Header Ads

  • Breaking News

    Tôn Thất Thông - Những thủ phạm phá hoại hành tinh. Phần 2

    Tháng 2/2024

    https://diendankhaiphong.files.wordpress.com/2023/10/20230928-pearl-harbor.jpg?w=1024

    Nhật tấn công Pearl Harbor tháng 12 năm 1941

    Phần 2: Nguyên tử và cuộc đọ sức giữa con người và thiên nhiên
    Tác giả: Tôn Thất Thông
    (Phỏng theo phóng sự truyền hình Die Erdzerstörer của đài Pháp-Đức ARTE.TV)

    Những thập niên ở giữa thế kỷ 20 đánh dấu một điều mà các nhà tư tưởng trong thời đại này gọi là sự tăng tốc của phá hoại hành tinh. Đó là một bước ngoặt của hành tinh chúng ta, một biến đổi hệ hình cho sự tồn tại của quả đất. Đó là điểm khởi đầu cho thời đại nguyên tử.

    ***

    Gần 150 năm kể từ những năm tháng đầu tiên của thời đại công nghiệp hóa, dân số thế giới đã tăng lên gấp đôi. Các quốc gia, các đô thị, các doanh nghiệp đã phát triển với tốc độ chóng mặt. Ở Mỹ cũng như ở châu Âu, cuộc đại khủng hoảng năm 1929 đã đẩy hàng chục triệu người đàn ông, phụ nữ, trẻ em vào cuộc sống bần cùng và đói. Trong làn sóng đó, chủ nghĩa quốc gia cực đoan phát triển mạnh mẽ ở Đức. Thế giới phải bắt đầu tìm giải pháp và tăng tốc một quá trình phát triển mới, tìm công nghệ mới, kỹ thuật mới, quy trình sản xuất mới.

    Đại khủng hoảng 1929

    Trong thế kỷ 20, ngay cả lúc các tập đoàn hóa học như IG Farben, hoặc các tập đoàn công nghiệp khác như Siemens, Krupps vẫn tạo nên lợi nhuận cao, thì Đức với tư cách là một quốc gia chỉ có thể tồn tại bằng nợ nần cao như núi và nền kinh tế quốc dân rơi vào tình trạng khủng hoảng tài chính chưa từng có trước đó. Người ta nghe trong Radio Pháp: “Cả dân tộc Đức đã rơi vào hỗn loạn. Từ lúc báo chí thông báo tình trạng khẩn cấp, rằng quốc gia đang ở trong tình trạng nợ nần chưa bao giờ có, người dân có chút ít tiết kiệm đổ xô đến các ngân hàng để rút tiền”. Người dân phải mang cả bao tải tiền giấy mới có thể mua được thực phẩm cho gia đình. Đơn vị mua bán thường là tiền tỉ trở lên. Đó là tình trạng của nền tài chính Đức trong thập niên 1920.

    Năm 1933, Adolf Hitler lên nắm quyền với chức danh Thủ tướng. Ông ta trở thành nguyên thủ của một quốc gia nghèo, thua Anh, thua Pháp và chắc chắn thua hơn Mỹ rất nhiều. Vị Thủ tướng mới đã đọc rất nhiều bài diễn văn nảy lửa, và lặp lại nhiều lần rằng, ông ta sẽ trả lại niềm kiêu hãnh cho dân tộc Đức. Hitler chinh phục giới trẻ bằng những buổi diễn thuyết ngoài trời: “Thế này hay thế khác, chúng ta phải mang lại công ăn việc làm cho những ai còn khỏe mạnh và có ý thức lao động. Hãy tin tưởng vào đồng bào chúng ta. Hãy tin tưởng vào tinh thuần duy lý của dân tộc. Hãy tin vào sự nghiêm chỉnh của tôi và chính phủ dưới sự lãnh đạo của tôi, và chúng ta sẽ tiến nhanh tiến mạnh hơn mọi thời đại trước đây”.

