Header Ads

  • Breaking News

    Thời sự đó đây ngày Thứ tư 13 tháng 3 năm 2024

    Võ Thái Hà tổng hợp

    Biển Đông: Đức và Philippines tái khẳng định cam kết bảo vệ luật pháp quốc tế

    Trọng Thành /RFI

    13/3/2024

    Căng thẳng dâng cao trong tuần qua tại Biển Đông với vụ va chạm giữa Hải cảnh Trung Quốc và Tuần duyên Philippines, khiến nhiều thủy thủ Philippines bị thương. Cơ quan truyền thông của phủ tổng thống Philippines cho biết hôm qua, 12/03/2024, trong cuộc họp báo chung tại Berlin, tổng thống Ferdinand Marcos Jr. và thủ tướng Đức Olaf Scholz đã tái khẳng định cam kết ‘‘thúc đẩy trật tự quốc tế dựa trên luật pháp’’

    German Chancellor Olaf Scholz and Philippine President Ferdinand Marcos Jr. hold a press conference in Berlin, Germany, March 12, 2024.

    Thủ tướng Đức Olaf Scholz (P) và tổng thống Philippines Ferdinand Marcos Jr. họp báo tại Berlin, Đức, ngày 12/03/2024. REUTERS - Liesa Johannssen 

    Theo Hãng thông tấn Nhà nước Philippines (PNA), thủ tướng Đức khẳng định: ‘’điều quan trọng đối với mọi người là luật pháp hiện hành phải được tuân thủ. Chúng tôi đã bàn về vấn đề này hôm nay, và tôi đã nói rõ rằng chúng tôi ủng hộ Philippines trong việc bảo đảm rằng các lợi ích hợp pháp của mình được bảo vệ’’. Tổng thống Philippines nhấn mạnh tầm quan trọng của giao thông hàng hải ở Biển Đông, nơi chiếm đến 60% vận tải đường biển toàn thế giới, và ‘‘đây không chỉ là mối quan tâm của Philippines, của khối ASEAN, hay khu vực Ấn Độ - Thái Bình Dương, mà là của toàn thế giới.’’

    Tổng thống Philippines Marcos Jr. cũng cảm ơn thủ tướng Đức tiếp tục ủng hộ luật pháp quốc tế, trong đó có Công ước Liên Hiệp Quốc về Luật Biển 1982 (UNCLOS), tái khẳng định cam kết ủng hộ Philippines bảo vệ chủ quyền, hỗ trợ lực lượng Tuần duyên Philippines.

    Đức tham gia huấn luyện quân đội Philippines từ năm 1974 và là đối tác quốc phòng lâu đời thứ hai của nước này. Trước khi lên đường đến Berlin, tổng thống Marcos Jr. đã ký Tuyên bố chung về tăng cường hợp tác trong lĩnh vực hàng hải giữa hai nước.

    Cũng trong cuộc họp báo nói trên, tổng thống Philippines nhấn mạnh Manila ‘‘vẫn cam kết giải quyết các vấn đề thông qua đối thoại và tham vấn, tuy nhiên Philippines, như bất kỳ quốc gia có chủ quyền nào khác, sẽ tiếp tục bảo vệ vững chắc chủ quyền, quyền chủ quyền và quyền tài phán của mình theo luật pháp quốc tế.” 

    Manila không bác đề xuất của Trung Quốc, nhưng phủ nhận yêu sách ‘‘đường 10 đoạn’’

    Về các đề xuất Trung Quốc mới đưa ra để tìm cách làm giảm căng thẳng, theo hãng tin Philippines GMA, hôm qua, tổng thống Marcos Jr. khẳng định Philippines không bác bỏ bất cứ đề xuất nào của Bắc Kinh nhằm giải quyết vấn đề, nhưng không chấp nhận yêu sách ‘‘đường 10 đoạn’’ (thường được gọi là đường chữ U hay ‘‘đường lưỡi bò’’).

    Đức và Philippines siết chặt hợp tác trong bối cảnh căng thẳng Biển Đông gia tăng. Hồi tháng 01/2024, lần đầu tiên một ngoại trưởng Đức công du Manila từ một thập niên. Vào thời điểm đó, bộ Ngoại Giao Đức lên án ‘‘các yêu sách chủ quyền của Trung Quốc đối với các vùng biển rộng lớn, đã bị Tòa Trọng tài Thường trực bác bỏ vào năm 2016’’.

    Hạ viện Mỹ sắp bỏ phiếu về số phận của TikTok 

    13/03/2024 

    Reuters 

    Logo ứng dụng TikTok.

    Logo ứng dụng TikTok. 

