Quê Hương tổng hợp
SpaceX của Mỹ ngừng đàm phán với Việt Nam về Starlink
29/02/2024
Tên lửa Falcon 9 của SpaceX được phóng từ Trung tâm Vũ trụ Kennedy ở Florida hôm 18/1/2024 (minh hoạ)
AFP
Kế hoạch cung cấp dịch vụ viễn thông qua các vệ tinh Starlink của hãng SpaceX, Hoa Kỳ, cho Việt Nam đã bị ngừng lại. SpaceX ngừng hỗ trợ cho các thiết bị bay không người lái của Lực lượng Cảnh sát biển Việt Nam.
Reuters loan tin độc quyền ngày 29/2 dẫn ba nguồn tin thông thạo về đàm phán giữa hai phía về kế hoạch vừa nêu. Một nguồn từ khu vực tư và hai nguồn từ cơ quan Nhà nước Việt Nam; tuy nhiên cả ba nguồn đều từ chối nêu danh vì thông tin chưa được công khai.
Một viên chức Việt Nam xác nhận đại diện SpaceX và Bộ Thông tin- Truyền thông (TT-TT) Việt Nam từng có những cuộc gặp ít nhất từ giữa năm ngoái cho đến tháng 11/2023.
Nhiều đại diện SpaceX cũng tham giam phái đoàn doanh giới Hoa Kỳ đông đảo đến Việt Nam vào tháng 3/2023.
Nguồn tin cho biết những cuộc thảo luận giữa đại diện tập đoàn SpaceX của Elon Musk và cơ quan chức năng Việt Nam bị gián đoạn vào quý tư năm ngoái khi mà các đại biểu Quốc hội Việt Nam không nới lỏng tỷ lệ sở hữu nước ngoài cho SpaceX.
Tập đoàn này muốn được là trường hợp ngoại lệ theo luật Việt Nam khống chế giới hạn tỷ lệ cổ phần kiểm soát 50% đối với phía nước ngoài trong các công ty viễn thông có cơ sở hạ tầng mạng. Tuy vậy Quốc hội Việt Nam vào tháng 11/2023 thông qua Luật Viễn Thông (sửa đổi) không thay đổi điều khoản này. Dự thảo nghị định thi hành luật này đưa ra trong tháng 2/2024 quy định thêm những yêu cầu đối với các nhà cung cấp dịch vụ liên quan đặt văn phòng ở Việt Nam và kiểm soát lưu thông dữ liệu.
Gián đoạn dẫn đến việc ngừng các dịch vụ thí điểm hỗ trợ của tập đoàn này cho Lực lượng Cảnh sát Biển Việt Nam bắt đầu từ tháng 11/2023. Dù không được loan tải trước đó, nhưng nguồn tin cho biết đó là việc SpaceX dùng vệ tinh để hướng dẫn các thiết bị bay không người lái của Việt Nam tại Biển Đông và Vịnh Thái Lan.
Tin cũng nói SpaceX còn thảo luận với phía Việt Nam về việc cung ứng dịch vụ công nghệ cho các tiền đồn quân sự.
Các nguồn tin đều không rõ khi nào thì đàm phán giữa hai phía được nối lại.
Reuters yêu cầu SpaceX và Bộ TT-TT Việt Nam bình luận về thông tin vừa nêu nhưng chưa được trả lời.
Vào tháng qua, một bài bình luận trên các ấn phẩm quân sự của Trung Quốc cho rằng việc kết nối dịch vụ Starlink “là mối đe dọa nghiêm trọng cho tài sản an ninh không gian của nhiều nước.”
Bộ Quốc phòng Trung Quốc cũng không trả lời yêu cầu bình luận của Reuters về thông tin liên quan.
Các công ty chuyển sản xuất silicon đa tinh thể từ Trung Quốc sang Việt Nam để tránh lệnh cấm và thuế của Mỹ
29/3/2024
Hình chụp hôm 23/4/2019 cho thấy các tấm năng lượng mặt trời tại một trang trại điện gió ở tỉnh Bình Thuận (minh hoạ)
AFP
Một nghiên cứu mới đây của Bernreuter Reseach cho thấy các nhà sản xuất silicon đa tinh thể (thường được dùng trong pin năng lượng mặt trời) đang dịch chuyển việc xuất khẩu các mặt hàng này từ Việt Nam sang Mỹ thay vì từ Trung Quốc để tránh thuế chống bán phá giá và chống trợ cấp do Mỹ áp đặt lên các mặt hàng của Trung Quốc và Đạo luật chống lao động cưỡng bức đối với người Uyghur tại Trung Quốc.
Theo báo cáo mới của Bernreuter Reseach, nhập khẩu silicon đa tinh thể vào Trung Quốc đã giảm xuống mức thấp nhất kể từ năm 2011, trong khi nhập silicon đa tinh thể bên ngoài đã giảm 28,5% xuống còn 62.965 tấn khối trong năm 2023 (con số này trong năm 2011 là 64.614 tấn khối trong năm 2011).
Trang tin solarpowerwworldonline dẫn lời người đứng đầu nghiên cứu của Bernreuter Reseach - ông Johannes Bernreuter cho biết “các nhà sản xuất silicon đa tinh thể không có xuất xứ Trung Quốc là Wacker, Hemlock Semiconductor và OCI Malaysia đang gia tăng việc chuyển dịch việc xuất khẩu hàng từ Trung Quốc sang Việt Nam nơi mà ba nhà cung cấp module năng lượng mặt trời lớn nhất Trung Quốc đã thiết lập các nhà máy sản xuất các tấm wafer”.
Trong các năm 2018/2019, JA Solar của Trung Quốc đã bắt đầu sản xuất các tấm wafer ở Việt Nam với công suất 1.5 GW, và sau đó mở rộng lên 4 GW trong nửa đầu năm 2023. Hãng Jinko Solar cũng theo bước với nhà máy có công suất 7 GW vào năm 2022, Trina Solar đã khai trương nhà máy công suất 6,5 GW vào tháng 8 năm ngoái.
