Header Ads

  • Breaking News

    VNCS: Bất ổn tài chính gây khủng hoãng kinh tế!

    Nguyễn-Xuân Nghĩa /RFA

    " Vì Việt Nam hy vọng là thị trường thay thế Trung Quốc và khi đô la còn rẻ người ta vay đô la bên Mỹ đem về Việt Nam và thổi thêm dòng tín dụng lẫn nghiệp vụ đầu cơ ở đây. Một số người có quan hệ với đảng viên còn nhân cơ hội mua lại vốn của doanh nghiệp nhà nước được "cổ phần hóa" – tức là bán cho tư nhân - tưởng là để kiếm lời. Nhưng cái gọi là dòng "kiều hối" chảy vào lại giúp cho quan chức tẩu tán tài sản ra ngoài! 

    - Bây giờ việc đô la lên giá vùn vụt đang đảo lộn tính toán ấy ngoài thị trường và gây biến động quá khả năng ứng phó của nhà nước. Thí dụ như nếu Mỹ kim lên giá mãi, Hà Nội không đủ dự trữ để giữ giá đồng bạc và tỷ giá (hay cái neo vào đô la) đang bị đe dọa như Thái Lan đã bị trước khi phá giá đồng Baht của họ và phải bứt neo trong vụ khủng hoảng bùng nổ ngày hai Tháng Bảy năm 1997".

    Hình minh diễn rất ý nghĩa do RFA chọn lựa

    Giới kinh tế ở trong và ngoài nước vừa nói đến việc kinh tế và tài chính Việt Nam gặp nguy hiểm mà lại có nhiều điều không ổn cần được chú ý. Diễn đàn Kinh tế thảo luận với chuyên gia kinh tế Nguyễn-Xuân Nghĩa về các vấn đề nóng bỏng ấy, và ông lại đưa ra một cách phân tích khác.

    Việt Long: Xin kính chào ông Nguyễn-Xuân Nghĩa. Thưa ông, trong mấy ngày qua, ta thấy nhiều chuyên gia kinh tế tại Việt Nam và ở bên ngoài nêu một số vấn đề của kinh tế Việt Nam, như tăng trưởng chưa đủ để trả tiền lãi đi vay, hay tăng trưởng dưới tiềm năng mà còn bị chững. Phải chăng nền kinh tế tài chính Việt Nam đang gặp nguy hiểm và có khả năng vỡ nợ? Theo dõi chuyện này, ông nghĩ sao về những lời cảnh báo ấy?

    Nguyễn-Xuân Nghĩa: - Tôi xin trước hết cố tình lạc đề mà nói về chuyện khác!

    - Cách đây ít lâu, một số thính giả của chúng ta và nhiều kỹ sư ở bên trong đã liên lạc để hỏi tôi là họ muốn học thêm về kinh tế. Khi ấy, tôi có trả lời như thế này: ‘Việt Nam còn nghèo, tư doanh còn yếu nên chưa thể tuyển dụng kinh tế gia. Nếu học thêm về kinh tế thì chỉ là nhà nghiên cứu hoặc làm việc trong khu vực nhà nước thôi’. Ngược lại, tôi khuyên anh em là nên học kế toán và quản trị tài chính để, với căn bản khoa học sẵn có, góp phần cải thiện khả năng kinh doanh cho dân giàu nước mạnh hơn. Về dài thì kinh tế học mới đắc dụng khi xứ sở đã đổi khác.

    Việt Long: Ông cho biết vì sao nói đến kế toán học khi đề cập đến một vấn nạn kinh tế trong nước? 

    Nguyễn-Xuân Nghĩa: - Lý do thứ nhất và rất cơ bản là ta cần học cách đếm cho chính xác để còn có thể ước tính được rủi ro trong kinh doanh mà kinh tế quốc gia khó tăng trưởng nếu không có tư doanh vững mạnh. Giới quản lý kinh tế gọi là 'vĩ mô' chỉ có thể đo đếm và tính toán từ trên xuống để làm chính sách, mà kết quả sau cùng cho nền kinh tế vẫn là khả năng sinh lời và phát triển của các doanh nghiệp ở dưới.

