Header Ads

  • Breaking News

    Thời sự đó đây ngày Thứ hai 25 tháng 3 năm 2024

    Võ Thái Hà tổng hợp

    Manila triệu đại diện Trung Quốc để phản đối sự cố ở Bãi Cỏ Mây 

    25/3/2024 

    VOA Tiếng Việt 

    Hình ảnh do quân đội Philippines cung cấp cho thấy tàu hải cảnh Trung Quốc phun vòi rồng vào tàu tiếp tế của Philippine ra Bãi Cỏ Mây

    Hình ảnh do quân đội Philippines cung cấp cho thấy tàu hải cảnh Trung Quốc phun vòi rồng vào tàu tiếp tế của Philippine ra Bãi Cỏ Mây 

    Philippines hôm 25/3 đã triệu tập đại biện Trung Quốc để phản đối ‘các hành động gây hấn’ trên Biển Đông hồi cuối tuần qua trong lúc Bộ trưởng Quốc phòng Philippines thách Bắc Kinh đưa yêu sách chủ quyền thái quá của họ ra trọng tài quốc tế.

    Bộ Ngoại giao Philippines cáo buộc hải cảnh Trung Quốc dùng vòi rồng phun vào một tàu dân sự tiếp tế cho binh lính của họ đóng tại Bãi Cỏ Mây (Second Thomas Shoal) hôm 23/3, mà họ cho biết đã làm hư hại con tàu và làm một số người trên tàu bị thương, vụ việc mới nhất trong một loạt những căng thẳng bùng phát trong năm qua.

    “Việc Trung Quốc tiếp tục can thiệp vào các hoạt động thường xuyên và hợp pháp của Philippines trong vùng đặc quyền kinh tế (EEZ) của chúng tôi là không thể chấp nhận được,” Bộ Ngoại giao Philippines ra tuyên bố nói, trong đó cho biết đại biện lâm thời ở Đại sứ quán Trung Quốc đã bị triệu tập và Manila cũng đã phản đối qua con đường ngoại giao ở Bắc Kinh.

    “Hành động đó vi phạm quyền chủ quyền và quyền tài phán của Philippines,” tuyên bố nói và yêu cầu các tàu Trung Quốc rời khỏi khu vực.

    Lực lượng hải cảnh Trung Quốc hôm 23/3 cho biết họ đã thực hiện các biện pháp cần thiết đối với các tàu Philippines xâm nhập vào vùng biển của họ.

    Bộ Ngoại giao Trung Quốc hôm 25/3 nhấn mạnh rằng Philippines đã nuốt lời hứa rằng họ sẽ kéo chiếc tàu chiến mắc cạn ra khỏi Bãi Cỏ Mây, và điều này ‘vi phạm các cam kết mà họ đã nhiều lần nói với Trung Quốc’.

    Nhưng Philippines đã nói đi nói lại rằng họ không hề cam kết như vậy và tuyên bố sẽ không từ bỏ vị trí tại Bãi Cỏ Mây.

    Trung Quốc đã triển khai hàng trăm tàu hải cảnh trên khắp Biển Đông để tuần tra trong vùng biển mà họ cho là của họ, bất chấp phán quyết của Tòa Trọng tài Thường trực hồi năm 2016 đối với vụ vụ kiện do Manila đưa lên rằng yêu sách chủ quyền của Bắc Kinh này không có cơ sở theo luật pháp quốc tế. Trung Quốc đã bác bỏ phán quyết này.

    Các quan chức an ninh hàng đầu của Philippines hôm 25/3 đã triệu tập một cuộc họp bàn về sự cố để đưa ra các khuyến nghị cho Tổng thống Ferdinand Marcos Jr về cách xử lý tiếp theo.

    Washington tuyên bố đứng về phía Philippines và lên án ‘những hành động nguy hiểm’ của Trung Quốc. Nhật, Anh, Pháp, Đức, Canada và Úc cũng đưa ra tuyên bố ủng hộ Philippines.

    “Mỹ không phải là một bên tranh chấp ở Biển Đông nhưng đã liên tục can thiệp, kích động các vấn đề tranh chấp trên biển giữa Trung Quốc và Philippines,” phát ngôn nhân Bộ Ngoại giao Trung Quốc Lâm Kiếm lên tiếng trong cuộc họp báo hôm 25/3.

    Trong phát ngôn có thể chọc giận Bắc Kinh, Bộ trưởng Quốc phòng Philippines Gilberto Teodoro hôm 25/3 đề nghị Trung Quốc nên chứng tỏ tính thuyết phục của yêu sách chủ quyền của mình thông qua trọng tài.

