Võ Thái Hà tổng hợp
Biển Đông: Mỹ yêu cầu Trung Quốc chấm dứt ‘‘khiêu khích’’ Tuần duyên Philippines
Trọng Thành /RFI
06/3/2024
Hôm qua, 05/03/2024, bộ Ngoại Giao Hoa Kỳ ra thông cáo lên án ‘‘hành động khiêu khích’’ của Trung Quốc nhắm vào hoạt động hàng hải hợp pháp của Philippines tại Biển Đông. Thông cáo được đưa ra ngay sau vụ tàu Hải cảnh Trung Quốc va chạm với tàu Tuần duyên Philippines đang tiếp tế cho đơn vị đồn trú tại Bãi Cỏ Mây, quần đảo Trường Sa, khiến 4 người bị thương. Về phần mình, Trung Quốc cáo buộc Mỹ dùng Philippines làm ‘‘con bài’’ gây bất ổn ở Biển Đông.
Tàu của Tuần duyên Philippines bị tàu Hải cảnh Trung Quốc ngăn chặn khi làm nhiệm vụ tiếp tế tại Bãi Cỏ Mây, quần đảo Trường Sa, Biển Đông, ngày 05/03/2024. REUTERS - Adrian Portugal
Thông cáo của bộ Ngoại Giao Mỹ nhấn mạnh đòi hỏi chủ quyền của Trung Quốc đối với vùng biển xung quanh Bãi Cỏ Mây (Second Thomas Shoal) là bất hợp pháp, bởi khu vực này nằm trong vùng đặc quyền kinh tế của Philippines. Washington kêu gọi Bắc Kinh tuân thủ Công ước Liên Hiệp Quốc về Luật Biển năm 1982 (UNCLOS) và phán quyết của Tòa Trọng tài Thường trực tháng 7/2016, bác bỏ các yêu sách chủ quyền của Trung Quốc tại khu vực này, và ‘‘chấm dứt các hành vi nguy hiểm và gây bất ổn’’.
Bộ Ngoại Giao Hoa Kỳ tái khẳng định ‘‘sát cánh với đồng minh Philippines’’ và nhấn mạnh, theo Hiệp định phòng thủ chung Mỹ-Philippines ký kết năm 1951, ‘‘mọi hành động tấn công vào các lực lượng vũ trang, tàu thuyền của cơ quan công lực, hoặc phi cơ Philippines – bao gồm cả lực lượng Tuần duyên của nước này – ở bất kỳ nơi đâu trên Biển Đông’’ cũng được coi như là tấn công nước Mỹ.
Trung Quốc tuyên bố sẽ không nhân nhượng
Về phía Trung Quốc, trong một cuộc họp báo hôm nay, 06/04, phát ngôn viên bộ Ngoại Giao Mao Ninh (Mao Ning) khẳng định ‘‘quyết tâm của Bắc Kinh bảo vệ các quyền và lợi ích hợp pháp là bất di bất dịch.’’ Phát ngôn viên bộ Ngoại Giao Trung Quốc cũng ‘‘khuyến cáo Hoa Kỳ không sử dụng Philippines như một con bài nhằm gây bất ổn tại Biển Đông’’. Bà Mao Ninh cũng kêu gọi Philippines không để bị Hoa Kỳ ‘‘thao túng.’’
Theo AFP, lãnh đạo 10 quốc gia Đông Nam Á và Úc tại hội nghị ở Melbourne, Úc, hôm nay cũng lên tiếng tố cáo các hành động ‘‘đe dọa hòa bình’’ ở Biển Đông, ‘‘nơi các hành động ngày càng hung hãn của Bắc Kinh gây lo ngại’’. Khối ASEAN và Úc ra thông cáo chung ‘‘kêu gọi tất cả các nước tránh mọi hành động đơn phương đe dọa hòa bình, an ninh và ổn định tại khu vực.’’
Mỹ-Philippines tổ chức tập trận ở các đảo đối diện với Biển Đông, Đài Loan
06/03/2024
Thủy quân Lục chiến Mỹ và binh sĩ Philippine tại cuộc tập trận chung Balikatan hay “Vai kề Vai” ở Capas, tỉnh Tarlac, miền bắc Philippines, ngày 14/4/2023.
