28/3/2024
Screenshot từ tuoitrenews.vn
Nạn nhân không chỉ là phụ huynh mất tiền, mà còn là các cháu bơ vơ không có lớp để học.
Ngày 26/3, Bộ Công An cho biết ông Nguyễn Ngọc Thuỷ đã bị bắt về tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản. Ông Thuỷ là chủ tịch tập đoàn Egroup và là Tổng giám đốc công ty cổ phần Anh ngữ Apax với hệ thống trung tâm Apax Leaders từng được coi là lớn nhất cả nước.
Ông Thuỷ còn là thành viên trong chương trình nổi tiếng “Thương vụ bạc tỷ” của Shark Tank Việt Nam. Cũng vì vậy mà thương hiệu Shark Thuỷ gắn bó mật thiết với ông.
Nạn nhân là người muốn được học
Báo Tuổi trẻ, trích lời của tướng Tô Ân Xô, cho biết “Năm 2023 ông Thuỷ bị nhiều người tố cáo lừa đảo chiếm đoạt hàng ngìn tỉ đồng thông qua các loại hợp đồng dưới hình thức tiền gửi”. Ông bị khởi tố theo Khoản 4 Điều 174 với mức tù từ 12 từ 20 năm hoặc tù chung thân.
Nạn nhân của Shark Thuỷ khá nhiều, từ nhà đầu tư chứng khoán, người tham gia dự án bất động sản cho đến nhân viên các trung tâm Anh ngữ… nhưng nhiều nhất có lẽ là những phụ huynh đang khát khao đi kiếm tìm kiến thức tiếng Anh cho con mình.
Theo Sở giáo dục và Đào tạo TPHCM thì tổng số học sinh của các Trung tâm Anh ngữ Apax Leaders trên địa bàn thành phố là 11.295 em, số học sinh bảo lưu kết quả là 6.072 em, số học sinh rút học phí là 4.384 em với số tiền học phí phải hoàn trả là khoảng 108 tỷ đồng. Apax Leaders đã trả 14,2 tỷ đồng, còn nợ hơn 93 tỷ đồng. Bảo hiểm xã hội và Cục thuế TPHCMM cũng cho biết, chi nhánh của Apax Leaders còn chậm đóng hơn 32 tỷ đồng bảo hiểm các loại cho người lao động và nợ 15 tỷ tiền thuế.
Nạn nhân không chỉ là phụ huynh mất tiền, mà còn là các cháu bơ vơ không có lớp để học. Trên mạng Facebook có cả một “Hội nạn nhân của Apax English” với số lượng thành viên tham gia lên đến hơn 6,2 ngàn người và đã tiến hành nhiều phương thức từ nhẹ nhàng đến căng thẳng như vây Shark đến giữa đêm để đòi tiền nhưng kết quả rất hạn chế, vì Apax Leaders đã bắt đầu lụn bại theo những “thương vụ bạc tỷ” khác mà Shark Thuỷ kỳ vọng ném vào.
Hình ảnh lý tưởng cho giới trẻ khởi nghiệp?
Shark Thuỷ từng được coi là người thành công khi ông xây dựng hệ thống Apax Leaders với mong ước đào tạo những nhân sự lãnh đạo cho tương lai. Khi đứng trên sân khấu, ông có nhiều phát ngôn hay, thu hút người nghe, đặc biệt là giới trẻ. Nhiều bạn trẻ coi ông như hình mẫu lý tưởng để khởi nghiệp. Thậm chí nhiều người đã so sánh việc ông bỏ học giữa chừng với những nhân vật giàu nhất thế giới cũng đã bỏ học giữa chừng.
Hệ thống giáo dục Apax Leaders của ông một thời được quảng cáo là “lớn nhất cả nước”, với hơn 120 trung tâm trên toàn quốc, nằm ở 30 tỉnh thành và khoảng hơn 120.000 học viên đang theo học. Doanh thu vào năm 2018 đạt 1,000 tỷ đồng và tăng gấp đôi lên 2,000 tỷ trong năm 2020.
Ông luôn nói đến khởi nghiệp, giáo dục và khai dân trí. Vào năm 2015, ông còn được Enterprise Asia bình chọn là 1 trong 14 doanh nhân xuất sắc nhất tại Việt Nam và được trao tặng giải thưởng Doanh nhân Châu Á – Thái Bình Dương (APEA).
Nhiều bạn trẻ nghe Shark nói như được truyền thêm lửa. Nhiều phụ huynh nghe Shark nói đã dồn hết tiền, thậm chí vay mượn cho con đi học tại trung tâm của Shark.
Thế nhưng, vòng xoáy bất động sản đầy mê hoặc là con đường dẫn rất nhiều doanh nhân đi đến lao tù. Tờ Nhà Đầu tư dẫn nguồn dữ liệu từ Tổng cục Thống kê cho biết thì chỉ trong 2 tháng đầu năm nay, 2,280 doanh nghiệp Bất động sản đã phải ngừng hoạt động, tăng 37,3% so với cùng kỳ năm 2023, và hàng loạt dự án bất động sản của công ty Apax Holdings trải dài từ Bắc Giang đến Vũng Tàu cũng chịu chung số phận.
Khởi nghiệp (Start-up) ở Việt Nam
Vượt lên trên chuyện dự án đất đai, một chuỗi trung tâm tiếng Anh lâm vào tình trạng không thể hoạt động được là rất tiếc cho hết thảy mọi người. Thay vì được nhìn thấy hình ảnh các em nhỏ rộn ràng thực hành tiếng Anh tại các trung tâm, chúng ta chỉ còn thấy những phụ huynh mặc áo đỏ, căng băng rôn đòi tiền trước những cánh cửa đóng kín.
