Ngọc Lan/VNTB
25/3/2024
" Hiện tại, mọi hoạt động của Viện Tăng thống GHPGVNTN đều tập trung tại chùa Từ Hiếu, quận 8 và chùa Phật Ân, Long Thành, Đồng Nai.
Về đề xuất: HĐGPTƯ rất mong chính phủ Việt Nam:
– Tôn trọng Tuyên ngôn Quốc tế về Nhân quyền, các công ước Quốc tế về Nhân quyền, Tự do tín ngưỡng tôn giáo mà Việt Nam đã ký kết.
– Thực hiện đúng Hiến pháp về việc thiết lập tự do tín ngưỡng của nhân dân.
– Để GHPGVNTN được hành hoạt như trước năm 1975, và Giáo hội được thực hiện công tác Giáo dục, Văn hóa, Hoằng pháp, Từ thiện,… góp phần vào công cuộc chấn hưng Phật giáo, chấn hưng nền đạo đức nước nhà".
(VNTB) – GHPGVNTN kiến nghị được hành hoạt như trước năm 1975
Theo lời đề nghị của Tòa Lãnh sự Hoa Kỳ, được tiếp xúc với Viện Tăng thống để tìm hiểu hiện tình của Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống Nhất (GHPGVNTN) sau khi Hòa thượng Thích Tuệ Sỹ, Đệ lục Tăng thống GHPGVNTN viên tịch, vào lúc 9g00 ngày 20-03-2024, tại chùa Từ Hiếu, quận 8, Sài Gòn, thay mặt Hội đồng Giáo phẩm Trung ương (HĐGPTƯ), buổi tiếp đón có Hòa thượng Thích Nguyên Lý – Trưởng phòng Hành sự; Hòa thượng Thích Minh Tâm – Nhiếp sự trưởng Thanh niên; Hòa thượng Thích Thiện Minh – Nhiếp sự trưởng Từ thiện.
Thay mặt Chính phủ và Nhân dân Hoa Kỳ, ông viên chức Chính trị của Tòa lãnh sự Rustum Nyquitst đã trao đổi với HĐGPTƯ Viện Tăng thống GHPGVNTN 04 chủ điểm trong bối cảnh hiện tại nhà nước Việt Nam đang vận động để rút tên ra khỏi danh sách các quốc gia đặc biệt quan tâm
04 chủ điểm được Viên chức Chính trị Tòa Lãnh sự Hoa Kỳ tại TP.HCM trao đổi với Viện Tăng thống, như sau:
1. Sau khi Hòa thượng Thích Tuệ Sỹ viên tịch, hiện tại việc điều hành GHPGVNTN được tiếp nối như thế nào? Đường hướng hành hoạt sắp đến của Giáo hội ra sao?
2. Từ lễ tang của Hòa thượng Thích Tuệ Sỹ đến nay, Giáo hội có gặp những khó khăn gì từ phía chính quyền hay không?
3. Tòa Lãnh sự đã thay mặt Chính phủ Hoa Kỳ tiếp xúc với chùa Thiên Quang – Bà Rịa Vũng Tàu, vài vị ở thành phố Huế, được tiếp nhận rất nhiều khó khăn mà quý vị đó đã trình bày. Viện Tăng thống GHPGVNTN có ý kiến gì thêm?
4. Sinh hoạt của Tổ chức Gia đình Phật tử Việt Nam hiện nay ra sao? Hiện nay GHPGVNTN còn có được bao nhiêu cơ sở? Những khó khăn mà các trú xứ thành viên GHPGVNTN gặp phải như thế nào? Chư tôn đức có những đề xuất gì?
Với bốn chủ điểm được đặt ra, Chư tôn đức đại diện HĐGPTƯ hiện diện đã phản hồi những nội dung chính như sau:
Giáo hội y chỉ trên tinh thần Hiến chương GHPGVNTN, sau 100 ngày Hòa thượng Thích Tuệ Sỹ viên tịch, HĐGPTƯ đã tiến hành Tăng nghị (phiên họp) để kiện toàn nhân sự, nhân Lễ giỗ Đức Đệ ngũ Tăng thống Đại lão Hòa thượng Thích Quảng Độ, ngày 09-03-2024, tại chùa Từ Hiếu. HĐGPTƯ đã cử hành Lễ suy tôn Giác linh Trưởng lão Hòa thượng Thích Tuệ Sỹ, đăng lâm bảo vị Đệ lục Tăng thống GHPGVNTN theo thỉnh nguyện của tứ chúng, suy cử Hòa thượng Thích Phước An, chùa Hải Đức, Khánh Hòa đăng lâm pháp tịch Tăng Trưởng HĐGPTƯ, Hòa thượng Thích Đức Thắng, Viện chủ Chùa An Linh, quận 12 (TP.HCM) đăng lâm pháp tịch Chánh Thư ký – Xử lý thường vụ Viện Tăng thống.
