Tháng 2/2024
Phần 3: Công nghiệp và nông nghiệp hiện đại thế kỷ 20
Tác giả: Tôn Thất Thông
(Phỏng theo phóng sự truyền hình Die Erdzerstörer của đài Pháp-Đức ARTE.TV)
Việc cứu vãn hành tinh bằng những công nghệ xanh và kỹ thuật số hóa số hóa chỉ làm chúng ta hoang mang, không biết có giống lời hứa của giới tinh hoa châu Âu vào đầu thế kỷ 19 hay không? Thuở ấy, những bộ óc thông minh nhất cho rằng, rừng rậm và khí hậu cần được cứu vãn bằng cách sử dụng than đá thay cho gỗ. Có lẽ chúng ta không còn đường rút lui khỏi kỷ nguyên loài người, kỷ nguyên phá hoại hành tinh. Hay có lẽ chỉ còn một giải pháp: chúng ta, những thực thể tiêu thụ không mệt mỏi, cũng là tội đồ phá hoại hành tinh, liệu chúng ta có tự nguyện đứng ra cứu vãn hành tinh trong những giây phút cuối cùng, trước khi mọi chuyện trở nên vô phương cứu chữa.
***
Người dân Mỹ trung bình trong thời hậu chiến không mơ ước những gì cao sang, hoặc quyền uy như sức mạnh nguyên tử, hoặc lãng mạn như những kênh đào vĩ đại mới mẻ. Các gia đình có những lo lắng hết sức bình thường. Cuộc chiến đã bắt buộc nhiều người hy sinh, và giờ đây họ đối mặt với việc xây dựng cuộc sống thời bình. Nhưng khủng hoảng nhà ở là mối lo lớn nhất trong xã hội hậu chiến. Lý do cũng dễ hiểu: Trong thời chiến tranh, tất cả các dự án xây dựng nhà cửa đều bị đình chỉ để dành ưu tiên cho nền sản xuất chiến tranh. Khi thế chiến chấm dứt, khắp nơi ở Chicago, New York, Los Angeles, khắp nơi trên nước Mỹ, rất nhiều gia đình và cựu chiến binh phải sống tạm bợ trong xe buýt cũ, nhà xe lưu động, hoặc được gom lại ở các khu tập trung khẩn cấp.
Phải bắt tay giải quyết! Đúng lúc đó, một nhà thầu xây cất xuất hiện như vị cứu tinh. William Levitt trở về với những kinh nghiệm thu lượm được từ chiến trường. Ông đã phục vụ bốn năm trong đơn vị công binh, chịu trách nhiệm xây dựng các trung tâm hậu cần và nhà cư trú cho quân nhân sinh sống ở gần chiến tuyến. Đòi hỏi trong thời chiến là phải xây dựng thật nhanh với phí tổn thấp. Từ đó, người ta bỗng nhiên khám phá một kỹ thuật xây dựng hàng loạt dựa vào nguyên tắc lắp ghép cấu kiện có sẵn, đồng nhất và được sản xuất đại trà.
Khi trở lại quê nhà sau chiến tranh, Levit biến kinh nghiệm trong quân đội thành những ý tưởng sáng tạo và thiết kế một hệ thống mới trong việc xây dựng nhà ở, làm rất nhanh và giá cả rất thấp. Radio và báo chí không ngớt lời ca ngợi và quảng cáo giúp: “Một người với tên gọi William Levitt có một sáng kiến độc đáo, chúng ta hãy mạnh dạn thực hiện nguyên tắc của ông, nguyên tắc đã được chứng thực trong sản xuất công nghiệp và trong quân đội chúng ta, nguyên tắc đã tỏ ra là hiệu quả và năng suất cực cao. Tại sao chúng ta không sản xuất hàng loạt các cấu kiện xây dựng, điều mà công nghiệp xe hơi đã làm trong nhiều thập kỷ qua. Levitt cắt xén gỗ theo mẫu thống nhất để xây dựng sườn nhà, rồi chuyên chở đến công trường để lắp ghép, không thừa thãi chút vật liệu nào. Mỗi chiếc xe tải có thể chuyên chở toàn bộ vật liệu gỗ đủ cho hai căn nhà Levitt”.
William Levitt mua 405 hec-ta đất nông nghiệp ở đảo Long Island không xa trung tâm Manhattan. Ông chia công trường thành 26 công đoạn độc lập và kế tiếp nhau, mỗi công đoạn được giao cho một đội lao động chuyên môn. Những đội thợ này hoàn thành công việc của mình trong một khoảng cách nhất định với công việc được chuyên môn hóa: xây móng, lắp sườn nhà, xây tường, lợp mái, lắp cửa sổ, ghép cầu thang, gắn điện, gắn nước… Những căn nhà Levitt đều giống nhau. Rất nhanh chóng, các gia đình có thể hưởng thụ đời sống dễ chịu trong một không gian được tiêu chuẩn hóa.
Trong vòng hai năm, công ty Levitt & Sons đã xây dựng 17.000 căn nhà trên đảo Long Island, tức bình quân mỗi ngày xây được 30 căn nhà. Một kỷ lục chưa từng có trước đó. Levitt là người tiên phong vĩ đại với sự nhạy cảm của một chuyên gia kỹ thuật và tinh thần cũng như kiến thức kinh doanh. Năng lực của ông làm phát sinh một mô hình phát triển đô thị mới: khu dân cư ngoại thành và được kết nối với trung tâm thành phố bằng mạng lưới giao thông hoàn chỉnh. Người ta đặt tên cho mô hình đó là Levittown. Hiện nay vẫn còn một quận ngoại thành có tên là Levittown trên đảo Long Island.
