Header Ads

  • Breaking News

    Trung Quốc Quấy Nhiễu Các Hoạt Động Dầu Khí Trên Biển Và Phản Ứng Của Malaysia


    Tác giả: Vũ Hải Đăng 

    Tạp chí Nghiên cứu Quốc tế Số 2&3 (133-134)

    05/3/2024

    " Bài viết đánh giá chiến thuật phản ứng của Malaysia trước việc tàu Trung Quốc quấy nhiễu các hoạt động dầu khí trên biển của nước này. Kết quả phân tích cho thấy Malaysia đã phản ứng thầm lặng và nhẹ nhàng về phương thức; song kiên quyết và nhất quán về nguyên tắc. Phản ứng trên hoàn toàn phù hợp với cách tiếp cận “ngoại giao thầm lặng” của nước này trên Biển Đông từ trước đến nay. Cách tiếp cận này đã đem lại một số hiệu quả nhất định cho Malaysia, cụ thể là giúp nước này tiếp tục tiến hành các hoạt động khai thác dầu khí trên biển mà chưa bị Trung Quốc ngăn cản kiên quyết như đã làm với Việt Nam và Philippines".

    Hải cảnh 5901 tiếp cận khu vực dự án khí Kasawari khi Malaysia bắt đầu các công việc chuẩn bị cho hoạt động sản xuất ở đây. Ảnh: CSIS/AMTI/Planet

    Tóm tắt

    Bài viết phân tích, đánh giá phương thức Malaysia phản ứng trước sự quấy nhiễu của Trung Quốc đối với các hoạt động dầu khí trên biển của mình. Cụ thể, bài viết sẽ làm rõ thực trạng tàu Trung Quốc xâm nhập vùng biển Malaysia yêu sách và quấy nhiễu các hoạt động dầu khí của Malaysia. Thông qua xem các biện pháp phản ứng của Malaysia đối với hoạt động của tàu Trung Quốc, từ phản ứng trên thực địa đến các phản ứng về mặt ngoại giao, chính trị, truyền thông, và giới học giả, tác giả bài viết sẽ đưa ra lý giải về cách thức phản ứng của Malaysia cũng như đánh giá mức độ hiệu quả của cách phản ứng này.

    Từ khóa: Malaysia, Trung Quốc, dầu khí, ngoại giao thầm lặng.

    Mở đầu

    Từ năm 2019 đến nay, Trung Quốc tăng cường ngăn cản và quấy nhiễu các hoạt động thăm dò và khai thác dầu khí của bốn nước Đông Nam Á trên Biển Đông là Việt Nam, Philippines, Indonesia và Malaysia. Trong số bốn nước, phản ứng của Malaysia đối với Trung Quốc là “nhẹ nhàng” nhất. Malaysia không đưa thông tin công khai về hoạt động của tàu Trung Quốc trong vùng biển của mình mà chỉ nêu riêng vấn đề với Trung Quốc, đồng thời tiếp tục đẩy mạnh thăm dò, khai thác dầu khí trên Biển Đông, kể cả trong các khu vực có yêu sách chồng lấn với Trung Quốc. Đến nay, Malaysia đang khá thành công với chiến thuật này khi chưa phải dừng hoạt động ở bất cứ vị trí nào. Các hoạt động xuất khẩu dầu khí của nước này vẫn thuận lợi. 

    Bài viết phân tích và đánh giá chiến thuật Malaysia phản ứng trước sự quấy nhiễu của Trung Quốc đối với hoạt động dầu khí trên biển của mình. Bài viết sẽ lần lượt phân tích và đánh giá những nội dung chính sau: (i) hoạt động dầu khí của Malaysia trên Biển Đông; (ii) thực trạng tàu Trung Quốc quấy nhiễu các hoạt động này; (iii) phản ứng của Malaysia; và (iv) giải thích và đánh giá hiệu quả chiến thuật bảo vệ hoạt động dầu khí của Malaysia.  

    Hoạt động dầu khí của Malaysia trên Biển Đông

    Theo Công ty dầu khí quốc gia Malaysia Petronas, hiện Malaysia sản xuất 660.000 thùng dầu và hơn 198 triệu m3 khí mỗi ngày.[2] Tính đến năm 2019, Malaysia là nước sản xuất dầu khí lớn thứ hai Đông Nam Á (sau Indonesia) và xuất khẩu khí tự nhiên hóa lỏng lớn thứ năm thế giới. Tất cả hoạt động khai thác dầu khí của Malaysia hiện diễn ra trên Biển Đông, ngoài khơi các tiểu bang Kelantan, Terengganu, Sarawak, và Sabah[3] với hơn 300 giàn khoan đang hoạt động.[4] Trong số các lô dầu khí của Malaysia ở Biển Đông nhiều lô ngoài khơi Sabah và Sarawak thuộc khu vực yêu sách đường lưỡi bò của Trung Quốc như SK 306, SK 308, SK 316, SK 320, SK410B (Sawarak) và 2K, 2V, 2W và X (Sabah).[5] Bên cạnh đó các lô ND1, ND2, và ND4 cũng chồng lấn với khu vực báo cáo chung ranh giới ngoài thềm lục địa với Việt Nam.[6]

