Winston Phan Đào Nguyên - Xét 'công-tội' của Petrus Trương Vĩnh Ký - dựa trên tiêu chuẩn 'địch-ta'?
Hiền Vương/VNTB - Trương Vĩnh Ký có đáng bị miệt thị đến thế không?
Tác giả, Luật sư Winston Phan Đào Nguyên
Gửi cho BBC News Tiếng Việt từ California, Hoa Kỳ
16/02/2024
Tác giả Winston Phan Đào Nguyên, một luật sư sống tại California, Mỹ. Ông là tác giả các bài báo về Petrus Trương Vĩnh Ký: Minh oan cho Petrus Ký về câu, 'Ở với họ mà không theo họ' và Petrus Key và Petrus Ký – Chuyện một lá thư mạo danh Trương Vĩnh Ký vào Thế kỷ 19. Ông cũng là tác giả sách Phan Thanh Giản và Vụ án ‘Phan Lâm mãi quốc, triều đình khí dân’.
Nguồn hình ảnh, Tư liệu
Chụp lại hình ảnh,
Tượng Petrus Trương Vĩnh Ký tại trung tâm Sài Gòn vào năm 1971 và đã bị di dời sau biến cố 30/4/1975
Sự kiện Đài Truyền hình Việt Nam (VTV) rút hình ảnh Petrus Trương Vĩnh Ký khỏi chương trình Xuân sau khi một số trang mạng buộc tội ông "bán nước" làm dấy lên tranh luận về nhân vật lịch sử này. Luật sư Winston Phan Đào Nguyên gửi đến BBC News Tiếng Việt bài viết chia sẻ quan điểm.
Nói đến nhân vật lịch sử Petrus Trương Vĩnh Ký, thế nào cũng sẽ có người nhắc đến “công” và “tội” của ông. Đã có không biết bao nhiêu tác giả, nhà nghiên cứu, nhà báo, nhà văn, chính trị gia… hăng say nói đến chủ đề này, một khi cái tên Trương Vĩnh Ký, hay Petrus Ký, được nhắc đến.
Điều này có lẽ bắt nguồn từ một bài thơ được cho là do Petrus Ký làm, vì nó được tìm thấy trong những giấy tờ nghiên cứu của ông. Trong đó hai câu chót là hai câu được biết đến nhiều nhất:
"Cuốn sổ bình sanh công với tội
Tìm nơi thẩm phán để thừa khai"
Petrus Ký là một tín đồ Công giáo và đây là hai câu thơ có ý nghĩa nặng về mặt tôn giáo, để nhắc cho người đời biết rằng vị thẩm phán sau cùng về “công” và “tội” phải là một đấng tối cao, tức là Thiên chúa của ông.
Thế nhưng, như đã nói, lại có quá nhiều người tự cho mình cái quyền xét xử “công” và tội” của Petrus Ký!
Mặc dù họ chưa bao giờ đọc được một tác phẩm nào của ông, một nghiên cứu nào của ông, để biết được ông là người như thế nào, ý tưởng của ông ra sao.
Mặc dù họ không đủ chữ nghĩa để đọc những gì ông viết bằng tiếng Pháp, bằng tiếng La tinh, nhưng họ lại sẵn sàng trích dẫn những gì ông viết bằng những câu dịch ra chữ quốc ngữ sai lạc và đầy ác ý để kết “tội phản quốc” cho Petrus Ký.
Và đó là những người đang quản lý truyền thông tại Việt Nam hiện nay.
Nhưng đó là những người muốn kết “tội” cho Petrus Ký, những người muốn bôi nhọ thanh danh ông đã đành - còn những người muốn kể “công” cho Petrus Ký, thật tình cũng hại ông không kém.
Bởi vì những người muốn bênh vực Petrus Ký đã cố tình đem cái “công” của ông ra để hy vọng bù đắp lại cái “tội theo Pháp” của Petrus Ký.
Do đó, họ đã đánh lạc hướng dư luận bằng cách nói rằng chỉ nên nhìn về Petrus Ký như một “danh nhân văn hóa” mà thôi, chứ đừng nhìn về mặt chính trị.
Mà như vậy thì họ đã mặc nhiên nhìn nhận là Petrus Ký có “tội” phản quốc, cho nên họ không dám nhìn về con người “chính trị” của Petrus Ký.
