Võ Thái Hà tổng hợp
NATO tăng ngân sách quốc phòng
Thu Hằng /RFI
14/02/2024
Bộ trưởng Quốc Phòng các nước thành viên Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) họp tại Bruxelles ngày 14/02/2024 nhưng vắng bộ trưởng Mỹ Lloyd Austin, vừa xuất viện. Nhân dịp này, tổng thư ký NATO Jens Stoltenberg thông báo tăng ngân sách quốc phòng của khối, chỉ vài ngày sau khi cựu tổng thống Mỹ Donald Trump chỉ trích các nước NATO không dành đủ 2% GDP cho quốc phòng.
Tổng thư ký NATO Jens Stoltenberg họp báo ngày 14/02/2024 tại trụ sở Liên Minh Bắc Đại Tây Dương -Bruxelles, Bỉ. REUTERS - YVES HERMAN
Theo AFP, hiện chỉ có 11 trên tổng số 31 nước thành viên NATO đạt chỉ tiêu 2% GDP cho quốc phòng năm 2023, con số này có thể tăng lên thành 20 nước trong năm 2024. Trong số những nước chưa đạt chỉ tiêu có Pháp (1,9%), Đức (1,57%), Bỉ (1,15%)...
Trước đó, khi trả lời báo chí Đức, tổng thư ký NATO đã kêu gọi các nước châu Âu gia tăng sản xuất vũ khí để giao cho Ukraina, đồng thời phải phòng ngừa một cuộc đối đầu với Matxcơva « có thể kéo dài vài thập niên ». Bên lề cuộc họp của bộ trưởng Quốc Phòng các nước NATO còn có một cuộc họp của các nước ủng hộ cuộc kháng chiến của Ukraina chống xâm lược Nga diễn ra cùng ngày 14/02.
Việc Nga sáp nhập bán đảo Crimée của Ukraina năm 2014 đã khiến các nước châu Âu đầu tư nhiều hơn vào phương tiện quốc phòng. Và kể từ cuộc chiến do Nga phát động ở Ukraina năm 2022, chỉ tiêu 2% GDP trở thành mức sàn, chứ không còn là mức trần chi tiêu quân sự đối với các nước NATO. Tuy nhiên, quyết định của các nước châu Âu không cấm cản cựu tổng thống Mỹ Donald Trump « tự nhận công lao » khi khẳng định chính ông đã giúp Liên minh « mạnh mẽ » dưới nhiệm kỳ của ông (2017-2021).
Một nhà ngoại giao đánh giá những phát biểu gây tranh cãi gần đây của ông Trump cho thấy các nước châu Âu - 29 trên tổng số 31 nước thành viên NATO - « cần tự bảo đảm quốc phòng ».
Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Austin xuất viện
14/02/2024
Bộ trưởng Quốc phòng Hoa Kỳ Lloyd Austin.
Lầu Năm Góc cho biết Bộ trưởng Quốc phòng Hoa Kỳ Lloyd Austin đã được xuất viện quân y vào ngày 13/2 và sẽ tham dự một cuộc họp trực tuyến liên quan đến Ukraine vào ngày hôm sau, Reuters đưa tin.
Đây là lần thứ hai trong năm nay ông Austin, 70 tuổi, phải nhập viện - lần này là để giải quyết vấn đề bàng quang - kể từ cuộc phẫu thuật vào tháng 12 để điều trị ung thư tuyến tiền liệt.
Vào tháng trước, ông đã gây ra một cuộc náo động chính trị sau khi không tiết lộ cuộc phẫu thuật của mình cho Nhà Trắng cũng như việc nhập viện sau đó vào tháng 1 để giải quyết các biến chứng của căn bệnh. Ngay cả Tổng thống Joe Biden cũng không biết ông Austin nằm viện cho đến những ngày sau đó.
Sau khi trả lời với báo giới vào tuần trước về quá trình hồi phục của mình, ông Austin đã quay trở lại Trung tâm Y tế Quốc gia Walter Reed hôm 11/2 sau khi có dấu hiệu phải cấp cứu về vấn đề bàng quang và được đưa vào tình trạng chăm sóc đặc biệt.
