Võ Thái Hà tổng hợp
Khai mạc Hội nghị An ninh Munich, với trọng tâm ‘‘Tìm kiếm hòa bình thông qua đối thoại’’
Trọng Thành /RFI
16/02/224
Lãnh đạo của khoảng 50 quốc gia, và 100 bộ trưởng các nước, tham gia Hội nghị An ninh Munich, tại Đức, khai mạc hôm nay, 16/02/2024 và sẽ kéo dài đến ngày 18/02.
Tổng thư ký khối NATO Jens Stoltenberg, đến dự phiên khai mạc Hội Nghị An ninh Munich, ngày 16/02/2024, Munich, Đức. AP - Matthias Schrader
Hội nghị An ninh Munich lần thứ 60 lấy mục tiêu ‘‘Tìm kiếm hòa bình thông qua đối thoại’’ làm trọng tâm, diễn ra vào lúc chưa bao giờ thế giới ‘‘cùng lúc phải đối mặt với nhiều khủng hoảng đến như vậy’’ kể từ hội nghị đầu tiên cách nay 60 năm, như nhận định của chủ tịch Hội nghị, nhà ngoại giao Đức Christoph Heusgen.
Từ Berlin thông tín viên Pascal Thibaut nhấn mạnh một số điểm chính của hội nghị Munich:
Hai nhân vật vắng mặt nhưng đóng vai trò trung tâm tại Munich. Thứ nhất là cựu tổng thống Donald Trump, với những tuyên bố mới đây về NATO, đã gây ra nhiều chỉ trích tại châu Âu. Phó tổng thống Mỹ có kế hoạch phát biểu vào chiều nay. Các nước châu Âu sẽ không bỏ lỡ dịp để phản ứng và nêu bật các thách thức cần phải hóa giải, nếu Donald Trump tái đắc cử.
Một sự vắng mặt quan trọng khác là tổng thống Nga Vladimir Putin, cũng nhiều quan chức Nga không được hoan nghênh. Tổng thống Ukraina Volodymyr Zelensky sẽ tham dự hội nghị vào ngày mai, sau khi ký kết hai thỏa thuận an ninh song phương với Đức và Pháp, tại Berlin và Paris hôm nay.
Tổng thống Ukraina từng có mặt tại Munich cách nay hai năm, ít ngày trước cuộc xâm lăng của Nga. Ngày mai, chắc chắn tổng thống Ukraina sẽ kêu gọi cộng đồng quốc tế dành cho Ukraina nhiều hỗ trợ hơn nữa.
Một chủ đề quan trọng khác hiện tại, đó là tình hình ở Gaza. Tổng thống Israel Herzog, thủ tướng Palestine, cũng như nhiều giới chức cao cấp trong vùng sẽ có mặt tại Munich. Ngoại trưởng Hoa Kỳ Anthony Blinken cũng sẽ tham dự hội nghị Munich. Tại các hành lang của khách sạn Bayerischer Hof, nhiều cuộc thảo luận sẽ diễn ra với mục tiêu tháo gỡ tình hình tại chỗ, trước mắt là về mặt nhân đạo, và trong trung hạn là về mặt chính trị.
Theo chuyên gia về địa chính trị khu vực Trung Đông Yasmina Asrarguis, hội nghị về an ninh quốc tế quan trọng này là ‘‘một cơ hội’’ cần tận dụng. Bà nhấn mạnh ‘‘nhiều khi các cuộc đối thoại trong khuôn khổ hẹp, và những bước tiến nhỏ lại có thể tạo điều kiện cho một hội nghị hòa bình quan trọng hơn’’, và ‘‘việc chuẩn bị cho các thỏa thuận Oslo, đặt nền móng cho hòa bình giữa Israel và Palestine, đã từng được bắt đầu với các cuộc thảo luận kiểu như vậy tại Na Uy.’’