    Được tạo cảm hứng từ nhân cách và năng lực của Henry Ford, được xem là một thần đồng sản xuất và tư tưởng chống Do Thái, Hitler khởi động một dự án lớn: xây dựng một mạng lưới 6.000 cây số đường xa lộ liên bang, mạng lưới đầu tiên của thế giới. Mỗi ngày từ sáng đến tối, người ta nghe tiếng hợp tấu của bom, chất nổ và tiếng ồn của máy móc xây dựng. Radio Pháp tường trình: “Ở đây, không xa thủ đô Berlin, người ta sử dụng đến hai tấn chất nổ để đào xới khu vực làm đường, những tiếng nổ gầm rú như sấm sét. Để xây dựng 1.000 cây số xa lộ, 160 triệu mét khối đất đá phải được di chuyển, nói cách khác là gấp đôi tổng số khối lượng cần thiết cho kênh đào Suez”.

    Thực ra, dự án xây xa lộ của Hitler không phải để đáp ứng nhu cầu phát triển kinh tế, vì trình độ cơ giới hóa của người dân Đức trong thực tế còn quá thấp. Hitler nhắm đến một mục đích khác mà thế giới chưa suy đoán được, đó là sử dụng lao động thất nghiệp để tiến hành việc chuẩn bị chiến tranh. Mạng lưới xa lộ cần phải hoàn hảo để xe tải và xe tăng có thể nối kết các đơn vị quân sự trên các mặt trận. Trên góc độ sinh thái học, các tuyến xa lộ của Quốc xã Đức thực chất là biểu tượng của một công trình không thể tưởng tượng được, một sự liên hệ giữa chiến tranh và dầu lửa.

    Thế chiến II thực chất có nghĩa là một bước nhảy vọt cực đoan về mức độ tiêu thụ năng lượng, đến độ nó đánh dấu một cột mốc chưa bao giờ có trong kỷ nguyên loài người chúng ta hôm nay. Một người lính Mỹ trong Thế chiến II bình quân tiêu thụ năng lượng nhiều gấp 228 lần họ tiêu thụ trong Thế chiến I. Lợi thế chiến lược lớn nhất của quân đội đồng minh nằm ở khả năng cung cấp dầu lửa vô hạn định từ nước Mỹ, nhất là từ lúc Mỹ tham chiến năm 1941. Radio Mỹ sau ngày Pearl Harbor bị Nhật tấn công: “Hãy nhìn vào đồng hồ treo tường, vào ngày 7 tháng 12 năm 1941, nó chỉ đúng 11 giờ. Mỗi giờ tiếp theo sau là một giờ chiến tranh có chúng ta tham dự. Thời gian, chính là tài nguyên quan trọng nhất của một quốc gia trong chiến tranh. Mỗi một tích tắc tiếp theo sẽ quyết định chiến thắng hay thua trận. Mỗi một vòng quay 60 phút của kim đồng hồ, mỗi một chu kỳ khắc nghiệt 12 giờ, là một thời gian chuẩn bị, thời gian mà chúng ta cần nắm lấy để chiến thắng hay là chúng ta đem tặng thời gian cho kẻ thù”.

    Từ 1940 đến 1944, tổng sản lượng công nghiệp của Mỹ tăng nhanh hơn tất cả các thời đại từ trước. Nó tăng lên ba lần sau bốn năm. Trong bốn năm đó, sản lượng máy bay và đạn dược tăng lên 15 lần, tàu thủy tăng lên 10 lần, các sản phẩm hóa học tăng ba lần, cao su nhân tạo tăng 2 lần. Cường độ giao thông đường bộ tăng gấp đôi, giao thông hàng không gấp 6 lần, và số lượng dầu chảy qua các đường ống tăng lên 5 lần.