Trong những năm hậu chiến, ít người có tiền thế chấp để vay ngân hàng. Cho nên, để tạo điều kiện dễ dàng cho người mua nhà, chính quyền thành phố thực hiện một hệ thống bảo kê tín dụng ngân hàng cho người mua nhà. Dịch vụ tài chính này bỗng phát triển nhảy vọt. Các tín dụng bất động sản 30 năm làm cho giấc mơ sở hữu nhà cửa ở ngoại vi đô thị bỗng trở thành hiện thực. Tiền trả góp, cả vốn lẫn lời 60 đô la mỗi tháng là chuyện có thể thực hiện dễ dàng. Chỉ cần tiết kiệm ba ngày làm công mỗi tháng, họ có thể mua được nhà của Levitt, một giấc mơ khó khăn của thời hậu chiến. Việc sở hữu bất động sản ở ngoại vi của hàng triệu gia đình trung lưu Mỹ bỗng nhiên trở nên rẻ hơn việc thuê nhà ở trung tâm thành phố.
Điện mặt trời thành công từ 75 năm trước …
Thật đáng tiếc là trong giây phút lịch sử này, nước Mỹ, và từ đó cả thế giới, đã bỏ qua cơ hội để phát triển một công nghệ mới mà chúng ta hôm nay đang thèm khát. Trở lại thời gian Thế chiến II còn tiếp diễn, chính phủ Mỹ đã bỏ nhiều tiền đầu tư vào việc nghiên cứu năng lượng mặt trời sử dụng cho nhà tư nhân. Tại sao? Vì chính phủ phải tìm cách tinh giảm mức tiêu thụ dầu lửa trong tư nhân, để có thể gởi dầu càng nhiều càng tốt ra mặt trận và cho các nước đồng minh.
Nhờ khối lượng tiền đầu tư đó mà năm 1948, nhà nữ vật lý vi sinh gốc Hung Gia Lợi của MIT, người sau này được vinh danh là tổ phụ của điện mặt trời, bà Mária Telkes đã nghiên cứu và thực hiện thành công một loại nhà tư nhân trong đó 75% toàn bộ năng lượng hàng ngày được cung cấp bởi năng lượng mặt trời.
Tiếp đó là hàng chục đại học tiếng tăm cũng đua nhau nghiên cứu lĩnh vực mới có nhiều tiềm năng này. Các xí nghiệp trung bình và nhỏ thì nghiên cứu sử dụng điện mặt trời cho các thiết bị gia dụng. Một sản phẩm tiêu biểu là máy đun bồn nước nóng trên nóc nhà bằng điện mặt trời. Vào đầu thập niên 1950, có 80% gia cư của California mua thiết bị này để tiết kiệm điện. Đối với nhiều kiến trúc sư, ký giả và nhiều người tiếng tăm trong xã hội, thì loại máy móc sử dụng năng lượng mặt trời là giải pháp tối ưu xét trên nhiều khía cạnh. Vào những năm đầu tiên sau Thế chiến II, năng lượng mặt trời tỏ ra là sự hứa hẹn cho một tương lai huy hoàng. Thử tưởng tượng, điều đó đã trở thành hiện thực trước đây hơn 70 năm!
… vẫn bị công nghiệp than và đầu lửa đẩy lùi
Nhưng, chữ nhưng quái ác, năng lượng mặt trời trở thành đối thủ của công nghiệp điện năng mà đứng đằng sau là công nghiệp dầu lửa và than đá có thế lực mạnh nhất trong xã hội Mỹ. Các tập đoàn cung cấp điện, các công ty sản xuất thiết bị điện như General Electrics hoặc Westinghouse, các nhà khai thác than đá và dầu lửa, các công ty đường sắt chuyên chở các món hàng đó rõ ràng không muốn năng lượng mặt trời trở thành món hàng phổ biến được giới tiêu thụ ưa chuộng, nhất là loại năng lượng này mang tính chất phi tập trung. Họ cấu kết với nhau, tổ chức và bơm tiền cho các tập đoàn truyền thông và các công ty quảng cáo làm những đợt tuyên truyền cho điện nhà chỉ sử dụng năng lượng hóa thạch. Chúng ta hãy nghe giọng nói quảng cáo của Ronald Reagan, lúc ấy là diễn viên truyền hình khá nổi tiếng: “Tôi không hiểu nhiều về kỹ thuật điện, nhưng chúng có mặt khắp nơi, riêng lẻ hay tổng hợp nhau, chúng đã thay đổi căn cơ chất lượng sống của chúng ta. Vì thế mỗi gia đình hãy mua kiểu mẫu mới nhất, đẹp nhất. Quý vị biết, đó chỉ mới là sự bắt đầu, và chúng ta còn sống hạnh phúc lâu dài với các thiết bị dùng điện”.
Nhà tư nhân không chỉ dùng điện để đốt lò sưởi trong mùa đông, mà còn có thể làm lạnh trong mùa hè. Những chiếc máy điều hòa không khí đầu tiên bắt đầu xuất hiện. Một căn nhà dùng điện hứa hẹn những tiện nghi đáng mơ ước. Các nhà sản xuất thiết bị điện tự đánh bóng mình như là những nhà phát minh cho tương lai. Tất cả các ngành công nghiệp đó tìm cách cấu kết với Levitt và những công ty xây dựng tương tự. Để cho lò sưởi điện, máy điều hòa không khí và các thiết bị dùng điện trở thành tiêu chuẩn chung của xã hội, các tập đoàn lớn liên quan hợp tác, nếu cần thì đổ tiền, với các nhà thầu xây dựng như Levitt để trang bị thiết bị nội thất. Và như thế, người mua nhà không có chọn lựa nào khác hơn là ký hợp đồng để nối vào mạng lưới điện địa phương.
Bằng cách đó, các tập đoàn dầu lửa và than đá, các công ty thiết bị điện và cung cấp điện cùng với các nhà thầu xây dựng từng bước khai tử công cuộc phát triển năng lượng mặt trời. Chính phủ Mỹ thì không quan tâm lắm về hướng đi tương lai của năng lượng. Họ chỉ quan tâm đến chuyện tổng sản lượng quốc gia vẫn tiếp tục tăng lên. Ngoài ra, khi chiến tranh chấm dứt, việc xuất khẩu dầu lửa trở nên khó khăn, số dư thừa phải ưu tiên dùng hết cho nhu cầu nội địa, năng lượng mặt trời trở thành vấn đề thứ yếu, thậm chí là nhân tố cản trở kinh tế, làm khó cho công nghiệp than đá và dầu lửa.