Tổng thống Zelenskyy sắp ký thỏa thuận an ninh song phương với Berlin, Paris
16/02/2024
Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelenskyy và Tổng thống Pháp Emmanuel Macron, ngày 5/10/2023.
Đức và Pháp sẽ ký các thỏa thuận song phương về cam kết an ninh với Ukraine vào ngày 16/2 trong chuyến thăm của Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelenskyy tới thủ đô Berlin và Paris, cả hai chính phủ cho biết hôm 15/2.
Ông Zelenskyy sẽ gặp Thủ tướng Đức Olaf Scholz tại Berlin vào gần trưa ngày 16/2, thủ tướng Đức cho hay trong một tuyên bố.
“Trong khuôn khổ các cuộc hội đàm này, một thỏa thuận song phương về đảm bảo an ninh và hỗ trợ lâu dài sẽ được ký kết”, theo bản tuyên bố. Ngoài ra, ông Zelenskyy sẽ tổ chức một cuộc họp báo chung với ông Scholz trước cuộc gặp với Tổng thống Đức Frank-Walter Steinmeier.
Sau đó Tổng thống Ukraine dự kiến sẽ bay tới Paris để đảm bảo các cam kết an ninh song phương thêm nữa với Pháp.
Văn phòng của Tổng thống Pháp Emmanuel Macron nói rằng ông sẽ “tái khẳng định quyết tâm của Pháp trong việc tiếp tục cung cấp, về lâu dài và với tất cả các đối tác của mình, sự hỗ trợ vững chắc cho Ukraine và người dân Ukraine”.
Vào lúc Kyiv muốn xin gia nhập NATO và chống lại cuộc xâm lược kéo dài hai năm của Nga, các nhà ngoại giao nói rằng ông Zelenskyy sẽ ký kết các đảm bảo an ninh song phương với Pháp và Đức trong tuần này sau khi bắt đầu các cuộc thảo luận vào tháng 7.
Văn phòng của ông Macron cho biết rằng chi tiết về thỏa thuận này sẽ được đưa ra trong một cuộc họp báo.
Hiệp định với Pháp dự kiến sẽ phác thảo một khuôn khổ viện trợ nhân đạo và tài chính dài hạn, hỗ trợ tái thiết và hỗ trợ quân sự. Theo hai nhà ngoại giao am tường về cuộc đàm phán, Pháp dự định cấp một khoản ngân quỹ trị giá 200 triệu euro cho các dự án dân sự do các công ty Pháp thực hiện.
Cũng hôm 15/2, văn phòng của ông Zelenskyy cho hay rằng sau khi đến thăm Berlin và Paris, ông Zelenskyy dự kiến sẽ tới Munich, nơi ông dự định sẽ diễn thuyết hôm 17/2.
Tình báo Na Uy cảnh báo gián điệp Trung Quốc “phủ khắp châu Âu”
Mộc Vệ (theo VOA)
Tòa nhà Quốc hội Na Uy (Ảnh minh họa: Anton_Ivanov / Shutterstock)
Sau nhiều nước như Đức, Anh… cảnh báo về các hoạt động gián điệp từ Trung Quốc, trong báo cáo thường niên mới nhất của Chính phủ Na Uy cũng cho biết gián điệp của Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) “có mặt khắp châu Âu, là hiểm họa an ninh cho châu Âu”.
Newsweek đưa tin, theo tài liệu do cơ quan tình báo Na Uy công bố hôm thứ Hai (12/2): “Các hoạt động [nguy cơ an ninh] của Trung Quốc (ĐCSTQ) từ các cửa ngõ chính gồm tình báo chính trị, gián điệp công nghiệp, không gian mạng”.
Tình báo Na Uy tuyên bố rằng tình báo ĐCSTQ sử dụng một loạt công cụ phổ biến và cơ sở hạ tầng kỹ thuật số để che giấu dấu vết hoạt động của họ – các hoạt động thúc đẩy trên khắp châu Âu. Tình báo ĐCSTQ không đơn độc trong thực hiện sứ mệnh mà được sự hỗ trợ của các chủ thể dân sự như “các nhà ngoại giao, các đoàn du lịch, cá nhân, doanh nghiệp, và các nhóm lợi ích đặc biệt”.