    Những phương tiện sản xuất được phát minh trong Thế chiến II góp phần chuẩn bị cho một tương lai mới, báo hiệu cho một nền sản xuất siêu đẳng, một thời đại phát triển công nghiệp siêu đẳng. “Trong vòng 24 tiếng đồng hồ, chúng ta đóng được 1/24 chiếc tàu thủy, tàu vận tải hay tàu chứa dầu. Cũng trong vòng 24 tiếng đồng hồ đó, một chiếc xe tăng có thể rời băng chuyền sản xuất, một chiếc máy bay oanh tạc có thể bay lên không trung vượt qua mọi đài radar kiểm soát. Trong một ngày, từ 1000 ki-lô nông sản chúng ta có thể sản xuất được 30.000 khẩu phần ăn. Trong một ngày, nhà máy chúng ta có thể sản xuất số lượng súng ống đủ để trang bị cho một sư đoàn, một yếu tố quyết định để thắng hoặc thua các cuộc chiến tranh trong tương lai”.

    Sau khi Thế chiến II chấm dứt, cách sản xuất theo tổ chức và kỹ luật quân đội trở thành tiêu chuẩn. Cả châu Âu hướng về Mỹ ở bên kia bờ Đại Tây Dương và học hỏi làm thế nào để sản xuất nhiều và nhanh. Mọi chuyện dường như đều khả thi. Nhờ máy móc hiện đại và những phương tiện xây dựng hệ thống ngầm, nông và ngư nghiệp tỏ ra có thể sử dụng nhiều thành quả thu lượm được trong thời kỳ chiến tranh. Công nghiệp quân sự rõ ràng có thể áp dụng cho các ứng dụng dân sự để xây dựng một tương lai tràn đầy thặng dư. Những áo vest chống đạn của DuPont kết hợp với kinh nghiệm làm các trang bị lính nhảy dù, giờ đây có thể dùng để sản xuất lưới đánh cá dài hàng cây số, và như thế đặt nền móng cho kỹ thuật đánh cá hiện đại hôm nay.

    Những máy móc định vị tàu thủy và tàu ngầm giờ đây có thể sử dụng để truy tìm hơi nóng dưới nước biển từ đó có thể định vị các đàn cá lớn, cũng như khai thác các tài nguyên dưới lòng biển sâu. Những chiếc xe tăng mà các nước Anh, Pháp, Đức, Ý, Mỹ đã nghiên cứu có thể trở thành những kiểu mẫu cho các dụng cụ khai phá rừng rậm, chuyên chở gỗ lớn, đập phá các công sự bỏ hoang. Máy móc khai hoang góp phần vào việc mở rộng không gian sống ở những vùng rừng rậm chung quanh thành phố và tạo điều kiện để tiếp cận đến vật liệu thiên nhiên chưa được biết đến. 

    Nguyên tử: lợi thì ít, phá hoại thì nhiều

    Kết cục, Thế chiến II đã thúc đẩy năng lực phát minh của con người lên một tầm vóc mới. Khoa học gia thử nghiệm mọi vấn đề vốn dĩ trước đây chưa ai nghĩ tới trong lĩnh vực phá hủy thiên nhiên ở mức độ cao. Hãy nhớ lại sự kiện đánh dấu một phút giây cực kỳ quan trọng trong quan hệ giữa con người và thiên nhiên. Vào ngày 16 tháng 7 năm 1945 sau khi Đức đã đầu hàng, ở một sa mạc cách xa châu Âu đã bị tàn phá, việc chuẩn bị chiến tranh vẫn tiếp tục. Hàng trăm khoa học gia tiếng tăm của Mỹ làm một thử nghiệm chấn động ở sa mạc Jornada del Muerto thuộc bang New Mexico để xem thử tác động của một quả bom nguyên tử như thế nào vào môi trường chung quanh. Đó là quả bom nguyên tử đầu tiên của loài người. Mã số của thử nghiệm này là Trinity. Trước khi sấm sét và bão lửa bùng lên, một trong những lãnh đạo cao nhất của dự án Manhattan, cũng là người được vinh danh là “kiến trúc sư của thời đại nguyên tử”, Enrico Fermi đặt câu hỏi với đồng nghiệp trong phòng kiểm soát: “Có thể nào sức nóng phát sinh từ vụ nổ sẽ thiêu cháy tầng khí quyển và khởi đầu cho sự sụp đổ của hành tinh?”. Một câu hỏi đặt ra vào thời khắc đó xem ra thật vô trách nhiệm. Những nhà khoa học của dự án Manhattan, cũng là những bộ óc tinh hoa nhất của nước Mỹ, đã biết rõ hơn ai hết là họ đang đùa với lửa.