    “Nếu Trung Quốc không ngại nêu yêu sách với thế giới, thì tại sao chúng ta không phân xử theo luật pháp quốc tế?” ôngTeodoro nói trước báo giới.

    Va chạm trên Biển Đông, Philippines 'thách' Trung Quốc ra tòa quốc tế

    BBC News

    25/3/2024

    Đụng độ ở Biển Đông

    Nguồn hình ảnh, Getty Images

    Chụp lại hình ảnh, 

    Tàu tiếp tế của Hải quân Philippines bị tàu Cảnh sát biển Trung Quốc chặn vào đầu tháng 3/2024. 

    Bộ trưởng Quốc phòng Philippines Gilberto Teodoro hôm 25/3 đã lên tiếng 'thách' Trung Quốc đem yêu sách về chủ quyền Biển Đông ra trọng tài quốc tế.

    Trước đó, vào Chủ nhật 24/3, Bộ trưởng Quốc Phòng Trung Quốc đã cảnh báo Philippines không nên có những động thái "khiêu khích" và nói rằng Trung Quốc sẽ bảo vệ chủ quyền lãnh thổ của mình. 

    Tuyên bố được đưa ra một ngày sau khi xảy ra cuộc đụng độ ở vùng biển tranh chấp trên Biển Đông. 

    Theo đó, vào ngày 23/3, tàu cảnh sát biển Trung Quốc đã dùng vòi rồng để tấn công tàu Philippines tại Bãi Cỏ Mây (Bãi cạn Second Thomas), làm hư hại nặng nề tàu này cũng như khiến một số thủy thủ bị thương. 

    Philippines gọi những hành động này là "vô trách nhiệm và khiêu khích".

    Lực lượng làm nhiệm vụ của Philippines trên Biển Đông cho biết cảnh sát biển Trung Quốc còn dùng vòi rồng để tấn công một tàu dân sự được thuê để tiếp tế cho quân đội. 

    "Chúng tôi cảnh báo Philippines ngừng đưa ra bất kỳ bình luận nào có thể dẫn tới gia tăng xung đột và khiến tình hình leo thang cũng như ngưng mọi hành động vi phạm và khiêu khích," Bộ Quốc phòng Trung Quốc tuyên bố sau khi xảy ra sự việc.

    "Nếu Philippines liên tục thách thức giới hạn của Trung Quốc, Trung Quốc sẽ tiếp tục thực hiện các biện pháp cứng rắn và quyết đoán để bảo vệ vững chắc chủ quyền lãnh thổ cũng như quyền và lợi ích hàng hải của mình."

    Va chạm trên Biển Đông

    Nguồn hình ảnh, Maxar/Getty Images

    Chụp lại hình ảnh, 

    Tàu tiếp tế Philippines đụng độ tàu cảnh sát biển Trung Quốc hôm 23/3.

    Đáp trả lại tuyên bố từ phía Trung Quốc, Bộ trưởng Quốc phòng Philippines Gilberto Teodoro đã lên tiếng "thách thức" Trung Quốc đem yêu sách về chủ quyền Biển Đông ra trọng tài quốc tế và khẳng định Manila sẽ không thay đổi quan điểm của mình. 

    "Nếu Trung Quốc không ngại tuyên bố chủ quyền của mình với thế giới, thì tại sao chúng ta không phân xử theo luật pháp quốc tế?" ông Teodoro nói với các phóng viên. 

    Cố vấn an ninh quốc gia Philippines đã triệu tập một cuộc họp cấp cao gồm các quan chức an ninh hàng đầu vào thứ Hai 25/3 về vụ việc để chuẩn bị các khuyến nghị trình lên Tổng thống Ferdinand Marcos Jr về các giải pháp nhằm giải quyết tranh chấp.

    Trung Quốc tuyên bố chủ quyền gần như toàn bộ Biển Đông, bao gồm cả Bãi Cỏ Mây, nằm trong vùng đặc quyền kinh tế của Philippines. 

    Bắc Kinh đã triển khai hàng trăm tàu cảnh sát biển trên khắp Biển Đông để tuần tra những khu vực mà họ coi là của mình, bất chấp Tòa án Trọng tài Thường trực năm 2016 đã tuyên bố rõ ràng rằng yêu sách của Trung Quốc không có cơ sở theo luật pháp quốc tế.

    "Chính họ là những người đã xâm phạm vào lãnh thổ của chúng tôi. Không quốc gia nào tin vào tuyên bố của họ và đây là cách mà họ dùng vũ lực, đe dọa và khiến Philippines phải khuất phục theo tham vọng của họ," ông Teodoro nói. 

