Header Ads

  • Breaking News

    Gregory B. Poling - Thế Kỷ Của Hoa Kỳ Ở Biển Đông

    On Dangerous Ground – America’s Century In the South China Sea

    Oxford University Press Inc.

    Chương Mở Đầu 

    Research Asssisant

    March 1/2024

    " Trong phần kết luận, tác giả nhấn mạnh tới phát biểu của Ngoại trưởng Hillary Clinton, tự do hàng hải và giải quyết hòa bình các tranh chấp ở Biển Đông là lợi ích quốc gia của Hoa Kỳ năm 2010. Sự tham gia của Hoa Kỳ vào các tranh chấp ở Biển Đông gần như ngay từ khi các tranh chấp này hình thành. Các tranh chấp sẽ không được giải quyết nhanh chóng nên nếu Hoa Kỳ muốn bảo đảm lợi ích quốc gia, nước này sẽ cần thận trọng hơn trong việc xác định và theo đuổi các lợi ích đó, bao gồm duy trì bảo vệ quyền tự do trên biển và mạng lưới đồng minh đáng tin cậy ở Châu Á. Trong bối cảnh có một đối thủ đáng gờm như Trung Quốc, Hoa Kỳ cần cân bằng giữa thỏa hiệp và cứng rắn trong việc giải quyết các xung đột tiềm tàng".

    Chương mở đầu: Interests That Abide

    Biển Đông là vùng biển có nhiều tranh chấp về mặt chính trị và pháp lý nhất trên thế giới với hai loại tranh chấp phổ biến, gồm tranh chấp lãnh thổ và tranh chấp vùng biển, vùng đáy biển và vùng trời xung quanh các thực thể này. Với tư cách là quốc gia bên ngoài tranh chấp, Hoa Kỳ trung lập về các tranh chấp chủ quyền nhưng rất quan tâm đến loại tranh chấp còn lại, đặc biệt là khi Trung Quốc đưa ra yêu sách quá đáng như đường chín đoạn bởi những lợi ích lâu dài của Hoa Kỳ ở Biển Đông. Chương sách xem xét các lợi ích lâu dài của Hoa Kỳ ở Biển Đông, chia thành 10 thời kỳ, trải dài từ năm 1800 đến năm 2021. Tác giả tập trung trả lời câu hỏi: Hai lợi ích lâu dài của Hoa Kỳ ở Biển Đông là gì? Nghiên cứu chỉ ra, đó là quyền tự do trên biển và cam kết với các đồng minh, được chứng minh qua nguồn gốc lịch sử và mối quan hệ giữa quyền tự do biển và luật pháp quốc tế ảnh hưởng đến chính sách và lợi ích của Hoa Kỳ ở Biển Đông, sự phát triển của liên minh giữa Hoa Kỳ với Philippines đã định hình lợi ích của Hoa Kỳ ở Biển Đông và các hành động cụ thể của Mỹ để giải quyết các lợi ích lâu dài này. 

    Quyền tự do trên biển đã là nền tảng cho lợi ích của Hoa Kỳ trong nhiều thế kỷ, thúc đẩy các hoạt động quân sự ban đầu của nước này và định hình mối quan hệ với các cường quốc hàng hải. Từ thế kỷ 16, Châu Âu đã có sự tranh luận yêu sách về tự do biển cả - biển mở hay biển đóng. Dựa theo quan điểm của Châu Âu về giới hạn lãnh hải 3 hải lý, Hoa Kỳ quyết liệt bảo vệ quyền tiếp cận các vùng biển mở để giao thương, thể hiện rõ nhất trong cuộc chiến chống lại cướp biển Barbary. Sau chiến tranh với Anh năm 1812 và cuộc chiến với Algiers, với mong muốn bảo vệ quyền hàng hải của mình, Hải quân Hoa Kỳ tiến vào Thái Bình Dương. Hoa Kỳ gửi các tàu chiến đầu tiên của Hải đội Đông Ấn mới đến Tây Thái Bình Dương vào năm 1835. Nhiệm vụ của các tàu này là bảo vệ lợi ích thương mại của Hoa Kỳ và đảm bảo rằng các thương gia Hoa Kỳ không cần phải dựa vào sự bảo vệ của người Anh. Năm 1902, Hải đội Châu Á được nâng cấp thành Hạm đội Châu Á trước khi được lãnh đạo bởi đô đốc 4 sao vào sau năm 1919. Sự thay đổi này nhằm đảm bảo rằng sĩ quan cấp cao của Hoa Kỳ ở Châu Á có thể đàm phán bình đẳng với các đặc phái viên của các cường quốc khác. Đây là sự thừa nhận rằng hải quân là đại diện chính cho cả lợi ích an ninh và thương mại của Hoa Kỳ trong khu vực. Vai trò của hạm đội là bảo vệ quyền lợi của các nhà truyền giáo, nhà ngoại giao Hoa Kỳ, các thương gia Hoa Kỳ theo luật pháp quốc tế và nhiệm vụ chính là bảo vệ các quyền hàng hải của Hoa Kỳ. Trong những thập kỷ sau chiến tranh với Nhật Bản, lợi ích của Hoa Kỳ ở Thái Bình Dương tăng lên cùng với sức mạnh của nước này, nhưng quyền tự do trên biển luôn được đặt lên hàng đầu. Cam kết mang tính lịch sử về tự do hàng hải này tiếp tục thể hiện những lợi ích của Hoa Kỳ ở Biển Đông ngày nay, và việc hiểu rõ diễn biến của vấn đề này là rất quan trọng để hiểu rõ chính sách hàng hải của Hoa Kỳ.


