Header Ads

  • Breaking News

    Chuyện Việt Nam ngày Thứ sáu 22 tháng 3 năm 2024

    Quê Hương tổng hợp

    Bắc Triều Tiên tìm cách thắt chặt quan hệ với Trung Quốc, Việt Nam và Lào

    Thu Hằng /RFI

    22/3/2024

    Lần đầu tiên kể từ sau đại dịch Covid-19, Bắc Triều Tiên cử phái đoàn ngoại giao công du ba nước Trung Quốc, Việt Nam và Lào để thắt chặt quan hệ. Phái đoàn đã đến Trung Quốc ngày 21/03/2024 và được ông Vương Hỗ Ninh (Wang Huning), nhân vật số 4 của đảng Cộng Sản Trung Quốc, tiếp đón. 

    North Korean and Chinese flags fly in Pyongyang on June 19, 2019.

    Ảnh minh họa: Bắc Triều Tiên cử một phái đoàn ngoại giao đến Trung Quốc nhằm thắt chặt quan hệ song phương. AFP - ED JONES 

    Dẫn đầu phái đoàn Bắc Triều Tiên là ông Kim Song Nam, ủy viên dự khuyết Bộ Chính Trị kiêm trưởng ban Đối ngoại Trung ương đảng Lao Động Triều Tiên. Ông cũng được chế độ Bình Nhưỡng coi là « chuyên gia về Trung Quốc », thường được cử làm phiên dịch cho các nhà lãnh đạo Kim Nhật Thành và Kim Jong Il.

    Trong cuộc gặp với ủy viên Ban Thường Vụ Bộ Chính Trị - cơ quan lãnh đạo cao nhất của đảng Cộng sản Trung Quốc, ông Kim Song Nam đã bày tỏ mong muốn của Bắc Triều Tiên thắt chặt quan hệ với Trung Quốc. Theo ông, mối quan hệ song phương sẽ « mở ra một chương mới trong lịch sử dưới định hướng chiến lược của hai nhà lãnh đạo ».

    Đài truyền hình Trung ương Trung Quốc, được trang NHK trích dẫn, cho biết ông Vương Hỗ Ninh khẳng định Bắc Kinh sẵn sàng hợp tác với Bình Nhưỡng để tăng cường trao đổi chiến lược, cùng phối hợp xây dựng một môi trường bên ngoài hòa bình và ổn định. Ông Vương Hỗ Ninh dường như cũng đề cập đến tình hình bán đảo Triều Tiêu.

    Trung Quốc là đối tác thương mại lớn và là đồng minh truyền thống của Bình Nhưỡng. Năm 2024 cũng được hai nước chọn làm Năm Hữu nghị CHDC Triều Tiên - Trung Quốc. Theo nhận định của một chuyên gia với đài NHK, Bình Nhưỡng muốn tăng cường mối quan hệ ba bên với Trung Quốc và Nga để làm đối trọng với trục Nhật Bản - Hàn Quốc - Mỹ.

    Trong một bản tin trước đó, cơ quan thông tấn Bắc Triều Tiên KCNA cho biết phái đoàn cũng thăm Việt Nam và Lào, nhưng không nêu mục đích chuyến đi. Đây là chuyến công du hiếm hoi kể từ khi Bắc Triều Tiên đóng cửa chống dịch. Đầu tháng 03, một phái đoàn do thứ trưởng Ngoại Giao Pak Myong Ho đã đến thăm Mông Cổ.

    Tập đoàn Mỹ muốn đầu tư xây dựng nhà máy công cụ sản xuất chip ở Việt Nam

    21/3/2024

    https://www.rfa.org/vietnamese/news/vietnamnews/lam-research-wants-to-build-a-factory-worths-usd-1-bil-in-vn-03212024104108.html/@@images/image

    Thủ tướng Phạm Minh Chính tiếp ông Karthik Rammohan, Phó Chủ tịch cấp cao Tập đoàn Lam Research tại Hà Nội hôm 20/3/2024 

    https://www.rfa.org/++plone++rfa-resources/img/icon-zoom.pngDương Giang/TTXVN 

    Tập đoàn Lam Research của Mỹ chuyên cung cấp công cụ sản xuất chip mới đây cho biết dự định sẽ đầu tư xây dựng nhà máy tại Việt Nam với số vốn từ một đến hai tỷ đô la.

    Thông tin này được ông Karthik Rammohan, Phó chủ tịch cấp cao Tập đoàn Lam Research cho biết trong cuộc gặp với Thủ tướng Phạm Minh Chính hôm 20/3. Truyền thông Nhà nước loan tin này.

    Tại cuộc gặp, ông Karthik Rammohan cho biết tập đoàn có định hướng mở rộng hoạt động, đa dạng hoá chuỗi cung ứng ở khu vực Châu Á. Hãng dự kiến hợp tác với Công ty Seojin của Hàn Quốc để phát triển nhà máy cùng chuỗi cung ứng trong giai đoạn một với số vốn từ một đến hai tỷ đô la.

    Hiện Công ty Seojin đã có các nhà máy đặt tại Bắc Ninh và Bắc Giang.

    Chính phủ Việt Nam hiện đang khuyến khích các công ty nước ngoài đầu tư vào lĩnh vực chip bán dẫn và có dự kiến đào tạo từ 50.000 đến 100.000 kỹ sư cho ngành này từ nay đến năm 2030.