Lầu Năm Góc cho hay ông Austin được xuất viện vào chiều ngày 13/2 và “tiếp tục đầy đủ chức năng và nhiệm vụ của mình”. Theo lời khuyên của các bác sĩ, ông sẽ làm việc tại nhà trước khi trở lại Lầu Năm Góc vào cuối tuần này. Các bác sĩ của ông nói trong tuyên bố rằng ông dự kiến sẽ bình phục hoàn toàn.
Lần nhập viện mới nhất đã buộc ông Austin phải hủy chuyến đi đã lên kế hoạch từ trước tới trụ sở NATO trong tuần này để đàm phán quốc phòng cũng như tổ chức một cuộc họp trực tiếp liên quan đến Ukraine vào 14/2. Thay vào đó, các cuộc đàm phán về Ukraine được tổ chức trực tuyến.
Bà Sabrina Singh, người phát ngôn Lầu Năm Góc, nói trong một cuộc họp báo: “Bộ trưởng vẫn có ý định tham gia Nhóm liên lạc quốc phòng Ukraine trực tuyến vào ngày mai. Điều này bao gồm cả việc đọc diễn văn khai mạc”.
Thượng viện Mỹ thông qua gói viện trợ hơn 60 tỷ USD cho Ukraine
Ảnh minh họa: Beautiful landscape/Shutterstock
Hôm 13/2 vừa qua, Thượng viện Mỹ do đảng Dân chủ kiểm soát đã thông qua dự luật về gói viện trợ, trong đó có hơn 60 tỷ USD cho Ukraine, theo hãng tin AFP.
Dẫu vậy, dự luật sẽ khó được Hạ viện (do đảng Cộng hòa kiểm soát) thông qua. Tại đây, Chủ tịch Hạ viện Mike Johnson, thành viên Cộng hòa, chỉ trích dự luật này không đi kèm các điều khoản để ngăn chặn dòng người di cư kỷ lục qua biên giới Mỹ – Mexico.
Thượng nghị sĩ đảng Cộng hòa Rick Scott cho hay: “Dự luật trước mắt chúng ta hôm nay sẽ không bao giờ được thông qua tại Hạ viện, sẽ không bao giờ trở thành luật”.
Dự luật này gồm 61 tỷ USD cho Ukraine, 14 tỷ USD cho Israel trong cuộc chiến chống Hamas và 4,83 tỷ USD để hỗ trợ các đối tác ở Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương. Gói hỗ trợ cũng sẽ dành 9,15 tỷ USD viện trợ nhân đạo cho dân thường ở Gaza và Bờ Tây, Ukraine và các khu vực xung đột khác trên toàn cầu.
Các nghị sĩ tại Thượng viện Mỹ đã đàm phán suốt nhiều tháng qua để đạt thỏa thuận ngân sách nhằm ứng phó nhập cư bất hợp pháp, trong đó phe Cộng hòa yêu cầu tăng cường an ninh biên giới để đổi lấy giải ngân khoản viện trợ hơn 60 tỷ USD cho Ukraine do Nhà Trắng đề xuất.
Lãnh đạo phe Cộng hòa tại Thượng viện Mitch McConnell nói rằng họ sẽ không đạt thỏa thuận ngân sách nào tốt hơn, nhưng nhiều nghị sĩ Cộng hòa cho rằng Tổng thống Joe Biden vẫn có thể thay đổi chính sách nhập cư thông qua các sắc lệnh hành pháp sau khi dự luật được phê duyệt.
Tổng thống Biden hồi tháng 10/2023 kêu gọi quốc hội Mỹ phê duyệt ngân sách 106 tỷ USD cho an ninh quốc gia, trong đó ràng buộc khoản viện trợ trị giá 61 tỷ USD cho Ukraine với 14 tỷ USD hỗ trợ cho Israel trong chiến dịch trả đũa phong trào Hồi giáo Hamas. Tuy nhiên, những đề xuất từ Nhà Trắng đều không thể thúc đẩy Quốc hội Mỹ phê duyệt viện trợ cho Ukraine và Israel, khiến tình trạng này kéo dài sang năm 2024.
