J.G. Collins
Vân Du biên dịch
Thứ sáu, 23/02/2024
Hình ảnh minh họa này cho thấy các chữ cái AI (Trí tuệ nhân tạo) và một mô hình robot thu nhỏ, ngày 23/06/2023. (Ảnh: Dado Ruvic/Reuters)
Khi tôi mới chuyển đến thành phố New York vào giữa những năm 1970, tài xế taxi — hay còn gọi là “lái xe thuê” (hack) như người ta vẫn thường gọi — là một nghề đòi hỏi tay nghề cao.
Xe taxi của hãng Checker, từng có mặt khắp nơi trên đường phố New York, giờ đây đã trở thành một hình ảnh hiếm thấy và được thuê chủ yếu cho các đám cưới, lễ trưởng thành Bar Mitzvah, và các bộ phim về thời xưa. (Ảnh: Tài sản công qua Wikimedia Commons)
Nhiều người trong số họ là cá nhân tự kinh doanh, và sở hữu giấy phép lái taxi cũng như taxi của riêng mình — giấy phép thành phố đắt đỏ này đã cho phép họ đón khách trên đường phố. Họ tự hào về những chiếc taxi của mình, giữ cho chúng sạch sẽ, và trang trí chúng bằng những bức ảnh gia đình, biểu tượng tôn giáo, phụ kiện trang trí theo sở thích trên bảng điều khiển, và những thứ khác. Những người đàn ông này — và chỉ một số ít phụ nữ — đã làm việc chăm chỉ và hiểu về thành phố này như quý vị biết về số An sinh Xã hội của mình vậy. Họ biết cách làm thế nào nhanh nhất để đưa quý vị đến nơi quý vị muốn theo từng thời điểm trong ngày (“Đại lộ Second Avenue sẽ đưa quý vị đến Wall Street nhanh hơn đường FDR vào lúc cao điểm buổi sáng”…) Và họ biết những con phố ít người biết đến như Freeman Alley, Stone Street, và Hunts Lane. Và nếu quý vị là người thông thạo, thì họ cũng sẽ đưa ra một số ý kiến và lời khuyên tốt nhất mà người ta có thể thu thập được, những kinh nghiệm mà họ có được từ nhiều năm làm việc hàng ngày và nói chuyện với hàng ngàn người mỗi năm.
Nhưng vào những năm 1980, giá của giấy phép taxi đã tăng vọt lên gần — và thậm chí là vượt qua — mốc nửa triệu USD, đồng thời được các nhóm nhà đầu tư hào hứng mua lại. Họ đã cho một nhóm tài xế tự kinh doanh biết nhiều ngôn ngữ, hầu hết là người mới đến New York, thuê. Những người này đã thuê taxi, tự mua xăng, và có rất ít lựa chọn để làm các công việc khác.
Khách du lịch đến thăm Hoa Thịnh Đốn trên những chiếc xe Segway, ngày 21/08/2008. (Ảnh: Xesús Cociña Souto/Tài sản công qua Wikimedia Commons)
Chẳng bao lâu sau, các chủ sở hữu/lái xe taxi có giấy phép hành nghề này đã bán đi hết giấy phép và về hưu hoặc tìm được công việc khác. Vào những năm 1980, quý vị tìm được một tài xế taxi nói được tiếng Anh đã là may mắn, chứ đừng nói đến có được một người biết cách đến Katz’s Deli vào thời trước khi bộ phim “Khi Harry gặp Sally” biến nơi đây thành một địa điểm du lịch đắt đỏ.
Ngày nay, bất kỳ ai có giấy phép lái xe do Ủy ban Taxi và Limousine thành phố New York cung cấp, có hồ sơ lái xe sạch, xe đời mới, và điện thoại di động đều có thể làm lái xe cho Uber hoặc Lyft và bắt đầu làm những gì mà các tài xế trước đây phải mất nhiều năm mới học được. Họ có thể chỉ cần bắt đầu lái xe bằng một trong nửa tá ứng dụng điều hướng mà họ có thể tải xuống miễn phí trên điện thoại của mình hoặc các ứng dụng do công ty đi xe chung cung cấp sau khi họ ghi danh trả phí.
