Như Là Những Giá trị Nền tảng cho Cuộc Sống
Tiểu Thạch Nguyễn văn Thái, Ph.D.
North Wales, Pennsylvania
Ngày 29 Tháng 2 Năm 2024
Phần 5. Hết
Chủ điểm của bài này là niềm tin tôn giáo của những người bình dân Việt Nam không theo tôn giáo chính thức nào. Khi nói đến tôn giáo ở Việt Nam, người ta thường nghĩ ngay đến Phật giáo, Khổng giáo, Lão giáo, Đạo Cao Đài, Phật giáo Hoà Hảo, Công giáo, và Đạo Tin Lành hơn là những tôn giáo khác.
Khổng giáo hay còn gọi là Nho giáo chính thức bắt đầu từ thế Kỉ thứ VI trước Công Nguyên (TCN) ở Trung Hoa và được du nhập vào Việt Nam từ thế kỉ đầu tiên sau Công Nguyên (SCN). Khổng giáo trở nên có thế lực chính trị bắt đầu từ thời Lý Trần. Phật giáo được du nhập vào Việt Nam vào khoảng thế kỉ thứ IV SCN. Phật giáo khuyến khích Phật tử quy y tam bảo, lấy từ bi làm gốc, không phạm ngũ giới, tìm hiểu và suy niệm tứ diệu đế, và đi theo con đường bát chánh đạo để giải thoát con người khỏi những khổ ải của trần gian bằng giác ngộ. Trong suốt kỉ nguyên thứ IV này, Khổng giáo, Phật giáo, và Lão giáo được hoà quyện với nhau. Lão giáo là một triết thuyết siêu hình có ảnh hưởng trên một số rất ít học giả uyên thâm mà thôi. Đến thời Trần thì Phật giáo có thế lực chính trị và phát triển cho đến nay mặc dù có những chu kì lớn mạnh khác nhau. Khổng giáo, kể từ thế kỉ thứ X, được triều đình sử dụng như là công cụ cai trị mãi cho đến cuối đời nhà Nguyễn vào giữa thế kỉ XX. Ảnh hưởng Khổng giáo rất mạnh đối với hàng ngũ trí thức cổ học và dấu ấn của phần lớn luân lí Khổng giáo với nhiều biến cải vẫn còn in khắc khá sâu đậm, tản mạn trong dân gian. Trong suốt thời kì 10 thế kỉ này, Khổng giáo đậm chất Tống Nho trao quyền tuyệt đối cho nhà vua và thiết lập một hệ thống hệ đẳng xã hội khắt khe.
Cao Đài là một giáo phái được chính thức thành lập vào năm 1926 tại miền Nam, có Toà Thánh tại Tây Ninh và đa số tín đồ thuộc vùng Tây Ninh. Cao Đài thờ Ngọc HoàngThượng Đế và có nhiều thần thánh trung gian như Phật, Lão Tử, Khổng Tử, Lý Thái Bạch, chúa Giêsu, Quan Thế Âm Bồ Tát, v.v…
Hoà Hảo là một nhánh của Phật giáo được Đức Thầy Huỳnh Phú Sổ thành lập vào năm 1939 tại làng Hoà Hảo, quận Tân Châu, tỉnh Châu Đốc. Giáo lí của đạo Hoà Hảo được phát huy qua các bài sấm kệ do đức Huỳnh Phú Sổ biên soạn. Chủ trương của đạo Hoà Hảo là thờ Phật và tu thân, và đề xướng tu tại gia. Những người tu tại gia được gọi là cư sĩ.
Công giáo được du nhập vào Việt Nam vào khoảng thế kỉ XVI qua các giáo sĩ người Bồ Đào Nha, Tây Ban Nha, và Pháp. Đạo Công giáo lấy căn bản công bằng và bác ái làm gốc và thờ đức Chúa Trời là đấng tạo ra con người và vạn vật. Đạo Tin Lành, gồm có nhiều hệ phái, xuất hiện rõ nét nhất ở Việt Nam từ những năm 1960, nhưng nguyên thuỷ đều phát sinh từ đạo Công giáo tại Châu Âu, nhưng đã tách khỏi đạo Công giáo vào đầu thế kỉ XVI vì lí do bất đồng ý kiến với Vatican về một số tín lí.
Theo thống kê chính thức trong tập Sách trắng Tôn giáo và Chính sách Tôn giáo ở Việt Nam1 thì tất cả các tôn giáo tại Việt Nam trong năm 2021 chỉ chiếm một tỉ lệ khoảng 27% của dân số toàn quốc (97,468,029). Số dân còn lại được liệt kê là “theo tín ngưỡng dân gian” hoặc “không theo tôn giáo nào”2.
