Header Ads

  • Breaking News

    Ý Nhi: Không tin vào những thứ văn học " được phép"

    Số đặc biệt 10 năm Văn Việt: Tư liệu về Văn Việt trên báo chí (2) 

    Liêu Thái/Thực hiện

    Lời Tòa Soạn: Hôm 11 tháng 5 vừa qua, 20 nhà văn, nhà thơ tại Việt Nam cùng tuyên bố từ bỏ Hội Nhà Văn Việt Nam, một cơ quan ngoại vi của đảng CSVN. Sự kiện này gây chấn động trong giới văn nghệ tại Việt Nam.  Một trong những lý do đưa ra là ‘nhận thấy tình trạng suy thoái của Hội đã trở nên không thể cứu vãn nếu không có sự thay đổi để thực sự là một tổ chức nghề nghiệp tập hợp những người viết muốn xây dựng một nền văn học Việt Nam đích thực, tự do, nhân bản.”

    Để tìm hiểu thêm, báo Người Việt lần lượt phỏng vấn các nhà văn, nhà thơ về hành động này. Loạt bài phỏng vấn do Liêu Thái thực hiện. 

    clip_image001

    Nhà thơ Ý Nhi. (Hình: Nhà thơ Ý Nhi cung cấp)

    Người Việt (NV): Thưa bà, bà vui lòng cho biết đã tham gia Hội Nhà Văn Việt Nam năm nào? Và những hoạt động thường niên của hội diễn ra như thế nào?

    Nhà Thơ Ý Nhi (YN): Đây là câu hỏi hơi khó với tôi. Hôm gần đây, khi cùng một số anh chị tuyên bố từ bỏ hội nhà văn, họ có hỏi tôi về điều này nhưng tôi không sao nhớ được chính xác, chỉ nhớ cách nay khoảng trên ba chục năm gì đó.

    Trong suốt khoảng thời gian dài dặc đó, tôi chỉ làm việc tại nhà xuất bản, không mấy khi tham gia các hoạt động của hội. Ngoại trừ việc tham gia hội đồng hhơ trong một nhiệm khóa từ rất lâu rồi, tôi luôn ở ngoài mọi việc: không nhận tài trợ, không dự trại viết, không làm hồ sơ để nhận các loại giải thưởng… Mà đã ở ngoài thì làm sao biết họ hoạt động những gì và như thế nào. 

    NV: Là một nhà thơ sống ở phía Nam, ngay trung tâm thành phố Sài Gòn, nhịp sống người miền Nam có để lại dấu vết nào trong sáng tác của bà?

    YN: Tôi mới vào Sài Gòn từ 1987. Tôi yêu quý người dân phương Nam, thích cách nhìn nhận đời sống nhẹ nhàng, thoải mái, không hơn thua của họ. Nhưng viết là một chuyện khác. Thơ và sau này, truyện ngắn của tôi, dường vẫn in đậm dấu vết của miền Bắc, hơi hướng của miền Bắc, nơi tôi đã lớn lên, đã trải qua nhiều buồn vui của cuộc đời mình, nơi khởi đầu của một công việc lâu dài.

    NV: Bà có nhận xét gì về không khí sáng tác trước và sau 30 tháng 4 năm 1975? Cũng như không khí hoạt động của Hội Nhà Văn Việt Nam hiện tại so với không khí hoạt động những năm 1980 có gì thay đổi? Và thay đổi theo chiều hướng nào?

    YN: Theo tôi thì 1975 không phải là một cái mốc đánh dấu sự thay đổi của văn học. Phải đến những năm 1980 người ta mới dần bứt khỏi các đề tài quen thuộc và cách viết quen thuộc. Điều này rõ rệt hơn vào khoảng 1986, khoảng thời gian mà người ta thường gọi là thời kỳ đổi mới. Dù vậy, tôi không tin vào thứ văn học “được phép.” Tôi nghĩ những tác phẩm như vậy không có giá trị lâu dài.

    NV: Theo bà, đâu là sức hút đích thực của một hội nhà văn đối với giới cầm bút?