    “Nhà nước không có chức năng sản xuất, đấy là phần vụ của người dân, là xã hội dân sự hay thị trường. Nhà nước có nhiệm vụ yểm trợ cho công cuộc sản xuất của toàn dân được tiến hành tốt đẹp.” - Nguyễn-Xuân Nghĩa

    - Lý do thứ hai là ta có nhiều biến động tài chính và cả rủi ro vỡ nợ tại Hy Lạp, Nga hay Venezuela trước khi quốc tế chú ý đến hoàn cảnh Việt Nam. Nếu có kiến thức về kế toán và quản trị tài chính ta có thể thấy ra một khảo hướng khác (là cách tiếp cận với vấn đề) để đánh giá mức rủi ro ấy. Đây là một khía cạnh chuyên môn phức tạp mà cũng có ích cho hiện tại và trường kỳ. Với tinh thần đó, tôi thiển nghĩ Tiến sĩ Vũ Quang Việt rất có lý khi đề nghị tuần trước trên tờ Thời báo Kinh tế Sàigon một cải cách cơ bản là "Viết lại Luật Tín Dụng và Luật Doanh Nghiệp".

    Việt Long: Xin đề nghị ông giải thích từng bước chuỗi lý luận của ông để thính giả của chúng ta hiểu ra chuyện rắc rối này.

    Nguyễn-Xuân Nghĩa: - Trước hết, cơ sở của kinh tế là doanh nghiệp, mạch sống cho doanh nghiệp là tài chính và cái bơm tài chính là tín dụng. Nhà nước không có chức năng sản xuất, đấy là phần vụ của người dân, là xã hội dân sự hay thị trường. Nhà nước có nhiệm vụ yểm trợ cho công cuộc sản xuất của toàn dân được tiến hành tốt đẹp, một thí dụ dễ hiểu là làm luật hay cải cách luật lệ để tạo ra sân chơi bình đẳng và an toàn. Với nhiều người thì khái niệm ấy thật ra vẫn quá mới, lại còn bị nhà nước bẻ queo, làm như đảng và nhà nước mới tạo ra sự giàu mạnh!

    - Khi sinh hoạt kinh tế là kết quả của hàng triệu quyết định thường nhật về tiêu thụ và sản xuất trong doanh nghiệp hay các hộ gia đình, thì chính người dân phải hàng ngày cân nhắc lời lỗ và rủi ro. Nếu có phản ứng đo đếm cho chính xác thì dễ biết được cái "mất" trong cái "được" và giảm thiểu rủi ro để có lời. Trong khi đó, nhà nước, các kinh tế gia hay giới quản lý kinh tế thường chỉ nhìn toàn cục qua hai vế cung cầu, và nếu muốn làm chính sách thì lại chỉ tác động vào phần sản xuất để nâng số cung, hoặc vào phần tiêu thụ để tăng hay giảm mức cầu.

    Việt Long: Ông giải thích đến đây thì có lẽ dễ hiểu, nhưng còn vai trò của kế toán mà ông đề cao thì đấy là gì?

    Nguyễn-Xuân Nghĩa: - Nếu biết thêm về kế toán, từ vi mô đến vĩ mô, từ nhỏ đến lớn, ta có thể thấy hai vế cân đối trong bản Kết toán Tài sản, là "Tích sản" và "Tiêu sản".

    - Tích sản là tài sản được sử dụng cho yêu cầu sản xuất. Tiêu sản là nguồn tài trợ các sản vật ấy, từ đâu mà có, là của ta hay do ta đi vay, và khi vay từ ngắn đến dài hạn thì sẽ phải thanh toán cả tiền lời lẫn vốn vay. Nói chung, giới kinh tế thường chú ý đến phần Tích sản ở bên trái bảng kết toán và chính sách kinh tế cứ nhắm vào cách cải thiện khả năng vận dụng ấy để đạt hiệu suất cao như nâng lợi tức hay giảm thất nghiệp qua các kế hoạch hay dự án đầu tư.

    - Nếu chú ý đến Tiêu sản và các khoản nợ dài ngắn đắt rẻ khác nhau, kể cả vay ngoại tệ hay nội tệ (là đồng bạc trong nước của mình), ta lại có bức tranh khác về thực tế. Nó bao hàm yếu tố rủi ro và mức tín nhiệm nếu lãi suất tăng hay hạ, tỷ giá đồng bạc cao hay thấp khi đi vay và khi trả nợ. Mọi khủng hoảng kinh tế đều xuất phát từ giá trị của Tiêu sản, từ mức rủi ro về tín dụng, ngoại hối hay chuyển ngân để trang trải nợ nần. Nếu rủi ro này đã có thì chỉ cần một biến động ngoại nhập là sẽ gây ra khủng hoảng kinh tế.

