Võ Thái Hà tổng hợp
Xung đột Gaza : Thủ tướng Israel bác đề xuất ngưng bắn của Hamas
Phan Minh /RFI
08/02/2024
Thủ tướng Israel Benyamin Netanyahu hôm qua, 07/02/2024, đã bác bỏ đề xuất ngưng bắn của phong trào Palestine Hamas và ra lệnh cho quân đội Israel chuẩn bị tiến vào thành phố Rafah ở cực nam Gaza, khu vực có hơn một triệu người Palestine đang lánh nạn.
Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu trong cuộc họp nội các hàng tuần tại Bộ Quốc Phòng ở Tel Aviv, Israel, ngày 07/01/2024. REUTERS - RONEN ZVULUN
Từ Jerusalem, thông tín viên Michel Paul cho biết thêm chi tiết :
Thủ tướng Israel cho rằng yêu cầu của Hamas về một lệnh ngưng bắn mới và trao đổi tù nhân là điên rồ. Netanyahu tuyên bố chỉ có áp lực quân sự mới có thể giúp Israel giải thoát những con tin này. Nhượng bộ sẽ khuyến khích một cuộc thảm sát mới, cho nên phải chiến đấu đến cùng, chiến dịch sẽ kết thúc trong vài tháng nữa.
Như vây, qua phát biểu của thủ tướng Netanyahu, Israel sẽ không nhượng bộ Hamas. Trước những lời lẽ hết sức gay gắt của Netanyahu, 6 con tin được thả đã lên tiếng nài nỉ thủ tướng tối qua ở Tel Aviv. « Ông Netanyahu, nếu ông vẫn đi theo con đường này, thì sẽ không còn con tin nào được phóng thích nữa », đó là lời ta thán của bà Dina Moché, bị bắt ngày 07/10/2023 tại Kibbutz Nir Oz. Người phụ nữ 72 tuổi, được thả vào ngày 24/11, rơm rớm nước mắt cho biết, chỉ khi nào tất cả các con tin được thả thì mới có thể xem là giành chiến thắng tuyệt đối.
Tại Tel Aviv, sau khi hội đàm với thủ tướng Netanyahu, ngoại trưởng Hoa Kỳ Anthony Blinken hôm qua nhận định hai bên vẫn còn « cơ hội để đạt được thỏa thuận hưu chiến ». Ông cảnh báo lãnh đạo Israel không nên có những hành động và lời lẽ « gây căng thẳng ».
Thượng viện Mỹ bác bỏ dự luật về an ninh biên giới
08/02/2024
Chủ tịch Hạ viện Mike Johnson từng tuyên bố dự luật an ninh biên giới và tài trợ cho Ukraine và Israel sẽ “chết khi đến” Hạ viện.
Đảng Cộng hòa tại Thượng viện Hoa Kỳ hôm 7/2 đã đánh bại nỗ lực lưỡng đảng nhằm tăng cường an ninh biên giới vốn phải mất nhiều tháng để đàm phán, nhưng cho biết họ vẫn có thể chấp thuận viện trợ cho Ukraine và Israel vốn đính kèm trong thỏa thuận.
Với tỷ lệ bỏ phiếu 49-50, Thượng viện đã không thông qua được gói viện trợ trị giá 118 tỷ đô la của lưỡng đảng nhằm thắt chặt di trú, giúp Ukraine chống lại cuộc xâm lược của Nga và hỗ trợ Israel trong cuộc chiến với Hamas.
Dự luật này cần 60 phiếu tại Thượng viện để tiến tới. Đảng Dân chủ đang kiểm soát Thượng viện với tỷ số 51-49.
Trong nhiều tháng, Đảng Cộng hòa đã nhấn mạnh rằng bất kỳ khoản viện trợ bổ sung nào cho hai đồng minh của Mỹ cũng phải giải quyết được số lượng lớn di dân đang tràn vào biên giới Mỹ, mối quan tâm hàng đầu của cử tri.
Chỉ có 4 trong số 49 đảng viên Cộng hòa của Thượng viện bỏ phiếu tán thành dự luật.
Tuy nhiên, việc dự luật thất bại vẫn để ngỏ khả năng Quốc hội vẫn có thể cung cấp viện trợ cho các đồng minh của Hoa Kỳ. Thượng viện dự kiến sẽ bỏ phiếu vào cuối ngày về gói trị giá 96 tỷ đô la loại bỏ các điều khoản di trú nhưng vẫn giữ nguyên viện trợ nước ngoài.