Philippines và Hoa Kỳ sẽ tiến hành các cuộc tập trận thường niên vào tháng tới tại các địa điểm quan trọng bao gồm các đảo của Philippines đối diện với Biển Đông và Đài Loan, giữa lúc căng thẳng với Trung Quốc trong khu vực tiếp tục âm ỉ.
Đại tá quân đội Philippines Michael Logico cho biết trong một cuộc họp báo, cuộc tập trận, được gọi là Balikatan hay “Vai kề Vai”, sẽ di chuyển từ các trại quân sự rộng lớn ở vùng nông thôn đến các địa điểm ở khu vực phía bắc và phía tây.
Cuộc tập trận năm nay, mà một nhà ngoại giao Philippines trước đây cho biết có thể lớn hơn cuộc tập trận 17.000 người năm ngoái, cũng sẽ tập trung vào huấn luyện an ninh mạng và “chiến tranh thông tin”.
Ông Logico cho biết Batanes, tỉnh đảo gần Đài Loan nhất, có thể một lần nữa là một trong những địa điểm tập trận năm nay, nhưng ông nhấn mạnh các hoạt động sẽ không tập trung vào hòn đảo được quản lý dân chủ, Đài Loan.
Ông Logico nói: “Việc chúng tôi tập trận ở những khu vực đó là điều tự nhiên vì nếu đó là một phần lãnh thổ của Philippines thì đó là nơi chúng tôi vẫy cờ, đây là những khu vực mà chúng tôi bảo vệ”.
Trung Quốc tuyên bố Đài Loan là lãnh thổ của mình bất chấp sự phản đối của hòn đảo này và Trung Quốc cũng thường xuyên tiến hành các hoạt động quân sự không quân và hải quân gần hòn đảo.
Cuộc tập trận cũng sẽ bao gồm các khu vực ở tỉnh Palawan trên Biển Đông, nơi thường xuyên xảy ra các vụ va chạm hàng hải giữa Manila và Bắc Kinh trong năm qua.
Ông Logico nói: “Đây là những địa điểm mà chúng tôi có thể thực hiện đầy đủ các hoạt động chung”.
Philippines ngày 5/3 cáo buộc lực lượng tuần duyên Trung Quốc thực hiện “các hoạt động nguy hiểm” dẫn đến va chạm giữa tàu tuần duyên của Philippines với tàu Trung Quốc trong một nhiệm vụ tiếp tế cho quân đội Philippines ở Biển Đông.
Giống như năm ngoái, ông Logico cho biết quân đội hai nước sẽ tiến hành diễn tập đánh chìm tàu.
Mối quan hệ giữa Washington và Manila đã ấm lên dưới thời Tổng thống Ferdinand Marcos Jr, người năm ngoái đã tăng gần gấp đôi số căn cứ mà quân đội Mỹ có thể tiếp cận theo một hiệp ước quốc phòng.
Ông Logico cho biết quân đội Úc cũng sẽ tham gia cuộc tập trận trong khi hải quân Pháp lần đầu tiên tham gia. Pháp và Philippines đều đang tìm kiếm việc đàm phán một thỏa thuận quân sự.
Phát ngôn viên lực lượng vũ trang Philippines Francel Margareth Padilla cho biết cuộc tập trận sẽ diễn ra từ tuần thứ ba của tháng 4 đến tuần đầu tiên của tháng 5.
Chi tiêu quân sự Trung Quốc lại vượt mức tăng trưởng kinh tế khiến nhiều nước lo ngại
Mộc Vệ
Binh sĩ quân đội Trung Quốc xếp hàng tại Quảng trường Thiên An Môn ở Bắc Kinh (Ảnh: Twinsterphoto / Shutterstock)
Ngày 5/3 tại kỳ họp Quốc hội, Trung Quốc công bố chi tiêu quân sự năm 2024 tăng 7,2% – năm thứ hai liên tiếp giữ mức tăng này, vượt mục tiêu tăng trưởng kinh tế Trung Quốc năm 2024 tiếp tục ở mức 5%.
