Quê Hương tổng hợp
Mỹ muốn đầu tư sản xuất chất bán dẫn ở Thái Lan
13/3/2024
Bộ trưởng Thương mại Mỹ Gina Raimondo đang có chuyến công du đến các nước đông nam Á
Thái Lan sẽ hưởng lợi từ việc Mỹ đa dạng hóa chuỗi sản xuất chất bán dẫn, Bộ trưởng Thương mại Mỹ Gina Raimondo cho biết hôm 13/3. Bà cũng nói thêm rằng các công ty Mỹ đã sẵn sàng đầu tư ồ ạt vào quốc gia đông nam Á này.
Công nghiệp điện và điện tử là một trong những ngành thu hút đầu tư nước ngoài chính của Thái Lan, và là một lĩnh vực quan trọng mà chính phủ của Thủ tướng Srettha Thavisin đang tìm cách mở rộng khi ông đang tìm cách khởi động nền kinh tế chậm chạp của Thái Lan.
“Sản xuất chất bán dẫn tập trung một cách nguy hiểm ở chỉ một hoặc hai nước trên thế giới,” bà Raimondo phát biểu tại một sự kiện ở Bangkok và nêu rõ rằng Mỹ sẽ tìm cách thúc đẩy đầu tư thêm vào các nước thuộc Khuôn khổ Kinh tế Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương (IPEF) khi Mỹ tìm cách cách đa dạng hóa sản xuất chất bán dẫn.
Khối IPEF do Mỹ đứng đầu, một phần là để đem đến cho các nước trong khu vực giải pháp thay thế cho quan hệ gần hơn với Trung Quốc, bao gồm 14 nước, trong đó có Thái Lan.
“Do đó tất cả chúng ta đều cùng nhau hướng đến mục tiêu này. Việc dạng hóa chuỗi cung ứng sản xuất chất bán dẫn làm lợi cho tất cả các nước, Mỹ, Thái Lan, tất cả các quốc gia IPEF,” bà Raimondo nói. Bà sẽ có cuộc thảo luận với Thủ tướng Thavisin.
Ngành công nghiệp bán dẫn của Thái Lan, vốn nằm trong tay các công ty Mỹ, Nhật, Hàn và Hà Lan, chủ yếu tập trung vào giai đoạn cuối trong quy trình sản xuất, đặt nước này cùng chiếu với Việt Nam và Ấn Độ, theo báo cáo của Siam Commercial Bank hồi năm 2023.
“Tình hình thay đổi của chuỗi cung ứng toàn cầu, vốn bị ảnh hưởng bởi xung đột địa chính trị, đã thu hút các hãng xưởng di dời cơ sở sản xuất chất bán dẫn sang Thái Lan,” báo cáo trên cho biết.
Hội đồng Đầu tư Thái Lan cũng đang đưa ra các ưu đãi, chẳng hạn như giảm thuế và miễn thuế, để thu hút đầu tư vào ngành bán dẫn.
“Khi các công ty đa quốc gia của Mỹ muốn đa dạng hóa chuỗi cung ứng, Thái Lan ngày càng là nơi đứng đầu danh sách,” bà Raimondo nói.
Đoàn 50 doanh nghiệp Hoa Kỳ đến Việt Nam vào tuần tới
13/3/2024
Đây được cho là phái đoàn doanh nghiệp Hoa Kỳ đến Việt Nam lớn nhất kể từ khi hai nước nâng cấp quan hệ lên Đối tác Chiến lược Toàn diện vào tháng 9 năm ngoái.
AFP
Đoàn gồm 50 doanh nghiệp Hoa Kỳ đi khảo sát thị trường Việt Nam vào tuần tới sẽ đến quốc gia Đông Nam Á này.
Hội đồng Kinh doanh Hoa Kỳ- ASEAN (US- ABC) thông tin vừa nêu và truyền thông Nhà nước Việt Nam loan ngày 12/3. Đoàn bắt đầu chuyến làm việc từ ngày 18/3 và kết thúc vào ngày 21/3.
Cụ thể đoàn doanh nghiệp Hoa Kỳ đến khảo sát thị trường Việt Nam lần này gồm 50 hãng hàng đầu của nước Mỹ thuộc nhiều lĩnh vực như công nghệ, năng lượng, hàng không & quốc phòng, sản xuất, nông nghiệp & thực phẩm, dịch vụ tài chính, y tế, quỹ đầu tư.