Theo thông tin, các cơ quan tình báo của ĐCSTQ cũng dựa vào mối quan hệ chặt chẽ với các công ty Trung Quốc. Theo luật của nhà cầm quyền Bắc Kinh, tất cả công dân và công ty Trung Quốc phải hỗ trợ chính phủ thu thập thông tin tình báo khi được yêu cầu.
Na Uy cũng cảnh báo phương Tây đang phải đối mặt với “tình hình an ninh nguy hiểm hơn năm ngoái”, lý do là các chế độ độc tài như tại Trung Quốc, Nga và thế lực cực đoan Hamas được Iran hậu thuẫn đặt ra thách thức đối với trật tự thế giới hiện tại.
Tài liệu còn nêu rõ chính phủ của các nước này có “chương trình nghị sự theo chủ nghĩa xét lại” của riêng họ, mục tiêu tập trung nhằm làm suy yếu ảnh hưởng của phương Tây và thiết lập “trật tự quốc tế không bị chi phối bởi các giá trị dân chủ và tự do”.
Cơ quan tình báo Na Uy cũng chỉ ra lợi thế của Nga trong cuộc chiến Ukraine ngày càng được mở rộng nhờ sự hỗ trợ của các nước như Trung Quốc, Triều Tiên, Iran và Belarus. Mặc dù sự hỗ trợ của Trung Quốc không phải vũ khí chế tạo sẵn mà là việc cung cấp “máy móc, phương tiện, sản phẩm điện tử và linh kiện” hữu ích cho ngành công nghiệp vũ khí Nga.
Nhiều nước khác cũng đã lên tiếng cảnh báo
Không lâu trước khi Na Uy đưa ra Báo cáo An ninh, Hà Lan vào tuần trước cũng cáo buộc giới tin tặc được nhà nước Trung Quốc hậu thuẫn vào năm ngoái đã xâm phạm mạng lưới quân sự của Hà Lan.
Hơn nữa, Hà Lan không phải nước duy nhất gần đây cáo buộc gián điệp từ Trung Quốc cố gắng xâm nhập vào các thông tin nhạy cảm. Trước đó vào tháng 1 năm nay, Bộ Công nghệ Thông tin và Truyền thông Philippines cho biết, tin tặc hoạt động tại Trung Quốc đã cố gắng tấn công hệ thống email của Bộ Công nghệ Thông tin và Truyền thông Philippines, trang web của Trung tâm Giám sát Bờ biển Quốc gia, và trang web cá nhân của Tổng thống Philippines, nhưng đã bị Philippines ngăn chặn.
Các cơ quan tình báo và tư pháp Mỹ vào tháng 1 năm nay cũng đã thành công ngăn chặn tin tặc ĐCSTQ nỗ lực xâm nhập hệ thống Internet của Mỹ. Tin tặc từ Trung Quốc đang nhắm mục tiêu vào cơ sở hạ tầng quan trọng như hệ thống thông tin liên lạc, năng lượng, giao thông và xử lý nước của Mỹ.
Tại châu Âu, Cục trưởng Thomas Haldenwang của Cục Bảo vệ Hiến pháp Liên bang Đức vào tháng 2 năm ngoái nói với truyền thông Đức rằng, Bắc Kinh ngày càng chú ý thúc đẩy hoạt động gián điệp chính trị. Ông lo ngại rằng ĐCSTQ đang mở rộng các hoạt động gián điệp chống lại Berlin, sự phụ thuộc kinh tế của Đức vào Trung Quốc có thể được Bắc Kinh sử dụng để gây ảnh hưởng chính trị.