    Vào 5 giờ 10 phút, người ta bắt đầu đếm ngược thời gian. Trong phòng kiểm soát, Enrico Fermi lập lại: “Lần này chúng ta đánh cược quá cao”. Một bạn đồng nghiệp an ủi: “Không sao, rồi mọi chuyện sẽ ổn thỏa. Tôi chắc rằng, chúng ta không đến nổi sẽ phải hối hận. Trong 40 giây nữa, chúng ta sẽ biết thôi”. Đúng 5 giờ 29 phút 21 giây, quả bom nổ với sức công phá của 20.000 tấn TNT. Quả bom đã để lại dấu vết không thể lấp đi trên mặt đất sa mạc và cả trong ý nghĩ của những người trong cuộc. Ba tuần sau đó, Hiroshima và Nagasaki trở thành bình địa với 200.000 người tử vong và hàng trăm ngàn người khác mang tật bệnh suốt đời. Thực ra, sự hủy diệt hai thành phố Nhật bản mang tính chất chính trị hơn là quân sự. Trước đó cũng đã có sự cân nhắc là nên ném bom ở vùng không có dân cư, nhưng hóa ra như thế, cuộc thử nghiệm sẽ trở nên không hoàn hảo. Chính phủ Mỹ thực sự muốn thấy tác động của bom nguyên tử lên một thành phố đã được xây dựng hoàn chỉnh.

    Bản tin quân sự tuần sau trên Radio Mỹ: “Người Nhật phải thấy đó. Thành phố quý vị, nhà máy và công sự của họ đã biến thành tro bụi. Nhiều người trong chúng ta đã tự hỏi, ‘tại sao quân đội Mỹ phải làm cho người Nhật thấy sức công phá đó? Chiến tranh thực sự đã chấm dứt rồi mà’. Vậy thì, chúng tôi muốn chỉ cho quý vị thấy một trong những bí mật chiến tranh lớn, mà chắc hẳn quý vị cũng quan tâm. Đúng thế, chiến tranh đã chấm dứt, và chúng ta đã thắng. Chúng ta ở đây có nghĩa là lục quân, hải quân, những phi công đánh bom, nam nữ công nhân trong các xí nghiệp cung cấp chiến cụ, khoa học gia cung cấp radar và bom nguyên tử. Tất cả đã góp phần vào chiến thắng. Và bây giờ chúng ta sẽ sống trong hòa bình. Hầu hết quân nhân sẽ trở lại đời sống dân sự. Xí nghiệp sẽ sản xuất hàng dân dụng. Nhưng khoa học gia của chúng ta phải tối ưu hóa công trình nghiên cứu, tiếp tục làm cho nó hoàn hảo, đồng thời khám phá thêm những khí cụ mới để bảo vệ hòa bình và an ninh quốc gia”. Đó là lời của một sĩ quan sau khi chứng kiến cảnh hủy diệt của Hiroshima và Nagasaki. Nó nói lên điều gì? Phải chăng, sự hủy diệt hai thành phố đông dân là cần thiết để các khoa học gia rút kinh nghiệm, để nghiên cứu chế tạo những phương tiện hủy diệt còn khủng khiếp hơn trong tương lai?   

    https://diendankhaiphong.files.wordpress.com/2023/10/20230928-hiroshima.jpg?w=1024

    74 năm bom nguyên tử xuống Hiroshima. Không bao giờ lặp lại.