Đây được cho là phái đoàn doanh nghiệp Hoa Kỳ đến Việt Nam lớn nhất kể từ khi hai nước nâng cấp quan hệ lên Đối tác Chiến lược Toàn diện vào tháng 9 năm ngoái.
Tham gia đoàn doanh nghiệp lần này còn có ông Ted Osius- cựu Đại sứ Hoa Kỳ tại Việt Nam, Chủ tịch kiêm Tổng Giám đốc US- ABC; Đại sứ Hoa Kỳ tại Việt Nam- Mark Knapper; Đại diện Đặc biệt về Thương mại & Kinh doanh thuộc Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ- Sarah Morgenthau.
Reuters hôm 11/3 loan tin dẫn nguồn từ US- ABC cho biết trong chuyến khảo sát thị trường lần này, hơn chục doanh nghiệp Hoa Kỳ sẽ gặp đại diện hai Bộ Công an và Quốc phòng Việt Nam nhằm có thể đi đến ký kết hợp đồng cung cấp thiết bị an ninh cho hai ngành này.
Hoa Kỳ hiện đứng thứ 11 trong số các quốc gia và vùng lãnh thổ đầu tư vào Việt Nam, với gần 1.350 dự án và tổng vốn đăng ký gần 12 tỷ USD.
Việt Nam cần có biện pháp để tránh bị liệt vào danh sách “vùng xám" rửa tiền
13/3/2024
Hội thảo góp ý về vấn đề vừa nêu diễn ra ngày 13/3 ở Hà Nội do Hiệp hội Blockchain Việt Nam (VBA) tổ chức.
thuenhanuoc.vn
Việt Nam cần hoàn thiện khung pháp lý cho quản lý tài sản ảo (VA) và nhà cung cấp dịch vụ tài sản ảo (VASP) để tránh nguy cơ bị liệt vào danh sách “vùng xám” rửa tiền.
Đó là kêu gọi được đưa ra tại Hội thảo góp ý về vấn đề vừa nêu diễn ra ngày 13/3 ở Hà Nội do Hiệp hội Blockchain Việt Nam (VBA) tổ chức. Truyền thông Nhà nước loan tin.
Phó Chủ tịch VBA, ông Nguyễn Đoan Hùng, được dẫn lời rằng “Việc hoàn thiện khung khổ pháp lý cho quản lý tài sản ảo không chỉ có ý nghĩa về mặt kinh tế mà còn thể hiện cam kết về chính trị của Việt Nam trong phòng chống rửa tiền; đồng thời giúp minh bạch hóa thị trường và nâng cao tín nhiệm quốc gia.”
Vào tháng 2 năm 2023, Thủ tướng Chính phủ Hà Nội ban hành quyết định về Kế hoạch hành động quốc gia nhằm thực hiện cam kết về phòng, chống rửa tiền.
Quyết định này được Phó Chủ tịch Thường trực của VBA, ông Phan Đức Trung, cho rằng là nhằm đưa hoạt động của blockchain vào khung khổ, vào quản lý để giảm thiểu rủi ro cho Việt Nam khi có thể bị đưa vào danh sách “vùng xám” về rửa tiền.
Nhập khẩu vũ khí của Việt Nam giảm xuống cực thấp bất chấp căng thẳng trong khu vực
14/03/2024
Triển lãm vũ khí ở Hà Nội, Việt Nam, hồi năm 2022.
Dữ liệu công bố hôm thứ Hai 11/3 cho thấy, nhập khẩu vũ khí của Việt Nam năm ngoái đã giảm xuống mức cực thấp giữa lúc nước này cố đa dạng hóa nguồn cung ngoài nước Nga ra, trong khi đó, các chuyên gia cảnh báo rằng Việt Nam ở thế mong manh trong một cuộc xung đột tầm cỡ khu vực.
Theo dữ liệu của Viện Nghiên cứu Hòa bình Quốc tế Stockholm (SIPRI), được đưa ra hôm 11/3, mặc dù ngân sách hàng năm để nhập khẩu vũ khí ước tính là hơn 1 tỷ đô la Mỹ, nhưng năm ngoái Việt Nam không có thêm đơn đặt hàng mới nào với giá trị lớn.
Dữ liệu cho thấy đáng kể nhất chỉ là một tàu hộ tống hải quân do Ấn Độ tặng Việt Nam, và như vậy, lượng vũ khí nhập khẩu năm 2023 của Việt Nam rơi xuống mức thấp nhất kể từ năm 2007 - không tính năm 2020 có đại dịch COVID-19.