Việc chuyển dịch từ Trung Quốc sang Việt Nam chủ yếu là để tránh thuế chống phá giá và chống trợ cấp mà Mỹ đánh lên mặt hàng của Trung Quốc. Các mặt hàng xuất khẩu từ Đông Nam Á không sử dụng các tấm wafer của Trung Quốc sẽ không phải chịu các mức thuế trừng phạt này bắt đầu vào tháng sáu tới. Vì vậy, các nhà sản xuất để xuất khẩu vào thị trường Mỹ đã chuyển dịch sang Việt Nam.
Ngoài ra, Đạo luật chống lao động cưỡng bức đối với người Uyghur vốn cấm việc sử dụng các sản phẩm được sản xuất bởi lao động cưỡng bức người Uyghur ở Trung Quốc tại thị trường Mỹ cũng dẫn đến xu hướng chuyển dịch này.
Tuy nhiên, các số liệu hải quan lại cho thấy xuất khẩu silicon đa tinh thể từ Trung Quốc vào Việt Nam đã gia tăng từ 639 tấn khối vào năm 2022 lên 4.970 tấn khối vào năm 2023. “Điều này làm dấy lên nghi ngờ về sự chia tách của dây chuyền cung ứng và có thể là cảnh báo đối với Cơ quan Hải quan và Bảo vệ Biên giới (CBP) của Mỹ” - ông Johannes Bernreuter cho biết.
Xuất khẩu của Việt Nam giảm 5% trong tháng 2/2024
01/3/2024
Các container hàng hoá tại cảng Hải Phòng hôm 29/8/2023 (minh hoạ)
AFP
Xuất khẩu của Việt Nam trong tháng 2/2024 bất ngờ sụt giảm; xu hướng này trái ngược với dữ liệu gia tăng đưa ra trong tháng đầu năm 2024.
Mạng Bloomberg loan tin ngày 28/2, dẫn số liệu do Cục Thống kê Việt Nam đưa ra trong cùng ngày. Theo đó, giá trị các chuyến hàng xuất đi giảm 5% so với cùng kỳ năm ngoái.
Vào tháng 1/2024, Việt Nam báo cáo mức tăng 42% về lượng hàng hóa xuất khẩu. Điều này mang lại hy vọng hồi phục mậu dịch; tuy nhiên căng thẳng địa chính trị trên thế giới phần nào tác động tiêu cực đến thương mại toàn cầu bởi nút thắt trong chuỗi cung ứng là nguy cơ đe dọa hồi phục xuất khẩu.
Xuất khẩu chiếm đến khoảng 100% của cả nền kinh tế Việt Nam khiến đây là một trong những quốc gia lệ thuộc xuất khẩu nhất trên thế giới.
Thặng dư mậu dịch của Việt Nam trong tháng 2 giảm xuống mức 1,1 tỷ USD so với mức 2,92 tỷ USD của tháng 1/2024.
Việt Nam nhập siêu từ Lào hơn 60 triệu USD trong tháng 1/2024
01/3/2024
Thủ tướng Lào Sonexay Siphandone (trái) bắt tay Chủ tịch Võ Văn Thưởng ở Hà Nội hôm 6/1/2024
AFP
Việt Nam nhập siêu từ nước láng giềng Lào hơn 60 triệu USD trong tháng 1/2024.
Tổng Cục Thống kê Việt Nam công bố số liệu vừa nêu vào ngày 28/2. Cụ thể, kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam sang Lào đạt gần 57 triệu USD, trong khi đó kim ngạch nhập khẩu của Việt Nam từ Lào là gần 118 triệu USD.
Việt Nam nhập của Lào các mặt hàng chính gồm cao su (27,4 triệu USD, tăng 107,2%); gỗ và sản phẩm gỗ (11,2 triệu USD, tăng 62,2%); quặng và khoáng sản khác (9,2 triệu USD); ngô (8,5 triệu USD, tăng 19,9%); phân bón các loại (6,4 triệu USD, tăng 34%)…
Trong khi đó ,cũng theo Tổng Cục Thống kê Hà Nội, Việt Nam xuất sang Lào những mặt hàng chính gồm xăng dầu các loại (11,6 triệu USD, tăng 276%); sản phẩm từ sắt thép (5,44 triệu USD, tăng 176,6%); phương tiện vận tải và phụ tùng (4,3 triệu USD, tăng 118,7%); máy móc, thiết bị, dụng cụ, phụ tùng khác (3,3 triệu USD, tăng 83,6%); sắt thép các loại (2,98 triệu USD, tăng 18,2%); sản phẩm gốm, sứ (1,8 triệu USD, tăng 79,4%); sản phẩm từ chất dẻo (1,4 triệu USD, tăng 32,8%); hàng rau quả (1,2 triệu USD, giảm 36,2%); giấy và các sản phẩm từ giấy (đạt 1 triệu USD, tăng 19,5%)…
Hai chính phủ Việt Nam và Lào tại kỳ họp Ủy ban Liên Chính phủ hai nước đặt mục tiêu tăng trưởng thương mại Việt Nam - Lào trong cả năm 2024 dự kiến đạt 10 - 15%.
Kim ngạch thương mại song phương Lào - Việt Nam năm 2023 đạt 1,6 tỷ USD.
Theo số liệu từ Bộ Kế hoạch và Đầu tư của Chính phủ Hà Nội, Việt Nam hiện có 65 dự án đầu tư tại Lào với số vốn hơn hai tỷ USD.
Mỹ khởi xướng điều tra chống bán phá giá đĩa giấy nhập từ Việt Nam
01/03/2024
Ảnh minh họa đĩa giấy.