Đường hướng của Giáo hội hiện nay vẫn trung thành với lý tưởng, hoài bão mà Thầy Tổ, và Lục đại Tăng thống đã khai sáng và đem cả sinh mệnh của đời mình để gìn giữ đó là: “GHPGVNTN không đặt sự tồn tại của mình nơi nguyên vị cá biệt mà đặt sự tồn tại ấy trong sự tồn tại của nhân loại và dân tộc”. HĐGPTƯ dốc lòng thực hiện lập trường này, điều hành Phật sự trên tinh thần giáo pháp, giới luật mà Đức Thế tôn đã tuyên thuyết, hướng dẫn tứ chúng tu học, hoằng pháp lợi sanh bằng các hoạt động thuyết giảng, tổ chức khóa tu, truyền trao giới pháp, phiên dịch Đại tạng kinh, hướng dẫn Tổ chức Gia đình Phật tử Việt Nam tu học, sinh hoạt. GHPGVNTN giữ vững lập trường phi chính trị, không lợi dụng ai, mà cũng không để ai lợi dụng mình.
Khó khăn của GHPGVNTN đã tồn tại gần nửa thế kỷ qua, mỗi giai kỳ có những khó khăn riêng, sự theo dõi, chính sách của chính quyền với GHPGVNTN mỗi lúc mỗi khác. Giáo hội không tham gia vào Mặt trận tổ quốc, không để chính trị xen lẫn trong đời sống tu học của tứ chúng và công tác hoằng pháp lợi sanh, Giáo hội lúc nào cũng vận động cho nhân quyền, tự do tín ngưỡng tôn giáo với phương châm chính giáo phân ly.
Hoạt động cứu trợ của Giáo hội, sinh hoạt tín ngưỡng, nghi lễ, xây dựng chùa, tổ chức giới đàn truyền giới,… luôn được chính quyền theo sát, các cơ quan nhà nước tìm cách hạn chế quần chúng đến với Phật sự của Giáo hội, không để danh nghĩa GHPGVNTN xuất hiện trên truyền thông. Trước thực tại khó khăn, Giáo hội giữ vững lập trường, sẵn sàng đối thoại để bảo vệ những giá trị truyền thống của Thầy Tổ để lại.
Chùa Thiên Quang (Bà Rịa Vũng Tàu) trực thuộc Tăng đoàn GHPGVNTN, các Thầy, các trụ xứ trên đã gắn bó cùng GHPGVNTN từ rất lâu và hiện nay chưa trực thuộc Viện Tăng thống. Cũng như GHPGVNTN, Tăng đoàn gặp rất nhiều khó khăn như đã trình bày trên. Trong tình pháp lữ, HĐGPTƯ Viện Tăng thống luôn trân trọng các tổ chức hướng về thực hiện lý tưởng phụng sự Đạo pháp – Dân tộc.
Gia đình Phật Tử Việt Nam là một Vụ trực thuộc Nhiếp sự vụ Thanh niên – Viện Tăng thống, được gọi là Gia đình Phật tử truyền thống để phân biệt với Phân ban Gia đình Phật tử trực thuộc Giáo hội Phật giáo Việt Nam. Dù trải qua rất nhiều khó khăn trong gần 50 năm qua, Gia đình Phật Tử Việt Nam truyền thống vẫn giữ sự trung kiên của mình với GHPGVNTN, Giáo hội mẹ gặp nhiều chướng nạn thì Gia đình Phật Tử Việt Nam cũng gánh chịu nhiều gian truân, nhưng luôn kham nhẫn để tiếp tục hoài bão giáo dục tuổi trẻ Việt Nam trên khắp năm châu sống theo lời Phật dạy.
Trong những lần tiếp xúc trước đây, HĐGPTƯ đã trình bày những nguyên nhân dẫn đến việc GHPGVNTN bị mất cơ sở, mỗi khi nhắc đến vấn đề này là nhắc đến một nổi đau không thể nào nguôi.
Hiện tại, mọi hoạt động của Viện Tăng thống GHPGVNTN đều tập trung tại chùa Từ Hiếu, quận 8 và chùa Phật Ân, Long Thành, Đồng Nai.
Về đề xuất: HĐGPTƯ rất mong chính phủ Việt Nam:
– Tôn trọng Tuyên ngôn Quốc tế về Nhân quyền, các công ước Quốc tế về Nhân quyền, Tự do tín ngưỡng tôn giáo mà Việt Nam đã ký kết.
– Thực hiện đúng Hiến pháp về việc thiết lập tự do tín ngưỡng của nhân dân.
– Để GHPGVNTN được hành hoạt như trước năm 1975, và Giáo hội được thực hiện công tác Giáo dục, Văn hóa, Hoằng pháp, Từ thiện,… góp phần vào công cuộc chấn hưng Phật giáo, chấn hưng nền đạo đức nước nhà.
https://vietnamthoibao.org/vntb-giao-hoi-phat-giao-viet-nam-thong-nhat-muon-duoc-tro-lai-nhu-xua/
Không có nhận xét nào