Header Ads

  • Breaking News

    Tài Liệu Mật Của Bộ Ngoại Giao Hoa Kỳ Về Hòa Ðàm Paris

    Vĩnh Nhơn ( Lâm Vĩnh Thế).

    " Tài liệu nầy cho thấy được phần nào lập trường của Hoa Kỳ tại Hòa Ðàm Paris trong thời điểm nầy.  Hoà Ðàm Paris khởI sự ngày 13-05-1968 và chấm dứt ngày 23-01-1973 khi hiệp ước đình chiến được ký kết.  Ngay từ đầu hoà đàm nầy là một sáng kiến của Hoa Kỳ.  Sáng kiến nầy bắt nguồn từ sau tác động mạnh vào dư luận quần chúng Mỹ của cuộc Tổng Tấn Công bất ngờ của phe Cộng Sản vào dịp Tết Mậu Thân (tháng 1/1968).  Kế tiếp là báo cáo của Tổng Trưởng Quốc Phòng Clark Clifford trình lên Tổng Thống Johnson vào giữa tháng 3/1968, trong đó ông nhận định thẳng thừng rằng Hoa Kỳ sẽ không thể nào thắng được cuộc chiến tranh tại Việt Nam".

    Tài liệu chuyển dịch sau đây là một công điện Mật của Bộ Ngoại Giao Hoa Kỳ mang số 18692, ngày 29-07-1968, gởi từ Toà Ðại Sứ Hoa Kỳ tại Paris về Bộ Ngoại Giao ở Washington, DC, và đã được bạch hóa vào ngày 01-07-1996.  Tài liệu nầy được làm bảng dẫn trong The Declassified Documents Catalog: 1997, Quyển XXIII, số 4 (Tháng 7-8 năm 1997), tr. 78.  Ðộc giả có thể đọc toàn văn trong bộ vi phiếu Declassified Documents Reference System (DDRS) của năm 1997, tại vi phiếu mang số 172 (cho các tài liệu được đánh số từ 2137 đến 2156; tài liệu nầy được đánh số 2149). 

    Từ:  Tòa Ðại Sứ Paris

    Ðến: Bộ Ngoại Giao

    NgườI gởI: Harriman1 và Vance2

    1.             Chúng ta đã đi đến một giai đoạn trong Hòa Ðàm Paris mà chúng ta cần phải duyệt xét lại xem chúng ta đã tiến đến đâu và sẽ đi về đâu.

    Phần  I  --  Chúng Ta Hiện Ở Ðâu

    2.          Quan điểm hiện nay của chúng ta -- phản ảnh trong đề nghị Giai đoạn 1 - Giai đoạn 2 -- là chúng ta hiện vẫn còn trong giai đoạn sơ khởi tìm hiểu đối phương.  Hà Nội đã nhận được đề nghị nầy trong một hình thức tổng quát từ ngày 26 Tháng 6, và trong một hình thức nhiều chi tiết hơn từ ngày 15 Tháng 7.  Phe Bắc Việt trong tuần qua đã không có đề nghị một phiên họp mới, họ cho biết là họ đang trong giai đoạn nghiên cứu Bảng Thông Cáo Honolulu3.

    3.         Nếu bám chặt vào tiến trình hiện nay, với thời gian, chúng ta có thể làm cho Hà Nội hiểu chúng ta muốn gì.  Ngoài việc cố tình kéo dài thời gian, hành động của họ có thể không đủ rõ ràng để chúng ta có thể biết chắc là họ sẽ làm gì sau khi chúng ta ngừng oanh tạc4.  Rất có thể chúng ta sẽ chỉ đạt được những nhượng bộ chậm chạp, nhỏ bé và mơ hồ vì lẽ họ cố gắng trả một giá thấp nhất cho việc chúng ta ngưng oanh tạc.

