là nơi nghiên cứu, tìm tòi cần mẫn để tìm ra những sự thật mới hoặc đã bị lãng quên. Chức năng này là không thể thiếu vì hai lý do: thứ nhất, vì một đại học không là nơi nghiên cứu thì sẽ không còn tiếp tục là nơi giảng dạy tốt nữa; và thứ hai, bởi vì sự tìm kiếm chân lý mới không ngừng, thầm lặng, chuyên tâm này là điều kiện cho sự tiến bộ cả về vật chất lẫn trí tuệ của quốc gia và chủng tộc.” Đợt ảnh hưởng này xây dựng nền tảng định chế và tinh thần để chuẩn bị đón nhận cuộc cách mạng khoa học từ châu Âu đầu thế kỷ XX sẽ tràn qua.
Nhưng sự tiếp thu mô hình đại học nghiên cứu Đức không hoàn toàn đơn giản. Kinh nghiệm cho thấy đại học nào thêm trường nghiên cứu sau đại học vào mà không giữ vững hay cả phát triển phần đại học cử nhân sẽ gặp khó khăn hay cả thất bại, như Đại học Clark, hay Johns Hopkins ban đầu. Đại học nghiên cứu Đức là mô hình trường tinh hoa, và được nhà nước hoàn toàn tài trợ. Ở Mỹ khác hẳn, trường chỉ được nhà nước tài trợ một phần (khoảng 25%), phần còn lại đại học phải tự lo, dựa trên học phí và hiến tặng, hoặc tiền nghiên cứu (grant) được nhà nước cấp theo đề án. Phần cử nhân của đại học Mỹ do đó vẫn chiếm phần lớn, nhằm cung cấp tài chính và nhân lực cho phần tinh hoa sau đại học. Không có phần đó phát triển mạnh mẽ, nền tảng tinh hoa của cả đại học sẽ bị lung lay. Cho nên nhà lãnh đạo giáo dục đại học Mỹ Clark Kerr mới nói rằng: Đại học Mỹ bao gồm ba phần, đại học khai phóng kiểu Anh kéo dài cho đến hết cử nhân, đại học Đức cho phần tinh hoa sau đó, và đại học Mỹ theo tinh thần phụng sự. Phần cử nhân đóng vai trò quan trọng trong phụng sự, nó tạo ra những nghề nghiệp (profession) cùng với phần tinh hoa nghiên cứu sáng tạo. Phần cử nhân phát triển càng mạnh, thì phần tinh hoa của nghiên cứu càng có điều kiện tốt về nhân sự lẫn nguồn lực để phát triển. Ngược lại, phần nghiên cứu càng thành công, thì nó càng tạo tên tuổi cho đại học và do đó thu hút càng nhiều sinh viên bậc cử nhân. Có thể nói, đó là cách “lấy ngắn nuôi dài”, và rồi lấy “dài lại nuôi ngắn”. Chương 3 của quyển sách nói rõ về sự chuyển mình và mở rộng hài hòa này.
Đợt ảnh hưởng thứ hai của cuộc cách mạng vật lý lý thuyết từ châu Âu với thuyết tương đối và thuyết lượng tử là hai cột trụ nòng cốt sẽ gây ra những hệ quả sâu rộng hơn, nâng trình độ khoa học lý thuyết và công nghệ lên bậc cao đáng kể, trên nền tảng đại học nghiên cứu của Mỹ đã sẵn sàng để tiếp thu. Các học sinh sáng dạ, thông minh vùng làng quê, tỉnh nhỏ có thể được hỗ trợ để đi vào những đại học nghiên cứu hiện đại gần đấy, rồi sau tốt nghiệp sẽ được tuyển mộ vào các trung tâm nghiên cứu công nghệ mới nổi, mang khoa học hiện đại và cách tư duy mới vào để nâng cấp trình độ công nghệ của Hoa Kỳ một bước quyết định. Bell Labs là một thí dụ có nhiều nhà khoa học “làng quê, tỉnh nhỏ” như thế, như Brattain, Shockley, những người sau này sẽ góp phần phát minh ra chiếc bóng bán dẫn transistor.[4] Chính đại học nghiên cứu là nơi đổi đời của thanh niên nhanh nhất, hiệu quả nhất, và cũng là một phần quan trọng của Giấc mơ Mỹ.