Do đó, ngoài việc gọi Petrus Ký là “danh nhân văn hóa”, họ cũng còn ráng vớt vát gọi ông là người “yêu nước” “phi truyền thống” (Bằng Giang). Theo đó, yêu nước “truyền thống” là phải phân chia rõ rệt “địch” và “ta”.
Hoặc họ bênh vực Petrus Ký bằng cách cố tình đánh đồng ông với nhân vật Từ Thứ trong Tam Quốc diễn nghĩa, rằng ông là người ở Tào mà lòng ở Hán.
Kể hết như vậy, để thấy rằng cái nhìn “công và tội” gần như hoàn toàn dựa trên tiêu chuẩn “địch và ta”. Và vì Petrus Ký là một người làm việc cho chính phủ thuộc địa Pháp, cho nên ông phải thuộc diện “địch”, và do đó, phải có “tội”, vì đã theo “địch”.
Nhưng cũng với cái nhìn đó, ông có “công” vì đã là người tiên phong trong việc phát triển chữ Quốc ngữ, ngành báo chí, ngành dân tộc học… Nghĩa là ông có công với “ta”, với người Việt.
Nguồn hình ảnh, Tư liệu
Chụp lại hình ảnh,
Tượng Petrus Trương Vĩnh Ký ở gần Nhà thờ Đức Bà Sài Gòn đã bị di dời sau ngày 30/4/1975
Nhưng hỡi ơi, đó là cái nhìn của thời đại ngày nay, không phải của thế kỷ 19 của Petrus Ký. Bởi vì “địch và ta” của thời gian đó chưa hề bị ảnh hưởng bởi chủ nghĩa dân tộc, một chủ nghĩa mới được du nhập vào Việt Nam từ đầu thế kỷ 20 mà thôi.
Và cái cách nhìn “địch và ta” qua lăng kính “Pháp và Việt” thì đơn thuần là cách nhìn theo chủ nghĩa dân tộc cực đoan tối giản.
Bởi vào thế kỷ 19, hay chính xác hơn vào thập niên 1860, khi Pháp bắt đầu xâm chiếm Nam Kỳ, thì “ta” ở đây là ai? Là triều đình nhà Nguyễn dưới thời vua Tự Đức. Là một chế độ quân chủ chuyên chính, trong đó người dân chỉ là con sâu cái kiến, còn đất đai là tài sản của nhà vua. Và triều đình này đã tàn sát hàng ngàn giáo dân Ki tô giáo chỉ vì họ không chịu bỏ đạo, chứ không phải vì tội lỗi gì khác.
Đó không phải là một chính thể được toàn dân bầu ra, là một đại diện cho “dân tộc” Việt. Đó chỉ là một chính thể quân quyền được xây dựng trên vũ lực và cai trị bằng vũ lực. Họ chỉ “ta” ở chỗ họ là người nói tiếng Việt.
Vì vậy cho nên khi Petrus Ký vừa chân ướt chân ráo trở về quê nhà ở Vĩnh Long thì đã bị triều đình nhà Nguyễn truy lùng để bắt giam. Nghĩa là “ta” ở đây, tức triều đình nhà Nguyễn, đã coi ông ta là một tội phạm ngay từ đầu. Nghĩa là “ta” đã không và chưa bao giờ chấp nhận cho Petrus Ký đứng trong hàng ngũ của họ cả. Mà ngược lại, “ta” đang truy sát Petrus Ký.
Vậy thì Petrus Ký có bao giờ là “ta” đâu mà gọi là phản quốc? Vậy thì Petrus Ký có bao giờ có một sự lựa chọn nào?
Trong khi đó, “địch”, tức Người Pháp, lại là những người cứu Petrus Ký khỏi sự truy lùng vô cớ của nhà Nguyễn. Lại mời ông làm thầy dạy cho họ ngôn ngữ và văn hóa Việt. “Địch” Pháp chưa bao giờ đối xử tàn ác với ông ta như triều đình nhà Nguyễn đã từng làm.
Nguồn hình ảnh, Đặng Thanh
Chụp lại hình ảnh,
Tượng Petrus Trương Vĩnh Ký vốn được đặt ở công viên trước Dinh Độc Lập (sau này gọi là Công viên 30/4). Sau biến cố 30/4/1975, tượng đã bị di dời khỏi công viên ở trung tâm thành phố, rồi sau đó đưa về Bảo tàng Mỹ thuật TP HCM. Ghi chú trên chân tượng nhấn mạnh đây là một tác phẩm nghệ thuật trưng bày hơn là một tượng đài công cộng. Ảnh chụp tháng 12/2022.
