“Một thầy giáo tốt như một ngọn nến – ngọn nến cháy để soi đường cho những người khác - Mustafa Kernal”.
12/3/2024
" Đọc về Lê văn Hưu sẽ thấy rõ, chúng ta sinh ra không để sống một mình mà để sống với nhau và vì nhau. Đặt tay trên trang sử, tôi tự hỏi chúng ta là ai, chúng ta là gì trong dòng chảy của đất nước mình? Chúng ta có sống với nhiệt huyết và tình yêu cho đất nước này như chúng ta đã từng không? Những trang sử ngày nào như những tờ lịch rơi trong gió, và chúng ta tựa như bao lớp học trò rồi cũng ra đi, khi bóng dáng người thầy vẫn còn đó nơi cửa lớp. Bụi thời gian đã xoá nhoà nước mắt, xoá nhoà những vinh quang cùng bóng dáng của người thầy năm nào".
Vào những năm (1226-1258) đời vua Trần Thái Tông, sau chiến thắng quân Nguyên Mông lần thứ nhất, nước ta vẫn luôn được đặt trong tình trạng chuẩn bị cho chiến tranh. Sống cạnh một đế quốc hùng mạnh, đã từng xâm lấn và san bằng một nửa thế giới đâu có dễ dàng. Có lẽ điều ấy đã thúc đẩy vua Trần Thái Tông giao trọng trách viết sử cho Lê Văn Hưu, gia sư của Chiêu Minh Vương Trần Quang Khải. Với cái văn hoá của người Việt Nam “người thầy là một người dẫn đường” Lê Văn Hưu đã hoàn tất bộ Đại Việt Sử Ký Toàn Thư gồm 30 quyển vào mùa xuân tháng giêng năm 1272.
Tiếc rằng bộ sách đã không còn tồn tại để ta có thể đọc lại tấm lòng của một người viết sử đã sống qua hai cuộc chiến gian khổ chống quân Nguyên Mông. Tuy nhiên, nội dung và tư tưởng của người thầy giáo ấy vẫn bàng bạc trong những bộ sử được soạn lại sau này từ các sử gia đời sau như Ngô Sĩ Liên, Vũ Quỳnh, Phạm Công Trứ, …
Là con dân của một đất nước chiến tranh triền miên, ta tiếp xúc với lịch sử khi ta hoang mang. Sử giúp ta đứng vững khi soi bóng mình trên dòng sông Bặch Đằng. Biết bao nhiêu những nỗ lực, biết bao nhiêu những hy sinh; sử cho ta hoa trái, cho ta lý do để tồn tại, để tiếp nối.
Không có gì đẹp bằng, nhìn sâu vào lịch sử ta thấy mình hiện diện ở đó. Ta thấy mình quỳ nơi bãi sậy lau, ta thấy mình đang đóng cọc ở giòng sông Bạch Đằng, ta thấy mình là sứ thần Giang Văn Minh hiên ngang đối đáp với vua nhà Hán rồi bình thản trở về trên cỗ quan tài khi đã hoàn tất sứ mệnh. Không có lịch sử, chúng ta không còn là ta, có thể chúng ta đang mang một họ khác: Chang hay Cheng, hay gì gì đó… Sử có mặt cho ta, ta có mặt cho sử. Và hôm nay trên trang viết này, ta lại gặp ta, một Lê Văn Hưu tóc để chỏm, đi tung tăng trên con đường quê, yêu đất nước mình bằng tất cả trái tim.
*
Thuở ấy, ở đầu làng Thần Hậu thuộc tỉnh Thanh Hoá có một gian nhà tranh gọi là quán học. Các chức sắc trong làng đã cùng nhau dựng nên quán học để cho những người biết chữ nghĩa đến đây giảng thơ, bình văn. Đây cũng là nơi chốn để cho các con em trong làng đến học hành, dùi mài kinh sử.
Ngày ấy, Lê văn Hưu tuổi tuy còn nhỏ nhưng cũng thường mon men ra đấy để xem lóm các anh trong làng học tập. Rồi một hôm, thầy đồ dạy học chợt nhận ra có điều kỳ lạ. Rất nhiều lần thầy nhìn thấy cậu bé hay chơi quẩn quanh nơi quán học lại thường hay nhắc bài cho các anh. Để thử tài, thầy bèn gọi cậu vào, viết mấy chữ Nho lên một tấm giấy rồi giảng giải cho cậu bé. Sau đó, thầy viết sang một tờ giấy khác, thì ngay lập tức cậu lập lại không sai một chữ nào. Hỏi ra mới biết, cậu bé đang sống cùng người mẹ trong làng, tên là Lê văn Hưu, mồ côi cha khi còn trong bụng mẹ.
Lê văn Hưu có một giai thoại vui với bác thợ lò rèn cho ta thấy sự nặng lòng về giáo dục, cái tâm sính chữ nghĩa của người đời xưa. Chuyện như sau: năm Lê văn Hưu lên 11 tuổi, trên đường đi học từ Kẻ Rị sang Phúc Triền, cậu thường đi ngang qua một lò rèn dựng ngay bên đường. Một hôm, trông thấy những chiếc dùi của bác thợ rèn treo trong quán, cậu thích lắm. Cậu cứ tần ngần, ngắm nghía, ước ao có một cái để đóng vở học. Thấy cậu học trò khuôn mặt sáng sủa, khôi ngô, bác thợ rèn bèn gạn hỏi:
Này, cậu bé muốn gì thế?