Cuộc tăng tốc lớn nhất đẩy loài người vào kỷ nguyên phá hủy thành tinh không chỉ nằm ở tốc độ tăng trưởng dân số, mà còn ở sự năng động khó tưởng tượng của giới khoa học và kỹ thuật và năng khiếu kinh doanh của các tập đoàn lớn. Và trên hết là cuộc chiến tranh lạnh trong đó khối tư bản chủ nghĩa phương Tây đối đầu với khối xã hội chủ nghĩa do Liên Xô lãnh đạo. Thế giới bị cuốn hút vào cuộc đua một mất một còn. Ở cả hai bên bức màn sắt, mỗi khối phải cố gắng mang lại cho người dân xứ họ đầy đủ nhu cầu tiêu thụ và nâng cao chất lượng sống để giữ vững trật tự xã hội, để cuối cùng dẫn đến chiến thắng về quân sự, kinh tế, văn hóa và chính trị.
Cả hai ý thức hệ đều nhân danh quốc gia và dân tộc khi đối đầu với nhau. Người Mỹ thì sống trong một trào lưu phấn khích thác loạn tập thể. Xe cơ giới, một giá trị tối hậu cho người dân trong xã hội, đã trở nên dễ dàng tiếp cận. Trong lúc việc sử dụng xe cơ giới ở Liên Xô vẫn còn hiếm hoi thì người Mỹ đạt kỷ lục này đến kỷ lục khác. Năm 1955, chiếc xe thứ 10 triệu xuất xưởng cho khách hàng. Khoảng 1/6 toàn bộ lực lượng lao động đều làm việc trực tiếp hoặc gián tiếp với kỹ nghệ xe hơi.
Năm 1956, vốn thán phục đến phấn khích với hình ảnh huy hoàng của mạng lưới xa lộ của Hitler trong chiến tranh, Tổng thống Eisenhower ký nghị định xây dựng một hệ thống xa lộ khổng lồ. Ông có một dự tính vĩ đại. 70.000 cây số xa lộ phải được xây dựng để kết nối tất cả các vùng đất xa xôi khắp nước Mỹ. Ngân khoảng dự tính là 50 tỉ đô la, tương đương với 400 tỉ đô la theo thời giá hôm nay. Trước quốc hội, Tổng thống Eisenhower biện minh rằng, nền an ninh cần được bảo đảm trong trường hợp chiến tranh xảy ra. 400 căn cứ quân sự quan trọng được phân tán khắp nơi, nay phải được kết nối với nhau bằng hệ thống giao thông hiện đại, đồng thời hệ thống công nghiệp từ đó cũng có thể được phân tán hợp lý trong mọi bang, để nâng cao khả năng đề kháng khi bị Liên Xô tấn công bằng vũ khí hạt nhân. Về phía Liên Xô, họ thúc đẩy nền sản xuất công nghiệp lên cao và đạt được một thành công vang dội, khi chiếc vệ tinh đầu tiên của loài người được phóng vào quỹ đạo. Cuộc chạy đua giữa hai bên trên con đường chính phục không gian và năng lượng nguyên tử đã tiêu tốn không biết bao nhiêu tiền, làm nhiều sản phẩm mới với cơ man chất thải CO₂ phóng ra không khí.
Nếp sống tiêu thụ của Mỹ cũng nhanh chóng có ảnh hưởng lên xã hội châu Âu. Pháp cũng như hầu hết các nước Tây Âu đều bị tiêm nhiễm văn hóa tiêu thụ của Mỹ, từ thèm muốn vật chất thời trang, tôn sùng thần tượng đến sự mù quáng Mỹ hóa như người mê tín. Siêu thị, công ty phân phối xe cơ giới, hội chợ hàng gia dụng, âm nhạc, thời trang. Tâm lý tiêu thụ tập thể đã thúc đẩy mạnh mẽ sự phát triển công nghiệp, tăng trưởng kinh tế và gắn liền với nó là khí thải CO₂ được nhả ra ngày càng nhiều vào môi trường.
Làm sao để nước Mỹ có thể thành công vượt bậc, trong vài thập niên hậu chiến đã nâng tiêu chuẩn đời sống lên tầng cao như thế, và từ đó kéo luôn cả thế giới phương Tây vào sự năng động không kém. Để trả lời, chúng hãy trở lại thời gian ngắn sau chiến tranh. Trong thời gian 6 năm Thế chiến từ 1939 đến 1945, tổng sản phẩm quốc nội Mỹ tăng lên bốn lần. Trong lúc các nước châu Âu đều sống dưới đổ nát sau chiến tranh, thì Mỹ còn sở hữu một lượng ngoại tệ khổng lồ. Họ sản xuất và tiêu thụ 60% tổng sản lượng dầu lửa trên thế giới, sản xuất 60% tổng sản lượng công nghiệp toàn cầu và đạt con số 1/3 tổng sản lượng quốc nội của toàn thế giới cộng lại. Nhưng chuyện đó có thể kéo dài mãi được hay không?
Đầu thập niên 1950, hai nhà nghiên cứu khoa học tự nhiên hàng đầu, William Vogt và Fairfield Osborn Jr. xuất bản hai cuốn sách lừng danh bán được hơn 20 triệu bản. Hai ông diễn tả tường tận sự khai thác vô tội vạ tài nguyên thiên nhiên của nước Mỹ, và trên thế giới cũng với tầm vóc không kém. Chuyện đó không thể tiếp tục xảy ra nếu muốn cứu vãn hành tinh. Hai khoa học gia kêu gọi loài người chấm dứt cuộc đấu chống lại thiên nhiên. Họ đòi hỏi phải hạn chế mức độ khai thác và tiêu thụ tài nguyên thiên nhiên trên trái đất. Nhưng ở trung tâm cuốc chiến tranh lạnh, giới tinh hoa quân sự, kinh tế và chính trị của Mỹ cho rằng, tư tưởng kìm hãm đó không phù hợp với cuộc chạy đua đang diễn ra gay gắt giữa hai khối ý thức hệ.