    Cuộc đọ sức giữa người và thiên nhiên

    Năng lượng hạt nhân đã mở ra một thời đại mới. Cũng giống như hơi ngạt trong Thế chiến I, giống như xe tăng, nylon hoặc radar trong Thế chiến II, năng lượng hạt nhân có thể sử dụng cho các dự án dân sự. Cuối cùng thì con người đã có một công cụ mang tính quyết định để thay đổi hiện trạng của hành tinh này. Kể từ nay, sức công phá của nguyên tử đã trở thành một biểu tượng hoàn hảo về lòng kiêu ngạo của con người. Năm 1945, một khoa học gia nổi tiếng và là chủ tịch đầu tiên của UNESCO, Julian Huxley phát biểu trước 20.000 cử tọa về khả năng sử dụng năng lượng nguyên tử để chế tạo chất nổ sử dụng trong hòa bình. Những học giả khác đương thời còn nói đến chuyện phá núi, thay đổi dòng chảy của sông, tưới tiêu ở giữa sa mạc, làm sống lại những vùng đất chưa bao giờ có người đặt chân tới, khai thác quặng mỏ dưới tầng sâu bất khả tiếp cận và thậm chí làm thay đổi khí hậu.

    Viễn kiến đó và những bộ óc chiến lược năng nổ được các chính phủ có quan tâm đến năng lượng hạt nhân lắng nghe. Năm 1957, chủ tịch hội đồng năng lượng hạt nhân của Mỹ, Louis Strauss khởi động một dự án có tên là Plowshare. Louis Strauss trước đây là một doanh nhân, và là sĩ quan hải quân trong thời kỳ chiến tranh. Giờ đây trong hòa bình, Strauss nhận lãnh những vị trí cao nhất trong hệ thống hành chính công cộng của Mỹ. Strauss trở thành người hỗ trợ cho những kế hoạch về năng lượng hạt nhân. Đối với Strauss, việc sử dụng sức nổ của nguyên tử cho các mục đích dân sự có thể thực hiện được khi trên thế giới có một không khí thân thiện với việc nghiên cứu và thử nghiệm bom nguyên tử. Người ta trấn an rằng, khói lửa, tia phóng xạ, chất nổ cũng có thể tránh được nếu có kế hoạch. “Một loại năng lượng vĩ đại, lại tương đối rẻ tiền, gọn nhẹ và dễ dàng chuyên chở. Đó là những thuận lợi mà dự án Plowshare mang lại cho nguồn năng lượng của loài người, những công việc chưa bao giờ có giá trị thực tiễn như thế”. Đúng thế, những điều có vẻ bất khả thi dường như đang đến trong tầm tay. Sức mạnh hạt nhân, trước đây là loại năng lượng phá hoại chết người, giờ đây có thể phục vụ con người và làm cho loài người trở nên mạnh mẽ hơn, vĩ đại hơn trong cuộc đấu sức với thiên nhiên.

    Chúng ta hãy nghe quảng cáo năng lượng hạt nhân và kế hoạch Plowshare trên truyền thông Mỹ: “Đâu là những lĩnh vực ứng dụng? Vài lĩnh vực có tác động rất mạnh mẽ. Bom hạt nhân khi nổ có thể chuyển dịch một lượng đất đá khổng lồ. Việc biến đổi địa lý quốc gia mang lại lợi ích cho công dân có thể thực hiện với tầm vóc rất lớn. Làm thế nào để khai thác ngày càng nhiều tài nguyên tự nhiên để đáp ứng đòi hỏi con người ngày càng cao? Chương trình khai thác dưới lòng đất của Plowshare sẽ cho chúng ta câu trả lời. Bom hạt nhân nổ dưới lòng đất sẽ phá hủy một lượng đất đá khổng lồ. Hiệu ứng vững chắc này có thể khai thác một lượng lớn tài nguyên vốn dĩ trước đây không thể làm được hoặc làm với phí tổn rất cao. Ở những nơi mà phương tiện chuyên chở đường bộ hôm nay còn khó khăn, tốn kém, mất thì giờ và nguy hiểm, thì chúng ta có thể dễ dàng xây xa lộ và đường xe lửa trên vùng núi cao. Nơi nào mà giao thông đường thủy tỏ ra còn khó khăn, chúng ta sẽ xây thêm kênh đào”. Tất cả những công việc khó khăn sẽ được năng lượng hạt nhân giải quyết.

