Header Ads

  • Breaking News

    Thời sự đó đây ngày Thứ ba 26 tháng 3 năm 2024

    Võ Thái Hà tổng hợp

    Mỹ, Anh cáo buộc Trung Quốc do thám trên mạng, ảnh hưởng hàng triệu người 

    26/03/2024 

    Reuters 

    Thứ trưởng Tư pháp Mỹ Lisa Monaco (ảnh tư liệu, 19/4/2023).

    Thứ trưởng Tư pháp Mỹ Lisa Monaco (ảnh tư liệu, 19/4/2023). 

    Các quan chức Mỹ và Anh hôm thứ Hai 25/3 khởi tố, tiến hành trừng phạt một số người và cáo buộc Bắc Kinh về một chiến dịch gián điệp quy mô lớn trên mạng, bị xem là đã ảnh hưởng đến hàng triệu người bao gồm các nhà lập pháp, học giả và nhà báo cũng như các công ty, bao gồm cả các nhà thầu quốc phòng.

    Các nhà chức trách ở cả hai bên bờ Đại Tây Dương đặt biệt danh cho nhóm tin tặc là Advanced Persistent Threat 31 (Mối đe dọa nghiêm trọng dai dẳng) hay “APT31”. Họ cho rằng nhóm này là một nhánh của Bộ An ninh Nhà nước Trung Quốc. Các quan chức đưa ra một danh sách dài các mục tiêu: nhân viên Nhà Trắng, thượng nghị sĩ Hoa Kỳ, nghị sĩ Anh và các quan chức chính phủ trên khắp thế giới là những người chỉ trích Bắc Kinh.

    Chỉ có một số nạn nhân được nêu tên rõ ràng, nhưng các quan chức Mỹ cho hay hoạt động gián điệp kéo dài hàng thập kỷ của những tay tin tặc đã làm hại các nhà thầu quốc phòng, các nhà bất đồng chính kiến và nhiều công ty Hoa Kỳ, bao gồm các công ty thép, năng lượng và may mặc của Mỹ. Trong số các mục tiêu có các nhà cung cấp thiết bị điện thoại di động 5G và công nghệ không dây hàng đầu. Các quan chức nói rằng đến cả vợ/chồng của các quan chức cấp cao và các nhà lập pháp Hoa Kỳ cũng là mục tiêu.

    Thứ trưởng Tư pháp Hoa Kỳ Lisa Monaco nói rằng mục đích của hoạt động tin tặc ở quy mô toàn cầu này là “đàn áp những người chỉ trích chế độ Trung Quốc, xâm phạm các tổ chức chính phủ và đánh cắp bí mật thương mại”.

    Trong bản cáo trạng được công bố hôm 25/3 đối với 7 tay hacker Trung Quốc, các công tố viên Hoa Kỳ tại tòa nói rằng hoạt động tin tặc đã dẫn đến những vụ xâm phạm đã được xác nhận hoặc có thể xảy ra đối với các tài khoản công việc, email cá nhân, kho lưu trữ trực tuyến và hồ sơ cuộc gọi điện thoại của hàng triệu người Mỹ. Các quan chức ở London cáo buộc APT31 đã hack các nhà lập pháp Anh chỉ trích Trung Quốc và nói rằng có một nhóm gián điệp Trung Quốc thứ hai đứng đằng sau vụ hack cơ quan giám sát bầu cử của Anh, riêng vụ này đã gây hại đến dữ liệu của hàng triệu người nữa ở Vương quốc Anh.

    Các nhà ngoại giao Trung Quốc ở Anh và Mỹ bác bỏ những cáo buộc nêu trên là không có cơ sở. Đại sứ quán Trung Quốc tại London gọi cáo buộc này là “hoàn toàn bịa đặt và vu khống ác ý”.

    Những tuyên bố kể trên được đưa ra cùng lúc cả Anh lẫn Mỹ đều áp đặt các biện pháp trừng phạt đối với một công ty mà họ cho là công ty bình phong của Bộ An ninh Nhà nước Trung Quốc có liên quan đến hoạt động hack.

    Bộ Tài chính Hoa Kỳ trong một tuyên bố cho biết các lệnh trừng phạt nhằm vào hãng Khoa học và Công nghệ Vũ Hán Xiaoruizhi, cũng như đối với hai công dân Trung Quốc.

    Giám đốc FBI Christopher Wray nói trong một tuyên bố: “Thông báo hôm nay vạch trần những nỗ lực liên tục và liều lĩnh của Trung Quốc nhằm phá hoại an ninh mạng của quốc gia chúng ta cũng như nhắm vào người Mỹ và hoạt động sáng tạo của chúng ta”.

    Căng thẳng về các vấn đề liên quan đến gián điệp mạng đã và đang gia tăng giữa Bắc Kinh và Washington, cùng lúc các cơ quan tình báo phương Tây ngày càng gióng lên hồi chuông cảnh báo về các hoạt động tin tặc bị xem là có sự hậu thuẫn của nhà nước Trung Quốc.

    Philippines ‘thách’ Trung Quốc đưa vấn đề chủ quyền ra tòa trọng tài quốc tế sau vụ va chạm 

    Aldgra Fredly 

    Thứ ba, 26/03/2024 

    Bản tin có sự đóng góp của The Associated Press

    Hồng Ân lược dịch

    Philippines ‘thách’ Trung Quốc đưa vấn đề chủ quyền ra tòa trọng tài quốc tế sau vụ va chạm

    Một tàu hải cảnh Trung Quốc (phía trên) cố gắng chặn một tàu của chính phủ Philippines trong vùng Biển Đông đang tranh chấp vào ngày 21/03/2024. (Ảnh: Lực lượng Tuần duyên Philippines qua AP) 

    Bộ trưởng Quốc phòng Philippines ‘thách’ Trung Quốc đưa yêu sách chủ quyền biển ở Biển Đông ra tòa trọng tài quốc tế sau vụ tấn công bằng vòi rồng mới nhất của các tàu hải cảnh Trung Quốc. 