    4.         Dĩ nhiên chúng ta sẽ có thêm tin tức tại phiên họp ngày Thứ Tư sắp tới, nhưng chúng tôi không tin là sẽ có gì thật sự là mới từ phiên họp nầy hay từ những cuộc thảo luận trong tương lai gần.

    5.         Chúng tôi tin rằng sự suy nghĩ của Hà Nội và nội dung của Hòa Ðàm Paris, trong một mức độ nào đó, chịu ảnh hưởng bởi những biến cố sắp diễn ra tại Hoa Kỳ.  Những biến cố nầy -- đại hội của các đảng để bầu ứng cử viên Tổng Thống5, các cuộc bầu cử6, thay đổI chính phủ -- đặt ra khung thời gian mà chúng ta phải quan tâm đến trong khi ước lượng hành động có thể có của đối phương.

    6.         Ðiều nầy buộc chúng ta phải thấy trước là trong vòng hai tháng tới sẽ không có tiến triển gì rõ rệt tại đây.  Nếu chúng ta không làm điều gì mới, chúng ta sẽ để cho Hà Nội nắm được thế chủ động về sáng kiến và thời điểm.  Hai yếu tố quan trọng cần lưu tâm:

    Chúng ta có thể hành động để ngăn chận các cuộc tấn công có thể đoán trước của đối phương và nhờ thế có thể giảm thiểu tổn thất sinh mạng của quân Mỹ và Ðồng Minh; và

    Dự đoán là tháng Tám, và đặc biệt là Ðại Hội của Ðảng Dân Chủ, sẽ đưa đến một sự chia rẽ trầm trọng hơn trong dư luận Hoa Kỳ, một điều chắc chắn sẽ làm suy yếu hơn vị thế mà chúng ta cần có cho cuộc thương thuyết lâu dài và khó khăn để có thể đạt được một giải pháp đúng đắn.  Sự chia rẽ nầy có thể nghiêm trọng đến mức buộc chính phủ mới tiến hành việc rút quân sớm hơn dự liệu với kết quả là tất cả mọi hy sinh để đạt mục tiêu của chúng ta trở thành vô ích.

    7.         Nếu đối phương tiến hành cuộc tổng tấn công mà chúng ta đã tiên đoán, cách duy nhứt có lợi cho chúng ta là phải đánh bại các cuộc tấn công nầy một cách rõ rệt trong một thời gian ngắn.  Chúng tôi nhận định là Tướng Abrams7 tin chắc là các cuộc tấn công nầy sẽ bị đẩy lui, nhưng chúng tôi cũng nhận định là theo các ước tính từ Saigon thì đối phương có thể kéo dài các cuộc tấn công quan trọng của họ đến hai tháng.  Do dó, khả năng đánh bại các cuộc tấn công của đối phương một cách dứt khoát và nhanh chóng không cao lắm.  Các tổn thất của quân đội Mỹ sẽ mang lại một hậu quả xấu trong nước và các thiệt hại của thường dân sẽ tạo ra nhiều khó khăn tại Nam Việt Nam.

    Phần II --  Một Hướng MớI

    8.         Chúng ta có thể tạo ra trong Tháng Tám một thay đổi quan trọng trong những viễn tượng nầy.  Có thể chúng ta cần phải xúc tiến nhanh hơn chương trình hành động của chúng ta, và, phải nhận rằng, chúng ta có thể phải chấp nhận một số liều lĩnh nào đó.  Về phía chúng ta, chúng ta cần phải trở lại Công Thức San Antonio8 theo đó chúng ta đã đặt những giả thuyết về những hành động của Hà Nội sau khi chúng ta quyết định ngưng oanh tạc.  Về phía Hà Nội, chỉ có một chuyện duy nhứt mà họ luôn luôn mong muốn -- đó là đàm phán nghiêm chĩnh sau khi chúng ta chấm dứt hoàn toàn việc oanh tạc cũng như những hành động quân sự khác trong lãnh thổ của Việt Nam Dân Chủ Cộng Hòa.         