    Hạ viện Hoa Kỳ lên kế hoạch bỏ phiếu về một dự luật vào ngày 13/3 theo đó sẽ đề ra thời hạn khoảng 6 tháng cho hãng Trung Quốc ByteDance, chủ sở hữu của TikTok, phải thoái vốn khỏi ứng dụng có khoảng 170 triệu người Mỹ sử dụng, nếu không sẽ phải đối mặt với một lệnh cấm, theo Reuters.

    Cuộc bỏ phiếu dự kiến diễn ra vào khoảng 10 giờ sáng ngày 13/3, theo các quy tắc tiến hành nhanh cần có sự ủng hộ của 2/3 số dân biểu trong Hạ viện để dự luật này được thông qua.

    Cuộc bỏ phiếu diễn ra chỉ sau hơn một tuần kể từ khi dự luật được đề xuất và sau một phiên điều trần công khai với rất ít tranh luận. Hồi tuần trước, Ủy ban Năng lượng và Thương mại Hạ viện bỏ phiếu ủng hộ dự luật với tỷ lệ 50-0, chuẩn bị cho một cuộc bỏ phiếu trước toàn thể Hạ viện.

    FBI, Bộ Tư pháp và Văn phòng Giám đốc Tình báo Quốc gia tổ chức một cuộc họp báo cáo thông tin mật cho các dân biểu hôm 12/3.

    “Chúng tôi đã trả lời rất nhiều câu hỏi của các dân biểu. Hôm nay, chúng tôi đã có một cuộc họp trao đổi thông tin mật, để các dân biểu có thể biết thêm thông tin chi tiết về những gì đang gặp rủi ro và cách Đảng Cộng sản Trung Quốc có thể gây nguy hiểm cho các gia đình Mỹ”, ông Steve Scalise, lãnh đạo khối đa số trong Hạ viện, nói.

    Một nguồn tin được dự cuộc họp này cho biết rằng Giám đốc điều hành Tiktok Shou Zi Chew sẽ đến thăm Điện Capitol vào ngày 13/3 theo lịch đã có từ trước để nói chuyện với các thượng nghị sĩ.

    Công ty TikTok đưa ra ý kiến: “Dự luật này có một kết quả được định trước: cấm hoàn toàn TikTok ở Hoa Kỳ”. Công ty này nói thêm: “Chính phủ đang cố gắng tước bỏ quyền tự do ngôn luận theo Hiến pháp của 170 triệu người Mỹ”. 

    Một số người phản đối dự luật này, bao gồm cả Dân biểu Maxwell Frost, đảng viên Dân chủ, cho rằng dự luật sẽ được thông qua tại Hạ viện. 

    Ông Frost nói: “Tôi muốn thấy quyền sở hữu TikTok được thay đổi nhưng không gây tổn hại đến các quyền trong Tu chính án thứ nhất, cũng như không làm tổn hại các chủ doanh nghiệp và người sáng tạo nội dung”.

    Chưa có gì chắc chắn về số phận của dự luật này tại Thượng viện Hoa Kỳ, nơi một số thượng nghị sĩ muốn thực hiện một cách tiếp cận khác.

    Tổng thống Joe Biden tuần trước cho biết ông sẽ ký dự luật này.

    Cố vấn an ninh quốc gia Nhà Trắng Jake Sullivan hôm 12/3 nói rằng mục tiêu là chấm dứt quyền sở hữu của Trung Quốc chứ không phải cấm TikTok.

    Không rõ liệu Trung Quốc có chấp thuận bất kỳ thương vụ mua bán nào hay liệu TikTok có thể bị thoái vốn sau 6 tháng hay không.

    Năm 2020, tổng thống khi đó là Donald Trump đã tìm cách cấm TikTok và WeChat do Trung Quốc sở hữu, nhưng đã bị tòa án ngăn chặn.

    Mỹ nói chương trình máy bay chiến đấu F-35 đạt công suất tối đa 

    13/03/2024 

    Reuters

    Máy bay F-35 của công ty Lockheed Martin.


    Máy bay F-35 của công ty Lockheed Martin. 

    Hôm 12/3, Bộ Quốc phòng Mỹ (DOD) cho biết chương trình máy bay chiến đấu F-35 đã đạt được công suất tối đa sau khi hoàn thành thành công một loạt thử nghiệm quan trọng vào năm ngoái, theo Reuters.

    Việc sản xuất đạt đầy đủ công suất, được gọi là Cột mốc C, trong chương trình máy bay chiến đấu tiên tiến đánh dấu việc hoàn thành giai đoạn thử nghiệm hoạt động, cho phép người đứng đầu bộ phận mua sắm của Lầu Năm Góc phê duyệt việc sản xuất ở mức “toàn bộ công suất”.