Ngay cả khi được thông qua ở Thượng viện, khoản viện trợ đó vẫn phải đối mặt với những triển vọng không chắc chắn tại Hạ viện, vì đảng Cộng hòa kiểm soát Hạ viện đã ngần ngại hỗ trợ thêm cho Ukraine.
Chủ tịch Hạ viện Mike Johnson từng tuyên bố dự luật này sẽ “chết khi đến” Hạ viện.
Ông Johnson cho biết hôm 7/2 rằng ông sẽ tổ chức thêm một cuộc biểu quyết nữa để luận tội Bộ trưởng An ninh Nội địa Alejandro Mayorkas, sau khi nỗ lực đầu tiên thất bại trong cuộc bỏ phiếu 214-216 hôm 6/2.
Triều Tiên hủy bỏ mọi hợp tác kinh tế với Hàn Quốc
08/02/2024
Ảnh chụp một phiên họp của quốc hội Triều Tiên do hãng thống tấn KCNA công bố hôm 28/9/2023 (AFP PHOTO/KCNA VIA KNS).
Hãng thông tấn chính thức của Triều Tiên KCNA đưa tin hôm thứ Năm 8/2 rằng Hội đồng Nhân dân Tối cao Triều Tiên (tức quốc hội) đã bỏ phiếu hủy bỏ tất cả các thỏa thuận với Hàn Quốc về thúc đẩy hợp tác kinh tế.
Quốc hội, là cơ quan thực hiện các bước chính thức để thông qua các quyết định về chính sách của Đảng Lao động cầm quyền, cũng đã bỏ phiếu bãi bỏ các luật về quan hệ kinh tế với Seoul, bao gồm cả luật đặc biệt về việc vận hành dự án du lịch Núi Kumgang (Kim cương).
Các chuyến tham quan đến ngọn núi tuyệt đẹp - nằm ngay phía bắc của đường biên giới ở phía đông - là biểu tượng của sự hợp tác kinh tế đã bắt đầu trong thời kỳ có sự tương tác giữa hai miền Triều Tiên vào đầu những năm 2000, thu hút gần 2 triệu du khách Hàn Quốc.
Dự án bị đình chỉ vào năm 2008 sau khi một du khách Hàn Quốc đi lạc vào khu vực cấm bị lính gác Triều Tiên bắn chết.
Hyundai Asan, một chi nhánh của tập đoàn Hyundai Group đã đầu tư hơn 750 tỷ won (564 triệu USD) để phát triển dự án Kumgang, từ chối bình luận với Reuters về tin của KCNA.
Bộ Thống nhất Hàn Quốc, cơ quan xử lý mối quan hệ với Bình Nhưỡng, nói rằng hành động của Triều Tiên không có gì đáng ngạc nhiên và sẽ chỉ khiến nước này càng bị cô lập nhiều hơn mà thôi. Seoul không công nhận động thái đơn phương này, một quan chức nói thêm.
Bản tin của KCNA không đề cập đến luật đặc biệt của Triều Tiên về một dự án kinh tế chung lớn khác, là khu công nghiệp Kaesong, nơi mà vào thời kỳ đỉnh cao của nó đã có các nhà máy của 125 công ty Hàn Quốc và tuyển dụng 55.000 công nhân Triều Tiên.
Các công ty đã rút đi và khu nhà máy đóng cửa vào năm 2016 khi Seoul đình chỉ dự án sau khi Triều Tiên thử hạt nhân lần thứ năm và phóng các tên lửa đạn đạo tầm xa.
Vào tháng 1, Hàn Quốc đã đóng cửa một quỹ nhà nước hỗ trợ việc phát triển và vận hành khu công nghiệp Kaesong, vào thời điểm đó được coi là dấu hiệu cho thấy Seoul cho rằng dự án khó có thể được hồi sinh.
Triều Tiên nói họ coi Hàn Quốc là kẻ thù trong chiến tranh và năm ngoái đã hủy bỏ một hiệp ước quân sự được ký vào năm 2018 nhằm giảm căng thẳng leo thang gần đường ranh giới quân sự được ký kết theo thỏa thuận ngừng bắn chấm dứt Chiến tranh Triều Tiên 1950-53.
Mexico soán ngôi Trung Quốc trong việc nhập khẩu hàng vào Mỹ
Nguyên Lee/SGN
07/02/2024
Các container vận chuyển hàng hóa xuất khẩu với hàng hóa do Mexico sản xuất đã sẵn sàng được chuyển đến Hoa Kỳ tại khu phức hợp hải quan Pantaco vào ngày 7 Tháng Sáu 2019 tại Thành phố Mexico, Mexico. (ảnh: Hector Vivas/Getty Images)
Lần đầu tiên sau hơn hai thập niên, Mexico vượt qua Trung Quốc để trở thành nguồn hàng nhập khẩu hàng đầu vào Mỹ hồi năm ngoái.