Chính sách đểu giả về tài nguyên
Năm 1951, Tổng thống Truman tự nhận lãnh trách nhiệm giải quyết vấn đề tài nguyên thiên nhiên. Ông yêu cầu có một báo cáo của ủy ban quốc hội dưới sự chỉ đạo của William Samuel Paley, một chuyên gia truyền thông và là doanh nhân thành đạt. Truman muốn rằng, ủy ban cần nghiên cứu khả năng thực tế, làm thế nào để nước Mỹ có thể đạt được an ninh tài nguyên thiên nhiên một cách lâu dài. Sau nhiều tháng thu thập dữ liệu và nhiều buổi họp chuyên gia, ủy ban Paley khuyến nghị chính phủ cần khai thác tài nguyên khắp nơi trên thế giới để bán vào thị trường phương Tây và bảo vệ tài nguyên của Mỹ cho tương lai. Quan sát chính sách của Mỹ tại các vùng nhiều tài nguyên như Nam Mỹ và Trung Đông trong hậu bán thế kỷ 20, chúng ta cũng thấy khuyến nghị của ủy ban Paley đã ảnh hưởng mạnh lên chính sách ngoại giao của Mỹ. Những cảnh báo khoa học của William Vogt và Fairfield Osborn Jr. đã bị gạt qua một bên. Tăng trưởng phải được tiếp tục, bất chấp mọi phí tổn và hậu quả môi trường.
Từ đó, nước Mỹ đã nhanh chóng thay đổi từ vị trí một nước xuất khẩu biến thành nước nhập khẩu nguyên liệu thô và năng lượng. Sự thay đổi này từng bước được hoàn tất sau vài thập niên. Trong thời chiến, Mỹ đã xây dựng khắp nơi nhiều căn cứ quân sự. Giờ đây họ tham gia vào việc xây dựng các hệ thống khai thác dầu lửa, hệ thống đường ống, làm đê đập, nhà máy lọc dầu, các mỏ khoáng sản, nhà máy chế biến xi măng, phân hóa học, thuốc trừ sâu, chế biến thực phẩm. Từ năm 1945 đến 1965, các tập đoàn công nghiệp Mỹ đã tham gia 85% tổng khối lượng đầu tư mới trên thế giới.
Từ cả thế kỷ trước, các quốc gia công nghiệp đã kiểm soát việc khai thác tài nguyên thiên nhiên trên khắp mọi vùng, châu Á, châu Phi, châu Mỹ, Trung Đông. Châu Âu đã trắng trợn trục lợi các thuộc địa. Nhưng giờ đây, trong bối cảnh chiến tranh lạnh và cuộc đua tranh đạt tiến bộ, sự bóc lột các nước Nam bán cầu đạt đến một mức độ cao. Mỹ và Tây Âu mua nguyên liệu thô càng ngày càng nhiều từ các vùng khác của trái đất, uranium, nhôm, dầu lửa, gỗ, nông phẩm. Đó chính là mục tiêu của kế hoạch Paley.
Khối Đông Âu cũng làm cuộc “tháo chạy về phía trước” không kém phần khốc liệt. Những đầu tư trong thời chiến vào kỹ nghệ nặng và kỹ thuật quân sự vẫn cứ tiếp tục. Liên Xô đã khai thác tận tình tài nguyên nội địa của họ. Tình trạng khai thác thái quá đã dần dần biến thành thảm họa cho môi trường và con người. Hồ Aral cạn nước, ô nhiễm không khí vì khí thải CO₂, nhiễm độc phóng xạ trên chính đất nước của mình.
Còn lại, các vùng khác trên trái đất trở thành khu săn bắn để các cường quốc tranh nhau kiếm mồi. Trong những thập niên qua, sản lượng nguyên liệu thô của châu Phi, Trung Đông và châu Mỹ La Tinh đã, nói đúng theo nghĩa đen, bị thu dọn sạch sẽ. Quá trình đó đã mang lại lợi nhuận cho các nước phương Tây để không ngừng nâng cao nếp sống phong lưu của cư dân. Nhưng ngược lại, sự khai thác tận tình nguồn tài nguyên tại các nước Nam bán cầu chỉ làm cho chất lượng sống ở đó giảm xuống và dẫn đến thiệt hại cho môi trường ngày càng nhiều. Các vùng đó trở thành nơi chứa chất thải của kỹ nghệ khai thác khoáng sản, lọc dầu và tàn phá rừng già. Ngày hôm nay, chúng ta gọi đó là một sự trao đổi thiếu công bằng về sinh thái. Ở các nước giàu thì mức sống và khối lượng tiêu thụ ngày càng cao, trong lúc các nước nghèo thì bị bóc lột và hệ sinh thái bị ô nhiễm.
***
Bước chuyển tiếp của quả đất để tiến vào kỷ nguyên loài người (Anthropocene) không chỉ do sự phát triển không ngừng của công nghiệp chiến tranh, hay do sức tiêu thụ trên thị trường các nước giàu hay do sự khai thác tài nguyên ở các nước nghèo, mà còn xuất phát từ lĩnh vực nông nghiệp. Sự bắt đầu của quá trình công nghiệp hóa nông nghiệp như chúng ta biết ngày nay đã bắt đầu từ thời gian giữa hai cuộc Thế chiến. Đó là thời gian mà các hóa học gia khám phá thuốc trừ sâu độc hại đầu tiên và nền sản xuất công nghiệp các loại phân hóa học có chất ni-tơ phát triển nhanh. Trong thời đại đó, các nhà nông học và di truyền học thí nghiệm để chế tạo các giống nông sản chọn lọc để phù hợp với nhu cầu và có kháng thể chống lại thuốc trừ sâu và phân bón, cũng lại là những sản phẩm của phòng thí nghiệm hóa học, đồng thời chúng cần phải phát triển đồng bộ để phù hợp với phương pháp canh tác và gặt hái bằng máy móc. Đó là thời đại mà lần đầu tiên, người Mỹ chế tạo một giống ngô hỗn hợp từ phòng thí nghiệm trong lúc Liên Xô, phát xít Ý, Quốc xã Đức và các cường quốc thực dân ở thuộc địa kiểm soát triệt để việc chế biến hạt giống.