Vấn đề ở đây là cần định nghĩa “tín ngưỡng dân gian” nghĩa là gì. Cụm từ “dân gian” mang ý nghĩa đại chúng hay đại đa số người bình dân. Do đó, “tín ngưỡng dân gian” có thể hiểu là những niềm tin có mang tính chất tôn giáo của đa số người bình dân. Những tài liệu đáng tin cậy có thể cung cấp thông tin về những niềm tin này không khác gì hơn là ca dao và tục ngữ vì ca dao, tục ngữ là những biểu cảm phổ biến, bộc phát tức thời và hồn nhiên thường ngày, phát sinh từ tâm tư trung thực của đại đa số người bình dân, nhất à ở vùng thôn quê, suốt dọc dài lịch sử của dân tộc.
Trước tiên, chúng ta nhận thấy người bình dân không có một định nghĩa rõ ràng bằng tên gọi cho niềm tin có tính chất tín ngưỡng của mình, nhưng bằng chứng ca dao và tục ngữ cho ta biết là họ tin vào sự hiện hữu của một đấng chí tôn mà họ gọi là TRỜI. Trời đối với họ là đấng tạo nên con người và vạn vật, cung cấp phương tiện nuôi dưỡng họ, tuy nhiên cũng cần phải có nỗ lực của chính bản thân con người trong công cuộc mưu sinh. Tính của Trời là sáng suốt, anh minh, nhìn thấu và định đoạt tất cả mọi diễn biến trên hoàn vũ một cách hợp lí, và đặc biệt nhất là tính công bằng.
Trời sinh, Trời dưỡng.
Trời sinh voi; Trời sinh cỏ.
Trời nào có phụ ai đâu: hay làm thì giàu; có chí thì nên.
Đèn Trời sáng bốn phương.
Đèn Trời soi xét.
Trời sinh hùm chẳng có vây; hùm mà có cánh, hùm bay lên trời.
Ta có Trời; trăm sự đều nhờ.
Trời nào có dong kẻ gian, có oan người ngay.
Thiên đạo chí công. [Đạo Trời rất công minh]
Thiên võng nan đào. [Lưới Trời không thoát được]
Tuy nhiên, điều lí thú bất ngờ là có lúc người bình dân hình như đã đồng hoá Phật với Trời. Mặc dù Phật không phải là đấng tạo hoá mà chỉ là một vị chân tu đắc đạo hướng dẫn chúng sinh trên con đường giác ngộ, nhưng đối với người bình dân thì Phật cũng là Trời với tất cả những đặc tính của Trời.
Thiên võng nan đào,
Trời, Phật ở trên đầu, trên cổ.
Tuy nhiên, chúng ta không thấy người bình dân đồng hoá con người với Trời mà chỉ nâng con người lên ngang hàng với Phật.
Phật cũng là người; ta cũng là người.
Mặc dù không có nhiều câu ca dao hay tục ngữ nêu lên ý niệm này, nhưng dù sao cũng đã có ít nhất là một câu ca dao được truyền tụng trong dân gian thì câu này cần phải được lí giải. Câu này, trong thực tế, không có gì sai. Nhưng ý nghĩa đương nhiên của nó không phải là chung kết; nội hàm có thể có của nó mới đáng suy nghiệm hơn: bản chất của người cũng giống như bản chất của Phật - đều là người - nhưng Phật đã được đồng hoá với Trời trong lúc con người thì chưa từng được đồng hoá với Trời. Điều này có nghĩa là Phật đã đạt được một trình độ ý thức tâm linh ở tầng cao và có thể hoà nhập cùng với bản thể của Trời. Do đó, con người được tu luyện cũng có thể đạt đến tầng cao tâm thức ấy và hoà nhập làm một với bản thể của Trời. Người bình dân dĩ nhiên không thể đi đến kết luận này bằng luận lí mà chỉ có thể bằng trực giác. Bản tính chân chất của người bình dân cho họ có một sự giải thoát khỏi cái rắc rối và nhiều lúc phù phiếm, có thể sai lầm của học thuật dựa trên sự giới hạn của mạng lưới luận lí, toán học. Điều này cho phép họ thấy được Chân lí bằng trực giác. Ý niệm bản thể cá nhân đồng bản thể với Vũ Trụ cũng đã được kinh Brihadaranyaka Upanishad 4.4.53 trong Ấn giáo khẳng định: “Atman thực ra chính là Brahman”. Atman là bản thể (linh hồn) của mỗi cá nhân con người và Brahman là bản thể (linh hồn) của Vũ Trụ (Trời).