Các chuyên gia quốc phòng cho rằng trong bối cảnh căng thẳng gia tăng giữa Trung Quốc và Đài Loan, cũng như có các cuộc chạm trán thường xuyên ở Biển Đông giữa tàu Trung Quốc và tàu của các cường quốc khác trong khu vực, Việt Nam do đảng cộng sản cai trị bị thiếu vũ khí hiện đại để tự vệ trong một cuộc xung đột quy mô lớn.
Carl Thayer, chuyên gia cấp cao về an ninh Việt Nam tại Học viện Quốc phòng Úc ở Canberra, nói: “Sự chênh lệch về sức mạnh của lực lượng quân sự thông thường sẽ gia tăng theo hướng có lợi cho Trung Quốc nếu Việt Nam tiếp tục dậm chân tại chỗ”.
Chính phủ Việt Nam từ chối bình luận về nguyên nhân của tình trạng nhập khẩu vũ khí bị giảm tốc. Một quan chức hàng đầu của Bộ Quốc phòng nói hồi tháng 1 rằng nước này đã đạt được một số thỏa thuận tại hội chợ quân sự vào tháng 12/2022, nhưng Bộ Quốc phòng không đi vào chi tiết.
Siemon Wezeman, nhà nghiên cứu cấp cao tại SIPRI nói rằng việc không có mấy thông tin về các thỏa thuận công khai có thể là do các cuộc đàm phán khó khăn vẫn đang diễn ra, trong đó Việt Nam đang xem xét các lời chào hàng cạnh tranh nhau.
Thayer và các chuyên gia khác cho rằng quốc gia Đông Nam Á này chủ yếu cần tàu chiến, máy bay chiến đấu và máy bay không người lái. Theo báo cáo năm 2019 của Bộ Quốc phòng, Việt Nam vận hành các hệ thống phòng không được nhập khẩu từ Nga và Israel, một số hệ thống trong số đó đã được giới thiệu lần đầu tiên cách đây hơn 30 năm.
Nước này đang cố gắng cải thiện ngành công nghiệp quân sự của mình nhưng vẫn chưa thể sản xuất được vũ khí cỡ lớn như máy bay hay tàu chiến.
Dữ liệu của SIPRI cho thấy, Nga, nước cung cấp vũ khí hàng đầu cho Việt Nam trong nhiều thập kỷ, đã giảm đáng kể lượng xuất khẩu vũ khí toàn cầu vào năm ngoái và Việt Nam đã phải vất vả tìm cách thanh toán cho vũ khí của Nga mà vẫn không vi phạm lệnh trừng phạt của Mỹ, theo hai người nắm thông tin về các cuộc thảo luận. Họ từ chối nêu tên vì tính nhạy cảm của vấn đề.
Theo dữ liệu công khai, Hà Nội đã tổ chức hội chợ vũ khí quốc tế đầu tiên vào năm 2022, công khai tuyên bố rằng họ muốn đa dạng hóa nguồn cung thay vì chỉ dựa vào Moscow, điều này xác nhận một sự thay đổi bắt đầu từ sau khi Nga sáp nhập Crimea vào năm 2014.
Nhưng các cuộc đàm phán với những bên bán tiềm năng khác vẫn chưa mang lại kết quả rõ ràng.
Theo dữ liệu của SIPRI, Israel, nước cung cấp vũ khí lớn thứ hai cho Việt Nam, đã không bán cho Hà Nội bất kỳ loại vũ khí nào trong hai năm qua, mặc dù xuất khẩu vũ khí toàn cầu của Israel đã tăng lên trong giai đoạn đó.
Các cuộc đàm phán của Việt Nam với các bên cung cấp tiềm năng khác, bao gồm Ấn Độ, Hoa Kỳ, Hàn Quốc, Nhật Bản và Cộng hòa Séc đã diễn ra dồn dập hơn nhưng không thấy có tin các bên đạt được thỏa thuận lớn nào, ngoại trừ chiếc hộ tống hạm được Ấn Độ tặng, giữa lúc Việt Nam có các vấn đề về chi phí và khả năng tích hợp với kho vũ khí hiện có, mà theo phần lớn các chuyên gia, chúng có nguồn gốc từ Liên Xô.
Hội chợ vũ khí thứ hai dự kiến sẽ được tổ chức tại Hà Nội vào tháng 12.
