13/3/2024
" Gần đây nhất là dự định lập dữ liệu quốc gia về ADN, mống mắt, giọng nói của Bộ Công An mà theo tôi là học tập mô hình Trung Quốc. Tuy việc này sẽ để lại nhiều hậu quả nặng nề và lâu dài cho xã hội Việt Nam nhưng dư luận chỉ phản bác nó một cách yếu ớt, với lý do chủ yếu được nêu ra là sợ bị rò rỉ thông tin, bị hacker lợi dụng v.v…Thực ra chỉ cần khẳng định: Quyền chia sẻ dữ liệu là là quyền bất khả xâm phạm của công dân thì khỏi phải tranh cãi.
Quả là đáng ngại khi cả xã hội không hề cảm thấy khó chịu về việc người khác nắm giữ quyền riêng tư của mình".
Ngày nay miền riêng tư (tiếng Anh = Privacy, tiếng Đức = Privatsphäre) đã trở thành tài sản bất khả xâm phạm của mỗi con người. Giá trị tài sản này phát triển cùng xã hội.
Thời nguyên thủy con người ăn lông ở lỗ hầu như chẳng có gì là riêng tư. Người nô lệ và các con dân dưới thời phong kiến không chỉ bị kẻ cai trị tước đoạt các quyền riêng tư ; mà mọi quan hệ trai gái, gia đình, mọi thói quen bẩm sinh đều bị xã hội để ý và thậm chí bị áp đặt, bị trừng phạt.
Khi thời đại công nghiệp cần đến những con người tự do để bán sức lao động và sáng tạo, tự do cá nhân và kèm theo đó là miền riêng tư dần dần được coi trọng, được bảo vệ rồi mở rộng. Mọi chế độ: Tư bản hoang dã, tư bản phúc lợi, chuyên chính vô sản, độc tài quân sự và kể cả các nền quân chủ hiện nay đều ghi trong hiến pháp quyền tự do sở hữu, tự do thân thể, tự do hội họp, tự do tư tưởng v.v… và v.v…tức là công nhận quyền riêng tư của công dân. Nhà nước có đảm bảo các quyền đó hay không là việc khác.
Anh bạn Michael Verleih mà tôi kể trong hồi ức « Hai Quê Hương » [1] bị bắt vì viết thư ngỏ gửi các nhà lãnh đạo hai nước Đức đề nghị hòa giải, thống nhất đất nước để tránh việc Liên-Xô và Mỹ đưa tên lửa mang đầu đạn hạt nhân vào hai miền. Khi viết thư ngỏ nặc danh bằng máy chữ gửi sang Tây Đức cho tạp chí Tấm Gương (Spiegel) Michael đã xóa hết mọi dấu vết rồi chia bức thư thành nhiều phần, mang đi bỏ ở nhiều thùng thư khác nhau. Nhưng hệ thống kiểm soát thư tín của Stasi vẫn đọc được và bằng các biện pháp nghiệp vụ siêu đẳng, họ tìm được tác giả. Khi bị hỏi cung Michael tấn công luôn: Các ông kiểm soát và đọc trộm thư của tôi sao? Đó là vi phạm hiến pháp!
Sỹ quan Stasi không dám thú nhận, phải nói dối: « Hiện đang có nạn buôn lậu tem Đông Đức sang phía Tây cho người sưu tầm, nên bên hải quan họ thấy phong bì dày thì mở thư ra và tình cờ thấy nội dung phản động ».
Câu chuyện này cho thấy: Dù trong một nhà nước công an như Đông Đức thì kể cả kẻ cai trị khét tiếng như Stasi và người dân không có chút quyền tự do như Michael vẫn ý thức được tính bất khả xâm phạm của quyền riêng tư.
Cùng thời kỳ chiến tranh lạnh này, nhà nước tư bản ở Tây Đức cũng giương móng vuốt để ngăn chặn mối đe dọa mà người ta coi là của Cộng Sản: Năm 1956 cấm đảng Cộng Sản (KPD-Verbot), Năm 1968 ra Đạo luật khẩn cấp (Notstandsgestz). Các biện pháp này đều thu hẹp quyền tự do công dân ghi trong hiến pháp nên vấp phải sự phản đối quyết liệt của cánh tả. Đỉnh cao của các phản ứng này là sự ra đời của tổ chức « Lữ đoàn đỏ » RAF, chủ trương dùng khủng bố bạo lực để đánh phá nhà nước tư bản.