    YN: Theo cách nghĩ thông thường thì một hội bao gồm những nội dung có tính nguyên tắc sau: Những người cùng nghề nghiệp. Những người này cùng thống nhất một tôn chỉ, mục đích hoạt động. Phải tự lo lấy kinh phí. Và phải bảo vệ các thành viên của mình và các sản phẩm do các thành viên sáng tạo nên.

    Còn nhớ, năm 1995, khi sang Pháp, tôi có cuộc trả lời phỏng vấn của chị Thụy Khuê (Đài RFI). Khi bàn đến chuyện hội, đoàn, tôi có nói đại ý: Tôi nghĩ Hội nên tự lo lấy kinh phí để hoạt động, không nên nhận tiền của nhà nước. Đó là điều kiện cần để hội có quyền tự chủ về mọi mặt. Về lại Việt Nam, tôi bị mấy tờ báo phê phán dữ lắm, họ cho rằng không nhận tiền của nhà nước là “từ chối sự ưu ái của nhân dân” (Đây là tựa đề của một bài báo phê phán tôi). Khi từ chối tất cả các khoản tài trợ sáng tác lớn, nhỏ của Hội, tôi đã nói rõ, “Tôi nghĩ, mỗi nhà văn phải tự lo lấy đời sống cũng như công việc viết lách của mình. Tôi không nghĩ lao động nhà văn có gì đặc biệt đến độ chúng ta có quyền hưởng số tiền có được từ lao động của hàng triệu người khác, từ thuế của những người nông dân nghèo khó, những người buôn thúng bán bưng…” (trích bài trả lời phỏng vấn của báo Thanh Niên với tựa đề: Tôi không nhận số tiền này khi Hội nhà văn cho biết tôi có trong danh sách nhận “đầu tư sâu” 25 triệu VNĐ. 

    NV: Khi quyết định từ bỏ một thực thể nào đó đã gắn kết lâu năm với mình, đương nhiên người từ bỏ sẽ có những đắn đo và suy tư nào đó, từ bỏ Hội Nhà Văn cũng vậy, bà có những đắn đo và suy tư gì?

    YN: Tôi gửi thư cho Ban Chấp Hành để ra khỏi hội nhà văn từ đầu năm 2002. Mặc dù không có hồi đáp, tôi tự coi mình không còn là một thành viên và không tham gia bất cứ hoạt động nào do HNVVN tổ chức. Phải nói thật, hồi trẻ, thấy vào hội là vui và vinh dự lắm. Nhưng càng từng trải thì nhận thấy sự “lệch pha” càng lớn, lớn đến độ không thể tiếp tục đồng hành. Chẳng có gì phải băn khoăn, day dứt trong việc này.

    NV: Bà có tham gia Văn Đoàn Độc Lập? Bà có nhận xét nào về Văn Đoàn Độc Lập?

    YN: Tôi tham gia Ban Vận Động Văn Đoàn Độc Lập, trước hết vì nó hội đủ các nội dung của một hội nghề nghiệp như tôi vừa trả lời. Tôi trân trọng cái slogan “Vì một nền Văn học Việt Nam Tự do, Nhân Bản của trang Văn Việt.”

    Trong hơn một năm thành lập, chúng tôi đã làm đúng các nguyên tắc do mình đề ra. Phần khác, cũng quan trọng, đó là sự quý trọng với riêng nhà văn Nguyên Ngọc và với các bạn viết của mình trong Ban Vận Động. Trong thực tế, không có hội đoàn nào có thể giúp một người bất tài thành người có tài, một người viết văn dở thành người viết văn hay. Mỗi nhà văn phải tự xoay xở với công việc của mình. Vì vậy, tham gia một hội đoàn, tán thành tôn chỉ mục đích của một hội đoàn còn là cách bày tỏ quan điểm của mình đối với các vấn đề xã hội và văn chương, là cách biểu hiện trách nhiệm của một công dân. 

    NV: Là thành viên Ban Giám Khảo nhiều giải thơ của Hội Nhà Văn Việt Nam, bà nhìn thấy điều gì trong vấn đề người cầm bút trẻ cũng như mối tương quan giữa một hội nhà văn có mô thức hoạt động tương đối cũ với những yêu cầu khá mới mẻ của các sáng tác đương đại?