Trong những năm gần đây, cơ quan tình báo Anh cũng đưa ra những cảnh báo ngày càng lớn hơn về các hoạt động bí mật của Bắc Kinh. Ngoài việc bắt giữ cả thành viên Quốc hội vì nghi ngờ làm gián điệp cho ĐCSTQ, Chính phủ Anh hồi tháng 9 năm ngoái cho biết gián điệp từ Trung Quốc đang thúc đẩy hoạt động “săn người” nhằm vào các quan chức Anh nắm giữ các vị trí nhạy cảm, qua đó nhằm lấy bí mật và kiến thức chuyên môn từ những người này.
Trong bối cảnh ảnh hưởng toàn cầu của Trung Quốc ngày càng tăng, báo cáo an ninh của Na Uy ngoài tập trung vào hoạt động gián điệp và tin tặc từ Trung Quốc cũng lưu ý việc ĐCSTQ ngày càng tăng cường kiểm soát các chuỗi cung ứng quan trọng. Báo cáo đề cập rằng nhà cầm quyền Trung Quốc đang để mắt đến Bắc Cực và tìm cách khai thác nguồn tài nguyên thiên nhiên phong phú của khu vực này; sức mạnh hải quân đang phát triển nhanh chóng của ĐCSTQ và mối quan tâm đến Na Uy giàu khoáng sản đã khiến các cơ quan tình báo Na Uy lo ngại.
Công dân Trung Quốc làm việc cho công ty Mỹ bị bắt giữ vì cáo buộc gián điệp
Trương Đình, Epoch Times
Cảnh sát ở quảng trường Thiên An Môn ở Bắc Kinh. (Ảnh: Citta Studio/ Shutterstock)
Nhà chức trách Trung Quốc đã dùng tội danh gián điệp để bắt giữ một công dân Trung Quốc làm việc cho một công ty Mỹ, vụ việc nêu bật những rủi ro tiềm ẩn khi làm việc cho các công ty nước ngoài ở Trung Quốc.
Theo tin từ tờ Guardian của Anh, cô Emily Chen 50 tuổi đã mất tích sau khi bay từ Doha nơi cô sống đến Sân bay Quốc tế Lộc Khẩu (Lukou) – Nam Kinh – Trung Quốc vào tháng 12 năm ngoái.
Theo chồng cô là công dân Mỹ Mark Lent, cô Chen đã gửi tin nhắn cho gia đình nói rằng cô đã hạ cánh nhưng sau đó không ra khỏi sân bay. Bốn ngày sau, con trai cô nhận được một lá thư từ An ninh Quốc gia thành phố Đại Liên thông báo rằng cô Chen đã bị giam giữ vào ngày 30/12, nguyên nhân vì nghi ngờ cung cấp trái phép bí mật nhà nước cho các thực thể ở nước ngoài – một tội danh thường có hình phạt tối đa là 10 năm tù, nhưng nếu trường hợp nghiêm trọng thì hình phạt sẽ dài hơn.
Con trai cô Chen là công dân Trung Quốc, anh đã bị cấm rời khỏi đất nước vào tuần trước khi đang cố gắng lên chuyến bay ở Thượng Hải.
Có thời gian ngắn làm việc cho một công ty Mỹ
Giới chức Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) không tiết lộ nhiều chi tiết về lý do cụ thể giam giữ cô Chen. Tờ Guardian đã liên hệ với Ban An ninh Quốc gia Đại Liên nhưng họ từ chối bình luận. Ông Lent chồng cô Chen là giáo viên nhiếp ảnh (kết hôn với cô Chen ở Trung Quốc vào năm 2016) cho biết, chỉ có một mối liên hệ duy nhất giữa Chen và Đại Liên: năm ngoái, cô đã dành 4 tháng để giúp một công ty hậu cần của Mỹ mở văn phòng ở Đại Liên.