Nông nghiệp hiện đại: ai hưởng lợi, ai thua thiệt?
Nền nông nghiệp mà phương pháp canh tác giống như nông nghiệp hiện đại chúng ta thấy hôm nay đã bắt đầu phổ biến rộng trong các vùng còn lại của thế giới nhờ vào quỹ “nhân đạo” Rockefeller, nhất là ở các nước chưa phát triển. Đó là một quỹ hoạt động trong nhiều lĩnh vực khác nhau như giáo dục, văn hóa, y khoa, vi sinh học và nông nghiệp. Vào đầu thập niên 1940, Phó Thủ tướng Mỹ Henry A. Wallace với sự phối hợp của quỹ Rockefeller hứa hẹn giúp đỡ Mexico trong chương trình phát triển nông nghiệp. Trong thực tế, Mexico không thể một mình nuôi dưỡng cư dân bằng nông sản tự khai thác. Đối với chính phủ Mỹ cũng như với quỹ Rockefeller, đó cũng là một vấn đề. Một nạn đói xảy ra ở Mexico có thể dẫn đến sự bất ổn chính trị và có thể tác động tai hại đến những đầu tư khổng lồ của các tập đoàn Mỹ đã có từ trước. Quỹ Rockefeller đề nghị thay thế tận gốc thói quen canh tác cổ truyền của nông dân Mexico bằng phương pháp canh tác hiện đại, trong đó phương pháp canh tác công nghiệp của Mỹ sẽ được đem vào áp dụng: Chọn giống nhân tạo, áp dụng đại trà phân bón hóa học, kỹ thuật tưới tiêu mới, cơ khí hóa nông nghiệp.
Chương trình hợp tác của quỹ Rockefeller bắt đầu năm 1941 với loại giống ngô hỗn hợp rồi nhanh chóng lan qua các loại giống khác, lúa mì, đậu, gạo, thức ăn gia súc đồng thời được thực hiện trên nhiều quốc gia khác ở châu Mỹ La Tinh như Colombia, Chi-Lê, Ecuador, Peru. Phương pháp canh tác nông nghiệp hiện đại lan nhanh qua các quốc gia Nam bán cầu.
Chương trình Mexico được tiếp nối với một chương trình kế tiếp có tầm vóc lớn hơn, mang ý nghĩa chiến lược cao hơn, lần này được tiến hành trong thập niên 1950, ở giữa cao điểm của chiến tranh lạnh. Lúc đó, Ấn độ rơi vào cuộc khủng hoảng lương thực. Nông sản mặc dù có tăng lên, nhưng cũng không đủ cung ứng cho dân số tăng trưởng còn nhanh hơn, đồng thời các cuộc chiến tranh cũng để lại vết thương chưa lành. Đối với phương Tây, cuộc khủng hoảng này là một mối nguy, nó có thể dẫn đến một cuộc cách mạng cộng sản. Sự lo lắng càng lớn hơn mỗi lần Mỹ bước vào các cuộc tranh cử Tổng thống. Thí dụ Kennedy nói: “Tôi tin rằng, Ấn độ là một khu vực đáng chú ý để cả thế giới tự do quan tâm giúp đỡ. Là một nước dân chủ, Ấn Độ đã đạt được nhiều tiến bộ. Nếu Ấn Độ với 450 triệu dân không thể duy trì tự do, thì các nước chưa phát triển trên thế giới sẽ hướng tài nguyên của họ về phía cộng sản”.
Phương Tây liên kết các lực lượng với nhau. Quỹ Rockefeller, quỹ Ford, cơ quan phát triển quốc tế (American Agency for International Development) và Ngân hàng Thế giới hợp nhau để hỗ trợ chính phủ Ấn Độ trong công cuộc cải tổ nền sản xuất nông nghiệp. Kế hoạch của họ là: Thực hiện một cách rộng rãi những gì mà quỹ Rockefeller đã thử nghiệm ở Mexico và các nước Nam Mỹ. Nền nông nghiệp tự cung tự cấp truyền thống được thay bằng phương pháp canh tác hiện đại và chuyên canh. Người Mỹ biện minh: “Ấn Độ phải từ bỏ cách canh tác cổ lỗ của mình. Ngay trong những năm bình thường, người ta vẫn cứ nuôi súc vật bằng loại cỏ bẩn thỉu. Trong một vài vùng khác, người ta thậm chí còn thấy những người nông dân thờ ơ, những người đàn ông chỉ biết trông chờ vào ơn trên, và lãnh đạm đứng nhìn phụ nữ làm việc. Kỹ thuật mới và truyền thống trong một quốc gia lớn như Ấn Độ không thể hòa nhập vào nhau trong một sớm một chiều, nếu không có nguồn tài chính khổng lồ hỗ trợ”.
Một nhà nông học tiếng tăm với kiến thức uyên thâm về lúa mì làm một gạch nối giữa Mexico và Ấn Độ. Norman Borlaug trước đó trong thời chiến tranh đã làm việc cho tập đoàn hóa học DuPont và đã phục vụ ở cấp cao trong chương trình Rockefeller tại Mexico. Ở đó, Borlaug đã sáng chế một loại hạt giống lúa mì có năng suất cao và có thể tương thích với điều kiện khí hậu ở các lục địa khác nhau. Vì thế, cũng là điều hiển nhiên, khi Borlaug vào đầu thập niên 1960 được cử làm lãnh đạo chương trình cải tổ nông nghiệp ở Ấn Độ. Loại hạt giống được thử nghiệm thành công ở Mexico có hiệu suất hoàn hảo ở Ấn Độ, nhưng với hai điều kiện mà Ấn Độ chưa có: Phải dùng phân hóa học và hệ thống tưới tiêu phức tạp bằng máy móc, những sản phẩm mà lúc ấy chỉ có Mỹ độc quyền cung cấp.
