Header Ads

  • Breaking News

    Vương Trí Nhàn - Chuyện đời sống Hà Nội 1980

    (Kỳ 1)

    Gồm 3 kỳ 

    24/02/2024

    Trứng 1 đồng một quả. Thịt 2,6 đồng/kg. Tất cả các thứ đều lên giá. Giá vàng tăng từ 23,5 lên 30. Xe pơgiô khoảng 5,6 ngàn. Từ 1/1 nhà nước chỉ bán cho mỗi người trong gia đình một kg gạo một tháng. Đầu năm chưa có phiếu, vợ Bằng Việt đẻ, con chưa được cấp phát gì hết.

    Ở một khu phố ngoài bãi, điện đột ngột lên cao, hàng loạt nhà bị hỏng đồ điện. Không ai đặt vấn đề đòi bồi thường.

    Đăng kể chuyện trên đơn vị: cả B trưởng, A trưởng cũng trốn.

    Càng tiếp xúc với những người lớn tuổi, càng nghe họ kể một cách khách quan công việc của họ hồi chiến tranh, tôi càng thấy ngày hôm nay hỏng thế này là tất nhiên, làm sao khác được.

    Một ông thợ nề kể đi làm thuê, 10 người có 3 người được tốt, còn toàn là không ra sao. Đầu tiên, có gì chủ cũng mang hết cho thợ. Sau thì xoay thợ. Cũng một phần vì nghèo quá, có gì đã xả láng hết từ đầu.

    Báo chí có một vài bài (ở những góc nhỏ) nói chuyện không đổi tiền, giá gạo sụt 1 đồng.

    14/1

    Ngô Thảo nghe ở đâu về kể ở Thanh Hoá – Nghệ An, khi cán bộ mang phiếu đi đong gạo, thì cửa hàng gạo nhà nước phát cho mỗi người 36 đồng, bảo đi mua gạo ngoài mà ăn. Các trường đại học trung cấp ở hai tỉnh đó, cho sinh viên nghỉ vô thời hạn.

    Thanh Hoá, Bỉm Sơn, có một vụ giết người như sau:

    Hai người bạn cũ. Một đi học kỹ sư ở nước ngoài về, một ở nhà đi bộ đội, rồi về làm bảo vệ ở một công trường (?)

    Anh kỹ sư đến lĩnh hoặc xin gì đó. Người bảo vệ không cho, còn giết luôn cả người kỹ sư kia. Công nhân kéo đến bao vây. Bọn bảo vệ ở trong nhà doạ nếu ai vào sẽ bắn chết.

    Bọn công nhân liền lấy đá lấp đầy chung quanh ngôi nhà bọn bảo vệ, chôn sống gần chục người trong đó. Họ làm từ 1 giờ đến 4 giờ thì xong. Công an không dám can thiệp.

    Cô Oanh em tôi kể về một bà làm y tá ở Viện Việt Nam – Cu Ba. Bảo bà sang bệnh viện Bạch Mai lấy máu về tiếp cho một bệnh nhân, bà đi.

    Đến giữa đường, thấy có một ô tô sang Đông Anh, bà nhảy lên luôn, sang mua một ít khoai tây. Trở về nhà người ta hỏi, bà bảo Bạch Mai không có máu.

    Thực ra, chờ bà không thấy về, người ta đã cử một người khác, đi lấy về rồi.

    Bà nghe vậy thản nhiên, quay ra, bảo mọi người.

    – Có ai chia khoai, lại đây!

    Thế là tất cả lại quây cả lại, lấy khoai.

    Bà ta khuyên bọn Oanh:

    – Các em nên vào đây, người có chết còn không sao. Xin vào làm ở Việt Xô, các ông to chết, mệt lắm.

    Giá báo Nhân Dân lên 1 hào (từ 15/1). Cà phê đen mậu dịch 1 đồng (năm 1976, hai hào) mỡ hơn 30 đồng một kg.

    Ở Hải Phòng ăn cắp ghê gớm. Người ta đổ cả hàng bao đường để lấy mấy miếng vải.