Việc soán ngôi này như đổ thêm dầu vào lửa, gia tăng sự căng thẳng giữa Washington và Bắc Kinh, làm Trung Quốc ‘ngứa mắt” trước nỗ lực của Hoa Kỳ trong việc nhập khẩu hàng hóa từ các quốc gia thân thiện hơn và gần hơn về khoảng cách địa lý.
Số liệu do Bộ Thương mại Hoa Kỳ công bố hôm Thứ Tư 7 Tháng Hai cho thấy giá trị hàng hóa nhập khẩu vào Hoa Kỳ từ Mexico đã tăng gần 5% từ năm 2022 đến năm 2023, lên hơn $475 tỷ. Trong khi đó, giá trị nhập khẩu của Trung Quốc giảm 20%, xuống còn $427 tỷ.
Như vậy, Mexico đã làm xoay chuyển tình thế sau 21 năm, vì vào năm 2002 là năm cuối cùng hàng hóa Mexico nhập khẩu vào Mỹ vượt quá giá trị nhập khẩu của Trung Quốc.
Quan hệ kinh tế giữa Hoa Kỳ và Trung Quốc đã xấu đi nghiêm trọng trong những năm gần đây khi Bắc Kinh đấu tranh mạnh mẽ về thương mại và thực hiện những cử chỉ quân sự đáng lo ngại ở miền Viễn Đông.
Vào năm 2018, chính quyền Trump bắt đầu áp thuế đối với hàng nhập khẩu của Trung Quốc, cho rằng các hoạt động thương mại của Bắc Kinh đã vi phạm các quy tắc thương mại toàn cầu. Tổng thống Joe Biden vẫn giữ nguyên các mức thuế đó sau khi nhậm chức vào năm 2021, nói rõ rằng sự phản đối đối với Trung Quốc sẽ là điểm chung hiếm hoi giữa các đảng viên Đảng Dân chủ và Đảng Cộng hòa.
Khách ở Houston ghé mua hàng tại một cơ sở kinh doanh nhỏ nhập khẩu từ Mexico, Trung và Nam Mỹ. (minh họa: Marie D. De Jesus / Houston Chronicle via Getty Images)
Để thay thế cho việc sản xuất ra nước ngoài sang Trung Quốc, nơi mà các tập đoàn Hoa Kỳ đã tham gia từ lâu, chính quyền Tổng Thống Biden kêu gọi các công ty tìm kiếm nhà cung cấp ở các nước đồng minh (friend-shoring) hoặc quay trở lại sản xuất ở Hoa Kỳ (reshoring’) “đưa hoạt động sản xuất về nước”). Sự gián đoạn chuỗi cung ứng liên quan đến đại dịch COVID-19 cũng khiến các công ty Hoa Kỳ tìm kiếm nguồn cung gần Hoa Kỳ hơn (near-shoring’).
Mexico là một trong những quốc gia được hưởng lợi từ sự chuyển dịch ngày càng thoát khỏi sự phụ thuộc vào các nhà máy Trung Quốc. Nhưng thật ra, bức tranh có vẻ tươi sáng này phức tạp hơn bạn tưởng. Một số nhà sản xuất Trung Quốc đã thành lập nhà máy ở Mexico để khai thác lợi ích từ Hiệp định Thương mại Mỹ-Mexico-Canada có tuổi đời ba năm, cho phép thương mại miễn thuế ở Bắc Mỹ đối với nhiều sản phẩm.
Derek Scissors, một chuyên gia về Trung Quốc tại Viện Doanh nghiệp Mỹ (American Enterprise Institute) lưu ý rằng sự sụt giảm lớn nhất trong nhập khẩu của Trung Quốc là máy tính, điện tử, hóa chất và dược phẩm, toàn là những mặt hàng nhạy cảm về mặt chính trị.
Scissors nói, ông không nghĩ là Mỹ sẽ thoải mái hơn ở những lĩnh vực máy tính, điện tử, hóa chất và dược phẩm vào năm 2024 và 2025, đồng thời dự đoán rằng việc Trung Quốc-Mexico đảo ngược việc nhập khẩu vào Hoa Kỳ chẳng có gì là sáng sủa.