    Công nghiệp dầu khí góp phần quan trọng cho tăng trưởng kinh tế của Malaysia. Theo Statista, năm 2021, sản xuất dầu và sản xuất khí tự nhiên lần lượt đóng góp 3.5% và 3.9% trong tổng GDP của Malaysia. Năm 2022, giá trị xuất khẩu dầu thô của Malaysia đạt 31.55 tỉ Ringit (khoảng 6 tỉ USD) và giá trị xuất khẩu khí tự nhiên là 38.19 tỉ Ringit (khoảng 7 tỉ USD).[8]

    Hình 1. Các lô dầu khí trên biển của Malaysia. (Nguồn: R. Rozani et al.[7])

    Năm 2022, Malaysia đã tiến hành khoan 12 giếng thăm dò trên Biển Đông và phát hiện khả năng có dầu khí tại 10 giếng. Trong số đó tiềm năng nhất là lô SK306, ngoài ra còn phát hiện ở các lô MLNG, SK 320, WL4-00, SK410B, N, và PM302.[9]

    Hình 2. Các hoạt động dầu khí trên biển của Malaysia trong năm 2022. Nguồn: Petronas [10].

    Trong năm 2023, Malaysia dự kiến sẽ đưa 26 giàn khoan ra tiến hành khoan 96 giếng. Dự kiến đến năm 2025, các hoạt động dầu khí trên biển của Malaysia vẫn sẽ duy trì ở mức độ như hiện nay với 25 giàn khoan, cùng với nhiều dự án phát triển dầu khí ngoài khơi dưới các hình thức khác nhau như lắp đặt ống dẫn, các công trình cố định trên biển hay các dịch vụ ngầm dưới biển. Tuy nhiên, về dài hạn, Malaysia có kế hoạch thực hiện phát thải khí nhà kính bằng không vào năm 2050. Theo đó, Petronas sẽ tăng cường chuyển đổi hoạt động, hướng tới việc sản xuất năng lượng tái tạo như điện mặt trời và xăng sinh học. Kế hoạch này có thể giúp Malaysia giảm phụ thuộc vào các nguồn năng lượng dầu khí, từ đó giảm bớt hoặc ngừng khai thác dầu khí trên biển.

    Tàu Trung Quốc quấy nhiễu các hoạt động dầu khí của Ma-lai-xi-a trên Biển Đông

    Việc Trung Quốc xâm phạm vùng biển của Malaysia trên Biển Đông không mới mà là một vấn đề “thường niên” từ nhiều năm nay. Các tàu Trung Quốc, từ tàu hải cảnh, hải quân đến tàu cá dân quân, thường xuyên đi vào khu vực các bãi cạn James Shoal và Luconia mà Malaysia yêu sách thuộc vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa. Tuy nhiên, việc tàu Trung Quốc quấy nhiễu các hoạt động dầu khí là một hiện tượng mới chỉ diễn ra từ năm 2019, 2020 trở lại đây. Dưới đây là một số vụ việc nổi bật:

    Tháng 5 năm 2019, các tàu hải cảnh Trung Quốc quấy nhiễu hoạt động của giàn khoan Sapura Esperanza khi giàn khoan này tiến hành khoan một số giếng trong khu vực lô SK 308 nằm gần khu vực Bãi cạn Luconia.[14] Từ tháng 12 năm 2019 đến tháng 5 năm 2020, các tàu hải cảnh quấy nhiễu hoạt động thăm dò của tàu West Capella trong khu vực các lô ND1 và ND4 cũng như tiếp tục quấy nhiễu hoạt động của giàn khoan Sapura Esperanza tại lô SK 308.[15] Cùng thời gian đó, tháng 4 năm 2020, Trung Quốc cho tàu khảo sát HD-8 thực hiện khảo sát địa chấn trong khu vực thuộc yêu sách của Malaysia gần nơi tàu West Capella hoạt động. Có những lúc hai tàu chỉ cách nhau 8,5 hải lý.[16] Tháng 11 năm 2020, tàu hải cảnh đến rất gần (khoảng 2 hải lý) giàn khoan Gunlod trong khu vực lô SK410B để yêu cầu giàn khoan dừng hoạt động.[17]