    Giá xe đạp ở Hà Nội tăng. Lý do: ở các nước Đông Âu, giá hàng nhiều thứ tăng gấp đôi. Nam Hà, Thái Bình, đời sống khó. Không có dầu để chạy máy. Không có đạm bón cho lúa.

    Bên Trung quốc, nay người ta không dùng tới khái niệm xét lại nữa. Lý do:

    1/ Việc Liên xô làm, Trung quốc này vẫn làm và còn làm ghê hơn;

    2/ Trung quốc không đặt ra vấn đề lý tưởng nữa. Vấn đề đặt ra ở Trung quốc bây giờ là làm gì có ích cho Quốc gia (ai đó hình như W. Durant từng nói, các dân tộc sống thản nhiên bên cạnh hệ tư tưởng).

    Ngày chủ nhật 27/1/1980 (10 tháng chạp năm Mùi) Hà Nội 240 đám cưới.

    Họ sợ sang năm, năm Thân.

    Sau khi đẩy lùi chế độ cũ, Lào có nhiều cái làm khác Việt Nam:

    – Mở cửa cho hàng Thái Lan qua;

    – Vẫn dùng cán bộ của chính quyền trước.

    Một người hay xem ti vi về đối ngoại: Mình nói về Comecom luôn đấy. Nhưng có lẽ không nhả cho nó cái gì, nên chả được cái gì.

    Tháng giêng, ngày cuối cùng 31, mới được nhận lương. Tiền mới toanh. Lạm phát.

    Ở Trung quốc, sinh viên đại học biểu tình chống quân đội, bởi cho là họ được hưởng quá nhiều quyền lợi.

    Cách nói đương thời:

    Lý tưởng = cái tưởng như có lý.

    Lương y là dì ghẻ.

    Các cơ quan lập ra một uỷ ban chống tiêu cực. Nói như Xuân Tùng: Đó là những người tiêu sướng.

    Câu hỏi của một sĩ quan Pháp khi Đức chiếm đóng Paris: Phải chăng lịch sử lừa dối chúng ta?

    Một thượng tá Công an lên đại tá bỏ 4.000 đồng để chiêu đãi. Mở hai két rượu quý, loại rượu Sài Gòn, mua ngoài 250 đồng một chai. Trong số khách đến, có một cô gái Sài Gòn cũ, xinh xắn, nhiều quan khách cứ đòi hôn cô ta. Cô tâm sự với người bạn cùng đi:

    – Em cũng không biết các anh là Việt cộng thật hay Việt cộng giả nữa.

    Tất cả cười ồ lên, coi là một câu đùa ý vị.

    Đạo diễn Ý Fellini

    Người ta bảo với chúng tôi rằng tôi là một dân tộc vĩ đại nhất và hạnh phúc nhất. Chúng tôi tin ở điều đó, kết cục không còn biết gì về các dân tộc khác, cũng như về bản thân mình.

    Hiện ở Hà Nội có khoảng 50 gia đình đặc biệt, mỗi gia đình có 400.000 đồng tiền mặt.

    Nhân viên đường sắt đi buôn, công an đường sắt lo khám chủ yếu đám nhân viên đó. Cứ một quãng lại phải thay người tăng bo, không cho họ áp tải suốt đường.

    Bộ đội như Dũng, trốn về từ 23 tết, dọn nhà, xong chạy lung tung xin việc làm làm lấy tiền tiêu tết. Nó bảo kiếm lấy vài hào (giờ hào để chỉ đồng).

    Năm 1980, chỉ nhập đủ dầu để thắp đèn ở nông thôn.

    Một sinh viên đói quá, không dám ra đến đường, sợ thấy hàng quà thì thèm.

    Các cơ quan thi nhau lấy xăng nhà nước mang bán lấy tiền, đi mua lợn ăn tết.