Bởi vì tin tưởng đấng chí tôn hay Trời phán xét và thưởng, phạt một cách công bằng nên người bình dân Việt Nam cũng đòi hỏi con người, trong cuộc sống, cũng phải sòng phẳng trong giao tế theo đúng đạo Trời.
Ăn bánh, trả tiền.
Ăn cái rau, trả cái dưa.
Ăn cho đều, kêu cho sòng.
Ăn cho no; đo cho thẳng.
Ăn cơm trả gạo; ăn cháo trả tiền.
Ăn miếng chả; trả miếng bùi.
Ăn miếng cho ngon; phải đòn [đền] cho đáng.
Ăn ngọt; trả bùi.
Ăn tám lạng; trả nửa cân.
Ăn thì dùa [lùa]; thua thì chịu.
Có vay, có trả mới thoả lòng nhau.
Có ơn phải sợ, có nợ phải trả.
Oán thì trả oán, ân thì trả ân.
Ơn đền ơn, oán trả oán.
Có đi có lại mới toại lòng nhau.
Khi giàu chẳng có đỡ ai,
Đến khi hoạn nạn, chớ ai đỡ mình.
Sự sòng phẳng này đối với người bình dân Việt Nam không những cần phải được thực hiện trong giao tế giữa người với người mà ngay cả đối với thần linh cũng thế. Sòng phẳng hay công bằng, đối với họ, là đạo Trời, một định luật thiên nhiên có tính tuyệt đối.
Của Bụt trả Bụt.
Của Bụt thiêu cho Bụt.
Của Trời trả Trời.
Trong Thiên Chúa giáo (Công giáo và Tin Lành), Chúa Giêsu cũng phát biểu cùng một quan điểm:
Phúc Âm Mát Thêu, 22:15-22, tường thuật: “Bấy giờ những người Pharisêu đi bàn bạc với nhau, tìm cách làm cho Đức Giêsu phải lỡ lời mà mắc bẫy. Họ sai các môn đệ của họ cùng đi với những người phe Hêrôđê, đến nói với Đức Giêsu rằng: "Thưa Thầy, chúng tôi biết Thầy là người chân thật và cứ sự thật mà dạy đường lối của Thiên Chúa. Thầy cũng chẳng vị nể ai, vì Thầy không cứ bề ngoài mà đánh giá người ta. Vậy xin Thầy cho biết ý kiến: có được phép nộp thuế cho Caesar hay không?"
Nhưng Đức Giêsu biết họ có ác ý, nên Người nói: "Tại sao các người lại thử tôi, hỡi những kẻ giả hình! Cho tôi xem đồng tiền nộp thuế!" Họ liền đưa cho Người một quan tiền. Người hỏi họ: "Hình và danh hiệu này là của ai đây? " Họ đáp: "Của Caesar." Bấy giờ, Người bảo họ: "Thế thì của Caesar, trả về Caesar; của Thiên Chúa, trả về Thiên Chúa." Nghe vậy, họ ngạc nhiên và để Người lại đó mà đi.
Cái bẫy của những người đặt câu hỏi là: Nếu Giêsu trả lời phải nộp thuế theo Lề Luật, những người Pharisêu sẽ tố ông là kẻ phản bội lại đồng bào Do Thái, nhưng nếu Giêsu nói không được nộp thuế, thì họ sẽ tố cáo ông là kẻ phản lại Đế quốc Roma”4.
Một khi người bình dân Việt Nam đã đòi hỏi sòng phẳng, công bằng trong giao tế thì tất nhiên họ cũng phải bài bác và đối kháng bất công.
Con ông, cháu cha.
Người ăn bát mẻ, người nằm chiếu manh.
Nhà giàu giẫm phải gai,
Cũng bằng nhà khó gãy hai xương sườn.
Con vua thì được làm vua,
Con sãi ở chùa thì quét lá đa.
Con vua thì được làm vua,
Con nhà kẻ khó bắt cua suốt ngày.
Con quan lại được làm quan,
Con nhà kẻ khó đốt than tối ngày.
Người thì mớ bảy, mớ ba,
Người thì áo rách như là áo tơi!
Họ còn phát biểu sự đối kháng bất công qua những hành vi thiên vị nam giới và kì thị nữ giới của xã hội, một tàn tích của Tống Nho.
Anh thì quần áo dong [rong] chơi,
Để em đi cấy, bồ hôi ướt đầm.
Gái mà chi! Trai mà chi!
Sinh ra có nghĩa có nghì là hơn.
Cũng thì con mẹ, con cha,
Cành cao vun xới, cành la bỏ liều.