Còn những chiếc giấy phép taxi cũ từng được bán vào thời hoàng kim với giá hơn một triệu USD thì sao? Chà, bây giờ những giấy phép này được chủ sở hữu bán, thường là trong tình trạng phá sản, với giá chưa đến một phần tư số đó. Và không ít chủ sở hữu/lái xe taxi với giấy phép tự kinh doanh đã mua vào khi giá lên cao để rồi thấy mình bị rơi vào thế bất lợi một cách tuyệt vọng với khoản vay nợ mua giấy phép, cuối cùng đã tự sát; có ba trường hợp như vậy chỉ riêng trong năm 2018.
Tôi kể lại câu chuyện về những tài xế với giấy phép taxi này để nêu bật một ví dụ về cách công nghệ có thể phá vỡ các công việc kinh doanh và ngành công nghiệp lâu đời. (Giấy phép lái taxi của thành phố New York đã được phát hành kể từ năm 1937).
Khi trí tuệ nhân tạo (AI) ngày càng trở nên phổ biến trong nền kinh tế của chúng ta, thì điều quan trọng cần nhớ là công nghệ này có thể trở thành yếu tố phá hoại lớn đối với các doanh nghiệp hiện tại. Đặc biệt, trong lĩnh vực dịch vụ, AI có tiềm năng to lớn để thay thế hàng triệu nhân viên lành nghề.
Hoặc là không.
Công nghệ “mới” luôn được những người ủng hộ thổi phồng. Segway, khi được giới thiệu vào năm 2001, đã được một tờ báo đưa tin là “một phát minh quan trọng hơn cả máy điện toán cá nhân.” Hai mươi năm sau, khách hàng hàng đầu của Segway là các công ty du lịch mà khách hàng của họ không thể đi bộ một dặm hoặc hơn đến các điểm đến nổi bật và những cảnh sát trung tâm thương mại cũng có hạn chế tương tự. (Segway thậm chí còn trở thành một yếu tố đặc trưng trong bộ phim hài “Paul Bart: Mall Cop”). Mẫu ban đầu không còn được sản xuất nữa và hầu hết thị trường đã được thay thế bằng một loạt xe tay ga chạy bằng pin.
Vì vậy, làm thế nào để chúng ta phân biệt giữa sự cường điệu và sự thật?
Tôi sẽ phải để lại việc phân định cho những người thông minh hơn tôi nhiều. Nếu 20 năm trước quý vị nói với tôi rằng ông Elon Musk sẽ đưa một hỏa tiễn đẩy từ vũ trụ về đất liền trong tư thế thẳng đứng trên một bệ trên biển, giống như cách một hỏa tiễn hạ cánh trên Hỏa Tinh trong một bộ phim khoa học viễn tưởng nào đó vào những năm 1950, thì tôi sẽ gọi quý vị là một kẻ nói dối. Nhưng chúng ta đang ở đây; ông Musk đã làm được điều đó. (Để tìm hiểu sâu hơn về những câu hỏi về “làm thế nào,” “cái gì,” “ai,” và “tại sao,” đặc biệt là về các yếu tố về phần cứng của AI, tôi khuyên quý vị hãy đọc bài viết “AI Hardwire là gì?” trên VentureBeat).
Nếu AI đúng như những gì mọi người kỳ vọng về công nghệ này, thì hàng triệu công việc văn thư, mang tính chất lặp đi lặp lại, và thường nhật sẽ trở nên lỗi thời như các bốt điện thoại và bản đồ chỉ đường AAA. Công nghệ đó có thể là một sự gián đoạn lớn đối với một số người, hoặc một cơ hội lớn đối với những người khác. Chúng ta sẽ phải chờ xem. Nhưng sự thích ứng sẽ là cần thiết dù ít hay nhiều. Những người bảo thủ về công nghệ hiếm khi (hoặc chưa bao giờ?) thắng. Tin tốt là AI có thể sẽ mất vài năm để “học” các công việc thường nhật, văn thư, và mang tính lặp đi lặp lại mà công nghệ này có thể sẽ thay thế, mặc dù các kỹ năng được trả lương cao hơn rất có thể sẽ được “học” trước tiên.