    Cũng liên quan đến việc thu hút vốn đầu tư nước ngoài, vào ngày 21/3, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã tiếp đoàn doanh nghiệp Mỹ đến thăm Việt Nam. Đoàn gồm 60 doanh nghiệp Mỹ và là đoàn doanh nghiệp Mỹ đông nhất đến Việt Nam kể từ sau khi hai nước nâng cấp quan hệ lên Đối tác chiến lược toàn diện vào tháng 9 năm ngoái.

    Tại cuộc gặp, ông Ted Osius, Chủ tịch kiêm Tổng giám đốc, Hội đồng Kinh doanh Mỹ - ASEAN, trưởng đoàn, cho biết Mỹ cam kết mạnh mẽ tiếp tục đầu tư vào Việt Nam trong các lĩnh vực khoa học công nghệ, điện tử, hàng không, ô tô điện, logistics, năng lượng, y tế, tài chính, thương mại điện tử, thực phẩm, du lịch…

    Các doanh nghiệp Mỹ cũng thông báo những dự án đầu tư mới. Báo Nhà nước cho biết, Pepsi sẽ đầu tư hai nhà máy mới hiện đại, sử dụng năng lượng tái tạo gồm nhà máy sản xuất thực phẩm tại Hà Nam trị giá 90 triệu USD và nhà máy sản xuất đồ uống tại Long An có giá trị hơn 300 triệu USD.

    Truyền thông Nhà nước dẫn lời Thủ tướng Phạm Minh Chính cam kết với các doanh nghiệp Mỹ "3 bảo đảm, 3 cùng”.

    Ba bảo đảm được Chính phủ Việt Nam đưa ra gồm: bảo đảm quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của nhà đầu tư; bảo đảm giữ vững độc lập, chủ quyền, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ, ổn định về chính trị, trật tự an toàn xã hội, ổn định chính sách; bảo đảm khu vực kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài luôn là một hợp phần quan trọng của nền kinh tế Việt Nam, sẵn sàng tạo điều kiện thuận lợi để khu vực này phát triển lâu dài, hợp tác và cạnh tranh lành mạnh.

    “Ba cùng” gồm cùng lắng nghe, thấu hiểu với doanh nghiệp và người dân; cùng chia sẻ tầm nhìn và hành động để phát triển kinh tế, góp phần phát triển quan hệ 2 nước lên tầm cao mới; cùng làm, cùng hưởng, cùng thắng và cùng phát triển.

    Theo Bộ Kế hoạch và Đầu tư, các doanh nghiệp Mỹ đã đầu tư 11,4 tỷ đô la vào Việt Nam trong năm 2023, đứng thứ 11 trong tổng sô 143 quốc gia và vùng lãnh thổ. Riêng Singapore, Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc, Hong Kong, Đài Loan đã chiếm tới 78,8% tổng vốn đầu tư nước ngoài trực tiếp vào Việt Nam.

    Ngân hàng Thế giới chi 51,5 triệu USD cho Việt Nam về kết quả giảm carbon 

    22/3/2024 

    VOA Tiếng Việt 

    Việt Nam nỗ lực hạn chế mất rừng trong những năm gần đây.

    Việt Nam nỗ lực hạn chế mất rừng trong những năm gần đây. 

    Ngân hàng Thế giới (WB) tại Việt Nam ra thông báo hôm 21/3 cho hay Việt Nam đã nhận được khoản thanh toán 51,5 triệu đô la vì đất nước này được xác minh đã giảm phát thải 10,3 triệu tấn carbon từ đầu tháng 2/2018 đến hết năm 2019, Báo Điện tử Chính phủ và một số báo trong nước đưa tin.

    Việt Nam đạt các kết quả giảm phát thải được xác minh, còn gọi là các "tín chỉ carbon", thông qua chương trình hạn chế mất rừng và suy thoái rừng (REDD+) và tăng cường lưu trữ carbon thông qua trồng và tái tạo rừng, tin cho hay.

    Theo Báo Điện tử Chính phủ, Việt Nam là nước đầu tiên ở khu vực Đông Á-Thái Bình Dương nhận được khoản thanh toán từ Quỹ Đối tác Carbon Lâm nghiệp (FCPF) của WB căn cứ vào kết quả giảm phát thải.

    Đây là khoản chi trả đơn lẻ lớn nhất từng có từ Quỹ FCPF cho các kết quả giảm phát thải đã được xác minh và có chất lượng cao, các bản tin trong nước dẫn lại thông báo của WB.

    Số tiền 51,5 triệu đô la đó, theo WB, sẽ mang lại lợi ích cho hơn 70.500 chủ rừng và hơn 1.300 cộng đồng sống gần rừng, thông qua kế hoạch chia sẻ lợi ích rộng rãi được xây dựng qua quá trình tham vấn minh bạch với nhiều bên tham gia.

    Thông tin của WB được báo chí Việt Nam dẫn lại ghi nhận rằng nỗ lực của Việt Nam thực hiện REDD+ đã mang lại kết quả lớn hơn hẳn khối lượng đã ký hợp đồng với Quỹ FCPF.