    Trong hai tháng 6-7 năm 2021, tàu hải cảnh Trung Quốc quấy nhiễu các hoạt động thiết lập giàn khoan tại mỏ khí Kasawari của các tàu lắp đặt Sapura 2000 và Sapura 3000 trong khu vực lô SK 316.[18] Cùng trong thời gian này, 16 máy bay của Không quân Trung Quốc đã bay “theo đội hình chiến thuật” vào vùng trời nằm trên vùng đặc quyền kinh tế của Malaysia và vùng Thông báo bay (Flight Information Region-FIR) Kota Kinabalu mà không thông báo trung tâm kiểm soát bay Malaysia.[19] Tháng 9-10 năm 2021, phản ứng trước hoạt động thăm dò của tàu West Capella trong khu vực lô K của Malaysia, Trung Quốc đã cử tàu thăm dò Da Hai Yang đến hoạt động gần vị trí của tàu West Capella. Tín hiệu AIS cho thấy có lúc hai tàu chỉ cách nhau 6 hải lý. Đi cùng tàu Da Hai Yang có các tàu hỗ trợ, tàu hải cảnh, và tàu cá dân quân.[20]

    Gần đây nhất, tháng 2-3 năm 2023, tàu hải cảnh Trung Quốc tiếp tục quấy nhiễu các hoạt động xây lắp giàn khoan tại mỏ khí Kasawari trong khu vực lô SK 316.[21] Theo thông tin từ các học giả Malaysia,[22] các hành vi quấy nhiễu mà tàu Trung Quốc thường tiến hành là đi tới gần khu vực nơi Malaysia đang có hoạt động dầu khí, đi vòng quanh các giàn khoan của Malaysia và bắc loa kêu gọi dừng hoạt động và cản trở hoạt động của các tàu tiếp tế. Như vậy, phương thức quấy nhiễu của tàu Trung Quốc đối với Malaysia là giống với cách họ hành xử đối với Việt Nam (chỉ chưa có động thái cắt cáp tàu thăm dò hay tiến hành đặt giàn khoan trong vùng biển của Malaysia). 

    Phản ứng của Malaysia

    Malaysia thường không đưa tin công khai các biện pháp triển khai trên thực địa để bảo vệ các hoạt động dầu khí của mình nhưng qua các ứng dụng theo dõi hàng hải, AMTI khẳng định là các tàu của Hải quân và Lực lượng thực thi pháp luật trên biển Malaysia (MMEA) thường được cử ra hiện trường để theo dõi, bảo vệ các hoạt động dầu khí. Trong một số trường hợp, các tàu này còn chủ động ngăn cản tàu Trung Quốc tiếp cận và quấy nhiễu. Cụ thể, khi tàu Trung Quốc quấy nhiễu hoạt động của tàu West Capella cuối năm 2019 đầu năm 2020, Malaysia đã cử tàu Hải quân và sau đó là tàu MMEA ra bảo vệ tàu West Capella. Tàu Malaysia được cho là đã tiến đến gần tàu Trung Quốc ít nhất một lần.[23] Tháng 11 năm 2020 khi tàu Trung Quốc tiếp cận giàn khoan Gunlod, Malaysia cử tàu Hải quân ra bảo vệ. Tín hiệu AIS cho thấy hai tàu đã rượt đuổi lẫn nhau trong vài ngày trước khi tàu Trung Quốc rời đi.[24] Tháng 6 năm 2021, tàu hỗ trợ Hải quân Malaysia ra mỏ khí Kawasari một ngày trước khi các tàu lắp đặt giàn khoan tới để bảo vệ các tàu này trước sự cản phá của các tàu hải cảnh Trung Quốc.[25] Đối với động thái 16 máy bay Trung Quốc bay vào vùng FIR Malaysia, không quân Malaysia cũng điều máy bay lên “quan sát xác nhận.”[26] Tháng 2 năm 2023, Malaysia cử tàu hải quân ra bảo vệ giàn khoan tại mỏ khí Kasawari trước sự tiếp cận của tàu hải cảnh Trung Quốc. Mặc dù tàu Malaysia tránh tiếp xúc trực tiếp với tàu Trung Quốc nhưng tín hiệu AIS cho thấy hai tàu đã có những lúc di chuyển rất gần nhau.[27] 

    Như vậy trên thực địa, mặc dù có những thời điểm Malaysia cũng không ngại đối đầu trực tiếp với Trung Quốc, nhưng trong đa số các trường hợp, mức độ đối đầu trên biển giữa hai bên thường không mạnh mẽ như giữa Trung Quốc và Việt Nam. Sự khác nhau này có thể xuất phát từ hai lý do: về khách quan, Malaysia không có đủ tàu chiến để có các động thái mạnh mẽ hơn. Về chủ quan, tàu Malaysia cũng chủ động tránh đối đầu và va chạm với tàu Trung Quốc, chủ yếu có mặt để theo dõi, quan sát.

