Header Ads

  • Breaking News

    Thời sự đó đây ngày Thứ sáu 22 tháng 3 năm 2024

    Võ Thái Hà tổng hợp

    Bắc Triều Tiên tìm cách thắt chặt quan hệ với Trung Quốc, Việt Nam và Lào

    Thu Hằng /RFI

    22/3/2024

    Lần đầu tiên kể từ sau đại dịch Covid-19, Bắc Triều Tiên cử phái đoàn ngoại giao công du ba nước Trung Quốc, Việt Nam và Lào để thắt chặt quan hệ. Phái đoàn đã đến Trung Quốc ngày 21/03/2024 và được ông Vương Hỗ Ninh (Wang Huning), nhân vật số 4 của đảng Cộng Sản Trung Quốc, tiếp đón. 

    North Korean and Chinese flags fly in Pyongyang on June 19, 2019.

    Ảnh minh họa: Bắc Triều Tiên cử một phái đoàn ngoại giao đến Trung Quốc nhằm thắt chặt quan hệ song phương. AFP - ED JONES 

    Dẫn đầu phái đoàn Bắc Triều Tiên là ông Kim Song Nam, ủy viên dự khuyết Bộ Chính Trị kiêm trưởng ban Đối ngoại Trung ương đảng Lao Động Triều Tiên. Ông cũng được chế độ Bình Nhưỡng coi là « chuyên gia về Trung Quốc », thường được cử làm phiên dịch cho các nhà lãnh đạo Kim Nhật Thành và Kim Jong Il.

    Trong cuộc gặp với ủy viên Ban Thường Vụ Bộ Chính Trị - cơ quan lãnh đạo cao nhất của đảng Cộng sản Trung Quốc, ông Kim Song Nam đã bày tỏ mong muốn của Bắc Triều Tiên thắt chặt quan hệ với Trung Quốc. Theo ông, mối quan hệ song phương sẽ « mở ra một chương mới trong lịch sử dưới định hướng chiến lược của hai nhà lãnh đạo ».

    Đài truyền hình Trung ương Trung Quốc, được trang NHK trích dẫn, cho biết ông Vương Hỗ Ninh khẳng định Bắc Kinh sẵn sàng hợp tác với Bình Nhưỡng để tăng cường trao đổi chiến lược, cùng phối hợp xây dựng một môi trường bên ngoài hòa bình và ổn định. Ông Vương Hỗ Ninh dường như cũng đề cập đến tình hình bán đảo Triều Tiêu.

    Trung Quốc là đối tác thương mại lớn và là đồng minh truyền thống của Bình Nhưỡng. Năm 2024 cũng được hai nước chọn làm Năm Hữu nghị CHDC Triều Tiên - Trung Quốc. Theo nhận định của một chuyên gia với đài NHK, Bình Nhưỡng muốn tăng cường mối quan hệ ba bên với Trung Quốc và Nga để làm đối trọng với trục Nhật Bản - Hàn Quốc - Mỹ.

    Trong một bản tin trước đó, cơ quan thông tấn Bắc Triều Tiên KCNA cho biết phái đoàn cũng thăm Việt Nam và Lào, nhưng không nêu mục đích chuyến đi. Đây là chuyến công du hiếm hoi kể từ khi Bắc Triều Tiên đóng cửa chống dịch. Đầu tháng 03, một phái đoàn do thứ trưởng Ngoại Giao Pak Myong Ho đã đến thăm Mông Cổ.

    LHQ thông qua nghị quyết toàn cầu đầu tiên về trí tuệ nhân tạo 

    22/3/2024 

    Reuters 

    Hôm 21/3 LHQ thông qua nghị quyết toàn cầu đầu tiên về trí tuệ nhân tạo.

    Hôm 21/3 LHQ thông qua nghị quyết toàn cầu đầu tiên về trí tuệ nhân tạo. 

    Hôm 21/3, Đại hội đồng Liên Hiệp Quốc nhất trí thông qua nghị quyết toàn cầu đầu tiên về trí tuệ nhân tạo nhằm khuyến khích các nước bảo vệ nhân quyền, bảo vệ dữ liệu cá nhân và giám sát rủi ro của trí tuệ nhân tạo (AI), theo Reuters.