    Cụ thể, Việt Nam đạt được 16,2 triệu “tín chỉ” cho giai đoạn 2018-2019, cao hơn 5,9 triệu so với khối lượng 10,3 triệu trong thỏa thuận chi trả giảm phát thải. WB đã thông báo cho Việt Nam việc thực hiện quyền mua thêm 1 triệu kết quả giảm phát thải bên ngoài số lượng hợp đồng.

    Việt Nam có thể bán khối lượng giảm phát thải thừa ra kể trên cho bên thứ ba thông qua các hiệp định song phương hoặc thị trường carbon. Việt Nam cũng có thể sử dụng các kết quả giảm phát thải vượt trội đó như một khoản đóng góp do quốc gia tự quyết định hoặc giữ lại cho các mục tiêu về khí hậu, WB nói trong thông báo của họ.

    Ngày chủ tịch về làm người ‘tử tế’

    Tuấn Khanh/SGN

    21/3/2024

    https://saigonnhonews.com/wp-content/uploads/2024/03/fotor-ai-20240321103253-1280x857.jpg

    (Ảnh AI) 

    Tin tức báo chí rầm rộ đưa sự kiện ông chủ tịch Võ Văn Thưởng rời ghế về làm dân thường, nhưng dường như không có nhiều nuối tiếc trong công luận.

    Ông Thưởng không còn được làm quan nữa, vì bởi bị phát hiện những sai phạm dính líu đến hối lộ và tham nhũng thời còn nắm quyền ở Quảng Ngãi, tương tự như những kẻ vô lại khác, đã và đang bị vạch trần trong chiến dịch đốt lò của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng.

    Hầu như người dân đón nhận tin tức này, nổi bật trên các mạng xã hội chỉ có những lời giễu cợt, hoặc chào tạm biệt mà không hề luyến tiếc. Nó phần nhiều khác biệt với lúc tin ông nhậm chức chủ tịch nước, dù trong bối cảnh bất thường là thế chỗ cho chủ tịch tiền nhiệm, cũng bị buộc từ chức,vẫn có đôi lời kỳ vọng về một người miền Nam trẻ, có ít nhiều khác biệt với các quan chức cùng thời.

    Một năm để đánh giá con người chắc là cũng đủ. Sự thờ ơ của người dân về tin tức vị Chủ tịch nước 53 tuổi, chỉ mới ngồi vào ghế một năm rồi phải ra đi, nó cũng cho thấy những ngày tháng cầm quyền ngắn ngủi của ông không đem lại điều gì để cho người dân thương mến. Thậm chí là ngược lại.

    Năm 2017, khi còn làm Trưởng Ban Tuyên Giáo Trung Ương, ông Võ Văn Thưởng từng làm xã hội xôn xao với tuyên bố “không sợ đối thoại, không sợ tranh luận.” Tưởng chừng như cánh cửa đón nhận các ý kiến khác biệt đã mở rộng, sau khi luật an ninh mạng – luật không chấp nhận ý kiến khác biệt ra đời. Vậy mà, đó chỉ là lời tuyên bố vui miệng của Thưởng.

    Năm 2024, ông Đỗ Minh Hiền ở Hà Nội, một người viết lý luận triết học riêng, khác biệt với triết học Marx Lenin, bị sáu năm tù. Không ai biết ông viết gì, lập luận ra sao, vì bởi ông chưa bao giờ có dịp được đối thoại, hay tranh luận để nhận biết mình sai hay đúng trong giấc mơ mà ông Thưởng vẽ ra.

    Đỉnh cao không “đối thoại” của ông Thưởng, là vào tháng Chín 2023, lúc án tử của Lê Văn Mạnh. Vào lúc có quyền lực nhất trong đời mình, và có thể làm thay đổi có tính bước ngoặt của một vụ án oan đã kêu gào suốt 20 năm, ông Thưởng đã chọn bịt tai, không đối thoại với người mẹ già khốn khổ cầu vác đơn quỳ trước cửa, xin ông nhìn vào một lần những điều kết tội quái lạ của bản án.

    Một ngày trước án tử hình, là giai đoạn nặng nề của của cả xã hội nhìn, đợi vị chủ tịch trẻ, hy vọng được nghe “đối thoại,” hy vọng được nghe “tranh luận” về sự thật. Nhưng rồi tất cả đều chìm trong nụ cười vô tâm của ông ta trên các trang tin nhà nước.

    Năm 2020, tại đại hội thành lập Hội Triết Học Việt Nam, với tư cách là trưởng ban tuyên giáo lúc đó, ông Võ Văn Thưởng kêu gọi phải tạo nên những nhà triết học Việt Nam. Ông Thưởng ca ngợi sự vĩ đại của triết học Hy Lạp, La Mã… và nói Việt Nam cần có những nhà triết học tầm cỡ. Dường như ông quên mất, Việt Nam cũng đã có triết gia hàng đầu được cả thế giới biết đến như Trần Đức Thảo, đã chết trong im lặng.

    Nhưng có lẽ phạm trù triết học của ông Thưởng hoàn toàn khác với thế giới, khi nhấn mạnh “Hội triết học cần đẩy mạnh thực hiện nhiệm vụ đấu tranh phê phán, bác bỏ các quan điểm triết học sai trái, thù địch, đi ngược lại với lợi ích của dân tộc, đất nước.” Tức triết học của ông Thưởng không dùng để nghiên cứu về các sự vật và hiện tượng của tự nhiên và xã hội, mà chỉ nhằm để tiêu diệt các lý thuyết khác.