Gần cuối Thế chiến II, để trả lời câu hỏi của Tổng thống Roosevelt làm gì để có thể đem lại phồn vinh cho nước Mỹ thời hậu chiến, Vannevar Bush (không liên hệ gì với các Bush tổng thống), nguyên là trưởng Văn phòng nghiên cứu và phát triển khoa học (OSRD), đã làm một bản báo cáo nổi tiếng và có tầm ảnh hưởng sâu rộng có tên Science – The Endless Frontier (Khoa học – Biên giới vô tận). Ông đề nghị một chương trình nghiên cứu khoa học cơ bản quy mô để thiết lập ngân hàng tri thức làm nền tảng ứng dụng cho xã hội, kinh tế phát triển. Và để thực hiện tầm nhìn này, theo Bush, nên thiết lập quan hệ đối tác chiến lược giữa chính quyền liên bang và các đại học nghiên cứu, công cũng như tư, xem các đại học này là cơ sở hạ tầng Nghiên cứu & Phát triển quốc gia. Chính quyền liên bang tài trợ cho các dự án nghiên cứu đồng thời qua đó hỗ trợ giáo dục học viên sau bậc cử nhân (graduate). Mỗi đô la do đó phục vụ cả hai mục tiêu, tạo ra tri thức, công nghệ, và cùng lúc hỗ trợ giáo dục cho thế hệ các nhà khoa học, kỹ sư, tiến sĩ trẻ trở thành các nhà lãnh đạo tương lai. Hàng triệu quân nhân trẻ tuổi chiến đấu trong Thế chiến II sau khi giải ngũ sẽ được hỗ trợ đặc biệt bởi Luật GI Bill để đi vào các đại học tham gia chương trình phát triển khoa học chiến lược nói trên. Đó là khúc quanh quyết định đưa nền giáo dục đại học Mỹ lên tháp chuông trác việt, vừa đúng một trăm năm tính từ luật cấp đất cho các đại học sau cuộc Nội chiến.
Quyển sách của tác giả David F. Labaree mô tả xuất sắc sự vươn lên thần kỳ khó tin được của Giáo dục bậc cao Hoa Kỳ rất đáng đọc và tham khảo cho mọi người quan tâm đến việc xây dựng hệ thống đại học. Dưới đây là một số ý tưởng nổi bật của quyển sách để quý đọc giả cảm nhận được tinh thần và những đề tài mà quyển sách muốn bàn tới.
Có thể có vẻ lạ khi gọi tập hợp pha tạp của 4.700 trường college và đại học Hoa Kỳ là một hệ thống. “Hệ thống” ngụ ý một kế hoạch và một hình thức quản trị giữ cho mọi thứ hoạt động theo kế hoạch đã định; và đó thực sự là cấu trúc chính thức của hệ thống giáo dục bậc cao ở hầu hết các quốc gia, nơi một bộ của chính phủ giám sát hệ thống và chỉnh sửa, cải tiến nó theo thời gian. Tuy nhiên, hệ thống giáo dục bậc cao Hoa Kỳ không phát sinh từ một kế hoạch, và không có cơ quan nào quản lý nó cả. Nó chỉ vậy mà hình thành. Nhưng nó vẫn là một hệ thống với một cấu trúc được xác định rõ và một bộ quy tắc rõ ràng hướng dẫn hành động của các cá nhân và định chế trong đó. Theo nghĩa này, nó ít giống một hệ thống chính trị được điều khiển bởi một hiến pháp hơn là một thái dương hệ vận hành theo các định luật vật lý. Và giống như thái dương hệ, lịch sử của nó không phải là một sự kiến tạo có chủ đích mà là một quá trình tiến hóa.