    Các biện pháp ngoại giao mà Malaysia hay sử dụng mỗi khi có sự vụ trên biển là giao thiệp riêng với Trung Quốc và gửi công hàm phản đối. Phần lớn các sự vụ và phản ứng sẽ không được Malaysia công khai.[28] Tuy nhiên, đối với một số sự vụ mà Malaysia cho là nghiêm trọng thì giới chức nước này chủ động công khai, như vụ 100 tàu cá Trung Quốc xâm phạm vùng biển nước này năm 2016,[29] vụ 16 máy bay quân sự Trung Quốc bay vào vùng FIR Malaysia,[30] hay vụ tàu khảo sát Trung Quốc được các tàu hải cảnh và tàu cá dân quân hộ tống hoạt động trong khu vực lô dầu khí K của Malaysia tháng 9-10 năm 2021.[31] Gần đây nhất, tháng 8 năm 2023, Malaysia đã phản ứng nhanh chóng và mạnh mẽ trước việc Trung Quốc công bố bản đồ tiêu chuẩn mới có đường lưỡi bò.[32]

    Về truyền thông, đôi khi báo chí Malaysia cũng công khai tình hình và số lần tàu Trung Quốc xâm phạm vùng biển nước này,[33] cũng như sự bất bình của công chúng trước các động thái của Trung Quốc trên Biển Đông.[34] Song song với đó, có lúc các quan chức của Malaysia phát biểu công khai theo hướng giảm nhẹ vấn đề song vẫn giữ quan điểm kiên quyết bảo vệ chủ quyền. Cụ thể, tháng 4 năm 2020, trước vụ việc tàu HD-8 của Trung Quốc hoạt động cùng khu vực với West Capella,[35] quan chức Malaysia đầu tiên lên tiếng về vấn đề này là ông Mohd Zubil Mat Som, Cục trưởng MMEA. Mặc dù khẳng định là tàu khảo sát của Trung Quốc đang hoạt động trong vùng biển của Malaysia, ông Mohd Zubil cũng nói thêm tàu Trung Quốc chưa làm gì vi phạm pháp luật.[36] Ngay sau đó, với sự xuất hiện cùng lúc của hai tàu chiến Mỹ trong khu vực này, Bộ trưởng Ngoại giao Hishammuddin Hussein lúc bấy giờ đã ra thông cáo báo chí với các nội dung như Malaysia kiên quyết và nhất quán bảo vệ các quyền và lợi ích trên biển của mình; sự có mặt của tàu chiến ở Biển Đông có nguy cơ làm gia tăng căng thẳng và gây ra các tính toán sai lầm; và Malaysia vẫn luôn duy trì các kênh liên lạc với tất cả các bên, trong đó có cả Mỹ và Trung Quốc.[37]

    Rõ ràng trong thông cáo báo chí của mình, ông Hishammuddin đã tránh phê phán Trung Quốc cũng như tránh thể hiện ủng hộ Mỹ. Ông phản đối sự có mặt của tàu chiến nói chung trên Biển Đông, hàm ý bao gồm cả các động thái xâm nhập vùng biển Malaysia của tàu Trung Quốc lẫn các hoạt động đi qua Biển Đông của tàu Mỹ. Thậm chí ông Hishammuddin cũng không tỏ thái độ ủng hộ khi Ngoại trưởng Mỹ lúc đó là Mike Pompeo ra tuyên bố khẳng định yêu sách của Trung Quốc đối với bãi cạn Luconia của Malaysia là bất hợp pháp và phản đối các động thái cản trở các hoạt động khai thác dầu khí và nghề cá của Malaysia ở khu vực này.[38]

     Ngày 4 tháng Tư năm 2023, khi trả lời câu hỏi của Quốc hội về các cuộc thảo luận liên quan đến Biển Đông trong chuyến thăm Trung Quốc, Thủ tướng Malaysia Anwar Ibrahim nói Trung Quốc bày tỏ quan ngại về việc Petronas tiến hành một hoạt động quy mô lớn tại khu vực mà Trung Quốc cũng tuyên bố chủ quyền. Ông Anwar cho biết đã trả lời Trung Quốc là Malaysia coi khu vực này thuộc vùng biển của Malaysia, do đó Petronas sẽ tiếp tục các hoạt động thăm dò ở đó. Tuy nhiên, Malaysia sẵn sàng đàm phán “nếu Trung Quốc cảm thấy đây là quyền của họ,” đồng thời nói thêm ASEAN cảm thấy các tuyên bố chủ quyền chồng lấn cần được giải quyết bằng đàm phán.[39]

    Phát biểu của Thủ tướng Ibrahim Anwar ngay lập tức gặp phải chỉ trích từ phe đối lập và dư luận.[40] Các ý kiến phê phán cho rằng tuyên bố của ông Anwar là “bất cẩn” và “vô trách nhiệm” vì đã gián tiếp công nhận yêu sách của Trung Quốc đối với vùng biển thuộc về Malaysia một cách hợp pháp từ đó có thể ảnh hưởng tới “chủ quyền quốc gia.” Bên cạnh đó, ông cũng làm ảnh hưởng tới lập trường của Malaysia trong ASEAN khi mà tổ chức này từ chối công nhận yêu sách đường chín đoạn của Trung Quốc.