    Các quan chức cấp cao của chính quyền Mỹ cho báo giới biết ngay trước khi nghị quyết được thông qua rằng nghị quyết này phải mất ba tháng để đàm phán và cũng ủng hộ việc tăng cường các chính sách về quyền riêng tư. Nghị quyết không mang tính ràng buộc này do Hoa Kỳ đề xuất và được Trung Quốc cùng 122 quốc gia khác đồng bảo trợ.

    Đại sứ Hoa Kỳ tại LHQ Linda Thomas-Greenfield nói: “Hôm nay, tất cả 193 thành viên của Đại hội đồng LHQ cùng lên tiếng và cùng nhau lựa chọn quản lý trí tuệ nhân tạo thay vì để nó chi phối chúng ta”.

    Nghị quyết này là sáng kiến mới nhất trong một loạt sáng kiến - một số ít trong số đó có hiệu lực - của các chính phủ trên thế giới nhằm định hình sự phát triển của AI, trong bối cảnh có những lo ngại là nó có thể được sử dụng để phá vỡ các quy trình dân chủ, làm tăng mạnh gian lận hoặc dẫn đến mất việc làm hàng loạt, cùng nhiều tác hại khác. 

    Nghị quyết này viết: “Việc thiết kế, phát triển, triển khai và sử dụng hệ thống trí tuệ nhân tạo không đúng hoặc có ác ý … gây ra những rủi ro có thể … làm suy yếu việc bảo vệ, thúc đẩy và hưởng thụ các quyền con người và các quyền tự do cơ bản”. Vào tháng 11/2023, Mỹ, Anh và hơn 10 quốc gia khác đã công bố thỏa thuận quốc tế chi tiết đầu tiên về cách đảm bảo là trí tuệ nhân tạo vẫn an toàn trước những kẻ lừa đảo, thúc đẩy các công ty tạo ra các hệ thống AI “an toàn theo thiết kế”.

    Châu Âu đang đi trước Hoa Kỳ, với việc các nhà lập pháp EU thông qua một thỏa thuận tạm thời trong tháng này để giám sát công nghệ AI. 

    Nhà Trắng tìm cách giảm thiểu rủi ro AI cho người tiêu dùng, người lao động và các nhóm thiểu số, đồng thời củng cố an ninh quốc gia bằng sắc lệnh hành pháp mới vào tháng 10/2023.

    Khi được hỏi liệu các nhà đàm phán có gặp phải sự phản kháng từ Nga hay Trung Quốc hay không, các quan chức Mỹ thừa nhận đã có “rất nhiều cuộc đối thoại nảy lửa ... Nhưng chúng tôi đã tích cực hợp tác với Trung Quốc, Nga, Cuba và các quốc gia khác thường không đồng quan điểm với chúng tôi về các vấn đề”.

    Một quan chức không nêu tên cho biết: “Chúng tôi tin rằng nghị quyết này tạo ra sự cân bằng hợp lý giữa việc thúc đẩy phát triển hơn nữa trong khi tiếp tục bảo vệ nhân quyền”.

    Giống như các chính phủ trên thế giới, các quan chức Trung Quốc và Nga đang háo hức khám phá việc sử dụng các công cụ AI cho nhiều mục đích khác nhau. Tháng trước, Microsoft cho hay họ đã phát hiện tin tặc từ cả hai quốc gia này sử dụng phần mềm OpenAI do Microsoft hậu thuẫn để trau dồi kỹ năng gián điệp.

    IMF ​​đồng ý cho Ukraine vay 880 triệu USD, dự báo chiến tranh dần kết thúc trong năm 2024 

    22/3/2024 

    Reuters 

    IMF hôm 21/3/2024 ​​đồng ý cho Ukraine vay 880 triệu USD.

    IMF hôm 21/3/2024 ​​đồng ý cho Ukraine vay 880 triệu USD. 

    Ban điều hành Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) hôm 21/3 phê duyệt đợt đánh giá thứ ba về chương trình cho Ukraine vay 15,6 tỷ USD, cho phép giải ngân 880 triệu USD để hỗ trợ ngân sách và nâng tổng số tiền giải ngân lên 5,4 tỷ USD, Reuters dẫn thông tin từ IMF cho biết.

    Tổ chức IMF cho hay những rủi ro mà Ukraine phải đối mặt vẫn đặc biệt cao, nhất là những bất ổn xung quanh cuộc chiến với Nga và triển vọng về nguồn tài chính bên ngoài. Mặc dù vậy, người đứng đầu phái bộ của cơ quan này ở Ukraine, ông Gavin Gray, nói rằng quỹ vẫn kỳ vọng cuộc chiến ở Ukraine sẽ dần kết thúc vào cuối năm 2024.