Bộ Thương mại Hoa Kỳ (DOC) vừa chính thức khởi xướng điều tra chống bán phá giá và chống trợ cấp đối với một số sản phẩm đĩa giấy nhập khẩu từ Việt Nam, Trung Quốc và Thái Lan.
Công báo Liên bang Hoa Kỳ cho biết DOC tiến hành việc điều tra này từ ngày 14/2/2024 để xác định liệu một số đĩa giấy từ ba nước này xuất khẩu vào Hoa Kỳ có vi phạm luật chống bán phá giá (CBPG) và chống trợ cấp (CTC ) của Mỹ hay không.
Trước đó, hôm 26/1/2024, Liên minh Đĩa giấy Hoa Kỳ (APPC), đại diện cho phần lớn hoạt động sản xuất đĩa giấy của Mỹ, kiến nghị DOC và Ủy ban Thương mại Quốc tế Hoa Kỳ (ITC) điều tra sản phẩm đĩa giấy được cho là được trợ cấp và định giá không công bằng nhập khẩu từ Trung Quốc, Thái Lan và Việt Nam, theo EIN Presswire.
Các đơn kiện này nêu rõ các hành vi thương mại không công bằng khi ba nước trên xuất khẩu đĩa giấy sang Mỹ “với giá thấp hơn giá trị hợp lý và cáo buộc tỷ lệ bán phá giá lên tới 279%”, cũng như có nhiều khoản trợ cấp.
Các đơn khởi kiện nêu chi tiết những thiệt hại mà ngành đĩa giấy và công nhân của Hoa Kỳ phải gánh chịu. Ông Bill Biggins, Chủ tịch và Đồng sở hữu của công ty Aspen Products, Inc., thành viên APPC, nói: “Hàng nhập khẩu từ các quốc gia này đã sử dụng chiêu bán phá giá và trợ cấp để tiếp tục tăng trưởng tại thị trường Mỹ, gây bất lợi cho các nhà sản xuất và công nhân Mỹ”, vẫn theo EIN Presswire.
Theo đơn kiện của nguyên đơn gồm 6 doanh nghiệp sản xuất đĩa giấy của Mỹ, trong giai đoạn từ tháng 12/2022 đến tháng 11/2023, lượng nhập khẩu sản phẩm bị cáo buộc từ Việt Nam vào Hoa Kỳ là khoảng 3.240 tấn, chiếm khoảng 4,02% tổng lượng nhập khẩu vào Hoa Kỳ. Trong khi đó, sản phẩm bị cáo buộc từ Trung Quốc chiếm khoảng 73,98% và Thái Lan chiếm khoảng 2,82%.
Theo số liệu của ITC, Việt Nam xuất khẩu loại sản phẩm này có giá trị khoảng 9,3 triệu USD sang Hoa Kỳ trong năm 2022. Trong năm 2023, Việt Nam xuất khẩu khoảng 9 triệu USD.
Theo hồ sơ này, có 9 công ty của Việt Nam bị nêu tên trong đơn kiện mà theo đó DOC sẽ thu thập thông tin để lựa chọn bị đơn bắt buộc.
Về nghi vấn phá giá, mức biên độ phá giá cáo buộc đối với đĩa giấy Việt Nam là 153,09%-165,27%.
Do Hoa Kỳ coi Việt Nam là nước có nền kinh tế phi thị trường, nên DOC sẽ sử dụng các giá trị thay thế của nước thứ ba để tính toán biên độ phá giá cho Việt Nam. Trong vụ việc này, nguyên đơn đề nghị sử dụng Indonesia là nước thay thế do cho rằng Indonesia có mức độ phát triển kinh tế tương đồng với Việt Nam và có số lượng đáng kể các nhà sản xuất sản phẩm đĩa giấy, theo Công báo Hoa Kỳ.
Dự kiến, DOC sẽ ban hành kết luận sơ bộ trong vòng 140 ngày kể từ ngày khởi xướng điều tra vụ việc.
Về cáo buộc trợ cấp, DOC cho rằng đơn yêu cầu của nguyên đơn đã đủ căn cứ để khởi xướng điều tra với 22 chương trình trợ cấp đã bị cáo buộc, gồm các nhóm chương trình sau: nhóm các chương trình ưu đãi thuế thu nhập doanh nghiệp, nhóm các chương trình miễn thuế nhập khẩu, nhóm các chương trình cho vay và đảm bảo của 4 ngân hàng thương mại cổ phẩn có vốn nhà nước do các ngân hàng này chịu sự can thiệp của chính phủ Việt Nam.
Nhằm ứng phó với cuộc điều tra này, Cục Phòng vệ thương mại thuộc Bộ Công Thương Việt Nam hôm 26/2 khuyến nghị các doanh nghiệp sản xuất, xuất khẩu liên quan, tiếp tục theo dõi chặt chẽ diễn biến của vụ việc; chủ động nghiên cứu, nắm vững quy định, trình tự, thủ tục điều tra CBPG và CTC của Hoa Kỳ; hợp tác đầy đủ với Cơ quan điều tra Hoa Kỳ trong suốt quá trình diễn ra vụ việc, theo Tạp chí Doanh nghiệp và Thương mại Việt Nam.
Ngoài ra, Cục Phòng vệ thương mại kêu gọi Hiệp hội Giấy và Bột giấy Việt Nam (VPPA) hỗ trợ, cập nhật thông tin đến các doanh nghiệp sản xuất, xuất khẩu sản phẩm bị điều tra.
Việt Nam 2 tháng đầu năm: Gần 63.000 doanh nghiệp dừng hoạt động; xuất nhập khẩu tăng
01/03/2024
Biểu đồ về số doanh nghiệp rút lui và gia nhập thị trường Việt Nam trong 2 tháng đầu năm 2024, theo Vietnambiz.