Mỹ đến nay vẫn là bên viện trợ quân sự lớn nhất cho Ukraine, với hàng chục tỷ USD viện trợ an ninh và liên tục cam kết ủng hộ Kyiv đến chừng nào còn cần thiết.
Phan Anh
Giai đoạn hậu bầu cử đầy phức tạp ở Pakistan
Các cuộc đàm phán thành lập liên minh chính phủ đang được tiến hành ở Pakistan sau kết quả bầu cử gây sốc vào tuần trước. Các ứng viên được hậu thuẫn bởi Pakistan Tehreek-e-Insaf — đảng của Imran Khan, cựu thủ tướng bị cấm tham gia quốc hội và đang ngồi tù — đã giành được nhiều ghế nhất. Nhưng sự hồi sinh của Phong trào Dân chủ Pakistan, vốn đã lãnh đạo quốc hội cho đến tháng 8, là điều có thể xảy ra. Được lãnh đạo bởi Liên đoàn Hồi giáo Pakistan, một đảng trung hữu thân quân đội, nó sẽ có Đảng Nhân dân Pakistan (đảng thống trị tỉnh Sindh) cùng với một số đảng khu vực khác. Quốc hội sẽ phải triệu tập trước ngày 29 tháng 2 và bầu thủ tướng ngay sau đó.
Chính quyền buộc các ứng cử viên của đảng ông Khan phải tranh cử với tư cách độc lập; và một số đã gia nhập đảng khác. Ông Khan cảnh báo các đối thủ của ông không nên “thành lập chính phủ bằng số phiếu gian lận.” Sự chậm trễ trong việc công bố kết quả bầu cử đã gây ra biểu tình, mặc dù ủy ban bầu cử nhấn mạnh “sự chính xác chứ không phải tốc độ” mới là điều quan trọng. Song những người phản đối cho rằng uỷ ban còn có động cơ khác.
Hôm nay Indonesia bầu tổng thống
Hơn 200 triệu người Indonesia sẽ đi bỏ phiếu vào thứ Tư để bầu tổng thống mới. Trong cuộc bầu cử một ngày lớn nhất thế giới — được tổ chức tại quốc gia đông dân thứ tư — họ cũng sẽ bầu ra hơn 20.000 nhà lập pháp địa phương và quốc gia.
Prabowo Subianto, một cựu tướng gây nhiều tranh cãi, là ứng viên dẫn đầu. Gibran Rakabuming, ứng viên phó tổng thống của ông, là con trai của đương kim tổng thống Joko Widodo (được biết đến với biệt danh “Jokowi”), người sẽ từ chức sau hai nhiệm kỳ. Nhiều người Indonesia bỏ phiếu cho ông Prabowo vì họ cho rằng ông sẽ tiếp tục các chính sách của Jokowi, bao gồm các dự án cơ sở hạ tầng đầy tham vọng nhằm kết nối 17.000 hòn đảo của đất nước.
Nhưng Jokowi phải đối mặt với các cáo buộc can thiệp bầu cử. Đối thủ của ông Prabowo, Anies Baswedan và Ganjar Pranowo, đều là cựu thống đốc, cáo buộc các cơ quan nhà nước đã tùy tiện hủy bỏ mít tinh của họ và đe dọa những người chỉ trích Jokowi. “Dirty Vote,” một bộ phim tài liệu phát hành trên YouTube ghi lại những chiêu trò phản dân chủ của Jokowi, đang lan truyền trên mạng kể từ khi được công bố vào cuối tuần. Tuy vậy, bấy nhiêu là không đủ để cản trở con đường trở thành tổng thống của Prabowo.
IEA chủ trương xanh hoá năng lượng
Các bộ trưởng năng lượng sẽ tề tựu về Paris trong tuần này để dự cuộc họp mặt thường niên của Cơ quan Năng lượng Quốc tế (IEA). Được thành lập cách đây 50 năm để đảm bảo an ninh nguồn cung dầu cho các nhà nhập khẩu năng lượng, cơ quan này gần đây tỏ ra lạc quan về tốc độ phi carbon hoá của thế giới. Giám đốc Fatih Birol đã xung đột với các nhà sản xuất dầu lớn về thời điểm dầu mỏ sẽ đạt đỉnh (mà ông cho là sẽ sớm xảy ra). Ông từng nói họ sẽ suy tàn trừ khi đầu tư vào năng lượng xanh.