Cũng là con mẹ con cha,
Con thì chín rưỡi, con ba mươi đồng.
Phân biệt tuổi tác trong liên hệ lứa đôi cũng là một bất công mà người bình dân chống đối. Tình yêu đối với họ không phân biệt tuổi tác.
Bà già đã tám mươi tư,
Ngồi bên cửa sổ viết thư tìm chồng.
Chàng bao nhiêu tuổi năm nay,
Chàng rày mười tám, thiếp rày bốn ba.
Mồ cha đứa chê thiếp già,
Thiếp còn gánh nổi một vài trăm kim.
Trăm kim đổi lấy lạng vàng,
Mua gương Tư Mã thiếp với chàng soi chung.
Chàng về sắm sửa loan phòng,
Thiếp xin điểm phấn, tô hồng, thiếp theo.
Trong lãnh vực lao động cũng thế, người bình dân rất bất mãn về hiện tượng bóc lột cần lao. Người lao động vất vả suốt ngày, suốt tháng, suốt năm, nhưng thành quả của công việc họ làm lại thường xuyên bị giới quan liêu, giàu có, có thần thế, “ăn không, ngồi rồi” tước đoạt.
Ong làm mật mà không được ăn;
Phận đàn em: ăn thèm, vác nặng.
Cho nên, sòng phẳng, công minh đã trở thành một giáo điều - phát sinh từ Trời - trong lối sống của người bình dân Việt Nam.
Thương anh tôi để trong lòng,
Việc quan tôi cứ phép công tôi làm.
Thương em anh để trong lòng,
Việc quan anh cứ phép công anh làm.
Công bằng là đạo người ta ở đời.
Cũng từ niềm tin vào tính công minh của Trời mà người bình dân Việt Nam tin vào định luật nhân quả. Trong giới khoa học, định luật nhân quả (cause and effect) là chìa khoá cắt nghĩa cũng như kiểm chứng những kết quả của những thí nghiệm thực nghiệm. Người bình dân Việt Nam áp dụng định luật này vào những hiện tượng tâm linh nên không biết lối cắt nghĩa hiệu nghiệm trong khoa học tự nhiên có hiệu nghiệm trong lãnh vực tâm linh hay không. Tuy nhiên, một khi người bình dân đã tin là:
Thiên đạo chí công [Đạo Trời rất công minh]
Trời nào có dong kẻ gian, có oan người ngay.
Thì khuynh hướng cắt nghĩa của họ là khi những người làm những việc thất đức mà gặp phải tai hoạ là vì, theo họ, những người này đã tạo nên những nguyên nhân bất công, không hợp với đạo Trời cho nên hậu quả là bị Trời trừng phạt và thường là trừng phạt “nhãn tiền”.
Đời xưa trả báo còn chầy,
Đời nay trả báo một giây nhãn tiền.
Đời xưa trả báo còn lâu,
Đời nay trả báo bất câu giờ nào.
Trời quả báo: ăn cháo gãy răng.
Trời quả báo: ăn cháo gãy răng, ăn cơm gãy đũa, xỉa răng gãy chìa.
Nhưng nếu người bình dân trông thấy những người gây nên bất công mà vẫn sung sướng hưởng thụ, không bị Trời trừng phạt ngay tức khắc (nhãn tiền) thì họ tin tưởng là con cháu những người này cũng sẽ bị trừng phạt.
Đời cha đi hái hoa người,
Đời con phải trả nợ đời cho cha.