    Ở Nghệ An, ông Trương Kiện đào một cái đập gì đấy, chết mấy chục người, vẫn vào trung ương. Đại hội Đảng bộ tỉnh, số phiếu đứng thứ 37, lại vẫn làm bí thư. Nhưng lúc bầu thường vụ không ai chịu cùng làm thường vụ với ông ta. Trung ương phải thay.

    Giải bóng đá hạng A toàn quốc, lần đầu tổ chức, thì xảy ra chuyện xcăng-đan – đội Thể Công tẩy chay. Bắt cầu thủ cắt tóc ngắn, họ không cắt, lại còn tuyên bố: Đào tạo 11 cầu thủ chúng tôi còn khó hơn 11 bí thư tỉnh uỷ.

    Người ta tức quá, định tống cả bọn đi biên giới.

    Tên một tác phẩm của Ortega y Gasset: sự nổi loạn của đám đông.

    Giá hàng tết tăng, một cái bánh chưng khoảng 15-20 đồng. Tiền về muộn, mãi mới thấy cán bộ nhà nước xếp hàng đi mua hàng tết, trong khi mấy ngày trước ê hề không ai mua

    Ai đó bảo câu thơ Chào 61 đỉnh cao muôn trượng là để chỉ đời sống không bao giờ lại còn sung sướng vậy!

    Nhà Ân, 11 giờ đêm mới có điện, 5 giờ sáng thì tắt.

    Rét quá, không làm được việc gì.

    Bích (bạn Oanh) kể:

    – Cả lớp tích cực. Lao động đạt 300%. Vào Lâm Đồng (đường chim bay cách Đà Lạt 50km). Nước độc hơn nước cống Hà Nội (?), chỉ có một giếng dùng được, cách 5km. Học sinh hư, chỉ mong đuổi học về đi kiếm ăn. Tặng hoa cô giáo 20-11 xong lại đòi lại. Không có đài báo, chỉ có thư. Ra thị trấn nghe đài đã thấy thích.

    Xuể: Tôi vào Bảo tàng Nam Đàn… Trong khi tôi co ro trong bộ quần áo rét rất dầy, áo bông khăn len, thì trẻ con cởi chuồng, mặc một áo mỏng, đứng trông xe. Giám đốc Nguyễn Sĩ Thoán gầy như một bóng ma ngồi đó, trong tiếng đều đều của đài, đưa lại bài phát biểu của một ông trên. Đầu giường ông giám đốc là cuốn Không được đụng đến Việt Nam của NXB Quân Đội

    Ở Nam Đàn, một vụ mỗi khẩu được chia 7kg thóc. Để ngậm cũng không đủ.

    Tôi lên biên giới công tác, ốm. Lính bảo, hàng tháng nay chúng em không có đường, biết chạy đâu ra đường cho anh ăn cháo bây giờ.

    Một tay cần vụ ở báo QĐND còn hưởng tiêu chuẩn cao hơn một ông đại tá ở biên giới.

    Ông Ph. H, bí thư Nam Hà, 60 tuổi lấy vợ 2, đám cưới tổ chức 10 ngàn (?) xong, tổ chức cho vợ lên Đà Lạt chơi, lấy cớ là đi thăm vùng kinh tế mới. Định sang Campuchia, nhưng bị công an giữ lại.

    Ông ta làm một ngôi nhà rất đẹp. Dân có ca dao:

    Ai về thăm đất Nam Hà

    Mà xem con khỉ có nhà bê tông

    Khỉ ơi khỉ có biết không

    Ta đây là chủ, mà không có nhà.

    Nhuận bút bài Một nhành xuân của Tố Hữu (Nhân Dân tết 1980) là 500. Mới đầu bọn Ban văn nghệ định đưa 120 (bằng cách mua lên một đôi gà thiến), nhưng ông Hoàng Tùng bảo cứ 500 và đưa tiền mặt.

    Rồi lại lên ti vi, lên đài, chỗ nào dùng đều có tiền.

    Ông Trần Lâm lên gặp phải mang theo băng ghi âm. Sợ trong khi báo cáo cấp trên, có gì thất thố chăng?