Ông Lent nói với Guardian rằng Chen “không bao giờ do thám đất nước của mình”. Hiện ông đang cố gắng kiếm tiền trang trải chi phí pháp lý cho vợ và chi phí sinh hoạt cho gia đình. Ông đã không thể liên lạc với Chen kể từ khi cô bị giam giữ. Ông nói: “Vợ tôi chỉ là một người ngoài vô tội”.
Từ tháng 1 – 4/2023, cô Chen làm công nhân tự do cho Safe Ports – một công ty hậu cần của Mỹ. Công ty này tự diễn tả là “công ty dẫn đầu toàn cầu về quản lý chuỗi cung ứng”. Người sáng lập và Giám đốc điều hành Lucy Duncan cho biết công ty hy vọng sẽ thành lập văn phòng tại Đại Liên để mở rộng kinh doanh, cung cấp các giải pháp công nghệ xanh cho cảng biển. Ông Duncan mô tả công việc của Chen tại công ty là “thuần túy hành chính”, bao gồm các nhiệm vụ như tìm văn phòng.
“Cô ấy ổn”, ông Duncan nói và nói thêm, “Tôi không biết tại sao cô ấy bị giam giữ”.
Công ty Safe Ports cuối cùng quyết định không theo đuổi dự án ở Đại Liên, một phần vì cô Chen đã tìm được việc làm toàn thời gian tại một công ty năng lượng của Pháp ở Doha. Ông Duncan cũng kết luận rằng môi trường ngày càng xấu đi đối với người nước ngoài có nghĩa là “không nên tiếp tục kinh doanh ở Trung Quốc”.
Chưa có xác nhận chính thức nào cho thấy việc giam giữ cô Chen có liên quan đến công việc của cô tại Safe Ports. Nhưng Đại Liên là thành phố cảng ở phía bắc Trung Quốc và là nơi có căn cứ hải quân quan trọng, do đó bất kỳ cuộc điều tra nào về các cảng trong khu vực đều là vấn đề nhạy cảm. Điều này đặc biệt đúng trong chiến lược hợp nhất quân sự-dân sự của ĐCSTQ, nhằm mục đích tận dụng cơ sở hạ tầng dân sự để hỗ trợ phát triển quân sự.
Ví dụ, Safe Ports trước đây đã làm việc với Bộ Quốc phòng Mỹ để giúp cung cấp vật tư cho quân đội ở Afghanistan, vì vậy có thể đó là lý do công ty thu hút sự chú ý của chính quyền Trung Quốc.
Mơ hồ trong cáo buộc gây lo ngại
Cô Chen đang bị “Giám sát cư trú tại một địa điểm được chỉ định” (RSDL). RSDL cho phép chính quyền giam giữ một người lên đến 6 tháng mà không được tiếp cận với luật sư, gia đình hoặc cơ hội kháng cáo. Họ thường bị biệt giam. Các chuyên gia nhân quyền của Liên Hợp Quốc mô tả đây là “một hình thức cưỡng bức mất tích, khiến các nạn nhân có nguy cơ cao bị tra tấn, đối xử hoặc trừng phạt vô nhân đạo, hoặc hạ nhục nhân phẩm”.
Châu Âu chuẩn bị cho khả năng Trump quay lại Nhà Trắng
Hội nghị An ninh Munich, một sự kiện thường niên của các nhà lãnh đạo thế giới, quan chức quốc phòng và giới tình báo, sẽ khai mạc vào thứ Sáu. Cuộc họp diễn ra vào một thời điểm quan trọng đối với châu Âu. Quân đội Nga đang đẩy lùi lực lượng Ukraine ở phía đông đất nước. Gói viện trợ của Mỹ cho Ukraine bị đình trệ tại Quốc hội, và Donald Trump, người có thể là tổng thống tiếp theo của Mỹ, hôm thứ Bảy đã chỉ ra rằng ông sẽ không hỗ trợ các đồng minh không đạt chi tiêu quốc phòng 2% GDP theo quy định của NATO.