Thị trường xuất hiện khá muộn trong lịch sử thế giới, nhưng nó đã hiện diện vào thời điểm khởi đầu của lịch sử nước Mỹ. … Trước cách mạng, các thuộc địa Mỹ có 9 trường đại học trong khi nước mẹ (nước Anh) có 2 trường. Thời Nội chiến, tổng số trường đại học của Hoa Kỳ đã tăng lên đến 250. “Đến năm 1910, chúng ta đã có gần 1.000 college và đại học với một phần ba triệu sinh viên – vào thời điểm đó, ở Pháp có 16 trường đại học, tuyển sinh tổng cộng khoảng 40.000 sinh viên”.
Điều kiện thị trường, …, đã thúc đẩy một loại tổ chức và quản trị đặc biệt trong các trường đại học Hoa Kỳ ngay từ đầu. Không giống như các đồng nhiệm châu Âu của họ, ban đầu các trường đại học Hoa Kỳ xuất hiện như những thực thể phi-lợi-nhuận tư nhân, với điều lệ thành lập được tiểu bang phê duyệt nhưng có rất ít hoặc hoàn toàn không có sự hỗ trợ của tiểu bang. Đến giữa thế kỷ XIX, các tiểu bang đã thành lập một số college và đại học công lập, và những trường công lập này đã nhanh chóng trở thành khu vực tăng trưởng nhanh trong nền giáo dục bậc cao Hoa Kỳ. Nhưng các định chế công lập chính thức này cũng chỉ được tiểu bang tài trợ một phần. Trong thế kỷ XX, toàn bộ ngân sách do tiểu bang phân bổ cho tất cả định chế giáo dục bậc cao công lập dao động trong khoảng 20-30% tổng thu nhập [của các định chế này]. Tỷ lệ các khoản tài trợ của tiểu bang trong tổng ngân sách của các đại học công lập đã tăng lên đến đỉnh điểm vào giữa thế kỷ XX và sau đó đã giảm dần cho đến hiện tại. Đến năm 2013, các định chế công lập về giáo dục bậc cao nhận được khoảng 21% nguồn vốn của họ từ các khoản phân bổ của tiểu bang, và một khoản 16% khác từ chính phủ liên bang.
Clark Kerr lập luận một cách thuyết phục rằng đại học Hoa Kỳ đích thực là sự hợp nhất của ba mô hình: trường đại học bậc cử nhân của Anh, đại học nghiên cứu của Đức và trường-đại-học-được-cấp-đất của Mỹ. Một trong những điều mà tôi cho là đã mang lại thành công cho đại học Hoa Kỳ không chỉ là sự kết hợp của ba mô hình này, mà là sự hài hòa giữa chúng. Mỗi mô hình cung cấp những điểm mạnh quan trọng cho tổng thể, đồng thời là đối trọng với những bất lợi mà những mô hình khác mang lại.
Khi đại học nghiên cứu mô hình Đức đột ngột tiến vào sân khấu giáo dục Hoa Kỳ vào những năm 1880, mảnh ghép cuối cùng trong tầm-nhìn-ba-thành-phần của Kerr về giáo dục bậc cao Hoa Kỳ đã xuất hiện. Trong mô hình mới nổi này, đại học là nơi sản sinh những nghiên cứu khoa học tiên tiến nhất và cung cấp chương trình đào tạo sau đại học cho giới trí thức ưu tú. Điều này mang lại một lối thoát cho tình trạng ảm đạm tồn tại trong cấu trúc sôi động một thời của các đại học ở châu Âu, vốn đã đánh mất vai trò quan trọng khi các công trình khoa học lớn đang được thực hiện ở những nơi khác. Và các học giả Mỹ bắt đầu đổ xô đến Đức để có được tấm thẻ của học-giả-định-hướng-nghiên-cứu mới, học vị tiến sĩ, và tìm hiểu về các yếu tố của mô hình Đức để mang về áp dụng ở Hoa Kỳ. Đại học Johns Hopkins, được thành lập vào năm 1876, là định chế đầu tiên của Hoa Kỳ được thiết kế xoay quanh mô hình này, nhưng những định chế mới khác đã nhanh chóng làm theo (Đại học Chicago, Đại học Clark, Đại học Stanford) và các tổ chức giáo dục đương thời cũng tranh đua để thích nghi với xu hướng đó.