Tác động đến thị trường
Tôi lo ngại hơn về khả năng thị trường sẽ chứng kiến bong bóng và sự phá sản của AI, giống như những gì chúng ta đã chứng kiến trong thời kỳ bùng nổ và phá sản bong bóng “dot-com” vào đầu thế kỷ này. Những ai trong chúng ta đủ lớn để nhớ về cuối những năm 1990 có thể nhớ lại rằng, thời đó hầu như bất kỳ doanh nghiệp nào có đuôi “.com” sau tên của họ đều bảo đảm được các nhà đầu tư đổ vào một lượng lớn tiền.
Vào thời điểm mà thị trường phân biệt được những trang như Amazon.com và Booking.com khỏi những phiên bản tương tự kém khả thi hơn của các trang này, thì số vốn mà các nhà đầu tư bị mất đã lên tới hàng tỷ, gây ảnh hưởng to lớn đến nền kinh tế vĩ mô và thị trường chứng khoán nói chung.
Tôi lo ngại rằng sự bùng nổ và phá sản tương tự có thể xảy ra trong lĩnh vực AI.
Ví dụ: một quỹ hoán đổi danh mục chỉ đầu tư vào cái gọi là bảy cổ phiếu “huyền thoại” — Alphabet (Google), Amazon, Apple, Meta, Microsoft, Nvidia, và Tesla — đã tăng gần 50% trong vòng chưa đầy một năm. Ngoài bảy cổ phiếu này ra, thì còn có các cổ phiếu AI, đều ít nhiều liên quan đến AI ở một mức độ nào đó, cùng một số cổ phiếu và công ty khởi nghiệp “chỉ hoạt động chuyên trách một lĩnh vực.” Một số là “các cổ phiếu theo mùa ngớ ngẩn,” những cổ phiếu “meme” chỉ thuần túy mang tính đầu cơ (tức là một cổ phiếu đã trở nên phổ biến rộng rãi) mà Wall Street đã đấu giá, cũng như các tài sản kỹ thuật số blockchain như tiền mã kim và mã tài sản điện toán không thể đổi ngang (NFT) — những tài sản kỹ thuật số độc đáo, chẳng hạn như các tác phẩm nghệ thuật.
Điều quan trọng cần nhớ là phần lớn sự tăng giá trị này xảy ra do chính sách của Hệ thống Dự trữ Liên bang, trong lúc mức chi tiêu thâm hụt của chính phủ Tổng thống Biden khiến rất nhiều tiền chảy tràn ra trên thị trường tài chính. Phần lớn số tiền đó — hay “thanh khoản dư thừa” — đang tìm nơi ẩn náu. Nếu có quá nhiều cung tiền dư thừa được đặt vào lĩnh vực công nghệ AI đầy tham vọng, và những giấc mơ đó tan thành mây khói, hoặc chỉ đơn giản là mất quá nhiều thời gian để trở thành hiện thực, thì điều đó sẽ có tác động to lớn đến thị trường.
Vì lý do đó, các nhà quản lý quỹ và cơ quan quản lý thị trường — cũng như “nhóm bảo vệ sụt giảm” (tên chính thức là Nhóm Làm việc về Thị trường Tài chính) tại Tòa Bạch Ốc — tất cả đều cần duy trì cảnh giác cao và thực hiện các chiến lược quản lý rủi ro mạnh mẽ để giảm thiểu rủi ro thị trường.
Đây sẽ là một việc lớn và quan trọng.
Họ thậm chí có thể muốn tạo ra một thuật toán AI để làm điều đó.
J.G. Collins
BTV Epoch Times Tiếng Anh
Ông J.G. Collins là giám đốc điều hành của Stuyvesant Square Consultancy, một công ty tư vấn chiến lược, khảo sát thị trường, và cố vấn tại thành phố New York. Các bài viết của ông về kinh tế, thương mại, chính trị, và chính sách công đã được đăng trên Forbes, New York Post, Crain’s New York Business, The Hill, The American Conservative, và các ấn phẩm khác.
https://www.epochtimesviet.com/tri-tue-nhan-tao-niem-hy-vong-su-cuong-dieu-hay-mot-tham-hoa-thi-truong-dang-hinh-thanh_446380.html
Không có nhận xét nào