Trong lúc này, Việt Nam đang dựa vào ngoại giao để duy trì quan hệ tốt đẹp với các siêu cường.
Nhưng nếu không mua vũ khí với giá trị lớn, Việt Nam vẫn "rất mong manh", Nguyễn Thế Phương, chuyên gia về quốc phòng Việt Nam tại Đại học New South Wales ở Australia, nói.
‘Công an trị’ hiện rõ trong ngân sách 2024 của Việt Nam
Huỳnh Thị Tố Nga
13 tháng 3, 2024
Công an được chi tiền để thường xuyên tập luyện chống bạo động (Hình: Người Đưa Tin)
Năm 2024, Bộ Công an tiếp tục được chi ngân sách cao ngất ngưỡng. Sự bất bình đẳng lộ rõ khi người ta nhìn vào ngân sách dành cho Bộ Giáo Dục và Bộ Y Tế. Điều này là quyết định chính thức với Nghị Quyết số 104/2023/QH15 ngày 10 Tháng Mười Một năm 2023 của Quốc hội
Nhìn vào đó, người ta hiểu rõ xã hội Việt Nam như thế nào. Hai ngành chăm sóc và giáo dục con người bị coi nhẹ, còn chuyện cai trị, kiểm soát con người thì quan trọng bậc nhất đối với chính quyền.
Hệ thống y tế ở Việt Nam vẫn quá tải bao nhiêu năm qua, cơ sở vật chất không đáp ứng được nhu cầu cần chăm sóc, điều trị, bảo vệ sức khỏe của người dân. Tình trạng người dân phải chịu cảnh vật vạ khi đi khám, điều trị bệnh, nhất là ở các bệnh viện nhà nước, thiếu giường nằm, người bệnh phải nằm chật hẹp, nhồi nhét trong không gian nhỏ hẹp, ngột ngạt, còn người thân đi nuôi bệnh thậm chí phải nằm dưới gầm giường, hành lang, tình trạng kéo dài, chưa được giải quyết suốt hàng chục năm qua.
Mới đây, tình trạng thiếu hụt thuốc và vật tư y tế lại làm cho tình hình ngày thêm nghiêm trọng. Ở hệ thống các bệnh viện tư nhân có đỡ hơn, cơ sở vật chất khá hơn, nhưng chi phí lại quá cao, đa phần người dân có thu nhập trung bình hoặc thấp không tiếp cận được các dịch vụ y tế này. Nhưng ngay cả hệ thống nhà nước, họ cũng ưu tiên chuyện kiếm tiền thêm bằng các dịch vụ điều trị.
Nói về giáo dục, chất lượng giáo dục ngày càng xuống cấp, bao nhiêu vấn nạn xảy ra vì đạo đức suy đồi, bởi vì lương của giáo viên không đủ sống, mất phẩm chất với nghề nghiệp. Đó là chưa nói đến chương trình đào tạo nghiêng về tuyên truyền, nhồi nhét chính trị làm cho thế hệ trẻ chỉ còn học vẹt những gì chính quyền muốn.
Các thế hệ không những không khai phóng được tâm thức và tài năng mà chính chương trình giáo dục như vậy đã làm cho học sinh, sinh viên trở nên u tối, thụ động và mất căn bản về đời sống chính trị-xã hội.
Tại sao các quốc gia bị gọi là tư bản bóc lột, lại luôn nhiều mặt, vượt xa con người trong chế độ độc tài?
Chắc có người sẽ hỏi: “Thế sao Trung Quốc lại giàu có”? Nếu bóc tách bộ mặt son phấn đó, có thể nhìn rõ về cái gọi là “phát triển giàu có.”
Năm 2023, GDP cả nước của Trung Quốc vẫn đứng thứ hai sau Hoa Kỳ, nhưng bình quân thu nhập đầu người của Trung Quốc lại xếp vị trí 70/190 quốc gia, trong khi đó bình quân thu nhập đầu người của Hoa Kỳ xếp vị trí thứ 7/190.
Tương tự, Việt Nam được gọi là phát triển “rực rỡ” nhưng chỉ xếp ở vị trí 121/190 quốc gia, thua những quốc gia ít được nhắc tới trên trường quốc tế như Luxembourg.
Nhìn mặt bằng văn hóa, xã hội, ai cũng có thể đánh giá hiệu quả của nhà nước sau nhiều năm điều hành, và rõ ràng, kinh tế cứ ì ạch và tệ nạn tham nhũng trong nội bộ nhà nước ngày càng trầm trọng, sai lầm này chồng sai lầm khác, chỉ có người dân là nạn nhân chính và trực tiếp.