    Hôm 23/03, các tàu hải cảnh của Trung Quốc dùng vòi rồng tấn công một tàu tiếp tế của Philippines tại Bãi cạn Second Thomas (hay Bãi Cỏ Mây), khiến thủy thủ đoàn bị thương và con tàu này bị hư hỏng nặng. 

    Đây là lần thứ hai trong tháng con tàu mang tên Unaizah May 4 (UM4) này bị hư hại do cuộc tấn công bằng vòi rồng của lực lượng hải cảnh Trung Quốc. Hôm 05/03, một vụ va chạm cũng khiến các thành viên thủy thủ đoàn bị thương. 

    Bộ trưởng Quốc phòng Philippines Gilberto Teodoro đã lên án các cuộc tấn công này và nói rằng Bắc Kinh nên giải quyết các yêu sách hàng hải của mình phù hợp với luật pháp quốc tế thay vì tấn công tàu của Philippines. 

    Ông Teodoro nói với phóng viên hôm 25/03, “Nếu Trung Quốc không ngại tuyên bố chủ quyền của mình với thế giới, thì tại sao chúng ta không phân xử theo luật pháp quốc tế?” 

    “Không quốc gia nào tin vào [tuyên bố của họ], và họ nghĩ rằng đây là cách họ sử dụng vũ lực, đe dọa và cưỡng ép để buộc Philippines phải quỳ phục trước những tham vọng của họ.” 

    Một tàu hải cảnh Trung Quốc bắn vòi rồng vào tàu tiếp tế Unaizah May 4 của Philippines trên Biển Đông hôm 23/03/2024. (Ảnh: Lực lượng Vũ trang Philippines qua AP)

    Một tàu hải cảnh Trung Quốc bắn vòi rồng vào tàu tiếp tế Unaizah May 4 của Philippines trên Biển Đông hôm 23/03/2024. (Ảnh: Lực lượng Vũ trang Philippines qua AP) 

    Bộ Ngoại giao Philippines cho biết trong một tuyên bố, “Các hành động gây hấn của Trung Quốc đặt ra câu hỏi về sự chân thành của nước này trong việc làm giảm căng thẳng và thúc đẩy hòa bình, ổn định ở Biển Đông.”

    Tuy nhiên, Bắc Kinh lại đổ lỗi cho Manila và cáo buộc tàu Philippines xâm phạm lãnh hải của nước này. Bộ Ngoại giao Trung Quốc cảnh báo Philippines sẽ phải gánh chịu “mọi hậu quả có thể xảy ra.”

    Triều Tiên nói Thủ tướng Nhật Fumio Kishida muốn gặp ông Kim Jong Un 

    25/3/2024 

    Reuters 

    Hai anh em Kim Jong Un và Km Yo Jong

    Hai anh em Kim Jong Un và Km Yo Jong 

    Bà Kim Yo Jong, người em gái quyền lực của nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong Un, hôm 25/3 cho biết Thủ tướng Nhật Bản Fumio Kishida đã truyền đạt ý định gặp nhà lãnh đạo Triều Tiên, truyền thông nhà nước đưa tin.

    Nhưng bà cũng nói rằng việc cải thiện quan hệ giữa hai nước còn tùy thuộc vào liệu Nhật Bản, nước đã đô hộ bán đảo Triều Tiên từ năm 1910 đến năm 1945, có thể đưa ra các quyết định chính trị thực tiễn hay không.

    “Thủ tướng Kishida nên biết rằng chỉ cần ông ấy muốn và quyết định không có nghĩa là ông ấy có thể hay lãnh đạo đất nước chúng ta sẽ gặp ông ấy,” bà Kim được dẫn lời nói trong bản tin của hãng thông tấn KCNA.

    Bà được dẫn lời nói rằng ông Kishida đã công khai ý định của mình thông qua ‘một kênh khác’ nhưng không nói rõ chi tiết.

    “Điều rõ ràng là khi Nhật Bản gây hấn với Cộng hòa Dân chủ Nhân dân Triều Tiên và vi phạm quyền chủ quyền của chúng ta, họ được coi là kẻ thù của chúng ta và sẽ trở thành một phần mục tiêu,” bà Kim nói thêm.

    Khi được hỏi về các tin tức trên truyền thông về phát biểu của bà Kim, ông Kishida nhắc lại tầm quan trọng của một hội nghị thượng đỉnh để giải quyết các vấn đề như vấn đề công dân Nhật Bản bị các đặc vụ của Bình Nhưỡng bắt cóc từ nhiều thập kỷ trước.

    “Hiện chưa có gì được quyết định,” ông Kishida nói với các phóng viên hôm 25/3 khi được hỏi về hội nghị thượng đỉnh với nhà lãnh đạo Triều Tiên.

    Vào năm 2002, Triều Tiên đã thừa nhận bắt cóc 13 công dân Nhật Bản nhiều thập kỷ trước đó. Năm người bị bắt cóc và gia đình của họ sau đó đã trở về Nhật Bản và nói rằng những người khác đã chết.

    Tuy nhiên, Tokyo tin rằng 17 người Nhật đã bị bắt cóc và tiếp tục điều tra số phận của những người không trở về, theo truyền thông Nhật Bản.

    Phát ngôn nhân hàng đầu của chính phủ Nhật, ông Yoshimasa Hayashi, nói nhận định của Triều Tiên rằng vấn đề bắt cóc đã được giải quyết là ‘hoàn toàn không thể chấp nhận’ và nhấn mạnh những trở ngại tiềm tàng trong việc hàn gắn quan hệ.

    Ông Kishida cho biết ông muốn hội đàm với ông Kim Jong Un ‘mà không có điều kiện tiên quyết nào’ và đang đích thân giám sát nỗ lực để hiện thực hóa hội nghị thượng đỉnh đầu tiên như vậy sau 20 năm.

    Một quan chức tại Bộ Ngoại giao Hàn Quốc yêu cầu giấu tên nói rằng Seoul đang thảo luận chặt chẽ với Tokyo về một loạt vấn đề liên quan đến Triều Tiên, bao gồm cả các cuộc tiếp xúc giữa Nhật Bản và Triều Tiên.