Các đại học Hoa Kỳ không thể cạnh tranh với những đồng nhiệm châu Âu về tuổi thọ, nhưng họ đã làm tốt một cách đáng kinh ngạc trong thời gian ngắn kể từ lúc xuất hiện. Hãy xem kết quả xếp hạng 500 đại học hàng đầu trên thế giới vào năm 2014 của Viện Giáo dục bậc cao tại Đại học Giao thông Thượng Hải (The Institute of Higher Education at Shanghai Jiao Tong University), vốn dựa trên các tiêu chí như trích dẫn học thuật và giải Nobel. Bảng xếp hạng này cho thấy, trong 500 đại học hàng đầu thế giới này có 146 đại học của Hoa Kỳ, nhưng tỷ lệ này càng cao hơn nữa khi bạn càng tiến gần đến thứ hạng đỉnh cao. Có 52 đại học Hoa Kỳ trong top 100, 32 trong top 50, và 16 trong top 20. Chỉ có hai đại học ngoài Hoa Kỳ lọt vào top 10, là Đại học Cambridge và Đại học Oxford.
Hãy xem xét một thước đo khác về sự xuất chúng của hệ thống giáo dục bậc cao Hoa Kỳ: Từ năm 1901 đến năm 2013 đã có 864 cá nhân đoạt giải Nobel, và 347 người trong số đó (chiếm 40%) là công dân Hoa Kỳ. Từ năm 2000 đến năm 2014, 49% số người đoạt giải Nobel là học giả tại các đại học Hoa Kỳ.
Nhìn chung, sự-trỗi-dậy-100-năm của hệ thống giáo dục bậc cao Hoa Kỳ – từ nghèo nàn và bị coi thường trong thế kỷ XIX đến giàu có và được đánh giá cao trong thế kỷ XX – là một trong những câu chuyện thành công định chế (institutional success) vĩ đại nhất mọi thời đại. Do đó, các đối thủ cạnh tranh trên khắp thế giới đã và đang nỗ lực để tiến lên trong bảng xếp hạng toàn cầu bằng cách áp dụng các yếu tố của mô hình Hoa Kỳ: những thứ như tín chỉ có thể được chấp nhận ở trường khác (transferable credit), các chương trình bằng cấp được tiêu chuẩn hóa, học phí của sinh viên, quyền tự chủ định chế, tài trợ nghiên cứu cạnh tranh, những hình thức khuyến khích giảng viên làm nghiên cứu, các hệ thống xếp hạng định chế, cũng như các chỉ số về trích dẫn học thuật và chất lượng tập san.
Đại học là trung tâm chính tạo ra tri thức. Đó là nơi những bộ óc giỏi nhất giải quyết các vấn đề trí tuệ hóc búa nhất, và đào tạo học viên sau đại học trở thành thế hệ lao động trí tuệ tiếp theo.