Khát vọng “phổ biến tri thức” của Shark Thuỷ từng hô hào đã hoàn toàn thất bại. Một mặt ông đã phạm sai lầm, nhưng mặt khác ông cũng không định hình hết được không gian khởi nghiệp ở tầm quốc gia.
Theo VnEconomy, trích lời của Giám đốc Quỹ đầu tư mạo hiểm Nextrans (Hàn Quốc) tại Việt Nam Lê Hàn Tuệ Lâm thì chỉ có dưới 5% doanh nghiệp khởi nghiệp của Việt Nam được “tổ chức sinh nhật lần thứ 2”. Đây là một tỷ lệ rất thấp và đáng buồn khi so sánh với Mỹ là 50% vẫn trụ được đến 2 năm và đến sinh nhật lần thứ 5 thì vẫn còn 15-20%.
Hàng loạt dự án của Shark Thuỷ tham gia đầu tư khởi nghiệp về giáo dục, y tế và công nghệ như Talk Cafe 100% English, Soya Garden, Luxstay… bắt đầu một cách đầy hào hứng đã vấp phải những trở ngại về pháp lý, vốn, quản trị, môi trường kinh doanh nên cuối cùng cũng đã đi vào dĩ vãng.
Đổi “học phí” lấy bất động sản và bếp từ
Khi háo hức đưa con đến trung tâm ngoại ngữ có người nước ngoài dạy, có lẽ không một người bố mẹ nào lại nghĩ đến ngày phải căng băng rôn đòi nợ trước mặt thầy cô. Càng khó tin hơn khi đến họ được mời “đổi nợ học phí” lấy bất động sản và đồ gia dụng. Có lẽ chưa một quốc gia nào mà giá trị của việc hoán đổi tri thức lấy những vật chất cụ thể kỳ lạ như thế.
Khi nhìn vào những trung tâm Anh ngữ Apax Leader một thời đầy kiêu hãnh; khi nghe Shark Thuỷ nói về khởi nghiệp và làm giàu, lòng tôi đã tràn đầy hy vọng về một thế hệ học trò mai sau, sánh vai các cường quốc năm châu. Khi nghe Shark Thuỷ nói về khát vọng vươn cao, làm chủ tri thức tiếng Anh trong xu hướng hội nhập toàn cầu, rất nhiều người đã tưởng rằng đất nước như rồng đang mọc thêm cánh.
Nhưng Shark Thuỷ đã chìm ngập trong nợ nần. Ông trở thành “con nợ” của hàng vạn người khi đã bỏ những khoản tiền lớn cho các con đi học tiếng Anh mà không được học. Có những phụ huynh vay mượn tiền đến 150 triệu đồng cho con học nộp tiền cho con đi học mà không biết rằng Shark đang “huy động vốn” với lãi suất cao và không thể trả được.
Khởi nghiệp là dấu hiệu của “chấn dân khí”
Chúng ta đã từng chứng kiến những doanh nghiệp bắt đầu khởi nghiệp rất thành công, như Flappy Bird của Nguyễn Hà Đông, hoặc dự án Umbala (là một ứng dụng quay và chia sẻ video do người Việt tạo ra sớm hơn cả Tiktok) chết yểu. Ngoài ra hàng loạt tên tuổi khác đã một thời làm nức lòng giới trẻ như Wefit, Món Huế, The Kafe, Lamita… đã dần dần gục ngã và rời bỏ thị trường.
Mặc dù Việt Nam vẫn là một thị trường đầy hấp dẫn với 100 triệu người, cơ cấu dân số trẻ và đầy năng động, nhạy bén với công nghệ thông tin. Việt Nam cũng là điểm đến hấp dẫn của những vòng gọi vốn cho các Start-up về công nghệ và Fintech trong suốt hàng chục năm qua.
Thế nhưng vốn đổ vào các Start-up Việt Nam năm 2022 đã giảm đến 56% so với năm 2021 và có vẻ như tinh thần khởi nghiệp một thời đầy hưng phấn giờ đã bắt đầu suy sụp. Doanh khí đang đi xuống, sự thiểu não đã bắt đầu lan nhanh, nhiều doanh nhân giờ chỉ mong đi làm thuê cho các doanh nghiệp nước ngoài ngay trên quê hương mình.
Giữa lúc công cuộc đốt lò dâng cao, những tập đoàn lớn như Vạn Thịnh Phát, Tân Hoàng Minh, FLC Trịnh Văn Quyết… đang bước ra giữa vành móng ngựa; giữa lúc Việt Nam chưa có đủ một môi trường pháp lý lành mạnh, một “lồng ấp” an toàn ở quy mô lớn, thì chưa thể có những đại bàng non ra đời, để cùng sánh bước với các doanh nghiệp “kỳ lân” trên thế giới.
Chỉ khi “chấn” được dân khí, lòng ái quốc sẽ là ánh sáng soi rọi cho những doanh nhân chân chính khởi nghiệp. Nếu không “chấn được dân khí” thì lò lửa và những cuộc đấu đá hiện nay sẽ chôn vùi nhiệt huyết và nhuệ khí của một tầng lớp doanh nhân trẻ.
Trong đó vụ việc của Shark Thuỷ là một bài học điển hình.
https://www.voatiengviet.com/a/shark-thuy-bi-bat-kiem-tim-tri-thuc-va-khoi-nghiep-o-viet-nam/7547371.html
Không có nhận xét nào