Thưa ông, cháu muốn có một chiếc dùi để đóng vở.
Bác thợ rèn bèn ra một câu đối, bảo cậu, nếu đối được bác sẽ biếu không một cái dùi. Câu đối như sau: “Than trong lò, lửa trong lò, sắt trong lò, thổi phì phò đúc nên dùi vở”.
Ngẫm nghĩ một lát, Lê Văn Hưu đối lại: “Giấy trong túi, bút trong túi, mực trong túi, viết lúi húi mà đậu khôi nguyên”.
Thế là, không những cậu bé được tặng chiếc dùi vở đẹp nhất, cậu còn được bác thợ rèn tặng thêm những 3 quan tiền. Năm lên mười bảy tuổi, Lê Văn Hưu đỗ Bảng Nhãn. Ông được nhà vua giữ lại chốn cung đình để dạy dỗ hoàng tử thứ ba là Trần Quang Khải. Người sau này dược sắc phong chức Thượng tướng Thái sư, tài cao học rộng, lập nhiều công trạng trong cuộc chiến chống quân Nguyên Mông.
Nếu William Butler Yeats, thi sĩ người Ireland cho rằng“dạy học không phải là làm đầy một thùng nước mà là thắp sáng một ngọn lửa” thì Lê văn Hưu thực sự là người đã thổi bùng lên ngọn lửa ấy. Sống giữa hai cuộc chiến tranh, đất nước phải đối mặt với một đối thủ mạnh nhất thế giới, Lê văn Hưu đã dùng những dữ kiện thật từ những bài học lịch sử để khơi dậy lòng tự hào dân tộc: những chiến công của Ngô Quyền khi đánh tan hàng trăm vạn quân của Lưu Hoằng Tháo, hoặc chiến công của Lê Đại Hành trong những trận đánh Tống, bình Chiêm. Lê văn Hưu đã khẳng định được năng lực của quân dân Đại Việt và khơi dậy khí phách ở mỗi người dân triều Trần. Có lẽ, chính ngọn lửa từ người thầy giáo ấy đã giúp dân ta đánh bại được một đội quân bách chiến bách thắng không chỉ một mà đến cả ba lần.
Tư tưởng của Lê Văn Hưu cho đến tận giờ vẫn còn nguyên vẹn giá trị. Bàn về điềm lành ông cho rằng “phàm người xưa gọi là điềm lành là nói việc dùng được người hiền và được mùa, ngoài ra không có cái gì gọi là điềm lành cả”. Hay: “của cải không phải là trời mưa xuống, sức không phải là trời làm thay, há không phải là vét máu mỡ của dân ư? vét máu mỡ của dân có thể gọi là làm việc phúc được chăng?”. Nay, chính quyền nước ta thiếu hẳn những điều căn bản cốt lõi để trị nước. Người hiền không được dùng đã gây ra tình trạng tham ô nhũng nhiễu đến mức báo động. Ở các nước tân tiến, chuyện tham ô chỉ nằm trong mức độ kiểm soát, ở nước ta đã biến thành quốc nạn.
Đọc về Lê văn Hưu sẽ thấy rõ, chúng ta sinh ra không để sống một mình mà để sống với nhau và vì nhau. Đặt tay trên trang sử, tôi tự hỏi chúng ta là ai, chúng ta là gì trong dòng chảy của đất nước mình? Chúng ta có sống với nhiệt huyết và tình yêu cho đất nước này như chúng ta đã từng không? Những trang sử ngày nào như những tờ lịch rơi trong gió, và chúng ta tựa như bao lớp học trò rồi cũng ra đi, khi bóng dáng người thầy vẫn còn đó nơi cửa lớp. Bụi thời gian đã xoá nhoà nước mắt, xoá nhoà những vinh quang cùng bóng dáng của người thầy năm nào.
Lê văn Hưu làm quan tới chức Binh bộ Thượng thư, được sắc phong Hàn Lâm viện Thị độc, kiêm Chưởng sử, tước Nhân Uyên hầu, hiệu Tu Hi. Ông mất ngày 23 tháng 3 năm Nhâm Tuất 1322 và được táng ở cánh đồng xứ Mả Giòm, tỉnh Thanh Hoá. Có điều trước ngày mất, vị Binh bộ Thượng thư ấy đã cởi áo quan về làm thầy đồ nơi Kẻ Rị. Ba quan tiền tặng và chiếc dùi đóng vở của bác thợ rèn ngày nào đã nuôi lớn tâm hồn cậu bé Lê văn Hưu. Chúng ta sống với nhau và vì nhau. Để cậu bé ngày nào mon men nơi quán học, nay lại về làm thầy đồ nơi làng quê để dạy những đứa trẻ chân đất ba chỏm. Lịch sử không ghi rõ, nhưng ngoài Trạng nguyên Bạch Liên, tôi nghĩ còn có những văn nhân những tể tướng có lẽ đã đi ra từ cái chiếu học ấy, nơi thầy đồ Lê Văn Hưu đã trải qua những năm tháng cuối đời ở quê nhà.
(Nguyệt Quỳnh - Chuyện Kể cho K&T)
Không có nhận xét nào