Chính phủ Trung Quốc đã tuyên bố tại cuộc họp Quốc hội Trung Quốc vào thứ Ba (5/3) rằng ngân sách quân sự cho năm 2024 sẽ tăng 7,2%, mức tăng tương tự năm 2023, nghĩa là 1.670 tỷ nhân dân tệ (khoảng 230,6 tỷ USD). Đây là mức cao được duy trì năm thứ 4 liên tiếp.
Người phát ngôn kỳ họp thứ hai của Quốc hội Trung Quốc khóa 14 là Lâu Cần Kiệm (Lou Qinjian) nói rằng ngân sách quân sự cần được duy trì ở mức “tăng hợp lý” để bảo vệ chủ quyền, an ninh và các lợi ích phát triển.
AFP chỉ ra rằng chi tiêu quân sự của Trung Quốc đã tăng lên trong nhiều thập kỷ, về cơ bản nhất quán với tốc độ tăng trưởng kinh tế của Trung Quốc.
Đồng thời, Chính phủ Trung Quốc tuyên bố đặt mục tiêu tăng trưởng kinh tế trong nước ở mức 5% vào năm 2024.
Hiện nay các nước đang cảnh giác trước việc Trung Quốc mở rộng quân sự. Tiêu biểu nhất có thể kể là lo ngại ở Đài Loan – nước mà Trung Quốc muốn “thống nhất”, và Ấn Độ là nước thường có các cuộc giao tranh ở khu vực biên giới tranh chấp trên dãy Himalaya.
Chánh văn phòng Nội các Nhật Bản Hayashi Hayashi tuyên bố tại Tokyo hôm 5/3 rằng việc chính quyền Bắc Kinh mở rộng sức mạnh quân sự nhanh chóng gây “lo ngại nghiêm trọng” đối với Nhật Bản và cộng đồng quốc tế. Việc Trung Quốc tiếp tục tăng chi tiêu quân sự trong bối cảnh thiếu minh bạch của họ là “thách thức chiến lược lớn nhất mà Nhật Bản và cộng đồng quốc tế phải đối mặt nhằm đảm bảo hòa bình, ổn định và củng cố trật tự quốc tế”.
Trung Quốc lo ngại về liên minh quân sự giữa các nước đối thủ trong khu vực với NATO do Mỹ đứng đầu, vốn hiện coi Trung Quốc là “thách thức” đối với “lợi ích” của các nước thành viên.
Kể từ khi ông Tập Cận Bình trở thành Tổng Bí thư Đảng Cộng sản Trung Quốc và Chủ tịch Quân ủy Trung ương (hơn 10 năm trước), ngân sách quốc phòng của Trung Quốc đã tăng từ 720 tỷ nhân dân tệ năm 2013 lên 1,67 nghìn tỷ nhân dân tệ hiện nay. Trong nhiệm kỳ của ông Tập Cận Bình, tỷ lệ tăng trưởng chi tiêu quân sự của Trung Quốc hàng năm luôn vượt mục tiêu tăng trưởng kinh tế. Theo báo cáo công tác Chính phủ của Thủ tướng Trung Quốc Lý Cường, mục tiêu tăng trưởng kinh tế Trung Quốc năm 2024 là khoảng 5%, tương đương mục tiêu năm ngoái.
Dữ liệu từ Viện Nghiên cứu Hòa bình Quốc tế Stockholm cho thấy Mỹ hiện là nước có chi tiêu quân sự cao nhất, đạt 877 tỷ USD vào năm 2022, tiếp theo là Trung Quốc, Nga, Ấn Độ, Ả Rập Saudi, Anh, Đức và Pháp.
EU đạt thỏa thuận về cấm sản phẩm liên quan đến lao động cưỡng bức
Phan Anh
05/3/2024
Người Duy Ngô Nhĩ tại Tân Cương phải làm việc trong trại cưỡng bức lao động. (Ảnh: Azamat Imanaliev/Shutterstock)
Hôm 5/3 vừa qua, Hội đồng Liên minh châu Âu (EU) và Nghị viện châu Âu (EP) đã đạt thỏa thuận tạm thời về cấm nhập khẩu các sản phẩm do lao động cưỡng bức sản xuất vào thị trường chung châu Âu.