    “Hàn Quốc, Mỹ và Nhật Bản đang hợp tác chặt chẽ để đưa Triều Tiên trở lại con đường phi hạt nhân hóa,” quan chức này cho biết.

    Em gái của ông Kim, vốn nằm trong Đảng Lao động cầm quyền, hồi tháng trước cho biết ông Kishida một ngày nào đó có thể đến thăm Bình Nhưỡng.

    “Nếu Nhật Bản... đưa ra quyết định chính trị mở ra một con đường mới để cải thiện quan hệ dựa trên sự tôn trọng lẫn nhau và hành động mang tính tôn trọng thì theo quan điểm của tôi, hai nước có thể mở ra một tương lai mới,” KCNA dẫn lời bà nói.

    Mỹ treo giải 10 triệu USD cho người cung cấp thông tin về 7 tin tặc Trung Quốc

    Bình Minh 

    Hoa Kỳ hôm thứ Hai (25/3) đã công bố các lệnh trừng phạt đối với 1 công ty Trung Quốc và 2 cá nhân liên quan đến công ty này, đồng thời truy tố 7 tin tặc (hacker) Trung Quốc và treo giải thưởng 10 triệu USD cho người cung cấp thông tin.

    Bộ Tư pháp Mỹ công bố ảnh 7 tin tặc Trung Quốc (Ảnh: Bộ Tư pháp Mỹ)

    Chính phủ Hoa Kỳ cáo buộc công ty trên là tổ chức tin tặc được Chính phủ Trung Quốc hỗ trợ, đã thực hiện nhiều hoạt động mạng độc hại nhằm vào cơ sở hạ tầng quan trọng của nước này. Trong 7 tin tặc có 2 công dân Trung Quốc bị cáo buộc tham gia các cuộc tấn công mạng toàn cầu nhắm vào các nhà bất đồng chính kiến, chính trị gia và doanh nghiệp Mỹ.

    Trong một tuyên bố, Bộ Tài chính Hoa Kỳ cho biết, thực thể Trung Quốc bị trừng phạt có tên Công ty TNHH Công nghệ Thông minh Xiaorui (Hiểu Duệ) Vũ Hán, một công ty bình phong của Bộ An ninh Quốc gia Trung Quốc, gồm hai cá nhân bị trừng phạt là Triệu Quang Tông (Zhao Guanzong) và Nghê Cao Bân (Ni Gaobin).

    7 công dân Trung Quốc đã bị cáo buộc tiến hành một cuộc tấn công mạng trên diện rộng liên quan đến hoạt động hack 14 năm liên tiếp.

    7 bị cáo gồm: Nghê Cao Bân (Ni Gaobin), Ông Minh (Weng Ming), Trình Phong (Cheng Feng), Bành Diệu Văn (Peng Yaowen), Tôn Hiểu Huy (Sun Xiaohui), Hùng Vượng (Xiong Wang) và Triệu Quang Tông (Zhao Guangzong).

    Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ công bố phần thưởng lên tới 10 triệu USD cho thông tin về 7 người đàn ông này.

    Các lệnh trừng phạt này là một phần trong nỗ lực chung của Bộ Tư pháp Hoa Kỳ, FBI, Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ và Chính phủ Anh.

    Bộ Tài chính Hoa Kỳ cho biết, các tác nhân mạng độc hại được Chính phủ Trung Quốc hậu thuẫn vẫn là một trong những mối đe dọa lớn nhất và dai dẳng nhất đối với an ninh quốc gia Hoa Kỳ. Ngành an ninh mạng gọi các thực thể này là APT31. APT là tên viết tắt tiếng Anh của “Mối đe dọa liên tục nâng cao”.

    Theo Bộ Tài chính, APT31 bao gồm một nhóm sĩ quan tình báo Trung Quốc làm việc cho Cục An ninh Nhà nước tỉnh Hồ Bắc thuộc Bộ An ninh Nhà nước Trung Quốc, thực hiện các hoạt động gián điệp mạng thay mặt cho đất nước.

    Năm 2010, họ đã thành lập Công ty TNHH Công nghệ Thông minh Xiaorui (Hiểu Duệ) Vũ Hán như một phương tiện để thực hiện các hoạt động gián điệp mạng này.

    Trong một tuyên bố, Bộ Tài chính Hoa Kỳ cũng cho biết, APT31 nhắm vào các quan chức cấp cao của Hoa Kỳ và các cố vấn của họ, bao gồm Nhà Trắng, Bộ Tư pháp, Bộ Thương mại, Kho bạc, Bộ Ngoại giao và các thành viên Quốc hội.

    Bộ Tài chính lưu ý rằng các hoạt động của công ty này dẫn đến việc giám sát các chính trị gia Hoa Kỳ và nước ngoài, chuyên gia chính sách đối ngoại, học giả, nhà báo, nhà hoạt động ủng hộ dân chủ và những người khác. Nhân viên của công ty này đã thực hiện một cuộc tấn công mạng nhằm vào một công ty năng lượng ở Texas vào năm 2018.

    Bộ Tài chính cho biết Triệu Quang Tông đứng sau chiến dịch lừa đảo năm 2020, nhắm vào Học viện Hải quân Hoa Kỳ và Viện Hàng hải Trung Quốc của Đại học Chiến tranh Hải quân Hoa Kỳ, cũng như nhiều chiến dịch lừa đảo nhắm vào các thành viên của Hội đồng Lập pháp Hồng Kông và các nhà hoạt động ủng hộ dân chủ. Nghê Cao Bân đã hỗ trợ Triệu Quang Tông thực hiện nhiều cuộc tấn công mạng.

    Đồng thời, Bộ Tư pháp Hoa Kỳ cũng tuyên bố truy tố 7 hacker có liên quan đến Chính phủ Trung Quốc, trong đó có Triệu Quang Tông 38 tuổi và Nghê Cao Bân 38 tuổi, cáo buộc họ âm mưu thực hiện hành vi xâm nhập máy tính và lừa đảo qua mạng. Tất cả họ đều được cho là cư trú tại Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa.