    Sau bài viết Một nhành xuân ấy, Đài tiếng nói VN cử một tay biên tập cứng là Trần Mạnh Thường viết bài bình luận. Thường viết xong được khen và người ta định đưa hắn lên tivi. Thường xấu hổ, không muốn. Lãnh đạo bảo, các cậu khiêm tốn thật. Việc mình làm được, không việc gì phải khiêm tốn. Vậy cứ lên tivi đi.

    Người ta không thể hiểu là Thường xấu hổ vì những cái đã viết.

    Vũ Quần Phương bảo đúng là thế hệ trước không thể hiểu nổi thế hệ sau.

    18/3

    Giá vàng lên. Một ngàn đồng được hơn hai đồng cân vàng. Giá báo Văn nghệ từ 2 hào lên 3 hào rưỡi. Giá vé máy bay từ 120 lên 220.

    Một anh bạn trong cơn mê… nhà, kể rằng để dành được 10.000đ thì giá nhà đã lên 15.000đ. Ma Văn Kháng bảo giờ có tay nhà ở Hà Nội đã đủ, lại đang tính nhà ở Nha Trang để nghỉ.

    Đoàn Công Tính bảo, nay là lúc không ở đâu giá ô tô nhà lầu rẻ như nước mình.

    Quân kể hai nhận xét của các chuyên gia Đức:

    – Ở chúng mày hình như không có luật đi đường. Hình như thằng nào bóp còi to, thằng đó được.

    – Nhưng mà tại sao con mắt mọi người vẫn ánh lên một cái gì đấy?

    Tôi bảo: Còn gì nữa, đó là lòng ham sống.

    Sống ở Hà Nội bụi mù trời, xe đạp kẽo kẹt trên đường vẫn cố đẩy lên, tranh nhau cãi nhau, giành chỗ, xếp hàng, kiếm lấy một cái áo đẹp…

    Bên cạnh những lúc chán ngán, nhiều lúc nhiều người vẫn muốn kêu lên:

    – Thật may là còn sống còn được làm người.

    Muôn năm, muôn năm cuộc sống! Chiến tranh đã lùi xa. Ngày mai ra sao ư – kệ nó!

    Một người vào miền Nam kể:

    – Một gia đình bình thường, làm cho mậu dịch một sản phẩm nhỏ – ngòi bút viết. Sau ba tháng thu 50 ngàn đồng.

    – Một khu công nghệ nhà nước, vốn 700 triệu đồng, nhiều năm lỗ vốn, mãi 1979 mới lãi 3 triệu đồng. Trích ra 25 vạn làm tiền thưởng.

    Tết ở Sài Gòn. Người ta buộc vài chục bánh pháo sau xe hon – đa, phóng xe, đốt pháo rầm trời.

    Sao khi chuyển sang cái nhà xuất bản Tác phẩm mới này, tôi tự hỏi sao phải nghĩ về VNQĐ lâu thế, như xưa phải nghĩ về mấy bạn gái mình thì yêu mà họ chê mình vậy. Sau nghĩ ra:

    – Chỉ vì ở cơ quan dân sự này hàng tháng không được chia mấy cân thịt như cơ quan cũ.

    Thuốc lá sợi trộn lẫn nhiều lá sắn, giá thuốc sợi 10, giá lá sắn 4.

    Lâm Quang Ngọc kể cả nhà quấn thuốc, một tháng được khoảng 300 đồng.

    Ông Kiên kể: Đang đi đường, đến một quãng lội thấy người xúm lại rất đông. Những thanh niên quần bò áo bay cũng đứng lại, mò mẫm. Xe ô tô qua cũng kệ. Tại sao? Vừa có một xe chở đá lửa đi qua, đánh rơi rất nhiều. Đã có người nhặt được.

    Một người cháu ông Vũ Tú Nam gãy tay từ Nam Định phải chở lên Hà Nội để vào nhà thương. Vì Nam Định không có bột để bó.