Một quan niệm khác thường được gắn liền với tôn giáo là tu hành. Khổng giáo là một hệ tư tưởng bao gồm những phạm trù luân lí mà con người được khuyến cáo nên theo: Con người cần sống có nhân, nghĩa, thiện lương thì xã hội mới an bình. Khổng giáo không đề cập đến tu hành theo nghĩa tôn giáo. Phật giáo có quy y tam bảo: quy y Phật, quy y Pháp, và quy y Tăng. Nghĩa là thờ Phật, thờ Phật Pháp, và thờ những vị cao tăng đắc đạo. Có những vị tu hành đã buông bỏ tất cả những gì thuộc về thế tục để suốt cuộc đời thành khẩn theo Phật pháp gọi là tu. Tu hành đến mức giác ngộ, đắc đạo thì được Phật tử thờ kính (Quy y Tăng). Có rất nhiều người tu tại chùa, lại có những nhà sư, ni cô tu như là những ẩn sĩ ở những nơi thanh vắng trong rừngnúi. Cũng có người tu tại gia như các cư sĩ Đạo Hoà Hảo. Đạo Công giáo có những người đi tu, được huấn luyện tại một tu viện để làm linh mục và sau đó sẽ được chỉ định trông coi các họ đạo, còn được gọi là giáo xứ. Có những linh mục hay các bà xơ (soeurs) chỉ tu hành và ở trong các nhà dòng (hay tu viện) để sống cuộc đời chuyên về đạo hạnh. Có những người tu tại các nhà dòng khác nhau, nhưng không làm linh mục mà thường chỉ phục vụ cộng đồng qua các dịch vụ xã hội như giáo dục hoặc từ thiện. Trong số những người bình dân, tất nhiên cũng có một số người đi theo những con đường tu hành này. Tuy nhiên, đối với những tôn giáo có tổ chức như thế thì người bình dân Việt Nam tỏ vẻ ít tin tưởng ở sự thực tâm của người tu hành vì họ thường chứng kiến những hành vi không mấy tốt đẹp của một số nhà tu hành. Đối với họ, tu trước tiên phải có nghĩa là chinh phục chính bản thân, tu dưỡng tính tính của chính bản thân ngay tại gia đình của mình, bắt đầu bằng những hành vi hợp với luân lí, đạo đức như thờ kính cha mẹ. Có thờ cha, kính mẹ thực sự thì mới là chân tu.
Tu hành hồ dễ mấy người trực tâm.
_Dầu mà không lấy được em,
Anh về đóng cửa, cài rèm đi tu.
_Tu mô cho em tu cùng,
May ra thành Phật thờ chung một chùa.
_Tu mô cho bằng tu nhà,
Thờ cha, kính mẹ cũng là đi tu.
Ăn mặn nói ngay
Còn hơn ăn chay nói dối.
Tu đâu cho bằng tu nhà: thờ cha, kính mẹ mới là chân tu.
Có biết thờ kính cha mẹ (tu nhà), đối đãi công bằng với tha nhân (tu chợ) trong xã hội, hai môi trường thử nghiệm tâm thức chính trực và thực tâm tu hành của con người; sau đó con người mới nên nghĩ đến tu chùa (quy y Phật và quy y Pháp). Sự tu tập phải phát sinh từ sự trung thực của nội tâm chứ không phải từ những hình thức bên ngoài.
Thứ nhất thì tu tại gia; thứ nhì, tu chợ; thứ ba, tu chùa.
Đối với những tôn giáo có tổ chức thì người bình dân Việt Nam thường có thái độ rất phóng khoáng. Một ví dụ là Công giáo có những quy định mà trong quá khứ có thể tạo hiểu lầm đưa đến ngăn cách đối với những người không theo Công giáo. Trước đây, người ta nghĩ là đạo Công giáo không chấp nhận tín hữu lập gia đình với người “lương” (người không theo đạo Công giáo) hay chỉ chấp nhận nếu người “lương” theo đạo Công giáo. Do đó, nhiều cha mẹ thuộc đạo Công giáo hay Phật giáo sùng đạo nghĩ quy định này là một lề luật bất khả nhượng và đã gây đau khổ cho con cái bằng cách ngăn cản tình yêu và hôn nhân của chúng. Ngày nay quy định này đã được hiểu rõ vì đã được làm sáng tỏ chỉ là một khuyến cáo để tín hữu Công giáo dễ dàng hành đạo chứ không phải là một bắt buộc. Dù sao thì người bình dân Việt Nam, trong cuộc sống của họ suốt dọc dài lịch sử, cũng đã phủ nhận quy định này từ lâu.
Bên lương, bên giáo; bên đạo cũng như bên ta,
Về đây ta kết nghĩa giao hoà.
Phải duyên, phải kiếp: áo Chúa Bà ta mặc chung.
_Thương em, anh cũng muốn thương,
Sợ lòng bên giáo, bên lương khó thành.
_Quý hồ anh có lòng thương,
A men mặc thiếp; khói hương mặc chàng.
Đừng nài lương giáo khác dòng,
Vốn đều con cháu Lạc Hồng khi xưa.
Tôn giáo nào cũng tốt, cũng đẹp dạy cho con người từ bi, bác ái, nhân nghĩa, thiện lương. Chỉ có con người, chứ không phải đạo, mới có thể xấu xa, có thể mượn danh nghĩa tôn giáo làm cái áo khoác cho những hành vi bỉ ổi, tham sân, si của mình mà thôi. Người bình dân Việt Nam mạnh dạn và thẳng thắn chỉ trích loại người này. Nhất là tại những vùng quê, thường có những thầy cúng làm bại hoại thanh danh của các nhà sư chân chính vì thầy cúng thường bị nhầm lẫn với sư.
