12/03/2024
Phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc Uông Văn Bân.
Hôm 11/3, Trung Quốc lên tiếng cảnh báo rằng việc tham gia các khối có mục đích “đối đầu” và “bè phái” là không phù hợp, ngay sau khi Việt Nam và Australia vừa thiết lập quan hệ Đối tác Chiến lược Toàn diện. Giới quan sát nhận định rằng lời cảnh báo như vậy của Bắc Kinh cho thấy sự lo ngại quá mức giữa lúc Hà Nội nỗ lực thúc đẩy các mối quan hệ đa phương.
Khi được phóng viên đài truyền hình Thâm Quyến của Trung Quốc hỏi về chuyến thăm Australia của Thủ tướng Việt Nam Phạm Minh Chính hôm 7/3 và hai bên đã ra tuyên bố chung, phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc Uông Văn Bân hôm 11/3 đưa ra quan điểm:
“Chúng tôi luôn tin tưởng rằng trong khu vực châu Á-Thái Bình Dương hiện nay có hòa bình, ổn định tổng thể, phát triển và hợp tác là sự đồng thuận và khát vọng của tất cả các nước trong khu vực. Lãnh đạo các nước ASEAN nhiều lần nhấn mạnh rằng họ sẽ không bao giờ trở thành bên ủy nhiệm cho bất kỳ phe phái nào và không bao giờ lao vào vòng xoáy cạnh tranh giữa các nước lớn”.
“Khuyếch trương đối đầu khối và xây dựng vòng xoáy độc tôn quyền lực là đi ngược lại xu thế thời đại và nguyện vọng chung của các nước trong khu vực”, ông Uông cảnh báo, tuy không đề cập đến Việt Nam hay Australia.
VOA đã liên lạc Bộ Ngoại giao Việt Nam và Bộ Ngoại giao và Thương mại Australia, đề nghị họ cho ý kiến về phát ngôn trên của Bộ Ngoại giao Trung Quốc, nhưng chưa được phản hồi.
Hôm 8/3, Thủ tướng Việt Nam Phạm Minh Chính và Thủ tướng Australia Anthony Albanese ra tuyên bố chung về việc nâng tầm quan hệ đối tác chiến lược toàn diện giữa Việt Nam và Australia, một đồng minh của Hoa Kỳ trong khu vực. Tuyên bố nhấn mạnh hai bên chia sẻ tầm nhìn chung về một khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương hòa bình, ổn định, độc lập và thịnh vượng, đồng thời đề cập đến vấn đề Biển Đông và sông Mekong.
Báo chí phương tây mô tả đây là bằng chứng mới nhất về việc Việt Nam thoát khỏi sự phụ thuộc vào Trung Quốc.
Thủ tướng Australia Anthony Albanese hôm 7/3 cho biết nước này nâng cấp quan hệ với Việt Nam lên mức đối tác chiến lược toàn diện, với cuộc đối thoại thường niên về khoáng sản trong bối cảnh có nhiều nỗ lực thúc đẩy đa dạng hóa chuỗi cung ứng khỏi Trung Quốc, theo Reuters.
Mối quan hệ Việt-Úc được nâng cấp là thành công mới nhất cho chính sách “ngoại giao cây tre” của nước Việt Nam cộng sản, sau khi Hà Nội tăng cường quan hệ vào năm ngoái với các cường quốc hàng đầu thế giới, trong lúc cố gắng vượt qua căng thẳng toàn cầu đang gia tăng.
“Trung Quốc đương nhiên là lo lắng”, tiến sĩ Hà Hoàng Hợp ở Hà Nội, một chuyên gia thuộc viện nghiên cứu ISEAS Yusof Ishak của Singapore nêu nhận định cá nhân của ông với VOA hôm 11/3. “Trung Quốc thực tế có thể lo ngại rằng Việt Nam có thể tiến gần về phía Hoa Kỳ và các đồng minh, tuy nhiên Trung Quốc không thể có gì phật ý, bởi vì Việt Nam trước tiên nhằm tạo một thế cân bằng an ninh vừa có lợi cho Việt Nam, vừa có lợi cho các đối tác chiến lược toàn diện, trong đó có Trung Quốc”.
Tiến sĩ Hợp phân tích: “Việc thiết lập các quan hệ đối tác không nhằm để tạo phe hay nhằm gây ra các phiền toái cho các nước trong khu vực vì điều này đi trái với bản chất và mong muốn của Việt Nam và của Australia”.
“Mối quan hệ Đối tác Chiếc lược Toàn diện Việt Nam và Australia là một phép cộng, với Autralia là đối tác thứ 7 trong các mối quan hệ đối tác chiến lược với Việt Nam. Mọi người đều nhìn thấy rằng có cái đó thì mới tạo ra được môi trường tốt hơn cho hợp tác phát triển, mà rộng hơn là đảm bảo hòa bình và thịnh vượng cho khu vực châu Á-Thái Bình Dương”.