    “Như Trung Quốc, Việt Nam lấy tín dụng làm đòn bẩy cho tăng trưởng. Mà hệ thống tài chính ngân hàng và cơ chế kinh tế lẫn chính sách của Hà Nội cũng tựa Bắc Kinh là lệch lạc cho nên tiền trút vào hệ thống doanh nghiệp nhà nước và các cơ sở có dạng tư doanh mà là thân tộc của đảng viên”. Nguyễn-Xuân Nghĩa

    Việt Long: Mời ông vào phần chính của vấn đề, ngày nay tình hình đã khác như thế nào?

    Nguyễn-Xuân Nghĩa: - Ngày nay khác xưa vì Việt Nam gia nhập Tổ chức Thương mại Thế giới WTO và trao đổi nhiều hơn với các nước. Trong khi đó, thế giới bên ngoài đang có biến động cho nên biến động sẽ dội vào Việt Nam.

    - Về các biến động thì đây là năm trường hợp ta cần để ý: 1) Mối nguy khủng bố Hồi giáo cực đoan lan rộng trừ Trung Đông qua ba lục địa Âu, Phi và Á Châu. 2) Chiến tranh tại trung tâm Âu Châu là Ukraine với hậu quả là gia tăng cấm vận Liên bang Nga và khủng hoảng kinh tế tại Nga. Ngoài hai yếu tố an ninh đó, còn có các rủi ro sau đây mà Diễn đàn Kinh tế của chúng ta đã nhắc tới:

    - 3) Các nền kinh tế lớn ngoài Hoa Kỳ - như Nhật Bản, Âu Châu hay Trung Quốc - đều ráo riết bơm tiền để kích thích kinh tế với hậu quả là khác biệt lớn về chính sách tiền tệ và tỷ giả đồng bạc của họ, như Mỹ kim lên giá và các ngoại tệ kia mất giá làm dòng tư bản chảy ngược. 4) Thế giới đang thừa thanh khoản tìm nơi kiếm lời mà số cầu nói chung đều giảm và gây nguy cơ giảm phát, kể cả tại Trung Quốc. 5) Dầu thô cùng thương phẩm trừ lương thực đều sụt giá, biến cố ấy gây bất ổn cho các nước bán thương phẩm. Cho nên, bất cứ một sự biến nào xảy ra trong năm lĩnh vực kể trên đều ảnh hưởng đến Việt Nam.

    Việt Long: Thưa ông, những biến chuyển ấy tác động thế nào vào Việt Nam?

    Nguyễn-Xuân Nghĩa: - Việt Nam có lợi thế khách quan mà chương trình này đã đề cập từ 18 tháng trước. Đó là do nhiều khó khăn kinh tế sẽ kéo dài của Trung Quốc, giới đầu tư có thể dồn tư bản vào thị trường khác, kể cả Việt Nam, nếu xứ này có cơ chế tiếp nhận tốt đẹp. Điều này chưa có vì Việt Nam chậm cải cách nên để lỡ dịp. Đã vậy, Việt Nam lại mắc nợ quá lớn và xấu tốt ra sao lại cũng khó biết. Đây là lý do khiến ta cần nhìn vào phẩm chất của phần Tiêu sản hay nợ nần trong bảng Kết toán tài sản.

    Việt Long: Xin ông giải thích thêm về chuyện rắc rối này.

    Nguyễn-Xuân Nghĩa: - Như Trung Quốc, Việt Nam lấy tín dụng làm đòn bẩy cho tăng trưởng. Mà hệ thống tài chính ngân hàng và cơ chế kinh tế lẫn chính sách của Hà Nội cũng tựa Bắc Kinh là lệch lạc cho nên tiền trút vào hệ thống doanh nghiệp nhà nước và các cơ sở có dạng tư doanh mà là thân tộc của đảng viên. Nguồn tiền quá rẻ quá dễ ấy không đóng góp cho sản xuất là điều ta thấy khi đối chiếu mức tín dụng gia tăng rất cao với đà tăng trưởng sút giảm liên tục.