Chập chập thôi lại cheng cheng,
Con gà sống lớn để riêng cho thầy.
Đơm xôi thì đơm cho đầy,
Đơm mà vơi đĩa thì thầy không ưa.
Thầy cúng chưa ra, cái ma đã tới.
Thôi chay thì thầy đi đất.
Thầy cúng ngồi cạnh giường thờ,
Mồm thì lẩm bẩm; tay sờ đĩa xôi.
Đầu trọc long lóc bình đào,
Nhà ai có cỗ thì vào gặm xương.
Thầy chùa đi lùa bánh cúng,
Vợ ở nhà xách thúng chạy theo.
Tuy nhiên, cũng có những người mượn áo tu hành của sư để làm những việc đồi bại.
Ba mươi súc miệng ăn chay,
Sáng ngày mồng một dựng cây trúc dài.
Lâm râm khấn bái Phật, Trời
Biết đâu có nắng mà phơi quần hồng!
Ai ơi! Hãy hoãn lấy chồng,
Để cho trai gái dốc lòng đi tu.
Chùa này chẳng có bụt ru?
Mà đem chuông khánh treo chùa Hồ Sen.
Thấy cô yếm đỏ, răng đen,
Na mô di Phật, lại quên mất chùa!
Ai mua tiu cảnh5 thì mua,
Thanh la, não bạt, thầy chùa bán cho.
Hộ pháp thì một quan ba,
Long thần chín rưỡi, Thích Ca ba tiền.
Còn hai mụ Thiện hai bên,
Ai mua bán nốt; lấy tiền nộp cheo.
Lệ làng thiếu thốn bao nhiêu,
Đẵn cây tre mộc, cắm nêu sân chùa.
Đi tu nỏ thấy ở chùa,
Nương theo bóng Phật bán mua phàm trần.
Sư đương tụng niệm Nam mô,
Thấy cô xách giỏ mò cua bên chùa.
Lòng sư luống những mơ hồ,
Bỏ cả kinh kệ, tìm cô hỏi chào.
Ai ngờ cô đi đàng nào,
Tay cầm tràng hạt, ra vào bâng khuâng.
Sư hỗ mang; sãi rắn rết.
Cái trống sơn đỏ, cái mõ sơn son,
Ông sư, bà vãi có con rõ ràng.
Anh nay quyết chí đi tu:
Tam quy, ngủ giới, tu chùa Hồ Sen.
Thấy cô má phấn răng đen,
A Di Đà Phật! Anh quên mất chùa.
Ba cô đội gạo lên chùa,
Một cô yếm thắm bỏ bùa cho sư.
Sư về sư ốm tương tư,
Ốm lăn, ốm lóc cho sư trọc đầu.
Ai làm cho dạ sư sầu,
Cho ruột sư héo như bầu đứt dây.
_Con chim ăn quả bồ nu,
Ai làm nên nỗi thầy tu đeo xiềng.
_Thầy tu ăn nói cà riềng,
Em thưa quan cả đóng xiềng thầy tu.
Có người rủ thiếp đi tu,
Thiếp rằng thiếp sợ lũ sư nó tồi.
Con ai đem bỏ chùa này,
Na mô di Phật, con thầy thầy nuôi.
Đi tu cho trọn đi tu,
Ăn chay nằm mộng ở chùa Hồ Sen.
Thấy cô má đỏ răng đen,
Nam mô di Phật lại quên ở chùa.
Đi tu Phật bắt ăn chay,
Thịt chó ăn được; thịt cầy thì không.
Em là con gái Phủ Từ,
Lộn chồng, trả của, theo sư chùa Viềng.
Đói ăn thịt chó nầu riềng,
Bán rau mảnh bát, lấy tiền nộp cheo.
Dù còn thiếu thốn bao nhiêu,
Xin làng đừng có cắm nêu ruộng chùa.
Hôm nay mười bốn, mai rằm,
Ai muốn ăn oản; lên nằm với sư.
Vợ sư sắm sửa cho sư,
Áo đen, tràng hạt, mũ lư tày giành.
Để sư sướng kiếp bành bành…
Phen này quyết chí đi tu,
Tam quy, ngũ giới tu chùa Hồ Sen.
Thấy cô má phấn răng đen,
A di đà Phật, anh quên mất chùa.
Muốn ăn đậu phụ tương tàu,
Mài dao, đánh kéo, gọt đầu đi tu.
Mồm thì tụng niệm Nam mô,
Miệng thì rượu thịt lu bù sớm hôm.
Một tay gõ mõ, gõ chuông,
Một tay bóp vú cô nường nghe kinh.