    Hải quân Hoa Kỳ ở Biển Đông. Ảnh: Bộ Quốc phòng Hoa Kỳ

    Lợi ích thứ hai của Hoa Kỳ tại khu vực Biển Đông là cam kết của Hoa Kỳ đối với đồng minh. Hoa Kỳ đã thành lập một mạng lưới liên minh phức tạp ở Châu Á, đáng chú ý là với Philippines, nhằm giúp Hoa Kỳ triển khai các lực lượng quân sự, đảm bảo an toàn, lợi ích chung và duy trì sự ổn định ở Châu Á. Năm 1899, Ngoại trưởng John Hay đã đưa ra "Chính sách mở cửa", tuyên bố rằng Hoa Kỳ sẽ đảm bảo cho Trung Quốc độc lập và tự do buôn bán với tất cả các nước một cách bình đẳng. Tuy nhiên, từ năm 1898 đến năm 1899, Hoa Kỳ đã chiếm hữu Philippines và Guam, sáp nhập Hawaii và chia cắt Samoa, trở thành cường quốc thực dân với lập luận biện minh là nhu cầu của hải quân về các trạm tiếp nhiên liệu và để bảo vệ quyền thương mại của Hoa Kỳ. Sự can dự sớm nhất của Hoa Kỳ vào Biển Đông xuất phát từ sự hiện diện thuộc địa ở Philippines. Đến thời kỳ Chiến tranh Lạnh với nỗi lo lắng về sức ảnh hưởng của Liên Xô ở Châu Á, Hoa Kỳ và Philippines đã ký Thỏa ước căn cứ quân sự năm 1947 và Hiệp ước Phòng thủ chung năm 1951, tạo ra liên minh an ninh sớm nhất của Hoa Kỳ ở Thái Bình Dương và là bước đầu tiên trong việc hình thành hệ thống liên minh của Hoa Kỳ. Hoa Kỳ sớm ký các hiệp ước quốc phòng tương tự với Úc, New Zealand, Trung Hoa Dân Quốc (ROC), Nhật Bản và Hàn Quốc và sau đó là liên minh với Thái Lan và Việt Nam Cộng hòa. Trong các bên ký kết, Philippines, Trung Hoa Dân Quốc và Việt Nam Cộng hoà đều tuyên bố chủ quyền đối với các đảo tranh chấp ở Biển Đông còn Hoa Kỳ chọn ưu tiên duy trì thái độ trung lập và kêu gọi bình tĩnh. Thay đổi mạnh mẽ diễn ra trong suốt những năm 1970 khi Sài Gòn thất thủ, lực lượng miền Bắc Việt Nam vào quần đảo Trường Sa, Cộng hòa Nhân dân Trung Quốc (PRC) đã mở rộng sự hiện diện của mình ở Hoàng Sa một cách thô bạo và Hoa Kỳ đã bãi bỏ hiệp ước với ROC về Đài Loan. Trong thời gian ngắn, Manila nhận thấy mình là đồng minh duy nhất của Hoa Kỳ còn sót lại trong cuộc tranh chấp, phải đối mặt với sự xâm lược tiềm ẩn từ Hà Nội hoặc Bắc Kinh. Đồng thời, việc bỏ rơi miền Nam Việt Nam và Đài Loan làm dấy lên lo ngại về độ tin cậy của các cam kết quốc phòng khác của Hoa Kỳ. Dù vậy, trong bốn thập kỷ qua, Washington đã dần dần làm rõ rằng Hiệp ước Phòng thủ chung áp dụng cho bất kỳ cuộc tấn công nào vào lực lượng Philippines ở Biển Đông. Hoa Kỳ tiếp tục cân bằng cam kết đó với vai trò trung lập trong các yêu sách lãnh thổ. Việc bỏ rơi Philippines sẽ làm tê liệt ảnh hưởng của Mỹ trong khu vực và gây nghi ngờ về cam kết an ninh của nước này. Trước sức mạnh ngày càng tăng của Trung Quốc, việc duy trì liên minh mong manh này trở nên quan trọng hơn bao giờ hết đối với sự ổn định ở Đông Nam Á và khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương.

    Trong phần kết luận, tác giả nhấn mạnh tới phát biểu của Ngoại trưởng Hillary Clinton, tự do hàng hải và giải quyết hòa bình các tranh chấp ở Biển Đông là lợi ích quốc gia của Hoa Kỳ năm 2010. Sự tham gia của Hoa Kỳ vào các tranh chấp ở Biển Đông gần như ngay từ khi các tranh chấp này hình thành. Các tranh chấp sẽ không được giải quyết nhanh chóng nên nếu Hoa Kỳ muốn bảo đảm lợi ích quốc gia, nước này sẽ cần thận trọng hơn trong việc xác định và theo đuổi các lợi ích đó, bao gồm duy trì bảo vệ quyền tự do trên biển và mạng lưới đồng minh đáng tin cậy ở Châu Á. Trong bối cảnh có một đối thủ đáng gờm như Trung Quốc, Hoa Kỳ cần cân bằng giữa thỏa hiệp và cứng rắn trong việc giải quyết các xung đột tiềm tàng.

    https://drive.google.com/file/d/1wW45QOlZjdV_v68jLwzlI9DtEI2zzN-h/view?usp=sharing


    Không có nhận xét nào