    Quả thật, chương trình Plowshare dự kiến sẽ sử dụng bom nguyên tử để làm kênh đào ở vùng Nam Mỹ. Họ cân nhắc giữa hai chọn lựa ở hai vùng địa lý tương đối gần nhau. Hoặc là Panama với 300 bom nguyên tử, hoặc ở Columbia với 764 đầu đạn nguyên tử để có thể đào xới toàn bộ kênh đào. Họ cũng đã cân nhắc đến khả năng sử dụng bom Hydro để xây dựng một hải cảng ở Cap Thompson thuộc bang Alaska. Plowshare cũng dự tính sử dụng 22 quả bom nguyên tử để xây dựng xa lộ xuyên qua ngọn núi Bristol ở sa mạc Mojave thuộc bang California. Dự án Plowshare kéo dài 20 năm, tiêu tốn hết 770 triệu đô la, tương đương với 4 tỉ đô la theo thời giá ngày nay. Người Mỹ đã tiến hành 27 lần nổ bom nguyên tử cho các công trình dân dụng. Thật khiếp đảm! Nhưng nếu so sánh với những gì ở Liên Xô cũng làm lúc ấy thì cũng chẳng thấm vào đâu. Ở bên kia quả địa cầu, Liên Xô tất nhiên không ngồi yên giao khoán trận địa cho đối phương. Tương tự như Plowshare của Mỹ, Liên Xô cũng đưa ra Kế hoạch Số 7 với sức công phá lớn hơn gấp bội. Để nghiên cứu ứng dụng kỹ thuật hạt nhân cho dân sự, Liên Xô cho nổ 150 bom nguyên tử. Mà đấy là những quả bom thuộc thế hệ mới, mạnh hơn gấp bội hai quả bom ở Hiroshima và Nagasaki. Thật khiếp đảm!

    Những thập niên ở giữa thế kỷ 20 đánh dấu một điều mà các nhà tư tưởng trong thời đại này gọi là sự tăng tốc của quá trình phá hoại hành tinh. Đó là một bước ngoặt của hành tinh chúng ta, một biến đổi hệ hình cho sự tồn tại của quả đất. Đó là điểm khởi đầu cho thời đại nguyên tử, thời đại của dầu lửa tràn ngập, của chất thải nhựa khắp mọi nơi trong rừng dưới biển, của asbestos độc hại, của bê-tông, của hàng trăm ngàn nguyên tố hóa học và chất độc vi sinh. Đó là bước ngoặt của rừng chết, của sự khai thác bừa bãi tài nguyên đại dương. Đó là sự bắt đầu của thời đại tiêu thụ thừa mứa sẽ tiêm nhiễm đến hàng tỉ người ở các vùng khác nhau trên hành tinh.

    ./.

    Tôn Thất Thông, tháng 10/2023

    Viết phỏng theo nội dung Phóng sự truyền hình “Die Erdzerstörer” của đài Pháp-Đức ARTE.TV, (có thể xem từ 1/6/2023 đến 30/11/2023), nguyên bản tiếng Pháp, phát sóng bằng hai ngôn ngữ Pháp và Đức. Biên dịch sang tiếng Đức: Rudolf Nadler. Biên tập: Barbara Bouillon. Phát ngôn tiếng Đức: Jörg Hartmann. Viết cốt truyện: Jean-Robert Viallet. Thực hiện: Jean-Robert Viallet. Sản xuất: Alexandre Cornu và Victor Ede. Với sự hợp tác của nhiều đài truyền hình quốc tế và phỏng vấn nhiều viện nghiên cứu công nghiệp (xem thêm các thành viên tham dự ở cuối phim chiếu lại trong Mediathek, theo đường dẫn ở trên).

    https://diendankhaiphong.org/nhung-thu-pham-pha-hoai-hanh-tinh-2/


    Không có nhận xét nào