    – Tại sao các cửa hàng thiếu mì sợi. Vì xe ô tô không chịu chở loại hàng này. Họ không ăn cắp được.

    – Các chuyến xe buýt trong thành phố phục vụ khách rất tận tuỵ. Vì nghề này, người ta bỏ tiền túi rất dễ.

    Rau muống 1-1, 2 đồng một bó. Nhà nước không bảo đảm cung cấp hàng cho dân không phải cán bộ. Dân chỉ được phát bìa mua hàng có 3 tháng.

    Cách dùng tiền: có gia đình bán hết các phiếu lấy 4.000. Để làm gì? Để cho một tổ hợp sản xuất vay, lấy lãi 10%. Một tháng gia đình thêm 400 cộng với 1.000 tiền lương tạm đủ ăn.

    Giá gạo đã lên 9 đồng một kg, ở Vĩnh Phú lên 10 đồng.

    Ở Cửa Nam có một thanh niên giết người vì mấy chục bạc.

    Lúc xử tử hắn, bố mẹ anh chị em sụt sùi. Hắn giậm chân hét lên “Các ông các bà có im đi không. Sống với chết cũng thế, việc gì mà khóc”.

    Ở khu Kim Liên Trung Tự, trước kia những vạt đất giữa các nhà đều cấm tăng gia mà giành làm nơi cho trẻ em chơi.

    Nay người ta cuốc bật cả nền gạch lên để trồng rau.

    15/4

    Tôi đến cơ quan. Ông Vũ Tú Nam ốm. Ông Phó giám đốc Mãi đi lên Vĩnh Phú tính chuyện xin giấy (từ đầu năm tới nay chưa ra một quyển sách nào). Ông Nguyễn Kiên đi Campuchia. Lương tháng 4 chưa có. Nhuận bút, tạm ứng chưa có. Lại Nguyên Ân con ốm mấy ngày, vẫn phải đi Vĩnh Phú.

    Xuân Quỳnh kể Vũ có một truyện ngắn được giải, trị giá 100đ. Quỳnh đi vay trước, giả bà Khánh 50đ. Còn 50 đ, về 20 đ mua cây tre để với tấm giấy sơn cũ, chữa lại mái cái lều; để riêng 30đ làm cơm mời thợ.

    Đi mua 1, 5 đ cà phê về, con làm đổ, đánh con một trận, sau lại hối hận.

    Yến kể Hảo (nhà cô Ch.) vào Sài Gòn lái xe chở hàng sang Campuchia (lính vận tải) không có tiền, vay một người 300 để buôn, trả xong nợ còn 300 lãi gấp đôi. Từ đó cứ đi về đều.

    Một thiếu uý mang về cho ông bố ở nhà 200 ngàn đồng. Chắc nhiều nhà văn lại tiếc, sao lại đi viết văn!

    Hà kể một phiểu Tôn Đản mỗi tháng được mua theo giá rẻ 3 cân thịt, 3 cân cá, 2 cân đường, 20 quả trứng, 1 tút thuốc. Ngoài ra còn bánh kẹo, rau, xà phòng, dép, vải vóc (Cả nhà có thể bấu xấu vào đấy.)

    Phiếu đề ông Thông loại Văn nghệ sĩ tiêu biểu, cỡ ngang thứ trưởng. Những người được phiếu cùng đợt là Xuân Diệu, Tế Hanh, Nguyễn Văn Bổng.

    25/4

    Xã luận báo Nhân Dân nói đến chuyện ở Hà Đông, một hội trường 800 người đúng lúc đưa vào sử dụng thì bị sụp. May mà do cụ Tôn Đức Thắng chết, người ta tạm không sử dụng mấy hôm, nên không ai việc gì.

    Ở Hải Phòng 1/3 hàng bị ăn cắp.

    Công nhân coi kho dùng dao chặt bánh xe đạp của khách gửi về qua cảng, chỉ cốt lấy mấy cái may ô quấn quanh xe. Hiện trên phải đưa lính về thay công nhân.