Xấp xỉ 63.000 doanh nghiệp rút khỏi thị trường Việt Nam trong 2 tháng đầu năm 2024, nhiều hơn đáng kể so với cùng kỳ năm ngoái và gấp đôi thời Đại dịch, theo Tổng cục Thống kê của nhà nước. Vẫn tổng cục cho hay xuất nhập khẩu của cả nước tăng gần 20% từ đầu năm đến nay so với 2 tháng đầu năm 2023.
Số liệu do Tổng cục Thống kê công bố và được nhiều báo Việt Nam, trong đó có Vietnambiz, Vneconomy, dẫn lại hôm 29/2 cho thấy có đến 62.980 doanh nghiệp rút khỏi thị trường trong 2 tháng qua, tăng 22,5% so với cùng khoảng thời gian của năm ngoái.
Con số kể trên bao gồm gần 49.300 doanh nghiệp tạm ngừng kinh doanh, tăng hơn 27% so với cùng kỳ của năm 2023; hơn 10.000 doanh nghiệp chờ làm thủ tục giải thể, tăng 6,5%; và doanh nghiệp giải thể là gần 4.000, tăng 14,5%.
Số doanh nghiệp rút khỏi thị trường cả trong tháng 1 lẫn tháng 2 thể hiện “xu hướng tăng tiếp tục diễn ra”, các báo đưa ra nhận xét.
Trong diễn biến ngược lại, vào 2 tháng đầu năm 2024, có 41.100 doanh nghiệp đăng ký thành lập mới và quay trở lại hoạt động ở Việt Nam, tăng 8,5% so với cùng kỳ năm trước.
Mặc dù vậy, dưới góc nhìn của trang Nhà báo & Công luận, với con số bình quân mỗi tháng trong giai đoạn từ đầu năm đến nay có gần 31.500 doanh nghiệp rút đi, số lượng doanh nghiệp “phá sản” áp đảo so với số được thành lập mới.
Theo quan sát của VOA, mức độ các doanh nghiệp dừng hoạt động như nêu trên cao hơn gấp đôi mức trung bình mỗi tháng hồi quý 1/2021, là lúc mà Đại dịch Covid-19 bị coi là nguyên nhân chính khiến kinh tế Việt Nam đình trệ hết sức nghiêm trọng.
Khi đó, khoảng 13.400 doanh nghiệp rời thị trường mỗi tháng, một thực trạng đã bị và các quan chức và giới chuyên gia kinh tế xem là “điều rất đáng lo ngại” vì họ lưu ý rằng đó là lần đầu tiên trong một thập kỷ gần đây, số lượng doanh nghiệp "tháo chạy" khỏi thị trường cao hơn số doanh nghiệp mới tham gia.
Trên một bình diện khác của nền kinh tế Việt Nam trong 60 ngày đầu tiên của năm nay, kim ngạch xuất khẩu hàng hóa ước đạt hơn 59,3 tỷ đô la, tăng hơn 19% so với cùng kỳ năm trước, cũng theo Tổng cục Thống kê.
Tách ra từ con số nêu trên, giá trị xuất khẩu của khu vực có vốn đầu tư nước ngoài là hơn 43 tỷ đô la, tăng gần 15% và chiếm gần 73% tổng kim ngạch, đồng thời cũng lớn gấp gần 3 lần khu vực kinh tế trong nước, dù khối này đạt hơn 16 tỷ đô là và tăng hơn 33%.
Ở chiều ngược lại, trong cùng khoảng thời gian đầu năm, kim ngạch nhập khẩu hàng hóa ước đạt hơn 54,6 tỷ đô la, tăng 18% so với cùng kỳ năm trước, trong đó khu vực kinh tế trong nước đạt gần 19,7 tỷ đô la, tăng hơn 27%; và khu vực có vốn đầu tư nước ngoài đạt gần 35 tỷ đô la, tăng hơn 13%.
Theo tính toán của VOA, các số liệu đó cho thấy khối doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài đã xuất siêu hơn 8 tỷ đô la trong khi khối trong nước nhập siêu gần 3,7 tỷ đô la.
Sinh ngày 30 tháng 2! Chuyện chỉ có ở nước có tên Cộng Hòa Xã Hội Chủ Nghĩa Việt Nam
Hoàng Hà
Giấy khai sinh cho thấy, đương sự sinh ngày 30-2. Nguồn: Beat.vn
LGT: Những người có ngày sinh vào ngày 29-2 đã hiếm vì bốn năm mới có sinh nhật một lần, nhưng ở xứ mình lại có những người “được sinh ra” vào ngày 30-2. “Được sinh ra” vào ngày này có một cái lợi duy nhất là họ sẽ trẻ mãi vì chẳng bao giờ họ có sinh nhật trong đời.
Tuy nhiên, bất lợi rất lớn là họ chẳng bao giờ được đặt chân lên máy bay, vì khi nhập ngày sinh vào thì máy sẽ không nhận, nên không mua vé được. Họ cũng chẳng bao giờ được ra nước ngoài định cư hay học tập vì với ngày sinh đặc biệt như thế, không nước nào dám cho họ vào.
Sau đây là bài viết của cô Hoàng Hà, một cô giáo về hưu ở Hà Nội, kể về nỗi khổ của những người có khai sinh vào những ngày đặc biệt như vậy, cũng như nỗi khổ của những người sống trong đất nước với bộ máy “hành chính”, nhưng chỉ biết “hành” dân là… “chính”.
***
Có người bạn phây của tôi nói, sống cho đến 72 năm mới phát hiện ra rằng tháng 2 dương lịch chỉ có 28 ngày và bốn năm một lần mới có 29 ngày. Ai sinh vào ngày 29/2 thì bốn năm mới có sinh nhật một lần. Còn tôi thì, cách đây gần 30 năm, đã nhiều khi khóc dở mếu dở vì cái ngày 28, 29 tháng 2 rồi.