    Nga đã phớt lờ thông tin tình báo về khủng bố do Mỹ chia sẻ?

    Tác giả, Gordon Corera

    Phóng viên An ninh, BBC News

    24 tháng 3 2024

    Người dân bên ngoài nhà hát Crocus City Hall

    Nguồn hình ảnh, AFP

    Chụp lại hình ảnh, 

    Người dân đang đứng gần nhà hát Crocus City Hall khi vụ tấn công xảy ra

    Luôn có những câu hỏi xuất hiện sau bất kỳ vụ tấn công nào, chẳng hạn tại sao không thể ngăn chặn hay phát hiện. Vụ tấn công tại Moscow đã đặt ra những vấn đề khó khăn cho Tổng thống Nga Vladimir Putin trong thời điểm căng thẳng và mất niềm tin với quốc tế. Và mấu chốt là từ lời cảnh báo do Washington đưa ra.

    Tổng thống Nga Vladimir Putin cho biết tất cả bốn tay súng thực hiện vụ tấn công đã bị bắt giữ.

    Ít nhất 133 người chết và hơn 40 người bị thương khi những kẻ tấn công xông vào nhà hát Crocus City Hall, nổ súng trong một buổi biểu diễn nhạc rock.

    Chính quyền Nga cho biết tổng cộng 11 người đã bị bắt giữ và bốn tay súng bị bắt khi trốn chạy về hướng Ukraine. Tổ chức Nhà nước Hồi giáo (IS) đã lên tiếng nhận trách nhiệm về vụ tấn công.

    Phát biểu trên truyền hình, ông Putin lên án vụ tấn công, được xem chết chóc nhất tại Nga trong gần 20 năm qua, gọi đây là một "hành động khủng bố man rợ" và lặp lại lời tuyên bố trước đó của cơ quan an ninh Nga là những tên tấn công đã tìm cách tháo chạy sang Ukraine.

    Kyiv bác bỏ cáo buộc có liên quan đến vụ tấn công này, gọi cáo buộc của ông Putin là chuyện "ngu xuẩn".

    Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky cáo buộc Putin "đổ tội" Ukraine cho vụ tấn công.

    "Một Putin vô dụng, thay vì giải quyết vấn đề cho công dân Nga, đối diện với họ, thì lại im lặng trong một ngày để nghĩ cách đổ tội cho Urkaine," ông Zelensky nói.

    Cảnh báo ngày 7/3 từ Mỹ được phát đi dành cho công dân của họ là một thông tin cụ thể một cách bất thường. Cảnh báo này đưa ra khả năng "những kẻ cực đoan" đã "có những kế hoạch sát sườn nhằm vào các địa điểm tập trung đông người ở Moscow" và đặc biệt đề cập đến các buổi hòa nhạc. 

    Cảnh báo này có nội dung khuyến cáo công dân Mỹ ở Moscow tránh xa các sự kiện tập trung đông người trong vòng 48 giờ tới.

    Thời điểm có thể không như trong cảnh báo, nhưng các chi tiết khác thì rất trùng khớp với các sự kiện hôm 22/3. Dường như Washington rõ ràng đã có thông tin tình báo và cho thấy sự liên quan của Nhà nước Hồi giáo (IS) - nhóm đã phát đi tuyên bố cho biết mình đứng đằng sau vụ tấn công tại Moscow.

    Ngoài việc phát đi cảnh báo công khai cho công dân nước mình, phía Mỹ cũng cho biết đã liên lạc trực tiếp với chính phủ Nga.

    "Chính phủ Mỹ cũng đã chia sẻ thông tin này với giới chức Nga theo chính sách 'nghĩa vụ cảnh báo' đã có từ lâu của chúng tôi," một quan chức Mỹ nói trong một thông cáo được đưa ra sau vụ tấn công.

    Hiện có những kênh chia sẻ thông tin tình báo giữa các nước - thậm chí giữa các quốc gia vốn không phải là đồng minh - đặc biệt khi có liên quan đến các vụ tấn công có thể nhằm vào dân thường.

    Nhưng vấn đề là Moscow đã bỏ qua những lời cảnh báo đó.

    Ba ngày sau vụ tấn công, Tổng thống Nga Vladimir Putin đã phát biểu trước ban lãnh đạo của Tổng Cục An ninh Liên bang Nga (FSB), cơ quan có nhiệm vụ bảo vệ quốc gia. 

    Ông nói với các lãnh đạo của cơ quan an ninh này rằng ưu tiên hàng đầu là hỗ trợ chiến dịch quân sự đặc biệt - cụm từ chính thức mà ông dùng để chỉ cuộc xâm lược toàn diện nhằm vào Ukraine.