    Ngay sau đó, Bộ Ngoại giao Malaysia ra thông cáo khẳng định lập trường của Malaysia về Biển Đông không thay đổi, theo đó chính phủ Malaysia kiên quyết cam kết bảo vệ chủ quyền, quyền chủ quyền và quyền tài phán cũng như các lợi ích của Malaysia trong các vùng biển của mình trên Biển Đông. Bên cạnh đó, quan điểm của Malaysia là các vấn đề liên quan đến Biển Đông phải được giải quyết một cách hòa bình và có tính xây dựng, phù hợp với các quy tắc phổ quát của luật pháp quốc tế, bao gồm UNCLOS 1982. Bộ Ngoại giao Malaysia cũng giải thích từ “đàm phán” được ông Anwar sử dụng khi trả lời câu hỏi tại Quốc hội ngày 4 tháng Tư năm 2023 là ý nói các vấn đề liên quan đến Biển Đông phải được thảo luận hoặc giải quyết một cách hòa bình, sử dụng các cơ chế hiện có và các kênh ngoại giao nhưng không làm ảnh hưởng đến lập trường nguyên tắc của Malaysia, và tránh gia tăng căng thẳng cũng như đe dọa sử dụng vũ lực.[41]

    Các học giả Malaysia như Ngeow Chow Bing, Shahriman Lockman hay Martin Sebastian trong các công trình nghiên cứu và phát biểu tại các hội thảo, hội nghị quốc tế cũng cố gắng làm dịu bớt vấn đề tàu Trung Quốc quấy nhiễu các hoạt động dầu khí của Malaysia. Một mặt, các học giả này khẳng định Malaysia kiên quyết không từ bỏ các quyền của mình; mặt khác cho rằng Malaysia sẽ không sử dụng ngoại giao “megaphone,” không cần và không muốn làm to chuyện với ưu tiên là duy trì các hoạt động dầu khí trên biển. Cách tiếp cận của Malaysia là phù hợp, đã và đang giúp bảo vệ được các quyền và lợi ích trên biển của mình. Các học giả này tránh chỉ trích Trung Quốc, phủ nhận hai nước có căng thẳng, và cho rằng quan hệ Malaysia và Trung Quốc vẫn tốt đẹp và hai nước có đủ khả năng và dư địa giải quyết các bất đồng. Thậm chí nhiều học giả Malaysia còn tỏ ý trách các động thái của Mỹ như cho tàu đi vào Biển Đông, phát biểu là có “đối đầu” giữa Malaysia và Trung Quốc là làm to chuyện, không giúp ích gì cho tình hình. Đối với hoạt động của các tàu khảo sát Trung Quốc trong vùng biển của Malaysia, học giả nước này cũng cho rằng đây là việc thực hiện tự do hàng hải và không ảnh hưởng gì đến lợi ích của Malaysia nên không cần phải phản đối hay ngăn cản.  

    Giải thích chiến thuật bảo vệ các hoạt động dầu khí trên biển của Malaysia

    Các lý do mà học giả Malaysia đưa ra để giải thích cho phản ứng của Malaysia

    Các lý do mà học giả Malaysia đưa ra để biện giải cho các phản ứng của nước này nhìn chung chưa có tính thuyết phục. Một số học giả như Shahriman Lockman cho rằng Malaysia khó có các phản ứng quyết đoán hơn trước các động thái của Trung Quốc trên Biển Đông do rất nhiều người Malaysia là Hoa kiều và ủng hộ Trung Quốc.[45] Quan điểm này đúng một phần khi thực tế là một số người Malaysia gốc Hoa có cảm tình và thể hiện thân Trung Quốc, thậm chí cả trong vấn đề Biển Đông. Tuy nhiên, những người này không có đủ ảnh hưởng để tác động đến chính sách Biển Đông của Malaysia và họ cũng sẽ rất cẩn thận khi phát biểu công khai do đây là vấn đề nhạy cảm.[46]

    Các học giả khác như Collin Koh hay Yeah Kim Leng cũng cho rằng Malaysia phụ thuộc rất nhiều vào Trung Quốc về kinh tế nên không muốn vấn đề Biển Đông làm ảnh hưởng đến quan hệ hai nước.[47] Trung Quốc là bạn hàng lớn nhất của Malaysia với tổng giá trị thương mại song phương năm 2022 đạt hơn 200 tỉ USD;[48] đồng thời cũng là nhà đầu tư nước ngoài trực tiếp lớn nhất vào Malaysia trong những năm gần đây. Năm 2022, FDI từ Trung Quốc vào Malaysia đạt 12.5 tỉ USD.[49] Tuy nhiên, vấn đề chủ quyền cũng rất quan trọng và nhạy cảm với Malaysia và các quan chức nước này đã nhiều lần tuyên bố không từ bỏ chủ quyền vì lý do kinh tế. Bên cạnh đó, Malaysia dưới thời Thủ tướng Mahathir cầm quyền lần thứ hai đã chấp nhận mất rất nhiều tiền và hủy bỏ nhiều dự án đầu tư lớn của Trung Quốc tại Malaysia vì lý do chính trị nội bộ.[50]