Chuyện là, từ khi có ứng dụng tin học, người ta đã cài đặt các phần mềm. Thời gian đầu, phần mềm cho những bản danh sách có cột ngày tháng năm sinh thì tất cả các trường học đều gặp phải tình huống máy không nhận những trường hợp học sinh có ngày sinh là 30/2, thậm chí có cả trường hợp sinh ngày 29/2 máy cũng không nhận.
Khốn nỗi, kiểm tra giấy khai sinh bản chính của các em thì đúng là sinh ngày 30/2 hay 29/2, mà muốn sửa thông tin ở giấy khai sinh thì phải qua tư pháp cấp tỉnh, có nghĩa là phải có chữ ký của chủ tịch hoặc phó chủ tịch tỉnh.
Cái nước mình nó thế. Bây giờ thì khá hơn chút, chứ ngày xưa trình độ dân trí thấp. Ở nông thôn ngày xưa, không nói đa số người dân, nói ngay cả chủ tịch, bí thư đảng ủy xã, trình độ văn hóa còn có người chưa hết cấp 2, văn hóa của chánh văn phòng ủy ban cũng không hơn, thế thì làm sao mà không có sai sót như thế.
Việc quản lý và lưu trữ hồ sơ thì mới thật là thảm hại. Tôi có cô em chồng làm chánh văn phòng UBND xã từ những năm một ngàn chín trăm bẩy mấy…, rồi chuyển sang phụ trách phụ nữ xã cho đến tuổi 55 thì nhà nước có chính sách về hưu cho một số đối tượng chủ chốt cấp xã, phường, nhưng phải đầy đủ hồ sơ chứng lý. UBND xã ở nước mình làm gì có lưu hồ sơ, cho nên đại đa số những người trong tiêu chuẩn đều không được duyệt hưởng chế độ hưu trí.
May mắn là, khi đó tôi làm quản lý trong trường học. Tôi lục lọi trong hàng ngàn quyển học bạ còn lưu lại trong nhà trường Tiểu học và THCS của xã, tìm được những tờ giấy khai sinh bản chính, có chữ ký của cô em tôi chứng minh được thời gian cô em chồng tôi làm Chánh văn phòng UBND xã. Chồng cô ấy là Trưởng phòng an ninh Sở Công an Hải Dương khi ấy, khi đi lo việc nghỉ hưu cho vợ về nói, cô ấy là người đầu tiên được bảo hiểm tỉnh duyệt, cả một đống hồ sơ không được duyệt vì không đủ chứng lý.
Còn chuyện yêu cầu các cụ già cao tuổi về quê quán xin lại giấy khai sinh để làm Căn cước Công Dân, khác nào bắt các cụ hái sao trên trời, CCCM nhể.
Đàn ông Hàn Quốc đi tour cưới vợ Việt Nam trong 24 giờ
Mai Nguyễn/SGN
29/02/2024
Đôi vợ chồng cưới trong 24g gặp mặt (Ảnh chụp từ Koreaboo TV)
Đối với ngày càng nhiều đàn ông Hàn Quốc, nơi tìm vợ không phải ở quê nhà Hàn Quốc mà ở Đông Nam Á, đặc biệt là Việt Nam. Từ nhiều năm nay, câu chuyện lấy vợ Việt Nam đã truyền miệng với giới đàn ông ở mọi nơi. Các dịch vụ mai mối xuất hiện khắp nơi ở Hàn Quốc. Chuyện tìm vợ và cưới cấp tốc đã trở thành một ngành kinh doanh bùng nổ, đến mức có những đám cưới được tổ chức chỉ 24 giờ sau khi cặp đôi gặp nhau lần đầu.
Điều khó với nam giới trong xã hội Hàn Quốc là chuyện xét nét về giai cấp, khả năng tài chính và “mặt mũi” trong xã hội rất gắt gao. Hơn nữa, ngày nay phụ nữ Hàn Quốc đang lựa chọn tập trung vào sự nghiệp và hoàn toàn từ bỏ vai trò làm mẹ. Có gia đình, phục vụ chồng và đột nhiên trở nên mang gánh nặng lễ nghĩa với gia đình chồng là điều khiến đa số phụ nữ Hàn Quốc mỏi mệt. Vì vậy, những người đàn ông muốn nuôi gia đình hoặc cần một người vợ giúp đỡ chăm sóc cha mẹ già đang tìm đến các nước láng giềng. Đàn ông Hàn Quốc cũng đến nhiều nước khác nhưng đứng đầu là Việt Nam.
Việc tìm vợ này, còn ẩn chứa cả nạn buôn người. Chính vì vậy mà Campuchia đã ra lệnh cấm phụ nữ không được kết hôn mai mối với người Hàn Quốc. Năm 2008,chính phủ Campuchia đã từng cấm phụ nữ Campuchia kết hôn với người nước ngoài để ngăn chặn nạn buôn người sau khi nhận thấy những cuộc hôn nhân đổ vỡ giữa phụ nữ Campuchia với người Hàn Quốc gia tăng nhanh chóng.
Lệnh cấm nói trên đã được ban hành sau khi cơ quan di trú quốc tế (IOM) của Liên Hiệp Quốc báo cáo rằng nhiều cô dâu Campuchia lấy chồng Hàn Quốc chớp nhoáng qua môi giới đã bị ngược đãi sau khi đến Hàn Quốc. Đồng thời chính phủ Hàn Quốc cũng ngưng cấp visa thường trú cho các cô dâu Campuchia.
Tuy nhiên sau đó, lệnh cấm hoàn toàn, đã được bãi bỏ sau đó 8 tháng khi Campuchia thông qua những bộ luật mới ngăn ngừa phụ nữ Campuchia lấy chồng nước ngoài theo kiểu mua cô dâu qua bưu điện.