Các container vận chuyển hàng hóa xuất khẩu với hàng hóa do Mexico sản xuất đã sẵn sàng được chuyển đến Hoa Kỳ tại khu phức hợp hải quan Pantaco vào ngày 7 Tháng Sáu 2019 tại Thành phố Mexico, Mexico. (ảnh: Hector Vivas/Getty Images)
Scissors cho rằng việc Mỹ giảm sự phụ thuộc vào hàng hóa Trung Quốc phần nào phản ánh sự cảnh giác đối với các chính sách kinh tế của Bắc Kinh dưới thời Chủ tịch Tập Cận Bình. “Tôi nghĩ chính các công ty Mỹ đã muộn màng quyết định rằng Tập Cận Bình là không đáng tin cậy,” ông nói.
Lệnh phong tỏa nghiêm ngặt nhằm ngăn chặn sự lây lan của dịch bệnh COVID-19 của Tập Cận Bình đã khiến nhiều khu vực đáng kể của nền kinh tế Trung Quốc rơi vào tình trạng bế tắc vào năm 2022 và các quan chức của ông đã đột kích các công ty ngoại quốc trong các cuộc điều tra phản gián rõ ràng.
Nhìn chung, thâm hụt của Hoa Kỳ trong thương mại hàng hóa với phần còn lại của thế giới – khoảng cách giữa giá trị của những gì Hoa Kỳ bán và những gì Hoa Kỳ mua ở ngoại quốc – đã thu hẹp 10% vào năm ngoái xuống còn $1.06 nghìn tỷ.
Tiến sĩ Phil: Lo ngại người Trung Quốc vượt biên vào Mỹ sẽ làm gián điệp
Bình Minh
Công dân Trung Quốc vượt sông Rio Grande vào Texas Mỹ đã bị nhân viên biên phòng Mỹ phát hiện. Hình ảnh ngày 5/5/2022. (Ảnh: Brandon Bell/Getty)
Người dẫn chương trình truyền hình nổi tiếng của Mỹ, Tiến sĩ Phil McGraw đã xuất hiện trên Fox News hôm thứ Ba (6/2), để thảo luận về chuyến đi gần đây của ông tới biên giới Mỹ-Mexico, nơi có một lượng lớn người nhập cư Trung Quốc. Ông lo ngại người Trung Quốc vượt biên vào Hoa Kỳ sẽ làm gián điệp.
Tiến sĩ Phil nói với ông Sean Hannity, một nhà văn kiêm người dẫn chương trình truyền hình bảo thủ người Mỹ, rằng ông lo ngại những người Trung Quốc vượt biên sẽ làm gián điệp từ ngành họ đang làm việc.
Trước đây, nhiều người di cư gây ra cuộc khủng hoảng biên giới Hoa Kỳ đến từ Trung và Nam Mỹ, nhưng hiện tại có hàng chục nghìn người đến từ Trung Quốc.
Cục Hải quan và Bảo vệ Biên giới Hoa Kỳ báo cáo, 24.048 công dân Trung Quốc đã bị bắt ở biên giới Mexico trong giai đoạn kết thúc năm tài chính 2023 vào tháng 9, nhiều hơn cả 10 năm trước đó cộng lại.
Con số này cao hơn 10 lần so với 1.970 người bị bắt giữ được ghi nhận trong năm tài chính 2022, trong khi chỉ có 323 người Trung Quốc vượt biên bị bắt vào năm 2021 do dịch viêm phổi Vũ Hán (COVID-19).
(Nội dung ảnh: Tiến sĩ Phil gợi ý những người vượt biên Trung Quốc vào Hoa Kỳ là gián điệp gửi ‘hạt giống trồng trọt trở lại’: ‘Tôi hứa với bạn, họ chắc hẳn sẽ làm một số việc nhất định’ | Daily Mail Online https://t.co/461sn8LGl1
– Những người quản lý tự do của Mỹ (@ASL_Liberty) ngày 7/2/2024)
Tuần trước, Tiến sĩ Phil đã chỉ trích các chính sách nhập cư của Tổng thống Biden. Ông nói rằng chúng đang làm trầm trọng thêm một “cuộc khủng hoảng nhân đạo” ở biên giới phía nam.
Người dẫn chương trình trò chuyện 73 tuổi này cho biết ông đến biên giới Texas để “tận mắt chứng kiến” dòng người nhập cư bất hợp pháp vào Mỹ không được kiểm soát.
Ông cho biết, hơn 6 triệu người nhập cư bất hợp pháp đã vượt qua biên giới phía nam Texas chỉ trong 3 năm, nhiều hơn dân số của 33 bang khác nhau ở đất nước này.