Với sự giúp đỡ từ các quỹ bảo trợ cũng như các khoa học gia của Mỹ, Ấn Độ đã đầu tư hàng chục triệu đô la trong chương trình cải tổ nông nghiệp và những vấn đề liên quan. Chính phủ trợ cấp một cách rộng rãi cho việc mua hạt giống mới, máy móc hiện đại, máy kéo, máy cày, máy bơm, hệ thống tiêu tưới, máy làm đất, máy tuốt lúa, phân bón hóa học, thuốc trừ sâu đặc biệt cho từng loại hạt giống. Nông nghiệp Ấn Độ phụ thuộc hoàn toàn vào các sản phẩm hóa học và máy móc nông nghiệp, những món hàng mà chỉ có các tập đoàn nông nghiệp Mỹ và châu Âu có thể cung cấp.
Cuộc cách mạng xanh đang trên đà tiến tới. Năm 1970, Norman Borlaug đoạt giải Nobel Hòa bình và hầu hết các nước châu Á từng bước chuyển qua phương pháp công nghiệp hóa trong canh tác nông nghiệp. Không có gì nghi ngờ rằng, mô hình của Borlaug đã nâng cao sản lượng nông nghiệp của Ấn Độ, nhưng không phải ai cũng hưởng lợi trong quá trình này. Chỉ những điền chủ lớn có đầy đủ tài chính có thể đầu tư để được hỗ trợ hết mức và trở thành tập đoàn nông sản. Nền nông nghiệp xuất khẩu được trợ cấp, thay vì dùng sản phẩm làm ra để bổ sung vào nguồn thực phẩm nội địa còn thiếu thốn. Nhiều kinh tế gia và sử gia quả quyết rằng, với số tiền đã bỏ ra, Ấn Độ có thể giải quyết tốt đẹp hơn việc cung ứng thực phẩm cho người dân, nếu như người ta chú ý vào việc phát triển các nông trại nhỏ, thay vì trợ cấp cho các đại điền chủ. Nhưng đó là phương pháp chiến lược của công nghiệp Mỹ, là khái niệm tiến bộ, và Norman Borlaug cũng không nghĩ khác hơn.
Việc công nghiệp hóa nông nghiệp mà cả thế giới đang thực hiện đánh dấu một cột mốc quan trọng trong quá trình tiến vào kỹ nguyên loài người, kỷ nguyên của những thủ phạm phá hủy hành tinh. Tác động của nó vào thiên nhiên thật khủng khiếp. Mô hình canh tác thường xuyên với một nhóm hạt giống năng suất cao trên hàng triệu hec-ta ruộng khắp nơi trên quả đất đã dẫn đến hậu quả là nhiều giống cây truyền thống dần dần biến mất. Ngoài ra, lượng nước cần thiết để tưới tiêu tăng lên gấp bội, dẫn đến sự hủy hoại hệ thống nước ngầm; việc sử dụng phân hóa học và thuốc trừ sâu là không tránh được, mà như chúng ta biết hôm nay, nhiều thứ hóa học đó là chất độc hại bị cấm, mãi sau 30 năm sử dụng đại trà. Những yếu tố đó dẫn đến hậu quả là mầm sống của đất dần dần cạn kiệt, thậm chí đất đai nhiều nơi đã bị triệt sản. Hơn thế nữa, toàn bộ hoạt động đòi hỏi sự tăng cường tiêu thụ năng lượng hóa thạch, để vận hành các máy móc nông nghiệp, để sản xuất phân bón. Và để chế biến nông phẩm thành thực phẩm, chúng lại cần thêm nhiều than đá và dầu, rất nhiều dầu.
Lúc bắt đầu thế kỷ 19 ở Tây Âu, chúng ta chỉ cần năng lượng 1 calorie để sản xuất 5 đến 10 calorie thực phẩm. Ngày hôm nay ở Pháp hoặc Mỹ hoặc Đan Mạch, 1 calorie năng lượng đầu vào trong chuỗi cung ứng chỉ sản xuất ra 0,7 calorie thực phẩm! Rõ ràng, trên góc độ tiêu thụ năng lượng, công cuộc công nghiệp hóa nông nghiệp quả thực là một phi vụ lỗ vốn. Trong bối cảnh dân số thế giới tăng lên gấp bội, số năng lượng cần thiết để sản xuất thực phẩm là nguồn thải khí CO₂ càng tăng lên bội phần.
Trong thập niên 1970, lối sống phóng túng thác loạn phổ biến khắp các thành phố Mỹ, trong lúc quân đội Mỹ vẫn tiếp tục chiến tranh. Họ thả 70 triệu lít Agent Orange trên ruộng đồng và rừng rú Việt Nam. Tất cả đều có nguồn gốc từ hóa học, nhưng không phải loại hóa học sử dụng cho nông nghiệp hoặc các lợi ích dân sự khác. Radio Pháp năm 1970: “Loại chất độc Agent Orange đó, như lời giải thích chính thức của quân đội Mỹ, không phải là vũ khí mà người ta dùng nó vì ‘nhân đạo’: chúng tôi không giết kẻ thù mà chỉ muốn phát hiện họ. Nhưng thế giới khoa học đã lên tiếng cảnh báo về nguy hiểm tiềm năng cho người Việt Nam. Việc sử dụng ồ ạt hóa chất sẽ dẫn đến những kết quả không lường trước về sự cân bằng của hệ sinh thái”. Tại thời điểm đó, người ta chưa hề có ý niệm gì hoặc biết nhưng không công khai hóa mối nguy thảm khốc của tai họa sinh quái thai mà người Việt Nam phải gánh chịu về sau.