    9.         Nhìn trở lại ngày 31 Tháng Ba, chúng ta có thể thấy rằng sáng kiến của chúng ta đã ngăn chận được các kế hoạch của Hà Nội và tạo được sự ủng hộ của công luận tại Hoa Kỳ, đồng thời khích động được Saigon hơn là làm cho họ khó chịu.  Một sáng kiến của chúng ta vào Tháng Tám tới đây chắc chắn sẽ lập lại hai tác động vừa đề cập đến.  Chúng ta sẽ gặp một số khó khăn tại Saigon (và một vài đồng minh của chúng ta) nhưng Thiệu9 đã ở vào thế mạnh hơn rất nhiều kể từ Tháng Tư và các đồng minh nhạy cảm nhất của chúng ta -- theo ước tính của Bundy10 -- tin tưởng vào chính phủ của chúng ta và có thể chấp nhận sáng kiến của chúng ta.

    10.       Chúng ta có thể dựa vào tình hình tạm thời lắng dịu của các hoạt động quân sự của Cộng sản tại Saigon và các nơi khác ở Việt Nam hiện giờ để biện minh cho hướng đi mới nầy.  Chúng ta có thể chứng minh rằng sự lắng dịu đó đã kéo dài đủ lâu để có thể dùng làm cơ sở cho việc áp dụng công thức San Antonio.  Chúng ta có thể trình bày lý luận nầy thế nào để cho dư luận thế giới có thể tạo được áp lực đối với Bắc Việt trong những hoạt động trong tương lai của họ.  Lập trường công khai của chúng ta trong vấn đề nầy, kết hợp với quyết định ngưng oanh tạc, có thể giúp ngăn chận được kế hoạch tổng tấn công của Bắc Việt và Việt Cộng.

    11.       Nếu Hà Nội công khai khoe khoang rằng chúng ta đã đơn phương ngưng oanh tạc chớ họ không có hứa hẹn đáp lại gì cả thì cũng chẳng sao.  Chúng ta đã từng hiểu ngầm như vậy trong công thức Giai đoạn 1 - Giai đoạn 2; điều quan trọng là chuyện họ làm chớ không phải chuyện họ nói.  Hơn nữa, chúng ta có thể tự tìm lấy kết luận đối với dư luận quần chúng.

    12.       Ðiều chủ yếu trong hướng hành động mới nầy là: sau khi tham khảo với các đồng minh, chúng ta sẽ thông báo cho Hà Nội một cách kín đáo là chúng ta đã sẳn sàng ngưng oanh tạc và tất cả mọi hoạt động quân sự khác trên lãnh thổ của Bắc Việt, và Tổng Thống sắp sửa công bố quyết định đó (chúng tôi đề nghị thực hiện điều nầy không hơn hai ngày trước khi Tổng Thống công bố quyết định để cho Hà Nội không có đủ thời gian để phản ứng).  Khi thông báo cho Hà Nội, chúng ta sẽ nói rõ cho họ biết những gì chúng ta mong đợi từ phía họ.  Những điều đó là:

    A.             Trong vòng một vài ngày sau khi chúng ta ngưng oanh tạc, chúng ta mong muốn thấy họ bắt đầu một cuộc thương thuyết nghiêm chĩnh và có chất lượng (trên căn bản phe tôi - phe anh) mà Chính phủ V.N.C.H sẽ tham gia và V.N.D.C.C.H được tự do mang đến bàn hội nghị bất cứ thành phần nào của Nam Việt Nam mà họ xem là thích hợp.

    B.             Tình trạng phi-quân-sự của Khu Phi Quân Sự sẽ được tái lập.  Nhân viên và trang bị quân sự không được có mặt trong Khu Phi Quân Sự hay di chuyển ngang Khu Phi Quân Sự.  Pháo binh không được đặt hay bắn ngang qua Khu Phi Quân Sự và việc tập trung lực lượng để tạo ra một mối đe dọa quân sự trực tiếp sẽ bị ngăn cấm.