Các quan chức biên giới đã gặp phải con số kỷ lục là 302.000 cuộc chạm trán với người di cư trong tháng 12/2023. Căng thẳng ngày càng gia tăng giữa các quan chức Texas và chính phủ liên bang về cách ngăn chặn dòng người di cư.
Trong khi đó, TikTok đã đăng video nhắc nhở người nhập cư về những điểm vào dễ dàng nhất.
Người dùng TikTok dường như đang phá hoại các nỗ lực củng cố hệ thống phòng thủ khi tuyên truyền cho người di cư về những điểm yếu của hệ thống này, bao gồm cả các lỗ hổng trên hàng rào giữa Mexico và California.
Vào Chủ nhật 4/2, những người Trung Quốc xếp hàng để đi qua hang một cách có trật tự đã nói với chương trình “60 Minutes” [của hãng truyền thông Mỹ CBS] rằng họ biết về lối vào qua một video trên TikTok.
Một phụ nữ thông qua một người phiên dịch nói với chương trình rằng động lực của cô không chỉ là lý do tài chính, mà có thể tóm gọn trong một từ: “Tự do”.
Một video cung cấp hướng dẫn từng bước về cách thuê những kẻ buôn lậu, cũng như hướng dẫn chi tiết cách nhắm vào các lỗ hổng trong hệ thống phòng thủ biên giới.
Những người vượt biên cũng sử dụng ứng dụng Trung Quốc này để quảng cáo các dịch vụ bất hợp pháp và đổi lấy tiền mặt.
Những người xin tị nạn và các nhà quan sát Trung Quốc được hãng tin AP phỏng vấn cho biết, họ đang tìm cách thoát khỏi bầu không khí chính trị ngày càng bị đàn áp nghiêm trọng và nền kinh tế ảm đạm của Trung Quốc.
Giờ đây, khi nền kinh tế Trung Quốc đang nỗ lực phục hồi và tỷ lệ thất nghiệp ở thanh niên vẫn ở mức cao, tình trạng di cư lại bắt đầu. Liên Hợp Quốc dự đoán, Trung Quốc sẽ mất 310.000 người trong năm nay do di cư, so với 120.000 vào năm 2012.
Một người về hưu 75 tuổi có tên Schuster sở hữu mảnh đất gần khu lỗ hổng biên giới. Khu đất này là nơi những người di cư chờ đợi để được Đội tuần tra Biên giới đón.
Cơ quan Hải quan và Bảo vệ Biên giới Mỹ cho biết các đặc vụ của họ không có thẩm quyền ngăn chặn người dân đi qua những khoảng trống như những khoảng trống gần nhà Schuster. Họ chỉ có thể bắt giữ những người nhập cư sau khi những người này xâm nhập bất hợp pháp.
Về việc bịt lỗ hổng này, cơ quan này cho biết nằm trong danh sách ưu tiên của họ nhưng cần nguồn tài trợ từ Quốc hội.
TQ: Người dân về quê ăn Tết mắc kẹt trên đường cao tốc 3 ngày 3 đêm
Bình Minh
Ảnh trái và giữa: Video quay cảnh hành khách bị mắc kẹt do ùn tắc giao thông ở Hồ Bắc và Hồ Nam vào tháng 2/2024. Ảnh bên phải: Nguyên nhân gây ùn tắc giao thông lớn chỉ là một sườn đồi nhỏ. (Ảnh chụp màn hình từ video)
Từ sáng sớm ngày 3/2, bão tuyết và mưa băng liên tục xảy ra ở Hồ Bắc, tình trạng ùn tắc phương tiện trên đường cao tốc ngày càng gia tăng. Người dân Hồ Bắc về quê ăn Tết bị kẹt trên đường cao tốc 3 ngày 3 đêm trong cái đói và lạnh, nhưng chính quyền không có động thái xử lý vụ việc.
Chiều 6/2, Đài quan sát Khí tượng Vũ Hán tiếp tục đưa ra cảnh báo màu cam về mưa nhiệt độ thấp, tuyết và băng giá, tuyết vẫn tích tụ dày đặc và đường đóng băng ở hầu hết các khu vực của tỉnh Hồ Bắc.
Dự kiến tuyết sẽ rơi ở phía nam tỉnh Hồ Bắc từ 8 giờ tối ngày 6/2 đến 8 giờ tối ngày 7/2. Nhiệt độ thấp nhất trong tỉnh sẽ dưới -2oC, tiếp tục có mưa, tuyết và thời tiết đóng băng ở nhiệt độ thấp.