Chất độc khai quang Agent Orange rải trên rừng Việt Nam
Năm 1972, phi thuyền Apollo 17 cung cấp hình ảnh đầu tiên về toàn bộ quả địa cầu. Hình ảnh đó nhanh chóng trở thành biểu tượng của một thế giới hữu hạn và khép kín của hành tinh mỏng manh chúng ta. Cũng trong năm đó, những chuyên gia đang nắm giữ các vị trí cao trong chính phủ cũng như trong công nghiệp của hơn 50 quốc gia trong Club of Rome đã giao một hợp đồng cho nhóm 5 giáo sư khoa học của Viện Công nghệ Massachusettes MIT làm một khảo sát có tên là “Giới hạn của tăng trưởng”. Lãnh đạo của nhóm này là giáo sư Dennis Meadows. Những nhà khoa học MIT này sở hữu không những kiến thức uyên bác, mà còn được trang bị phương tiện tốt nhất mà giới công cộng khó lòng tiếp cận trong thập niên 1970: máy tính cực nhanh. Họ thu thập các thông số trên quả đất và biểu diễn chúng bằng biểu đồ và phương trình. Công trình khảo sát đưa ra 13 kịch bản có thể xảy ra trong tương lai và cảnh báo sự sụp đổ của nền văn minh công nghiệp sẽ đến trong thế kỷ 21. Nguyên nhân của sự sụp đổ này là ô nhiễm môi trường, sự cạn kiệt nguyên liệu thô và dân số tăng quá nhanh. Lần đầu tiên, ý nghĩ về việc giới hạn tăng trưởng được diễn đạt bởi những bộ óc tinh hoa nhất của thế giới tư bản.
Các giáo sư M.I.T: Jørgen Randers, Jay Forester,
Donella Meadows, Dennis Meadows, William Behrens.
Một con én có làm được mùa xuân?
Năm 1973 và 1978, hai cuộc khủng hoảng dầu lửa diễn ra kế tiếp nhau đã làm thiệt hại to lớn cho nước Mỹ. Trong dịp đó, vào ngày 15 tháng 7 năm 1979, Tổng thống Jimmy Carter phát biểu trước 65 triệu khán giả truyền hình một bài diễn văn đầy ấn tượng. “Bản sắc của con người không còn được đánh giá bằng những gì người ta làm, mà bằng những gì ta sở hữu. Nhưng chúng ta đã khám phá rằng, việc sở hữu và tiêu thụ vật chất không làm thỏa mãn ham muốn của con người về ý nghĩa cuộc sống. Chúng ta đã rút ra bài học rằng, sự tích lũy tài sản vật chất không thể lấp đầy sự trống trải của cuộc sống không có mục đích và niềm tin”.
Hai cuộc khủng hoảng dầu lửa đã khắc sâu vào tâm khảm con người. Tổng thống Carter đã nghi ngờ sâu sắc chủ nghĩa hưởng thụ bừa bãi của thời đại đó. Những người cố vấn Nhà Trắng đã khuyến nghị Carter cần tiến hành sự thay đổi về chính sách năng lượng, chính phủ cần phát triển nhanh chóng năng lượng tái tạo để giảm bớt sự tiêu thụ dầu lửa. Và ông đã lắng nghe. Tổng thống Carter cho lắp đặt một hệ thống điện mặt trời trên mái Nhà Trắng như một biểu tượng mạnh mẽ để dẫn dắt nước Mỹ làm một bước khởi hành vào thời đại mới, thời đại của năng lượng tái tạo dần dần thay thế năng lượng hóa thạch.
Quả thật, Tổng thống Carter và cố vấn của ông đã lên tới đỉnh điểm của thời đại. Người ta đã lên tiếng về các vấn đề đó từ nhiều năm trước trong các tầng lớp của xã hội, nhất là thế hệ thanh niên sinh viên, ở Mỹ cũng như ở châu Âu. Đó là những tích tắc của chiếc đồng hồ sinh thái. Tuy nhiên, chỉ có những cảnh báo về quá khứ mới xuất hiện rõ rệt. Còn tương lai? Liệu viễn kiến và ý chí của Jimmy Carter sẽ được các vị nguyên thủ kế nhiệm quyết tâm làm theo? Quan sát chính sách kinh tế và công nghiệp trong thập niên 1980 của Ronald Reagan, Margaret Thatcher, Helmut Kohl, thì chúng ta cũng suy đoán được câu trả lời. Viễn kiến của Jimmy Carter có lẽ chỉ còn lại dấu vết nhạt nhòa trên câu chữ của một bài diễn văn đầy ấn tượng.
Lời kết
Hàng ngàn hồ sơ của toà án về ô nhiễm môi trường do nền sản xuất công nghiệp vẫn còn được lưu giữ trong thư khố quốc gia và là những chứng cứ cho biết, những tai hại đó đã có và được biết từ rất lâu. Báo cáo tài chính thường niên của các tập đoàn công nghiệp hóa học cho thấy là họ đã phải bồi thường như thế nào cho các vùng láng giềng về sự thiệt hại mùa màng và tình trạng ô nhiễm môi trường. Cuộc cách mạng công nghiệp và gắn liền với nó là sự tàn phá môi trường đã được thực hiện trong sự hiểu biết tường tận của những người làm kế hoạch phát triển công nghiệp. Các bác sĩ thuộc thế kỷ 18 và 19 đã lên tiếng công khai về ảnh hưởng quyết định của môi trường lên tình trạng sức khỏe của bệnh nhân. Khắp nơi ở châu Âu trong thời đại cách mạng công nghiệp, cư dân chung quanh các nhà máy đã vận động chống lại chất thải và ô nhiễm môi trường. Cảnh sát trong các thành phố quan tâm nhiều hơn đến chất lượng không khí và canh chừng khí thải từ các ống khói và đường ống thoát nước của các xí nghiệp.
Suốt 200 năm ròng, người ta đã gióng chuông báo động suốt thập niên này qua thập niên khác. Trong thập niên 1970, tiếng báo động của công trình nghiên cứu “Giới hạn của tăng trưởng” đã có tiếng vang rất lớn, đến độ một số người còn nghĩ rằng tình trạng tồi tệ về ô nhiễm môi trường đã đến lúc được chú ý và cải thiện. Thực tế hôm nay, chúng ta biết lịch sử đã diễn ra thế nào. Những bộ phận vận động hành lang của giới công nghiệp tìm mọi cách để chống lại các trào lưu bảo vệ hệ sinh thái và chống lại các quy định về bảo vệ môi trường. Sự vươn dậy của Margaret Thatcher ở Anh và Ronald Reagan ở Mỹ đã tiếp tay cho một làn sóng mới về tài chính toàn cầu và dẫn dắt thế giới vào sự tăng tốc đến tình trạng mà chúng ta chứng kiến hôm nay.