Được biết, thỏa thuận làm rõ các trách nhiệm của Ủy ban châu Âu (EC) và các quốc gia thành viên EU trong việc xác định các công ty sử dụng lao động cưỡng bức và cấm sản phẩm của những doanh nghiệp này.
Bộ trưởng Kinh tế và Lao động Bỉ, ông Pierre-Yves cho biết mục đích của thỏa thuận là chấm dứt mô hình kinh doanh này. Ông cho hay: “Với quy định này, chúng tôi muốn đảm bảo không có chỗ cho sản phẩm của họ trên thị trường chung, bất kể là được sản xuất tại châu Âu hay ở bên ngoài”. Bỉ hiện giữ chức Chủ tịch luân phiên EU.
Lệnh cấm này sẽ được áp dụng đối với hàng hóa sản xuất bên ngoài EU do lao động cưỡng bức làm ra, các sản phẩm được sản xuất bên trong EU những có linh kiện do lao động cưỡng bức làm ra ở bên ngoài khối. Thỏa thuận tạm thời này vẫn cần được EP và Hội đồng EU chính thức thông qua để có hiệu lực.
Hồi tháng 8 năm ngoái, chính phủ Mỹ đã có biện pháp nhằm vào pin xe điện từ Trung Quốc liên quan đến vấn nạn lao động cưỡng bức ở quốc gia này.
Đạo luật ngăn chặn lao động cưỡng bức người Duy Ngô Nhĩ (UFPLA) ban hành vào năm 2022, chủ yếu tập trung vào các tấm pin mặt trời, cà chua và quần áo bông. Tuy nhiên, đạo luật này hiện đang được mở rộng để ngăn chặn việc nhập khẩu các sản phẩm của xe điện như pin lithium-ion, lốp xe và nguyên liệu thô chính của ô tô là nhôm và thép. Cơ quan Hải quan và Bảo vệ Biên giới Mỹ (CBP) đã tăng cường kiểm tra các chủng loại sản phẩm nói trên.
Điều này có thể tác động đến ngành công nghiệp xe điện ở Mỹ do các nhà sản xuất đang ngày càng phải chứng tỏ rằng chuỗi cung ứng của họ không được hưởng lợi từ các trại lao động Duy Ngô Nhĩ của Trung Quốc theo Đạo luật UFPLA. Trong suốt nhiều năm qua, chính quyền Trung Quốc vẫn duy trì các chính sách diệt chủng người Duy Ngô Nhĩ theo đạo Hồi ở vùng Tây Bắc Trung Quốc hay tiến hành đàn áp trên diện rộng đối với những người tu luyện Pháp Luân Công.
Hơn một năm thực thi UFLPA đã khiến cho các dự án năng lượng Mặt Trời bị ảnh hưởng không nhỏ, trong bối cảnh khi mà các lô hàng bảng điều khiển đã bị tạm giữ thời gian dài các nhà kho của Mỹ. Theo nhóm thương mại của Hiệp hội Công nghiệp Năng lượng Mặt Trời Mỹ, việc lắp đặt các cơ sở năng lượng Mặt Trời lớn cho các tiện ích đã sụt giảm 31% vào năm 2022 do nguồn cung cấp bảng điều khiển bị hạn chế.
Chính quyền tổng thống Mỹ Joe Biden chủ yếu dựa vào năng lượng Mặt Trời và xe điện để thúc đẩy quá trình chuyển đổi năng lượng xanh của mình, trong đó sử dụng hàng trăm tỷ đô la tiền thuế của người dân để tài trợ cho quá trình này.