Hoạt động trí tuệ tự do (free intellectual play) là những gì chúng ta trong ban giảng viên có xu hướng quan tâm. Nhưng những người khác trong xã hội Hoa kỳ nhìn thấy những lợi ích khác phát sinh từ giáo dục bậc cao biện minh cho lượng lớn thời gian và ngân sách công cũng như tư mà chúng ta dành để hỗ trợ hệ thống. Các nhà làm chính sách và người sử dụng lao động đặt trọng tâm hàng đầu vào giáo dục bậc cao như một cỗ máy sản xuất vốn nhân lực, cung cấp các kỹ năng phù hợp về mặt kinh tế để thúc đẩy tăng năng suất lao động và tăng trưởng tổng sản phẩm quốc nội. Họ cũng ca ngợi nó như một nơi sản xuất tri thức, ở đó người ta phát triển các công nghệ, lý thuyết và phát minh có giá trị có thể tác động trực tiếp vào nền kinh tế. Và các công ty sử dụng nó như một nơi để thuê ngoài nhằm đáp ứng nhiều nhu cầu của họ về đào tạo lực lượng lao động, cũng như nghiên cứu và phát triển.
Những lợi ích thực dụng mà mọi người thấy từ hệ thống giáo dục bậc cao là có thật. Các trường đại học thực sự hữu ích về mặt xã hội theo những cách như vậy. Nhưng điều quan trọng cần lưu ý là những lợi ích xã hội này chỉ có thể phát sinh nếu đại học vẫn là một khu bảo tồn cho hoạt động trí tuệ tự do. Các đại học sẽ rất ít hữu ích cho xã hội nếu họ chỉ giới hạn mình trong việc đào tạo các cá nhân cho những công việc cụ thể ngày nay, hoặc thực hiện nghiên cứu để giải quyết các vấn đề hiện tại. Chúng sẽ hữu ích nhất nếu được hoạt động như kho tri thức, kỹ năng, công nghệ và lý thuyết – những thứ không có ứng dụng hiện tại nhưng có thể trở nên vô cùng hữu ích trong tương lai. Chúng là cơ chế mà các xã hội hiện đại xây dựng năng lực để giải quyết các vấn đề chưa xuất hiện nhưng sớm muộn gì cũng có khả năng xảy ra.
Theo học tại một trường đại học ưu tú … giúp tăng rất đáng kể cơ hội của sinh viên trong việc đạt được một vị thế tốt; nhưng vẫn còn rất nhiều cơ hội cho những người khác. Một nghiên cứu đã xem xét sinh viên tốt nghiệp của 1% các trường hàng đầu của nhóm những trường đại-học-bốn-năm (tổng cộng 28 trường), trường kinh doanh (12) và trường luật (12), được xếp hạng theo điểm kiểm tra (SAT, MCAT, LSAT). Chúng bao gồm tất cả các định chế nổi tiếng, là nỗi ám ảnh của các bậc phụ huynh tầng lớp thượng-trung lưu đang chuẩn bị cho cuộc chiến tuyển sinh đại học. Tác giả của nghiên cứu này phát hiện ra rằng: 39% tổng giám đốc của 500 công ty lớn nhất (Fortune 500) tốt nghiệp bậc cử nhân hoặc các bậc sau đại học từ một trong những định chế này; chỉ riêng từ trường Harvard con số này đã là 13%. Thật ấn tượng. Nhưng điều này vẫn có nghĩa là 61% những người đứng đầu các tập đoàn hàng đầu của Hoa Kỳ đã tốt nghiệp từ các trường đại học có phả hệ (pedigree) ít cao quý hơn.