    Ông Gray nói với các phóng viên rằng hiệu suất tổng thể của Ukraine trong chương trình Quỹ mở rộng với IMF vẫn tốt trong năm đầu tiên và Kyiv đã đáp ứng tất cả ngoại trừ một trong các tiêu chí về hiệu quả định lượng. 

    Ukraine sẽ nhận được tiền trong những ngày tới, ông Gray nói. Đó có thể là tin đáng mừng khi Quốc hội Mỹ tiếp tục tranh luận về việc phê duyệt gói viện trợ bổ sung trị giá 61 tỷ USD cho Ukraine. Ông Gray cho biết IMF sẽ phải nghiên cứu tác động lên mức nợ của Ukraine nếu các nhà lập pháp Mỹ quyết định chuyển một phần nguồn tài trợ đó thành khoản vay thay vì trợ cấp.

    IMF nói rằng chương trình cho vay của họ tiếp tục tạo điểm tựa vững chắc cho chương trình kinh tế của Ukraine, chương trình này vẫn đi đúng hướng bất chấp hoàn cảnh vô cùng khó khăn do cuộc chiến của Nga ở Ukraine, hiện đã bước sang năm thứ ba.

    Giám đốc IMF Kristalina Georgieva nói trong một tuyên bố: “Trong thời gian tới, quá trình phục hồi dự kiến sẽ chậm lại phần nào do rủi ro cực kỳ cao đối với triển vọng, chủ yếu xuất phát từ sự bất ổn đặc biệt cao liên quan đến chiến tranh cũng như khả năng chậm trễ trong việc cấp vốn bên ngoài”.

    Đô đốc Mỹ: “Trung Quốc chuẩn bị chiếm Đài Loan vào năm 2027”

    Thanh Tâm, theo RT

    https://vietluan.com.au/wp-content/uploads/2024/03/Admiral-John-C.-Aquilino-111-840x480.jpg

    Đô đốc John C. Aquilino (Ảnh: Samira Bouaou/The Epoch Times) 

    Một quan chức cấp cao của Hải quân Hoa Kỳ đã nói với Quốc hội rằng quân đội Trung Quốc đang tiến hành đáp ứng thời hạn được cho là vào năm 2027 cho một chiến dịch trên bộ ở Đài Loan.

    Bắc Kinh coi hòn đảo tự trị này là một phần của Trung Quốc. Chính sách trước đó của họ là tìm kiếm thống nhất hòa bình, nhưng Trung Quốc cảnh báo rằng họ sẽ dùng đến hành động quân sự nếu chính quyền Đài Loan do Mỹ hậu thuẫn cố gắng tuyên bố độc lập chính thức.

    Hôm thứ Tư (20/3), Đô đốc John Aquilino, người đứng đầu Bộ Tư lệnh Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương của Hoa Kỳ, đã phát biểu tại một phiên họp của Ủy ban Quân vụ Hạ viện Hoa Kỳ về sự sẵn sàng của Quân đội Giải phóng Nhân dân Trung Quốc (PLA) cho kế hoạch chiếm giữ Đài Loan. Trong phần nhận xét đã chuẩn bị sẵn, ông Aquilino gọi Trung Quốc là “chế độ thù địch” và “quốc gia duy nhất có khả năng, năng lực và ý định thay đổi” hiện trạng ở Thái Bình Dương.

    Ông Aquilino nói: “Tất cả các dấu hiệu đều cho thấy PLA đáp ứng chỉ thị của Chủ tịch Tập Cận Bình là sẵn sàng xâm lược Đài Loan vào năm 2027. Hơn nữa, các hành động của PLA cho thấy khả năng của họ đáp ứng mốc thời gian ông Tập ‘ưu tiên’ thống nhất Đài Loan với Trung Quốc đại lục bằng vũ lực nếu được chỉ đạo”.

    Chỉ thị này đã được các quan chức cấp cao của Hoa Kỳ ám chỉ, bao gồm cả Giám đốc CIA William Burns, người đã đề cập nhiều lần vào năm 2023. Các chỉ huy quân sự Mỹ đã gợi ý trong nhiều năm rằng năm 2027 có thể là thời điểm xảy ra xung đột quyết định đối với Đài Loan và năm khả năng 2035 là hạn chót cũng được thảo luận. Tháng 4/2023, tại một phiên điều trần khác của ủy ban, ông Aquilino cho biết ông tin rằng “mọi người đang phán đoán” về vấn đề này.