    Tổng thống Nga cáo buộc Ukraine đã chuyển sang cái mà ông ta gọi là "những chiến thuật khủng bố". Putin cũng đề cập trực tiếp điều mà ông ta gọi là "những tuyên bố mang tính khiêu khích" từ phương Tây về các vụ tấn công có thể xảy ra bên trong lòng nước Nga.

    Putin nói các cảnh báo ấy "giống như lời hăm dọa thẳng thừng và nhằm mục đích làm xã hội của chúng ta lo sợ và bất ổn".

    Tổng thống Nga Vladimir Putin phát biểu trước người dân Nga theo sau cuộc tấn công khủng bố tại Nhà hát Crocus ở Moscow

    Nguồn hình ảnh, EPA

    Chụp lại hình ảnh, 

    Tổng thống Nga Vladimir Putin phát biểu trước người dân Nga sau cuộc tấn công khủng bố tại nhà hát Crocus City Hall ở Moscow

    Điều này cho thấy chuyện Mỹ và Nga mất niềm tin đồng nghĩa Moscow có thể đã không muốn lắng nghe và thay vào đó nhận thấy những lời cảnh báo là một phần nỗ lực nhằm đe dọa Nga, liên quan đến cuộc chiến tranh Ukraine.

    Chúng ta vẫn chưa biết được chính xác bản chất thông tin mà phía Mỹ có được hoặc đã chuyển đi (cho Nga) hay mức độ rõ ràng của thông tin ấy. Thông tin tình báo có thể không rõ ràng và vì thế khó giúp đưa ra biện pháp đối phó.

    Nhưng phía Mỹ cũng có cơ chế thu thập thông tin tình báo rộng lớn và theo dõi IS chặt chẽ. 

    ISIS-K, một nhánh của IS bị tình nghi thực hiện vụ tấn công tại Moscow, cũng liên quan đến một vụ tấn công khác nhằm vào quân Mỹ và dân thường tại sân bay Kabul ở Afghanistan hồi tháng 8/2021, cũng như các đợt đánh bom chết người gần đây tại Iraq.

    Nếu như thông tin tình báo được chia sẻ với phía Nga là đáng tin cậy và cụ thể về IS, thì FSB và Putin khó bề biện minh cho việc đã không xem xét cảnh báo của Mỹ một cách nghiêm túc hơn.

    Và nếu câu chuyện là thế thì có lẽ sẽ dễ dàng hơn đối với Moscow khi cho rằng cuộc tấn công có liên quan đến Ukraine theo một cách nào đó, nhằm điều hướng chỉ trích và giúp gia tăng sự ủng hộ cho cuộc chiến của Nga ở Ukraine, thay vì thừa nhận việc họ có thể đã phớt lờ thông tin tình báo từ phía Mỹ.

    Số người chết trong vụ xả súng tại nhà hát ở Nga tăng lên 137 

    24/03/2024 

    Reuters 

    Một người phụ nữ đặt hoa tại nơi tưởng niệm nạn nhân vụ xả súng ở Simferopol, Crimea, hôm 24/3.

    Một người phụ nữ đặt hoa tại nơi tưởng niệm nạn nhân vụ xả súng ở Simferopol, Crimea, hôm 24/3. 

    Chính quyền Nga đưa ra con số người chết trong vụ xả súng hàng loạt hôm 22/3 tại một nhà hát ở ngoại ô Moscow là 137 người, trong đó có 3 trẻ em, tăng so với ước tính trước đó là 133, Ủy ban Điều tra cho biết hôm 24/3.

    Ủy ban này cũng cho biết rằng 62 thi thể đã được nhận dạng.

    Nhóm phiến quân Hồi giáo Nhà nước Hồi giáo đã nhận trách nhiệm về vụ xả súng hôm 22/3, nhưng có dấu hiệu cho thấy Nga đang tìm cách gắn vụ này với Ukraine bất chấp sự phủ nhận mạnh mẽ từ các quan chức Ukraine rằng Kyiv không có liên quan gì đến việc này.

    Tổng thống Vladimir Putin tuyên bố ngày quốc tang sau khi cam kết truy lùng và trừng phạt tất cả những kẻ đứng sau vụ tấn công.

    “Tôi bày tỏ lời chia buồn sâu sắc, chân thành tới tất cả những người đã mất người thân”, ông Putin nói trong bài phát biểu trước quốc dân hôm 23/3, bình luận công khai đầu tiên của ông về vụ tấn công. “Cả nước và toàn thể nhân dân chia sẻ nỗi đau với các bạn”.