    Tuyên bố của Bộ Tư pháp cho biết mục tiêu của các tin tặc Trung Quốc này bao gồm các quan chức Chính phủ Hoa Kỳ, các chính trị gia, nhóm vận động tranh cử ở Hoa Kỳ và các quốc gia khác, cũng như các công ty trong lĩnh vực quốc phòng, công nghệ thông tin, viễn thông, sản xuất, tư vấn, pháp lý và nghiên cứu của Hoa Kỳ, cùng những người bất đồng chính kiến ​​chỉ trích Bắc Kinh trên khắp thế giới.

    Cùng ngày, Anh cũng cáo buộc Trung Quốc đứng sau hàng loạt vụ tấn công mạng nhằm vào các chính trị gia Anh, và tuyên bố trừng phạt Công ty TNHH Công nghệ Thông minh Xiaorui (Hiểu Duệ) Vũ Hán, cũng như cá nhân Triệu Quang Tông và Nghê Cao Bân.

    Nội dung bài đăng trên nền tảng X: “Vương quốc Anh đã công bố các lệnh trừng phạt đối với 1 công ty và 2 cá nhân có liên hệ với Chính phủ Trung Quốc, vì tham gia vào một loạt hoạt động mạng độc hại nhắm vào các cơ quan giám sát bầu cử của Anh và các nhà lập pháp Hoa Kỳ và Anh.

    Giới chức cho biết, các cá nhân bị trừng phạt có thể đã truy cập dữ liệu của hàng chục triệu cử tri Anh và thực hiện các cuộc tấn công mạng nhằm vào các nhà lập pháp chỉ trích Trung Quốc. Bắc Kinh tuyên bố các báo cáo này là một nỗ lực nhằm bôi nhọ Trung Quốc.

    Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Lâm Kiếm (Lin Jian) đã được hỏi tại một cuộc họp báo thường kỳ ở Bắc Kinh hôm thứ Hai (25/3), về việc Anh chuẩn bị trừng phạt tin tặc Trung Quốc đã thực hiện các cuộc tấn công mạng vào Ủy ban bầu cử và các nghị sĩ Anh.

    Ông Lâm Kiếm trả lời: “Khi điều tra và mô tả các sự cố mạng, cần có đủ bằng chứng khách quan, thay vì bôi nhọ các quốc gia khác mà không có cơ sở thực tế, càng không nói đến việc chính trị hóa mạng vấn đề bảo mật.”

    “Chúng tôi hy vọng rằng tất cả các bên sẽ ngừng lan truyền thông tin sai lệch, có thái độ có trách nhiệm, cùng nhau duy trì hòa bình và an ninh trên không gian mạng. Trung Quốc luôn phản đối các biện pháp trừng phạt đơn phương bất hợp pháp, và sẽ kiên quyết bảo vệ các quyền và lợi ích hợp pháp của mình”.

    https://vietluan.com.au/114656/my-treo-giai-10-trieu-usd-cho-nguoi-cung-cap-thong-tin-ve-7-tin-tac-trung-quoc/

    Nhóm khủng bố IS-Khorasan, họ là ai?

    Tại sao IS-Khorasan căm thù Nga?

    Lâm Chi/SGN

     25 tháng 3, 2024

    https://saigonnhonews.com/wp-content/uploads/2024/03/Kp3.jpg

    Phân nhánh khủng bố Hồi giáo IS-Khorasan của tổ chức Nhà nước Hồi giáo (IS) 

    Vụ tấn công ngày 22 Tháng Ba 2024 tại Moscow đã được nhóm phiến quân Nhà nước Hồi giáo (IS) nhận trách nhiệm. Giới chức Mỹ cho biết một nhánh khu vực của IS – Nhà nước Hồi giáo-Khorasan (IS-Khorasan) – đứng đằng sau vụ thảm sát man rợ này…

    IS-Khorasan hiện là lực lượng khủng bố lì lợm và tàn bạo dù hàng trăm tay súng của tổ chức này đã bị Taliban bắt giữ hoặc tiêu diệt kể từ năm 2021. Michael Kugelman, giám đốc Viện Nam Á tại Trung tâm Wilson ở Washington, cho biết: “IS-Khorasan có lẽ là phân nhánh tích cực và mạnh mẽ nhất trong các phân nhánh khu vực của tổ chức Nhà nước Hồi giáo hiện  nay”.

    IS-Khorasan được thành lập ở Afghanistan vào cuối năm 2014, cùng năm mà tổ chức khủng bố Hồi giáo (IS) tràn vào các khu vực rộng lớn ở Iraq và Syria và tuyên bố thành lập một vương quốc tự phong, hay một “nhà nước” được quản lý bởi luật Hồi giáo. IS sau đó bị liên minh do Mỹ dẫn đầu đánh tơi tả. IS-Khorasan qui tụ các thành viên bất mãn của Taliban Afghanistan, Tehrik-e Taliban Pakistan và Al-Qaeda. Lập địa bàn chỉ huy tại Afghanistan, IS-Khorasan trước đây từng nhắm vào Đại sứ quán Nga ở Kabul và đe dọa thực hiện các cuộc tấn công bên trong nước Nga (“Khorasan” đề cập đến một khu vực lịch sử gồm các phần của Afghanistan, Iran và Trung Á ngày nay).

    IS-Khorasan ban đầu cát cứ các vùng lãnh thổ nhỏ ở miền Đông và miền Bắc Afghanistan như một phần trong mục tiêu mở rộng rộng hơn của IS ra khắp Nam và Trung Á. IS-Khorasan rút khỏi các cứ địa ở Afghanistan vào khoảng năm 2019, khi hứng chịu hỏa lực ngày càng tăng từ các lực lượng đồng minh phương Tây, quân đội chính quy Afghanistan và thậm chí Taliban, một nhóm chiến binh khát máu không kém nhưng thù nhau không đội trời chung.