Vậy, ví dụ, chúng ta hãy xem xét triển vọng kiếm được một công việc tại một công ty công nghệ ở Thung lũng Silicon. Một nghiên cứu về các mối liên kết đại học của các nhân viên công ty công nghệ trên LinkedIn cho thấy: con đường dẫn đến một công việc tại Google hoặc Facebook chạy qua hai trường đại học tên tuổi lớn nhất ở Vùng Vịnh, Stanford và Berkeley. Lợi thế tinh hoa. Nhưng nghiên cứu này cũng cho thấy rằng, tại Apple, phần lớn nhân viên tốt nghiệp từ Đại học công lập San José, một trường đại học công lập khu vực không mang tính chọn lọc (nonselective) trong tuyển sinh (và trước đây là trường đào tạo giáo viên), nơi chấp nhận 60% ứng viên (so với 5% tại Stanford và 17% tại Berkeley). Một phân tích khác vẽ ra một bức tranh thậm chí còn tươi sáng hơn cho sinh viên tốt nghiệp các trường đại học ở tầng thấp hơn. Nền tảng tuyển dụng Jobvite đã xem xét bảy triệu đơn xin việc vào 40.000 vị trí tại các khách hàng công nghệ như Twitter và LinkedIn. Một bài báo trên trang Business Insider đã công bố kết quả với tiêu đề “Hai mươi trường đại học có nhiều khả năng nhất trong việc giúp bạn có một công việc ở Thung lũng Silicon”. Hóa ra, đứng đầu là Đại học công lập San José. Đại học công lập San Francisco (với tỷ lệ chấp nhận nhập học 66%) đứng thứ ba; UC Berkeley đứng thứ hai và Stanford thứ tư.[5] Bạn có thể hiểu tại sao trang web của Đại học công lập San José có phương châm “Cấp nguồn cho Thung lũng Silicon” (Powering Silicon Valley).
Và cụ thể trong 100 năm qua, tầm nhìn này xoay quanh việc giáo dục bậc cao là cơ chế chính để truyền lại đặc quyền xã hội và theo đuổi cơ hội xã hội. Người tiêu dùng ‘bỏ phiếu bằng chân’ qua việc gửi con cái của mình vào đại học với số lượng ngày càng tăng. Và họ cũng biểu quyết thông qua lá phiếu, bầu ra các nhà lãnh đạo chính trị, những người sẽ đáp ứng nhu cầu này bằng cách liên tục mở rộng hệ thống. Chính sách công cho giáo dục bậc cao theo sát người tiêu dùng theo đuổi giáo dục bậc cao vì lợi ích cá nhân. Trong một khoảng thời gian ngắn trong Chiến tranh lạnh, hệ thống này đã đảm nhận vai trò công là vị cứu tinh của một quốc gia. Nhưng kể từ đó nó đã quay lại là một phúc lợi tư thúc đẩy những quyền lợi cá nhân riêng lẻ. Nó tiếp tục phục vụ phúc lợi công -thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, quyền lực quốc gia, sự phong phú về văn hóa- nhưng chỉ như một tác dụng phụ của động lực cốt lõi của nó, được thúc đẩy bởi các chủ thể tư nhân theo đuổi lợi ích cá nhân.
Các yếu tố của hệ thống giáo dục bậc cao Hoa Kỳ, những thứ đã là then chốt cho phép nó trở nên thành công đến thế trong một khoảng thời gian ngắn như vậy, là gì? Một trong những yếu tố này là sự tự chủ định chế. Trên khắp thế giới, hầu hết các trường đại học là những đơn vị phụ trợ hoàn toàn thuộc sở hữu của nhà nước. Nhà nước sở hữu, tài trợ và quản lý các trường đại học này, coi chúng như các văn phòng địa phương khác của một cơ quan chính phủ, và đối xử với các giảng viên của chúng giống như các công chức khác. Ngân sách, mức lương, các khoản phí, công tác tuyển sinh, các chính sách và chương trình giảng dạy đều bắt nguồn từ những chỉ thị của các Bộ Giáo dục quốc gia hoặc địa phương. Nhưng ở Hoa Kỳ, các college và đại học có xu hướng hoạt động giống như các doanh nghiệp kinh doanh độc lập trong môi trường thị trường cạnh tranh. […] Quyền tự chủ tương đối của các định chế làm cho hệ thống trở nên linh hoạt đáng kể, vì các nhà quản lý và giảng viên rất có khả năng theo đuổi các cơ hội mới nổi, tìm kiếm những thị trường mới, cũng như cung cấp các chương trình và dịch vụ mới.