Châu Âu ngày càng lo ngại về việc họ sẽ bảo vệ Ukraine và lục địa này như thế nào nếu không có Mỹ một khi ông Trump giành chiến thắng trong cuộc bầu cử. Nhưng có một tin tốt vào thứ Tư, khi các quan chức NATO cho biết họ dự kiến có khoảng 18 trong số 31 đồng minh, tăng so với 5 vào năm 2016, sẽ đạt mục tiêu 2% trong năm nay. Nhưng bấy nhiêu có lẽ là chưa đủ để thuyết phục ông Trump.
Nông dân Ấn Độ đình công
Ngành nông nghiệp trên khắp Ấn Độ sẽ tạm ngừng vào hôm nay vì hàng triệu nông dân đồng loạt đình công. Được lên kế hoạch từ tháng 12, cuộc đình công diễn ra sau nhiều ngày liền nông dân biểu tình — chủ yếu ở Punjab và Haryana, những bang nông nghiệp quan trọng nhất. Tuần này hàng trăm người đã tuần hành về phía thủ đô Delhi sau khi đàm phán với chính phủ thất bại. Họ ra yêu cầu đảm bảo giá cả và việc làm, cũng như những vấn đề khác. Mục đích của nông dân là thúc ép chính phủ thực hiện những lời hứa đã đưa ra từ năm 2021, khi biểu tình kéo dài nhiều tháng buộc chính phủ phải bãi bỏ các cải cách luật nông nghiệp đã được thông qua vào năm trước.
Nhưng chính phủ dường như không có tâm trạng thỏa hiệp. Họ đã loại trừ việc tăng giá tối thiểu cho cây trồng và đối phó với nông dân biểu tình bằng rào chắn và hơi cay. Nhưng chỉ còn vài tuần nữa là đến cuộc tổng tuyển cử toàn quốc, trong khi có tới 2/3 người Ấn Độ sống dựa vào nông nghiệp. Do đó, có cơ sở để cho rằng nông dân sẽ giành được một số nhượng bộ.
Tình hình chính trị Scotland
Công Đảng Scotland sẽ họp tại Glasgow trong hội nghị thường niên vào thứ Sáu. Cho đến gần đây đảng này vẫn ở trong tình trạng ảm đạm. Nhưng sự hồi sinh của Công Đảng Anh, kết hợp với một số vụ bê bối ở cấp cao nhất của Đảng Dân tộc Scotland (SNP) cầm quyền, đã tạo thời cơ cho Công Đảng Scotland trở lại.
Công Đảng Scotland hiện dẫn trước SNP 5 điểm theo thăm dò của The Economist. Nếu cuộc tổng tuyển cử diễn ra như con số này, họ sẽ thắng vài chục ghế ở quốc hội Anh. SNP sẽ tìm cách giành lại ngôi đầu bằng cách cảnh báo rằng một chính phủ Công Đảng ở London không coi trọng Scotland. Họ cũng sẽ nêu bật những lĩnh vực mà họ cho rằng Công Đảng có quá nhiều thỏa hiệp, chẳng hạn như xung đột ở Trung Đông và năng lượng xanh. Trong khi đó, Anas Sarwar, lãnh đạo Công Đảng Scotland, tuyên bố một sự thay đổi chính phủ có thể mang lại thay đổi căn bản mà không gây ra biến động hiến pháp như khi tiến hành bỏ phiếu về vấn đề độc lập của Scotland, điều SNP mong muốn.
Kinh tế Pháp thoát suy thoái nhưng lạm phát vẫn cao
Thống đốc Ngân hàng Pháp cho biết nền kinh tế Pháp đã thoát khỏi “kịch bản đen” suy thoái trong gang tấc. Ngân hàng dự đoán GDP của Pháp sẽ tăng 0,9% trong năm 2024 sau khi trì trệ nhưng không giảm trong nửa cuối năm 2023. Theo Ủy ban châu Âu, lạm phát năm sẽ giảm xuống 2,8% trong năm nay. Số liệu lạm phát của tháng 1, được công bố vào thứ Sáu, dự kiến sẽ ở mức 3,1% theo năm, giảm từ 3,7% của tháng 12.