    Nhà nước Hồi giáo đã tuyên bố chịu trách nhiệm về vụ tấn công hôm 22/3, nhưng ông Putin chưa công khai đề cập đến nhóm phiến quân Hồi giáo này có liên quan đến những kẻ tấn công mà ông cho rằng đã cố gắng trốn sang Ukraine. Ông khẳng định rằng một số người ở "phía Ukraine" đã chuẩn bị đưa họ qua biên giới.

    Ukraine đã nhiều lần phủ nhận bất kỳ vai trò nào trong vụ tấn công, mà ông Putin cũng đổ lỗi cho "khủng bố quốc tế".

    Nga đã để cờ rủ hôm 24/3 để tưởng nhớ nhiều người bị bắn chết bằng vũ khí tự động tại một buổi hòa nhạc rock ở ngoại ô Moscow trong vụ tấn công đẫm máu nhất ở Nga trong hai thập kỷ.

    Mọi người đặt hoa tại Crocus City Hall, nhà hát 6.200 chỗ ngồi ở ngoại ô Moscow, nơi bốn người đàn ông có vũ trang xông vào hôm 22/3 ngay trước khi nhóm nhạc rock thời Liên Xô tên là Picnic biểu diễn bản hit “Afraid of Nothing”.

    Đây là cuộc tấn công đẫm máu nhất vào lãnh thổ Nga kể từ cuộc bao vây trường học Beslan năm 2004, khi phiến quân Hồi giáo bắt hơn 1.000 người, trong đó có hàng trăm trẻ em, làm con tin.

    Tình hình kinh tế Singapore

    Singapore sẽ công bố dữ liệu lạm phát vào thứ Hai. Lạm phát cơ bản, tức không tính giá thực phẩm và năng lượng dễ biến động, đạt mức trung bình 4,2% trong năm ngoái. Trong tháng 1, con số này giảm xuống 3,1% so với cùng kỳ năm, nhưng dữ liệu của tháng 2 dự kiến tăng sau khi chi tiêu tiêu dùng tăng trong Tết Nguyên đán. hồi tháng 2, phó thủ tướng Hoàng Tuần Tài cảnh báo lạm phát vẫn ở mức cao. Ông đã công bố gói hỗ trợ để giúp người dân Singapore đối phó với giá cả tăng cao sau khi nước này tăng thuế hàng hóa và dịch vụ lên 9% vào tháng 1.

    Singapore kỳ vọng sản lượng sẽ tăng 1-3% trong năm nay, nhưng chính phủ cũng cảnh báo về những rủi ro toàn cầu “đáng kể.” Đối với nền kinh tế phụ thuộc vào thương mại của Singapore, một vấn đề quan trọng nữa là gián đoạn chuỗi cung ứng do các cuộc chiến ở Ukraine và Gaza. Tuy vậy, các chuyên gia được ngân hàng trung ương Singapore khảo sát đã nâng dự báo GDP của họ trong năm nay, chủ yếu nhờ sản xuất và xây dựng tăng trưởng nhanh hơn dự kiến.

    Phó tổng thống Mỹ chật vật tìm cách giải quyết vấn đề biên giới

    Vào thứ Hai, phó tổng thống Mỹ Kamala Harris sẽ chào đón Bernardo Arévalo, tổng thống mới nhậm chức của Guatemala, tới Nhà Trắng để nói về vấn đề di cư Trung Mỹ. Chính quyền Arévalo đang cố gắng tham gia lại vào hoạt động ngoại giao quốc tế và làm việc với các quan chức Mỹ để cải thiện điều kiện kinh tế trong nước, từ đó làm cho ít người cảm thấy phải rời đi hơn.

    Khi bà Harris được chọn làm người phụ trách chính sách biên giới của Joe Biden ba năm trước, bà được giao nhiệm vụ giải quyết “nguyên nhân gốc rễ” của tình trạng di cư ở các quốc gia Tam giác phía Bắc như El Salvador, Guatemala, Honduras. Nhưng khi số lượng người vượt biên tăng lên mức cao kỷ lục, bà phải hứng chịu nhiều chỉ trích vì cách tiếp cận thiếu bao quát này. Người di cư từ Tam giác phía Bắc chiếm tỷ lệ đến ít hơn nhiều so với trước đây. Vào tháng 12, lực lượng tuần tra biên giới của Hoa Kỳ đã chặn khoảng 60.000 người di cư từ vùng này – nhưng người từ những nơi khác lên tới 190.000. Bản chất đang thay đổi của cuộc khủng hoảng biên giới ở Mỹ khiến công tác tranh cử của chính quyền Biden càng trở nên khó khăn hơn.