    Khi được hỏi về đánh giá mới nhất hôm thứ Năm (21/3), phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc Lin Jian đã bác bỏ nỗ lực của “một số người ở Mỹ” nhằm “thổi phồng câu chuyện về mối đe dọa từ Trung Quốc nhằm leo thang căng thẳng trên eo biển và kích động đối đầu”. Ông Lin nói, tình trạng của hòn đảo là vấn đề nội bộ của Trung Quốc.

    Liệu Trump có tìm được nửa tỷ đô đóng phạt từ giờ cho đến thứ Hai?

    Sau khi bị cấm khỏi Twitter (nay là X) và Facebook sau cuộc bạo loạn Đồi Capitol ngày 6 tháng 1 năm 2021, Donald Trump đã bắt đầu nền tảng truyền thông xã hội của riêng mình. Truth Social từng là ngôi nhà cho những tiếng nói “bị kiểm duyệt,” mặc dù nó chưa bao giờ vượt ra khỏi đám đông MAGA (Make America Great Again) của ông. Nó cũng đốt nhiều tiền. Dù vậy giờ nó đã sẵn sàng lên sàn. Vào thứ Sáu, các nhà đầu tư của một công ty mua lại có mục đích đặc biệt sẽ bỏ phiếu về việc có nên sáp nhập với công ty mẹ của Truth Social hay không. Thực thể kết hợp sẽ có vốn hóa thị trường khoảng 6,3 tỷ USD.

    Tin tuyệt vời cho ông Trump, người có số cổ phần lên tới 4,1 tỷ USD. Tuy vậy, khoản tiền trên giấy sẽ không giúp ích gì cho tình trạng khó khăn hiện tại của ông, vì ông không thể bán cổ phần của mình trong sáu tháng. Đến ngày 25 tháng 3, ông phải nộp đủ một khoản tiền thế chân trị giá nửa tỷ đô la để đáp ứng phán quyết trong phiên tòa xét xử gian lận dân sự vừa qua. Sẽ không có công ty trái phiếu nào đứng ra hỗ trợ vì ông không có đủ tiền mặt làm tài sản thế chấp. Do đó, ông đang cầu xin tòa phúc thẩm giảm bớt tiền thế chân.

    Đàm phán an ninh Anh-Australia

    David Cameron và Grant Shapps, bộ trưởng ngoại giao và quốc phòng Anh, sẽ gặp những người đồng cấp Australia, Penny Wong và Richard Marles, tại Adelaide vào thứ Sáu để thảo luận về các vấn đề an ninh. Hôm thứ Năm, hai nước đã ký một thỏa thuận hợp tác quốc phòng giúp lực lượng của họ hoạt động dễ dàng hơn ở nước còn lại.

    Các bộ trưởng dự kiến sẽ thông báo về tiến triển của AUKUS, một thỏa thuận an ninh ba bên với Mỹ. Theo hiệp ước, Anh và Australia đặt mục tiêu sản xuất tàu ngầm chạy bằng năng lượng hạt nhân cho Australia. Trước khi sẵn sàng, các tàu ngầm của Anh và Mỹ sẽ được triển khai tới một căn cứ ở Tây Úc.

    Anh chia sẻ những lo ngại của Australia về các nỗ lực xây dựng quân đội của Trung Quốc và trong chính sách “nghiêng về Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương” đã cố gắng thúc đẩy thương mại với khu vực. Tuy vậy, vai trò của Anh trong AUKUS hầu như không được đề cập đến. Australia chủ yếu trông cậy vào Mỹ để đảm bảo an ninh. Nhưng với khả năng Trump trở thành tổng thống, người Úc ngày càng lo ngại về độ tin cậy của đối tác AUKUS chính của họ.