Tàu Trung Quốc bắn vòi rồng vào tàu Philippines: 4 thủy thủ bị thương, căng thẳng leo thang
Bình Minh
Ngày 5/3/2024, khi đang thực hiện nhiệm vụ tiếp tế gần Bãi cạn Second Thomas đang tranh chấp ở Biển Đông, tàu Cảnh sát biển Trung Quốc (bên trái và bên phải) đã bắn vòi rồng vào tàu dân sự Unaizah do quân đội Philippines thuê (ở giữa), khiến 4 thuyền viên người Philippines bị thương. (Ảnh: Chụp màn hình video Cảnh sát biển Philippines)
Hôm thứ Ba (5/3), Lực lượng Đặc nhiệm Biển Đông của Manila cho biết, một tàu tuần duyên Trung Quốc đã bắn vòi rồng vào một tàu tiếp tế Philippines, khiến ít nhất 4 thành viên thủy thủ đoàn bị thương nhẹ. Cùng ngày, Philippines đã triệu tập phó đại sứ Trung Quốc tại Manila, thủ đô của Philippine, để bày tỏ sự phản đối.
Nhóm công tác cho biết, tàu Philippines đang hướng tới Bãi cạn Second Thomas để thực hiện nhiệm vụ thường lệ thì bị các tàu dân quân hàng hải và lực lượng bảo vệ bờ biển Trung Quốc “quấy rối (và) chặn đứng”.
Những bức ảnh do Philippines công bố cho thấy, hai tàu hải cảnh Trung Quốc đã áp sát một tàu thuê dân sự Philippines đang thực hiện nhiệm vụ tiếp tế từ cả hai phía, và bắn vòi rồng áp suất cao vào tàu này.
Người phát ngôn của Lực lượng bảo vệ bờ biển Manila cũng tuyên bố, một tàu hải cảnh Trung Quốc cũng hành động “liều lĩnh” và “trái luật” khi va chạm với một tàu Philippines, khiến tàu này bị hư hại nhẹ về cấu trúc.
Hôm thứ Ba (5/3), Bộ Ngoại giao Philippines cho biết đã triệu tập các nhà ngoại giao Trung Quốc để bày tỏ sự phản đối, và yêu cầu các tàu Trung Quốc ngay lập tức rời khỏi khu vực Bãi cạn Second Thomas (được gọi là Bãi cạn Ayungin ở Manila).
Trong một tuyên bố, Bộ Ngoại giao Philippines cho biết, không thể chấp nhận được việc Trung Quốc (Đảng Cộng sản Trung Quốc – ĐCSTQ) can thiệp vào các hoạt động hợp pháp hàng ngày của Philippines trong vùng đặc quyền kinh tế của nước này. Hành động của Trung Quốc (ĐCSTQ) tại bãi cạn Ayungin vi phạm quyền chủ quyền và quyền tài phán của Philippines.
ĐCSTQ đổ lỗi cho Manila, nói rằng các tàu Philippines đã xâm nhập trái phép vùng biển gần bãi cạn Second Thomas, do đó họ phải thực hiện các biện pháp kiểm soát.
Hành động của ĐCSTQ cũng bị Mỹ, đồng minh hiệp ước quốc phòng của Philippines, lên án.
Trên nền tảng truyền thông xã hội X, Đại sứ Hoa Kỳ tại Manila, bà MaryKay Carlson, nói Hoa Kỳ sẽ sát cánh cùng Philippines và những người ủng hộ luật pháp quốc tế trong việc hỗ trợ một Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương tự do và cởi mở.
Tranh chấp ở Biển Đông
Bãi cạn Second Thomas là nơi đóng quân của một đơn vị Philippines. Manila đã cho mắc cạn tàu USS Sierra Madre, một tàu đổ bộ rỉ sét từ Thế chiến II, ở đây vào năm 1999 để củng cố tuyên bố chủ quyền của mình.
Trung Quốc tuyên bố chủ quyền trên hầu hết Biển Đông, bao gồm cả bãi cạn Second Thomas trong vùng đặc quyền kinh tế của Philippines, và đã triển khai tàu để tuần tra các vùng biển tranh chấp.
Mặc dù năm 2016, Tòa án Trọng tài Thường trực ở The Hague (Hà Lan) ra phán quyết, rằng các yêu sách của Trung Quốc ở Biển Đông không mang tính ràng buộc về mặt pháp lý, nhưng Bắc Kinh vẫn từ chối chấp nhận phán quyết này.
Lực lượng đặc nhiệm Philippines cho biết “hành vi cưỡng bức không chính đáng và các hành động nguy hiểm” của Bắc Kinh đã đặt ra câu hỏi về sự chân thành của họ trong việc kêu gọi đối thoại hòa bình và giảm căng thẳng.