    Ngày Tự do của Belarus

    Vào thứ Hai, người dân Belarus sẽ kỷ niệm Ngày Tự do, một ngày lễ không chính thức kỷ niệm sự kiện nhà nước Belarus độc lập đầu tiên xuất hiện vào năm 1918 sau 150 năm bị Nga chiếm đóng. Nó bị tổng thống Alexander Lukashenko, một đồng minh thân cận của Vladimir Putin, bác bỏ. Do đó, việc tôn vinh nó đã trở thành một cách để những người chỉ trích ông nói lên tiếng nói của họ.

    Rất ít người trong nước sẽ công khai chống lại ông. Theo Tổ chức Theo dõi Nhân quyền, nhà độc tài người Belarus đã trấn áp những người bất đồng chính kiến và bỏ tù khoảng 1.500 tù nhân chính trị. Và với cuộc bầu cử tổng thống sắp diễn ra vào năm tới, ông Lukashenko đang kiềm chế xã hội dân sự.

    Thay vào đó, Ngày Tự do sẽ được đánh dấu bằng việc ngày càng có nhiều người Belarus rời bỏ đất nước – khoảng 1/10 dân số kể từ khi ông Lukashenko lên nắm quyền vào năm 1994. Lãnh đạo phe đối lập, Sviatlana Tsikhanouskaya, bản thân đang sống lưu vong, khuyến khích họ viết thư cho tù nhân chính trị và treo cờ Belarus. Điều đó không thể thay thế được tự do.

    Châu Âu mở chuyến tàu thẳng nối Praha với Brussels

    Hãng âm nhạc điện tử Đức Kraftwerk đã mơ tưởng về một “Tàu tốc hành xuyên châu Âu” từ năm 1977. Vào thứ Hai, cuối cùng châu Âu cũng có được điều đó: một chuyến tàu qua đêm kéo dài 15 tiếng rưỡi nối Brussels với Praha. Hành trình dài 720km này thường được thực hiện bởi một số chuyến bay hàng ngày, mất ít hơn khoảng 14 giờ so với đi tàu. Nhưng máy bay không được ưa chuộng bởi những người quan tâm đến lượng khí thải carbon của chúng (và xe lửa vẫn có sức hấp dẫn lãng mạn đối với nhiều người).

    Khởi hành vào đầu giờ tối ba lần một tuần, tàu sẽ chạy qua Antwerp, Rotterdam, Berlin, Dresden và hàng chục điểm dừng khác trước khi đến Praha ngay trước 11 giờ sáng. Luôn có sẵn các toa xe ngủ, chắc chắn sẽ chứa đầy du khách.

    Du lịch hàng không giá rẻ đã khiến các chuyến tàu đêm từng phổ biến ở châu Âu gần như tuyệt chủng. Nhưng chúng đang bước vào một thời kỳ phục hưng, một phần nhờ vào đầu tư của nhà nước. Một tuyến Paris-Berlin đã được triển khai vào năm ngoái, và tuyến tàu nối Amsterdam và Barcelona được lên kế hoạch triển khai vào năm 2025.

    Israel bao vây thêm hai bệnh viện ở Gaza, yêu cầu sơ tán 

    24/03/2024 

    Reuters 

    Khói bốc lên trong cuộc đột kích của Israel vào bệnh viện Al-Shifa và khu vực xung quanh bệnh viện tại Gaza vào ngày 20/3/2024.

    Khói bốc lên trong cuộc đột kích của Israel vào bệnh viện Al-Shifa và khu vực xung quanh bệnh viện tại Gaza vào ngày 20/3/2024. 

    Lực lượng Israel đã bao vây thêm hai bệnh viện ở Gaza hôm 24/3, khống chế các đội y tế dưới làn đạn dữ dội, Tổ chức Trăng lưỡi liềm Đỏ Palestine cho biết, và Israel nói rằng họ đã bắt giữ 480 chiến binh trong các cuộc đụng độ tiếp tục diễn ra tại bệnh viện chính là Al Shifa ở Gaza.

    Lực lượng Israel cho biết rằng các bệnh viện ở vùng đất của Palestine, nơi chiến tranh đang hoành hành trong hơn 5 tháng, thường xuyên được sử dụng làm thành trì của phiến quân Hamas, nơi đặt các căn cứ và vũ khí. Hamas và nhân viên y tế phủ nhận điều này.