    Quốc hội Đức sẽ bỏ phiếu về việc hợp pháp hoá cần sa

    Bundesrat, Thượng viện của quốc hội Đức, sẽ bỏ phiếu vào thứ Sáu về một đạo luật được chờ đợi từ lâu để hợp pháp hóa cần sa. Các thành viên của viện này đại diện cho 16 bang của đất nước, và một số bang phản đối hợp pháp hoá. Họ không thể sửa đổi hoặc chặn dự luật, vì Hạ viện quyền lực hơn đã thông qua nó và nó sẽ có hiệu lực từ ngày 1 tháng 4. Nhưng Thượng viện có thể chuyển vấn đề này sang một ủy ban “hòa giải,” qua đó khiến nó bị trì hoãn lâu dài.

    Đáp lại hàng triệu người sử dụng cần sa, liên minh cầm quyền ba đảng hứa sẽ hợp pháp hóa loại chất kích thích này khi lên nắm quyền vào năm 2021. Dự luật của họ sẽ cho phép người lớn mang tới 25g cần sa, trồng ba cây tại nhà, và tham gia các câu lạc bộ đã đăng ký để trồng nhiều hơn vì mục đích sử dụng cá nhân. Tuy nhiên, các nhà tâm lý học cảnh báo các chủng cần sa mới mạnh hơn có thể gây tổn hại đến sức khỏe tâm thần. Các thẩm phán cũng lập luận rằng hàng ngàn người bị kết án theo luật cũ sẽ yêu cầu được ân xá. Để giải quyết những lo ngại đó, chính phủ hứa sẽ tăng cường tư vấn về chất kích thích và giúp đỡ các thẩm phán để giải quyết các trường hợp mới.

    US vs Apple: Tại sao nước Mỹ đưa con khủng long Apple ra pháp đình?

    Minh An/SGN

    21/3/224

    https://saigonnhonews.com/wp-content/uploads/2024/03/GettyImages-1281773962.jpg

    Ảnh: Ming Yeung/Getty Images 

    15 tiểu bang, trong đó có California, New York, Tennessee… cùng District of Columbia và Bộ Tư pháp Hoa Kỳ đã cáo buộc Apple vi phạm luật chống độc quyền liên bang. 

    Đơn kiện, được đệ trình lên Tòa New Jersey, qui kết Apple việc kinh doanh độc quyền một cách bất hợp pháp trên thị trường điện thoại thông minh bằng nhiều thủ đoạn ma mãnh. Vụ kiện nhắm thẳng vào sản phẩm phổ biến và sinh lợi nhất của công ty: iPhone – át chủ bài đã giúp nâng định giá của Apple lên hơn $2.7 nghìn tỷ.

    Thay vì cạnh tranh với các đối thủ bằng cách cung cấp những dịch vụ giá cả phải chăng hơn, Apple đã áp đặt hàng loạt quy tắc nhằm “xây dựng và củng cố rào chắn độc quyền”, khi Apple không chỉ loại các đối thủ khỏi hệ sinh thái của họ mà còn khống chế gần như tuyệt đối trải nghiệm người dùng trên iPhone, khiến công ty có lợi thế trước các đối thủ một cách không công bằng. Vụ kiện là động thái mạnh mẽ nhất của chính phủ liên bang nhằm đánh bật sự thống trị của Apple trên thị trường.

    “Apple đã củng cố quyền lực độc quyền không phải bằng cách làm cho sản phẩm của họ tốt hơn mà bằng cách làm cho các sản phẩm khác trở nên tồi tệ hơn”, Bộ trưởng Tư pháp Hoa Kỳ Merrick Garland nói trong cuộc họp báo ngày 21 Tháng Ba 2024. Tim Wu, giáo sư Trường Luật Columbia, từng là cố vấn chính sách công nghệ của Tổng thống Joe Biden, nói rằng đơn kiện “đánh trực tiếp vào con đường chính” khi nhắm vào át chủ bài trong đế chế khổng lồ của Apple: iPhone, “khiến bây giờ mọi người nhìn chằm chằm vào điện thoại và tự hỏi: Làm thế nào Apple có thể duy trì tỷ suất lợi nhuận trong thời gian dài khi điện thoại Android thường rẻ hơn?”

    Con khủng long Apple lâu nay đã bị tai tiếng việc chèn ép và phá tan nát các công ty nhỏ bằng cách cấm những nhà viết ứng dụng (app maker) sử dụng hệ thống thanh toán bên ngoài, trong khi lại tính phí giao dịch với họ với giá cắt cổ.