Luật sư Vũ Đức Khanh ở Canada nêu nhận định về phát ngôn của Trung Quốc: "Mặc dù tôi có thể hiểu phản ứng của họ nhưng tôi vẫn cho rằng họ đã cường điệu hóa một kịch bản khó có thể xảy ra, nếu họ thực tâm tìm kiếm hòa bình, an ninh và thịnh vượng chung trong khu vực và trên thế giới, như một phần của trật tự quốc tế dựa trên nền tảng pháp luật". Ông Khanh nói thêm rằng "còn quá sớm để Trung Quốc lo lắng bị Việt Nam "chơi xỏ", "bao vây"".
Ở một góc nhìn khác, ông Vũ Xuân Khang, nghiên cứu sinh tiến sĩ chuyên ngành An ninh Quốc tế của Đại học Boston, Mỹ, nêu nhận định với VOA rằng phát ngôn của Trung Quốc phần lớn phù hợp với chiến lược của họ về việc giữ Việt Nam trung lập. “Trung Quốc không muốn Việt Nam tham gia bất kỳ khối nào gồm các nước mà Trung Quốc cho là chống Trung Quốc vì khi đó Việt Nam có thể trở thành bàn đạp để các nước đó làm tổn hại đến lợi ích của Trung Quốc”, ông Khang viết qua email hôm 11/3.
Ông Khang nhận thấy rằng đây là bài học mà Trung Quốc đã học được từ cuối những năm 1970 khi Việt Nam gia nhập khối Xô Viết để phản đối việc Trung Quốc hỗ trợ Khmer Đỏ. “Do đó, Việt Nam cần phải cẩn thận và không nên khơi dậy quá nhiều sự nghi ngờ của Trung Quốc để tránh những hành động trả đũa không cần thiết của Trung Quốc”, ông Khang đưa ra lời khuyên.
Trong bản tuyên bố chung về việc nâng cấp quan hệ Việt - Úc, gồm 38 điểm, hai nước thống nhất cùng phối hợp chặt chẽ để thực hiện 6 phương hướng lớn bao gồm: làm sâu sắc hơn hợp tác chính trị, quốc phòng, an ninh và tư pháp; thúc đẩy gắn kết kinh tế; xây dựng tri thức và kết nối nhân dân; tăng cường hợp tác về khí hậu, môi trường và năng lượng; hỗ trợ khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số; cuối cùng là củng cố hợp tác khu vực và quốc tế.
Ngoài ra, tuyên bố cũng đề cập khả năng hợp tác chính trị, quốc phòng an ninh, thúc đẩy các điều kiện giao lưu kinh tế và cùng chung tay giải quyết các vấn đề khu vực cũng như quốc tế.
Trong một cuộc phỏng vấn với VOA ngay khi Hà Nội và Canberra nâng cấp mối quan hệ, tiến sĩ Nguyễn Quang A ở Hà Nội đánh giá rằng việc nâng cấp này rất tốt cho Việt Nam, đặc biệt là thúc đẩy kinh tế.
“Thiết lập một mối quan hệ như thế rất tốt cho Việt Nam để ổn định kinh tế, giữ vững hòa bình, và phát triển nói chung... Nổi bật vẫn là vấn đề kinh tế. Mong muốn của giới lãnh đạo Việt Nam luôn luôn đặt vấn đề phát triển kinh tế ở cao nhất. Cụ thể Việt Nam nhập khẩu than của Australia vì các nhà máy nhiệt điện chạy bằng than của Việt Nam vẫn còn rất nhiều”.
Hôm 9/3, Thông Tấn Xã Việt Nam dẫn lời giáo sư Carl Thayer thuộc Học viện Quốc phòng Australia, Đại học New South Wales, cho rằng việc nâng cấp quan hệ song phương lên quan hệ đối tác chiến lược toàn diện sẽ tạo cơ hội cho các cuộc thảo luận chuyên sâu hơn về nhiều vấn đề khác nhau giữa Việt Nam và Australia, đồng thời lưu ý rằng phần lớn người dân Australia ủng hộ việc tăng cường quan hệ này với Việt Nam, đặc biệt là trong lĩnh vực giáo dục.
Học giả này nhận định rằng Australia sẽ ưu tiên hợp tác với Việt Nam và thúc đẩy đối thoại, giúp ích tương lai chung của hai nước trong bối cảnh có những thách thức như biến đổi khí hậu, những bất ổn kinh tế và sự cạnh tranh giữa các siêu cường trên thế giới và khu vực.
https://www.voatiengviet.com/a/trung-quoc-len-tieng-ve-quan-he-chien-luoc-toan-dien-vn-australia-vua-thiet-lap/7523760.html
Không có nhận xét nào