    Việc đạt được mức sản xuất tối đa này có thể dẫn đến nguồn ngân quỹ tăng lên, thông qua việc cấp vốn theo tiến độ hoặc số lượng sản xuất máy bay phản lực cao hơn, làm lợi cho công ty Lockheed Martin, nhà sản xuất chính của máy bay F-35.

    “Quyết định này - được các đồng nghiệp của tôi trong Bộ ủng hộ - nêu bật với các Quân chủng, Chương trình Hợp tác F-35 và các khách hàng quân sự nước ngoài rằng máy bay F-35 ổn định và linh hoạt, đồng thời tất cả các yêu cầu luật định và quy định đã được giải quyết một cách thích hợp”, ông William A. LaPlante, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng phụ trách Mua sắm và Duy tu cho biết.

    Chương trình này đã bàn giao hơn 990 máy bay phản lực F-35 cho nhiều khách hàng khác nhau, bao gồm quân đội Hoa Kỳ, các đối tác quốc tế và thông qua việc bán hàng quân sự ra nước ngoài.

    Lo ngại ĐCSTQ, Châu Á – Thái Bình Dương nhập khẩu nhiều vũ khí nhất thế giới

    Liên Thành 

    https://www.dkn.tv/wp-content/uploads/2024/03/iran-se-tap-tran-hai-quan-voi-nga-va-trung-quoc-1.jpg

    Ảnh minh họa: (chụp màn hình epochtimes). 

    Cơ quan “Viện Nghiên cứu Hòa bình Quốc tế Stockholm” (SIPRI) đã chỉ ra rằng, trong 5 năm qua, do mối đe dọa từ Trung Quốc Cộng sản, Châu Á và Châu Đại Dương đã phải nhập khẩu một lượng lớn vũ khí. Khối lượng vũ khí mà hai khu vực này nhập khẩu vẫn thuộc hàng nhiều nhất so với bất kỳ khu vực nào trên thế giới.

    Theo một báo cáo do SIPRI công bố hôm thứ Hai (11/3) , mặc dù chiến tranh Nga-Ukraina đang diễn ra căng thẳng và lượng nhập khẩu vũ khí của các nước châu Âu đã tăng 94% trong 5 năm qua. Tuy nhiên số lượng vũ khí này vẫn còn thua xa so với lượng nhập khẩu của Châu Á và Châu Đại Dương Quốc.

    Theo báo cáo, các nước châu Á và châu Đại Dương chiếm 37% tổng lượng nhập khẩu vũ khí từ năm 2019 đến năm 2023. Xếp sau là các nước Trung Đông chiếm 30% tỉ trọng, các nước châu Âu chiếm 21%, các nước châu Mỹ chiếm 5,7% và các nước châu Phi chiếm 4,3 %).

    Viện Nghiên cứu Hòa bình Quốc tế Stockholm cũng quan tâm chú ý đến những thay đổi về xu hướng trong 5 năm qua, và việc chuyển giao vũ khí từ một số hợp đồng lớn có thể ảnh hưởng mạnh mẽ đến số liệu hàng năm.

    Nhìn chung, tổng lượng vũ khí nhập khẩu ở khu vực châu Á – Thái Bình Dương giảm 12% , nhưng số lượng nhập khẩu của một số quốc gia lại tăng đáng kể.

    Các chuyên gia nhận định, hiện tượng này diễn ra là do mối đe dọa từ ĐCSTQ ngày càng gia tăng, và đây cũng chính là nhân tố khiến khu vực châu Á – Thái Bình Dương phải tăng cường công tác quốc phòng và trở thành khu vực nhập khẩu vũ khí lớn nhất thế giới.

    Theo báo cáo, châu Á và châu Đại Dương có 6 trong số 10 quốc gia nhập khẩu vũ khí hàng đầu thế giới từ năm 2019 đến 2023, bao gồm Ấn Độ, Pakistan, Nhật Bản, Australia, Hàn Quốc và Trung Quốc.

    Ấn Độ hiện đang là nước nhập khẩu vũ khí lớn nhất thế giới, với lượng nhập khẩu vũ khí tăng 4,7% trong giai đoạn 2019-2023. Báo cáo lưu ý rằng điều này chủ yếu là do sự  “căng thẳng đang diễn ra với Pakistan và Trung Quốc” .

    Hai nước láng giềng Đông Á của Trung Quốc đều chứng kiến ​​sự gia tăng đáng kể trong nhập khẩu vũ khí, trong đó Nhật Bản tăng 155% và Hàn Quốc tăng 6,5%.