Tất cả chúng ta, đàn ông cũng như phụ nữ, cứ mỗi ngày qua đã trở thành những người tiêu thụ tham lam, tự dụ dỗ mình vào làn sóng hưởng thụ vật chất một cách vô thức. Những quốc gia giàu thì tiếp tục kích thích kinh tế bằng tâm lý tiêu thụ không ngừng nâng cao, cho dù nền sản xuất có ngưng trệ và đồng lương không hề tăng. Làn sóng tiêu thụ đó càng được đẩy lên cao bằng tín dụng dễ dàng, giá dầu và nguyên liệu thô thấp và tất nhiên với lao động rẻ tiền của các nước châu Á và Nam Mỹ đã cung ứng cho chúng ta nhiều sản phẩm với giá thành hạ. Trung Quốc, Ấn Độ, Ba Tây đã trở thành công xưởng và vựa lúa thế giới. Và họ hiện nay cũng đã trở thành những nhà sản xuất lớn nhưng gắn liền với nó là khí thải CO₂ và tai họa cho môi trường ngày càng nhiều mà cư dân bản địa phải lãnh chịu trước tiên.
Lịch sử, chính là lịch sử của chúng ta, là lịch sử của một cuộc đua tranh không định ra giới hạn, là lịch sử của 200 năm đầy rẫy đam mê, mồ hôi và máu. Trong 200 năm này, những người cầm quyền cũng như những bộ óc thông minh nhất đã khởi động những đổi mới về công nghệ mang tính chất phá hoại thiên nhiên. Trong 200 năm này chúng ta chứng kiến một cuộc chạy đua về sự tích lũy giàu sang, chạy đua giữa các quốc gia, chạy đua giữa các lục địa. Và trong cuộc đua ấy, hố sâu ngăn cách của tình trạng bất bình đẳng ngày càng rộng. Trong 200 năm này, sự ham muốn tiêu thụ trở thành động lực của kinh tế và là phương tiện chống lại các trào lưu xã hội.
1.400 tỉ tấn CO₂ bị lưu giữ vô hình ở tầng thấp của khí quyển đơn giản là đã hiện hữu. Sự cân bằng sinh thái đã bị suy giảm. Ngày hôm nay, 20% dân số quả đất, những người giàu có nhất hành tinh là những người sinh ra khí thải CO₂ nhiều nhất. Mức sống của giới tư sản trong các nước công nghiệp và cường quốc thưc dân được nâng cao hơn hẳn các nước khác từ thế kỷ 18, trong lúc họ chỉ chiếm 1/5 tổng dân số toàn cầu. Ngày hôm nay, nhu cầu tiêu thụ than đá vẫn tăng lên và lượng tiêu thụ dầu lửa giờ đây đã vượt quá 100 triệu thùng mỗi ngày, tức bình quân mỗi đầu người trên thế gian, già trẻ lớn bé tiêu thụ 2 lít dầu lửa mỗi ngày. Thật khó lòng tưởng tượng!
Từng bước, chúng ta đã đưa năng lượng mặt trời vào nhiều sử dụng hữu ích, nhưng việc sản xuất những cấu kiện phát sinh năng lượng mặt trời vẫn còn sử dụng than đá và dầu, rất nhiều dầu. Chính sách năng lượng thiếu viễn kiến trong thế kỷ qua đã đưa chúng ta vào tình cảnh khó xử hôm nay. Cơ sở hạ tầng trong sự nghiệp số hóa ngày càng phức tạp cũng đòi hỏi vô vàn năng lượng. Điều đó có nghĩa là, việc cứu vãn hành tinh bằng những công nghệ xanh và kỹ thuật số hóa chỉ làm chúng ta hoang mang, không biết có giống lời hứa của giới tinh hoa châu Âu vào đầu thế kỷ 19 hay không. Thuở ấy, những bộ óc thông minh nhất cho rằng, rừng rậm và khí hậu cần được cứu vãn bằng cách sử dụng than đá thay cho gỗ. Bây giờ như chúng ta thấy, than đá đang sinh ra thảm họa.
Có lẽ chúng ta không còn đường rút lui khỏi kỷ nguyên loài người, kỷ nguyên phá hoại hành tinh. Hay có lẽ chỉ còn một giải pháp: chúng ta, những thực thể tiêu thụ không mệt mỏi, cũng là tội đồ phá hoại hành tinh, liệu chúng ta có tự nguyện đứng ra cứu vãn hành tinh trong những giây phút cuối cùng, trước khi mọi chuyện trở nên vô phương cứu chữa?
./.
Tôn Thất Thông, tháng 10/2023
Viết phỏng theo nội dung Phóng sự truyền hình “Die Erdzerstörer” của đài Pháp-Đức ARTE.TV, (có thể xem từ 1/6/2023 đến 30/11/2023), nguyên bản tiếng Pháp, phát sóng bằng hai ngôn ngữ Pháp và Đức. Biên dịch sang tiếng Đức: Rudolf Nadler. Biên tập: Barbara Bouillon. Phát ngôn tiếng Đức: Jörg Hartmann. Viết cốt truyện: Jean-Robert Viallet. Thực hiện: Jean-Robert Viallet. Sản xuất: Alexandre Cornu và Victor Ede. Với sự hợp tác của nhiều đài truyền hình quốc tế và phỏng vấn nhiều viện nghiên cứu công nghiệp (xem thêm các thành viên tham dự ở cuối phim chiếu lại trong Mediathek, theo đường dẫn ở trên).
https://diendankhaiphong.org/nhung-thu-pham-pha-hoai-hanh-tinh-3/
Không có nhận xét nào