Tuyết rơi dày đặc và mưa băng giá kể từ ngày 3/2 đã khiến giao thông ở tỉnh Hồ Bắc bị tê liệt. Bài viết của cư dân mạng “Vista nhìn thiên hạ” ngày 5/2 cho biết, khu vực mưa lạnh ở tỉnh Hồ Bắc nằm ở ngã 3 của một số tỉnh, trong đó có Vũ Hán, tuyến đường giao thông của 9 tỉnh.
Nước mưa cục bộ gần như biến thành băng khi rơi xuống đất. Do mưa đóng băng ngưng tụ thành băng rất nhanh, thảm thực vật và ô tô cũng bị đóng băng hoàn toàn.
Những người bị mắc kẹt trên đường về nhà dùng từ “bò” để mô tả 3 ngày 3 đêm họ bị mắc kẹt trên đường cao tốc Tiên Đào ở tỉnh Hồ Bắc. Một số người phải tự cứu mình giữa tuyết rơi, đói khát và lo lắng. Họ trèo qua lan can bảo vệ đường cao tốc để mua mì ăn liền tại khu dịch vụ.
Do chính quyền không hành động, nhiều người đã phải bất chấp cái lạnh khắc nghiệt đội tuyết đẩy từng chiếc xe…
Theo báo cáo của truyền thông Đại Lục, tính đến 14h ngày 5/2, vẫn còn 100 trạm thu phí đường cao tốc ở tỉnh Hồ Bắc áp dụng các biện pháp kiểm soát giao thông do đường bị đóng băng, chủ yếu tập trung ở Vũ Hán, Hiếu Cảm, Kinh Châu, Hoàng Cương, Hàm Ninh, Tùy Châu và các khu vực khác.
Trong báo cáo của The Paper ngày 6/2, nhiều người bị mắc kẹt trên đường cao tốc ở Hồ Bắc đã chia sẻ về cảnh ngộ của mình.
Ngày 2/2, hai vợ chồng cô Đồ Vĩnh Lê (Tu Yongli) và đồng hương khởi hành từ Đông Quan, Quảng Đông, lái xe về Thiểm Tây để đón Tết.
Dự đoán có khả năng sẽ bị tắc nghẽn trên đường cao tốc ở Hồ Bắc, họ đã chọn lái xe gần 600 km bằng đường vòng từ Cửu Giang, tỉnh Giang Tây. Vốn nghĩ rằng có thể về nhà vào trưa ngày hôm sau, nhưng kết quả là họ đã bị mắc kẹt trên đường cao tốc Tiên Đào mà họ phải đi qua.
Khi được phỏng vấn vào trưa ngày 5/2, cô cho biết mình mắc kẹt trên đường đã 3 ngày. Vì xe không còn nhiều xăng nên họ không dám bật máy sưởi, trời quá lạnh, họ phải xuống xe và nhảy trên tuyết để sưởi ấm.
Khi tình trạng ùn tắc ngày càng gia tăng, Đồ Vĩnh Lê nhìn thấy nhiều chủ xe leo xuống lan can đường cao tốc trong gió lạnh, xách xô đi tìm chỗ đổ xăng và mua một ít đồ ăn trên đường về.
Cô cho biết, rạng sáng ngày 4/2, vẫn chưa có ai dọn dẹp tuyết hay chỉ đạo trên đường cao tốc. Cô và người đồng hương bắt đầu nghĩ cách dọn tuyết bám trên xe. Họ không có găng tay, sau khi dọn tuyết khỏi cửa sổ, họ dùng tay không đào tuyết cạnh lốp xe.
Cùng lúc đó, người dân tự phát đẩy xe của mình ra khỏi tuyết. Phải 7, 8 người mới đẩy được một chiếc ô tô, còn có một ông cụ đi xuống hỗ trợ. Họ đẩy từng chiếc một, những chiếc xe phía sau cũng nhích từng bước một.
Khoảng 4, 5 giờ chiều ngày 4/2, cuối cùng xe của cô cũng ra khỏi đường cao tốc. Khi đi đổ xăng, vì xe nhiều mà ít xăng nên mỗi xe chỉ được đổ xăng tối đa 100 tệ. Khi đó, tuyết và giao thông hỗn loạn đã khiến cây xăng bị tắc nghẽn, mọi người lại xuống giúp đẩy xe.
“Năm nay là năm khó khăn nhất”
Ngô Đình và đồng hương của cô lái xe về quê, cả nhóm khởi hành từ Vô Tích, Giang Tô. Sáng ngày 3/2, khi đang lái xe vào tỉnh Hồ Bắc, xe của họ bắt đầu bị trơn trượt, hầu như không thể di chuyển được.