    Siemon Wezeman, một nhà nghiên cứu cao cấp tại Dự án Chuyển giao Vũ khí của SIPRI, cho biết trong một tuyên bố: “Không còn nghi ngờ gì nữa, Nhật Bản và các đồng minh, đối tác khác của Hoa Kỳ ở Châu Á và Châu Đại Dương tiếp tục nhập khẩu vũ khí ở mức cao, điều này chủ yếu được thúc đẩy bởi một yếu tố chính: đó là sự lo ngại về tham vọng của Trung Quốc ”

    Wezeman nói: “ Hoa Kỳ, cũng giống vậy, họ xác định (ĐCS) Trung Quốc là mối đe dọa và ngày vẫn đang tăng cung cấp nguồn cung ( vũ khí) cho khu vực”.

    Và lần đầu tiên sau 25 năm, Mỹ trở thành nhà cung cấp vũ khí lớn nhất ở khu vực châu Á – Thái Bình Dương.

    So với giai đoạn 2014-2018, sản lượng xuất khẩu vũ khí của Mỹ sang các nước châu Á – Thái Bình Dương tăng 14% tính đến năm 2023. 

    Mathew George, giám đốc chương trình chuyển giao vũ khí của SIPRI, cho biết: “Mỹ đã tăng cường vai trò toàn cầu của mình với tư cách là nhà cung cấp vũ khí và đây là một lĩnh vực quan trọng trong chính sách đối ngoại của Mỹ”.

    Báo cáo cũng chỉ ra rằng so với 5 năm trước, xuất khẩu vũ khí của Pháp đã tăng 47%, lần đầu tiên vượt qua Nga và trở thành nước xuất khẩu vũ khí lớn thứ hai thế giới. Đáng chú ý, phần lớn nhất trong xuất khẩu vũ khí của Pháp (42%) cũng đến các nước ở Châu Á và Châu Đại Dương.

    Bác sĩ tiết lộ thêm về lệnh tiêu hủy tài liệu liên quan COVID của ĐCSTQ

    https://vietluan.com.au/wp-content/uploads/2024/03/gfght576.jpg

    Ngày 20/12/2022, khi dịch bệnh COVID-19 hoành hành ở Bắc Kinh, một người dân Bắc Kinh bước ra khỏi nhà tang lễ cầm theo tro cốt của người thân. (Ảnh: Noel Celis /AFP qua Getty Images) 

    Gần đây, người dân nhiều nơi tiết lộ Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) yêu cầu tiêu hủy mọi thông tin tài liệu trong thời kỳ dịch viêm phổi Vũ Hán (COVID-19). Một bác sĩ liên quan đến việc này đã tiết lộ thông tin chi tiết cho Epoch Times vào ngày 10/3.

    Bác sĩ này làm việc tại một bệnh viện ở thành phố phía bắc Trung Quốc, yêu cầu giấu tên vì lý do an toàn. Ông nói rằng việc tiêu hủy dữ liệu của các bệnh nhân bị nhiễm COVID bắt đầu sau khi lệnh phong tỏa được dỡ bỏ vào đầu năm ngoái.

    Tháng 12/2022, chính quyền bất ngờ dỡ bỏ chính sách zero-COVID kéo dài suốt 3 năm, khiến dịch bệnh bùng phát khắp cả nước, bệnh nhân tràn ngập các bệnh viện, mọi người xếp hàng dài tại các nhà tang lễ.

    Bác sĩ nói rằng mỗi tháng bệnh viện của ông hủy dữ liệu khoảng một hoặc hai lần.

    Ông cho biết: “Vì bệnh viện là nơi cung cấp thông tin chi tiết nhất, nên người quá cố phải có chữ ký xác nhận của hai bác sĩ và bác sĩ điều trị, chứng nhận nguyên nhân tử vong mới được hỏa táng”.

    Theo ông, các thông tin bị tiêu hủy bao gồm tài liệu “đăng ký khám bệnh, tiêm chủng, cấp cứu tại bệnh viện, các triệu chứng lúc đó, giấy chứng tử có chữ ký, thảo luận về cái chết, thuốc men, v.v., cũng như các thông tin có chữ ký của nhân viên liên quan của Cục Công an cho rằng nguyên nhân cái chết là do dịch bệnh, làm cơ sở cho phép hỏa táng người chết do dịch bệnh.”

    Ông cũng cho biết, hoạt động tiêu hủy đã được chính ủy cơ quan công an địa phương phê duyệt, và có chữ ký của phó quận trưởng, được đốt ở một nơi đặc biệt dưới sự giám sát của 6 người, trong đó có cảnh sát.