    YN: Câu hỏi làm tôi nhớ đến câu nói của Milan Kundera: Những quốc gia nhỏ bé lúc nào cũng đông chật các nhà thơ lớn. Việt Nam không nhỏ lắm nên các nhà thơ không đến nỗi “đông chật” nhưng cũng khá đông.

    Người người lớp lớp nhà văn. Trong số đó, nhà văn trẻ chiếm một vị thế đáng nể. Họ đang tìm cho mình một lối đi mới. Dù vậy, những thành tựu vẫn còn khiêm tốn. Ta chờ đợi vậy.

    Quan hệ của họ với hội nhà văn ư. Hình như số đông vẫn xếp hàng để tham gia (nghe nói lúc nào cũng có hàng trăm lá đơn đợi xét duyệt). Một số ít tự đứng được thì họ đứng ngoài, thấy hội là không cần thiết. Các nhà văn trẻ có ý thức về cá nhân mình hơn thế hệ chúng tôi. Vì lớn tuổi, ít quan hệ với lớp trẻ nên thú thực tôi cũng không hiểu họ lắm. Anh nên hỏi trực tiếp các nhà văn trẻ. 

    NV: Với tư cách là một nhà văn gạo cội trong giới cầm bút Việt Nam, bà có dự đoán nào về tương lai văn học Việt Nam (kể cả chính thống và phi chính thống) trong những năm tới?

    YN: Tương lai? Không nhiều hy vọng. Nhưng làm sao sống được hôm nay nếu không hy vọng vào những thành tựu của ngày mai? 

    NV: Dự tính cũng như những dự án sáng tác của bà trong những năm tới?

    YN: Từ năm 2000 tôi đã cho in tuyển tập thơ của mình, coi như xong một công việc. Tôi nghĩ, nên dừng lại khi không thể viết hơn những gì đã viết. Hiện tôi viết truyện ngắn. Sẽ tiếp tục viết truyện ngắn, viết chân dung với một tốc độ vừa phải. Tôi vốn chậm, lại không được siêng năng.

    NV: Xin cám ơn bà!

    Nguồn: https://www.nguoi-viet.com/viet-nam/Nha-tho-Y-Nhi-Khong-tin-vao-thu-van-hoc-duoc-phep-5822/

    BÙI MINH QUỐC: ‘HỘI NHÀ VĂN KHÔNG LÀM ĐƯỢC GÌ CHO DÂN…’

    Liêu Thái/Thực hiện 

    Lời Tòa Soạn: Hôm 11 Tháng Năm vừa qua, 20 nhà văn, nhà thơ tại Việt Nam cùng tuyên bố từ bỏ Hội Nhà Văn Việt Nam, một cơ quan ngoại vi của đảng CSVN. Sự kiện này gây chấn động trong giới văn nghệ tại Việt Nam. Một trong những lý do đưa ra là “nhận thấy tình trạng suy thoái của hội đã trở nên không thể cứu vãn nếu không có sự thay đổi để thực sự là một tổ chức nghề nghiệp tập hợp những người viết muốn xây dựng một nền văn học Việt Nam đích thực, tự do, nhân bản.”

    Ðể tìm hiểu thêm, báo Người Việt lần lượt phỏng vấn các nhà văn, nhà thơ về hành động này. Loạt bài phỏng vấn do Liêu Thái thực hiện. 

    clip_image002

    Nhà thơ Bùi Minh Quốc. (Hình: Uyên Nguyên/Người Việt)

    Người Việt (NV): Là một trong hai mươi nhà văn chính thức từ bỏ Hội Nhà Văn Việt Nam, ông vui lòng cho biết nguyên nhân và lý do dẫn đến quyết định này? 

    Nhà thơ Bùi Minh Quốc (BMQ): Là vì Ban Chấp Hành Hội Nhà Văn Việt Nam với sự chỉ đạo từ cấp trên của họ đã cố ý phản bội truyền thống của Văn Hóa Cứu Quốc – tổ chức tiền thân của Hội Nhà Văn Việt Nam (HNVVN), truyền thống đó là truyền thống đi tiên phong trên mặt trận văn hóa chiến đấu cho tổ quốc và quyền dân.

    NV: Về phía Hội Nhà Văn Việt Nam, họ đã có phản ứng gì với tin này?