    Ông Martin Sebastian, nguyên Giám đốc Trung tâm An ninh và Ngoại giao Biển, Viện Nghiên cứu biển Malaysia, cho rằng một lý do khiến cả Malaysia và Trung Quốc đều không muốn đẩy tình hình trên biển lên quá cao là do cả hai đang muốn “câu giờ” (buying time). Malaysia muốn tranh thủ thúc đẩy khai thác dầu khí đến khi các mỏ hiện tại cạn kiệt và sau đó sẽ dừng khai thác để đạt được mục tiêu phát thải khí nhà kính bằng không. Dường như Trung Quốc cũng chấp nhận cách giải thích này và bên cạnh đó, Trung Quốc cũng cần thêm thời gian để xây dựng, củng cố sự có mặt của mình ở phía Nam Biển Đông nên cũng chưa muốn có các động thái quá quyết liệt trong thời điểm này.[51] Đây là một giả thuyết đáng chú ý song tính thuyết phục không cao do ngoài việc tiếp tục khai thác các mỏ đã phát hiện từ trước, Malaysia vẫn liên tục thăm dò để tìm ra những mỏ dầu mới, kể cả trong các khu vực có chồng lấn với yêu sách của Trung Quốc. Bên cạnh đó, từ nay đến năm 2050 là một khoảng thời gian dài với nhiều bất định, thay đổi có thể xảy ra. Sẽ rất khó để Trung Quốc tin tưởng Malaysia thực sự sẽ dừng hoạt động dầu khí trên biển của mình vào thời gian đó. 

    Đánh giá phản ứng của Malaysia trong tổng thể cách tiếp cận “ngoại giao thầm lặng”

    Phản ứng của Malaysia trước sự quấy nhiễu của Trung Quốc đối với các hoạt động dầu khí trên biển của mình hoàn toàn phù hợp với chiến lược “ngoại giao thầm lặng” và thực dụng vẫn được Malaysia sử dụng trong việc xử lý tranh chấp Biển Đông từ trước đến nay. Theo đó, Malaysia sẽ hạn chế tối đa công khai các hành vi gây hấn của Trung Quốc cũng như các phản ứng trên thực địa và phản đối ngoại giao của nước này. Cách tiếp cận này được thể hiện rõ nhất tại khu vực bãi cạn Luconia: chừng nào mà Trung Quốc không có các hành vi đổ bộ, chiếm đóng hay xây dựng đảo tại khu vực này, Malaysia sẽ không công khai phản đối tất cả các hành vi của tàu Trung Quốc mà theo nước này chỉ mang tính “tượng trưng” như chào cờ, thề bảo vệ tổ quốc (một số nguồn tin từ học giả của Malaysia còn cho rằng Malaysia và Trung Quốc đã thỏa thuận không bên nào sẽ tiến hành các hành vi thay đổi hiện trạng tại Luconia).

    Malaysia chỉ chủ động công khai phản đối những sự vụ trên biển mà chính phủ nước này cho là nghiêm trọng, chưa có tiền lệ. Cũng có những lần các quan chức Malaysia buộc phải công khai phản ứng của mình đối với các động thái của Trung Quốc khi phải chịu áp lực từ phe đối lập hoặc dư luận Malaysia. Khi đó, Malaysia sẽ cố gắng làm dịu vấn đề, tránh chỉ trích Trung Quốc, luôn thể hiện mình vẫn làm chủ được tình hình. Bên cạnh đó, Malaysia cũng “lặng lẽ” tăng cường hợp tác về mặt quân sự và quốc phòng với các cường quốc khác như Mỹ và Nhật Bản để nâng cao khả năng phòng thủ trên biển.[52]

    Trong các phát biểu công khai, Malaysia luôn khẳng định sẽ ưu tiên giải quyết vấn đề với Trung Quốc qua các kênh song phương. Đặc biệt, Malaysia không bao giờ phát biểu tán đồng Mỹ hay có bất cứ động thái nào có thể hiểu là “chọn bên,” ngay cả khi các tuyên bố, hành động của Mỹ có vẻ như thể hiện ủng hộ lập trường của Malaysia. Bên cạnh đó, khi chỉ trích các động thái của tàu Trung Quốc, Malaysia thường nhắc đến tàu chiến nói chung, với hàm ý phản đối cả sự có mặt của tàu chiến Mỹ trong các vùng biển của Malaysia. Theo Malaysia, sự có mặt của tàu chiến của một bên sẽ kéo theo tàu chiến của bên khác đến và làm gia tăng căng thẳng.[53] Chính vì thế Malaysia cũng không ủng hộ các chiến dịch FONOPS của Mỹ. 