    Theo mô tả của ông, địa điểm đốt được canh gác nghiêm ngặt, có cảnh sát và cán bộ canh gác đặc biệt, cùng một đội cảnh sát vũ trang địa phương được trang bị súng.

    Ông nói: “Có một cái hố lớn có bậc thang, sâu 7, 8 tầng. Sau khi đổ sáp trắng nóng, xăng, rượu (lên trên tài liệu), mọi người sẽ sơ tán đi”.

    “Một số người liên quan mặc quần áo trắng và một số mặc quần áo đen.”

    Ông cho biết những người mặc quần áo đen là cảnh sát. “Họ đều không nói, nên không dễ dàng phân biệt được ai với ai”.

    Ông cho biết, trong bệnh viện không ai dám nói về vấn đề này: “Dữ liệu lớn bị kiểm soát chặt chẽ như vậy, ai dám nói gì. Các bác sĩ đều thở dài và nói rằng thế giới này không dễ sống”.

    Bác sĩ cho biết lãnh đạo bệnh viện đã cảnh báo họ: “Nếu muốn sống thì hãy ngậm miệng lại”.

    Gần đây, ông Trần đến từ thành phố Trường Sa, tỉnh Hồ Nam, Trung Quốc đã tiết lộ với phóng viên của Epoch Times rằng ông có một người bạn làm lãnh đạo tại một bệnh viện địa phương.

    “Ông ấy đích thân nói với tôi: Chính phủ yêu cầu các sở y tế trên toàn quốc phải tiêu hủy tất cả thông tin liên quan đến virus viêm phổi Vũ Hán (COVID-19), bao gồm thông tin về toàn bộ quá trình chống dịch và thông tin về tiêm chủng. Mọi thông tin đều phải tiêu hủy, không được giữ lại, phải xóa toàn bộ dữ liệu máy tính.”

    Ông Trần cho rằng chính quyền muốn xóa bỏ giai đoạn lịch sử này, để thế hệ tương lai không biết đến vụ việc, bởi đây vốn là một thất bại của chính phủ. Giống như Mao Trạch Đông đã giết rất nhiều người Trung Quốc và cũng không để lại lịch sử.

    Tháng 3 năm ngoái, Vô Tích, tỉnh Giang Tô, đã tiêu hủy lô dữ liệu cá nhân đầu tiên liên quan đến dịch bệnh.

    Theo báo chí đưa tin vào thời điểm đó, “Ngày 2/3 (năm ngoái), thành phố Vô Tích đã tổ chức lễ tiêu hủy dữ liệu cá nhân liên quan đến dịch bệnh. Lô 1 tỷ dữ liệu cá nhân liên quan đến dịch bệnh đầu tiên, tổng cộng 1,7 terabyte, đã bị tiêu hủy thành công.”

    Do công việc nên ông thường xuyên về nông thôn. Ông nói, dịch bệnh bùng phát sau khi lệnh phong tỏa được dỡ bỏ, do nghèo đói và hệ thống y tế yếu kém, nhiều gia đình ở nông thôn bị ảnh hưởng rất nặng nề.

    Ông nói: “Người dân ở các vùng nông thôn không đủ tiền mua thuốc, nên nhiễm COVID-19 chỉ đành chờ chết tại nhà. Thậm chí có nơi cả làng đều không còn.”

    “Người dân địa phương cử người xịt mọi thứ có thể cháy bằng xăng và dầu diesel rồi dùng súng hỏa mai đốt. Cả ngôi làng bị phá hủy. Sau đó, nó bị phá dỡ. Chỉ trong vài ngày, cả ngôi làng đã biến mất.”

    “Nhưng dân số được báo cáo vẫn tồn tại. Nếu một người chết và hộ khẩu của họ bị hủy bỏ, các khoản trợ cấp do cấp trên đưa ra sẽ bị hủy bỏ.”

    Ông nói khi ĐCSTQ buộc tất cả mọi người phải tiêm vắc-xin, “có người tiêm lượng vắc-xin dành cho cho 4 người, tính cả mũi tiêm dành cho người chết”.

    “Bí thư thôn ủy kiếm được 500 nhân dân tệ / người (khoảng 1,7 triệu VNĐ) bằng cách tiêm chủng cho dân làng. Nếu hủy hộ khẩu, chẳng phải sẽ mất tiền sao?”

    Gần đây, những người nắm rõ tình hình ở Hà Bắc tiết lộ với Epoch Times rằng từ 6 tháng trước, chính quyền địa phương ở Trung Quốc đã truyền đạt mệnh lệnh bằng lời, về việc tiêu hủy tất cả tài liệu giấy tờ về phòng chống virus viêm phổi Vũ Hán (COVID-19), có nơi đốt cả 11 xe tải hồ sơ dịch bệnh.