Xem mắt nhanh và tổ chức lễ cưới ngay (Koreaboo TV)
Những dịch vụ xem mắt và lấy vợ Việt Nam đang bùng nổ ở Đà Nẵng, Sài Gòn… Cả phụ nữ và nam giới đều được phép từ chối đối phương khi gặp nhau mà không vừa ý. Họ sử dụng sự trợ giúp của các dịch giả và ứng dụng dịch thuật trực tuyến để trò chuyện với nhau.
Mục tiêu của những cuộc gặp gỡ này là nhanh chóng tìm được bạn đời và tổ chức lễ cưới, đôi khi chỉ trong vòng một ngày.
Báo Koreaboo nhận định rằng đối với những phụ nữ Việt Nam tham gia các chương trình kết hôn cấp tốc này, họ được thúc đẩy bởi triển vọng đảm bảo tài chính cho bản thân và gia đình, và ngay cả khi có thể thì những phụ nữ đó cũng không bao giờ học được cách yêu chồng mình.
Những người trong ngành dịch vụ mai mối kết hôn cho rằng cả hai bên đều được hưởng lợi từ thỏa thuận này. Tuy nhiên, cũng có những lo ngại về khả năng bị bóc lột sức lao động của các cô dâu Việt. Đã có những báo cáo về khó khăn của các cô dâu Việt vì rào cản ngôn ngữ, sự thay đổi môi trường văn hóa, nguy cơ bị lạm dụng và sự cô lập với những người thân yêu… là những thực tế mà họ có thể phải đối mặt, thậm chí một cách bi thảm.
Sao người Việt vẫn phải vượt biên đi tìm việc?
Châu Nam Việt
01/3/2024
(VNTB) – Việc 7 người Việt bị phát hiện nhập lậu tại cảng Newhaven, Anh gần đây đặt ra những câu hỏi sâu sắc về vai trò của Nhà nước và tình hình di cư bất hợp pháp hiện nay.
Tại cảng Newhaven, Anh vào ngày 16/02/2024, 7 người Việt Nam nhập lậu trong một thùng xe tải, gây xôn xao dư luận. Các nhân viên làm việc tại cảng Newhaven đã nghe thấy tiếng kêu cứu từ bên trong thùng xe và kịp thời phản ứng, phát hiện ra những người bên trong và đưa họ đi cấp cứu. May mắn, không có trường hợp tử vong nào. Sự việc này lại gợi lên những kỷ niệm đau buồn từ vụ 39 người Việt chết ngạt trong container tại Essex, Anh năm 2019.
Trong năm 2024, Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội đặt mục tiêu đưa125.000 lao động đi làm việc ở nước ngoài, tập trung vào các thị trường ổn định, có thu nhập cao như Nhật Bản, Đài Loan (Trung Quốc), Hàn Quốc, Đức… . Một con số ấn tượng, nhưng đằng sau con số đó là một sự thật đắng lòng: gần 160 nghìn lao động Việt Nam đã rời quê hương để tìm kiếm cơ hội mới ở nước ngoài trong năm 2023.
Những con số trên mặt báo chính thức hẳn phải nhỏ hơn rất nhiều so với thực tế, bởi những chuyến xe chở lậu người trót lọt không phải ai cũng biết. Và chắc chắn những đường dây đó đã phải đưa được rất nhiều người đi nên người ta mới tin tưởng tới mức dù biết có thể bỏ mạng mà vẫn bước vào. Người Việt Nam đã và vẫn đang tìm mọi cách, đánh cược cả mạng sống của mình để đi tìm một ước mơ, một công việc có thể thay đổi cuộc sống của bản thân và gia đình.
Không chỉ qua việc nhập cư lậu hoặc tham gia lao động chính thức ở nước ngoài, người Việt còn tìm nhiều cách khác nhau để rời khỏi đất nước. Một ví dụ gần đây là quyết định của Sở Giáo dục bang Nam Australia tạm dừng việc tiếp nhận đơn đăng ký nhập học của các học sinh từ các tỉnh Nghệ An, Hà Tĩnh và Quảng Bình vào các trường phổ thông công lập. Theo thông tin do Sở Giáo dục bang này chia sẻ quyết định được đưa ra sau khi kiểm tra và phát hiện một số học sinh đã rời khỏi nhà trọ mà không có sự cho phép. Mặc dù không có thông tin chính thức được công bố, nhưng ai cũng có thể đoán được lý do chính. Đó là học sinh du học trốn ra ngoài làm thêm, hoặc đi lao động lậu dưới mác “đi du học”.
Và dĩ nhiên, đằng sau những con số đáng kinh ngạc là những vấn đề đau lòng và đầy tranh cãi. Tại sao người Việt lại tiếp tục tìm mọi cách đi ra nước ngoài, thậm chí liều mạng trong những cuộc vượt biên đầy nguy hiểm? Đặc biệt, như vẫn được tuyên truyền là một đất nước đáng sống, thanh bình, đất nước Việt Nam với những tài nguyên thiên nhiên phong phú, du lịch phát triển, và con người thông minh, vẫn phải đối diện với tình trạng di cư khó khăn và rủi ro.
Việc nhập và di cư lậu là những biểu hiện của sự mất cân bằng trong phát triển kinh tế và xã hội. Điều đó không chỉ đặt ra câu hỏi về hiệu quả của chính sách và quản lý của Nhà nước mà còn yêu cầu một sự thay đổi sâu sắc trong cách tiếp cận vấn đề của toàn xã hội.
Đằng sau những con số và vấn đề là sinh mạng, và ước mơ của hàng ngàn người. Nhà nước đã làm gì trong việc tạo ra một môi trường kinh doanh và làm việc thuận lợi cũng như một môi trường để làm việc và phát triển, giảm bớt sự phụ thuộc vào việc làm ở nước ngoài của người lao động Việt Nam? Tại sao, sau mấy mươi năm phát triển như vũ bão, số người đi lao động ở nước ngoài không giảm đi mà ngày càng tăng lên?