    Ngay từ những ngày đầu thành lập, IS-Khorasan đã xung đột với Taliban, cùng tranh giành lãnh thổ ở miền Đông Afghanistan và sau đó tố cáo chính phủ Taliban không thiết lập những gì chúng coi là luật Shariah đúng với truyền thống Hồi giáo. IS-Khorasan chỉ trích gay gắt Taliban tội thiết lập quan hệ ngoại giao với các quốc gia không theo đạo Hồi, trong đó có Hoa Kỳ và Nga, và cho rằng đó là sự phản bội đối với cuộc đấu tranh thánh chiến toàn cầu.

    Trong một báo cáo vào Tháng Sáu 2023, Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc (UNSC) cho biết các tay súng IS-Khorasan gồm công dân Pakistan, Iran, Azerbaijan, Thổ Nhĩ Kỳ, Nga, Tajikistan, Uzbekistan và một số chiến binh Ả Rập gốc gác Syria. Theo UNSC, số chiến binh IS-Khorasan ở Afghanistan dao động “từ 4,000 đến 6,000”.

    Không chỉ tấn công quân đội chính quy Afghanistan, lực lượng quốc tế cũng như Taliban, IS-Khorasan cũng nhắm vào các nhóm tôn giáo thiểu số ở Afghanistan. IS-Khorasan từng thực hiện một trong những cuộc tấn công gây hậu quả nghiêm trọng, giết chết 170 thường dân Afghanistan và 13 lính Mỹ tại sân bay quốc tế Kabul, vào Tháng Tám 2021, thời điểm mà quân đội Mỹ chính thức rút khỏi Afghanistan.

    Sau khi Taliban nắm quyền Afghanistan (Tháng Tám 2021), IS-Khorasan tiếp tục nhắm mục tiêu vào giới chức chính quyền Taliban, công dân và viên chức đại sứ quán nước ngoài, cộng đồng Shi’a Hazara của Afghanistan và những người mà chúng cho là không phù hợp với cách giải thích cực đoan của chúng về Hồi giáo.

    Ngày 21 Tháng Ba, IS-Khorasan nhận trách nhiệm vụ tấn công bên ngoài một ngân hàng ở thành phố Kandahar, miền Nam Afghanistan, khiến ít nhất 21 người thiệt mạng. Điều đáng chú ý là IS-Khorasan bắt đầu phát động các cuộc tấn công xuyên biên giới. Tháng Giêng, IS-Khorasan bị cáo buộc giết chết hơn 90 người ở thành phố Kerman phía Nam Iran. Đây là vụ tấn công đẫm máu nhất Cộng hòa Hồi giáo Iran trong nhiều thập niên.

    Trước đó, Tháng Chín 2022, IS-Khorasan nhận trách nhiệm vụ đánh bom liều chết bên ngoài Đại sứ quán Nga ở Kabul khiến ít nhất sáu người thiệt mạng, trong đó có hai nhân viên đại sứ quán. Vụ tấn công không làm giới quan sát ngạc nhiên vì IS từ lâu luôn đe dọa thực hiện các cuộc tấn công người Nga. Không chỉ người Nga, IS-Khorasan còn cố ám sát nhà ngoại giao hàng đầu của Pakistan tại Afghanistan. Lần khác, chúng xông vào một khách sạn nổi tiếng ở Kabul, nơi có nhiều công dân Trung Quốc sinh sống.

    Lucas Webber, đồng sáng lập và biên tập viên của MilitantWire.com, cho biết IS, ngay từ đầu, đã coi Nga cùng với Mỹ là kẻ thù chính. Điều này càng trở nên nghiêm trọng khi vào năm 2015, Nga bắt đầu can thiệp quân sự vào Syria; tiếp đó, quân đội và nhà thầu quân sự tư nhân Nga lại hiện diện khắp châu Phi và liên tiếp thực hiện các chiến dịch càn quét IS.

    Gần đây, các cuộc tấn công của IS-Khorasan ngày càng táo bạo. Chúng đã giết chết ít nhất 43 người trong một cuộc tấn công vào một cuộc biểu tình chính trị ở miền Bắc Pakistan vào Tháng Bảy; giết chết ít nhất 84 người trong hai vụ đánh bom tự sát ở Iran vào Tháng Giêng như nói ở trên… Những tháng gần đây, IS-Khorasan đã dọa tấn công Đại sứ quán Trung Quốc, Ấn Độ và Iran ở Afghanistan. Chúng tung ra một loạt tuyên truyền chống Nga, tố cáo Kremlin can thiệp vào Syria và lên án Taliban hợp tác với chính quyền Nga nhiều thập niên sau khi Liên Xô xâm chiếm Afghanistan.

    Cần nhấn mạnh, trong khi chưa có quốc gia nào chính thức công nhận chính phủ Taliban, Tháng Ba 2024, Nga đã chấp nhận một tùy viên quân sự của Taliban ở Moscow; và Trung Quốc cũng chấp nhận một đại sứ Taliban tại Bắc Kinh. Điều này khiến IS-Khorasan rất tức giận và chúng cho rằng đó là bằng chứng rõ rệt việc Taliban bán đứng Hồi giáo.

    Chỉ một ngày trước cuộc tấn công tàn bạo vào nhà hát Crocus ngoại ô Moscow (22 Tháng Ba 2024), IS-Khorasan đã thực hiện vụ đánh bom liều chết ở Kandahar, Afghanistan – nơi khai sinh phong trào Taliban – gửi đi một thông điệp mạnh mẽ rằng ngay cả binh lính Taliban ở “đại cứ địa” Kandahar cũng không an toàn. Riccardo Valle, giám đốc nghiên cứu Khorasan Diary, nơi chuyên tổng hợp dữ liệu về IS-Khorasan có trụ sở tại Islamabad, thủ đô Pakistan, cho biết: “Thành công của Taliban ở Afghanistan không làm thay đổi mức độ đe dọa mà Nhà nước Hồi giáo Khorasan gây ra ở Afghanistan. Nó chỉ đơn giản là buộc Nhà nước Hồi giáo thay đổi chiến thuật quân sự.”