Tại một cuộc họp báo thường kỳ, bà Mao Ninh, phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc, đã bảo vệ hành động của ĐCSTQ.
Thứ Hai (4/3) tại Diễn đàn cấp cao đặc biệt ASEAN-Úc, Tổng thống Philippines Ferdinand Marcos Jr. phát biểu, Philippines sẵn sàng đàm phán và hợp tác với ĐCSTQ, nhưng sẽ đáp trả nếu chủ quyền và quyền tài phán của nước này ở Biển Đông bị phớt lờ.
Tổng thống Philippines Ferdinand Marcos duyệt đội danh dự trong buổi lễ chào mừng bên ngoài Bộ Quốc phòng ở Washington, DC vào ngày 3 tháng 5 năm 2023. (Ảnh:MANDEL NGAN/AFP, Getty Images)
Sau khi nhậm chức, trái ngược với lập trường thân Trung Quốc của cựu Tổng thống Rodrigo Duterte, ông Marcos Jr. cáo buộc Bắc Kinh xâm phạm vùng đặc quyền kinh tế của Philippines và sử dụng vòi rồng, tia laser “cấp quân sự”, cùng chiến thuật va chạm để xua đuổi tàu Philippines.
Dưới thời ông Marcos Jr., Philippines đã xây dựng mối quan hệ quốc phòng chặt chẽ hơn với đồng minh quân sự lâu năm của mình là Hoa Kỳ, tăng gần gấp đôi số căn cứ mà nước này mở cho lực lượng Hoa Kỳ, gồm 3 căn cứ mới ở phía bắc hướng tới đảo Đài Loan.
Lực lượng đặc nhiệm Philippines cho biết, không thể đạt được hòa bình và ổn định nếu không tôn trọng đúng mức các quyền được thiết lập hợp pháp của nước khác.
Hoa Kỳ và Philippines đã tổ chức các cuộc tập trận quân sự thường xuyên trong nhiều thập kỷ, nhưng phạm vi của cuộc tập trận gần đây đã được mở rộng để bao gồm các cuộc tuần tra chung trên không và hải quân ở Biển Đông và gần Đài Loan.
Người nhập cư cứu kinh tế Úc
Dường như nhờ vào may mắn, Úc vượt qua hầu hết các cuộc khủng hoảng kinh tế. Nhưng dữ liệu được công bố vào thứ Tư dự kiến cho thấy nền kinh tế nước này chỉ tránh được suy thoái trong gang tấc. Các nhà kinh tế ước tính GDP của Úc chỉ tăng khoảng 0,2% hoặc ít hơn trong quý cuối của năm 2023, khi người Úc phải vật lộn với chi phí đi vay cao và lạm phát. Nếu tính bình quân đầu người, sản lượng đang giảm và nền kinh tế đang suy thoái.
Nguyên nhân giúp Úc không rơi vào suy thoái kỹ thuật là dòng người nhập cư kỷ lục. Hơn 700.000 người đã đổ xô đến đây trong năm tính đến tháng 6 năm 2023. Di cư ròng hiện cao hơn gấp đôi so với mức trước đại dịch. Nhưng không phải tất cả người Úc đều trải thảm đỏ. Dòng người nhập cư tăng đúng lúc Úc đang trải qua khủng hoảng nhà ở, và người nhập cư đang bị đổ lỗi. Nhiều người càu nhàu rằng một chiếc bánh to ra chẳng có ý nghĩa gì khi miếng bánh của bản thân họ bị thu hẹp lại.
Chính phủ Anh sắp công bố dự thảo ngân sách
Bộ trưởng tài chính Anh Jeremy Hunt sẽ công bố dự thảo ngân sách vào thứ Tư. Đây có thể là sự kiện tài chính cuối cùng trước cuộc tổng tuyển cử năm nay. Theo kết quả thăm dò, chính phủ Bảo thủ đang kém tới 20 điểm so với Công Đảng. Ông Hunt chắc chắn sẽ hào phóng. Ông có thể sẽ tuyên bố cắt giảm thuế thu nhập hoặc thuế lương, và gần như chắc chắn tiếp tục miễn thuế nhiên liệu. Ông được cho là cũng đang xem xét “ISA của Anh” (tức giảm thuế cho các nhà đầu tư vào doanh nghiệp Anh). Để bù lại phần giảm thuế, ông có thể sẽ công bố cải cách lại cơ chế tránh thuế dành cho người nước ngoài khá giả.