    BMQ: Ông Ðỗ Hàn – chánh văn phòng HNVVN nói với công luận rằng họ chưa nhận được đơn xin ra khỏi hội của các nhà văn đã tuyên bố từ bỏ hội.

    NV: Theo ông, đâu là sức hút đích thực của một hội/đoàn đối với giới cầm bút? Và hiện tại, sự tồn tại của Hội Nhà Văn Việt Nam có mang đến những phúc lợi tinh thần nào cho nhân dân? 

    BMQ: Ðối với những người cầm bút trung thực trách nhiệm đến từng chữ thì chỉ hội đoàn nào kiên quyết bênh vực bảo vệ cho tiếng nói trung thực thẳng thắn của họ trước sự đàn áp của thế lực độc tài toàn trị mới có sức hút đối với họ. Còn HNVVN thì bao nhiêu năm qua hầu như luôn quay lưng ngoảnh mặt trước các nhà văn lâm nạn vì ngòi bút.

    NV: Là một nghệ sĩ, đồng thời là nhà yêu nước, ông thấy hiện tình đất nước này ra sao? Và các nhà văn thuộc Hội Nhà Văn Việt Nam sẽ đóng góp được gì cho dân tộc này trong tình thế hết sức khó khăn này?

    BMQ: Ðất nước hiện đang lâm vào thảm trạng tụt hậu ngay cả so với các nước tụt hậu nhất như Lào và Campuchia, còn nhân dân thì bị áp bức bị bóc lột, bị tước hết các quyền tự do cơ bản mà họ từng được hưởng dưới chính thể “Dân Chủ Cộng Hòa” năm 1946. Các nhà văn trong HNVVN khó có thể đóng góp được gì, thậm chí còn có tội khi họ được nuôi bằng tiền thuế của dân mà hết đại hội này đến đại hội khác không cất lên được một bản tuyên bố về trách nhiệm của nhà văn với thảm trạng đất nước trước mối đại họa giặc bành trướng và giặc nội xâm (trong đó có bọn tay sai bành trướng). 

    NV: Với trải nghiệm lâu năm của một nhà văn là hội viên Hội Nhà Văn Việt Nam, ông cảm thấy những hoạt động cũng như cơ chế của hội này có tạo ra được sinh quyển sáng tạo để từ đó nhà văn có thể tự do phóng bút theo dòng cảm xúc đương đại?

    BMQ: Không, hoàn toàn không.

    NV: Phải chăng sự khác biệt đến mâu thuẫn giữa khuôn phép cứng nhắc của một hội đoàn trực thuộc nhà nước với tư tưởng tự do trong sáng tạo cũng như tư duy dân chủ trong cải cách đất nước của một nghệ sĩ, trí thức đã làm khó ông trong Hội Nhà Văn?

    BMQ: Ðúng vậy!

    NV: Ông có nhận xét nào về các sáng tác “phi trung tâm,” “phi chính thống”? Và là người có nhiều tác phẩm đăng trên các trang mạng phi nhà nước, ông có nhận xét nào về sự khác biệt giữa hai dòng văn chương nhà nước và phi nhà nước?

    BMQ: Dòng “phi trung tâm,” “phi chính thống” dần dần sẽ là dòng chủ lưu. Dòng văn học nhà nước sẽ dần suy kiệt theo đà suy yếu không tránh khỏi của nhà nước toàn trị.

    NV: Với tư cách là một nhà văn gạo cội trong giới cầm bút Việt Nam, ông có dự đoán nào về tương lai văn học Việt Nam (kể cả “chính thống” và “phi chính thống”) trong những năm tới?

    BMQ: Tương lai của văn học Việt Nam thuộc về một nền văn học đích thực, tự do và nhân bản, một tương lai đang đến gần, một nền văn học mà Ban Vận Ðộng Văn Ðoàn Ðộc Lập Việt Nam đang nỗ lực góp phần xây dựng.

    NV: Xin cám ơn ông! 

    Nguồn: https://www.nguoi-viet.com/viet-nam/Nha-tho-Bui-Minh-Quoc-Hoi-Nha-Van-khong-lam-duoc-gi-cho-dan-2119/

    https://vandoanviet.blogspot.com/2024/03


    Không có nhận xét nào