    Năm 2023 là năm cả nước kêu gào các vụ án oan cần được xét lại như của Nguyễn Văn Chưởng, Hồ Duy Hải. Cách làm ngơ dẫn đến việc xử tử đột ngột với Nguyễn Văn Mạnh, đã làm những người có lương tri ở Việt Nam đều xót xa, và lại liên tục gọi tên ông Thưởng với niềm tin phập phồng.

    Tháng Hai 2024, những người quan tâm đến các vụ án oan ở Việt Nam đều chưng hửng khi nghe tin Chủ Tịch Nước Võ Văn Thưởng ký quyết định ân giảm hình phạt từ tử hình xuống tù chung thân cho 18 bị án có đơn gửi xin. Lẽ nào núi đơn chồng chất suốt hơn một thập niên của các gia đình như Nguyễn Văn Chưởng và Hồ Duy Hải đã gửi sai địa chỉ, sai con người?

    Nhưng những chuyện đó giờ cũng đã qua. Vị chủ tịch nước quyền thế đã bước xuống. Người đàn ông Võ Văn Thưởng trao trả mọi thứ, và về nhà. Nói theo nguyên thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng, khi thôi chức vụ, là thôi hết mọi thứ để “về làm người tử tế.” Nhưng về sau, khi sóng gió chính trường đi qua, ngồi ngẫm lại, ông Thưởng có tự đếm xem mình đã là người tử tế được bao nhiêu lần?

    Thủ tướng VNCS có công điện hỏa tốc về thị trường vàng

    Định Tường/VNTB

    22/3/2024

    VNTB – Thủ tướng có công điện hỏa tốc về thị trường vàng

     (VNTB) – Thủ tướng Phạm Minh Chính vừa ký Công điện số 22/CĐ-TTg ngày 20-3-2024 yêu cầu tăng cường các biện pháp quản lý thị trường vàng.

    Thủ tướng yêu cầu Ngân hàng Nhà nước thực hiện ngay việc thanh tra, kiểm tra đối với thị trường vàng, hoạt động của các doanh nghiệp kinh doanh vàng, các cửa hàng, đại lý phân phối mua bán vàng miếng và các chủ thể khác tham gia thị trường; xử lý nghiêm các hành vi vi phạm theo quy định pháp luật, nhất là các hành vi buôn lậu vàng qua biên giới, trục lợi, đầu cơ, thao túng, lợi dụng chính sách đẩy giá của các tổ chức, cá nhân… gây mất ổn định, an toàn thị trường vàng.

    Trường hợp phát hiện hoạt động kinh doanh vàng có dấu hiệu vi phạm pháp luật, kịp thời chuyển tài liệu, hồ sơ cho cơ quan chức năng để xử lý nghiêm, công khai, minh bạch theo quy định pháp luật.

    Công điện yêu cầu Bộ Công an chủ trì, phối hợp với Ngân hàng Nhà nước và các cơ quan thanh tra, kiểm tra, bảo vệ pháp luật và cơ quan chức năng liên quan khẩn trương thực hiện ngay các biện pháp theo quy định để xử lý nghiêm minh các hành vi vi phạm pháp luật liên quan đến thị trường vàng, cùng hoạt động kinh doanh vàng, nhất là các hành vi buôn lậu, thao túng, đầu cơ trục lợi, đẩy giá vàng miếng…

    Thủ tướng giao các bộ: Công an, Công thương, Tài chính, Tư pháp, Khoa học và Công nghệ, Thông tin và Truyền thông, các cơ quan liên quan và các địa phương theo chức năng, nhiệm vụ được giao chủ động phối hợp chặt chẽ với Ngân hàng Nhà nước về quản lý thị trường vàng, kịp thời chia sẻ, cung cấp thông tin cũng như chủ động xử lý các công việc, nhiệm vụ theo thẩm quyền, kịp thời báo cáo cấp thẩm quyền các vấn đề phát sinh vượt thẩm quyền.

    Công điện yêu cầu tiếp tục theo dõi sát diễn biến giá vàng thế giới và trong nước để khẩn trương thực hiện ngay các giải pháp theo quy định để bình ổn, ổn định thị trường vàng; đánh giá toàn diện, phân tích kỹ lưỡng và có các giải pháp hiệu quả, kịp thời, đúng quy định, theo nguyên tắc thị trường để xử lý ngay tình trạng chênh lệch giữa giá vàng miếng trong nước và vàng quốc tế ở mức cao trong thời gian qua, không để tình trạng “vàng hóa” nền kinh tế, không để tác động tiêu cực đến tỷ giá, lãi suất, thị trường tiền tệ, ngoại hối và an toàn, an ninh tài chính, tiền tệ quốc gia; báo cáo Thủ tướng Chính phủ kết quả triển khai thực hiện trong tháng 3-2024.

