Header Ads

  • Breaking News

    Michael Do – Huyền Thoại, Huyền Sử!

    Tháng 01 năm 2024

    Tại sao người ta sính dùng hai chữ này?

    Hai chữ bị lạm dụng và dùng sai nhiều nhất là HUYỀN THOẠI và HUYỀN SỬ.

    Không chỉ sau này, mà ngay trước 1975; không chỉ người thường, mà ngay các nhà văn, nhà báo cũng dùng sai. 

    Chúng tôi đã nhiều lần bàn về cách dùng hai chữ “huyền thoại”, “huyền sử” nhưng vẫn đọc thấy nhan nhản trên nhiều trang báo giấy, điện báo, truyền thông xã hội và ngay cả trong những cuốn sách có giá trị, công phu.

    Trước 1975 thì có bản nhạc “Huyền Sử Ca Một Người Mang Tên Quốc” của nhạc sĩ Phạm Duy. Rồi trên báo chí, “Trận An Lộc huyền thoại, huyền thoại Đỗ Cao Trí”…

    Dường như hai chữ “huyền thoại” nghe thanh tao quá, hay quá nên rất nhiều người sính dùng khi muốn diễn đạt những nhân vật, những sự kiện tuyệt vời (wonderful, marvelous, outstanding), xuất chúng, phi thường (extraordinary). 

    Không rõ khi đặt bút viết hai chữ “huyền thoại,” “huyền sử,” họ có chịu khó tra tìm trong tự điển những nghĩa chính của các chữ này hay không?

    Sau đây là định nghĩa trong vài cuốn tự điển giá trị:

    1. Tự Điển Hán Việt Thiều Chửu:

    玄 huyền 2 : Huyền diệu, huyền bí. Lẽ sâu xa lắm gọi là huyền. Như người tu đạo, đời gọi là huyền học 玄學. Nhà Phật gọi cái cửa do đấy tu vào là huyền quan 玄關. Cháu sáu đời gọi là huyền tôn 玄孫.

    2. Tự điển Tiến Đức (trang 253) cũng định nghĩa “huyền” là mầu nhiệm, thâm ảo với nghĩa rộng là viển vông, chuyện không thể tin được.

    3. Tự Điển Việt Nam của Lê Ngọc Trụ (trang 649) cũng định nghĩa tương tự: Huyền ảo, mơ hồ, viễn vông, không thực 

    Với nghĩa như trong các tự điển trên, chúng ta hiểu rằng “huyền thoại” là chuyện mơ hồ, viễn vông, không có thật, không ai thấy, không chứng minh được. 

    Lịch sử nhân loại được chia ra hai thời kỳ: thời kỳ vô sử (hay còn gọi là huyền sử) và thời kỳ hữu sử.

    Gọi là thời kỳ vô sử, vì từ hai ngàn năm trước công nguyên trở về trước, con ngưòi chưa có chữ viết mà chỉ là những ký hiệu ít oi, đơn sơ để giao tiếp. Những chuyện xảy ra trong thời này chỉ là sự truyền tụng mà không có bằng chứng cụ thể nào để lại. Đa số là những chuyện thần thoại hoang đường do người xưa tưởng tượng, tô vẽ ra. Vì thế, những chuyện đó được coi là Huyền Thoại (myth). 

    Chúng ta thường mê say truyện thần thoại Hy Lại trong đó có các huyền thoại Sisyphus bị phạt lăn hoài lăn mãi một tảng đá lên núi, huyền thoại Hercules chém rắn nhiều đầu, huyền thoại Oedipus giết cha lấy mẹ… 

    Trong Anh ngữ có chữ ‘Legend’ có nghĩa những truyện truyền tụng trong dân gian được coi là sử nhưng không xác định được thật hay hoang đường. Do đó, những sự việc hay nhân vật làm được việc phi thường thì đuợc gọi là ‘legendary’. Trường hợp này, có lẽ trong tiếng Việt chúng ta dùng chữ “Truyền kỳ, thần kỳ” thay cho chữ “huyền sử”.

    Chỉ từ sau khi có chữ viết và phương tiện ghi lại như tre, giấy… thì lịch sử được ghi chép trung thực hơn. Đó là thời kỳ hữu sử. Thời hữu sử ở Tây Phương bắt đầu từ thiên niên kỷ thứ hai trước Công Nguyên. Chữ viết ra đời ở vùng Levant (Bắc Phi và Trung Đông), dùng cho ngôn ngữ Semitic - tổ tiên của dân Do Thái và Ả Rập ngày nay. 

    Cũng thời kỳ đó, dưói triều đại nhà Thương ở Trung Hoa cũng phát minh ra chữ viết. Văn tự Trung Hoa được ghi chép trên những thanh tre trước khi họ phát minh ra giấy. Từ đó, có chữ “sử xanh” để nói về những trang sử ghi trên những thanh tre xanh. Những truyện thời Chiến Quốc nhà Chu đều là thật đuợc ghi lại trong bộ Kinh Xuân Thu..

    Tuy dân Việt Nam thời đó chưa có chữ viết, nhưng cuộc nổi dậy của hai chị em Trưng Trắc và Trưng Nhị (năm 40 – 43 AD) được ghi trong sách Hậu Hán Thư của Trung Hoa vào thế kỷ thứ 5 sau Tây Lịch. Cho nên, có thể coi bắt đầu từ đó, là thời hữu sử của Việt Nam. Trước đó, những chuyện Âu Cơ đẻ trăm trứng, Phù Đổng từ đứa bé vươn vai thành dũng sĩ đánh tan giặc Ân, Sơn Tinh đại chiến Thủy Tinh… đều là chuyện hoang đuờng, huyền thoại.

    Đối với những nhân vật anh hùng, hào kiệt từng thực hiện những việc phi thường, xuất chúng; họ là người thật, sống, chiến đấu, hy sinh được ghi nhận.

    Đối với những sự kiện nào đó từng xảy ra thật vào ngày giờ, địa điểm nhất định; thì tự nó rõ ràng chứ không mơ hồ, hoang tưởng.

    Vì thế, khi cần vinh danh những anh hùng hay những sự kiện vẻ vang; chúng ta nên tìm những chữ tương xứng thay vì dùng chữ huyền thoại. Gọi họ là huyền thoại có phải là vô tình phủ nhận tính chất thật của họ?



    Không có nhận xét nào