Nhưng người tiêu dùng Pháp vẫn gặp nhiều khó khăn. Tỷ lệ lạm phát tạm thời theo năm đối với thực phẩm tươi sống trong tháng 1 là 8,3%. Và chính phủ đang dần dần dỡ bỏ mức trần hóa đơn năng lượng. Vào ngày 1/2, hóa đơn tiền điện của các hộ gia đình đã tăng gần 10%. Đến tháng 2/2025, tất cả những mức trần hoá đơn sẽ bị dỡ bỏ. Dù vậy, các hỗ trợ hiện tại của nhà nước đối với hóa đơn năng lượng tiếp tục giúp cho các hộ gia đình ở Pháp phải trả ít tiền hơn so với ở Đức và Anh. Nhưng điều đó không giúp người Pháp cảm thấy bớt bất an.
Hàn Quốc và Cuba thiết lập quan hệ ngoại giao
Thu Hằng /RFI
16/02/2024
Hàn Quốc đã thông qua thỏa thuận thiết lập quan hệ ngoại giao với Cuba trong một cuộc hội đàm diễn ra đầu tuần này tại trụ sở Liên Hiệp Quốc ở New York, Hoa Kỳ. Ngày 15/02/2024, văn phòng tổng thống Hàn Quốc khẳng định rằng quyết định trên là « một đòn chính trị và tâm lý » đối với Bình Nhưỡng do Cuba duy trì quan hệ chặt chẽ với Bắc Triều Tiên.
Ảnh minh họa: Phủ tổng thống mới của Hàn Quốc tại Seoul, ngày 09/05/2022. Ngày 15/02/2024, văn phòng tổng thống Hàn Quốc xác nhận thiết lập quan hệ ngoại giao với Cuba. AP
Theo hãng tin AP, phủ tổng thống Hàn Quốc đưa ra những bình luận trên khi bộ Ngoại Giao nước này thông báo tối 14/02 rằng Seoul đã thông qua thỏa thuận thiết lập quan hệ ngoại giao ở cấp đại sứ với La Habana và hai bên đã trao đổi nghị định thư tại Liên Hiệp Quốc. Cuộc gặp song phương không được công bố ngay do Seoul muốn giữ bí mật về các cuộc đàm phán được cho là nhạy cảm.
Một quan chức Hàn Quốc xin ẩn danh tiết lộ ban đầu Cuba lưỡng lự do « mối quan hệ hữu nghị » với Bắc Triều Tiên nhưng những cố gắng không ngừng của chính phủ của tổng thống Yoon Suk Yeol đã mang lại kết quả. Vẫn theo quan chức này, « việc thiết lập quan hệ ngoại giao (với Cuba) là đỉnh điểm nỗ lực của Hàn Quốc để mở rộng ngoại giao đến các nước thuộc khối xã hội chủ nghĩa, kể cả bạn hữu của Bắc Triều Tiên ».
Seoul đã báo trước cho Washington về quyết định thiết lập quan hệ ngoại giao với La Habana. Bộ Ngoại Giao Hàn Quốc, được hãng tin Yonhap trích dẫn, cho rằng việc thiết lập quan hệ ngoại giao với Cuba sẽ giúp thúc đẩy hợp tác giữa hai nước, tạo dựng cơ sở pháp lý cho các doanh nghiệp Hàn Quốc đầu tư vào quốc gia vùng Caribê, cũng như hỗ trợ lãnh sự cho công dân Hàn Quốc đến đảo quốc.
Cuba công nhận Hàn Quốc năm 1949 nhưng trao đổi giữa hai nước bị đình chỉ sau cuộc Cách mạng Cuba năm 1959. Được coi là nước anh em với Bắc Triều Tiên từ năm 1960, Cuba hiện trở thành nước thứ 193 thiết lập bang giao với Hàn Quốc.