    Tổ chức Trăng lưỡi liềm Đỏ Palestine cho biết rằng một nhân viên của họ đã thiệt mạng khi xe tăng Israel bất ngờ tiến vào các khu vực xung quanh bệnh viện Al-Amal và Nasser ở thành phố Khan Younis phía nam, trong bối cảnh oanh kích và đọ súng dữ dội.

    Lực lượng thiết giáp của Israel đã phong tỏa Bệnh viện Al-Amal và thực hiện các hoạt động tấn công trên diện rộng ở khu vực lân cận, Tổ chức Trăng lưỡi liềm Đỏ cho biết trong một tuyên bố và cho biết thêm: "Tất cả các đội của chúng tôi hiện đang gặp nguy hiểm cao độ và hoàn toàn bị bất động”.

    Tổ chức này nói rằng các lực lượng Israel hiện đang yêu cầu sơ tán hoàn toàn nhân viên, bệnh nhân và những người thất tán phải sơ tán khỏi khuôn viên của Al Amal và đang bắn bom khói vào khu vực để buộc những người cư ngụ ở đó phải sơ tán.

    Quân đội Israel cho biết lực lượng của họ đang tấn công vào "cơ sở hạ tầng" ở Khan Younis được sử dụng làm điểm tập trung của nhiều chiến binh. Hamas phủ nhận việc sử dụng bệnh viện cho mục đích quân sự và cáo buộc Israel phạm tội ác chiến tranh nhắm vào các mục tiêu dân sự.

    Bộ Y tế ở Gaza do Hamas điều hành cho biết rằng hàng chục bệnh nhân và nhân viên y tế đã bị lực lượng Israel giam giữ tại Al Shifa ở thành phố Gaza ở phía bắc, vốn nằm dưới sự kiểm soát của Israel trong một tuần.

    Al Shifa là một trong số ít cơ sở chăm sóc sức khỏe vẫn còn hoạt động một phần ở phía bắc Gaza, và giống như những cơ sở khác, cũng là nơi trú tạm của một số trong số gần 2 triệu dân thường - hơn 80% dân số Gaza - phải di dời do chiến tranh.

    Reuters đã không thể tiếp cận các khu vực bệnh viện đang trong vòng phong tỏa ở Gaza để xác minh tuyên bố của cả hai bên.

    Ba ngày oanh kích của Nga: Tập đoàn điện lực số một Ukraina mất 50% năng lực sản xuất

    Trọng Thành /RFI

    25/3/2024

    Các cuộc oanh kích ồ ạt của Nga nhắm vào các cơ sở hạ tầng năng lượng trên toàn Ukraina, trong ba ngày qua, gây thiệt hại nặng nề. Theo DTEK, công ty điện lực tư lớn nhất của Ukraina, năng lực sản xuất điện của tập đoàn này đã giảm một nửa, và sẽ phải mất ‘‘nhiều tháng’’ mới có khả năng phục hồi như trước. 

    In this photo provided by Petro Andryuschenko, the adviser of the head of Mariupol city's administration, burning trolleybus is seen on the damp of hydroelectric power station after Russian attacks in

    Chiếc xe buýt đang bốc cháy tại một nhà máy thủy điện, sau các cuộc tấn công của Nga ở Dnipro, Ukraina, ngày 22/03/2024. © AP/Petro Andryuschenko - Mariupol City 

    Trả lời đài Châu Âu Tự Do/Radio Free Europe, hôm qua 24/03/2024, ông Serguiy Kovalenko, một giới chức của công ty DTEK cho biết quân Nga đã một mặt tấn công ồ ạt cùng lúc vào nhiều cơ sở sản xuất, trong đó có nhiều nhà máy nhiệt điện và một nhà máy thủy điện, mặt khác oanh kích một số lượng lớn các trạm biến áp, nhằm hủy diệt mạng lưới truyền tải điện của Ukraina.

    Theo Reuters, tập đoàn điện DTEK cho biết điện hoàn toàn bị cắt tại cảng Odessa, miền nam, do bị Nga oanh kích. Tại thủ đô Kiev, năm người bị thương sáng nay do trúng mảnh vỡ tên lửa Nga.

    AFP dẫn lời ngoại trưởng Ukraina, ông Dmytro Kuleba, một lần nữa nhấn mạnh đến việc Ukraina ‘‘đang cần khẩn cấp các hỗ trợ về hệ thống phòng không, đặc biệt là các tên lửa Patriot, cho phép đẩy lui các cuộc tấn công của Nga’’.