    Thủ tướng cũng nhắc lại yêu cầu về rà soát kỹ lưỡng, toàn diện khung khổ pháp lý, cơ chế, chính sách liên quan đến quản lý thị trường vàng và hoạt động kinh doanh vàng miếng, vàng trang sức… Thực hiện ngay việc tổng kết thực hiện Nghị định số 24/2012/NĐ-CP ngày 3-4-2012 của Chính phủ về quản lý hoạt động kinh doanh vàng để kịp thời đề xuất cấp thẩm quyền xem xét sửa đổi, bổ sung các quy định nhằm tăng cường hiệu quả các công cụ quản lý nhà nước, bổ sung các biện pháp xử lý theo thẩm quyền phù hợp quy định, phát triển thị trường minh bạch, lành mạnh, hiệu quả và bền vững, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế – xã hội, ổn định kinh tế vĩ mô; báo cáo Thủ tướng Chính phủ trước ngày 22-3-2024.

    Trước đó, Thủ tướng đã có Công điện số 1426/CĐ-TTg ngày 27-12-2023 về các giải pháp quản lý thị trường vàng; Chính phủ đã có Nghị quyết số 20/NQ-CP ngày 5-2-2024 chỉ đạo Ngân hàng Nhà nước Việt Nam theo dõi chặt chẽ diễn biến giá vàng thế giới và trong nước để kịp thời thực hiện các biện pháp bình ổn thị trường vàng. Lãnh đạo Chính phủ cũng đã có nhiều văn bản chỉ đạo, đôn đốc Ngân hàng Nhà nước và các cơ quan liên quan khẩn trương thực hiện các biện pháp quản lý, giám sát hoạt động thị trường vàng.

    Tuy nhiên, theo Thủ tướng Phạm Minh Chính thì thị trường vàng thế giới và trong nước diễn biến phức tạp, giá vàng trong nước biến động mạnh, ảnh hưởng đến sự ổn định, an toàn thị trường tài chính, tiền tệ và tâm lý xã hội.

    Ghi nhận trên thị trường, hiện nay, việc chênh lệch giữa giá vàng trong nước, chủ yếu nằm ở vàng miếng SJC, với giá vàng thế giới ở mức rất cao, có khi lên tới gần 20 triệu đồng/lượng. Do đó, cần phải nhanh chóng sửa đổi Nghị định 24 để phù hợp với bối cảnh mới.

    Một ngày trước Công điện nêu trên, phía Văn phòng Chính phủ đã phát hành văn bản nêu ý kiến của Phó Thủ tướng Lê Minh Khái yêu cầu Ngân hàng Nhà nước chủ trì phối hợp với các cơ quan liên quan khẩn trương thực hiện nghiêm túc, đầy đủ, hiệu quả, kịp thời các nhiệm vụ, giải pháp ổn định thị trường vàng được giao tại công điện, chỉ thị của Thủ tướng và các công văn của Văn phòng Chính phủ.

    Đất nước đang cần những nhà sử học trung thực…

    Mai Lan/VNTB

    VNTB – Đất nước đang cần những nhà sử học trung thực…

    (VNTB) – Đất nước cần những nhà chép sử tôn trọng sự thật khách quan

    Lâu nay không muốn nghe tin đồn nhưng cứ tin đồn là đúng. Vậy thì chúng ta đang sống trong thời đại gì vậy!? Dân đen có được quyền biết nhiều hơn, hay chỉ được quyền biết có vậy!?

    Người dân có quyền thắc mắc: Tại sao hắn dám giơ tay thề: “Tôi cùng xương thịt với nhân dân của tôi/Cùng đổ mồ hôi, cùng sôi giọt máu”…, mà giờ “có đơn xin thôi giữ các chức vụ được phân công và nghỉ công tác”, hay “bị cách chức!?”

    Xem ra sẽ rất khó giải thích việc số lượng ủy viên Bộ Chính trị giảm từ 18 xuống còn 14 trong vòng hai năm.

    “Ông Thưởng được coi là một người khá thân cận với ông Nguyễn Phú Trọng, đặc biệt là con đường đi lên của ông Thưởng cũng như những quan điểm, phát biểu của ông Thưởng khá là gần gũi với những nhận xét của ông Trọng về ý thức hệ và về tư tưởng. Vì thế tôi thấy là nếu chúng ta nhìn vào tất cả những việc đấy, việc ra đi của ông Thưởng là một sự kiện hết sức quan trọng trong bản đồ chính trị Việt Nam, đặc biệt là từ bây giờ cho tới năm 2026” – ông Nguyễn Khắc Giang, một nhà quan sát thuộc Viện ISEAS, Singapore nhận xét.

    Có ít nhất hai vụ việc có thể liên quan đến việc vi phạm quy định những điều đảng viên không được làm của ông Võ Văn Thưởng, trước hết là vụ hai cựu tổng biên tập báo Thanh Niên, gồm ông Nguyễn Công Khế và Nguyễn Quang Thông, vào giữa tháng 1-2024 bị khởi tố với cáo buộc bán đất công cho tư nhân, dẫn tới thất thoát tài sản Nhà nước. 

    Hành vi mà hai ông Nguyễn Công Khế và Nguyễn Quang Thông bị cáo buộc xảy ra trong giai đoạn khoảng từ năm 2008 đến các năm sau đó. Đây là giai đoạn mà ông Võ Văn Thưởng làm bí thư thường trực, và sau đó là bí thư thứ nhất Trung ương Đoàn (2006 – 2011), cơ quan chủ quản của báo Thanh Niên.