Cần nói rõ, “địch” ở đây, tức đội quân xâm lược Pháp, đương nhiên là “địch” của “ta”, tức triều đình Huế, chứ không phải là “địch” của người dân Nam Kỳ. Bởi họ tranh giành đất đai với triều đình nhà Nguyễn, chứ họ không đàn áp hay tàn sát người dân như triều đình “phong kiến thối nát” kia.
Nhưng đương nhiên họ cũng không phải là “ta”, vì họ đặt quyền lợi của nước Pháp và người Pháp lên trên hết.
Như vậy, sự định nghĩa đơn giản “địch và ta” tức “Pháp và Việt” như trên, trong cách học lịch sử tại Việt Nam đương thời, là hoàn toàn không phù hợp với thực trạng của thế kỷ 19 ở Nam Kỳ. Không có “ta”, cũng không có “địch”, giữa hai thế lực tranh giành quyền lợi chính trị lẫn nhau. Người dân Việt chỉ là những con cờ mà thôi.
Thế nhưng ảnh hưởng của cái nhìn qua lăng kính chủ nghĩa dân tộc cực đoan như trên đã làm cho không biết bao nhiêu thế hệ người Việt chỉ có một cái nhìn một chiều, và dẫn tới việc đánh giá “công và tội” của các nhân vật lịch sử như Petrus Ký như trên.
Nghĩa là từ người muốn kết án cho đến người muốn bênh vực đều hăm hở xách bàn cân ra đòi đo lường “công và tội” của Petrus Ký, và đều chỉ dựa trên tiêu chuẩn “địch và ta”.
Nhưng Petrus Ký lại không có cái nhìn đơn giản giữa “địch và ta” như vậy. Mà ông nhìn thấy “ta” là những người dân Việt lạc hậu, cần học hỏi ở “bạn” là những người Pháp văn minh. Muốn được như vậy thì cần phải đẩy mạnh sự học hỏi. Và sự học hỏi bắt đầu là ở chữ viết Quốc ngữ!
Và đó là nhiệm vụ ông đã tự gánh vác cho cả cuộc đời: làm thầy dạy cho người Việt, là phát huy sự học qua công cụ chữ Quốc ngữ.
Cũng vì lý do đó mà người Nam Kỳ, từ thế hệ này qua thế hệ khác, đều yêu mến ông.
Cũng vì vậy mà ông đã chép hai câu thơ trong di cảo, để nhắn nhủ hậu thế rằng chuyện “công với tội” là để cho một vị thẩm phán tối cao có đủ hiểu biết và thẩm quyền để phán xét.
Còn nếu không đủ khả năng và chỉ dựa vào cách phân loại “địch và ta” thì xin đừng!
https://www.bbc.com/vietnamese/articles/c97vmy1p9vzo
Trương Vĩnh Ký có đáng bị miệt thị đến thế không?
Hiền Vương/VNTB
16/02/2024
(VNTB) – Nhiều đĩa phương chọn đặt tên trường là Trương Vĩnh Ký, hay Pétrus Ký. Vậy thì các trường này phải chăng đã tôn vinh sai lầm một học giả trí thức trong thời cuộc lịch sử như nhận định của trang fanpages “Tôi Yêu Công An Nhân Dân Việt Nam”?
Với tựa đề bài viết: “Người ta đang làm cái gì với lịch sử của đất nước tôi?” (*), trang fanpage “Tôi Yêu Công An Nhân Dân Việt Nam” hôm mùng 5 Tết đã phê phán nặng nề chương trình “Tạp chí Xuân: Năm Rồng trên đất Chín Rồng” phát trên sóng VTV Cần Thơ dịp Tết vừa qua.
Fanpage nhắc lại rằng: “Pétrus Trương Vĩnh Ký là một nhân vật gây tranh cãi vô cùng. Mới mấy hôm trước thôi, chính VTV cũng đã “âm thầm” xóa đi chương trình VTV Khát vọng non sông nói riêng về Pétrus Trương Vĩnh Ký – một chương trình nói về những con người yêu nước, những sự kiện lịch sử dân tộc… Nhưng xem như, những thế “tẩy trắng” cho Trương Vĩnh Ký là quá lớn, những âm mưu rõ ràng là có ý đồ, như muốn len lỏi bào chữa cho những con người phản bội lại lợi ích quốc gia, dân tộc.