    - Khi bơm tín dụng, các ngân hàng đều mặc nhiên phát hành tiền tệ, nôm na là in bạc. Nhưng ai muốn nhận đồng bạc ấy? Tức là có vấn đề tín nhiệm vào giá trị đồng bạc hay vấn đề sự khả tín của khách nợ (tức là người đi vay). Vì vậy, trong tiến trình vay mượn, ai có tiền cũng muốn đổi ra tài sản khác để có lời và tránh rủi ro. Tài sản ấy có thể là đất đai nhờ thế lực đảng viên, hay Mỹ kim, vàng, cổ phiếu các công ty loại thân tộc, v.v... Yêu cầu an toàn của chủ nợ và khách nợ tất nhiên dẫn tới nạn đầu cơ và gây vấn đề cho sản xuất làm doanh nghiệp tư nhân điêu đứng, bị "chết lâm sàng". 

    - Phản ứng đầu cơ còn được nạn lạm phát khuyến khích vì vật giá gia tăng giúp khách nợ trả ít hơn số tiền đã vay năm xưa. Bây giờ, so với các năm 2007-2010, tình hình có thay đổi, thấy rõ nhất ở biến động tài chính và ngoại hối từ bên ngoài.

    Việt Long: Ông có thể nêu ra một số kịch bản về hiệu ứng từ bên ngoài vào Việt Nam.

    Nguyễn-Xuân Nghĩa: - Vì Việt Nam hy vọng là thị trường thay thế Trung Quốc và khi đô la còn rẻ người ta vay đô la bên Mỹ đem về Việt Nam và thổi thêm dòng tín dụng lẫn nghiệp vụ đầu cơ ở đây. Một số người có quan hệ với đảng viên còn nhân cơ hội mua lại vốn của doanh nghiệp nhà nước được "cổ phần hóa" – tức là bán cho tư nhân - tưởng là để kiếm lời. Nhưng cái gọi là dòng "kiều hối" chảy vào lại giúp cho quan chức tẩu tán tài sản ra ngoài! 

    - Bây giờ việc đô la lên giá vùn vụt đang đảo lộn tính toán ấy ngoài thị trường và gây biến động quá khả năng ứng phó của nhà nước. Thí dụ như nếu Mỹ kim lên giá mãi, Hà Nội không đủ dự trữ để giữ giá đồng bạc và tỷ giá (hay cái neo vào đô la) đang bị đe dọa như Thái Lan đã bị trước khi phá giá đồng Baht của họ và phải bứt neo trong vụ khủng hoảng bùng nổ ngày hai Tháng Bảy năm 1997.

    - Ngoài mối nguy của khoản công trái hay nợ công của nhà nước, có lẽ cao bằng Tổng sản lượng GDP của cả nước, với tỷ lệ nợ xấu rất đáng nghi, Việt Nam cũng áp dụng biện pháp vay đô la vào Tháng Chín năm ngoái khi phát hành trái phiếu bằng đô la để đảo nợ, là thu vào khoản nợ có phân lời rẻ để trả lại các khoản nợ đã vay các năm 2001 hay 2009 có phân lời cao hơn. Nhưng, đô la lên giá và tiền Việt Nam mất giá thì lại tăng rủi ro về ngoại hối. May ra chỉ có các đại gia đã chạy ra ngoài mua ngược khoản trái phiếu ấy của nhà nước thì lời to vì đang là các chủ nợ mới!

    - Nếu Việt Nam phải phá giá và lại bị lạm phát thì chính người dân mới là khách nợ thật, họ sẽ phải thanh toán các khoản nợ ly kỳ này. Tôi xin được kết thúc với một chân lý mà chúng ta đã nói tới sáu tháng về trước, là "Đi Vay Để Tiêu Sớm". Vấn đề ở đây là ai tiêu và ai trả?

    Việt Long: Xin cảm tạ ông Nghĩa về cuộc trao đổi này.

    ___

    (Bài do độc giả Tuan Dinh Nguyen tìm ra và gửi lại nhằm phổ biến. RFA phát thanh ngày 04 Tháng Hai, 2015..)

    https://www.facebook.com/xuan.nguyen.520562


    Không có nhận xét nào