    Các chuyên gia cho biết, giờ đây, thay vì tổ chức các cuộc tấn công nhỏ lẻ nhằm vào binh sĩ và sĩ quan cảnh sát cấp thấp của Taliban, IS-Khorasan chuyển trọng tâm sang các cuộc tấn công lớn, trong Afghanistan và ngoài biên giới Afghanistan. Tháng Ba 2024, phát biểu trước Thượng viện Hoa Kỳ, Giám đốc tình báo quốc gia Avril D. Haines nói: “Hiểm dọa IS vẫn là mối lo ngại đáng kể của cuộc chiến chống khủng bố. Hầu hết các cuộc tấn công do IS thực hiện trên toàn cầu đều được tiến hành bởi những phân nhánh của chúng (Avril D. Haines ám chỉ phân nhánh IS-Khorasan của IS)”.

    Giới chuyên gia về khủng bố lo rằng mục tiêu lớn mà IS-Khorasan đang nhắm đến là Thế vận hội Mùa hè sắp tới ở Paris (từ ngày 26 Tháng Bảy đến ngày 11 Tháng Tám 2024).

    Anh lên án Trung Quốc tấn công mạng nhằm vào bầu cử

    Theo RFI

    25/3/2024

    https://vietluan.com.au/wp-content/uploads/2024/03/gfft57.jpg

    Hôm 25/3, Phó Thủ tướng Anh Oliver Dowden đã công bố các cuộc tấn công mạng của ĐCSTQ. (Ảnh chụp màn hình video) 

    Hôm 25/3, nhà chức trách Anh lên án các cuộc tấn công mạng độc hại nhằm vào các đại diện dân cử và ủy ban bầu cử của Anh có liên quan đến Trung Quốc, đồng thời công bố các biện pháp trừng phạt đối với 2 cá nhân và 1 thực thể, đã triệu tập Đại sứ Trung Quốc tại Anh. Cùng ngày, Mỹ cũng công bố cáo trạng 7 tin tặc hợp tác với Chính phủ Trung Quốc.

    Phó Thủ tướng Anh Oliver Dowden hôm thứ Hai đã thông báo với Quốc hội rằng, “Các thế lực thù địch thuộc nhà nước Trung Quốc đã thực hiện hai cuộc tấn công mạng độc hại. Đây là hành động mới nhất trong một loạt hành động thù địch của Đảng Cộng sản Trung Quốc nhắm vào các thể chế dân chủ”.

    Chiều thứ Hai, Chính phủ Mỹ đã công bố cáo trạng 7 tin tặc cộng tác với chính phủ Trung Quốc, cáo buộc họ “xâm nhập máy tính các cá nhân, doanh nghiệp và các chính trị gia Mỹ được cho là chỉ trích Trung Quốc”.

    Ủy ban bầu cử Anh – cơ quan chịu trách nhiệm giám sát kết quả bầu cử – hồi tháng 8/2023 cũng từng có thông báo đã bị tin tặc từ Trung Quốc tấn công mạng độc hại (không nêu tên cụ thể), những tin tặc này đã xâm chiếm hệ thống mạng của họ trong hơn một năm từ 2021 – 2022.

    Truyền thông Anh hôm Chủ nhật tiết lộ, tin tặc Trung Quốc đã đột nhập vào hệ thống dữ liệu và email của Ủy ban bầu cử Anh và lấy được thông tin cá nhân của 40 triệu cử tri Anh.

    Tuy nhiên, Phó Thủ tướng Anh Dowden hôm thứ Hai cho biết rằng, “Những nỗ lực can thiệp vào đời sống dân chủ Anh của tin tặc Trung Quốc đã không thành công, chúng không ảnh hưởng được đối với an ninh bầu cử, cũng không ảnh hưởng đến cách mọi người đăng ký bầu cử, bỏ phiếu hoặc tham gia vào quá trình dân chủ”.

    Ông Dowden nói rằng chỉ còn vài tháng nữa là đến cuộc tổng tuyển cử ở Anh, Chính phủ sẽ có lập trường cứng rắn: “Bộ Ngoại giao sẽ triệu tập Đại sứ Trung Quốc để yêu cầu giải thích về những hành động này của Chính phủ Trung Quốc”.

    Liên quan đến nhóm tin tặc APT31

    Trung tâm An ninh mạng Quốc gia Anh nghi ngờ kẻ đứng đằng sau vụ xâm nhập vào hệ thống mạng của Ủy ban bầu cử Anh “rất có khả năng” là một tổ chức mạng liên quan đến chính phủ Trung Quốc: APT31.

    Tổ chức này vào năm 2021 đã bị cáo buộc phát động các hoạt động giám sát mạng nhằm vào các nghị sĩ Anh, hầu hết các nghị sĩ bị tin tặc nhắm tới đều được coi là những “diều hâu” có lập trường cứng rắn chống lại Đảng Cộng sản Trung Quốc.

    Theo danh sách trừng phạt được Chính phủ Anh cập nhật hôm thứ Hai, 2 cá nhân và 1 thực thể bị Anh trừng phạt có liên quan đến APT31, đó là các công dân Trung Quốc Ni Gaobin, Zhao Guanzong và Công ty Công nghệ Thông minh Xiaoruizhi Vũ Hán.

    Bộ Quốc phòng Mỹ cho biết trong một tuyên bố hôm thứ Hai rằng 7 công dân Trung Quốc bị buộc tội tại Mỹ về tội “xâm nhập máy tính” và “lừa đảo qua mạng” cũng là thành viên của nhóm APT31.

    Khi được hỏi về các báo cáo hôm thứ Hai, phát ngôn viên Lâm Kiến (Lin Jian) của Bộ Ngoại giao Trung Quốc cho biết, “Không thể chính trị hóa vấn đề an ninh mạng, nên sử dụng bằng chứng khách quan thay vì vu khống các nước khác mà không có chứng cứ”.

    Thủ tướng Anh Sunak hôm thứ Hai cho biết, nước Anh sẽ “bằng mọi giá” bảo đảm an ninh trước “thách thức lịch sử” của Trung Quốc.