Đầu năm 1983 nhân dịp « Điều tra dân số » thường kỳ (Volkszählung 1983) chính phủ Tây Đức chủ trương lập ra mã định danh thu thập mọi thông tin cá nhân của công dân về nghề nghiệp, thu nhập, tình trạng gia đình, sức khỏe, diện tích nhà ở v.v… Các thông tin này sẽ được lưu giữ trong hồ sơ mà các cấp chính quyền, các ngành có thể truy cập. Dự định này vấp phải sự phản đối rộng rãi từ mọi tầng lớp.
Người ta cho rằng điều tra để biết được số dân, cấu trúc dân số, lực lượng lao động, các nhu cầu về xã hội, văn hóa, giáo dục là cần thiết. Nhưng đem các số liệu thu thập được để tạo thành hồ sơ của từng công dân và từ đó cho phép công quyền sử dụng các dữ liệu đó là vi phạm quyền tự quyết về thông tin của công dân, là vi phạm nhân phẩm đã được hiến pháp bảo vệ. Chính phủ liên bang và các bang vẫn quyết tâm tiến hành. Dân không chịu, khởi kiện chính phủ và cuối năm 1983 tTa án Hiến pháp phải ra quyết định dừng điều tra dân số. Mãi cho đến 1987, cuộc điều tra dân số 1983 mới được tiến hành mà không được lập hồ sơ công dân.
Quyết định ngày 15.12.1983 của Tòa án Hiến pháp được coi là hòn đá tảng trong việc bảo vệ quyền riêng tư và tự quyết về thông tin của công dân Đức [2]. Trong quyết định cơ bản về luật bảo vệ dữ liệu cá nhân, được gọi là “Phán quyết điều tra dân số 1983”, Tòa Hiến pháp Đức đã thiết lập “quyền tự quyết về thông tin”.
Quyền tự quyết về thông tin xuất phát từ quyền tự do phát triển nhân cách và phẩm giá con người, trao cho cá nhân quyền quyết định xem dữ liệu cá nhân có được sử dụng và tiết lộ ở mức độ nào hay không.
Tóm gọn lại là: Thông tin cá nhân không được phép tiết lộ cho ai hết (Einzeldaten dürfen nicht weitergegeben werden). Quyền bảo vệ thông tin cá nhân là nhân quyền!
Bác sĩ được nắm các thông tin sức khỏe của bệnh nhân, luật sư biết về vướng mắc pháp lý của công dân, nhà băng nắm giữ số liệu tài chính của khách hàng… Nhưng các dữ liệu này chỉ có thể được chuyển tiếp với sự đồng ý của thân chủ. Trong trường hợp khẩn cấp phải có quyết định của tòa chứ không có chuyện đại trà, ai cũng được xem.
Để giám sát việc này, bên cạnh việc ban hành bộ luật về bảo vệ dữ liệu và quyền riêng tư của cá nhân, chính phủ Đức có cơ quan ngang bộ « Đặc ủy về bảo vệ số liệu và tự do thông tin » [3] (Bundesbeauftragter für Datenschutz und Informationsfreiheit).
Chuyện một lớp học ở Đức: Cô giáo trả bài và mỗi học sinh đều chỉ biết điểm của mình. Em nào muốn khoe, muốn chia sẻ hoặc giấu nhẹm kết quả là quyền của em đó. Có một em đề nghị cô công bố bảng điểm của cả lớp. Cô phải hỏi: Các em có đồng ý không? Vài em không đồng ý.
Cô giáo nói: Em thấy không? Dù chỉ có một bạn không đồng ý thì cô cũng không thể công bố. Tại sao em muốn biết điểm của cả lớp?
- Em muốn biết mình đứng thứ mấy trong lớp, thưa cô.
- Vậy cuối giờ em đến gặp, cô sẽ cho biết em đứng thư mấy trong xếp hạng lần này.
Người ta giáo dục trẻ em từ bé thói quen bảo vệ quyền riêng tư.
Ngày nay trong thời đại @ con người khi vào một trang mạng sẽ để lại dấu vết của mình qua công cụ cookie [4]. Từ đó nhà mạng có thế sử dụng chúng để biết các thói quen tiêu dùng, sở thích văn hóa, yêu cầu về thuốc men v.v… để tiến hành tiếp thị hoặc tuyên truyền. Việc các nhà mạng gốc Trung Quốc (TikTok, Zalo, Alibaba, Temu…) cung cấp dữ liệu người sử dụng cho chính quyền Bắc Kinh không chỉ là mối lo mơ hồ ở các nước phương Tây.