    Cơ quan điện lực quốc gia Ukrenergo : Thiệt hại ít nhất 100 triệu đô la

    Trước đó, truyền thông Ukraina dẫn lời giám đốc cơ quan điện lực quốc gia Ukrenergo, cho biết, các thiệt hại trong ba ngày oanh kích của Nga nhắm vào các cơ sở hạ tầng năng lượng khiến Ukraina thiệt hại ít nhất 100 triệu euro, chỉ tính riêng các thiết bị điện cao thế của Ukrenergo.

    Lãnh đạo cơ quan điện lực quốc gia tỏ ra khá lạc quan, với nhận định : Ukrenergo trong những giờ tới sẽ khôi phục lại một số cơ sở điện lực bị tổn thất nghiêm trọng nhất tại miền tây, miền nam và miền trung, và việc ‘‘giới hạn sử dụng điện tại một số khu vực có thể được bãi bỏ’’.

    Bộ Quốc Phòng Anh: Hạm đội Biển Đen của Nga đã ‘‘tê liệt’’ trên thực tế

    Trọng Thành /RFI

    25/3/2024

    Tuy phải hứng chịu liên tục các đợt oanh kích dữ dội của Nga, quân đội Ukraina, trong những ngày gần đây cũng giáng cho lực lượng Hải quân Nga nhiều đòn nặng nề. Theo ghi nhận của bộ trưởng Quốc Phòng Anh Grant Shapps, hôm qua, 24/03/2024, trên mạng X, toàn bộ hạm đội Biển Đen của Nga trên thực tế ‘‘đã bị tê liệt’’. 

    Russian Black Sea fleet ships are anchored in one of the bays of Sevastopol, Crimea, Monday, March 31, 2014. In Moscow, the lower house of parliament voted unanimously Monday to annul agreements with

    Các tàu của hạm đội Biển Đen của Nga neo đậu tại một trong các vịnh Sevastopol, Crimée, ngày 31/03/2014. © Andrew Lubimov / AP 

    Lãnh đạo bộ Quốc Phòng Anh nhận định : ‘‘Nga hiện diện tại Hắc Hải từ năm 1783, nhưng kể từ giờ họ buộc phải neo tàu tại bến, nhưng ngay cả ở đó, các chiến hạm của Putin vẫn tiếp tục bị chìm’’. Theo Luân Đôn, cuộc xâm lăng Ukraina đã khiến Hải quân Nga phải gánh chịu các tổn thất nặng nề.

    Nhận định của bộ trưởng Quốc Phòng Anh được đưa ra đúng vào lúc Ukraina thông báo bắn trúng hai tàu đổ bộ của Nga, neo đậu tại Sebastopol, đồng thời phá hủy một trung tâm chỉ huy tại thành phố này. Đây là một đòn nặng nề đối với Hải quân Nga, và một minh chứng mới cho thấy chiến lược của Kiev đánh sâu vào hậu cứ đối phương đang mang lại kết quả.

    Về cuộc tấn công hôm thứ Bảy qua ngày Chủ Nhật thông tín viên Pierre Alonso cho biết thêm:

    ‘‘Trong khi đang gặp nhiều khó khăn ở mặt trận, nơi quân đội Ukraina phải củng cố các tuyến phòng thủ để ngăn chặn bước tiến của Nga, quân đội nước này đã gia tăng các cuộc tấn công nhắm vào các địa điểm xa tiền tuyến. Ví dụ mới nhất là cuộc tấn công ngoạn mục được thực hiện đêm hôm trước ở bán đảo Crimée, nhắm vào Hạm đội Biển Đen.

    Cho dù, đây không phải là lần đầu tiên Kiev tấn công bán đảo bị Nga chiếm đóng, và Yamal cùng Azov, hai tàu đổ bộ bị tấn công, chỉ gia nhập vào danh sách dài các tàu Nga bị đánh chìm trong hai năm qua, nhưng Ukraina dường như quyết định tập trung tấn công nhắm vào hậu cứ đối phương. Chiến lược được gọi là ‘‘hàng ngàn nhát cắt’’ này có mục đích phá vỡ hệ thống các cơ sở hậu cần của Nga.

    Đây cũng là mục tiêu của các cuộc tấn công ở khu vực biên giới Belgorod. Các chiến dịch “đưa” chiến tranh vào lãnh thổ Nga cũng mang lại các tác động về tâm lý. Cùng lúc đó, Kiev cũng tấn công vào các nguồn tài chính của Nhà nước Nga bằng cách oanh kích các cơ sở sản xuất dầu mỏ. Một lần nữa vào sáng thứ Bảy 23/03, drone Ukraina lại tấn công nhiều nhà máy lọc dầu ở vùng Samara, cách biên giới gần 1.000 cây số.’’


    Không có nhận xét nào