Trước nhiều tiếng gọi cải cách đại học, tác giả Labaree trả lời: Hãy để cho hệ thống yên, một hệ thống đã tồn tại và có sức sống hai trăm năm qua và dầy dạn kinh nghiệm, kinh qua muôn vàn khó khăn để lên đến đỉnh cao trác việt. Nó sẽ tự điều chỉnh lấy một cách hữu cơ khi cần thiết, vì sự sống còn của bản thân nó. Henry Rosovsky, nguyên chủ nhiệm trường Arts and Sciences (Nhân văn và Khoa học) của Harvard, cũng kêu gọi “hãy cẩn thận” trong việc đối xử với hệ thống giáo dục đại học Hoa Kỳ như sau:
Trong những ngày này, khi mà những đối thủ kinh tế nước ngoài đang qua mặt chúng ta hết ngành này đến ngành khác, chúng ta cần tái khẳng định để biết rằng có một ngành công nghiệp sống còn mà ở đó Hoa Kỳ át hẳn thế giới một cách không tranh cãi được: đó là ngành giáo dục đại học. Khoảng từ hai phần ba đến ba phần tư các đại học tốt nhất của thế giới đều nằm tại Hoa Kỳ. Gần đây nhiều nhà phê bình nền giáo dục đại học ở Mỹ đã quên đi sự thật này […]
Khu vực nào của kinh tế chúng ta có thể làm một sự khẳng định tương tự như thế? […] Trong giáo dục đại học, “Made in America” vẫn là cái nhãn hiệu bãnh nhất. Do đó lời khuyên của tôi là: “Hãy đối xử cẩn thận”, để chúng ta khỏi rơi xuống mặt bằng năng suất của phần lớn các ngành công nghiệp khác của Mỹ.[6]
Một quyển sách thật truyền cảm hứng và cung cấp cho người đọc nhiều nhận thức, hiểu biết thấu đáo rất thú vị về giáo dục bậc cao của Hoa Kỳ xuyên qua những mặt lăng kính bất ngờ được tác giả làm cho trong suốt. Những kinh nghiệm quý báu đó có thể làm giàu cho tri thức và cổ vũ những nhà làm giáo dục bậc cao Việt Nam trong nhiệm vụ thiêng liêng xây dựng hệ thống giáo dục bậc cao Việt Nam hiệu quả, với đại học nghiên cứu là những đầu tàu, để phục vụ lợi ích quốc gia phù hợp cới truyền thống tốt đẹp của dân tộc, trong lý tính sáng sủa của nhận thức, và trong tầm nhìn phát triển khoa học, đổi mới sáng tạo, vì sự phồn vinh và an ninh của quốc gia.
Nguyễn Xuân Xanh
Xem thêm bài:
Tham khảo:
[1] Xem sách ĐẠI HỌC của tác giả, Nhà xuất bản Tổng họp, 2019.
[2] Eugen Kuehneman, Charles W. Eliot, President of Harvard University. Boston and New York, 1900. Tr. 5. Gymnasium là loại trường trung học nhân văn Đức, được hình thành đầu thế kỷ XIX sau cải cách của W.v. Humboldt 1810.
[3] A Turning Point in Higher Education. The Inaugural Address of Charles William Eliot as President of Harvard
College, October 19,1869. Tr. vi.
[4] Xem Jon Gertner, The Idea Factory. Bell Labs and the Great Age of American Innovation. The Penguin Press. New York, 2012. Sắp có bản tiếng Việt.
[5] Có thể xem bảng xếp hạng của 20 đại học này ở đây: https://www.businessinsider.in/tech/the-20-universities-that-are-most-likely-to-land-you-a-job-in-silicon-valley/slidelist/48061306.cms
[6] Trong sách ĐẠI HỌC, trang 431-432
https://rosetta.vn/nguyenxuanxanh/dai-hoc-hoa-ky-tu-hon-don-hoan-hao-den-ngon-hai-dang-the-gioi/
Không có nhận xét nào