    Phân tích: Việc Bắc Kinh loại bỏ 5 quan chức trong 10 ngày báo trước cuộc thanh trừng chính trị đẫm máu

    Jessica Mao and Olivia Li

    Bản tin có sự đóng góp của Ninh Tâm

    Cẩm An lược dịch

    26/3/2024

    https://vietluan.com.au/wp-content/uploads/2024/03/id5609187-GettyImages-1510804891-1080x720-1.jpg

    Lính bán quân sự đứng gác trước Đại lễ đường Nhân dân ở Bắc Kinh, vào ngày 07/03/2006. (Ảnh: Frederic J. Brown/AFP qua Getty Images) 

    Trong vòng 10 ngày sau khi Bắc Kinh kết thúc kỳ họp lưỡng hội, 5 quan chức cấp cao đã bị cách chức vì các cuộc điều tra chống tham nhũng.

    Các nhà phân tích về các vấn đề chính trị cho rằng ông Tập Cận Bình đang sử dụng phương pháp này để đe dọa các quan chức đảng nhằm bảo đảm lòng trung thành của họ và rằng chính trường của Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) chắc chắn sẽ chứng kiến một cuộc thanh trừng đẫm máu.

    Báo hiệu một cuộc thanh trừng đẫm máu

    Ông Vương Quân Đào (Wang Juntao), Chủ tịch Ủy ban Quốc gia Đảng Dân Chủ Trung Quốc hiện đang cư trú tại Hoa Kỳ, nói với The Epoch Times rằng ông nghĩ là ông Tập thực hiện hành động này nhằm mục đích ngăn không cho các quan chức ĐCSTQ hình thành bất kỳ suy nghĩ chống đối nào khác về ông ta. Ad

    Ông nói, “Như tôi đã dự đoán hồi năm 2022 sau Đại hội Toàn quốc lần thứ 20, bước tiếp theo trong chính trường của ĐCSTQ sẽ là một cuộc thanh trừng đẫm máu. Trên thực tế, ông Tập Cận Bình đang cố gắng loại bỏ hoàn toàn những quan chức mà ông cho là không đáng tin cậy đó.”

    Cá nhân ông Vương biết một cựu quan chức cấp sở đã chuyển ra ngoại quốc để sinh sống trong hai năm qua.

    Ông Vương nói, “Đáng chú ý là ngoài các quan chức đương nhiệm, các quan chức đã về hưu cũng trở thành mục tiêu. Vị quan chức này nói với tôi rằng nhiều đồng nghiệp của ông đã bị bắt, một số người trong đó đã về hưu được vài năm, nhưng họ vẫn bị bắt. Vì vậy, chúng tôi biết rằng cuộc thanh trừng của ông Tập Cận Bình hiện là một chiến dịch chính trị rất khốc liệt.”

    Ông nói thêm rằng cái gọi là “chống tham nhũng” chỉ là chiêu trò ngụy trang để lừa gạt và lấy lòng người dân. Ad

    Ông Vương phân tích, “Đối với những người trong giới quan chức, thì các cuộc thanh trừng chính trị sẽ chỉ khiến các quan chức ôm lòng oán hận đối với ông Tập Cận Bình. Vì vậy, ông Tập Cận Bình đã phải đe dọa họ cho đến khi họ sợ ông ấy đến tận xương tủy. Vì vậy, ông ấy đã công khai loại bỏ những quan chức bị thanh trừng này để cảnh báo tất cả các quan chức trong ĐCSTQ không được nuôi dưỡng bất kỳ suy nghĩ bất đồng nào.”

    Ông kết luận rằng một nhà độc tài thường duy trì “ý chí chiến đấu” của mình thông qua các cuộc thanh trừng liên tục, nhưng hậu quả là đẩy nhanh sự sụp đổ của mình.

    “Tôi nghĩ ông Tập Cận Bình hiện đang thúc đẩy sự sụp đổ của ĐCSTQ, mặc dù đó không phải là ý định của ông ấy,” ông Vương nói. “Ông ấy đang thực hiện một cuộc thanh trừng lớn các quan chức của ĐCSTQ, và điều đó cho chúng ta biết rằng ngày sụp đổ của ĐCSTQ đã không còn xa nữa.”

    5 quan chức bị hạ bệ trong vòng 10 ngày

    Năm quan chức cấp cao này là ông Đậu Vạn Quý (Dou Wangui), phó chủ tịch Hội nghị Hiệp thương Chính trị Nhân dân Trung Quốc (CPPCC) của Khu tự trị Duy Ngô Nhĩ, một cơ quan cố vấn chính trị; ông Lưu Dược Tiến (Liu Yuejin), một quan chức công an đã về hưu từng là ủy viên chống khủng bố cấp thứ trưởng đầu tiên; ông Lý Hiển Cương (Li Xiangang), Phó Chủ tịch Ủy ban Thường vụ Quốc hội tỉnh Hắc Long Giang; ông Lý Dũng (Li Yong), cựu tổng giám đốc của Tập đoàn Dầu khí Ngoài khơi Quốc gia Trung Quốc (CNOOC); và ông Lý Cát Bình (Li Jiping), cựu phó chủ tịch Ngân hàng Phát triển Trung Quốc, đã về hưu được hơn 8 năm.

    Theo tiểu sử công khai của mình, ông Đậu Vạn Quý đã và đang làm việc ở Tân Cương trong một thời gian dài. Tháng 01/2018, ông trở thành phó chủ tịch Hội nghị Hiệp thương Chính trị Tân Cương, một chức vụ mà ông giữ cho đến khi bị điều tra. Lần xuất hiện công khai cuối cùng của ông là hôm 19/02, khi ông tham dự một cuộc họp.

    Quyết định cách chức ông Lưu Dược Tiến được đưa ra 4 năm sau khi ông về hưu với tư cách là ủy viên chống khủng bố cấp thứ trưởng đầu tiên. Ông là quan chức công an cấp cao đầu tiên bị thất sủng kể từ khi kết thúc kỳ họp lưỡng hội.

    Ông Lý Hiển Cương, 61 tuổi, Phó Chủ tịch Ủy ban Thường vụ Quốc hội Nhân dân tỉnh Hắc Long Giang, bị điều tra khi còn đương chức.