Tokyo thận trọng với đề nghị ‘‘mời thủ tướng Nhật thăm Bắc Triều Tiên’’
Trọng Thành /RFI
16/02/2024
Nhật Bản và Bắc Triều Tiên tỏ một số dấu hiệu muốn bình thường hóa quan hệ, nhưng con đường còn rất xa. Trong một thông báo hôm nay, 16/02/2024, phát ngôn viên của chính phủ Nhật cho biết Tokyo ‘‘sẽ lưu tâm’’ đến đề xuất mời thủ tướng Nhật Fumio Kishida đến thăm Bình Nhưỡng của Kim Yo Jong, người em gái đầy quyền lực của lãnh đạo Bắc Triều Tiên.
Hình lưu trữ: Chánh văn phòng thủ tướng Nhật Yoshimasa Hayashi, tại cuộc họp báo ở Tokyo, ngày 10/01/2024. AP
Hôm qua, em gái lãnh đạo Bắc Triều Tiên đã đưa ra một tuyên bố thoạt nhìn có vẻ đầy triển vọng. Tuyên bố được đưa ra trong bối cảnh hồi tuần trước thủ tướng Nhật khẳng định ‘‘có một nhu cầu lớn’’ cải thiện quan hệ song phương hiện tại.
Theo hãng thông tấn Nhà nước Bắc Triều Tiên KCNA, bà Kim Yo Jong cho rằng Bắc Triều Tiên và Nhật Bản ‘‘có thể mở ra một tương lai mới trong quan hệ song phương’’, và ‘‘không có lý do nào khiến hai nước không thể xích lại gần nhau’’. Tuy nhiên, bà Kim Yo Jong cũng nói rõ là hai bên chỉ có thể ‘‘cùng nhau mở ra một tương lai mới’’ với điều kiện Nhật Bản chấp nhận khép lại vấn đề người Nhật bị bắt cóc.
Một trong những bất đồng lớn giữa hai bên là Tokyo không chấp nhận quan điểm của Bình Nhưỡng, coi vấn đề người Nhật bị Bắc Triều Tiên bắt cóc những năm 1970 – 1980 ‘‘đã được giải quyết’’.
AFP dẫn lời phát ngôn viên chính phủ Nhật Yoshimasa Hayashi, nhấn mạnh là việc Bắc Triều Tiên cho vấn đề bắt cóc đã được giải quyết là điều ‘‘hoàn toàn không thể chấp nhận được’’. Theo chuyên gia về Bắc Triều Tiên Masao Okonogi, giáo sư danh dự Đại học Keiko ở Tokyo, ‘‘không có gì cho thấy quan hệ song phương sẽ tiến triển trong thời gian tới’’, và Tokyo sẽ không có lợi ích gì khi tổ chức một cuộc thượng đỉnh, nếu Bình Nhưỡng tiếp tục lờ đi vấn đề nói trên.
Năm 2002, Bình Nhưỡng thừa nhận đã bắt cóc tổng cộng 13 người Nhật, và buộc họ dạy tiếng và phong tục Nhật Bản cho các gián điệp Bắc Triều Tiên. Cùng năm này, Bắc Triều Tiên trả tự do cho 5 người Nhật và cho biết tất cả những người khác đã chết. Đối với phía Nhật, con số người bị bắt cao hơn nhiều. Cho đến nay, Tokyo vẫn kiên quyết đòi Bình Nhưỡng trao trả toàn bộ.
Đài Nhật NHK dẫn lời một nguồn tin chính phủ Nhật Bản cho hay, tuyên bố của em gái lãnh đạo Bắc Triều Tiên cũng có thể nhằm mục tiêu làm sói mòn các nỗ lực của ba quốc gia đồng minh Mỹ, Nhật, Hàn nhằm đưa ra các chính sách chung liên quan đến Bắc Triều Tiên.
Không có nhận xét nào