    Mới đây, thượng tuần Tháng Ba 2024, châu Âu đã phạt Apple gần $2 tỷ, cáo buộc họ “lạm dụng” ảnh hưởng đối với các nền tảng phát nhạc (music streaming platform), ngăn cản các nhà viết ứng dụng (app developer) thông báo cho người dùng về các dịch vụ “thay thế và rẻ hơn”. Apple là một trong sáu gã khổng lồ công nghệ phải chịu các hạn chế cạnh tranh nghiêm ngặt theo bộ quy tắc mới và sâu rộng của châu Âu, gọi là Đạo luật Thị trường Kỹ thuật số (Digital Markets Act), dẫn đến khả năng có thể buộc Apple phải chấp nhận mở cửa cho các dịch vụ bên ngoài được cài đặt trên thiết bị của họ.

    Trở lại với đơn kiện tại Mỹ. Hồ sơ kiện cho biết iPhone thống trị hơn 70% thị trường điện thoại thông minh cao cấp. Vấn đề ở chỗ Apple sử dụng nhiều “trò đểu” nhằm vào người tiêu dùng sử dụng điện thoại Android. Cụ thể, các cuộc trò chuyện giữa người dùng iPhone và người dùng Android không được mã hóa, video có độ nhiễu cao hơn… Tất cả nhằm khiến cho người tiêu dùng “có cảm giác” thiết bị iPhone “ngon” hơn “hàng Android”.

    Một cách tổng quát, bằng cách kiểm soát chặt trải nghiệm người dùng trên iPhone và các thiết bị được sản xuất từ lò Apple, con khủng long công nghệ này đã tạo ra một sân chơi không bình đẳng, nơi Apple cấp cho các sản phẩm và dịch vụ của mình quyền truy cập vào những tính năng cốt lõi mà đối thủ cạnh tranh không thể có. Lâu nay, ai cũng biết rằng cái gọi là “hệ sinh thái” (ecosystem) của Apple là một đế chế khổng lồ và độc quyền tuyệt đối và người dùng luôn bị ràng buộc, chính xác hơn là trói buộc, vào “lãnh thổ” này.

    Chẳng có đối thủ nào có thể lọt được vào “hệ sinh thái” của Apple. Nhiều năm qua, Apple đã hạn chế quyền truy cập của các công ty tài chính vào chip thanh toán lẫn kết nối Bluetooth của iPhone để khai thác tính năng dịch vụ định vị (location-service feature) trên iPhone. Và như đã nói, ai xài iPhone thì chỉ có thể kết nối với những thiết bị được sản xuất từ lò Apple, chẳng hạn đồng hồ thông minh, máy tính xách tay, máy tính bảng (tablet)…, hơn là với sản phẩm của các nhà sản xuất khác.

    Đơn kiện yêu cầu tòa phải buộc Apple chấm dứt những trò độc quyền hiện tại, trong đó có việc chặn các ứng dụng phát trực tuyến (cloud-streaming app) hoặc gây khó trong việc tạo ra các giải pháp thay thế ví kỹ thuật số. Một quan chức Bộ Tư pháp Hoa Kỳ cho biết, theo luật, Bộ Tư pháp có quyền yêu cầu thay đổi cơ cấu hoạt động kinh doanh của Apple – trong đó có việc “chẻ nhỏ” tập đoàn. Vụ kiện chắc chắn kéo dài nhiều năm.

    Apple là công ty mới nhất mà chính phủ liên bang đang cố kiểm soát trước làn sóng áp lực chống độc quyền những năm gần đây từ Bộ Tư pháp lẫn Ủy ban Thương mại Liên bang. Google, Meta và Amazon đều đang đối mặt những vụ kiện chống độc quyền tương tự, trong khi các công ty như Kroger và JetBlue Airways chịu sự giám sát chặt chẽ hơn về những hoạt động sáp nhập trong tương lai.

    Cụ thể, Ủy ban Thương mại Liên bang đã đệ đơn kiện, cáo buộc Meta, công ty sở hữu Facebook, cản trở cạnh tranh khi mua Instagram và WhatsApp; và một vụ kiện khác cáo buộc Amazon lạm dụng quyền lực đối với sân chơi bán lẻ trực tuyến. Năm 2019, dưới thời Tổng thống Donald Trump, các cơ quan liên bang đã mở các cuộc điều tra chống độc quyền nhằm vào Google, Meta, Amazon và Apple. Chính quyền Biden thậm chí dồn nhiều công sức hơn cho việc này.


    Không có nhận xét nào