    Với vị trí là thủ trưởng của cơ quan chủ quản, ông Thưởng có thể đã ký duyệt chủ trương để báo Thanh Niên bán bất động sản nói trên. Ông có thể phải chịu trách nhiệm của người đứng đầu. Tuy nhiên, điều khó hiểu là một vụ việc dường như đã “chìm xuồng” từ lâu gần đây đột nhiên bị khơi lại.

    Một vụ việc khác liên quan đến tập đoàn Phúc Sơn, với nghi vấn sai phạm của ông Võ Văn Thưởng được cho là diễn ra vào giai đoạn ông đang làm Bí thư tỉnh Quảng Ngãi, từ năm 2011 – 2014; tức diễn ra cũng khá lâu rồi. Chuyện “hồi tố” 10 năm rồi xem chừng cũng không mấy thuyết phục cho việc thực sự không liên quan lắm tới vị trí mà ông làm sau này, đặc biệt là vị trí Phó Bí thư Thường trực Thành ủy TP.HCM, rồi Trưởng Ban Tuyên giáo,  tiếp theo là Thường trực Ban Bí thư và sau cùng là Chủ tịch nước.

    Sinh tiền, giáo sư sử học Hà Văn Tấn (1937 – 2019) trong bài viết “Lịch sử, sự thật và sử học” đăng trên tập sách “Một số vấn đề Lý luận Sử học”, nhà xuất bản Đại học Quốc gia Hà Nội, 2007, có đoạn: Ngày nay, chúng ta đang sống trong một giai đoạn mà nhìn thẳng vào sự thật, nói rõ sự thật là yêu cầu của nhân dân, của đất nước. Đã đến lúc những người chép sử, những nhà sử học phải tự hỏi rằng: “Sử bút” của mình đã thật nghiêm chưa, đã viết đúng sự thật lịch sử hay chưa?

    Lịch sử là khách quan. Sự kiện lịch sử là những sự thật được tồn tại độc lập ngoài ý thức của chúng ta. Nhưng sự nhận thức lịch sử lại là chủ quan. Và người ta chép sử vì những mục đích khác nhau. “

    Chúng ta hãy nhớ lời Mác: “Khoa học càng vô tư và không thiên vị thì càng phù hợp với quyền lợi và nguyện vọng của người công nhân”. Một nền sử học muốn tự biểu hiện là mácxít chân chính, chẳng những phải đặt cho mình nhiệm vụ khám phá chân lý của lịch sử, mà còn phải tỏ rõ khả năng đạt được sự thật khách quan. Cho đến nay, nhiều học giả tư sản vẫn nghi ngờ tính khách quan của sử học. Ngay người bạn của chúng ta là Bertrand Russell cũng nói rằng: “Sử học chỉ là dẫn ra những ngu xuẩn ngày hôm qua để giúp con người chịu đựng được những ngu xuẩn ngày hôm nay”…” – giáo sư Hà Văn Tấn đã nhận định như vậy.

    Và trong trường hợp cụ thể thời sự như vụ ông Võ Văn Thưởng, nếu Đảng thật tâm muốn chấn chỉnh kỷ cương, phép tắc thì rất cần đến những nhà chép sử tôn trọng sự thật khách quan, chứ không phải là sự mập mờ theo kiểu chung chung rằng, “vi phạm, khuyết điểm của ông Võ Văn Thưởng đã gây dư luận xấu, làm ảnh hưởng đến uy tín của Đảng, Nhà nước” (?!).

    Bùi Chí Vinh - Thấy gì qua vụ truất phế Võ Văn Thưởng 

    22/3/2024

    Hình chụp trong cuộc họp mặt cán bộ Thành Đoàn Các Thời Kỳ cách đây vài năm ở Nhà Văn Hóa Thanh Niên. Từ trái qua phải: Trịnh Thanh Tùng, Võ Văn Thưởng, Bùi Chí Vinh, Nguyễn Chơn Trung tức Sáu Quang, vợ Trịnh Thanh Tùng.

    Sự truất phế một trong tứ trụ đối với tôi không hề hấn gì. Từ trước tới giờ giới chóp bu cầm quyền luôn luôn đối lập với nhân dân dưới đáy. Bởi vậy mất trụ có khi đất nước càng thái bình hơn. 

    Vấn đề cần bàn ở đây là một Chủ tịch nước chết non, chết khi còn quá trẻ và ngây thơ vô số tội. Tôi nói có sách mách có chứng. 

    Hồi tôi nói chuyện và đọc thơ ở trường Đại Học Khoa Học Xã Hội Nhân Văn, lúc đó Võ Văn Thưởng còn làm Bí thư Đoàn trường. Sau buổi đọc thơ thành công rực rỡ, đích thân Thưởng đã lên cảm tạ bắt tay tôi một cách cực kỳ hạnh phúc và hồn nhiên. Tôi còn nhớ hồi đó Thưởng nói : "Anh Vinh đọc bài thơ « Thiếu nữ và con gái ba miền » tuyệt vời. Những bài thơ tình dí dỏm đó còn hiệu quả hơn triệu lần làm công tác tuyên huấn". 