Ngân sách là tiền của dân, nhưng đời sống người dân ngày càng vất vả.
Năm 2023, Việt Nam có gần 10 triệu dân nghèo và cận nghèo, chiếm khoảng 1/10 dân số theo số liệu thống kê của asianews.network. Nhìn bảng chi ngân sách dồn hết cho bộ phận mà nhân dân vẫn gọi rõ là chế độ “Đảng trị” và “Công an trị,” thì ý nghĩa của một Việt Nam tương lai sẽ được gọi là gì?
Chiến dịch khủng bố xã hội của CSVN đã bắt đầu!
Viết Dũng/SGN
13/3/2024
(Ảnh ANTV)
Như dự đoán của giới quan sát, nhà cầm quyền CSVN đã khởi sự chiến dịch tuyên chiến với nhân quyền – qua hồ sơ “Chỉ thị 24” mà tổ chức Project 88 công bố – bằng chuyện cho công an mọi nơi đẩy mạnh chiến dịch sách nhiễu đến từng nhà, từng người, trong đó đặc biệt là đối với các gia đình tù nhân lương tâm.
Một trong những ví dụ này, là sự việc của Bà Nguyễn Thị Châu, vợ của Kỹ sư Nguyễn Ngọc Ánh, một tù nhân lương tâm đã từng có các hoạt động vì môi trường cũng như các vấn đề về học đường, y tế, dân oan… Mới đây, bà Châu đã bị nhà cầm quyền gọi lên để xử phạt hành chính với mức phạt 7.5 triệu đồng vì đã đăng tải một bức ảnh phản ứng về bản án của ông Ánh trên trang Facebook cá nhân. Bức ảnh có từ năm 2019, nhưng là nguyên nhân của đợt sách nhiễu, cho thấy nhà cầm quyền đang tìm đủ mọi cách để khủng bố.
Không chỉ bà Châu, trong cùng giai đoạn này, nhiều người khác đang cũng bị “mời” họ lên làm việc với lý do mơ hồ là “trao đổi về các vấn đề liên quan đến an ninh mạng”. Những người khác như bà Lê Thị Hà (vợ của giảng viên âm nhạc, TNLT Đặng Đăng Phước), bà Nguyễn Thị Tình (vợ của thầy giáo Nguyễn Năng Tĩnh), bà Trịnh Thị Nhung (vợ ông Bùi Văn Thuận), bà Nguyễn Thị Huệ (mẹ ông Huỳnh Đức Thanh Bình), Bà Lê Thị Thập (vợ của tù chính trị Lưu Văn Vịnh)… cũng bị gọi lên làm việc, cho thấy một hình thức khủng bố đang hành động có hệ thống.
(Ảnh Gia đình cung cấp)
Công an buộc thân nhân các gia đình những người bất đồng chính kiến phải gỡ bài viết, xóa bình luận trên mạng xã hội, cũng như không được chia sẻ bài đăng từ các trang mạng có tiếng nói bất đồng chính kiến khác. Tệ hơn, công an sau khi thẩm vấn trấn áp, còn hăm dọa không cho tiết lộ nội dung cuộc làm việc khủng bố.
Ghi nhận từ đợt khủng bố này, chính quyền đã dùng gia đình như một phương tiện để gây áp lực lên những người bất đồng chính kiến. Bằng cách này, nhà cầm quyền Cộng sản Việt Nam không chỉ gửi một “thông điệp” rằng không có ai ngoại lệ trong “cuộc chiến” chống lại những tiếng nói phản biện mà còn tạo ra một môi trường sợ hãi, nơi mọi người phải cân nhắc hậu quả không chỉ với bản thân mà còn với người thân của họ.
Mục đích của đợt khủng bố này không chỉ nhằm gây ra áp lực tinh thần đối với các gia đình mà còn kiếm cớ phạt tiền, gây khó khăn về kinh tế. Bà Châu cho biết là công an đe dọa, nếu bà không đóng tiền phạt đúng thời gian, thì sẽ bị tính thêm tiền lãi suất.