    Tổng kết về các vụ ăn cắp, đẩy hàng trên tàu Thống Nhất: 40% trong nội bộ ngành (nhân viên đường sắt, có cả công an)

    30% cán bộ

    Chỉ 3% lưu manh chuyên nghiệp.

    Ở Hà Nội nghề quấn thuốc lá ế ẩm. Vì… thuốc ngoại rẻ hơn thuốc nội. Bảy hào một điếu More.

    Hàng mang từ nước ngoài về. Để rút vàng ra.

    Ở Thái Lan, Mỹ bán hàng theo lối bán thật rẻ. Nhưng phải trả bằng vàng. Thế giới người ta đang tích luỹ vàng, sợ chiến tranh lạnh trở lại.

    Một ngày ở khoa ngoại bệnh viện St. Paul, đón chừng 40 vụ đâm nhau mà bị thương.

    Báo Nhân Dân 10-4 có bài kể: Ban tổ chức hội chùa Hương thường lấy tiền của khách gấp 5 -10 lần giá quy định. Cả một hệ thống tổ chức ở đấy trở thành một thứ cai thầu hung hãn. Có một thuyền học sinh xuống, theo giá vé, không có tiền hối lộ cho họ, họ không chịu chở, lại đuổi các em lên. Các em không lên, hai bên xô đẩy thuyền chìm, họ dùng mãi chèo đánh một em vào gáy chết ngay. Họ giam một cán bộ và một bộ đội trong 8 giờ liền.

    14/5

    Hình ảnh của một người trên báo chí, sách vở (và cả trong cái gọi là lịch sử nữa) với thực chất của con người đó, chẳng nhẽ lại có thể xa cách nhau đến thế hay sao?

    Nixon có loạt bài trên Paris match bản dịch được đăng lại trên Bản tin tham khảo cuối tháng 4.

    Chiến tranh thế giới thứ ba đã được chuẩn bị ngay từ đại chiến thế giới thứ hai. Stalin chiếm đất. Tây Âu phụ thuộc Trung Đông. Liên Xô tiến vào đó Afganistan Nam Yemen.

    Ở châu Phi, tất cả chính phủ mà Liên xô ủng hộ đều là bọn tham tàn, không đếm xỉa gì đến đời sống trong nước, miễn là họ nghe theo Liên xô, là Liên xô ủng hộ họ.

    Nếu để cho các dân tộc tự nguyện lựa chọn, họ sẽ không lựa chọn chủ nghĩa cộng sản.

    Các đại sứ luôn luôn than phiền với tôi: người Nga rất hay nói dối. Nói chung là họ hành động không chịu một ràng buộc nào hết. Một châm ngôn quan trọng của Níxon: Không bao giờ nên nghĩ rằng có một việc gì mà mình không bao giờ làm.

    Những chuyện hình sự:

    Một ông già thấy trộm vào vung dao đuổi trộm, nhặt được mấy ngón tay.

    Mấy hôm sau có hai người xưng là công an vào, hỏi han sự việc, mời cụ lên dồn, kể cho rõ. Cụ đi 2 ngày không về.

    Cụ bà ở nhà, tự nhiên có một người đến chơi, tự xưng là người quen cũ, lâu lắm mới lại thăm cụ ông. Chờ mãi không thấy, khách cáo xin phép ra phố một chút, gửi tạm chiếc ba lô. Khách không quay trở lại. Cụ bà bồn chồn, lên báo công an. Công an đến giở ra, trong ba lô: xác ông cụ.

    Có khác gì chuyện Thuỷ Hử?

    Một người đàn bà, thấy người khác bị móc túi, cố nói to lên, giữ hộ.

    Tên ăn cắp lủi mất. Lát sau, có 2 thanh niên lên xe. Hắn chen vào sát chị đàn bà:

    – Chị tốt bụng nhỉ!

    – Chị thương người quá!

    – Nhân hậu ghê cơ!

    Hắn đưa tay lên vuốt má người đàn bà. Máu chảy ròng ròng.