Trong video cô quay trực tiếp cho thấy, tuyết trên đường lúc đó đã bám vào bánh xe. Những chiếc xe nối đuôi nhau dọc đường chỉ cách nhau khoảng một thùng xe. Nóc xe phủ một lớp tuyết. Tuyết trên nhiều cần gạt nước kính chắn gió cũng đã đóng thành bánh.
“Năm nay là năm khó khăn nhất”, cô cho biết. Những năm trước khi lái xe về nhà đón năm mới, cô chưa bao giờ gặp phải tình trạng ùn tắc nghiêm trọng do thời tiết khắc nghiệt như vậy.
Đêm đó, cô gọi đến đường dây nóng của thị trưởng thành phố Tiềm Giang nhưng cuộc gọi không kết nối được. “Tôi chỉ muốn hỏi chúng tôi sẽ bị kẹt xe trong bao lâu?”
Chuyến đi kéo dài 2 giờ như thường lệ cuối cùng lại bị mắc kẹt trong xe suốt đêm
Sáng sớm ngày 3/2, gia đình 5 người của ông Từ Thuận khởi hành từ Vũ Hán, lái xe về quê hương ở Nghi Xương, cách đó 300 km. Trên đoạn đường dài 4km tính từ khu dịch vụ Kinh Châu, giao thông đã ùn tắc 22 giờ.
Người đàn ông 72 tuổi này đã 10 năm chưa về thăm quê hương Nghi Xương vào dịp Tết. Bình thường, quãng đường từ Vũ Hán đến Nghi Xương không xa, nên lần này ông muốn đưa cả nhà về quê đón Tết.
Nhưng ùn tắc giao thông bắt đầu khi xe chạy đến Tiên Đào, tỉnh Hồ Bắc. Thông thường, hành trình của họ qua thành phố Tiềm Giang chỉ khoảng 2 giờ, nhưng lần này lại mất gần nửa ngày. Đêm đó, khi họ rời khỏi Tiền Giang và chỉ còn cách khu dịch vụ Kinh Châu 4 km, thì giao thông bắt đầu ùn tắc. Họ phải ngồi trên xe cả đêm, run rẩy vì đói và lạnh.
Báo cáo trên đã bị đẩy vào danh sách tìm kiếm nóng. Cư dân mạng bình luận: Điều này cho thấy chính quyền Hồ Bắc chưa có động thái xử lý. Tuyết tuy ướt, nhưng vẫn chưa đóng băng hoàn toàn, chỉ cần tuyết được dọn sạch, sẽ không bị chặn như thế này.
Dự báo thời tiết cách đây một tuần đã nói sẽ có thời tiết khắc nghiệt, nhưng các bộ phận liên quan của đường cao tốc lại không có kế hoạch gì? Nếu không rải chất làm tan tuyết trước hoặc đồng thời và làm sạch thì khi tuyết đóng băng sẽ khó xử lý.
Số phận của Trump sẽ được quyết định ở Toà Tối cao
Vào thứ Năm, Tòa án Tối cao Hoa Kỳ sẽ xem xét liệu một điều khoản 158 năm tuổi của hiến pháp có cấm Donald Trump tái tranh cử tổng thống nhiệm kỳ hai hay không. Mục 3 của Tu Chính án thứ 14 cấm các quan chức giữ chức vụ công trong tương lai nếu, sau khi đã tuyên thệ ủng hộ hiến pháp, tham gia vào “hành vi nổi dậy hoặc nổi loạn.” Hồi tháng 12, Tòa Tối cao Colorado đã tuyên bố ông Trump không đủ điều kiện có tên trên lá phiếu của bang vì đã kích động cuộc bạo loạn ở Điện Capitol ngày 6 tháng 1 năm 2021 — và “đã đích thân hành động” để ngăn chặn việc kiểm phiếu đại cử tri.
Các luật sư của ông Trump cho rằng hành động của ông không phải ” nổi dậy” và mô tả bài phát biểu của ông trước những người ủng hộ là “biểu tình ôn hòa và yêu nước.” Trong khi đó, câu hỏi về việc liệu cựu tổng thống có còn được hưởng quyền miễn trừ truy tố hay không cũng sẽ được đưa lên Tòa Tối cao vào tuần tới, sau khi một tòa án cấp dưới bác bỏ đơn kháng cáo của Trump vào thứ Ba. Các thẩm phán có thể sẽ cho phép ông Trump tái tranh cử nhưng bác bỏ yêu cầu miễn trừ pháp lý của ông.