Fanpage cho rằng một điều xúc phạm lịch sử khác nữa là VTV đã đặt Trương Vĩnh Ký cùng với Bác Vật Lang – hay còn gọi là cụ Lưu Văn Lang, một người cũng du học Pháp, làm quan cho Pháp, nhưng thẳng thắn phê phán Pháp, từ chối làm cho chính quyền thuộc địa, ủng hộ Cụ Hồ, kêu gọi thống nhất đất nước, liên hệ với Trung ương Cục miền Nam để làm việc… Cùng là làm cho Pháp, cũng phát triển chữ Quốc ngữ, nhưng cụ không bán nước. Vậy mà giờ đây, VTV lại đặt cụ chung với một người viết thư cho Pháp, mong muốn Pháp xâm lược Việt Nam (…).
Trong phần tiểu sử của Trương Vĩnh Ký ở các trường học mang tên ông, viết – trích: “Những người chỉ trích Pétrus Trương Vĩnh Ký đã quên rằng: Triều đình Huế cần Pétrus Ký trong việc bang giao với người Pháp, thì tiên sinh hiển nhiên phải “đi với Tây”. Họ đã quên rằng nhà chánh trị Pétrus Ký đã dứt khoát chủ trương: “Đi với họ mà không lệ thuộc họ”. Họ đã quên rằng Trương Vĩnh Ký là một người suốt đời sống khiêm tốn và thanh liêm, một người tài cao đức rộng, thừa sức để tạo cho mình một địa vị cao sang, mà suốt đời không bao giờ mưu cầu danh lợi.
Trái lại, tiên sinh luôn luôn mặc quốc phục với áo dài khăn đóng đoan trang, trong khi tiếp xúc với người Pháp trong nước cũng như ngoài nước, để giữ thể diện và tạo uy tín cho quốc gia.
Họ đã quên rằng có những học trò ở Trường Thông ngôn nhờ biết tiếng Pháp mà được bổ nhiệm đến chức Tri Huyện, Tri Phủ, trong lúc nhà bác học lỗi lạc Pétrus Ký, Giám đốc của Trường Thông ngôn này, thì sống cuộc đời đạm bạc của một thiện tri thức.
Họ đã quên rằng có nhiều nhân vật quan trọng người Pháp vì khâm phục tài đức của Trương Vĩnh Ký nên đã khuyến khích tiên sinh “vô dân Tây” (nhập quốc tịch Pháp), nhưng tiên sinh đã dứt khoát từ chối, trong lúc biết bao nhiêu người khác tìm đủ cách mà vô dân Tây để hưởng nhiều lợi lộc. Họ đã quên rằng, tuy Pétrus Trương Vĩnh Ký là một người Thiên Chúa ngoan đạo, đã lánh nạn cấm đạo từ lúc lên 11 tuổi (đi học ở chủng viện tại Nam Vang) mà vẫn cộng tác đắc lực với người cấm đạo (triều đình Huế), và dành hết thì giờ, vận dụng hết khả năng để phục vụ dân tộc trong lúc “Quốc phá Gia vong”.
Họ đã quên những gì cần phải nhớ và họ cố tình quên như vậy để rồi, đứng ngoài vòng đau khổ của dân tộc, trong cuộc chiến tranh bi đát, họ nghênh ngang chỉ trích. Tệ hơn nữa, có kẻ không cần quên, không cần nhớ, chỉ đứng ngoài vòng đạo lý mà bóp méo lịch sử, mà xuyên tạc sự thật và cho rằng tiên sinh Pétrus Ký đã làm tình báo cho giặc Pháp.
Nhờ có những cơ hội xuất ngoại, nhà chánh trị Trương Vĩnh Ký đã thấy rõ cái tân tiến của khoa học và kỹ thuật Tây phương, nên đã tìm mọi cách thuyết phục triều đình Huế nhằm cải thiện đời sống của nhân dân (…)”.
…Thiết nghĩ với một nhân vật lịch sử mà Bộ Giáo dục và Đào tạo đã “cấp phép” dùng làm tên gọi cho hệ thống cả 3 bậc tiều học – trung học cơ sở – trung học phổ thông, thì cần hết sức thận trọng khi tùy nghi chỉ trích, phê phán về cái gọi là “ngụy” của nhân vật lịch sử này ở fanpage “Tôi Yêu Công An Nhân Dân Việt Nam”.
Tham khảo:
(*) https://www.facebook.com/100072615153013/posts/412271014536734/
Không có nhận xét nào