Vì vây ở xứ văn minh, luật bảo vệ quyền riêng tư bắt buộc mỗi trang web đều phải hỏi: Quý vị có chấp nhận cho chúng tôi sử dụng các thông tin đó không? Dù không đồng ý người ta vẫn có quyền sử dụng dịch vụ mạng.
Việc bảo vệ quyền riêng tư đã lên một cấp khác.
Người Việt chúng ta rất coi thường quyền riêng tư. Cư dân mạng thì thoải mái lấy ảnh con cháu hay người khác làm avatar mà chưa chắc đã hỏi ý kiến. Người ta không ngần ngại đem ảnh các quan chức bị « củi hóa » để chê từ cái miệng, lỗ tai đến kiểu tóc. Thân nhân của can phạm thường bị lộ diện. Báo chí nếu thích câu view, có thể đem mọi chi tiết của « con mồi » ra kể. Đó là chưa kể các chiến dịch « đánh trước » để dọn đường cho các phiên tòa.
Còn nhà nước thì bất kể, không những không ngăn chặn các hành vi xâm phạm quyền riêng tư, dữ liệu của công dân, mà còn chủ động sử dụng chúng một cách đại trà cho việc quản lý xã hội theo kiểu của mình. Người ta đã học tập Trung Quốc trong việc đưa toàn bộ dữ liệu của công dân vào kho dữ liệu căn cước, khiến hơn 90 triệu người Việt đều như « người thủy tinh ».
Gần đây nhất là dự định lập dữ liệu quốc gia về ADN, mống mắt, giọng nói của Bộ Công An mà theo tôi là học tập mô hình Trung Quốc. Tuy việc này sẽ để lại nhiều hậu quả nặng nề và lâu dài cho xã hội Việt Nam nhưng dư luận chỉ phản bác nó một cách yếu ớt, với lý do chủ yếu được nêu ra là sợ bị rò rỉ thông tin, bị hacker lợi dụng v.v…Thực ra chỉ cần khẳng định: Quyền chia sẻ dữ liệu là là quyền bất khả xâm phạm của công dân thì khỏi phải tranh cãi.
Quả là đáng ngại khi cả xã hội không hề cảm thấy khó chịu về việc người khác nắm giữ quyền riêng tư của mình.
Điều này không ngạc nhiên vì ở ta từ con người, xã hội đến bộ máy đều đang ở giai đoạn đầu của phát triển. Chúng ta không xấu hổ mình là nước đang phát triển để tìm con đường đi lên. Con đường đi lên tốt nhất là xây dựng một xã hội của những công dân tự do, như giáo sư Trung Quốc Trương Duy Nghênh đã khẳng định trong bài « Tự do là một trách nhiệm »[5].
Nghe có vẻ cao siêu, nhưng hãy bắt đầu bằng việc bảo vệ quyền tự do chia sẻ dữ liệu của cá nhân.
Nguyễn Xuân Thọ
—-
[1] https://books.google.de/books?id=L9-0EAAAQBAJ
[2] https://www.bundestag.de/webarchiv/textarchiv/2012/38024038_kw10_kalender_volkszaehlung-207898
[3] https://en.wikipedia.org/wiki/Federal_Commissioner_for_Data_Protection_and_Freedom_of_Information
[4] Cookies là những file được trang web tạo ra để lưu lại các thông tin về hoạt động duyệt web của người dùng. Chúng được lưu tạm thời hoặc lâu dài trong bộ nhớ máy tính để giúp cho việc truy cập trở lại các trang web được nhanh chóng hơn.
[5] https://diendankhaiphong.org/2017/07/30/bai-phat-bieu-cua-truong-duy-nghenh-ve-tu-do/
[4] Cookies là những file được trang web tạo ra để lưu lại các thông tin về hoạt động duyệt web của người dùng. Chúng được lưu tạm thời hoặc lâu dài trong bộ nhớ máy tính để giúp cho việc truy cập trở lại các trang web được nhanh chóng hơn.
https://diendantheky.net/nguyen-xuan-tho-mien-rieng-tu-va-trach-nhiem-cua-tu-do/
Không có nhận xét nào