    C.            Không được tấn công bừa bãi vào các trung tâm dân cư quan trọng như Saigon, Huế và Ðà Nẳng.

    D.            Không được gia tăng các lực lượng quân Bắc Việt tại Nam Việt Nam.  (Cần ghi nhận rằng thời tiết tốt từ đây cho đến tháng Mười sẽ giúp cho không quân được dễ dàng hơn trong việc theo dõi và kiểm soát điều nầy hơn là thời gian giữa tháng Mười Một và tháng Tư).

    13.       Chúng ta và Ðồng Minh phải sẵn sàng việc tái oanh tạc nếu Hà Nội không thực hiện các điều mong đợi nầy.  Ðương nhiên chúng ta không cần phải đưa ra điều đe dọa nầy.

    14.       Khi trình bày kế hoạch nầy cho Chính phủ V.N.C.H. và các nước Ðồng Minh, chúng tôi tin rằng phải đề cập đến 3 điểm sau đây:

    A.             Nếu Hà Nội không thực hiện các điều mong đợi, chúng ta sẽ tái oanh tạc;

    B.             Chúng ta sẽ không tiếp tục việc đàm phán nếu không có sự tham gia của Chính phủ V.N.C.H. trên căn bản phe tôi - phe anh;

    C.            Hành động nầy của chúng ta có thể ngăn chận được cuộc tổng tấn công của quân Bắc Việt và Việt Cộng mà chúng ta đã ước tính.

    15.       Ðồng thời với việc thông báo cho Bắc Việt, chúng ta cũng sẽ gởi cho Kosygin11 một bức thư nhắc nhở ông ta về những đảm bảo mà ông ta đã hứa hẹn trong lần trao đổi trước, và báo cho ông ta biết rõ ràng những gì chúng ta đã thông báo cho Hà Nội.  Ðề nghị là bức thư nầy không cần được trả lời, cứ để cho họ tự quyết định là họ có muốn trả lời hay không.  Chúng ta cũng nên thông báo cho các vị đại sứ Nga tại Washington và Paris.  Các vị nầy chắc chắn cũng sẽ được chính phủ của họ thông báo như chúng ta đã từng biết trong quá khứ.

    Phần III  --  Một Vài Suy Nghĩ Thêm

    16.       Chúng tôi công nhận rằng mục tiêu ngắn hạn của chúng ta ở Ðoạn 12 nêu trên không đáp ứng được mục tiêu lâu dài là việc rút quân Bắc Việt ra khỏi Nam Việt Nam.  Ðây sẽ là đề tài thảo luận ngay khi bắt đầu thương thuyết nghiêm chĩnh với mục tiêu tối hậu là chấm dứt việc xâm nhập quân đội và vũ khí của Bắc Việt vào Nam Việt Nam và việc rút hết toàn bộ quân chính quy Bắc Việt và các lực lượng bán vũ trang của họ ra khỏi Nam Việt Nam, Lào và Cam Bốt.

    17.       Chúng ta không thể chắc chắn là hành động nầy của chúng ta sẽ ngăn  chận được cuộc tổng tấn công của Bắc Việt nhưng chuyện đó có thể xảy ra.  Do đó, cùng với khả năng đẩy mạnh hòa đàm, việc ngưng oanh tạc trong tương lai gần còn có thể bảo vệ được sinh mạng của binh sĩ Hoa Kỳ có thể chết nếu cuộc tổng tấn công xảy ra.  Hơn nữa, việc ngăn chận không để cho cuộc tổng tấn công nầy xảy ra cũng sẽ khiến cho Hà Nội không thực hiện được các mục tiêu về tâm lý và chính trị mà Tổng Trưởng Clifford12, Tướng Wheeler13 và Tòa Ðại Sứ Hoa Kỳ đều tin là những mục tiêu chính của cuộc tổng tấn công của họ.  Nếu Hà Nội vẫn cứ thực hiện cuộc tổng tấn công theo như kiểu họ đã làm hồi Tết và trong tháng Năm thì điều đó sẽ cho thấy rõ là họ không thật sự muốn tìm một giải pháp hòa bình.   Vị thế của họ trên khắp thế giới sẽ bị thiệt hại nặng nề.  Tại Hoa Kỳ, dân chúng sẽ đoàn kết lại sau lưng chính phủ và việc tái oanh tạc của chúng ta sẽ được dân chúng thông cảm.