Nhà báo Nguyễn Vũ Bình bị bắt
01/3/2024
VOA đưa tin nhà báo, nhà hoạt động Nguyễn Vũ Bình vừa bị chính quyền Hà Nội bắt giam hôm 29/2 chưa rõ báo buộc.
“Họ đã đưa cậu ấy đi rồi”, một thành viên gia đình của ông Bình cho VOA biết và đề nghị không nêu tên vì lý do an toàn. Người này cũng cho biết không nhìn lấy lệnh bắt giam ông Bình
“Khá gây bất ngờ cho tôi và nhiều người vì trong thời gian gần đây anh Bình không có nhiều hoạt động trên mạng, cũng không lên tiếng về các vấn đề của đất nước mang tính bức xúc như trước đây”, luật sư nhân quyền Lê Quốc Quân ở Hoa Kỳ, nêu ý kiến với VOA.
Luật sư Lê Quốc Quân xác nhận trên Facebook cá nhân Nhà báo Nguyễn Vũ Bình đã bị bắt vào sáng ngày 29/2/2024 cùng thời gian với nhà hoạt động Nguyễn Chí Tuyến.
Theo chị gái của nhà báo Nguyễn Vũ Bình thì họ tiến hành vụ bắt giữ vào lúc “khoảng trưa”. Công an có khám nhà rồi dẫn đi luôn. Chị không nhớ rõ là cáo buộc theo điều luật nào nhưng cho biết họ có “cầm 2 tờ giấy và đọc” rồi còng tay dẫn đi.
Chị cho biết mặc dù cứ “run cầm cập” nhưng cũng kịp gói thêm một ít “quần áo và đồ dùng cá nhân cho Bình” vì nghe Bình bảo “Lần này là họ bắt em luôn rồi”.
Ông Nguyễn Vũ Bình sinh ngày 2/11/1968 tại làng Hành Thiện, tỉnh Nam Định. Ngôi làng này rất nổi tiếng trong lịch sử chính trị Việt Nam. Nơi đây là cái nôi của nhiều nhân vật nổi tiếng thuộc nhiều đảng phái khác nhau trong lịch sử Việt Nam.
Nhà báo Nguyễn Vũ Bình tốt nghiệp đại học khoa Kinh tế-Chính trị, đại học Tổng hợp Hà Nội. Sau khi tốt nghiệp, Ông về làm việc gần 10 năm tại tạp chí Cộng sản khi ông Nguyễn Phú Trọng làm tổng biên tập tạp chí này.
Ngày 02/9/2000, ông làm đơn xin thành lập Đảng Tự do – Dân chủ, đồng thời cũng làm đơn xin nghỉ việc tại Tạp chí Cộng sản. Hai năm sau Ông bị bắt và bị kết án 7 năm tù giam và nhưng được đặc xá tha tù trước thời hạn vào năm 2007.
Ông đã từng tuyệt thực trong tù và mắc bệnh đường ruột. Trước khi bị bắt giữ ngày hôm qua, ông vẫn phải đi mua thuốc tiểu đường do bị bệnh tiểu đường Tuýp 2.
Ông đã hai lần được Tổ chức Quan sát Nhân quyền trao giải Hellman-Hammett vào năm 2002 và năm 2007 và là Hội viên danh dự của tổ chức Văn bút Quốc tế.
Việc ông bị bắt giữ cùng ngày với nhà hoạt động Nguyễn Chí Tuyến thể hiện rõ đường lối cứng rắn của nhà nước trong một chiến dịch truy bắt các cá nhân bất đồng chính kiến tại Việt Nam.
Như vậy chỉ trong 2 tháng đầu năm 2024, Việt Nam đã cho bắt 2 nhà hoạt động nổi tiếng là Nguyễn Chí Tuyến, Nguyễn Vũ Bình dù hai ông đã không còn lên tiếng phản biện hay “nói xấu chính quyền” trong một thời gian khá dài. Hai người khác bị bắt theo điều 117 Bộ Luật Hình Sự khác là Facebooker Phạm Văn Chờ vì dám xúc phạm lãnh tụ và Facebooker Trần Văn Khanh vì tội “tuyên truyền chống phá Đảng và Nhà nước”.
Tiếp theo năm thứ 2 Việt Nam là thành viên thường trực của Hội Đồng Nhân Quyền Liên Hợp Quốc nhiệm kỳ 2023-2025 và đang lăm le ứng cử cho nhiệm kỳ tiếp theo, liệu sẽ có bao nhiêu nhà hoạt động đang nằm im lại sẽ bị đưa tay vào còng?
Việt Nam lại vi phạm nhân quyền khi bắt ông Nguyễn Chí Tuyến
Hoàng Lan Mộc Châu/VNTB
01/3/2024
(VNTB) – Việt Nam lại vừa vi phạm nhân quyền khi bắt giữ thêm một nhà hoạt động dân chủ, ông Nguyễn Chí Tuyến.
Công an Hà Nội hôm 29/2 bắt tạm giam và khởi tố bị can bốn tháng đối với nhà hoạt động Nguyễn Chí Tuyến, cáo buộc ông Chí tội “tuyên truyền thông tin, tài liệu, vật phẩm nhằm chống nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam” theo Điều 117 của Bộ luật Hình sự.
Trong hầu hết các quốc gia dân chủ, tự do, việc kêu gọi hoặc tuyên truyền cho các phong trào chính trị, thậm chí là phong trào chống đối chính phủ, lật đổ chính phủ là một phần của quyền tự do ngôn luận và biểu đạt, nếu các hành động này không vi phạm các quy định pháp luật cụ thể, như khích bác hoặc tuyên truyền bạo lực, kêu gọi hủy hoại tài sản công cộng, hoặc vi phạm an ninh quốc gia.