    Sau này vợ chồng tôi gặp lại Võ Văn Thưởng nhân ngày họp mặt Cán Bộ Thành Đoàn Các Thời Kỳ hằng năm được tổ chức ở Nhà Văn Hóa Thanh Niên. Thưởng vẫn tươi cười nói với tôi : "Em vẫn nhớ như in bài thơ có câu cà chua, cà chớn của anh". Khi Thưởng phát biểu câu đó thì chú em đã là một Ủy Viên Bộ Chính Trị

    Coi, một con người thân thiện và lễ phép như vậy khác xa mấy tên cán bộ cấp quận, cấp phường hỗn hào, và càng khác xa với bọn thổi còi tu huýt chặn đường nhân dân kiếm tiền mãi lộ. Một con người biết trước biết sau như vậy mà rớt đài tương đương bọn quan tham vô lại, bọn bóc lột nhân dân, bọn cường hào ác bá. 

    Tôi nói thật, nếu Võ Văn Thưởng mà phạm tội tày đình đến nỗi bị truất phế thì các quan lại trong triều đình này cũng nên rờ gáy mình, vì quý vị còn thủ đoạn và mưu mô xảo quyệt hơn xa. Thôi thì viết đại vài câu kệ để kết thúc như sau:

    KỆ (KHÔNG PHẢI KINH)

    Không còn người miền Nam

    Đứng chân trong tứ trụ 

    Như cắt đôi Trường Sơn 

    Như Cửu Long mất lũ 

    Có sinh phải có tử 

    Có cội phải có nguồn 

    Càng đảo điên lịch sử 

    Sơn hà càng tang thương 

    BÙI CHÍ VINH 21.03.2024

    Bà Võ Thị Ánh Xuân giữ quyền Chủ tịch nước

    https://vietluan.com.au/wp-content/uploads/2024/03/gdff5654.jpg

    Phó Chủ tịch nước Võ Thị Ánh Xuân sẽ giữ quyền Chủ tịch nước cho đến khi có Chủ tịch nước mới. (Ảnh: quochoi.vn) 

    Sau khi ông Võ Văn Thưởng bị miễn nhiệm chức Chủ tịch nước, Phó Chủ tịch nước Võ Thị Ánh Xuân được phân công giữ quyền Chủ tịch nước cho đến khi Quốc hội bầu Chủ tịch nước mới.

    Sáng 21/3, truyền thông Nhà nước đưa tin tại kỳ họp bất thường lần thứ 6, Quốc hội khóa 15, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã thông báo về việc bổ nhiệm quyền Chủ tịch nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam.

    Theo đó, Ủy ban Thường vụ Quốc hội thông báo: Bà Võ Thị Ánh Xuân – Phó Chủ tịch nước giữ quyền Chủ tịch nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam cho đến khi Quốc hội bầu ra Chủ tịch nước mới.

    Việc này được căn cứ vào Hiến pháp; Luật Tổ chức Quốc hội; Nghị quyết kỳ họp bất thường lần thứ 6, Quốc hội khóa 15; Kết luận của Bộ Chính trị về việc phân công Ủy viên Trung ương Đảng giữ quyền Chủ tịch nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam.

    Đây là lần thứ 2 bà Võ Thị Ánh Xuân giữ quyền Chủ tịch nước. Trước đó bà Xuân đã được phân công giữ quyền Chủ tịch nước trong 2 tháng từ tháng 1 – 3/2023.

    Bà Võ Thị Ánh Xuân (sinh ngày 8/1/1970; quê ở xã Thới Sơn, huyện Tịnh Biên, tỉnh An Giang); trình độ chuyên môn Cử nhân Sư phạm Hóa học, Thạc sĩ chuyên ngành quản lý công.

    Bà là Ủy viên Trung ương Đảng: Khóa 11 (dự khuyết), 12, 13; Đại biểu Quốc hội khóa 14, 15.

    Bà Võ Thị Ánh Xuân xuất thân là một giáo viên Trường PTTH Mỹ Thới, thị xã Long Xuyên. Sau đó, bà làm chuyên viên nghiên cứu tổng hợp, Văn phòng Tỉnh ủy An Giang.

    Từ năm 2001 – 2010, bà đảm nhận các vị trí: Phó Chủ tịch, Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh An Giang; Phó trưởng Ban Dân vận Tỉnh ủy; Bí thư Thị ủy Tân Châu. Sau đó bà giữ chức Phó Chủ tịch UBND tỉnh, Phó Bí thư Tỉnh ủy An Giang.

    Ngày 2/10/2015, Bộ Chính trị điều động, phân công và chỉ định bà đảm nhận chức Bí thư Tỉnh ủy An Giang nhiệm kỳ 2010 – 2015. Ngay sau đó, Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ 10, nhiệm kỳ 2015-2020 bầu bà giữ chức Bí thư Tỉnh ủy và tái đắc cử Bí thư Tỉnh ủy An Giang nhiệm kỳ 2020-2025.

    Ngày 6/4/2021, tại kỳ họp thứ 11, Quốc hội khóa 14, bà Võ Thị Ánh Xuân được bầu làm Phó Chủ tịch nước và tái cử chức danh này tại kỳ họp thứ nhất Quốc hội khóa 15 vào tháng 7/2021 cho đến nay.