    18.       Nếu chúng ta tiếp tục tiến trình hành động nầy, chúng ta phải chắc chắn là Chính phủ V.N.C.H. sẽ chuẩn bị để tham gia một cách thích hợp và tích cực.  Chính phủ V.N.C.H. phải cử một phái đoàn có đầy đủ thẩm quyền để thương thuyết và phải bao gồm những nhân vật mà chúng ta có thể cùng làm việc được.  Chúng ta cần đạt thỏa thuận với họ về thủ tục tiến hành trong "phe ta", kể cả việc đại diện của họ và của ta đều được quyền hội đàm riêng rẽ với phía bên kia (dĩ nhiên là có tham khảo với nhau).

    19.       Chúng tôi đã có thảo luận sơ bộ về ý kiến nầy với các Thứ Trưởng Katzenbach14  và Bundy.  Chúng tôi đề nghị là Ðại Sứ Vance, nếu tình hình tại Paris cho phép, sẽ về Washington sau buổi họp vào Thứ Tư tới đây, 31 Tháng Bảy, để trình bày thêm những suy nghĩ của chúng tôi về tiến trình hành động đề cập đến trong Phần II nói trên.        

    Thay Lời Kết

    Tài liệu nầy cho thấy được phần nào lập trường của Hoa Kỳ tại Hòa Ðàm Paris trong thời điểm nầy.  Hoà Ðàm Paris khởI sự ngày 13-05-1968 và chấm dứt ngày 23-01-1973 khi hiệp ước đình chiến được ký kết.  Ngay từ đầu hoà đàm nầy là một sáng kiến của Hoa Kỳ.  Sáng kiến nầy bắt nguồn từ sau tác động mạnh vào dư luận quần chúng Mỹ của cuộc Tổng Tấn Công bất ngờ của phe Cộng Sản vào dịp Tết Mậu Thân (tháng 1/1968).  Kế tiếp là báo cáo của Tổng Trưởng Quốc Phòng Clark Clifford trình lên Tổng Thống Johnson vào giữa tháng 3/1968, trong đó ông nhận định thẳng thừng rằng Hoa Kỳ sẽ không thể nào thắng được cuộc chiến tranh tại Việt Nam.  Tiếp theo là cuộc bầu cử sơ bộ tại tiểu bang New Hampshire vào ngày 12-03-1968 với thực tế phũ phàng là ứng cử viên phản chiến của chính Ðảng Dân Chủ (đảng của Tổng Thống Johnson), Thượng Nghị Sĩ tiểu bang Minnesota Eugene McCarthy đã chiếm được một số phiếu rất lớn, ngang ngữa với Johnson (Johnson 48%, McCarthy 42%).  Tất cả những biến cố nầy đã buộc Tổng Thống Johnson phải xét duyệt lại chính sách của Hoa Kỳ đối với cuộc chiến tranh tại Việt Nam.  Ngày 31-03-1968, Tổng Thống Johnson tạo ngạc nhiên lớn khi ông tuyên bố :1) không ra ứng cử Tổng Thống thêm một nhiệm kỳ nữa; 2) ông mong muốn tìm kiếm hòa bình tại Việt Nam.  Sau nhiều tuần tiếp xúc kín đáo, Hoà Ðàm Paris giữa Hoa Kỳ và Bắc Việt chính thức bắt đầu vào ngày 13-05-1968.            