Báo cáo mới nhất của IEA cho thấy công suất năng lượng tái tạo toàn cầu đã tăng gần 50% trong năm 2023, tốc độ nhanh nhất trong hai thập niên qua, nhờ tăng trưởng tốt ở châu Âu, Mỹ, Brazil và đặc biệt là Trung Quốc. Tuy vậy, họ cũng cảnh báo là với mức tăng năng lượng tái tạo như hiện nay, công suất sẽ chỉ tăng 2,5 lần cho tới năm 2030. Con số này thấp hơn so với mục tiêu tăng gấp ba đặt ra tại COP28, hội nghị thượng đỉnh về khí hậu năm ngoái. IEA cho rằng các chính phủ phải mạnh tay hơn nữa.
Khi nào thì lạm phát của Argentina mới quay đầu?
Cơ quan thống kê Argentina sẽ công bố số liệu lạm phát tháng 1 vào thứ Tư, lần công bố thứ ba kể từ khi Javier Milei nhậm chức vào ngày 10 tháng 12. Trong tháng đó, lạm phát đã tăng vọt lên mức 211% theo năm, còn lãi suất hàng tháng tăng từ 13% trong tháng 11 lên 25,5%. Thủ phạm chính là “liệu pháp sốc” của tân tổng thống, bao gồm việc phá giá đồng peso và giảm trợ cấp cho năng lượng và giao thông.
Đây là những động thái ban đầu của ông Milei nhằm giải quyết thâm hụt tài khoá xấp xỉ 5,5% GDP. Cuộc thăm dò gần đây cho thấy người dân Argentina ủng hộ ông. Tuy nhiên, nếu lạm phát vẫn tiếp tục, sự ủng hộ của họ có thể suy yếu. Các nhà kinh tế dự đoán lạm phát sẽ giảm xuống khoảng 18% trong tháng này, nhưng OECD vẫn dự báo lạm phát hàng năm của Argentina đạt 250% vào năm 2024. Việc thông qua các cải cách triệt để của ông Milei sẽ chỉ trở nên khó khăn hơn. Sau cuộc tổng đình công vào tháng 1, Quốc hội đã bác bỏ “dự luật tổng hợp” của ông vào tuần trước, trong đó vạch ra kế hoạch tư nhân hóa các doanh nghiệp nhà nước và những cải cách tài chính đầy tham vọng.
Ông Trump đe dọa không bảo vệ thành viên NATO không đáp ứng nghĩa vụ tài chính
Cựu Tổng thống Mỹ Donald Trump cuối tuần qua khi phát biểu tại một buổi tập trung chiến dịch ở Nam Carolina đã nói rằng dưới chính quyền của ông, các quốc gia NATO không hoàn thành nghĩa vụ tài chính đối với liên minh quân sự này sẽ không nhận được sự giúp đỡ từ Mỹ, ngay cả khi quốc gia đó bị Nga xâm lược.
Theo cựu Tổng thống Trump, khi một lãnh đạo một quốc gia NATO không tiện nêu tên hỏi ông rằng liệu Washington sẽ bảo vệ họ nếu họ không tăng chi tiêu quốc phòng và bị Nga tấn công, ông đã trả lời từ chối.
“Tôi đã nói [nếu] ông không trả tiền, thì ông là đã lơ là nhiệm vụ… Không, tôi sẽ không bảo vệ ông. Thực tế, tôi sẽ khuyến khích họ làm bất cứ điều quái quỷ gì họ muốn. Ông phải trả các khoản hóa đơn của ông”, ông Trump nói và cho biết thêm rằng sau cuộc trao đổi với vị lãnh đạo quốc gia NATO đó, tiền “đã tuôn ra”.
Ông Trump nói rằng chính nhờ lập trường cứng rắn của ông về việc yêu cầu các thành viên NATO phải trả phần chia sẻ tài chính mà họ đã cam kết với liên minh, đã mang về “hàng trăm tỷ USD” cho tổ chức này. “Và đó là lý do tại sao hôm nay chúng ta có tiền, chính là bởi vì những điều tôi đã làm”.