    Bình Minh

    Phó tổng thống đắc cử Đài Loan có ‘chuyến đi cá nhân’ tới Mỹ; Trung Quốc phản đối 

    13/03/2024 

    Reuters 

    Bà Tiêu Mỹ Cầm (Hsiao Bi-khim), phó tổng thống đắc cử của Đài Loan.

    Bà Tiêu Mỹ Cầm (Hsiao Bi-khim), phó tổng thống đắc cử của Đài Loan. 

    Bà Tiêu Mỹ Cầm (Hsiao Bi-khim), phó tổng thống đắc cử của Đài Loan, từng là cựu đại sứ không chính thức tại Washington, sẽ đến Hoa Kỳ trong tuần này với tư cách cá nhân, một quan chức cấp cao của Đài Loan và một phát ngôn viên của Hoa Kỳ cho biết hôm 12/3, theo Reuters.

    Người phát ngôn Đại sứ quán Trung Quốc Lưu Bằng Ngọc (Liu Pengyu) nói Trung Quốc “kiên quyết phản đối” bất kỳ hình thức tương tác chính thức nào giữa Mỹ và “khu vực Đài Loan”, đồng thời gọi bà Tiêu Mỹ Cầm là “nhân vật ly khai cứng đầu muốn ‘Đài Loan độc lập’”.

    “Chúng tôi kiên quyết phản đối bất kỳ chuyến thăm nào của bà Tiêu Mỹ Cầm tới Hoa Kỳ dưới bất kỳ tên gọi nào hoặc với bất kỳ lý do gì”, ông Lưu nói và cho rằng Hoa Kỳ “không nên sắp xếp bất kỳ hình thức liên lạc nào giữa các quan chức chính phủ Hoa Kỳ và bà Tiêu Mỹ Cầm”.

    Một quan chức Đài Loan, yêu cầu không nêu tên do tính nhạy cảm của vấn đề, nói với Reuters rằng bà Tiêu đã đến Mỹ trong tuần này và sẽ lưu lại đó vài ngày tới trong một “chuyến đi cá nhân” không ồn ào, bao gồm cả việc thu dọn đồ đạc cá nhân. Quan chức này từ chối cung cấp thêm thông tin.

    Người phát ngôn của Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ cũng cho hay bà Tiêu đang đi du lịch “với tư cách cá nhân để giải quyết các vấn đề riêng” và không trả lời khi được hỏi liệu bà có gặp các quan chức Hoa Kỳ hay không.

    Người phát ngôn này nói: “Hoa Kỳ có tiền lệ từ lâu về việc cho các quan chức Đài Loan quá cảnh cũng như các chuyến thăm của các ứng cử viên và Phó Tổng thống đắc cử trước khi họ nhậm chức”.

    Bà Tiêu, 52 tuổi, là một người nói tiếng Anh lưu loát và có mối quan hệ sâu rộng ở thủ đô Washington. Các nguồn tin ngoại giao nói với Reuters rằng bà có thể đóng vai trò là cầu nối quan trọng giữa Đài Bắc và Washington. Hoa Kỳ là nước bán vũ khí quan trọng nhất cho hòn đảo và là nước ủng hộ Đài Loan trên bình diện quốc tế mặc dù hai bên không có quan hệ chính thức.

    Cuộc điều tra về trí nhớ của Tổng thống Biden làm nổi bật chia rẽ đảng phái

    Tác giả, Anthony Zurcher

    Phóng viên Bắc Mỹ BBC News

    13/3/2024

    Ông Robert Hur tại cuộc điều trần của Hạ viện

    Nguồn hình ảnh, Getty Images

    Chụp lại hình ảnh, 

    Ông Robert Hur tại cuộc điều trần của Hạ viện

    Năm tuần sau khi Robert Hur tung ra báo cáo chấn động về việc Tổng thống Joe Biden cẩu thả trong quản lý hồ sơ mật, cựu công tố viên đặc biệt này đã xuất hiện trong một cuộc điều trần tại Hạ viện Mỹ.

    Mặc dù không tiến hành một vụ án hình sự nhằm vào ông Biden hoặc bất kỳ đồng minh nào của tổng thống, báo cáo của Hur đã trở thành một cột thu lôi chính trị thông qua cách mà nó mô tả vị tổng thống Mỹ.

    Báo cáo đặc tả Tổng thống Biden là một “người cao tuổi có thiện tâm nhưng trí nhớ kém”. Tài liệu này đưa ra dẫn chứng về những lần ông Biden không thể nhớ một số chi tiết, đến mức khiến tổng thống nổi giận và khẳng định trí nhớ của ông rất ổn.