Hỡi ơi! Chú tiểu trên chùa,
Chú tu, sao chú bỏ bùa cho tôi?
Na mô Bồ tát bồ hòn,
Ông sư bà vãi cuộn tròn lấy nhau.
Na mô đức Phật quan âm,
Bao nhiều vãi mầm thì lấy tiểu tôi.
Thằng trọc mà ăn canh măng,
Đánh rắm, đánh rít, thối oang cả chùa.
Bà vãi vác gậy đi khua,
Mồ cha thằng trọc ở chùa bà chi.
Tiểu tôi: tiểu kính, tiểu hiền,
Bao nhiêu chùa chiền, tiểu đốt, tiểu đi.
Thịt chó tiểu đánh tì tì,
Bao nhiêu chỗ lội, tiểu thì cắm chông.
Nam mô xứ Bắc, xứ Đông,
Con gái chưa chồng thì lấy tiểu tôi.
Tụng kinh, dạ tưởng rì rầm,
Gái tơ, vãi trẻ mắt nhằm bốn ba.
Mò đi, giả cách lờ đờ,
Nhác trông thấy gái thời như chuột ngày.
Trăm đường tu: đường nào có lợi thì tu nệ gì.
Trong ba mươi sáu đường tu: đường nào phú quý, phong lưu thì làm.
Trời, Phật thì ở trên mây; nhiều tiền đong đầy, ít tiền đong vơi.
Gần chùa gọi Bụt bằng anh,
Thấy Bụt hiền lành, bế Bụt đi chơi.
Những nhà tu hành trong đạo Công giáo có hành vi xấu xa cũng không thoát được sự chỉ trích, châm biếm thẳng thắn của người bình dân. Tuy nhiên số lượng những câu ca dao chỉ trích những hành vi xấu xa của các nhà tu hành thuộc đạo Công giáo tương đối ít. Điều này không có nghĩa là có ít nhà tu hành thuộc Công giáo có những hành vi đồi truỵ mà có lẽ là vì lịch sử của giáo hội Công giáo ở Việt Nam ngắn ngủi hơn những tôn giáo khác, do đó ảnh hưởng xấu cũng như tốt của Công giáo chưa lan rộng và đi sâu vào với đại đa số quần chúng.
Của Bụt mất một đền mười,
Của đức Chúa Lời [ Đức Chúa Trời] mất một đền hai.
Về nhà đọc kinh; ra đường chết chém.
_Trai tân đang đứng, đang chờ,
Ai bưng mắt em lại, em lại vơ cha dòng.
_Cha dòng áo rách em thương,
Trai tân quần lượt, áo lương không dùng.
Người bình dân Việt Nam không chỉ trích tôn giáo mà chỉ châm biếm, chỉ trích những người mượn danh tôn giáo để dễ bề làm những chuyện xấu xa, đồi bại. Những câu ca dao trích dẫn ở trên là bằng chứng phản ánh kinh nghiệm sống của họ. Họ không tin vào bề ngoài của những nhà tu hành mà chỉ tin vào chính tâm của người tu hành: “Tu hành dễ mấy người trực tâm”. Phương Tây cũng có cùng quan điểm: “l’habit ne fait pas le moine.”6 [Chiếc áo không làm nên thầy tu].
Họ không chỉ trích hay châm biếm tôn giáo mà ngược lại thường tỏ lòng kính trọng đối với tôn giáo, với thần linh.
Trời, Phật ở trên đầu, trên cổ.
Miếu linh chẳng dám lại gần,
Đứng xa mà khấn, thánh thần chứng tri.
Ai đua sông Trước thì đua,
Sông Sau có miếu thờ vua thì đừng.
Muốn đua sông Trước thì đua,
Sông Sau mắc miếu, mắc chùa đừng đi.