Trước đó, trong chiến dịch tranh cử tổng thống Mỹ năm 2016, ông Trump cũng đã cảnh báo rằng dưới sự lãnh đạo của ông, Mỹ sẽ có thể từ bỏ cam kết với các quốc gia thành viên NATO không thực hiện chi 2% GDP cho chi tiêu quốc phòng theo các hướng dẫn của NATO.
Theo báo cáo 2023 của NATO, chỉ có 7 trong số 31 thành viên khối liên minh quân sự này đáp ứng 2% chi tiêu GDP cho quốc phòng năm 2022. Trước đó, năm 2014, chỉ có 3 thành viên NATO đáp ứng được yêu cầu tài chính này.
“Mỹ chiếm 54% GDP gộp của liên minh và 70% chi tiêu quốc phòng gộp của khối này. Tổng chi tiêu quốc phòng của NATO năm 2022 được ước tính vào khoảng trên 1 nghìn tỷ USD”, theo báo cáo 2023 của NATO.
Cho đến tháng 4/2023, Mỹ đóng góp 16,19% ngân sách của NATO và cùng với Đức là hai quốc gia đóng góp hàng đầu cho khối liên minh này. Tiếp đó là Anh Quốc đóng góp hơn 11% và Pháp đóng hơn 10% vào ngân sách NATO. Các quốc gia thành viên còn lại đóng góp dưới 10%, trong đó 14 quốc gia là dưới 1%.
Trong bài phát biểu tại Nam Carolina nêu trên, ông Trump cũng đã chỉ trích người tiền nhiệm, Tổng thống Barack Obama. Ông nói: “Tôi nghe nói rằng (NATO) đã thích Obama hơn. Họ nên thích Obama hơn. Bạn biết tại sao không? Bởi vì ông ta đã không yêu cầu bất cứ điều gì. Chúng ta đã như một quốc gia ngu gốc của thế giới, và chúng ta sẽ không tiếp tục là một quốc gia ngu ngốc của thế giới thêm nữa”.
Hải Đăng
Hoa Kỳ - Đảng Cộng Hòa tại Hạ viện đàn hặc ông Mayorkas về cuộc khủng hoảng biên giới
Mark Tapscott
Joseph Lord
Thứ tư, 14/02/2024
Sau khi thất bại trong một cuộc bỏ phiếu trước đó, những thành viên Đảng Cộng Hòa ở Hạ viện đã đàn hặc thành công Bộ trưởng DHS—một quan chức nội các đầu tiên bị đàn hặc trong gần 150 năm.
Bộ trưởng An ninh Nội địa Alejandro Mayorkas nói về an ninh trong một cuộc họp báo trước thềm giải đấu Super Bowl LVIII tại Sân vận động Allegiant ở Las Vegas hôm 07/02/2024. (Ảnh: Patrick T. Fallon/AFP qua Getty Images)
Hôm 13/02, Bộ trưởng An ninh Nội địa Alejandro Mayorkas trở thành thành viên nội các tổng thống thứ hai duy nhất từng bị đàn hặc trong lịch sử 236 năm của chính phủ Hoa Kỳ.
Ông Mayorkas, được Tổng thống Joe Biden bổ nhiệm và được Thượng viện của Đảng Dân Chủ xác nhận hồi năm 2021, đã bị đàn hặc về hai tội liên quan đến việc ông giải quyết cuộc khủng hoảng biên giới bằng một cuộc bỏ phiếu với tỷ lệ 214 phiếu thuận–213 phiếu chống, trong đó tất cả trừ ba thành viên Đảng Cộng Hòa bỏ phiếu ủng hộ và tất cả các thành viên Đảng Dân Chủ phản đối hành động này. Hạ viện đã vỗ tay tán thưởng sau khi kết quả được công bố.
Cựu Bộ trưởng Chiến tranh George Belknap đã từ chức năm 1876 sau khi Hạ viện thông qua năm tội danh đàn hặc ông. Thượng viện đã không kết án ông Belknap, người do Tổng thống Ulysses S. Grant bổ nhiệm.