    Lần xuất hiện công khai cuối cùng của ông Lý trước khi bị hạ bệ là hồi đầu tháng Ba khi ông dẫn đầu một nhóm đến thành phố Mẫu Đơn Giang để giám sát công tác an toàn sản xuất và chủ trì một cuộc họp về chủ đề này.

    Ông Lý Dũng, cựu tổng giám đốc Tập đoàn Dầu khí Ngoài khơi Quốc gia Trung Quốc, bị điều tra hôm 15/03, chỉ ba tháng trước lịch về hưu theo kế hoạch của ông.

    Hôm 13/03, ông Lý Cát Bình, 68 tuổi, cựu phó chủ tịch Ngân hàng Phát triển Trung Quốc (CDB), người đã về hưu hơn 8 năm, bị điều tra tham nhũng. 

    https://vietluan.com.au

    Cầu lớn ở thành phố Baltimore bị sập sau khi bị tàu đâm trúng 

    Caden Pearson 

    Thứ ba, 26/3/2024 


    Cầu lớn ở thành phố Baltimore bị sập sau khi bị tàu đâm trúng

    Một tàu chở hàng đi qua cầu Francis Scott Key, ở Baltimore, Maryland, vào ngày 09/03/2018. (Ảnh: Mark Wilson/Getty Images) 

    Cầu Francis Scott Key ở Baltimore, Maryland, đã bị sập một đoạn vào sáng sớm thứ Ba (26/03) sau khi bị một tàu chở hàng lớn đụng phải, khiến các công nhân phải nhảy xuống vùng nước phía dưới cầu. 

    Vụ tai nạn xảy ra vào đầu giờ sáng thứ Ba, liên quan đến một tàu container treo cờ Singapore tên là Dali, đang hướng đến Colombo, Sri Lanka, đã đụng phải cây cầu khiến một đoạn cầu bốc cháy và đổ sập xuống sông. 

    “Tôi có thể xác nhận vào lúc 1 giờ 35 phút sáng, cảnh sát Thành phố Baltimore đã được thông báo về vụ sập một đoạn cầu, trong đó các công nhân có thể đã chìm dưới nước, tại khu vực Cầu Francis Scott Key,” Thám tử Niki Fennoy nói với The Epoch Times. “Tại thời điểm này, tôi không có thêm thông tin gì.” 

    Cơ quan Giao thông vận tải Maryland (MTA) đã phản ứng nhanh chóng với vụ tai nạn, đóng cửa tất cả các làn đường trên cầu ở cả hai hướng. Giao thông ngay lập tức được phân luồng lại khi các nhà chức trách làm việc để đánh giá mức độ thiệt hại và giải quyết hậu quả của vụ va chạm.

    Cây cầu vòm giàn thép nối liền này được khánh thành vào năm 1977, dài 1,200 feet (366 mét), nằm ở hạ lưu sông Patapsco và bên ngoài Cảng Baltimore.

    Thái Lan bắt đầu đưa hàng viện trợ đến Myanmar 

    25/3/2024 

    Reuters 

    Người biểu tình phản đối chính quyền quân sự. Myanmar đã rơi vào bất ổn kể từ khi đảo chính

    Người biểu tình phản đối chính quyền quân sự. Myanmar đã rơi vào bất ổn kể từ khi đảo chính 

    Thái Lan hôm 25/3 đã bắt đầu đưa hàng viện trợ đến Myanmar, vốn hiện do quân đội cai quản, trong sáng kiến nhân đạo tìm cách dọn đường cho các cuộc đàm phán giữa các phe tham chiến sau ba năm bất ổn và bạo lực kể từ khi quân đội đảo chính.

    Lô hàng viện trợ đầu tiên gồm 4.000 túi hàng trong đó có gạo, thực phẩm khô và các nhu yếu phẩm khác cho 20.000 người đã được Hội Chữ thập đỏ Thái Lan vận chuyển trong một đoàn xe đến đối tác của họ ở Myanmar tại cửa khẩu Mae Sot-Myawaddy, Bộ Ngoại giao Thái Lan cho biết.

    Dự án nằm trong trong sáng kiến hòa bình lớn hơn của Thái Lan nhằm thiết lập một hành lang nhân đạo vốn được khối ASEAN gồm 10 thành viên ủng hộ trong lúc cuộc nội chiến ngày càng khốc liệt giữa một bên là quân đội Myanmar và một bên là đội quân dân tộc thiểu số và phong trào kháng chiến.

    Liên Hiệp Quốc cho biết ít nhất 2,6 triệu người đã mất nhà cửa do chiến sự và hơn 18 triệu người đang cần được hỗ trợ.

    Kế hoạch hòa bình năm điểm của ASEAN, mà các tướng lĩnh Myanmar đã nhất trí hồi tháng 4 năm 2021 vẫn chưa có tiến triển, với sự thất vọng trong khối về sự thiếu cam kết của tập đoàn quân sự và việc họ không kích và nã pháo vào các khu vực dân sự.

    Trong số các cam kết có tiếp cận nhân đạo, ngừng giao tranh và đối thoại, điều mà các tướng lĩnh cho đến nay vẫn từ chối. Thái Lan hy vọng họ có thể giúp đưa cuộc chiến về mức độ có thể kiểm soát được và khuyến khích các cuộc đàm phán.

    “Đây là sự thể hiện thiện chí của Thái Lan đối với người dân Myanmar,” Thứ trưởng Ngoại giao Thái Lan Sihasak Phuangketkeow nói, “với hy vọng rằng Myanmar sẽ có hòa bình, ổn định và đoàn kết”.

    Hàng viện trợ sẽ được phân phối tại ba địa điểm thí điểm ở bang Kayin của Myanmar do cơ quan cứu trợ nhân đạo và thảm họa của ASEAN giám sát.

    Ông Sihasak cho biết sẵn sàng hỗ trợ đối thoại và hỗ trợ nhân đạo sẽ mở rộng sang các khu vực khác trong tương lai nhưng không nói rõ.


    Không có nhận xét nào