    Ông Võ Văn Thưởng bị cho thôi chức Ủy viên Bộ Chính trị, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa 13, Chủ tịch nước, Chủ tịch Hội đồng Quốc phòng và An ninh nhiệm kỳ 2021 – 2026.

    Ông Thưởng trước đó bị UBKTTW kết luận đã vi phạm Quy định về những điều đảng viên không được làm, Quy định về trách nhiệm nêu gương của cán bộ, đảng viên, trước hết là Ủy viên Bộ Chính trị, Ủy viên Ban Bí thư, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng và chịu trách nhiệm người đứng đầu theo các quy định của Đảng và pháp luật của Nhà nước.

    Những sai phạm của ông Võ Văn Thưởng đã gây dư luận xấu, làm ảnh hưởng đến uy tín của Đảng, Nhà nước và cá nhân ông, Ủy ban này kết luận.

    Hiện chưa rõ sai phạm của ông Thưởng là gì. Tuy nhiên, dư luận cho rằng ông Thưởng có liên quan đến công ty CP Tập đoàn Phúc Sơn (Tập đoàn Phúc Sơn), do ông Nguyễn Văn Hậu làm Chủ tịch.

    Tập đoàn Phúc Sơn hoạt động trong lĩnh vực bất động sản, đã thực hiện 21 dự án, với tổng mức đầu tư hơn 40 nghìn tỷ đồng. Đáng chú ý, quỹ đất của công ty này lên đến hàng trăm ha, ở Vĩnh Phúc và Nha Trang, Quảng Ngãi.

    Ông Nguyễn Văn Hậu bị bắt giam, khởi tố ngày 26/2 để điều tra về tội Vi phạm quy định về kế toán gây hậu quả nghiêm trọng.

    Các quan chức ở Vĩnh Phúc như Bí thư tỉnh Hoàng Thị Thúy Loan, Chủ tịch tỉnh Lê Duy Thành đã bị bắt, khởi tố vì liên quan đến sai phạm tại Tập đoàn Phúc Sơn.

    Các quan chức ở Quảng Ngãi như Ông Đặng Văn Minh, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ngãi, ĐB HĐND tỉnh Quảng Ngãi, nguyên Giám đốc Sở Giao thông vận tải tỉnh Quảng Ngãi; Ông Cao Khoa, nguyên Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ngãi từ năm 2011-2014… cũng vừa bị bắt, bị khởi tố vì sai phạm tại Tập đoàn Phúc Sơn.

    Khánh Vy

    Ngân hàng nhà nước đề nghị xóa độc quyền sản xuất vàng miếng, giá vàng SJC lao dốc

    RFA
    21/3/2024

    Ngân hàng nhà nước đề nghị xóa độc quyền sản xuất vàng miếng, giá vàng SJC lao dốc

    Vàng miếng SJC. 

    https://www.rfa.org/++plone++rfa-resources/img/icon-zoom.pngReuters 

    Ngân hàng Nhà nước đề xuất bỏ cơ chế Nhà nước độc quyền sản xuất vàng miếng, thực hiện cấp phép sản xuất vàng miếng cho một số doanh nghiệp đáp ứng đủ điều kiện.

    Phó Thống đốc Ngân hàng nhà nước (NHNN) Phạm Thanh Hà cho biết như trên và được truyền thông trong nước loan trong ngày 21/3.

    Ông Hà cho biết ngoài đề xuất trên, NHNN cũng sẽ thực hiện cấp hạn mức sản xuất vàng miếng trong từng thời kỳ phù hợp với mục tiêu chính sách tiền tệ và sự ổn định của nền kinh tế vĩ mô. Việc xóa bỏ cơ chế Nhà nước độc quyền sản xuất vàng miếng sẽ phù hợp với kinh nghiệm quốc tế, tăng cung vàng miếng trên thị trường, giải quyết được vấn đề chênh lệch giá.

    Ngay sau khi NHNN đề nghị bỏ độc quyền sản xuất vàng miếng, thị trường giá vàng trong nước dao động mạnh. Cụ thể, trong ngày 21/3, Công ty SJC niêm yết giá bán vàng miếng SJC ở mức 82 triệu đồng/lượng, mua vào 80 triệu đồng/lượng, tăng 400.000 đồng/lượng so với hôm qua.

    Tuy nhiên đến chiều cùng ngày, giá bán vàng miếng SJC giảm một triệu đồng/lượng, còn 81 triệu đồng/lượng. Giá mua vào cũng giảm tương ứng, chỉ còn 79,2 triệu đồng/lượng. Công ty DOJI hạ giá bán mạnh hơn: 80,9 triệu đồng/lượng, giá mua vào còn 78,9 triệu đồng/lượng. Chênh lệch giữa giá mua - bán vàng ở mức hai triệu đồng/lượng.

    Từ năm 2014 đến nay, Ngân hàng Nhà nước chưa tổ chức đấu thầu vàng nên nguồn cung vàng miếng SJC trên thị trường hạn chế có thể là một trong những nguyên nhân khiến chênh lệch giữa giá vàng miếng SJC và quốc tế duy trì ở mức cao.

    Hiện giá vàng miếng SJC đang cao hơn giá vàng thế giới quy đổi 14,74 triệu đồng/lượng. Ở những thời điểm nóng sốt mức chênh lên đến 20 triệu đồng/lượng.


    Không có nhận xét nào