Một vấn đề khác của chiến dịch khủng bố xã hội, là công an muốn cắt đứt sự liên hệ, qua lại của các gia đình tù nhân lương tâm với nhau, cũng như với các tổ chức quốc tế đang quan tâm về nhân quyền. Những người bị công an bắt rút lại việc ký tên hưởng ứng yêu cầu đưa bà Nguyễn Thúy Hạnh về chữa trị, nói họ nhận ra ý đồ muốn cô lập những người yếu thế và ngăn chận sự đoàn kết trong xã hội Việt Nam.
Hành động của chính quyền CSVN, được nhìn thấy như một phiên bản hà khắc của Trung Quốc và Bắc Triều Tiên, trong việc “một người làm, cả nhà chịu tội”, vốn bị quốc tế lên án từ nhiều năm nay.
Cuộc chiến cho quyền tự do ngôn luận và nhân quyền ở Việt Nam, vẫn còn là một trận chiến gian nan, và cần sự can thiệp từ tổ chức quốc tế cũng như áp lực từ cộng đồng thế giới. Bây giờ, không chỉ những người đang chịu án và bị đày đọa trong tù phải khổ sở, mà chính gia đình họ bên ngoài cũng không còn có được cuộc sống bình thường của một công dân.
Hoàng Nguyên Vũ - Giá vé máy bay đang cố tình hại nền kinh tế?
13/3/2024
Nhìn giá vé máy bay nội địa, đừng hỏi sao du lịch Việt Nam không thể phát triển.
Một vé khứ hồi từ Sài Gòn đi Hà Nội, đặt trước hai tuần, bằng giá cả một tour đi Thái Lan 6 ngày, bao gồm vé máy bay, ở khách sạn 5 sao.
Yêu cái không khí mùa Xuân miền Bắc lắm, muốn đi du lịch để ủng hộ nước nhà lắm, nhưng vé máy bay giá sát phạt như thế này cũng đành chịu.
Hình như người ta không nghĩ cho quốc gia, không nghĩ đến hai chữ "kích cầu" cho du lịch, khi mà ngoảnh đi nhìn lại, thì du lịch là một trong những điểm trọng yếu của nền kinh tế. Bất động sản xem như đang lâm sàng, sản xuất và xuất nhập khẩu thế nào thì mời đọc trên báo.
Vậy muốn kinh tế hồi phục hơn mà chơi quả giá vé vĩ đại thế này thì hồi phục bằng niềm tin chắc?
Những người có thu nhập tạm gọi là ổn nhìn giá vé muốn nhăn mặt; thì những người nghèo xa quê nhà hay công nhân...có dám về nhà với giá vé thế này không?
Hôm nay đọc báo thấy vé giảm, vào xem, ơn trời, mỗi chặng giảm 100 ngàn đồng. Giảm quá cơ!
Đắt một cách vô duyên và đắt một cách sát phạt nền kinh tế, chứ không phải đắt một cách bình thường!
Casino Phú Quốc nơi thí điểm cho người chơi VN báo cáo lỗ hơn 3.720 tỷ đồng
13/3/2024
Trong thời gian dịch COVID-19, không còn khách nước ngoài vào chơi mà chủ yếu là người Việt; thế nhưng số lượng cũng giảm.
VnEconomy
Dự án Casino Phú Quốc với thí điểm cho người Việt vào chơi tính đến nay lỗ lũy kế hơn 3720 tỷ đồng.
Bộ Tài Chính Việt Nam thông báo số lỗ vừa nêu của Casino Phú Quốc và truyền thông Nhà nước loan tin ngày 13/3.
Tin cho biết Casino Phú Quốc là một trong hai casino mà Bộ Chính trị đảng cộng sản Việt Nam cho phép thí điểm để người mang quốc tịch Việt Nam được vào chơi. Thời gian thí điểm 3 năm. Đó là Casino Phú Quốc và Casino Vân Đồn. Tuy nhiên chỉ mới có Casino Phú Quốc bắt đầu thực hiện việc này từ đầu năm 2019 đến nay.
Báo cáo cho thấy suốt thời gian qua, số người Việt vào chơi là gần 296.000 lượt, chiếm 62% tổng người chơi; số người nước ngoài là gần 180.000 lượt chiếm 38%.
Trong thời gian dịch COVID-19, không còn khách nước ngoài vào chơi mà chủ yếu là người Việt; thế nhưng số lượng cũng giảm.
Tại Việt Nam, hiện có 09 dự án casino đang hoạt động; trong đó có 06 casino quy mô nhỏ, 03 casino quy mô lớn. Ngoài ra còn 02 dự án casino đang trong quá trình xây dựng.
Không có nhận xét nào