    Ghi Chú:

    1.     William Averell Harriman (1891-1986) là Trưởng Phái Ðoàn Hoa Kỳ tại Hòa Ðàm Paris trong thờI gian nầy.  Ông Harriman, tốt nghiệp Ðại Học Yale năm 1913, là một nhà ngoại giao kỳ cựu của Hoa Kỳ, đã từng là Ðại sứ Hoa Kỳ tại Liên Xô (1943), tại Anh (1946), và cũng từng là Thứ Trưởng Bộ Ngoại Giao nhiều lần. 

    2.     Cyrus Roberts Vance (1917-2002) là Phó Trưởng Phái Ðoàn Hoa Kỳ tại Hòa Ðàm Paris trong thờI gian nầy.  Ông Vance, tốt nghiệp Ðại Học Yale năm 1942, đã từng giữ một số chức vụ quan trọng tại BỘ Quốc Phòng, như là Bộ Trưởng Bộ Lục Quân (1962), và Thứ Trưởng BỘ Quốc Phòng (1964).

    3.     Ðây là Bảng Thông Cáo Chung sau khi kết thúc HộI Nghị Việt-Mỹ họp tại Honolulu, Hawaii, vào các ngày 6-8 Tháng 2 năm 1966.  Tham dự HộI Nghị Honolulu, về phía Hoa Kỳ có Tổng Thống Johnson, Tổng Trưởng Quốc Phòng . McNamara,  Ðại Sứ Hoa Kỳ tại Việt Nam Lodge, Tư Lệnh Quân ÐộI Hoa Kỳ tại Việt Nam Ðại Tướng Westmoreland, Cố Vấn Ðặc Biệt Ðại Tướng Taylor; về phía Việt Nam Cộng Hòa có Chủ Tịch Ủy Ban Lãnh Ðạo Quốc Gia Trung Tướng Nguyễn Văn Thiệu và Chủ Tịch Ủy Ban Hành Pháp Trung Ương Thiếu Tướng Nguyễn Cao Kỳ. 

    4.     Trong từ ngữ quân sự và chính trị Hoa Kỳ tại thờI điểm nầy, việc oanh tạc Bắc Việt được mệnh danh là "Operation Rolling Thunder" bắt đầu từ ngày 02-03- 1965 và chấm dứt vào ngày 31-10-1968.

    5.     Trong năm 1968, Ðảng Cộng Hòa họp Ðại HộI (Convention) vào các ngày 5-8 Tháng Tám tại Miami, tiểu bang Florida và bầu ông Richrad M. Nixon làm ứng cử viên Tổng Thống; Ðảng Dân Chủ thì họp Ðại HộI vào các ngày 26-29 Tháng Tám tại Chicago, tiểu bang Illinois, và bầu đương kim Phó Tổng Thống Hubert H. Humphrey làm ứng cử viên Tổng Thống.

    6.     Theo thông lệ tại Hoa Kỳ, năm bầu lại Tổng Thống cũng sẽ bầu lại toàn thể Hạ Nghị Viện, một phần ba Thương Nghị Viện, và một phần ba các Thống Ðốc của các tiểu bang.

    7.     Ðại Tướng (bốn sao) Creighton Abrams (1914-1974) là Tư Lệnh Quân ÐộI Hoa Kỳ Tại Việt Nam (1968-1972) tại thờI điểm nầy.  Tướng Abrams, tốt nghiệp Trường Võ Bị Westpoint năm 1936, là người đã chỉ huy đơn vị thiết giáp thuộc Quân Ðoàn III của TƯớng Patton, giải vây cho quân MỸ bị vậy ở Bastogne trong Thế Chiến II.  Sau khi rời Việt Nam, ông trở thành Tham Mưu Trường Lục Quân Hoa Kỳ (U.S. Army Chief of Staff) cho đến khi ông mất vào ngày 4-9-1974.  