    Ngoài cách tiếp cận song phương, Malaysia cũng tranh thủ sử dụng diễn đàn ASEAN để xử lý vấn đề Biển Đông. Điều này được thể hiện qua phát biểu đầu tiên của Thủ tướng Anwar Ibrahim về Biển Đông tháng 3 năm 2023 tại Manila, Philippines sau khi lên cầm quyền. Ông Anwar khẳng định do tính nhạy cảm và phức tạp của các tranh chấp Biển Đông, nên xây dựng một lập trường ở cấp độ đa phương giữa ASEAN nhằm có một cách tiếp cận mang tính đa phương và đạt được một giải pháp thân thiện cho vấn đề này.[54]

    Mặc dù áp dụng chiến thuật ngoại giao thầm lặng, trong tất cả các phát biểu công khai phản đối các hành vi xâm phạm của Trung Quốc, các quan chức Malaysia luôn thể hiện lập trường nguyên tắc nhất quán về việc kiên quyết bảo vệ các quyền và lợi ích quốc gia hợp pháp trên biển. Malaysia cũng coi việc duy trì các hoạt động dầu khí là “giới hạn đỏ” của mình trên Biển Đông. Malaysia sẵn sàng có nhượng bộ trong một số vấn đề khác như để cho tàu cá Trung Quốc hoạt động trong vùng biển của mình hay chấp nhận mua tàu chiến của Trung Quốc nhưng sẽ không giờ chấp nhận để các hoạt động dầu khí bị gián đoạn.[55] Lý do là vì các nguồn thu từ dầu khí đóng vai trò rất quan trọng đối với nền kinh tế của Malaysia. Trên thực tế, chính phủ Malaysia cũng luôn thể hiện quan điểm rõ ràng trong tất cả các tuyên bố là sẽ tiếp tục tiến hành thăm dò, khai thác dầu khí trong vùng biển của mình. Malaysia đã và đang tiếp tục triển khai nhiều hoạt động dầu khí trên biển, kể cả tại những khu vực mà Trung Quốc có yêu sách.

    Tuy nhiên, chiến lược “ngoại giao thầm lặng” của Malaysia không phải là một chính sách được nội bộ Malaysia đồng thuận. Trong khi Bộ Ngoại giao Malaysia kiên trì và nhất quán trong việc theo đuổi cách tiếp cận này thì quân đội Malaysia, đặc biệt là hải quân Hoàng gia Malaysia, lại muốn Chính phủ có cách tiếp cận kiên quyết và có những tuyên bố mạnh mẽ hơn trong việc bảo vệ các quyền và lợi ích trên biển. Bên cạnh đó, các tiểu bang ở Đông Malaysia như Sabah và Sarawak, nơi có các hoạt động khai thác tài nguyên trên biển bị ảnh hưởng trực tiếp từ các động thái của Trung Quốc, cũng mong muốn chính quyền có những hành động mạnh mẽ hơn nhằm bảo vệ các hoạt động này.[56] Nhiều học giả cũng đánh giá cách xử lý vấn đề Biển Đông của Malaysia thiếu hiệu quả. Elinar Noor cho rằng cách tiếp cận “thầm lặng” khiến Malaysia bị mắc kẹt trong thế tiến thoái lưỡng nan: vừa muốn giữ cầu quan hệ thương mại để thu lợi từ Trung Quốc vừa không công nhận yêu sách của Trung Quốc ở Biển Đông. Herizal Hazri nhận xét tư duy không liên kết trong chính sách của Malaysia trở thành “không tưởng” khiến Malaysia rơi vào tình thế bị động phòng thủ.[57] Thomas Daniel cho rằng cách tiếp cận im lặng của Malaysia có thể khiến quốc gia này bị hiểu là đang ủng hộ Trung Quốc cũng như làm cho Malaysia bị mất đi những sự lựa chọn trong việc đối phó với các động thái làm gia tăng căng thẳng của Trung Quốc.[58]

    Mức độ hiệu quả của chiến thuật của Malaysia

    Chiến thuật của Malaysia phản ứng trước sự quấy nhiễu của Trung Quốc đã đạt được một số hiệu quả nhất định như Trung Quốc chưa có các động thái kiên quyết ngăn chặn các hoạt động dầu khí nước này như với Việt Nam và Philippines, hay chưa ép được Malaysia “gác tranh chấp, cùng khai thác.” Tuy nhiên, những hiệu quả này chỉ mang tính tương đối nếu tính đến các yếu tố địa lý cũng như các diễn biến trên thực địa.

    Trên thực tế, từ trước đến nay Trung Quốc chưa có động thái nào thực sự kiên quyết nhằm ngăn chặn các hoạt động dầu khí của Malaysia trên Biển Đông như đã từng làm với Việt Nam. Trung Quốc cũng chưa có động thái cắt cáp tàu thăm dò hay hạ đặt giàn khoan như đã làm trong vùng biển của Việt Nam hay ngăn chặn tàu Malaysia tiếp cận Luconia như đã làm với tàu cá Philippines tại khu vực Scarborough. Mặc dù trong nội bộ Trung Quốc có ý kiến cho rằng trong số các bên tranh chấp với Trung Quốc trên Biển Đông thì Malaysia là bên tranh chấp “cướp bóc” nhiều tài nguyên dầu khí của Trung Quốc nhất nhưng ở một mức độ nào đó, Trung Quốc cũng tỏ ra hài lòng với cách tiếp cận “ngoại giao thầm lặng” của Malaysia.[60] Thậm chí, Thời báo Hoàn Cầu của Trung Quốc còn đe dọa Malaysia không được từ bỏ cách tiếp cận này.[61]