    Không ngạc nhiên, vấn đề trí nhớ và sự minh mẫn của ông Biden là tâm điểm của cuộc điều trần, qua đó làm nổi bật sự chia rẽ đảng phái sâu sắc liên quan tới báo cáo này.

    Dưới đây là một số điểm quan trọng cần lưu ý.

    Ông Trump nói lệnh cấm TikTok chỉ giúp ích cho Facebook - 'kẻ thù của người dân Mỹ'

    Biden so với Trump

    Cuộc điều trần bắt đầu bằng việc phát video “song đấu”. Các đảng viên Cộng hòa phát video cuộc họp báo đột xuất của ông Biden để phản ứng với báo cáo của Hur. Trong sự kiện này, ông Biden đôi lúc trông giận dữ, rối bời và nhầm lẫn nhà lãnh đạo Ai Cập với lãnh đạo Mexico.

    Các đảng viên Dân chủ phản đòn bằng một đoạn phim ngắn không được coi là đẹp đẽ về Donald Trump, đối thủ Cộng hòa sáng giá nhất của ông Biden trong cuộc bầu cử vào tháng 11. Trong video đó, cựu Tổng thống Trump cho thấy sự lẩm cẩm về ngôn từ và đã thừa nhận trí nhớ của mình trì trệ.

    Đây là một dấu hiệu dự báo sớm về chiến lược mà Đảng Dân chủ dùng để đối phó với các cáo buộc của Đảng Cộng hòa rằng ông Biden đã già yếu; đó là tuyên bố rằng ông Trump cũng không khác gì - nếu không muốn nói là còn tệ hơn.

    Cuộc cạnh tranh giữa hai chính trị gia cao tuổi - Donald Trump và Joe Biden - ngày càng khốc liệt

    Nguồn hình ảnh, Getty Images

    Chụp lại hình ảnh, 

    Cuộc cạnh tranh giữa hai chính trị gia cao tuổi - Donald Trump và Joe Biden - ngày càng khốc liệt

    Các Đảng viên Cộng hòa cũng nhanh chóng cáo buộc Bộ Tư pháp có tiêu chuẩn kép, bằng chứng là ông Biden thì tránh được việc bị truy tố trong khi công tố viên đặc biệt Jack Smith lại truy tố ông Trump về cách xử lý tài liệu mật được tìm thấy tại khu dinh thự Mar-a-Lago của ông Trump.

    "Công bằng cho họ, nhưng không cho tôi,” Jeff Van Drew, đại diện Cộng hòa từ bang New Jersey, nói.

    “Trump tệ hơn” là một trang quen thuộc trong cuốn cẩm nang tranh cử tổng thống của ông Biden, nhưng vào thứ Ba, cả hai bên đều có cơ hội để tung ra các đòn tấn công như trong các chiến dịch tranh cử.

    Với việc đội của tổng thống luôn tìm cách mô tả ứng cử viên của mình có đạo đức hơn hẳn ông Trump, một cuộc đấu với mục đích cầm hòa tại đây có lẽ đã giúp phía ông Trump cân bằng thế trận trong một chủ đề có tính sát thương cao.

    Trí nhớ của ông Biden

    Một vài giờ trước khi ông Hur bắt đầu lời chứng của mình, Bộ Tư pháp đã công bố văn bản cuộc phỏng vấn của tổng thống với vị công tố viên đặc biệt.

    Trong báo cáo của mình, vị công tố viên đặc biệt đã đưa ra một số ví dụ cho điều mà ông mô tả là sự trì trệ trong trí nhớ của ông Biden. Một số ví dụ, như việc không nhớ được ngày kết thúc nhiệm kỳ phó tổng thống của ông, là khá rõ ràng. Những ví dụ khác, như ngày mất của cậu con trai tên Beau, lại phức tạp hơn một chút.

    Tổng thống nhớ chính xác thứ (trong tuần) và ngày mà con trai mình qua đời, nhưng năm - 2015 - đã được một trợ lý cung cấp nhanh chóng. Nhiều lần, các trợ lý của tổng thống đã nhanh nhảu chen vào khi ông Biden dường như đang do dự.

    Tổng thống Biden từng nhiều lần nói rằng ông vẫn minh mẫn

    Nguồn hình ảnh, Getty Images

    Chụp lại hình ảnh, 

    Tổng thống Biden từng nhiều lần nói rằng ông vẫn minh mẫn

    Một cuộc đối thoại nảy lửa đã nổ ra về việc có nên khái quát hóa các ví dụ này thành dấu hiệu của sự suy giảm trí nhớ, khi đại diện Dân chủ của bang California là Adam Schiff đặt câu hỏi cho công tố viên đặc biệt rằng liệu ông ta có biết là kết luận của mình sẽ tạo ra “cơn bão chính trị” như thế nào không.