Hành động này của Hạ viện diễn ra gần như chính xác một tuần sau khi hạ viện của Quốc hội thất bại trong việc đàn hặc vị Bộ trưởng An ninh Nội địa đã bị buộc tội này trong một cuộc bỏ phiếu với 215 phiếu thuận-215 phiếu chống. Tỷ lệ số phiếu đã thay đổi thành 216 phiếu chống và 214 phiếu thuận khi Dân biểu Blake Moore (Cộng Hòa-Utah) thay đổi phiếu bầu của mình thành một lá phiếu “chống” trong một hành động thích hợp để cho phép Hạ viện xem xét lại nghị quyết đàn hặc.
Cựu Thủ tướng Thái Lan Thaksin ‘được ân xá’
BBC News
13/02/2024
Nguồn hình ảnh, Reuters
Chụp lại hình ảnh,
Cựu Thủ tướng Thái Lan Thaksin Shinawatra, người dự kiến sẽ bị bắt khi trở về sau gần hai thập kỷ sống lưu vong, vẫy chào tại sân bay Don Mueang ở Bangkok, Thái Lan ngày 22/8/2023
Cựu Thủ tướng Thái Lan Thaksin Shinawatra đã được ân xá sau sáu tháng bị giam giữ, theo Reuters.
Ông Thaksin, người có nhiều ảnh hưởng, một chính trị gia nặng ký và được coi là thủ tướng nổi tiếng nhất Thái Lan, đã có một cuộc trở về quê hương đầy kịch tính sau khi sống lưu vong ở nước ngoài 15 năm để tránh phải ngồi tù vì xung đột lợi ích.
Ông Thaksin, 74 tuổi, sau đó đã được nhà vua giảm án tù tám năm xuống còn một năm. Ông đã thụ án được sáu tháng tại bệnh viện nhà tù do một vấn đề sức khỏe không được tiết lộ và chưa ngồi tù một đêm nào.
Thủ tướng Thái Lan Srettha Thavisin, một tài phiệt và là đồng minh của gia đình Shinawatra, nói với các phóng viên: “Chính thức là ông ấy đã được ân xá. Việc này phù hợp với các quy định của Cục Cải huấn.”
"Ông Thaksin đã làm thủ tướng nhiều năm và đã làm nhiều điều tốt cho đất nước trong một thời gian dài. Sau khi ra tù, ông ấy sẽ là một công dân bình thường."
Theo truyền thông, cựu cảnh sát và ông trùm viễn thông Thaksin, người vốn là trung tâm của cuộc chiến tranh giành quyền lực đầy biến động kéo dài hai thập kỷ ở Thái Lan, nằm trong danh sách 930 tù nhân được coi là người già hoặc ốm yếu và được phép hưởng ân xá.
Ông Thaksin có thể được thả sau ngày 18/2, theo quy định của Cục Cải huấn. Luật sư của ông Thaksin đã không trả lời ngay lập tức các yêu cầu bình luận của Reuters.
Mặc dù đã được ân xá, cựu Thủ tướng Thái Lan vẫn có thể bị giam giữ vì các công tố viên đang xem xét buộc ông tội xúc phạm chế độ quân chủ trong một cuộc phỏng vấn năm 2015.
Sự trở lại của Thaksin vào năm ngoái trùng hợp với việc đồng minh và chính trị gia mới nổi Srettha được chọn làm thủ tướng cùng ngày, làm tăng thêm suy đoán rằng cả hai diễn biến này đều là một phần của thỏa thuận hậu trường giữa ông Thaksin và những kẻ thù quyền lực của ông trong giới quân sự bảo hoàng ở Thái Lan.
Các đồng minh của ông Thaksin và chính phủ, do Đảng Pheu Thai được gia đình Shinawatra hậu thuẫn, đã bác bỏ điều này.
Vào đêm đầu tiên ở tù, ông Thaksin được chuyển đến một bệnh viện cảnh sát, các bác sĩ cho hay ông bị tức ngực và huyết áp cao.
https://www.bbc.com/vietnamese
Không có nhận xét nào