Đòi hỏi sự thay đổi trong chính sách hoặc cơ cấu chính trị của một quốc gia thông qua các phong trào dân chủ hòa bình như ông Nguyễn Chí Tuyến hay các nhà hoạt động dân chủ khác, cụ thể những nhà báo trong Hội Nhà Báo Độc Lập Việt Nam không phải là hành vi tội phạm. Trong hệ thống dân chủ tự do, việc tham gia vào các hoạt động như biểu tình, tự do ngôn luận và việc tổ chức các phong trào công dân là quyền được hiến pháp, pháp luật bảo đảm.
Theo dõi các hoạt động của ông Nguyễn Chí Tuyến, chưa từng thấy ông không tuân thủ các quy định pháp luật của nhà nước Việt Nam, không tôn trọng nhân quyền, bạo động hoặc có hành vi bất hợp pháp nào. Quyền tự do ngôn luận, tự do biểu đạt là các quyền cơ bản được ghi trong Hiến Pháp. Bắt ông Nguyễn Chí Tuyến, đảng và chính quyền đã vi phạm hiến pháp.
Chính quyền Hà Nội bắt ông Tuyến, ghép tội “lợi dụng các quyền tự do dân chủ xâm phạm lợi ích của Nhà nước, quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân”. Đây là một tội mơ hồ mà chính quyền Việt Nam lạm dụng để ghép tội công dân trong hệ thống pháp luật không minh bạch, thiếu công bằng. Sự mơ hồ trong định nghĩa tội này là hậu quả của sự lạm dụng quyền lực để trấn áp hoặc cản trở các hoạt động của các nhóm hoặc cá nhân hoạt động đấu tranh cho tự do, dân chủ mà chính quyền không đồng tình.
Đấu tranh ôn hòa cho dân chủ hòa bình phải được xem là một phần của việc thúc đẩy sự thay đổi tích cực và cải thiện xã hội. Chính phủ Việt Nam thì lại xem đó là một sự phản đối chính trị, chống đảng, chống phá chính phủ.
Trên thế giới hầu như không nước nào có điều khoản mơ hồ về “tội lợi dụng các quyền tự do dân chủ xâm phạm lợi ích của nhà nước, quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, công dân” như Việt Nam. Việc xác định và xử lý các hành vi liên quan đến lợi dụng các quyền tự do dân chủ phụ thuộc vào quy định cụ thể của pháp luật và nguyên tắc công bằng.
Trong luật pháp Mỹ, có các quy định cụ thể về tội phạm như phản bội (treason), phản bội quốc gia (sedition), và quấy rối công cộng (disturbing the peace), mà có thể áp dụng trong trường hợp người ta cố ý sử dụng quyền tự do dân chủ để gây hại đến lợi ích của nhà nước, quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức hoặc công dân.
Đài Loan, Singapore và Nhật Bản là ba quốc gia có hệ thống pháp luật khác nhau và có cách tiếp cận riêng biệt đối với việc xử lý các hành vi liên quan đến việc lợi dụng các quyền tự do dân chủ. Tuy nhiên nhìn tổng quan về cách tiếp cận của mỗi quốc gia này, việc xác định và xử lý các hành vi liên quan đến việc lợi dụng các quyền tự do dân chủ phụ thuộc vào quy định cụ thể của pháp luật và nguyên tắc công bằng.
Tại Đài Loan có một hệ thống pháp luật dân chủ và tự do, trong đó tự do ngôn luận và quyền tự do biểu đạt được bảo vệ. Tuy nhiên, như nhiều quốc gia khác, Đài Loan có các quy định rõ ràng về tội phạm như phản loạn hoặc tội phạm chống phá chính phủ bằng vũ lực.
Singapore, một nhà nước khá chuyên chế, cũng có một hệ thống pháp luật khắt khe và nghiêm ngặt, trong đó quyền lợi của nhà nước và ổn định chính trị được coi trọng. Quốc gia này có các quy định pháp luật nghiêm ngặt về tội phạm như phản loạn, tội phạm chống phá chính phủ và gây rối công cộng, và các hành vi liên quan đến việc lợi dụng các quyền tự do dân chủ có thể bị xem xét một cách nghiêm ngặt.
Nhật Bản cũng là một quốc gia dân chủ và tự do, trong đó quyền lợi cá nhân được bảo vệ bởi hiến pháp và luật pháp.
Việc xác định và xử lý các hành vi liên quan đến việc lợi dụng các quyền tự do dân chủ ở các quốc gia này được thực hiện trong bối cảnh pháp luật và quy trình công bằng, không có tính mơ hồ như Việt Nam.
Khái niệm về việc xâm phạm quyền lợi của nhà nước Việt Nam rất mơ hồ trong mọi trường hợp mà nhà cầm quyền cố tình buộc tội, đặc biệt là khi không có định nghĩa rõ ràng và cụ thể về các quyền và lợi ích của nhà nước. Điều này không dẫn đến sự chắc chắn về việc nắm bắt được các hành vi cụ thể được coi là vi phạm quyền lợi của nhà nước mà Nhà nước cũng không cần chứng minh hành vi vi phạm.
Nếu VN cũng đàng hoàng, thẳng thắn và minh bạch thì thay vì bắt những người đấu tranh cho dân chủ, tự do và hạnh phúc cho dân tộc như Nguyễn Chí Tuyến họ nên đưa những kẻ lạm dụng quyền lực công cộng, tham nhũng, gian lận thuế, phá hủy tài sản công cộng đầy rẫy trong đảng ra tòa. Đáng tiếc, từ trước đến nay, những vụ án tầy đình như vụ Tập đoàn Vạn Thịnh Phát, Việt Á, FLC, Tân Hoàng Minh, AIC, chuyến bay giải cứu,.. hầu hết là đảng viên xâm phạm quyền lợi của nhà nước thì lại được tòa án, chính quyền nhắm mắt cho qua.
Không có nhận xét nào