    Trong những ngón tay hắn, có kẹp manh xơ lam.

    Thịt lợn lên 40đ/1kg

    Gạo hôm 1/5, do chuyện cắt gạo, lên 10,5đ-11đ. Nhưng rồi lại tụt 7,5-8đ

    Chung quanh chuyện gạo nước, cả xã hội ồn lên vì thèm muốn và bất lực.

    Nguyên từ mấy tháng trước, đã thấy nói sẽ phân phối lại lương thực. Chỉ cán bộ nhà nước được ăn 13kg. Ngoài ra người làm ngoài, có gì cung cấp nấy. Vì nhà nước cũng phải đi mua bằng giá ngoài.

    Đồn rằng đã có đủ loại Nghị quyết chỉ thị Thủ tướng. Tất cả cảm thông. Nhưng chỉ sau khi có quyết định thi hành ở Hà Nội một ngày, phải hoãn ngay. Người ta phản ứng quá.

    Ph bảo:

    – Thế nào là phe? Bán mấy bao thuốc lá ở đường chăng? Người đó là ai, là mẹ, ta, chị ta. Bọn phe lớn bây giờ nó buôn bằng ô tô cơ. Lấy xe Von-ga đi chở hàng, mới hiệu nghiệm chứ. Cánh phe phẩy vớ vẩn ngoài phố, vợ con cán bộ đó, có việc và bảo đảm đời sống cho họ xem, họ bỏ ngay.

    Anh tưởng truy đuổi phe phẩy thế là công bằng à? Còn có một chuyện bất công lớn hơn. Bộ máy xí nghiệp nhà nước nhiều chỗ bất lực, không làm ra sản phẩm cho xã hội. Lương thấp thật, nhưng lại là cao quá, so với kết quả lao động. Rộng hơn chuyện một chính sách – người ta thấy hoang mang, từ nay, đâu là phải trái, sai đúng bây giờ. Chính trên cũng thấy là nhiều chính sách đã sai quá nhưng không sửa được gì. Và từ nay, còn hòng làm được việc gì!

    Trên bảo: có 1,5 triệu đảng viên. Có cậu nói quá lên bảo phải đến 0,5 triệu hỏng, đuổi ra khỏi Đảng cũng không tiếc, miễn là đảng trong sạch.

    Tôi nghĩ thế còn trình độ? Trong sạch làm sao có thể tách rời trình độ. Vì sự dốt nát đẻ ra không trong sạch.

    Một người nói: Dân mình tốt quá. Ở nước ngoài thiếu cà phê nó đã biểu tình.

    Ông Phương Lựu: một loại dân thíếu cà phê biểu tình, nhưng về vẫn làm ăn hết sức; và một loại dân không nói gì, nhưng về không làm, lười biếng, đục khoét, – anh chọn đằng nào?

    Dân Việt Nam có chỗ dữ của nó chứ!

    Từ 6/1980 có công văn giấy 1980 giảm 28%

    Chuyện gạo:

    Cụ Hồ gạo một đồng ba

    Cụ Tôn chậm chạp gạo ba bốn đồng

    Bây giờ ông Duẩn ông Đồng

    Gạo bẩy tám đồng, giá vẫn còn hơn.

    Có thể trong năm 1980

    – Lặng lẽ cho bộ đội về, vì quân quá đông.

    – Không tuyển sinh vào đại học, tuy vẫn tổ chức thi và báo điểm như thường.

    Phương Lựu: Cũng phải nghĩ tới chuyện đó đi thì vừa, chứ cứ đào tạo thế này để làm gì?

    Một chuyên gia Liên xô hỏi Bộ Văn hoá:

    – Hà Nội không có chỗ nào vui chơi công cộng. Vậy thanh niên các anh tán tỉnh nhau ở đâu?

    – Tìm hiểu trong lao động.

    – Thảo nào mà năng suất lao động của các anh tồi vậy.

    https://baotiengdan.com/2024/02/25/chuyen-doi-song-ha-noi-1980-ky-1/


    Không có nhận xét nào