Trong bài này chủ điểm tập trung vào những niềm tin có màu sắc tín ngưỡng của đại đa số người dân Việt Nam không theo một tôn giáo chính thức nào, những người mà chính quyền Việt Nam liệt vào loại “tín ngưỡng dân gian” hay “không theo tôn giáo nào”. Nói là đại đa số vì theo thống kê chính thức của Sách Trắng về tôn giáo của chính quyền như đã có nói ở đầu bài thì đến năm 2021, số người này chiếm tỉ lệ khoảng 73% của toàn thể dân số cả nước. Dù số người này không theo một tôn giáo chính thức nào, nhưng họ có những niềm tin có màu sắc tín ngưỡng rất rõ ràng. Họ tin sự hiện hữu của một đấng chí tôn mà họ gọi là Trời, đấng đã tạo nên loài người và vạn vật. Trời sinh ra người và vạn vật, cung ứng những phương tiện sinh tồn cho con người, nhưng chính bản thân con người, theo quan điểm của người bình dân, cũng phải hợp tác và nỗ lực tự mưu sinh. Bản tính của Trời là biết tất cả mọi việc (“Đèn Trời soi sáng bốn phương”) và phán xét, thưởng phạt rất công minh. Giáo lí quan trọng nhất mà người bình dân rút ra từ đạo Trời là sự công bằng. Cho nên trong cuộc sống, họ đòi hỏi con người phải công bằng trong mọi giao tế với tha nhân và ngay cả với Trời. Và một khi họ đã đòi hỏi công bằng thì tất yếu họ phải phủ nhận và đối kháng mọi bất công: bất công trong vấn đề phân phối phúc lợi không đồng đều cho người dân; bất công trong hành vi phân biệt giới tính, thiên vị nam giới; bất công về kì thị tuổi tác trong lãnh vực tình yêu; và bất công vì hành vi bóc lột cần lao.
Một quan điểm phát sinh như là một hệ luận của công bằng là quả báo. Người tạo ra nguyên nhân của bất công sẽ phải nhận lấy hậu quả là sự trừng phạt của Trời. Ý niệm quả báo này hình như không bao hàm ý nghĩa luân hồi mà chỉ có ý nghĩa là sự trừng phạt từ Trời đối với những hành vi xấu xa của con người trong cuộc đời hiện tại của họ hay là hậu quả trừng phạt có thể giáng xuống con cháu của người gây ra bất công. Ý niệm quả báo ở đây không thấy mang ý nghĩa tạo nghiệp trong đời này rồi phải trả nợ lại trong kiếp chuyển sinh.
Một lãnh vực khác thường được gắn liền với niềm tin tôn giáo là tu hành. Tu hành đối với đa số người bình dân Việt Nam không khẩn thiết phải có tu viện, nhà thờ, hay chùa chiền mà trước tiên là phải thực tâm tu sửa chính bản thân, bắt đầu bằng sự thờ kính cha mẹ ở trong gia đình, tiếp đến là đối xử công bằng với người khác trong xã hội. Tu viện, nhà thờ, chùa chiền, chiếc áo dòng, hay chiếc áo cà sa chỉ là những biểu tượng hình thức bên ngoài, không khẩn thiết thể hiện cái “chính tâm”. Chỉ có lương tâm chính trực, đối với người bình dân Việt Nam, mới phản ánh được tâm thức của người tu hành chân chính.
Điểm đặc biệt đáng lưu lý nhất trong niềm tin mang tính tín ngưỡng của đại đa số người bình dân Việt Nam là giáo lí công bằng. Giáo lí công bằng hay “điều răn” quan trọng duy nhất được rút tỉa ra từ bản thể của Trời, và, đối với người bình dân Việt Nam, cũng là đạo của người:
Công bằng là đạo người ta ở đời.
Trong toàn thể thế giới tân tiến ngày nay, để có an bình và trật tự xã hội, những nhà luật học đã lấy công bằng làm cơ sở để xây dựng mọi hệ thống pháp lí dân luật cũng như hình luật.
Tiểu Thạch Nguyễn văn Thái, Ph.D.
North Wales, Pennsylvania
Ngày 29 Tháng 2 Năm 2024
THAM KHẢO
2 https://vi.wikipedia.org/wiki/Tôn_giáo_tại_Việt_Nam
Thống kê này do chính quyền CSVN cung cấp và có nhiều người cho là không chính xác vì lí do chính quyền chỉ liệt kê số tín hữu của những nhóm tôn giáo được chính quyền công nhận mà thôi. Giáo Hội Phật Giáo Tăng Già Việt Nam không báo cáo số Phật tử và có thông tin cho là số Phật tử có thể lên đến 40% đến 45% dân số. Con số này khác biệt với con số chính quyền đưa ra là do định nghĩa khác nhau về danh xưng Phật tử.
4https://vi.wikipedia.org/wiki/Của_Caesar,_trả_về_Caesar;_của_Thiên_Chúa,_trả_về_Thiên_Chúa/
5 “Tiu cảnh là nhạc khí tự thân vang gõ do người Việt Nam chế tác. Tiu cảnh gồm hai chiếc Thanh la cỡ nhỏ làm bằng đồng thau, đường kính khoảng 10cm, một chiếc thành thấp, một chiếc thành cao, với hai âm thanh cao thấp với màu âm thánh thót, âm vang.”
http://tatham.vn/nhac-cu-truyen-thong-trong-nghi-le-chau-van-a125.html
Không có nhận xét nào