Pakistan tiến hành tổng tuyển cử trong bất ổn
Người dân Pakistan sẽ đi bỏ phiếu vào thứ Năm để bầu quốc hội mới cũng như các hội đồng ở bốn tỉnh. Các tướng lĩnh đầy quyền lực của đất nước đã thể hiện rõ quan điểm của họ. Cả Imran Khan, một cựu thủ tướng được ủng hộ sâu rộng, lẫn đảng Tehreek-e-Insaf (PTI) Pakistan của ông đều không có tên trong lá phiếu. Tuần trước, ông Khan, người vốn đang ngồi tù, lại bị tuyên thêm ba án tù nữa trong các phiên tòa vội vàng. Ủy ban bầu cử đã liệt kê các ứng viên PTI là độc lập để gây nhầm lẫn cho cử tri của ông Khan.
Nhân vật dẫn đầu là Nawaz Sharif. Cựu thủ tướng ba nhiệm kỳ đã trở về nước sau bốn năm sống lưu vong ở London. Ông cam kết mang lại tăng trưởng kinh tế, giảm lạm phát (hiện lên tới 28% theo năm trong tháng 1) và gửi “thông điệp hòa bình” tới Ấn Độ. Nhưng thách thức lớn nhất của ông là duy trì mối quan hệ làm việc với các tướng lĩnh. Các vấn đề với lực lượng vũ trang từng khiến ông Sharif phải bỏ dở nhiệm kỳ trước.
Các thử thách trước mắt của tân thống đốc ngân hàng trung ương Thổ Nhĩ Kỳ
Fatih Karahan, thống đốc mới của ngân hàng trung ương Thổ Nhĩ Kỳ, sẽ trình bày báo cáo lạm phát hàng quý vào thứ Năm. Cựu phó thống đốc đã lên thay Hafize Gaye Erkan, người phụ nữ đầu tiên lãnh đạo ngân hàng, vào thứ Bảy. Bà từ chức sau những cáo buộc về chế độ gia đình trị, điều mà bà phủ nhận. Thống đốc mới đã cam kết tuân thủ việc hoạch định chính sách chính thống, bằng cách giữ lãi suất ở mức cao để giảm lạm phát.
Ông có rất nhiều việc phải làm. Bất chấp một loạt đợt tăng lãi suất tổng cộng 36,5 điểm phần trăm trong bảy tháng qua, lạm phát ở Thổ Nhĩ Kỳ vẫn dai dẳng. Nhờ giảm thuế và tăng lương tối thiểu, giá tiêu dùng đã tăng 6,7% trong tháng 1, đánh dấu mức tăng theo tháng cao nhất kể từ tháng 8, và qua đó đưa lạm phát hàng năm lên 64,9%. Ngân hàng trung ương trước đó đã dự đoán tốc độ tăng giá sẽ chậm lại đáng kể vào mùa xuân. Ông Karahan có thể sẽ sớm phải đưa ra một dự báo khiêm tốn hơn.
Kỷ nguyên lụi tàn của ANC ở Nam Phi
Tổng thống Nam Phi Cyril Ramaphosa sẽ có bài phát biểu Thông điệp Quốc gia thường niên trước quốc hội vào thứ Năm, lần cuối trong nhiệm kỳ 5 năm của ông. Nhưng thành tích của ông khó mà đem ra khoe được. Một năm trước, ông Ramaphosa nói chính phủ của ông sẽ tập trung vào các vấn đề mà người dân Nam Phi quan tâm nhất. Ông hứa sẽ giảm tình trạng mất điện đang làm tê liệt nền kinh tế, chống tội phạm, và tạo việc làm. Nhưng kể từ đó Nam Phi đã trải qua đợt cắt điện tồi tệ nhất từ trước đến nay, trong khi tỷ lệ giết người tăng vọt. Thất nghiệp có giảm nhưng vẫn ở mức 32%.
Bầu cử toàn quốc dự kiến sẽ được tổ chức chậm nhất là vào ngày 5 tháng 8. Theo một cuộc thăm dò gần đây, tỉ lệ ủng hộ của đảng Đại hội Dân tộc Phi (ANC) cầm quyền đã giảm mạnh xuống dưới 40%. Hiện nay gần như chắc chắn ANC sẽ lần đầu tiên mất đa số trong nghị viện kể từ khi chế độ apartheid bị chấm dứt vào năm 1994, dù họ vẫn được cho là sẽ bám lấy quyền lực ở vị trí đứng đầu một chính phủ liên minh.
Không có nhận xét nào