    8.     Công Thức San Antonio (San Antonio Formula) là từ được giớI truyền thông Hoa Kỳ dùng để nói đến lập trường của Hoa Kỳ được đề cập đến trong bài diển văn của Tổng Thống Johnson đọc tại San Antonio, tiểu bang Texas, ngày 29-09-1967.  Lập trường nầy là: Hoa Kỳ đồng ý đơn phương ngưng oanh tạc Bắc Việt nếu Chủ Tịch Hồ Chí Minh (lúc đó còn sống) đồng ý tiến hành thương thuyết nghiêm chĩnh để giãi quyết cuộc chiến, và nếu ông hứa không lợI dụng việc ngưng oanh tạc để gia tăng xâm nhập ngườI và võ khí vào Miền Nam.  Bắc Việt đã bác bỏ đề nghị nầy vì Hoa Kỳ không hứa hẹn dành cho Mặt Trận Giải Phóng Miền Nam một vai trò nào trong hòa đàm.  Lập trường nầy được Tổng Thống Johnson đưa ra một lần nữa vào ngày 31-03-1968 sau vụ Mậu Thân và sau khi ông quyết định không ra ứng cử Tổng Thống thêm một nhiệm kỳ nữa.

    9.   Tổng Thống Nguyễn Văn Thiệu của Việt Nam Cộng Hòa.  

    10.  Ðây là Willam P. Bundy (1917-) để phân biệt vớI McGeorge Bundy (1919-) vốn là hai anh em ruột và cùng phục vụ trong NộI Các của các Tổng Thống Kennedy và Johnson.   

    11.  Aleksei Nikolayevich Kosygin (1904-1980) là Thủ Tướng của Liên Xô tại thời điểm nầy.

    12.   Ông Clark McAdams Clifford (1906-1998) là Bộ Trường Quốc Phòng của Hoa Kỳ tại thời điểm nầy. 

    13.  Ðại Tướng Earle Gilmore Wheeler (1908-1975) là Tham Mưu Trưởng Liên Quân Hoa Kỳ (Chairman of the Joint Chiefs of Staff) tại thời điểm nầy. 

    14.  Nicholas Katzenbach (1922-2012) là Thừ Trưởng Bộ Ngoại Giao Hoa Kỳ tại thờI điểm nầy.   

    Lâm Vĩnh Thế

    Nhà nghiên cứu Lâm Vĩnh Thế là Librarian Emeritus ở Đại Học Saskatchewan, Canada. Ông tốt nghiệp Ban Sử-Địa, Đại Học Sư Phạm Sài Gòn năm 1963, nhận bằng Cao Học Thư Viện Học (M.L.S. = Master of Library Science) tại Đại Học Syracuse, Hoa Kỳ năm 1973, Trưởng Ban, Ban Thư Viện Học của Đại Học Vạn Hạnh, cho đến 1975. Từ năm 1982 cho đến năm 1997, ông phục vụ cho các thư viện và trung tâm thông tin của chính phủ liên bang và các tỉnh bang của Canada. Từ tháng 9-1997, ông làm việc cho Đại Học Saskatchewan, với chức vụ Trưởng Ban Biên Mục (1997-2000; Head, Cataloging Department) và sau đó là Trưởng Khối Dịch Vụ Kỹ Thuật (2001-2003; Head, Technical Services Division). Bên cạnh một số sách giáo khoa và biên khảo về thư viện học, ông xuất bản nhiều tác phẩm sử học nổi bật như “Việt Nam Cộng Hòa, 1963-1967: Những Năm Xáo Trộn”, “History of South Vietnam: the Quest for Legitimacy and Stability, 1963-1967”. Ông là dịch giả của quyển “The Price of Freedom: Exodus and Diaspora of Vietnamese People”, dịch giả và soạn giả của quyển “Vietnam, Territoriality, and the South China Sea: Paracel and Spratly Islands”. Ông nghỉ hưu từ tháng 7-2006 và được Đại Học Saskatchewan tặng danh hiệu Librarian Emeritus.


    Không có nhận xét nào