Nhưng ông Hunt có thể bị hạn chế bởi “không gian tài khoá” thấp – tức lượng chi tiêu bổ sung hoặc cắt giảm thuế mà các chính phủ có thể thực hiện mà không vi phạm quy tắc tài chính do mình đặt ra, mà trong trường hợp này là đảm bảo tỷ lệ nợ trên GDP giảm trong 5 năm. Đà tăng gần đây của lợi suất trái phiếu có nghĩa là không gian tài khoá không thay đổi nhiều kể từ tháng 11. Và lo ngại lạm phát cũng có thể ngăn cản việc chi tiêu rầm rộ trước bầu cử.
Hôm nay luật cạnh tranh kỹ thuật số của EU sẽ có hiệu lực hoàn toàn
Thứ Tư là ngày cuối cùng trước khi Đạo luật Thị trường Kỹ thuật số (DMA) mang tính bước ngoặt của EU có hiệu lực đầy đủ. Luật này nhắm vào những “người gác cổng” kỹ thuật số — tức các công ty công nghệ có vốn hóa thị trường hơn 75 tỷ euro (82 tỷ USD) và hơn 45 triệu người dùng hàng tháng ở EU. Trong số này có Alphabet và Apple. Họ sẽ phải tuân thủ các nghĩa vụ hạn chế sức mạnh thị trường. Theo DMA, nền tảng của các công ty trên sẽ không được ưu tiên các dịch vụ của chính mình và phải cho phép người dùng chuyển dữ liệu sang các dịch vụ cạnh tranh. Tiền phạt rất cao: lên tới 10% doanh thu toàn cầu.
Câu hỏi lớn là liệu Ủy ban châu Âu, cơ quan điều hành của EU, có đủ nguồn lực để thực thi DMA hay không. Tuần này, ủy ban đã nói họ sẽ thực thi luật một cách nghiêm ngặt. Vào ngày 4 tháng 3, họ đã phạt Apple — công ty có khả năng thách thức DMA một cách mạnh mẽ nhất, tại tòa án hoặc bằng cách tìm kẽ hở pháp lý — hơn 1,8 tỷ euro vì cản trở cạnh tranh từ các dịch vụ phát nhạc trực tuyến đối thủ.
Biểu tình phản đối tổng thống ở Colombia
Tổng thống cánh tả của Colombia, Gustavo Petro, đang tỏ ra không xoay chuyển trước chỉ trích. Các chính trị gia đối lập đã chỉ trích ông là “kẻ hủy diệt” đất nước. Nhiều lời lăng mạ sẽ xuất hiện vào thứ Tư khi các đảng cánh hữu tổ chức tuần hành ở 15 thành phố. Họ muốn phản đối hai chính sách gây tranh cãi nhất của ông.
Ông Petro đang tìm cách mở rộng vai trò của nhà nước trong ngành y tế. Kế hoạch của ông bao gồm cải cách mô hình bảo hiểm hiện tại, vốn đang bao phủ 97% dân số, tăng cường chăm sóc ban đầu và thiết lập mô hình tài trợ mới cho các nhà cung cấp dịch vụ y tế. Ông Petro cũng hứa cải tổ hệ thống lương hưu để giảm bất bình đẳng thu nhập. Song phe phản đối cho rằng những cải cách đó có thể làm tổn hại đến nền tài chính công và thị trường lao động mong manh của đất nước.
Người Colombia cũng lo lắng về tội phạm. Một loạt vụ cướp có vũ trang và giết người gần đây đã làm rung chuyển thủ đô Bogotá. Đất nước này có 8 trong số 50 thành phố nguy hiểm nhất thế giới. Nhiều người đổ lỗi cho ông Petro không mạnh dạn đàm phán với các băng đảng và nhóm vũ trang.
Không có nhận xét nào