    Bên cạnh đó, Trung Quốc cũng chưa thuyết phục thành công Malaysia tiến hành “gác tranh chấp, cùng khai thác.” Đến nay, Malaysia vẫn chưa có bất cứ động thái hoặc tuyên bố nào thể hiện sẽ chấp nhận hoặc xem xét cho Trung Quốc cùng khai thác trong vùng biển của mình. Điều này thể hiện lập trường rất kiên quyết và tích cực của Malaysia là không công nhận đường yêu sách lưỡi bò. Ngược lại, Malaysia sẵn sàng chấp nhận hợp tác cùng phát triển với Thái Lan và đặc biệt là với Việt Nam tại khu vực PM3 trong Vịnh Thái Lan vì cho rằng hai bên thực sự có tranh chấp. 

    Tuy nhiên, nếu nhìn về tổng thể các động thái tăng cường thực thi yêu sách của Trung Quốc trên Biển Đông trong thời gian vừa qua, rõ ràng là tần suất tàu Trung Quốc xâm nhập vào vùng biển của Malaysia cũng như quấy nhiễu các hoạt động dầu khí của Malaysia cũng đã tăng hơn so với trước. Bên cạnh đó, ở vào thời điểm hiện tại, Trung Quốc không thể hiện “ưu ái” gì Malaysia hơn Việt Nam trên thực địa. Điều này được thể hiện ở chỗ tàu Trung Quốc liên tục xuất hiện ở mỏ khí Kawasari ở Malaysia, tương tự như tại khu vực Nam Côn Sơn và Tư Chính của Việt Nam, bất chấp việc phản ứng trên thực địa của Malaysia không mạnh mẽ như Việt Nam.[62]

    Cuối cùng, do vị trí địa lý của mình, Malaysia ở vào hoàn cảnh thuận lợi hơn so với Philippines và Việt Nam trong quản lý xung đột với Trung Quốc trên Biển Đông. Malaysia, cũng như Indonesia, ở cực Nam của Biển Đông, cách xa Trung Quốc về địa lý. Diện tích chồng lấn giữa vùng biển của Malaysia với yêu sách đường lưỡi bò cũng ít hơn Philippines và Việt Nam nên cũng xung đột ít hơn. Những lợi thế về khoảng cách địa lý của Malaysia đang phần nào giảm giá trị khi Trung Quốc mở rộng xây dựng đảo và quân sự hóa các vị trí chiếm đóng ở Trường Sa. Từ các căn cứ quân sự được củng cố, mở rộng ở Trường Sa, tàu Trung Quốc có thể dễ dàng duy trì sức ép với các vùng biển của Malaysia hơn. Chính vì vậy mà Malaysia vẫn luôn phản đối Trung Quốc quân sự hóa quần đảo này.[63] Tuy nhiên, ngay cả khi các căn cứ quân sự của Trung Quốc ở Trường Sa hoàn thành thì theo đánh giá của phía Malaysia, các căn cứ này cũng có thể dễ dàng bị vô hiệu hóa bằng các cuộc tấn công phối hợp hải quân và không quân của Malaysia.[64]

    Kết luận

    Bài viết đánh giá chiến thuật phản ứng của Malaysia trước việc tàu Trung Quốc quấy nhiễu các hoạt động dầu khí trên biển của nước này. Kết quả phân tích cho thấy Malaysia đã phản ứng thầm lặng và nhẹ nhàng về phương thức; song kiên quyết và nhất quán về nguyên tắc. Phản ứng trên hoàn toàn phù hợp với cách tiếp cận “ngoại giao thầm lặng” của nước này trên Biển Đông từ trước đến nay. Cách tiếp cận này đã đem lại một số hiệu quả nhất định cho Malaysia, cụ thể là giúp nước này tiếp tục tiến hành các hoạt động khai thác dầu khí trên biển mà chưa bị Trung Quốc ngăn cản kiên quyết như đã làm với Việt Nam và Philippines. Bên cạnh đó, Trung Quốc cũng chưa thúc ép được Malaysia tiến hành “gác tranh chấp, cùng khai thác” mặc dù cho rằng Malaysia là quốc gia lấy nhiều dầu của Trung Quốc trên Biển Đông nhất. Tuy nhiên, các hiệu quả này cũng mang tính tương đối nếu đánh giá tình hình trên thực địa trong thời điểm hiện tại cũng như các lợi thế về mặt địa lý của Malaysia so với Việt Nam và Philippines.

    TS. Vũ Hải Đăng thuộc Viện Biển Đông, Học viện Ngoại giao Việt Nam.


    Không có nhận xét nào