    "Ông không phải là người mới sinh ra hôm qua, ông hiểu rõ những gì mình đang làm,” Adam Schiff nói. "Đó là một lựa chọn mang động cơ chính trị. Đó là một lựa chọn sai lầm."

    Ông Hur đáp trả rằng ông bắt buộc phải cung cấp lập luận của mình trong báo cáo gửi đến Bộ trưởng Tư pháp và rằng ông đã không “vì lý do chính trị mà đóng khung, tẩy sạch hoặc bỏ qua một số phần nào đó trong lập luận của tôi".

    Người chấp bút cho tổng thống

    Các thành viên Cộng hòa trong ủy ban liên tục nhắc đến các cuộc trao đổi giữa tổng thống với Mark Zwonitzer, một người chấp bút cho hai cuốn hồi ký của ông Biden.

    Zwonitzer đã tìm cách xóa bản ghi âm các cuộc trò chuyện giữa ông với Biden khi thực hiện viết sách sau khi biết Hur đã được bổ nhiệm làm công tố viên đặc biệt. Điều này đã khiến Matt Gaetz, một dân biểu đến từ Florida, đặt ra câu hỏi là tại sao người chấp bút này lại không bị buộc tội gây cản trở công lý.

    "Người ta làm gì thì bị buộc tội gây cản trở công lý?" ông Gaetz, một đảng viên Cộng hòa, hỏi. "Nếu việc xóa bỏ bằng chứng của tội phạm không được tính, thì điều gì được tính đây?"

    Ông Hur nói rằng các bản ghi âm không quan trọng lắm bởi vì người chấp bút đã giữ các bản ghi chép.

    Ông Biden đã nhận 8 triệu USD tiền cọc cho hồi ký của mình

    Nguồn hình ảnh, Getty Images

    Chụp lại hình ảnh, 

    Ông Biden đã nhận 8 triệu USD tiền cọc cho một trong những cuốn hồi ký của mình

    Jim Jordan, đảng viên Cộng hòa giữ chức Chủ tịch ủy ban Tư pháp, nói rằng ông Biden, người đã nhận được một khoản tiền đặt cọc 8 triệu đô la cho một trong những cuốn hồi ký của mình, có động cơ về tài chính để lưu trữ các tài liệu mật này - để ông có thể chia sẻ với người chấp bút của mình.

    “Joe Biden có 8 triệu lý do để vi phạm các quy định,” ông nói.

    Hur ở tâm điểm

    Tương tự nhiều nhân chứng đang đứng ở tâm điểm chú ý của cả nước, ông Hur bắt đầu lời chứng bằng cách kể lại câu chuyện cá nhân. Ông là con của những người nhập cư Hàn Quốc đến Mỹ để tìm kiếm một cuộc sống tốt đẹp hơn.

    “Tôi may mắn được phục vụ đất nước của chúng ta trong phần lớn sự nghiệp của mình,” ông nhấn mạnh, trước khi bắt đầu bảo vệ mạnh mẽ báo cáo của mình và các kết luận trong báo cáo ấy.

    Trong ba giờ tiếp theo, cựu công tố viên đặc biệt đã bị cả hai phía tấn công dồn dập. Nhìn chung ông luôn giữ được bình tĩnh khi ở vào tâm điểm chú ý.

    Khi Hank Johnson, đại biểu Dân chủ từ bang Georgia, cáo buộc Hur đang tìm cách giúp ông Trump được bầu để mình có thể được bổ nhiệm làm thẩm phán liên bang, trong một khoảnh khắc hiếm hoi, Hur đã tỏ ra tức giận.

    “Tôi không có những khát vọng như vậy,” ông nói. “Chính trị đảng phái không có chỗ trong công việc của tôi.”

    Với việc kết thúc phiên điều trần và cuộc điều tra, ông Hur có thể rời khỏi ánh đèn sân khấu trong bao lâu tùy thích.

    Tuy nhiên, các đảng viên Cộng hòa trong Hạ viện vẫn chưa khép lại cuộc điều tra của họ. Họ vẫn đang tìm cách truy cập vào video ghi lại các cuộc phỏng vấn của ông Hur. Nỗ lực này có thể gây ra một vòng luẩn quẩn mới, với những phát hiện làm bẽ bàng hoặc gây thiệt hại về chính trị cho tổng thống và đội ngũ của ông.


    Không có nhận xét nào